* LỜI BÌNH VỀ VIỆT BẮC:
- Nhà thơ chào Việt Bắc trước khi về xuôi. Anh gọi Việt Bắc là mình, như một người yêu, hay đúng hơn, như một người bạn đời đã cùng nhau gánh vác nhiều khó nhọc, chia sẻ nhiều vui buồn, nhiều tình và nhất là nhiều nghĩa với nhau. Cái nghĩa ấy từ những ngày càng gian khổ nhất mười mấy năm trước khi lực lượng cách mạng mới nhóm lên giữa rừng thiêng, những ngày chiến khu Việt Minh, “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”. Những người dân Việt Bắc cực khổ là những người trung thành nhất với cách mạng… Giữa đời sống gian khổ, cái tình nghĩa cách mạng là ấm áp nhất, đẹp đẽ nhất. Cái nghĩa tình từ thuở đầu cách mạng ấy càng sâu sắc hơn trong kháng chiến. Những người dân Việt Bắc sống vẫn chật vật vô cùng giữa thiên nhiên lộng lẫy mà gay gắt. Nhà thơ nhìn thấm thíavào cái anh dũng thầm lặng hàng ngày của quần chúng lao động.
Thương nhau chia củ sắn lùi
…Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Và nụ cười thương yêu của nhà thơ bỗng gặp hình ảnh cô em gái hái măng một mình như làm sáng cả rừng núi.
… Khi Tố Hữu làm thơ về những phiên họp của Chính phủ, câu thơ trang trọng và
sang sảng, đầy ánh sáng của buổi trưa rực rỡ trong tâm hồn nhà thơ. Ánh sáng ấy dẫn đến một đoạn kết, có thể là cái nút động của cả bài thơ khi nhìn về “mười lăm năm ấy”:
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: cụ Hồ sáng soi
…Quê hương cách mạng dựng nên Cộng Hòa
(Theo Nguyễn Đình Thi)
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?
… Linh hồn của câu đọng ở ba chữ mình. Hai chữ mình trước ngôi thứ hai đã đành,
chữ mình sau cũng là ngôi thứ hai. Lạ nhất là đại từ mình ngôi thứ hai này. Trong ca dao không gặp kiểu đại từ đổi ngôi như vậy. Câu thơ vốn có gốc rễ sâu xa trong ca dao của dân tộc bỗng vụt lớn lên, mới mẻ, hiện đại. Nói nôm na ra là anh đi anh có nhớ anh không?... Câu hỏi thật sâu nặng nghe mà giật mình. Ca dao chỉ đòi nhớ em thôi. Vậy mà Tố Hữu đã thêm hương thêm sắc cho chữ tình. Và chủ đề sâu sắc của bài thơ lộ ra một cách kín đáo, chứ không đợi đến những câu ướm hỏi dè chừng sau này.
(Theo Nguyễn Đức Quyền)