Những câu chuyện không bao giờ là cũ

S

scientists

Bài học nhớ đời- Mikhankốp

Gấu lớn cứ bắt nạt Thỏ nhỏ. Chẳng chi cả mà nó cứ tóm lấy Thỏ rồi bạt tai đến nỗi một bên tai Thỏ vẹo hẳn xuống.

Chú Thỏ khốn khổ khóc mãi, khóc hoài. Tai chú cuối cùng rồi cũng hết ê ẩm, nước mắt cũng đã khô, thế mà chú vẫn thấy đau. Chú phải làm gì đây? Tại sao chú lại cứ đụng phải cái gã Gấu hết lần này đến lần khác như thế kia chứ! Xưa nay chú chưa bao giờ phải chịu cái nông nỗi này. Nhưng lấy ai là người có thể giúp đỡ chú được? Gấu là ngã khỏe nhất trong khu rừng này. Còn Sói và Cáo là bạn chí thân của gã. Chúng vẫn thường về hùa với Gấu.

- Ai có thể giúp tôi được đây? - Thỏ than vãn.

- Được, tôi đây! – Có ai đó kêu lên.

Thỏ liếc con mắt trái và thấy Muỗi.

Làm sao bạn có thể giúp tôi được?

- Thỏ nói - Bạn làm gì nổi Gấu? Gã quá to, mà bạn thì nhỏ như thế. Bạn không đủ sức mạnh đâu!

- Được, đợi coi nhé! - Muỗi nói.

Gấu đã lang thang suốt ngày qua khu rừng nóng nực. Gã mệt mỏi và buồn ngủ, liền lăn ra đám cây mâm xôi nằm nghỉ. Nhưng khi ngã vừa nhắm mắt lại, thì gã nghe có tiếng gì vo ve bên tai: “Vi...e...é...”

Gấu biết đó là tiếng chú Muỗi. Gấu nín hơi đợi cho Muỗi đậu lên mũi. Muỗi lượn vòng quanh, vòng quanh và rồi cuối cùng đậu lên ngay chóp mũi của Gấu. Gấu vung bàn tay trái lên, đạp bóp một cái vào chóp mũi của gã! Như vậy là dạy cho gã một bài học rồi!

Gấu trở mình qua bên phải nhắm mắt lại. Nhưng đúng lúc đang ngáy dở, ngã lại nghe thấy tiếng gì vo ve bên tai: “Vi...e...é...”

- Thằng Muỗi phải cút đi ngay từ lúc đó rồi chứ!

Gấu nín thở nằm yên, giả bộ ngủ say, nhưng suốt thời gian đó gã lắng nghe, đợi cho Muỗi tìm nơi đậu khác.

Còn Muỗi thì cứ tiếp tục vo ve, vo ve rồi đột nhiên ngừng bặt.

- Thật là thoát nợ! - Gấu nhủ thầm và nằm duỗi ra. Nhưng, Muỗi đã lại nhẹ nhàng đậu lên tai Gấu và bò vô trong. Muỗi chích Gấu một cú đau dễ sợ! Gấu nhảy dựng lên. Gã vung bàn tay phải, đập vô tai gã mạnh đến nỗi nảy đom đóm mắt. Dứt khoát, cú đó thì đủ săn sóc cho cái thằng Muỗi đến tàn đời.

Gấu gãi tai và sửa soạn chỗ nằm. Gã có thể ngủ được rồi đây! Nhưng đúng lúc ngã vừa nhắm mắt, thì lại nghe có tiếng “Vi...e...é” quen thuộc.

- Thật là tai họa không thể chịu được nữa!

Gấu rền rỉ, vùng dậy, đâm đầu chạy khỏi cái nơi Muỗi đã đưa nó vào tròng. Gã trượt té, xô bừa qua các bụi cây, ngáp đến sái quai hàm, vừa đi vừa buồn ngủ đến suýt ngục xuống. Thế mà Muỗi vẫn ở ngay bên cạnh: “Vi...e...é”

Gấu lại tiếp tục chạy. Gã chạy đến hụt hơi rồi gục xuống dưới một lùm cây. Gã nằm đó thở hổn hển, dỏng đôi tai lên lắng nghe tìm Muỗi.

Khu rừng thật là yên vắng, và tối đen như mực. Tất cả các loài chim, thú đều đang ngủ ngon lành. Riêng Gấu trằn trọc và gần xỉu vì kiệt sức.

- Khốn khổ quá! - Gấu tự nhủ: - Cái thằng Muỗi nhép đó nó gây khốn đốn cho mình, đến chẳng còn nhớ nổi tên mình là gì nữa. Sung sướng là mình đã xoay xở thoát được. Bây giờ, cuối cùng thì mình cũng có thể ngủ được một chút.

Gấu tới dưới một bụi dẻ lớn. Gã nhắm mắt lại và ngủ vật vờ. Gã bắt đầu mơ. Gã thấy mình đang ở trong rừng, bất ngờ gặp một tổ ong đầy mật. Gã sắp thọc tay vô tổ ong thì đã nghe có tiếng vẳng tới: “Vi...e...é”.

Muỗi đã tìm được Gấu và cuối cùng lại đánh thức Gấu dậy!

Gấu gồi dậy, rên rỉ. Trong khi đó Muỗi tiếp tục bay vòng quanh đầu gã, lúc tới gần, khi xa xa, vo ve lúc to lên, khi nhỏ lại, cho đến lúc đột nhiên Muỗi ngừng hẳn. Muỗi đã biến mất rồi ư?

Gấu đợi một lát, rồi gã bò lết ra xa, vô một bụi cây, nhắm mắt lại. Toại nguyện. Gã vừa chợp mắt thì đúng khi đó, Muỗi cất lên giọng ca “Vi...e...é”.

Gấu bò lê ra khỏi bụi cây. Gã bắt đầu gào khóc.

- Thì mày muốn gì, hở loài sâu bọ? Tao cầu cho mày chết rũ! Mày đợi đấy! Tao không thèm ngủ một tí nào nữa. Tao sẽ tóm được mày cho mà coi!

Muỗi đã cho Gấu “khiêu vũ” đến tận lúc mặt trời lên. Nó đã làm cho Gấu hoàn toàn mệt lử. Suốt đêm Gấu chẳng được nghỉ lấy một chút nào. Gã đã tự đập gã đến thâm tím mình mẩy, để cố bắt cái thằng Muỗi nhép đó mà không được.

Mặt trời lên. Những con chim, con thú tỉnh dậy sau một đêm ngủ ngon lành. Chúng nhảy nhót và ca hót vui vẻ. Chỉ một mình Gấu không vui vẻ gì trước lúc bắt đầu một ngày mới.

Thỏ gặp Gấu ở ven rừng buổi sáng hôm đó. Gấu xù bước vấp, bước trượt, lảo đảo lê đi. Nó chẳng thế nào mở nổi con mắt ra nữa, vì quá buồn ngủ.

Thỏ cười đã đời! Nó cười đến suýt bể bụng ra mất.

- Cảm ơn Muỗi nhé!

- Thỏ vui vẻ nói khi vừa trông thấy Muỗi.

- Bạn thấy gã Gấu đấy chứ?

- Tất nhiên rồi! - Thỏ đáp rồi lại bật cười.

- Bạn thấy tôi cũng không đến nỗi bé nhỏ và yếu ớt quá như người ta tưởng, phải không?

Muỗi nói xong, vừa bay đi vừa cất giọng hát “Vi...e...é".
ST​
 
S

scientists

Vẻ đẹp

Gấu và Sói ngồi nói chuyện trên trời dưới đất.

Cạnh đó có một chị Bướm đang bay lượn. Chị bay từ cây này sang cây khác.

Nhìn thấy chị Bướm, bác Gấu đưa mắt ngắm nghía.

- Xem kìa! - Bác nói với anh Sói - Tuyệt diệu làm sao!

- Ở đâu? - Sói hỏi.

- Đấy kìa, trên cành cây, ngay trên đầu anh đấy! Một chị Bướm! Biết bao nhiêu vẻ đẹp trên thân hình chị!...

- Trên thân hình chị Bướm ấy à? - Sói cười mỉa.

- Anh không thích chị Bướm ấy ư? - Bác Gấu ngạc nhiên.

- Có cái gì hay ho trong con bướm ấy nào?

- Khỏi nói! - Bác Gấu cãi lại - Anh xem kìa! Chị ấy bay lượn mới nhẹ nhàng uyển chuyển làm sao! Những nét hoa trên đôi cánh đẹp đẽ làm sao! Thật là tuyệt vời!

- Uyển chuyển ư? Nét hoa ư? Tôi chẳng thấy một cái gì gọi là hay ho cả!

- Nhưng...

- Không có "nhưng" gì cả! Cách đây không lâu, tôi nhìn thấy một con Cừu non mũm mĩm. Chà, toàn là thịt! - Sói nói, hai mắt sáng rực lên - Đấy mới thật là đẹp!

- A! - Bác Gấu nói, vẻ chán chường - Thiết tưởng tôi đã hiểu anh...

ST​
 
S

scientists

Bốn ngón tay

Lúc mới sinh ra, cậu bé đã bị mù. Khi cậu lên 6, một việc xảy ra làm em không tự giải thích được. Buổi chiều nọ, em đang chơi đùa cùng các bạn, một cậu bé khác đã ném trái banh về phía em. Chợt nhớ ra cậu bé la lên:

- Coi chừng ! Quả banh sắp văng trúng đấy.

Quả banh đã đập trúng người cậu, và cuộc sống của cậu không như trước đây nữa. Cậu bé không bị đau, nhưng cậu thật sự băn khoăn.

Cậu quyết định hỏi mẹ:

- Làm sao cậu ta biết điều gì sắp xãy ra cho con trước khi chính con nhận biết được điều đó?

Mẹ cậu thở dài, bởi cái giây phút bà e ngại đã đến! Đã đến cái thời khắc đầu tiên mà bà cần nói rõ cho con trai mình biết: "Con bị mù!".

Rất dịu dàng bà cầm bàn tay của con, vừa nắm từng ngón tay và đếm:

- Một - hai - ba - bốn - năm. Các ngón tay này tựa như năm giác quan của con vậy. Ngón tay bé nhỏ này là nghe, ngón tay xinh xắn này là sờ chạm, ngón tay tí hon này là ngửi, còn ngón bé tí này là nếm...".

Ngần ngừ một lúc, bà tiếp:

- ... Còn ngón tay tí xíu này là nhìn. Mỗi giác quan của con như mỗi ngón tay, chúng chuyên chở bức thông điệp lên bộ não con".

Rồi bà gập ngón tay bà đặt tên "nhìn", khép chặt nó vào lòng bàn tay của con, bà nói:

- Con ạ! Con là một đứa trẻ khác với những đứa khác, vì con chỉ có bốn giác quan, như là chỉ có bốn ngón tay vậy: một - nghe , hai - sờ, ba - ngửi, bốn - nếm. Con không thể sử dụng giác quan nhìn. Bây giờ mẹ muốn chỉ cho con điều này. Hãy đứng lên con nhé.

Cậu đứng lên. Bà mẹ nhặt trái banh lên bảo:

- Bây giờ con hãy đặt bàn tay của con trong tư thế bắt trái banh.

Cậu mở lòng bàn tay và trong khoảnh khắc cậu cảm nhận được quả banh cứng chạm vào các ngón tay của mình. Cậu bấu chặt quả banh và giơ lên cao.

- Giỏi! Giỏi! - Bà mẹ nói - Mẹ muốn con không bao giờ quên điều con vừa làm. Con cũng có thể giơ cao quả banh bằng bốn ngón tay thay vì năm ngón. Con cũng có thể có và giữ được một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc với chỉ bốn giác quan thay vì năm nếu con bước vào cuộc sống bằng sự nỗ lực thường xuyên!

Cậu bé không bao giờ quên hình ảnh "bốn ngón tay thay vì năm". Đối với cậu đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Và hễ cứ mỗi khi nhụt chí vì sự khiếm khuyết của mình, cậu lại nhớ đến biểu tượng này để động viên mình. Cậu hiểu ra rằng mẹ cậu đã nói rất đúng. Cậu vẫn có thể tạo được một cuộc sống trọn vẹn và giữ lấy nó chỉ với bốn giác quan mà cậu có được.

ST​
 
S

scientists

Câu cá

Cậu bé 11 tuổi và rất thích câu cá. Cậu đi câu cá bất cứ lúc nào có thể và thường ngồi câu ở cái vũng nơi căn lều nhà cậu, nằm trên một đảo nhỏ giữa hồ.

Một lần, cậu theo bố đi câu cá vào buổi chiều tối. Cậu mang theo ít giun làm mồi với hy vọng bắt được vài con cá. Cậu móc mồi rồi bắt đầu tập quăng mồi. Lưỡi câu đập thẳng vào mặt nước và tạo ra những gợn sóng nhiều màu sắc trong ráng chiều. Ngồi khá lâu, bỗng cậu cảm thấy cần câu rung lên, rõ ràng có cái gì đó rất nặng móc vào cần câu. Bố cậu quan sát đứa con khéo léo giật cần câu, nhấc lên một con cá đang vùng vẫy. Đó là con cá to nhất cậu bé từng nhìn thấy. Hai bố con nhìn con cá to bự đang quẫy. Người cha nhìn đồng hồ. Mới 8 giờ tối. Còn 4 tiếng nữa mới bắt đầu mùa câu. Ông bảo:

- Con trai, con phải thả nó ra đi. Chưa đến mùa câu.

- Kìa bố! - Cậu con trai kêu lên.

- Sẽ có những con cá khác - Bố cậu bình tĩnh nói.

- Nhưng không to như con này! - Cậu bé rên lên.

Cậu nhìn quanh hồ. Không có ai, cũng chẳng có tàu thuyền tuần tra. Cậu lại ngước nhìn bố. Không ai nhìn thấy họ, tức là sẽ không ai biết họ câu được cá. Và dù có người biết, người đó cũng không thể biết cậu câu được cá lúc mấy giờ. Nhưng cậu bé, qua sự rõ ràng trong giọng nói của bố cậu, biết rằng quyết định của ông sẽ không thay đổi. Cậu chậm chạp gỡ con cá ra và thả nó xuống mặt hồ đen lóng lánh. Con vật quẫy thật mạnh và lao biến đi. Cậu bé biết rằng rồi cậu sẽ chẳng bao giờ bắt được con cá to như thế nữa.

Đó là câu chuyện 34 năm về trước. Bây giờ, cậu bé đã là một kiến trúc sư thành đạt. Cái lều của gia đình anh vẫn ở trên hòn đảo nhỏ giữa hồ New Hampshire. Và anh cũng đưa con trai, con gái của mình đi câu. Anh đã đoán đúng. Anh không bao giờ bắt được một con cá to và đẹp như hồi nhỏ nữa. Nhưng anh luôn nhìn thấy con cá đó, từ lần này sang lần khác, mỗi khi anh đặt ra một câu hỏi về đạo đức. Vì, như cha anh đã dạy, đạo đức là những vấn đề đơn giản: đúng hay sai. Chỉ có điều: hành động đạo đức - ngay cả khi không có ai quan sát mình - mới là khó mà thôi.


ST​
 
S

scientists

Món quà giáng sinh- O'Henry

Một đồng tám mươi bảy xu, đúng như vậy. Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày, ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Della đếm lại số tiền ít ỏi một lần nữa. Không hề có sự nhầm lẫn, chỉ có một đồng tám mươi bảy xu, và ngày mai sẽ là lễ giáng sinh.

Cô sẽ không thể làm gì hơn, chỉ còn cách ngồi xuống và khóc mà thôi. Ở đó, trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn, cô đang nức nở.

Della sống trong căn phòng nhỏ nghèo nàn này với chồng của cô, James Dillingham Young, ở thành phố NEW YORK.

Họ có một phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. James Dillingham Young may mắn hơn cô vì anh ấy có việc làm. Tuy vậy đó không phải là một công việc kiếm được nhiều tiền. Tiền thuê căn phòng này chiếm gần hết lương của anh ấy. Della đã cố gắng rất nhiều để tìm một công việc nhưng vận may đã không mỉm cười với cô. Tuy nhiên, cô rất hạnh phúc khi ôm Jim, James Dillingham Young, trong tay mỗi khi anh trở về.

Della đã ngừng khóc. Cô lau khô mặt rồi đứng nhìn một chú mèo xám trên bức tường đồng màu với nó bên cạnh con đường tối ngoài cửa sổ.

Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món quà. Cô muốn mua một món quà thật sự có ý nghĩa, một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh.

Della chợt xoay người chạy đến bên chiếc gương treo trên tuờng. Mắt cô sáng lên.

Cho đến bây giờ, gia đình James Dillingham Young chỉ có hai vật quí giá nhất. Một thứ là chiếc đồng hồ vàng của Jim. Chiếc đồng hồ này trước đây thuộc sở hữu của cha anh ta và trước nữa là ông nội anh. Thứ còn lại là mái tóc của Della.
Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng. Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô. Della cuộn tóc lên lại. Cô đứng lặng đi rồi thút thít một lát.

Della bước chậm rãi qua các cửa hàng dọc hai bên đường rồi dừng lại trước bảng hiệu "Madame Eloise". Tiếp cô là một phụ nữ mập mạp, bà ta chẳng có một chút vẻ "Eloise" nào cả.

Della cất tiếng hỏi: "Bà mua tóc tôi không?"

- "Tôi chuyên mua tóc mà", bà ta đáp và bảo : "Hãy bỏ nón ra cho tôi xem tóc của cô đi".

Suối tóc nâu đẹp tụyệt vời buông xuống.

- "Hai mươi đồng" - bà ta định giá, bàn tay nâng niu mái tóc óng ả.

- "Hãy cắt nhanh đi! và đưa tiền cho tôi" - Della nói.

Hai giờ tiếp theo trôi qua nhanh chóng. Cô tìm mua quà cho Jim trong các cửa hiệu trong niềm vui khôn tả. Cuối cùng cô cũng chọn được một thứ. Ðó là môt sợi dây đồng hồ bằng vàng. Jim rất quí chiếc đồng hồ của mình nhưng rất tiếc là nó không có dây. Khi Della trông thấy sợi dây này cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó.

Cô trả hai mươi mốt đồng để mua và vội vã trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại.

Ðến nhà, Della ngắm mái tóc cực ngắn của mình trong gương và nghĩ thầm :"Mình có thể làm gì với nó đây?". Nửa giờ tiếp theo cô nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Xong Della lại ngắm nghía mình trong gương lần nữa. Tóc của cô bây giờ toàn những sợi quăn quăn khắp đầu. "Chúa ơi, mình trông như một con bé nữ sinh ấy!". Cô tự nhủ: "Jim sẽ nói gì khi thấy mình như thế này?"

Bảy giờ tối, bữa ăn đuợc chuẩn bị gần xong. Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim.

Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một cát áo khoác mới. Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên. Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: "Ðừng nhìn em như thế, anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói "Giáng sinh vui vẻ", em có một món quà rất hay cho anh này!"

- Em đã cắt mất tóc rồi à? - Jim hỏi.

- Ðúng thế, em đã cắt và bán rồi, vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? Em vẫn là em mà! - Della nói.

Jim nhìn quanh rồi hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn: "Em nói là em đã bán tóc à?"

- Ðúng, em đã nói vậy, vì em yêu anh! Chúng ta có thể ăn tối được chưa, Jim?

Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói: "Anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy".

Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung suớng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống. Trong đó là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có đuợc nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!

Della nâng niu món quà, mắt tràn đầy hạnh phúc: "Tóc em sẽ chóng dài ra thôi Jim", nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim và chạy đi lấy.

- Ðẹp không anh? Em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi. Nhanh lên, đưa nó cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này.

Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cuời nói: "Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi em ạ".
ST​
 
S

scientists

Bàn tay nguyện cầu

Vào thế kỷ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đình rất đông con. 18 đứa! Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố - một người thợ kim hoàn – đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ một bất kỳ công việc gì mà người trong làng thuê ông.

Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng thật đáng buồn vì người cha sẽ chẳng bao giờ kiếm đủ tiền để gửi họ đến học viện ở Nuremberg. Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội, hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ gần nhà kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau 4 năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ.

Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg. Albert bắt đầu chuỗi ngày làm việc vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt bốn năm đều đặn gửi cho anh khoản tiền lương ít ỏi. Tại học viện, tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp, Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền lớn nhờ bán tranh.

Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một bữa tiệc lớn ăn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ. Sau bữa ăn dài thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn bày tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật: “Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh – Albrecht trìu mến nói – đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”.

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, chỉ có thể nghẹn ngào: “Không… không… không…”.

Cuối cùng Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói:

- Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi…

Lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn 450 năm. Giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn người ta biết đến tranh ông, thậm chí treo trong nhà bản sao của chỉ một tác phẩm duy nhất.

Người ta kể lại rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là “The praying hands”. Nếu có dịp bạn được thấy bản sao của tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người họa sĩ.
St​
 
S

scientists

Làm gương

Nauy, một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một người đàn ông say rượu đang lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 14 tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại. Những bước chân ngả nghiêng chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè :

- Mày đi kiểu gì vậy ?

Cậu bé trả lời:

- Dạ con đi theo bước chân của cha!

Sự gương mẫu đối với trẻ em là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục. Chúng ta có thể huyên thuyên giảng giải trong hàng giờ đồng hồ song chúng chẳng nhớ bao nhiêu, thế nhưng những gì chúng nhìn thấy sẽ để lại những ấn tượng rất sâu đậm. Rồi đến một ngày, chúng ta nhìn thấy con em chúng ta nói những lời giống hệt như ta, giận dữ hệt ta, hống hách hệt ta, lười biếng hệt ta … Và chúng sẽ trả lời với ta rằng :”Con đang bước theo bước chân của ba mẹ!”.

Xitrum.net​
 
S

scientists

Phép lạ

Đau khổ trong đời là điều không thể tránh, nhưng sầu thảm lại là vấn đề tự chọn của mỗi người.

Mỗi tháng người quản lý của nghĩa trang đều nhận được một số tiền từ bà mệnh phụ tật nguyền đang được điều trị tại một bệnh viện trong thành phố. Số tiền ấy dành để mua hoa đặt lên mộ người con của bà ta, một chàng trai trẻ đã chết trong một tai nạn ô tô hai năm về trước.

Ngày nọ, một chiếc ô tô đi vào nghĩa trang và dừng lại trước ngôi nhà phủ đầy dây trường xuân, đó là nơi bác quản lý nghĩa trang sử dụng làm văn phòng tiếp khách. Người tài xế bước xuống xe. Ở băng ghế sau, một người phụ nữ lớn tuổi ngồi nhắm mắt bất động, bà ta trông xanh xao như một xác chết.

“Bà ta yếu quá. Không thể ra khỏi xe được - người tài xế nói với bác quản lý nghĩa trang - ”Xin bác vui lòng lên xe, đưa chúng tôi đến mộ thằng bé con bà ấy. Bà ta cũng muốn yêu cầu bác giúp cho một số việc. Bác thấy đấy, bà ta không còn sống được bao lâu nữa. Bà ấy đã yêu cầu tôi, một người bạn cố cựu của gia đình, đưa bà ấy đến đây để thăm mộ con trai lần cuối.”

“Có phải là quý bà Wilson đấy không?” - Bác quản lý đưa mắt nhìn sang bà mệnh phụ ngồi trong xe. Ông tài xế gật đầu.

“Vâng, tôi biết bà ấy" - Bác quản lý gật gù - “Hằng tháng, bà Wilson có gửi tiền cho tôi để đặt hoa cho ngôi mộ của con bà ta". Bác theo ông tài xế đến bên xe, bước vào hàng ghế sau ngồi cạnh bà mệnh phụ. Hai người lặng lẽ chào nhau qua ánh mắt. "Bà ta trông mong manh như cánh hoa tàn úa và xanh xao như một xác ướp", bác quản lý nhận xét thầm. Trong con người của bà ta, tất cả đều đã buông xuôi và từ chối cuộc sống, ngoại trừ đôi mắt; đôi mắt sâu thẳm mang nặng một nỗi đau thầm lặng và u uất.

“Tôi là bà Wilson” - Bà ta thầm thì - “Hai năm qua, mỗi tháng…”

“Vâng, đúng vậy. Mỗi tháng tôi đều nhận được tiền của bà” - Bác quản lý nhẹ nhàng đỡ lời.

“Hôm nay, tôi đến đây” - bà Wilson cố gắng nói tiếp, “bởi vì các bác sĩ trong bệnh viện nói rằng tôi chỉ sống được vài tuần nữa thôi. Trước khi tôi chết, tôi muốn được nhìn mộ con trai tôi lần cuối. Nhân tiện tôi muốn gặp ông để thu xếp việc gửi tiền đặt hoa cho mộ con tôi sau này.”

Bà có vẻ kiệt sức vì phải nói nhiều. Chiếc xe chầm chậm rẽ vào một ngõ hẹp, tiến dần đến ngôi mộ đứa con trai bà mệnh phụ ấy rồi dừng lại. Bà mẹ tội nghiệp cố sức ghé đầu qua ô cửa kính để nhìn ra ngôi mộ của con. Không gian tĩnh lặng, tiếng chim chíu chít đâu đó bên trên những tán cây.

Bác quản lí nghĩa trang lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng. “Thưa bà, tôi luôn lấy làm tiếc vì món tiền bà đã thường xuyên gửi đến để đặt hoa cho ngôi mộ.”

Thoạt đầu bà mệnh phụ có vẻ không nghe được câu nói ấy. Sau đó bà chầm chậm xoay đầu lại. ”Xin lỗi ông” - bà ta thì thào - ”Ông đang nói đến việc gì thế! Con trai của tôi…”

“Vâng, tôi hiểu” - bác quản lí dịu dàng ngắt lời - “Bà biết không, tôi là thành viên trong nhóm cứu trợ nhà thờ. Hằng tuần chúng tôi đều tổ chức đi thăm bệnh viện, trại tế bần, nhà dưỡng lão, nhà tù… Ở những nơi ấy, có nhiều người sống cần được quan tâm, đa số họ đều yêu thích hoa. Họ còn có thể nhìn ngắm màu sắc và thưởng thức mùi hương của hoa. Còn ngôi mộ này…” - bác quản lí đưa mắt về phía ngôi mộ…- "không có sự sống trong đó, không có ai nhìn ngắm và thưởng thức nét đẹp và hương thơm của hoa. Vì thế, tôi…” - Bác quay mặt đi và tránh cái nhìn của người mẹ sầu khổ, giọng của bác lạc dần rồi tắt hẳn.

Bà mệnh phụ không nói gì cả, mắt đăm đăm nhìn về phía ngôi mộ của cậu con trai. Dường như hằng tiếng đồng hồ đã trôi qua trong bầu không khí lặng lẽ và ngột ngạt ấy. Cuối cùng bà ta khẽ đưa tay ra hiệu, người lái xe cho xe quay trở về phòng tiếp khách của nghĩa trang.

“Mình đã xúc phạm bà ấy” - bác quản lý đưa mắt nhìn theo, lòng thầm nghĩ “ - Đúng ra mình không nên nói cho bà ta biết điều ấy.”

Vài tháng sau, bác quản lí nghĩa trang không khỏi ngạc nhiên trước một cuộc viếng thăm bất ngờ và thú vị. Bà mệnh phụ ấy đã tìm đến gặp bác. Lần này không có tài xế, bà ta tự mình lái xe đến nghĩa trang. Bác quản lí không còn tin vào mắt mình nữa.

“Vâng, ông đã nói đúng, ông quản lí thân mến!” - Bà Wilson vui vẻ mở lời - “Về chuyện thưởng thức hoa đó mà! Đó chính là lý do tại sao tôi ngưng gởi tiền cho ông suốt mấy tháng vừa qua. Hôm ấy tôi trở về bệnh viện, không thể nào gạt được những lời của ông ra khỏi tâm trí. Sau đó tôi bắt đầu đặt hoa gởi tặng cho các bệnh nhân trong bệnh viện, những người không được ai tặng hoa cả. Tôi cảm thấy vui khi họ yêu thích và thưởng thức chúng – những cánh hoa tươi đẹp đến từ một người hoàn toàn xa lạ. Điều đó đã khiến họ vui và tin tưởng hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, điều đó đã làm tôi hạnh phúc và vui với cuộc sống.”

“Không có vị bác sĩ nào hiểu được” - bà ta nheo mắt, “phép lạ nào đã khiến tôi bình phục nhanh đến thế. Chỉ có tôi biết được điều ấy thôi!”
ST​
 
S

scientists

Hãy làm ngay!- Dennis E. Mannering

Trong lớp học dành cho người lớn, tôi giao cho mỗi người bài tập "Đến gặp một người mà anh chị yêu thương nhất, và nói với người đó rằng anh chị yêu họ."

Tuần sau vào buổi học kế tiếp, một người trong số các học trò của tôi đã kể lại:

- "Tôi đã giận thầy Dennis khi thầy giao cho chúng tôi phải làm việc này vào tuần trước. Tôi nghĩ tôi không cần phải nói với ai những lời yêu thương như vậy. Nhưng khi tôi đang lái xe về nhà, lương tâm của tôi bắt đầu lên tiếng. Khi đó, tôi biết chính xác tôi cần phải nói với ai câu nói đó. Năm năm trước, tôi và Cha tôi đã có một cuộc cãi nhau dữ dội và vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Chúng tôi tránh mặt nhau trừ những buổi bắt buộc cả gia đình tụ họp. Gần như chúng tôi không nói với nhau một lời. Khi về tới nhà tôi nhận thức rõ ràng rằng tôi sẽ tới gặp Cha và nói với Cha rằng tôi yêu người biết chừng nào.

Sau khi quyết định như vậy dường như một gánh nặng đã trút khỏi vai tôi. Vào 5:30 sáng, tôi đã có mặt tại nhà bố mẹ và bấm chuông gọi cửa, thầm cầu nguyện mong Cha sẽ mở cửa. Tôi sợ rằng nếu Mẹ ra mở, tôi sẽ không có đủ can đảm và nói với Mẹ thay vì với Cha. Nhưng may mắn đã mỉm cười với tôi và Cha đã ra mở cửa.

Tôi không bỏ phí lấy một giây - bước lên một bước tôi nói với Cha: "Cha, con muốn tới để nói với Cha rằng con yêu thương Cha."

Dường như có điều gì đó đã truyền từ tôi sang Cha. Trước mắt tôi, khuôn mặt của Cha dịu hẳn lại, những nếp nhăn dường như biến mất và Cha bật khóc. Cha mở rộng cánh tay ôm tôi vào lòng và nói rằng: "Cha cũng thương yêu con lắm, con trai, nhưng cha đã không thể nói ra được điều này."

Nhưng đó không phải là điều tôi muốn nói. Hai ngày sau khi tôi gặp Cha tôi, người đã bị nhồi máu cơ tim và hiện nay đang ở trong bệnh viện. Tôi vẫn chưa rõ người có thể qua khỏi được hay không nữa.

Điều tôi muốn nói với các bạn là: Đừng chờ đợi làm những điều mà bạn cần phải làm. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chần chừ không nói với Cha? Hãy dành thời gian cho những việc bạn cần phải làm và hãy làm ngay đi!
ST​
 
S

scientists

Cách nhìn mới về cuộc sống

Khi tôi bắt đầu tập đạp xe đạp cách đây vài năm, tôi không bao giờ nghĩ rằng chuyện tôi luyện tập đạp xe sẽ trở thành một điều gì lớn hơn là một vài cuốc xe lòng vòng. Nhưng khi tôi khỏe lên, bạn bè tôi khuyến khích tôi nâng cao mức tập luyện và thử sức với vài cuộc đường dài. Cuộc thử sức đầu tiên là đoạn đường 150 dặm (hơn 200km), MS-150, một cuộc đua xe hàng năm quyên góp tiền cho việc nghiên cứu chống lại bệnh xơ cứng.

Khi tôi mới đăng ký dự thi, ý tưởng này dường như rất tuyệt vời - ủng hộ quyên góp cho một việc từ thiện khi chạy xe đường dài - và tôi rất hăng hái luyện tập. Nhưng khi cuộc đua đến, sự thiếu tự tin đã chiến thắng trong tôi. Tôi vẫn muốn quyên góp cho việc từ thiện, nhưng tôi không còn muốn chạy một đoạn đường dài như vậy trong suốt hai ngày liền.

Cuộc đua bắt đầu vào sáng ngày Chủ nhật tại vùng quê Georgia yên bình, và trong vài giờ đầu tiên tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Đây chính là điều mà tôi tưởng tượng, và tinh thần của tôi rất mạnh mẽ. Nhưng vào cuối ngày, tôi cảm thấy quá kiệt sức, nóng nảy.

Nếu ai đó tin rằng thể xác được nối với linh hồn, tôi đây sẽ là một ví dụ cụ thể. Mỗi điều than thở mà não đưa ra dường như đi thẳng tới hai chân tôi. "Mình không thể chịu nổi nữa," thì chân bắt đầu một cơn chuột rút, và "những người khác đều giỏi hơn mình" được tiếp theo là cảm giác hụt hơi, thiếu dưỡng khí. Tôi muốn bỏ cuộc.

Lên đến đỉnh đồi, cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nơi chân trời xa đã giúp tôi đi tiếp được vài phút nữa. Khi đó tôi bỗng chú ý một vận động viên trước tôi một khoảng xa, đang đạp xe rất chậm trong bóng chiều đỏ rực. Tôi cảm thấy người này có điều gì đó khác lạ, nhưng tôi không rõ là điều gì. Vì thế tôi cố chạy đuổi theo. Cô ta đang chạy, đạp chậm nhưng đều đều vững vàng, với khuôn mặt mỉm cười nhẹ nhàng và cương quyết – và rồi tôi nhận thấy rằng cô ấy chỉ có một chân.

Sự tập trung của tôi thay đổi ngay lập tức. Cả ngày tôi không tin tưởng vào thể xác của chính mình. Nhưng bây giờ tôi đã biết - không phải là thể xác mà chính là ý chí sẽ giúp tôi đạt được đích đến của mình.

Cả ngày hôm sau trời mưa. Tôi không trông thấy người nữ vận động viên một chân ấy nữa, nhưng tôi tiếp tục chạy mà không than thở, vì tôi biết rằng cô ấy đang cùng với tôi ở đâu đó trên đoạn đường. Và vào cuối ngày, vẫn cảm thấy mạnh mẽ, tôi đã hoàn tất được 150 dặm của mình.
ST​
 
S

scientists

Mất xe- Nguyễn Chí Hiếu

Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.

Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.

Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậy. "Xe mày đâu?". "Mất rồi". Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.

Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba: "Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn".

Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.
ST​
 
S

scientists

Tầng 80

Có hai anh em sống trên tầng 80 của một chung cư cao ngất. Một ngày kia về nhà sau giờ làm việc, họ choáng váng khi nhận ra thang máy của chung cư bị hư, họ buộc phải leo bộ lên căn hộ của mình.

Sau khi vất vả leo đến tầng 20, thở hổn hển và mệt mỏi, họ quyết định để những túi xách của mình lại đó và sẽ quay lại lấy vào ngày hôm sau. Khi lên đến tầng 40, người em bắt đầu lầm bầm và sau đó cả hai cãi nhau. Họ vừa tiếp tục những bước chân nặng nề của mình, vừa cãi nhau cho đến tầng 60. Bỗng họ nhận ra rằng mình chỉ còn có 20 tầng nữa thôi. Họ quyết định ngừng cãi và tiếp tục leo lên trong sự bình an. Họ yên lặng leo lên và cuối cùng cũng đến được căn hộ của mình. Đến nơi họ mới phát hiện đã để chìa khóa nhà trong những túi xách đã để lại ở tầng 20.

Câu chuyện này cũng tựa như cuộc đời chúng ta… Nhiều người trong chúng ta sống trong sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và bạn bè khi còn bé. Chúng ta hiếm khi thực hiện những gì mình thật sự muốn, luôn ở dưới rất nhiều áp lực và sự căng thẳng đến nỗi đến năm 20 tuổi, chúng ta mệt mỏi và quyết định vứt bỏ gánh nặng này đi.

Chúng ta sống một cách năng nổ và có những ước mơ lớn. Nhưng khi đến 40 tuổi, chúng ta bắt đầu đánh mất tầm nhìn và những giấc mơ của mình, cảm thấy không thỏa mãn và bắt đầu phàn nàn, chỉ trích. Đến tuổi 60, chúng ta nhận ra mình không còn nhiều thì giờ nữa để phàn nàn và chúng ta bước đi trong sự bình an, thanh thản. Chúng ta nghĩ không còn điều gì làm cho mình thất vọng nữa. Và rồi chợt nhận ra rằng không thể nào ngơi nghỉ trong sự bình an vì chúng ta còn những giấc mơ chưa thực hiện được - những giấc mơ mà chúng ta đã vứt bỏ cách đây 60 năm.

Vậy ước mơ của bạn là gì?
Hãy đi theo những ước mơ của mình để không phải sống trong sự hối tiếc.

ST​
 
S

scientists

Chân thành - sự khôn ngoan cao cấp


Người khôn ngoan thường làm đẹp lòng người khác và dễ đạt những thành công, nên hầu hết mọi người đều mong mình trở thành một người sớm khôn ngoan.

Để nhanh chóng có được điều ấy, một số bạn trẻ đã tìm cách làm đẹp lòng người khác bằng mọi cách, kể cả sự dối trá và lối sống hai mặt... Thế nhưng một bậc hiền triết lại cho rằng "Sự khôn ngoan cao cấp, đó là sự chân thành".

Đơn giản bởi lẽ, sự chân thành bao giờ cũng là điều được ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.

Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sống bên họ ta cảm thấy yên ổn, thanh thản vì không phải dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay phải khám phá ra những sự thật phũ phàng, đen tối.

Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục.

Hành xử trong sự chân thành, sẽ cho bạn sự tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh... Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Muốn thế hãy đánh giá đúng bản thân, đừng tự huyễn hoặc mình và cũng đừng huyễn hoặc người khác.

Nhưng tất cả sự chân thành phải được thể hiện trong sự tế nhị, đôn hậu và có văn hóa, nếu không nó cũng dễ trở thành thô thiển khó chấp nhận. Hãy phân biệt sự khôn ngoan thực sự với sự tinh khôn hoặc khôn ranh, đó là kẻ chỉ ''khôn" để cầu lợi.

Nếu được sống giữa một cộng đồng của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế.
ST​
 
S

scientists

Một việc nhỏ

Môt gia đình gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con nhỏ. Dịp hè, cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều và ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt.

Thế rồi chợt trông thấy một bà cụ nhỏ nhắn, ăn mặc xuyềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà càng khó coi. Bà cụ lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi.

Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta đi chỗ khác kiếm ăn.

Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà từ từ tiến về phía họ. Thế rồi cụ bà dừng lại, nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lẳng lặng làm công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng còn hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển.

Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ... sững sờ : Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván. Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: "Ồ tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi !".

Nghe xong câu chuyện người chồng vội vã chạy xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi. Bóng bà chỉ còn là một cái chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống.
ST​
 
S

scientists

Cuộc vận động của Susie-Thomas R. Overton

Làm bố mẹ, chúng ta thường học được nhiều điều nơi con cái cũng như chúng học được từ chúng ta. Bọn trẻ gợi cho ta nghĩ về cái thời hoa mộng đầy ắp những ý tưởng và hy vọng, cái thời mà những cay đắng của cuộc đời chưa dạy cho chúng ta biết nghi ngờ chính mình mỗi khi gặp phải khó khăn và trở ngại.

Con gái Susie của tôi đang học lớp 5 khi con bé học được bài học đầu đời về cuộc sống, cái chết và lòng trắc ẩn. Jeff, cậu bạn học của nó, bị chứng bệnh bạch
cầu. Cậu bé rất yếu và rụng cả tóc, phải thường xuyên nghỉ học. Trong khi một số bạn bè tránh xa, chế giễu hoặc nhạo báng Jeff, Susie lại quan tâm chăm sóc thằng bé và hai đứa trở thành đôi bạn thân thiết.

Trong suốt thời kỳ căn bệnh của Jeff thuyên giảm, Susie và Jeff thường ở bên nhau, chơi đùa, học chung và chuyện trò. Chúng tham gia cả những cuộc chạy đua tiếp sức của lớp 5K. Hai đứa chúng chẳng chịu rời nhau bao giờ.

Vì thế, quả là một cú sốc khủng khiếp đối với con bé Susie nhà tôi khi chứng kiến bệnh bạch cầu bộc phát và quật ngã người bạn thân thiết nhất của nó. Đó cũng là lúc cô con gái phi thường của tôi thể hiện hết khả năng sáng tạo và sức mạnh ý chí của nó. Điều ấy đã dạy cho chúng tôi biết thế nào là quyền năng của lòng tin.

Susie muốn làm một điều gì đó gợi cho mọi người nhớ về Jeff. Vì lúc còn khỏe mạnh Jeff rất yêu thích môn chạy đua, Susie nảy ra ý định tổ chức một cuộc chạy đua tưởng niệm Jeff Castro nhân danh hiệp hội những người bị bệnh bạch cầu. Khi Susie bày tỏ với chúng tôi ý nghĩ này, chúng tôi rất tự hào và xúc động nhưng cũng rất e dè. Chúng tôi biết Susie không có một chút khái niệm gì về tầm quan trọng của một công việc như thế, con bé cũng chẳng có kinh nghiệm hay hiểu biết gì để tổ chức chương trình ấy. Thực ra, chúng tôi cũng không biết làm cách nào để vận động một quĩ hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết lắng nghe rồi gác câu chuyện sang một bên. Chúng tôi thực sự không ngờ rằng Susie vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện ý định của mình cho đến khi tìm được người có khả năng giúp đỡ nó.

Không nói trước cho chúng tôi biết, Susie tìm đến các thầy cô. Cũng như chúng tôi, họ đã khen ngợi ý tưởng của con bé và cố gắng giải thích cho Susie rõ vì sao khó lòng thực hiện ý tưởng như thế. Bên cạnh thời gian và công sức phải bỏ ra, các thầy cô đã giảng giải với con bé Susie nhà tôi,con bé cần phải liên hệ và thuyết phục được những người thích hợp cũng như phải vận động cho được một số tiền tài trợ rất lớn. Họ đề nghị với Susie một số chương trình đơn giản hơn.

Susie chỉ lắng nghe, không nói gì và tiếp tục làm theo cách riêng của mình.

Bạn có thể hình dung được nỗi kinh ngạc của gia đình chúng tôi, khi mà chỉ độ hai tuần sau chúng tôi bắt đầu nhận được những cú điện thoại ở nhà từ Pepsi – Cola, Coors và nhiều công ty tiếng tăm khác hỏi tìm gặp Susie. Con bé đã liên hệ với các công ty này để xin tài trợ một cuộc đua, và họ muốn được biết thêm chi
tiết về chương trình tổ chức của cuộc đua ấy. Từ thời điểm đó, chúng tôi hiểu rằng cô con gái của mình quyết tâm thực hiện ước mơ của nó và chúng tôi không
thể nào làm ngơ được – một cuộc chạy đua sẽ phải được tổ chức và chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ con mình.

Sau nhiều tháng trời hoạch định, phối hợp và vận động gây quĩ, cuộc chạy đua Jeff Castro của hiệp hội những bệnh nhân bệnh bạch cầu đã được tổ chức. Liệu chương trình ấy có thành công không? Bạn hãy thử đặt cược đi! Chúng tôi đã vận động được hơn 20.000 đô-la, phân nữa số tiền này được dùng để thanh toán các chi phí tổ chức, và một chi phiếu 10.000 đô-la được hân hạnh trao cho hiệp hội các bệnh nhân bệnh bạch cầu. Tất cả được bắt đầu từ một khát vọng được thể hiện tình thương của một bé gái dành cho đứa bạn trai, một khát vọng đã đựoc nung nấu bằng ý chí và lập trường kiên định mà không ai có thể lay chuyển được.
ST
 
S

scientists

Những cánh thiệp ngả màu

Buổi chiều cuối năm, mọi người trong cơ quan đã ra về từ sớm. Phòng bên cạnh ông giám đốc vẫn loay hoay, cặm cụi bên đống giấy tờ. Trước khi về tôi ghé qua chào và định nói điều gì đó với sếp trong cái khoảnh khắc lãng đãng của buổi chiều rất bâng khuâng này...

Bên bàn giấy nét mặt ông hân hoan lạ thường. "Công việc còn nhiều quá hả chú?" - tôi hỏi. "Này này lại đây xem với tôi" - giọng ông bỗng vồn vã. Trên mặt bàn bày ngay ngắn nhiều cánh thiệp mừng xuân, có cái còn mới, có cái ố vàng. Có những mảnh giấy nhỏ với nét chữ học trò dễ thương và không thiếu những cánh thiệp mừng sinh nhật với lời lẽ hết sức chân thành: "Bạn đã 18 tuổi, đẹp trai nhưng còn yếu môn hóa, chúc bạn khắc phục được điểm yếu này...". Có cánh thiệp ghi: "Dũng tuyệt lắm, nhưng đừng hay bứt tóc nữa. Nếu không... hói đầu đấy...". Mân mê một cánh thiệp đã ngả màu, giọng ông chùng xuống: "Lúc trong lòng trống vắng thì tôi sống với những tình cảm này, họ là những người bạn tuyệt vời. Thời sinh viên tôi đã trưởng thành từ những tình bạn như thế...". Gói xấp thiệp lại cẩn thận, cất vào ngăn tủ, ông giám đốc cùng tôi ra về. Ra đến cổng tôi nói đùa: "Hóa ra sếp là người hoài cổ". Mỉm cười ông nói: "Tình cảm của con người có bao giờ cổ đâu chú em..."

Chiều cuối năm hoen vàng màu nắng, những gánh hàng hoa dội chợ bày cả ra đường. Vài gốc mai già xếp ngay hàng trên xe ba bánh đã lấm tấm nở vàng. Chợt nghĩ cuộc sống đã thay đổi nhiều quá, mọi cái đều hối hả, bất chợt... Ðời sống tất bật lo toan làm cho người ta quên rằng mọi thứ rồi sẽ qua đi; điều còn đọng lại ở mỗi người là những gì chân thành nhất. Nhiều điều ta tưởng chừng vụn vặt lại có ý nghĩa quan trọng đối với người khác biết dường nào...

Trong mỗi dịp có điều kiện bày tỏ tình cảm với nhau, đừng quên viết gì đó về người bạn của mình bằng những lời chân thật và thân thương nhất. Chắc rằng nó thật sự có ý nghĩa, và rất có thể nó sẽ còn ở mãi bên người bạn của ta suốt cuộc đời...
ST​
 
S

scientists

Thanh âm diệu kỳ

Ðó là câu chuyện của Jimmy Durante, một diễn viên hài được mời tham gia một buổi trình diễn phục vụ những cựu chiến binh trong thế chiến thứ hai. Ông báo với ban tổ chức rằng lịch diễn của mình rất khít nên chỉ có thể tham gia diễn trong vài phút. Nhưng nếu họ cho phép, ông sẽ độc diễn một đoạn rồi đi ngay. Dĩ nhiên là ban tổ chức đồng ý.

Nhưng khi Jimmy lên sân khấu, điều thú vị đã xảy ra. Ðộc diễn xong ông vẫn đứng lại, tiếng hoan hô càng lúc càng lớn hơn và ông cứ đứng đấy trên sân khấu. 15, 20 phút rồi cả nửa tiếng. Cuối cùng ông cũng cúi đầu chào lần cuối và rời sân khấu.

Tại hậu trường, một người hỏi ông :

- Tôi ngỡ là ông sẽ đi sau vài phút, chuyện gì thế ?

Jimmy trả lời :

- Ðúng là tôi phải đi nhưng tôi sẽ chỉ cho anh thấy tại sao tôi lại ở lại. Hãy nhìn vào hàng ghế trước.

Ðó là 2 người đàn ông đều bị cụt mất một cánh tay. Một người mất cánh tay mặt, người còn lại mất cánh tay trái. Cùng với nhau, họ mới có thể vỗ tay được và họ làm điều đó một cách hết sức nhiệt tình.
ST​
 
S

scientists

Cơ hội

Giáo sư vật lý nổi tiếng George Gate muốn tìm một phụ tá cho mình khi nghiên cứu lĩnh vực truyền điện tín. Ông đăng báo tuyển phụ tá.

Căn phòng đợi hôm ấy chật ních. Mọi người đều chọn cho mình những bộ quần áo sang trọng nhất, nghiên cứu hàng chục sách về morse trước khi đến đây. Họ đều phải chờ ở phòng ngoài cho tới khi được vị giáo sư mời vào phỏng vấn.

Trong khi chờ đợi, họ tán gẫu và cố gắng thể hiện kiến thức của mình. Chỉ có một chàng trai trẻ ngồi yên lặng chú tâm quan sát phòng làm việc của George Gate. Anh đã theo dõi sát sao những công trình nghiên cứu trước đó của vị giáo sư này và rất muốn góp sức với ông.

Nhiều giờ trôi qua, cửa phòng thí nghiệm vẫn đóng im ỉm. Nhà đợi vẫn ồn ã những tiếng bàn cãi sôi nổi. Bỗng chàng trai vẫn ngồi im lặng khi nãy khẽ mỉm cười, bật đứng dậy bước vào phòng thí nghiệm của giáo sư. Cánh cửa không hề khóa. Thoạt đầu họ nhìn chàng trai với ánh mắt thương hại vì cho rằng anh ta không đủ kiên nhẫn chờ và định xin bỏ cuộc. Nhưng không lâu sau, tất cả mọi người đều bất ngờ khi thấy giáo sư George từ phòng thí nghiệm bước ra cùng chàng trai trẻ.

- Xin cảm ơn mọi người đã đến đây, nhưng tôi đã tìm được người trợ lý thực sự có năng lực cho mình rồi. - Vị giáo sư chỉ vào chàng trai.

Mọi người hết sức bất bình trước quyết định đột ngột của giáo sư. Họ đã phải chờ đợi rất lâu, vậy mà thậm chí không có cả một cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình.

Giáo sư chậm rãi giải thích:

- Các bạn đã không để ý nhưng ngay từ khi mọi người bước vào đây, máy điện tín của tôi đã liên tục đánh một dòng thông báo bằng tín hiệu như thế này: “Nếu bạn giải mã được lời nhắn này, hãy bước vào gặp tôi”. Tôi biết mọi người ở đây đều rất giỏi nhưng chỉ có một cơ hội và người biết tập trung vào mục tiêu chính khi đến đây đã giành được cơ hội đó.

Và chàng phụ tá trẻ đó chính là Thomas Edison, người đã góp phần làm thay đổi thời đại của chúng ta. Cơ hội là cho tất cả mọi người. Nhưng chỉ những người có đủ tập trung và nhạy bén mới đọc được thông điệp của nó.
ST​
 
S

scientists

Đích đến

Đó là một buổi sáng sương mù phủ kín, ngày 4-7-1952 khi Florence Chadwick bước xuống nước bơi vượt eo biển từ đảo Catalina đến bờ biển California. Bơi đường trường không phải là một điều mới lạ đối với Florence, bởi cô từng vượt biển Manche (giữa nước Anh và Pháp) ở cả hai chiều.

Buổi sáng hôm đó nước lạnh cóng, còn sương mù thì dày đến nỗi cô khó có thể nhìn thấy chiếc thuyền trong đoàn. Sau khi đã bơi hơn 15 tiếng đồng hồ, cô yêu cầu mọi người kéo cô lên thuyền. Huấn luyện viên của Florence ráng hết sức để động viên cô bởi họ đã rất gần bờ, nhưng cô chỉ nhìn thấy sương mù và sương mù. Vì thế cô bỏ cuộc... khi cách đích không tới nửa dặm.

Sau đó cô tâm sự: "Không phải tôi biện hộ cho mình, nhưng nếu tôi nhìn thấy bờ, tôi đã có thể bơi đến đích". Không phải cái lạnh hay sự sợ hãi, hay sự kiệt sức đã khiến cho Florence Chadwick thất bại, mà chính là sương mù.

Hai tháng sau cũng chính tại eo biển đó, cũng là khoảng cách đó, Florence Chadwick đã lập một kỷ lục mới, bởi vì giờ đây cô có thể nhìn thấy đất liền.

Nhiều lúc chúng ta cũng thất bại, không phải vì chúng ta sợ hay bởi áp lực của những người xung quanh hay tại bất cứ điều gì, mà chỉ vì chúng ta không nhìn thấy đích của mình.
ST​
 
S

scientists

Thầy tu rởm

Xưa có một con sói rừng vừa hung ác vừa gian giảo. Một hôm nó nghe tin ở làng bên có một chú bé bị ốm liền nghĩ ra một kế độc để ăn thịt thằng bé.

Nó trang điểm thành một thầy tu: Ðầu đội mũ thánh hồng, khóc bộ áo thánh trắng, đi đôi giày thánh vàng, đeo một chuỗi tràng hạt vào cổ, kẹp một quyển kinh ở nách trái, tay phải chống một cây gậy. Hắn đến làng bên.

Vừa vào làng, sói ta lớn tiếng hát các bài kinh, mọi người ùa cả ra vây lấy thầy tu. Bố mẹ đứa trẻ ốm rất đỗi vui mừng, hai người lập tức mời thầy tu về mổ gà mổ dê thịnh tình đãi khách, họ cầu xin thầy tu cứu chữa con họ.

Rượu thịt no nê xong, soi vờ vịt vừa đi vừa lần tràng hạt, giở quyển kinh ra đọc độc. Ðọc được một lúc nó đến bên thằng bé ốm nhìn từ đầu đến chân rồi nói: "Bệnh cháu nặng lắm! Ngoài ta - một thầy tu giỏi nhất vùng này ra chẳng ai chữa nổi đâu! Chân chủ phù hộ các con gặp được ta. (Chân chủ là vị thầy duy nhất mà đạo Ixlam thờ phụng). Giờ các con hãy mau đi giết hai con bò làm đồ tế lễ để ta cầu khấn Chân chủ về giải nạn cho cháu!

Khi hai con bò được bày lên bàn thì trời đã tối. Sói ta nói với bố mẹ đứa bé ốm: "Các con cứ yên tâm về phòng ngủ đi, đêm nay ta sẽ trông cháu cho."

Sáng sớm hôm sau, vừa dậy bố mẹ đứa bé ốm đã chạy sang phòng con. Ðẩy cửa vào họ sững người lại: Thầy tu biến mất, hai con bò cũng biến mất. Trên giường thằng bé chỉ còn vệt máu và vài khúc xương.

Bố mẹ đứa bé ốm biết mình bị lừa, khóc lóc thảm thiết. Tiếng khóc làm động lòng hàng xóm. Mọi người đến an ủi họ và cùng nghĩ cách trả thù cho đứa bé. Họ quyết định vời Thỏ đến giúp.

Thỏ được mời đến. Sau khi nghe bố mẹ đứa bé ốm kể lại đầu đuôi câu chuyện Thỏ nói: "Ðúng là các bác bị lừa rồi, nó chẳng phải thầy tu gì sất mà là một con sói rừng hung ác. Nhưng không sao các bác cứ đợi đây rôi sẽ lôi cổ nó về đây cho".

Thỏ cũng trang điểm thành thầy tu: Ðầu đội mũ thánh hồng, khoác bộ áo thánh trắng, đi đôi giầy thánh vàng, đeo một chuỗi tràng hạt, kẹp quyển kinh vào nách trái, tay chống một chiếc gậy rồi cưỡi một con gà trống lớn ra đi.

Ðến cổng nhà sói rừng, Thỏ bảo gà trốn trong bụi cây còn mình lớn tiếng đọc kinh.

Sói nghe tiếng đọc kinh chạy ra xem và vội mời thầy tu vào nhà.

Một lát sau mâm cơm thịnh soạn được bày ra. Sói rừng nịnh bợ: "Ðược thầy hạ cố vào chơi thật là diễm phúc, tôi chẳng chuẩn bị gì mong thầy thông cảm".

Thỏ gắp thức ăn vào mồm, lắc đầu nói: "Hơi nhạt thì phải".

"Ðể tôi đi lấy thêm muối". Sói nói chân thành rồi đi vào bếp.

Thỏ đi theo vào bếp. Lúc soi thò đầu vào tải muối lấy muối Thỏ nhảy vọt tới đẩy mạnh sói vào tải túm nhanh miệng tải lại và kêu lớn: "Gà trống đâu lại đây giúp ta!" Gà trống nghe tiếng gọi chạy vào lấy dây thừng buộc chặt miệng tải lại.

"Thả ta ra nếu không ta sẽ ăn thịt các ngươi!" Sói vừa ra sức đạp vừa doạ.

Thỏ và gà trống coi như không nghe thấy, vác sói chạy một mạch về làng.

Mọi người đều đến, người thì đấm, người thì đạp, người thì quật, người thì phang, ai ai cũng phải đánh sói rừng một cái. Chẳng mấy chốc soi đã đi đời nhà ma!

Câu chuyện nhắc nhở chúng ta: Không thể đánh giá một con người tốt hay xấu bằng hình thức bên ngoài.

ST​
 
Top Bottom