Những câu chuyện không bao giờ là cũ

S

scientists

Người làm công kỳ lạ

Tôi rúc đầu vào gối , đầu nặng trĩu tuyệt vọng. Chẳng lẽ với tôi đây là cả cuộc đời còn lại. Tôi, hai năm sau khi ra trường, đang bỏ cả ngày tháng cho một công việc hoàn toàn không thích hợp, lương thấp mà cũng chẳng có tương lai. Đã nhiều lần tôi cố không nghĩ đến câu hỏi này , nhưng cảm giác chán nản đó đã không tài nào thoát ra được.

Sáng hôm sau, tôi cố lết ra khỏi giường để đến chỗ làm. Hôm nay có một vài người mới - họ là những người làm công tạm thời, lương còn thấp hơn nhiều so với nhân viên chính thức như chúng tôi. Sau một lúc làm việc, ánh mắt tôi chú ý đến một người. Anh ta có vẻ lớn tuổi nhất trong số họ, mặc bộ đồng phục. Đó là điều đặc biệt vì công ty chúng tôi không hề có đồng phục. Thật ra, họ cũng không biết chúng tôi ăn mặc như thế nào. Anh ta mặc một chiếc quần thẫm màu thẳng nếp với chiếc áo xanh lao động, trên ngực túi còn may ngay ngắn cả bảng tên. Có lẽ anh ta tự mua cho mình bộ đồng phục đó.

Tôi quan sát anh trong suốt ngày hôm đó, và cả những ngày kế tiếp khi anh còn làm việc với chúng tôi. Anh không bao giờ đi trễ hay sớm, chính xác như một chiếc đồng hồ vậy. Với một công việc hết sức bình thường, anh làm việc rất cần mẫn, chuẩn xác với một sự cẩn trọng đặc biệt. Anh hòa nhã thân thiện với tất cả mọi người nhưng không bao giờ nói chuyện trong lúc làm việc.

Đến giờ cơm trưa, trong khi chúng tôi đến nhận phần ăn của mình tại quầy phân phát, anh lại lặng lẽ lôi trong túi đồ một hộp cơm cũ kỹ bằng inox, và sau mỗi bữa ăn chỗ của anh lúc nào cũng sạch sẽ. Và dĩ nhiên, lúc nào anh ta cũng trở lại công việc đúng giờ. Có thể nói anh là một người làm công mà bất cứ ông chủ nào cũng đều hài lòng. Chúng tôi đều có những suy nghĩ như vậy, anh không chỉ tốt mà thật sự đáng khâm phục.

Rồi công việc tạm thời đó cũng chấm dứt, anh rời công ty rồi đi đâu không rõ. Nhưng đối với cuộc đời tôi anh đã hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ của tôi .

Tôi không mua cho mình bộ đồng phục, cũng không có hộp cơm trưa nhưng tôi bắt đầu đặt ra cho mình những nguyên tắc . Tôi bắt đầu tập làm việc như một doanh nhân chuẩn bị kỹ càng cho hợp đồng của mình, và rồi tôi được người quản lý đề bạt lên chức vụ cao hơn. Vài năm sau, tôi chuyển đến một công việc tốt hơn ở một công ty khác.

Cuối cùng, tôi cũng tự đứng ra lập công ty riêng. Cho đến mãi sau này, những thành công của tôi đều đến từ sự cần mẫn và may mắn của mình, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ điều may mắn lớn nhất của tôi là bài học tôi đã học được từ người công nhân kỳ lạ năm xưa : SỰ TÔN TRỌNG KHÔNG ĐẾN TỪ CÔNG VIỆC MÀ BẠN ĐANG LÀM , NÓ ĐẾN TỪ CÁI CÁCH MÀ BẠN ĐANG LÀM CÔNG VIỆC ĐÓ.
ST​
 
S

scientists

Có thể người đó là bạn



Tối hôm đó trời mưa và rất lạnh, còn tôi thì đang lái cái-gọi-là-xe-ôtô. Chỉ có hai loại người có thể công nhận đó là chiếc xe ôtô: một là những kẻ nói dối không ngượng mặt và hai là những người thông cảm cho tôi nhất.

Hồi mới mua, nó vẫn còn nguyên hình là một chiếc xe, nhưng tôi đã không bảo dưỡng nó. Bởi mỗi lần bảo dưỡng còn nhiều tiền hơn cả số tiền tôi bỏ ra mua nó, mà tôi thì chẳng dư giả gì.

Xăng bị chảy ngay cả khi tắt máy và dừng hẳn lại, xe chạy như một con ốc sên khổng lồ và tôi luôn tự an ủi rằng dù gì thì tôi cũng còn điều khiển được nó, chứ ốc sên thật thì có điều khiển được đâu. Mọi người trên đường vẫn hướng đôi mắt tò mò mỗi khi tôi lái xe chạy qua bởi họ không phân biệt nổi đây là tiếng động cơ ôtô hay máy cắt cỏ bị vỡ.

Mỗi lần lái xe, tôi thường phải đặt một tay lên ngực trái để cầu nguyện cho xe chạy. Nhưng hôm nay tôi không làm thế vì tay còn bận cầm cái điện thoại. Và hậu quả tức thì: ngay giữa đường, chiếc xe khốn khổ thình lình tắt máy. Tôi cố dùng đà xe trôi để tìm chỗ đậu xe vào nhưng xe đậu dày đặc bên lề, mỏi mắt cũng không tìm ra một chỗ. Cuối cùng, nó dừng lại, ngay trước một ngã tư. Hàng loạt còi xe vang lên phía sau. Bỗng tôi thấy người lái xe ngay sau xe tôi chui ra khỏi xe rồi tiến đến gần. Tôi lo quá. Có lẽ anh ta sẽ chửi bới.

Nhưng người đàn ông gõ vào cửa xe và hỏi:

- Có cần tôi đẩy giúp một đoạn không?

Tôi ngạc nhiên đến mức không nói được gì, chỉ gật đầu. Anh ta ngoái lại phía xe mình, vẫy tay và hai cậu bé khác chạy ra. Họ đẩy xe tôi về phía trước, sát lề đường. Sau đó, họ nhảy lên xe và nhanh chóng hòa vào dòng xe đông đúc.

Tôi đã không kịp nói lời cảm ơn.

Nhiều năm trôi qua, tôi nhận ra đôi điều về "người lạ" đã dừng xe giúp tôi. Mỗi lần tôi gặp khó khăn, người đó lại xuất hiện, nhưng trông không giống như lần đầu tiên. Có lần người đó là phụ nữ. Tuổi tác cũng khác, nhưng người đó luôn xuất hiện. Và tôi hiểu được phần tốt đẹp nhất trong mỗi con người: Lòng nhân hậu không cần yêu cầu, từ một người không quen biết. Đó là sợi dây nhỏ vô hình nối kết chúng ta.
ST
 
S

scientists

Cô giáo

Sự nhẫn nại của tôi sắp cạn. Không lẽ ngày nào tôi cũng phải nhắc Nicole đem trả cuốn truyện tranh mà cô bé đã mượn của trường. Đã hơn 3 tuần nay, hễ tôi hỏi tới là cô bé lại cúi mặt nhìn xuống đất, lúng búng trong miệng: "Xin lỗi cô, con quên mang theo". Đã mấy lần tôi định tới nhà Nicole đòi lại cuốn sách của trường. Gọi là trường nhưng thực sự chỉ là một lớp dạy chữ miễn phí, được mở ra ở một vùng quê châu Phi hẻo lánh. Một hội đoàn từ thiện đã thuê tôi, một cô giáo mới ra trường, đến đây đứng lớp.

Học trò của tôi là con cái của những người nông dân suốt ngày cặm cụi trên những cánh đồng ngô cháy nắng. Đa số trẻ con ở đây phải ở nhà bế em, lo nấu nướng hoặc ra đồng giúp cha mẹ từ sáng đến tối. Chỉ chừng hai chục đứa được cha mẹ cho đi học ở chỗ chúng tôi. Cuộc sống ở đây thật chán, tôi chỉ mong cho hết hạn hợp đồng để thoát khỏi nơi này.

Sau khi học hết bộ chữ cái và học ráp vần, Nicole được thưởng. Chúng tôi cho con bé mượn một cuốn truyện tranh chữ in thật to, dày chừng hơn chục trang, trong một tuần phải trả. Vậy mà Nicole cứ lần lữa. Bực mình, một bữa nọ tôi dọa rằng nếu làm mất sách sẽ bị đuổi học, con bé nghe vậy hốt hoảng đáp: "Em thề là sách không bị mất, chỉ tại em quên".

Tối hôm đó, mất hai giờ đồng hồ vượt qua mấy quãng đồng trống tối tăm, tôi tìm đường đến xóm nhà Nicole. Người ta chỉ cho tôi một túp lều vách đất, mái tranh. Bước tới sát cánh cửa đan bằng thân sậy khép hờ, tôi nghe thấy những tiếng ê a ngắc ngứ: "Bà... tờ... iê nờ iên... tiên... bà tiên...". "Bà tiên hiện ra và bảo... Đọc lại nào. Chậm thôi", một giọng trẻ con khác ra chiều bảo ban.

Tôi nhìn qua khe cửa. Khoảng sáu bảy đứa trẻ đầu tóc xoăn tít ngồi xếp bằng quanh bếp lửa. Cạnh chúng là một người phụ nữ trẻ và một bà lão. Ngón tay dò trên cuốn sách (chính là cuốn truyện tranh mà Nicole mượn ở trường không chịu trả suốt mấy tuần nay), hai người lớn chụm môi cố vật lộn với mấy tiếng "i ê nờ iên" đang mắc kẹt trong cổ họng. Đám trẻ con đã đọc xong câu văn, ngóng cổ chờ hai người phụ nữ đánh vần nốt. "Cô giáo" Nicole đang háo hức chỉ bảo "học trò".

"Khi cháu nó khoe đã đọc được sách, tôi không tin", người mẹ trẻ đến mức đáng kinh ngạc của Nicole phân bua, khi tôi đã vào nhà. "Ông bà tôi, cha mẹ tôi, rồi tới các anh các chị tôi không ai biết chữ cả. Tôi cũng không nốt. Mới mười bốn tuổi tôi đã đẻ Nicole, thời gian đâu mà học", người phụ nữ trẻ lấy chiếc khăn lau mồ hôi lấm tấm trên cánh mũi. "Nó bảo, mẹ và bà cứ thử xem, con chỉ cho. Rồi nó rủ thêm mấy đứa con nhà hàng xóm cùng học. Từ cha sinh mẹ đẻ có bao giờ tôi mơ được học chữ. Giờ tôi biết khá khá rồi đấy. Tôi đọc cô giáo nghe thử nhé", bà của Nicole ngượng nghịu nhìn xuống cuốn sách lấm lem nhọ nồi.

Cũng như ở trên lớp, Nicole lại cúi gằm mặt xuống đất. Nó thì thào qua tiếng nấc: "Con xin cô, cô đừng mách. Con không muốn bị đuổi học". Và nó tròn mắt ngạc nhiên trước câu trả lời nghẹn ngào của tôi: "Ồ không, Nicole. Người đáng bị đuổi là cô kia".
ST​
 
S

scientists

Một bài học

Cô bé rất lấy làm ngạc nhiên vì người cha không chịu vứt bỏ chiếc xe cũ trong garage nhà mình. Nhà họ rất giàu, có 2, 3 chiếc xe hơi đời mới. Thế mà chiếc xe cũ vẫn nằm đó qua bao nhiêu năm. Chiếc xe có chỗ móp ngay cửa trước. Một hôm cô bé hỏi cha mình :

- Ba ơi, tại sao ba không vứt chiếc xe cũ hay là bán nó đi hả ba?

Người cha đáp:

- Con ơi, đó là một vật kỷ niệm và là một bài học cho ta.

- Một bài học? - cô bé thắc mắc.

- Ðúng vậy, này ta kể cho con nghe nhé. Một hôm từ khi con chưa sinh ra đời, lúc đó ta vừa mua chiếc xe đời mới nhất này và làm một chuyến đi xa đầu tiên. Ta đang chạy trên đường thì bỗng nghe có vật gì đập mạnh vào cửa trước. Ta vội dừng xe và bước xuống kiểm tra. Ta thấy một móp ngay cửa trước và cách đó không xa có một cô bé trạc tuổi con bây giờ đang giơ tay vẫy bên đường. Cạnh cô có một chiếc xe lăn và một cô bé khác đang ngồi dưới đất. Ta giận vô cùng chạy về phía cô bé và thầm nghĩ: "Xem mày có chạy đằng trời". Thế nhưng cô bé không có gì là có vẻ muốn chạy trốn. Khi ta đến gần, cô bé nói:

- Chú ơi! Xin chú tha lỗi cho cháu, xin chú đừng giận. Chính cháu đã ném viên sỏi vì có như thế chú mới dừng lại. Cháu buộc phải làm thế vì cháu ra dấu dừng xe đã 3 tiếng đồng hồ mà không ai dừng xe giúp cháu nâng em cháu lên xe lăn. Cháu yếu quá không nâng em nổi. Chúng cháu bị trượt té.

Ta ngẩn người ra và vội giúp cô bé nâng em nó lên đặt vào xe lăn.

Trên đường về ta cứ mải suy nghĩ. Sao không ai chịu dừng lại thế? Con có hiểu bài học không?
ST​
 
S

scientists

Cổ tích người cha



Khi ông Trời bắt đầu tạo ra nguời cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao nguời cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi nguời. Thật bất tiện!”. Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng nếu ta để cho nguời cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”.

Thấy Trời nặn đôi bàn tay nguời cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, nguời cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cuời đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”.

Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn nguời cha với một đôi vai rộng, lực luỡng. “Tại sao ngài phí thế?”, nữ thần thắc mắc. “Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya?”. “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông Trời đáp.

Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong nguời cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của nguời cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt nguời cha vài giọt nuớc mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của nguời cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.

Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha cũng đáng yêu như nguời mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra”.

ST​
 
S

scientists

Bài thuyết giảng

Bài thuyết giảng

Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về cộng đồng vào mỗi ngày chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi.

Nhưng đến một ngày chủ nhật nọ, một cậu bé, vốn rất chăm đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu ta không muốn nghe những bài nói chuyện tầm xàm và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.

Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa.

Đoán được lý do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.

Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.

Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi.

Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.

Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.

Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng, lại một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.

Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông và nói:

- Cảm ơn bác đã đến thăm, và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của bác. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ bác cùng mọi người.
ST​
 
S

scientists

Gán nhãn

1. Cô cũng làm thuê. Con thấy cô cực khổ không? Con lấy cắp sách thì tiền đâu cô bù lại cho người ta? Nào, nghe mẹ, vòng tay lại xin lỗi cô, hứa lần sau không nghịch ngợm nữa đi con!

Thằng bé mếu máo làm theo lời mẹ. Nó xin lỗi cô nhân viên bán sách mà nước mắt vắn nước mắt dài. Bà mẹ thấy con biết ăn năn hối cải cũng tỏ ra nhẹ nhõm, bằng lòng. Chị vừa dạy con mình một bài học mà nó đã biết ngoan ngoãn nghe theo.

Thằng Tý chiều nay nghe bạn nó (tạm gọi là Tèo!) vào hiệu sách thó sách lận vào trong lưng quần đem ra ngoài bán kiếm tiền đi chơi games. Tụi nó làm được ba phi vụ, đến chuyến thứ tư, chưa kịp lận vào thì cái con mắt camera trên trần nhà đã rõ ràng đưa nó lên màn hình theo dõi. Thế là hết. Hết chối. Cô nhân viên trẻ mặc áo dài màu đỏ tỏ ra giận dữ, đe dọa: nếu không kêu mẹ lên thì sẽ gọi điện cho công an tới làm việc, bắt về đồn, ở tù. Thằng Tý sợ quá, khóc lóc năn nỉ. Trong lúc đó, đồng bọn của nó, thằng Tèo mặt xanh như tàu lá chuối, chạy đi đâu mất tiêu…

Rốt cuộc thì mẹ thằng Tý cũng bỏ cái gánh hàng để tới gặp nhân viên nhà sách, xin lỗi, bắt con nhận lỗi, hứa sẽ chuộc sách trả. Chị không buồn vì mất tiền chuộc hàng (dù số tiền ba cuốn sách cũng gấp 3 - 4 lần khoản lời chị kiếm được trong ngày bằng cái gánh hàng rong bên cầu Thị Nghè) mà chị buồn vì con mình nghe bạn xấu, lần đầu tiên đi làm điều dối trá…

Thằng Tý hứa từ nay không phạm lỗi nữa. Vì hắn biết rằng, nếu phạm lỗi, không ai khác, mà mẹ nó, người yêu thương và lo lắng cho nó nhất trên đời sẽ là người khổ sở đầu tiên và nhiều nhất. Nó khóc thút thít bám tay mẹ đi ra khỏi hiệu sách trước sự cảm động của mọi người.

Người mẹ và nhân viên nhà sách đã không hắt hủi, coi thằng Tý là kẻ cắp, còn mở đường cho nó có cơ hội ăn năn.

2. Chuyện cách đây chưa lâu. Tại một nhà sách, người ta chứng kiến cô nhân viên bắt một cháu nhỏ mang chình ình trước ngực cái bảng: Ðây là kẻ cắp! Nhìn thằng bé tủi nhục khi bị người lớn gán cái nhãn to tướng vào cổ mà xót. Nó có sai. Nó có lấy sách một, hai, hay nhiều lần… ở đấy, nhưng không lẽ vì những lỗi phạm đầu đời (không quá trầm trọng!) ấy mà cả cuộc đời nó bị nỗi ám ảnh, mặc cảm bất lương theo đuổi mãi? Nó khóc. Người ta nhìn vào mắt nó không thấy nước mắt. Chỉ thấy sự u ám tủi hờn. Tôi sợ ánh mắt bị thương tổn ấy. Tôi sợ những tiếng nấc nghẹn vượt ngực ấy. Tôi sợ cái ngày hôm ấy sẽ hằn sâu vào ký ức nó những vết cùi hủi, khủng hoảng trong niềm tin vào điều tốt đẹp, lòng bao dung ở đời.

Ðừng gán nhãn cho trẻ con. Các em hiếu kỳ và đáng thương. Các em vụng về, hồn nhiên và dễ tổn thương lắm. Người lớn ơi, một nhãn tốt có khi làm cho cả đời em sáng lên. Nhưng một sự trừng phạt quá quắt có khi làm cả đời em đen tối như cái nhãn mà em phải mang lấy đầy tủi hổ.

3. Chưa lâu. Cách đây 17 năm, có một thằng bé nghịch ngợm lấy ná cao su bắn con gà trống của hàng xóm. Con gà kêu oác oác, xoay mấy cái rồi... nốc ao. Sợ người lớn đánh đòn, nó đã bỏ nhà vào rừng, đi bụi một ngày trời. Khi trở về, nó thất thểu vì đói khát và lo sợ. Nhưng mẹ nó đã quăng chiếc roi tre lên trời mà ôm lấy nó. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Nó líu ríu xin lỗi mẹ, xin lỗi nhà hàng xóm mà nó đã làm thiệt hại... một con gà.

Chiều ấy, mẹ nó bắt con trống tơ nấu một nồi cháo gà thiệt ngon để đãi đứa con hoang đàng trở về trong sự hối lỗi. Mẹ nó không quên thủ thỉ dặn dò: lần sau có lỡ sai sót gì thì nói cho mẹ biết, mẹ nghe, mẹ tha lỗi cho nghe con. Con có biết cả nhà đi tìm con, còn mẹ thì khóc hết nước mắt vì con không? Con đi vào rừng cả ngày như thế, nếu có chuyện gì thì mẹ đau buồn lắm! Ðáng lẽ mẹ đánh đòn con nhưng hôm nay mẹ không đánh, vì con lớn rồi, bảy tuổi rồi, con biết nghĩ, con sẽ thương ba mẹ mà không làm mất lòng ai, không làm việc xấu thiệt hại đến người khác nữa!

Thằng bé không bị đánh đòn mà khóc như mưa...

ST​
 
S

scientists

Chiếc túi màu nâu

Sáng nào, trước khi cha đi làm, cô bé cũng có "nhiệm vụ" đưa cho cha chiếc túi đựng bữa trưa. Nhưng một buổi sáng, ngoài chiếc túi thức ăn, cô bé còn đưa thêm cho cha một chiếc túi giấy màu nâu. Cái túi đã rách, và được chắp vá bởi những mảnh băng dính cùng những chiếc ghim.

- Cái gì trong cái túi này thế? - Cha của cô bé hỏi.

- Bố cứ cầm đi - Cô bé cười hớn hở.

Không muốn mất thời gian, anh đem theo cả hai cái túi đến cơ quan. Sau mấy tiếng đồng hồ làm việc, anh ăn trưa và mở chiếc túi của con. Trong đó có ba viên sỏi, một con khủng long gãy đuôi và hai cái giấy gói kẹo.

Ăn trưa xong, anh bỏ những đồ ăn thừa và cả những thứ lặt vặt của cô bé vào thùng rác.

- Con bé toàn giữ những thứ bỏ đi - Anh lắc đầu lẩm bẩm.

Tối hôm đó, cô bé chạy lẽo đẽo theo cha và hỏi:

- Túi của con đâu, cha?

- Túi nào?

- Túi con đưa cha sáng nay ấy!

- Cha để ở cơ quan rồi!

- Con quên không bỏ thiệp vào – Cô bé ríu rít – Trong túi là những thứ con thích nhất đấy, con nghĩ cha cũng thích chơi với chúng khi cha làm việc mệt quá! Cha không làm mất cái túi đấy chứ, cha?

- Tất nhiên là không – anh cố nói dối – Cha chỉ quên không mang nó về thôi. Mai cha sẽ lấy về!

Cô bé mừng rỡ đưa "tấm thiệp" cho cha. Đó chỉ là một mảnh giấy gập làm tư, và trong mảnh giấy có ghi "I love you, Daddy".

Chờ lúc cô bé đi ngủ, anh vội vã quay trở lại cơ quan. Anh sợ người lao công dọn những thùng rác, và anh sẽ không lấy lại được kho báu của con.

Anh dốc cả thùng rác ra sàn. Anh nhặt con khủng long gãy đuôi lên, đem rửa sạch khỏi chỗ thức ăn thừa. Cả ba viên sỏi, hai cái giấy gói kẹo, anh cẩn thận bỏ vào chiếc túi giấy màu nâu, dù túi đã bị rách thêm một ít.

Sáng hôm sau, anh bảo cô bé kể cho anh nghe về những thứ trong chiếc túi. Mất khá nhiều thời gian, vì mỗi thứ đều có những câu chuyện riêng, giống như những bạn của cô vậy. Như hai cái giấy gói kẹo chính là từ những chiếc gói kẹo sôcôla mà anh mua cho cô, hay con khủng long gãy đuôi là quà của cậu bạn hàng xóm tặng cô bé hôm sinh nhật...

Tối hôm đó, cô bé lại ôm con khủng long gãy đuôi đi ngủ, cùng một với nụ cười.
ST​
 
S

scientists

Khi trẻ con học...


Khi trẻ con học được rằng hạnh phúc không đến từ những gì một người đang có, mà từ chỗ người ấy là ai.

Khi trẻ con học được rằng cho đi và tha thứ thì cao quý hơn là chỉ biết nhận lấy và nuôi mãi oán thù.

Khi trẻ con học được rằng nỗi thống khổ sẽ không dịu đi nếu chỉ ngồi than thân trách phận, mà phải vượt qua bằng ý chí kiên cường xuất phát từ sức mạnh nội tâm.

Khi trẻ con học được rằng chúng không thể chế ngự được thế giới xung quanh, nhưng chúng hoàn toàn có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình.

Khi trẻ con học được rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng biết đặt tình bạn lên trên cái tôi ích kỷ, biết khiêm tốn thay cho tự mãn, biết lắng nghe thay vì chỉ ban phát lời khuyên.

Khi trẻ con học được rằng không nên ghét bỏ một người chỉ vì lo sợ khi thấy họ khác mình, trái lại phải biết sợ hãi lòng căm ghét đó…

Khi trẻ con học được rằng niềm vui nằm trong việc có được sức mạnh chân chính để nâng người khác dậy, chứ không phải ở sức mạnh giả tạo để hạ người khác xuống.

Khi trẻ con học được rằng những lời khen tặng chỉ là những lời phỉnh nịnh vô nghĩa nếu không phản ánh đúng năng lực của chính mình.

Khi trẻ con học được rằng giá trị của cuộc sống không phải được đo bằng những năm tháng lo tích cóp tài sản, mà bằng những phút giây quên đi hạnh phúc cá nhân để chia sẻ niềm tin, khơi nguồn hy vọng, lau khô nước mắt và xoa dịu những nỗi đau.

Khi trẻ con học được rằng vẻ đẹp của một người không thể được nhận biết bằng mắt mà bằng cả trái tim, và dù thời gian cùng nỗi khổ có thể tàn phá hình hài thì chúng cũng đồng thời làm tăng giá trị và nhân cách của con người.

Khi trẻ con học được rằng không nên xét nét người khác, rằng mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc dù họ tốt hay xấu, vì suy cho cùng việc họ trở nên tốt hay xấu chính là tuỳ thuộc vào việc họ được người xung quanh giúp đỡ hay chỉ gây cho họ những thương tổn…

Khi trẻ con học được rằng mỗi con người đều được Thượng đế ban cho một món quà riêng biệt, và cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mỗi con người biết chia sẻ món quà ấy với những người xung quanh.

Khi trẻ con học được tất cả những điều trên và xem đó là nghệ thuật sống, chúng không còn là trẻ con nữa – chúng trở thành niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người và xứng đáng là mẫu mực cho toàn nhân loại…

Theo Tuổi Trẻ Chủ nhật.​
 
S

scientists

Biết chỉ để... đi thi

Con hỏi ba: Tháp Pisa nghiêng bao nhiêu độ?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Ai là tỉ phú”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con biết độ nghiêng để con nghiệm ra rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều điều chông chênh, sai trái nhưng nếu trong tâm mình vẫn còn nằm trong vòng tay của gia đình thì dù có nghiêng nhưng nó sẽ không thể nào ngã.


Con hỏi ba: Ý nghĩa câu “qua cầu rút ván”?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Trúc xanh”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết ý nghĩa câu đó để con nghiệm ra rằng mình sống ở đời phải có trước có sau.


Con hỏi ba: Đèn xanh đỏ có tự khi nào?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Rồng vàng”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết để con nghiệm ra rằng cho đến lúc nào người đời mới hiểu được một quy luật hết sức đơn giản. Sống ở đời phải biết nhường nhau để có kết quả tốt hơn.


Con hỏi ba: Cái máy giặt giá bao nhiêu?

Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi?

Con trả lời để con đi thi “Hãy chọn giá đúng”.

Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết giá để con nghiệm ra rằng phải mất rất lâu mình mới dành dụm đủ tiền để mua cho mẹ cái máy giặt hoặc mặc giữ kỹ đồ hơn cho mẹ đỡ phải nhọc nhằn.

Kiến thức là một tài nguyên quý giá, biết nhiều là một điều tốt. Nhưng biết nhiều đó mới chỉ là người có trí nhớ tốt mà trí nhớ con người hiện đã thua xa những thiết bị nhớ của máy vi tính, điện thoại di động.

Còn việc nghiệm ra những điều từ những gì mình biết thì đó mới là những người có học thức uyên thâm mà việc nghiệm ra thì chưa và sẽ không có con CPU nào qua được bộ óc con người.

ST
 
S

scientists

Bây giờ anh vui lòng chưa

Hồi thứ nhất

Anh: Xin chào cô. Tôi có thể vào được chứ?

Chị : Xin chào. Cứ vào đi. Can đảm lên chứ chàng trai trẻ!

Anh: Tôi mang bộ quần áo đến để...

Chị: Để làm cho nó trẻ ra chứ gì?

Anh: Vâng, vâng... chị hiểu cho.

Chị: Bao giờ tôi cũng hiểu từ nửa câu của khách hàng. Vết đen thì ngay đến mặt trời cũng đôi khi có vết. Nhưng chúng ta vẫn sống được yên ổn tuy không làm mất những vết đen đó. Còn khi quần áo bị vết bẩn thì...

Anh: Thì sẽ làm cho người ta buồn bực biết bao.

Chị: Ở con người, mọi thứ phải tuyệt đẹp.

Anh: Đúng vậy, cả quần áo, dáng người và nét mặt... Như người ta đang đang đứng trước mặt tôi vậy.

Chị: Thôi, anh đưa bộ quần áo đây tôi xem (cười hể hả). Chỉ bẩn một chút thôi. Tôi sẽ tự tay giặt lấy.

Anh: Thế thì cảm ơn chị quá.

Chị: Có gì đâu chàng trai ơi, sau một tuần lễ nữa bộ quần áo này sẽ sạch sẽ và đẹp như anh vậy. Anh phải trả hai rúp ba mươi cô-pếch. Biên lai đây. Nhưng anh đừng đánh mất nhé!

Anh: Mất thế nào được. Tôi sẽ giữ nó ở chỗ trái tim này.

Chị: Rất hân hạnh được làm quen. Xin chào chàng trai trẻ.

***​

Hồi thứ hai

Anh: Chào chị! Tôi đã đến, chắc chị còn nhớ chứ?

Chị: Không dám (giọng khô khan). Anh hỏi gì?

Anh: Đây là tờ hóa đơn. Tôi đã mang ở trái tim mình cả tuần lễ.

Chị: Chắc túi quần anh bị rách chứ gì?

Anh: Không, nhưng tôi... tôi...

Chị: Thôi được, đấy là chuyện riêng của anh. Anh muốn cất đâu thì cất mặc anh. Tôi chỉ quan tâm đến việc anh lấy cái gì?

Anh: Bộ quần áo, có vết bẩn nhẹ.

Chị: Tẩy giặt chưa xong, một tuần nữa trở lại!

***​


Hồi thứ ba

Anh: Hóa đơn của tôi đây.

Chị: Cái anh này, sao lại chìa ngay giấy vào trước mũi người ta. Thật bất lịch sự. Anh cần gì?

Anh: Tôi đến lấy bộ quần áo.

Chị: Quần áo người ta đã đưa từ xưởng giặt đến đâu!

Anh: Nhưng đã quá hạn một tuần lễ rồi còn gì...

Chị: Anh đứng tránh cái cửa ra một tý. Không có anh người ta cũng đủ ngạt thở rồi.

Anh: Thế bao giờ thì được lấy?

Chị: Bao giờ tẩy giặt xong người ta khắc trả. Có thế mà cũng phải thắc mắc. Thiên hạ ngày nay thật là kỳ quặc!

***​


Hồi thứ tư

(Sau hai tuần lễ nữa)

Anh: Tôi lại đến. Lần này chắc...

Chị: Tôi trông thấy rồi, có phải ai cũng mù đâu! Anh hình như không còn việc gì nữa ngoài việc đến khủng bố tinh thần chúng tôi.

Anh: Trời! Nhưng đã một tháng qua rồi còn gì...

Chị: Thôi, không phải nhiều lời. Kìa, anh hãy mang quần áo của anh về.

Anh: Nhưng... Đấy đâu có phải là bộ quần áo của tôi. Bộ quần áo của tôi màu xám cơ mà. Còn bộ này lại màu tím.

Chị: Xám hay tím thì khác gì nhau. Sau một quy trình công nghệ, màu sắc có thể bị thay đổi chút ít.

Anh: Hơn nữa ở đây lại có một chỗ rách.

Chị: Rách thì sao? Anh định bắt tôi vá cho anh nữa chắc?

Anh: Nhưng không phải tôi làm rách. Hơn nữa bộ quần áo này không phải kích thước tôi mặc vừa.

Chị: Lạ thật, khách hàng đâu mà chậm hiểu thế? Anh phải biết, sau khi giặt thì quần áo bao giờ cũng co lại chứ.

Anh: Ô, kia rồi! (mừng rỡ chỉ tay). Chị hãy xem trong góc phòng dưới đất kia kìa. Bộ quần áo ấy mới đúng là của tôi đấy. Cái quần nằm chỗ kia, còn cái áo chỗ kia. Chị làm ơn đưa hộ tôi!

Chị: Đây có phải không?

Anh: Tất nhiên, đúng rồi (mừng rỡ). Cảm ơn, cảm ơn! Tôi xin lỗi vì đã làm phiền chị mấy lần.

Chị: (nhún vai) Không dám! Bây giờ anh vui lòng chưa?

Anh: Còn phải nói!

Chị: Nếu vậy thì anh hãy viết vài lời cảm ơn vào quyển sổ góp ý này. Làm "vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi" bao giờ cũng là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi.

Anh: Tôi sẽ viết ngay. Còn gì vui hơn khi lại được thấy bộ quần áo của mình. Đúng bộ quần áo của mình. (Viết lời cảm ơn và khen ngợi xong, anh thanh niên sung sướng ôm bộ quần áo ra về).

Chị: Thật là một khách hàng lạ lùng! Thế mà tôi đã quên không đưa bộ quần áo của anh ta đi giặt ngay từ hôm ấy...

ST​
 
S

scientists

Thư gửi bạn

Bạn thân mến,

Tối qua cả nhà mình được mời đến chơi nhà chú X. là em họ của bố mình.

Vừa bước vào nhà, ai cũng được phát một cái bao để lồng vào giày. Rồi chú X. dẫn cả nhà mình đi xem nhà mới của chú. Kiến trúc rất đẹp, kiểu Vinise đấy nhé. Phòng khách rộng với bộ xalông ngoại trông thật sang trọng. Nghe nói là đắt lắm.

Chú họ mình là người rất có văn hóa nên dành hẳn một tủ lớn có sáu ngăn để làm giá sách, ngăn nào cũng đầy ắp những bộ ly, tách bằng pha lê, những chiếc cúp sưu tầm từ nhiều nước trên thế giới và nhiều bình cắm hoa kiểu dáng thật lạ mắt.

Còn phòng tắm ốp toàn gạch men màu hồng, bồn rửa mặt cũng màu hồng, chú nói toàn là hàng nhập cả.

Phòng nào cũng trải thảm. Mình còn thấy một chiếc bàn ăn hình ôvan bằng đá bóng loáng.

Sau khi xem xong, mọi người ra ngoài sân ăn tối. Trời hơi lạnh. Chủ nhà đãi món thịt nướng. Thức ăn bày trên chiếc bàn gỗ bị lung lay, may quá, bố mình kiếm được một cục gạch chêm vào dưới chân bàn.

À, suýt nữa thì mình quên không kể về chiếc khăn trải bàn mà thím X. giơ ra cho nhà mình xem rồi gấp lại ngay, chưa bao giờ mình trông thấy cái nào đẹp như thế. Trong khi ăn, mình sơ ý làm rớt ly nước xuống đất, may mà nó không bể vì là ly nhựa. Còn mấy đứa em mình thì làm dây nước chấm ra bàn, cũng may là không có khăn trải bàn nên chỉ cần lấy báo cũ chùi là sạch.

Mình rất thích buổi đi chơi tối qua, nó giống như một chuyến tham quan vậy: vừa được ngắm nhìn một công trình kiến trúc lại vừa được ăn tối ở ngoài trời, có gió thổi và có các vì sao phía trên các chung cư bên cạnh.

Thôi chào nhé. Hẹn gặp lại.


ST​
 
S

scientists

Đi với ma mặc áo giấy

Người khách bước vào phòng giám đốc chào và nói rất tự nhiên:

- Xin chào Is-can-dơ Ma-gie-no-vich, thủ trưởng vẫn khoẻ chứ ạ? Vừa rồi em đã nộp đơn xin thủ trưởng nhận em vào cái chỗ ghế còn trống ấy, thủ trưởng xem thế nào?

- Có, tôi đã nhận được đơn - Ông giám đốc đáp - Nhưng có thể là cậu không hợp với chức vụ ấy.

- Như thế nghĩa là ông không nhận em vào chỗ ghế khuyết?

- Không.

- Như vậy là ông đã quyết định một cách đúng đắn đó - Người khách nói và bước đến bên bàn ngồi xuống chiếc ghế cạnh đấy - Bởi vì ai thu nạp một kẻ ranh ma như em đều có tội với Nhà nước. Nếu ông muốn biết tại sao, thì em xin thú thật rằng, cái tính em khó sống nổi một ngày nếu không đánh lừa ai, nếu không vơ vét bỏ túi một cái gì. Cái tác phong ấy như một chứng bệnh kinh niên ở em. Nhưng điều tai hại là cho tới nay chưa có đoàn kiểm tra nào phát hiện được những cái bị hụt do em cuỗm... Nhưng em tin rằng, ở cơ quan này, dưới tài lãnh đạo của thủ trưởng may ra em có thể sửa được. Đôi khi em có đấu tranh với bản thân, với sự cám dỗ, nhưng con sói dù có ra khỏi rừng thì lông nó vẫn xám, đánh chết cái nết không chừa... - Người khách dừng lại có vẻ xúc động, lấy tay châm chấm nước mắt - Lại còn cái tác phong nịnh bợ, đút lót cấp trên nữa chứ. Ví dụ, ở phòng thủ trưởng mới đây nhất, tháng nào em cũng "bỏ quên" trăm rưỡi rúp, khi thì trong ngăn kéo bàn, khi thì dưới tờ báo. Cứ thứ bảy em thường mang biếu thủ trưởng cũ của em khi thì chai rượu cô-nhắc, khi thì hộp bánh ga-tô, lúc thì hộp trứng cá đỏ... Người khách lại xúc động và im bặt.

Bỗng giám đốc hỏi một cách đột ngột:

- Chẳng lẽ chưa lần nào cậu bị người ta phát hiện ư?

- Không, chưa hề một lần nào cả, chỉ có thủ trưởng cũ của em biết.

- Thôi được, cậu cứ chuẩn bị hồ sơ lý lịch. Coi như tôi nhận cậu vào chức vụ đang trống. Thử xem tài nghệ cậu sẽ phát huy được như thế nào với tôi...
ST​
 
S

scientists

Mình làm chủ mình...

A-gơ-nhi-a, vợ của Ma-kha-in, đi thăm bà mẹ bị bệnh. Trước khi lên tàu, chị nói với chồng:

- Không có em ở nhà anh sẽ ra sao?

- Em coi anh là con nít ư?

- Nếu anh là con nít, em lại chẳng lo. Đằng này, anh là gã đàn ông lớn gộc, hễ vợ không để mắt tới là lập tức vớ lấy chai rượu!

- Em tưởng anh ít việc lắm sao? Ngay bây giờ, anh phải đi mua vôi về quét nhà bếp này. Vậy mà em cứ nghĩ là anh sẽ nốc rượu...

- Xin anh đừng nói xạo! Em sống với anh đâu chỉ mới năm đầu tiên...

Tàu chuyển bánh. Mi-kha-in rời sân ga. Anh lẩm bẩm: "A ha, bây giờ mình mới thực sự được làm chủ mình! Cô nàng nghĩ mình sẽ nốc rượu thì mình sẽ nốc rượu cho biết tay". Nhưng rồi, anh lại không tạt vào quán rượu, mà tạt vào cửa hàng bán vôi. Mua xong vôi, anh nghĩ: "Hôm nay chưa nên uống rượu vội. Sáng mai, đầu óc tỉnh táo, mình sẽ quét vôi nhà bếp. Khi vôi khô, mình sẽ ra quán mua rượu về thết đãi... mình. Vậy mới đã chớ!".

Sáng hôm sau, Mi-kha-in vui vẻ quét vôi nhà bếp. Quét vôi xong, anh lại làm mấy cái móc ở ban-công để chăng dây cho chị phơi quần áo. Sau đó, anh làm tổng vệ sinh nhà cửa rồi ngồi sửa bàn ủi... Mải mê làm hết việc này đến việc khác, Mi-kha-in quên cả việc đi mua rượu.

Hai hôm sau, A-giơ-nhi-a trở về khi bệnh tình của mẹ đã thuyên giảm. Chị chẳng buồn hỏi anh ở nhà có uống rượu hay không. Hỏi cũng vô ích thôi, vì chắc chắn anh sẽ nói xạo! Chị nghĩ thế...​
ST​
 
S

scientists

Quê ta vạn tuế- Aziz Nesin

- Nếu cậu tin những chuyện sau đây là thật thì tớ cũng coi như một người đã chết - anh ta nói.

Chúng tôi tựa lưng vào tường ngục sưởi nắng. Viên coi tù Darưpoócxôn chắp tay sau *** đi qua mặt chúng tôi ra vẻ muốn nói rằng hai tay hắn đã đắp lên những ngọn đồi kia.

- Thế thì ai mới là người sống? Cái gì chả thế - tôi đáp - cậu phải cảm ơn trời đất mới phải. Có những người còn cơ cực hơn chúng ta nhiều ấy chứ. Thôi vui lên, còn cái xác là may rồi!

- Ðâu có thế, ông bạn, - anh ta phản đối - không còn ai có thể cơ cực hơn được. Phải khẳng định là tớ đã không còn tồn tại nữa. Bây giờ thậm chí tớ cũng không thể giải thích cho cậu được... Cậu có nhìn thấy tớ thật, nhưng cái đó chẳng nghĩa lí gì: tớ vẫn cứ là đã chết rồi, tớ không còn tồn tại. Ðầu tiên tớ biết là tớ không còn nữa vào lúc tớ 12 tuổi. Trước đó ở quê tớ không có trường công. Năm đó nhà nước công bố bảng chữ cái và những nhà có học ở quê tớ quyết định phải đưa con vào trường công. Bố tớ tự cho mình là người có học thức nên cũng muốn tớ vào đó. Thế rồi ông ấy cầm tay tớ dắt đi. Ông hiệu trưởng đòi bố tớ cho xem giấy khai sinh của tớ.

- Chúng tôi chưa khai cho cháu - bố tớ nói - hay ông lấy giấy của tôi vậy!

Tất nhiên là không được. Ở trường Ðavuđa Khôđji, học trò học chữ cũ, không cần khai sinh.

Bố tớ cứ muốn tớ học trường mới...

Phải cầu cứu đến người làm đơn thuê ngồi trước phòng thị chính. Sau đó cầm đơn vào phòng khai sinh... Một thầy ký nhận đơn, rồi rút ra những sổ sách gì gì, sau đó lục mãi mới thấy phần ghi về bố tớ.

- Ông là Rêsít? - người ấy hỏi.

- Dạ phải - bố tớ đáp.

Thầy ký lần sách đọc những số liệu về bố tớ:

- Năm sinh 1897... quận Ðêghimentep phố Tavaxbaga, số nhà cũ là 51, mới là 28... Năm 1911 lấy vợ là Khađgiê. Sinh con trai là Êmin. Phải vậy không?

- Ðúng ạ - bố tớ đáp - Tôi muốn làm giấy khai sinh cho thằng cháu Êmin. Tôi định cho cháu vào học trường công. Trước đây người ta không đòi khai sinh.

Thầy ký nghi hoặc nhìn bố tớ:

- Cha nội ơi, khai sinh nào cơ? Con ông chết lâu rồi còn gì!

- Ấy chết, ngài nói vậy! - bố tớ sửng sốt - Cháu nó đây, nó đang đứng cạnh tôi mà.

Thầy đọc lại mấy hàng trong sổ:

- Ông là Rêsít?

- Ðúng, Rêsít.

- Bố ông tên là Mêmét?

- Ðúng, điều ấy cũng đúng.

- Ông lấy vợ tên là Khađgiê, sinh con tên là Êmin.

- Hoàn toàn đúng. Ðích thực là vậy. Và bây giờ tôi muốn khai sinh cho thằng cháu Êmin ấy đây.

- Thế là thế nào? Mọi cái đều đúng, mà riêng chuyện thằng Êmin chết thì lại sai? Sổ ghi là nó chết, mà người chết thì làm sao lấy giấy khai sinh được nữa.

Tớ khóc oà lên.

- Nín đi - bố tớ quát - Có phải sổ ghi chết là mình phải chết đâu mà sợ.

- Nhưng thầy ký bảo con đã chết rồi, hu...hu...!

- Kệ thầy ấy. Cứ nghe bố nói là đúng.

- Sổ đã ghi là không có bao giờ sai - thầy ký lý sự - đã ghi là y như thực. Ông có mưu gì chăng. Tôi không làm đâu. Không ai đi cấp khai sinh cho người chết rồi.

- Mưu gì là thế nào kia ạ? - bố tớ rụt rè hỏi.

- Nhà các ông bao giờ cũng lắm chuyện lắm - thầy ký đáp - ông muốn mặc cả với người nhà nước đòi người chết ra người sống hả? Tráo trở thật.

- Vậy xin hỏi, cháu nó chết ngày giờ nào ạ? - Bố tớ hỏi thêm.

Thầy ký liếc sổ:

- Ðại chiến thứ nhất nó bị đi lính. Năm 1915 hi sinh ở Tranacal. Nó được xoá sổ vì có giấy báo tử của đơn vị số 331/85.

Bố tớ nổi đoá:

- Bẩm ông, ông nghe đây, ông xem lại sổ xem, tôi lấy vợ năm 1911 cơ mà.

- Phải - thầy ký đáp - có ghi : ông lấy vợ năm 1911.

- Thế cứ cho rằng con trai tôi sinh vào ngày cưới tôi đi, thì năm 1915 nó mới có 4 tuổi. Làm sao trẻ con 4 tuổi lại đi lính và chết trận được.

Thầy ký bối rối, lão nhìn tớ, nhìn sổ, rồi nhìn bố tớ, rồi lại nhìn sổ, cuối cùng kết luận:

- Thằng Êmin nhà ông sinh năm 1896. Vậy là khi chết nó 19 tuổi.

- Con tôi sinh năm 1896? - bố tớ hỏi lại - Thánh Ala phù hộ cho ông, thế còn tôi sinh năm nào, ông xem lại sổ xem.

Thầy ký xem sổ.

- Ông sinh năm 1897. - lão nói.

- Ông ơi, ông chớ có nói rằng hoá ra tôi lại sinh sau con tôi một năm cơ đấy?

Mấy thầy ký khác cùng phòng bước lại, nhưng không ai biết đằng nào mà lần.

- Sổ đã ký như thế thì chịu - thầy ký của tớ bảo thế - Tất nhiên, là có khiếm khuyết gì đây, nhưng chưa biết chỗ nào?

- Thưa các thầy - bố tớ bảo các thầy ký - có thầy nào ở đây đẻ sau con mình không?

Một thầy sửng cồ:

- Ðừng lôi cổ bố người khác vào chuyện của mình. Người chết chúng tôi không cấp khai sinh, thế thôi!

Bố con tớ lên chỗ ông trưởng phòng khai sinh kể lại đầu đuôi. Ông trưởng phòng theo bố con tớ xuống chỗ mấy cuốn sổ cái. Hai bên cùng xem lại hồ sơ.

- Ðúng hết - ông trưởng phòng nói - Sổ đã ghi thế. Con ông hy sinh năm 1915 - Rồi ông lại ra chiều suy nghĩ, cuối cùng lại dứt khoát - Hẳn là thế. Vợ ông nhiều tuổi hơn ông. Ðúng là ông đã lấy một quả phụ. Bà có con riêng tên là Êmin. Thằng con ghẻ Êmin của ông hơn ông một tuổi, nhưng, sổ vẫn ghi cho ông là bố.

Tớ khóc rống lên.

- Im đi, con - bố tớ giận dữ nói - Ai là người biết rõ bố của con, ta hay là sổ?

Ngài trưởng phòng kính cẩn nói:

- Sao ông nói lạ thế? Rành rành đây còn gì nữa!

Dù bố tớ không biết đọc biết viết nhưng ông không thuộc hạng người dễ dàng đầu hàng.

- Khađgiê, con gái ông Bêkia, sinh năm 1904 - ông trưởng phòng đọc trong sổ.

- Vậy theo ông - bố tớ nói - vợ tôi sinh năm 1904, còn thẳng con Êmin của bà ấy sinh năm 1896, phải vậy chứ gì? Ông nghe tôi nói này, có bao giờ ông thấy con ra đời trước mẹ nó 8 năm không?

Theo cuốn sổ ấy thì tớ sinh trước bố tớ một năm và trước mẹ tớ tám năm. Mẹ tớ lấy bố tớ năm lên 8 tuổi và sinh ra tớ 15 năm rồi mới đến hôn lễ.

Các thầy ký và ông trưởng phòng xúm quanh cuốn sổ, thảy đều cúi đầu trầm tư mặc tưởng. Bỗng ông trưởng phòng nghĩ ra:

- Hẳn là thế này: trước đó bà Khađgiê đã lấy 1 đời chồng, người chồng ấy có 1 đứa con riêng tên là Êmin. Ðứa con ghẻ ấy của bà Khađgiê hơn bà 8 tuổi. Chồng chết, bà không bỏ rơi cậu nghĩa nam kia mà vẫn nuôi nó khi lấy ông Rêsít. Thấy chưa, thằng Êmin hơn mẹ kế nó 8 tuổi và hơn bố dượng nó 1 tuổi.

- Ðúng thế - thầy ký của chúng tớ nói - chỉ có thể là như vậy.

- Quỷ thật! - bố tớ phát cáu - Lại còn thế nữa! Vợ tôi lấy tôi năm lên 8 tuổi, mà trước đó lại còn 1 đời chồng nữa?

- Hẳn chứ - ông trưởng phòng nói - làm sao khác được? Nếu nhà ông giải nghĩa được đúng hơn, xin mời!

Tớ lại khóc.

- Làm gì mà gào lên thế con - bố tớ an ủi - Thôi, vào trường Ðavađa Khôđji mà học, thế là xong.

Nhiều năm sau, lúc tớ lớn lên, lại có chuyện.

Các cậu có thể tin được rằng người ta bắt tớ vào lính hay không? Vì tớ chết rồi cơ mà. Tớ đã chết ở Tranacal rồi. Làm sao người chết còn đánh nhau được? Nhưng bố con tớ không làm sao cho họ hiểu ra. Bọn cảnh sát tóm được tớ dẫn đến bàn tuyển quân. Bố tớ cũng đi theo.

- Bẩm ngài, trong sổ đã có mục khai tử cho nó rồi đấy ạ. Cháu nó có đâu. Nếu nó sống thật thì nó đã được cấp giấy khai sinh.

Bố tớ chưa kịp nói hết câu, lão trưởng ban đã gào lên:

- Sao, nhà ông muốn giấu thằng này khỏi quân dịch à?

Tớ bị đưa về đơn vị ngay tút suỵt. Thực ra, tớ cũng mừng. Như thế nghĩa là tớ vẫn còn sống. Tốt quá. Rồi đến lúc mãn hạn. Bạn bè tớ được giải ngũ, còn tớ không được cấp giấy cho về. Làm sao lại cho một thằng như tớ xuất ngũ được? Muốn xuất ngũ phải có giấy nhập ngũ đã chứ. Mà tớ lại không có cái giấy ấy. Ðơn vị tớ người ta gửi lên ban quân ngũ xin giấy cho tớ. Chưa đầy một tháng có giấy báo về : "Người mà các anh đòi xin giấy đã hy sinh năm 1938 khi thi hành quân lệnh trong chiến dịch Ðécxim."

- Người ta nhầm đấy - tôi nói với ngài sĩ quan chỉ huy đại đội - không phải tôi chết ở Ðécxim, mà là ở Tranacal cơ. Tốt nhất là ngài hỏi về phòng khai sinh, ở đấy có đủ số liệu.

Tớ đã tốn bao nhiêu công sức để đi chứng minh rằng mình vẫn còn sống. Không chứng minh thế, không giải ngũ được. Cuối cùng người ta cấp cho tớ một tờ giấy in nói rằng tớ đã mãn hạn quân dịch và được thả về.

Ðến nhà, tớ mới hay rằng bố tớ đã chết, nhưng ông ấy còn một món nợ ngân hàng 5000 đồng vào 2000 đồng thuế nhà nước chưa trả. Mà tớ lại là kẻ nối dõi tông đường duy nhất, tớ đành phải gánh nợ. Mấy ông phán sở tái chính không cho tớ một phút nào yên tĩnh.

- Các ông ơi, tôi có còn sống đâu! Ông nào không tin cứ đến phòng quân vụ mà hỏi. Ðến đấy chưa tin xin hỏi tiếp đến phòng khai sinh. Người chết làm sao trả nợ thay bố?

- Thế anh không phải là con trai ông Rêsít hay sao? Anh định trốn nợ cha đấy hả?

- Không, tôi nào có trốn. Nhưng tôi chết thật rồi mà...

Chà! Giải thích thế nào được! "Muốn sao thì sao anh cũng phải trả nợ cho cha!" Tớ đã định bụng không trả, nhưng bọn họ nói rằng còn nợ thì chưa được thừa kế gia sản. Bố tớ lại còn một ít ruộng, một nhà ở và một cửa hàng. Tớ bèn vay tiền trả nợ. Tớ nghĩ, được hưởng gia tài rồi tớ sẽ trả hết. Lúc trả nợ thậm chí tớ còn thấy vui trong bụng. Ít ra khi trả nợ người ta cũng còn cảm thấy được rằng người ta còn sống. Nhưng đến cái khoản gia tài thì lại khắc hẳn! Làm sao chứng minh được rằng tớ là con bố tớ? Lại phải khai sinh! "Nhà anh chết rồi, sao còn thừa kế được gia tài? Mà anh còn chết trước bố anh nữa ấy chứ."

- Người ta tuyên bố với tớ như vậy. Thế là tớ lại không chứng minh được rằng tớ còn sống. Tớ bảo họ: "Thôi được, thế bây giờ tôi có đứng trước mặt các ngài hay không? Các ngài có nhìn thấy tôi hay không đấy? Ðứng trước mặt các ngài là người thật hay tượng gỗ? Tôi có tòng quân không? Có trả nợ không?"

- Những cái đó chẳng có nghĩa lý gì - họ bảo - Trước pháp luật anh là kẻ chết.

- Nhưng tôi đã chết đâu - tớ cãi.

- Không chết, nhưng liệt hạng chết!

Tớ đâm đơn ra toà. Tớ thuê thầy cãi. Trước tòa, luật gia bộ tài chính phản bác tớ. Vì đại diện cho quyền lợi ngân khố quốc gia, lão ta khẳng định rằng một khi bố tớ đã không có người thừa kế thì tài sản kia phải nộp ngân khố. Lão cứ khăng khăng một lẽ: người thừa kế đã chết. Trạng sư của tớ nói rằng tớ sống, còn lão ta thì rằng tớ chết. Cứ thế cãi nhau tùm lum. Luật gia bộ tài chính đưa ra những giấy tờ hợp thức đến nỗi suýt nữa tớ cũng phải đồng ý và thừa nhận rằng tớ chết thật rồi.

Vụ kiện kéo dài 2 năm. Không có giấy khai sinh tớ không xin đâu được việc làm. Nợ nần ngập cổ, một hôm tớ điên đầu lên và nói lảm nhảm những gì không nhớ. Tớ bị bắt và bị tống ngục. Tớ bảo: Này các người, sao lại bắt tôi? Tôi chết rồi mà! Làm sao còn bắt người chết?

- Anh bạn ơi! Người chết thì sao lại nói được? Tán như ranh mà kêu là chết rồi!

Các cậu thấy không? Bị vào tù, tớ lại thấy vui là khác. Ít ra trong lòng tớ còn loé lên một niềm tin rằng tớ vẫn sống.

Ra tù tớ lại thấy buồn vì mình chẳng được hưởng cái gia tài kia. Các chủ nợ bắt đầu thúc ép. Tớ phủi tay chuồn đi Xtămbun, nhưng vẫn không được đi làm. Ở đó tớ gặp một cô gái và định cưới. Nhưng cưới sao được khi phòng khai sinh chỉ cho giấy khai tử? Tớ đành sống ngoại hôn với nàng. Nhưng lấy gì mà sống? Tớ đành tìm một người đứng tên để mở cửa hàng. Tớ là người chết thì sao làm được chủ tiệm. Ðược một năm thì người đứng tên cuỗm tiền của tớ chuồn mất. Tớ phải nộp thuế. Tớ tuyên bố rằng tớ chết rồi, nhưng ma nào tin.

Làm thế nào được? Tớ đành đi ăn cắp. Bị tóm, tớ bảo rằng: "Trước pháp luật tôi là người chết.", nhưng không ai thèm nghe. Người chết mà lại ăn cắp được! Ðã ăn cắp được nghĩa là vẫn sống. Sự thể thế đấy: mày muốn đi học, người ta bảo mày chết rồi, lúc có quân dịch mày là người sống, lúc cần giải ngũ - lại chết, trả nợ cho bố thì sống, còn hưởng gia tài - mày có sống đâu, nhưng cần bỏ tù thì mày lại sống.

Tớ cũng vui vì lại vào tù. Dù sao bây giờ trước mắt mọi người tớ cũng hiện hữu, mặc dầu chính thức thì đã là chết. Nhưng tớ còn 4 đứa con, chúng không ra sống cũng chẳng ra chết; trước pháp luật chúng chưa ra đời. Bố chúng không có thì sao chúng ra đời được?... Thôi, còn 3 ngày nữa tớ ra tù rồi, tớ sẽ lại không còn sống trước pháp luật nữa.
(còn nữa)​

ST​
 
S

scientists

Tiếp theo

...Viên cai ngục nâng còi lên miệng.

Tù nhân dạo chơi phải vào khám, chúng tôi cũng đứng lên.

- Cậu ạ - anh ta nói - trước pháp luật chúng ta không sống, nhưng dẫu chúng ta có sống phỏng đã ích gì? Cái chính là làm sao đất nước hùng cường phải không? Quê ta vạn tuế. Còn chúng ta, chúng ta không sống chăng, cũng được.

ST​
 
S

scientists

Tội đồ bất đắc dĩ-Aziz Nesin



Chiếc ô tô buýt chật ních người. Nhưng giữa đám người chen chúc ấy vẫn nổi bật lên một vị khách mà thoáng trông cũng biết ngay là đi nhầm xe. Chỗ của ông ta lẽ ra là trong xe cấp cứu mới phải. Vì tay trái ông ta bị buộc treo lên vai bằng một dây vải trắng, đầu thì băng bó chằng chịt, một mắt thì sưng húp lên, còn mắt kia thì thâm tím khắp xung quanh. Một tay bám lấy thanh vịn, ông khách vừa cố xoay xở tìm cách đứng cho thuận tiện, vừa rên rỉ luôn miệng. Thấy vậy, một hành khách đang ngồi tỏ ý thương hại, đứng dậy nhường chỗ cho ông ta.

- Cám ơn ông! - Ông khách mình đầy thương tích rên rỉ nói.

- Ủa! Bác Xenman đấy à? Thế mà tôi không nhận ra! - người khách vừa đứng dậy nhường chỗ kêu lên - Bác bị làm sao thế này? Ðứa nào đánh bác hay sao mà mặt mày thâm tím hết cả lên thế kia?

- Bác Xaraphettin đấy à? Chào bác! Chà, bác hỏi làm gì cho tôi thêm buồn... Cái thân hình tôi nó thế này đã hai tháng nay rồi...

- Rõ khổ! Thế nhưng bác làm sao vậy?

- Lạy Chúa! Xin người thương xót con! Con hoàn toàn kiệt sức mất rồi...

- Thế các đốc-tờ bảo thế nào ạ? Bác bị bệnh gì vậy?

- Ôi dào! Ðốc-tờ mà làm quái gì! Ðốc-tờ cũng chả chữa được bệnh của tôi... Lạy thánh Ala! Sao người lại bắt con chịu cái cực hình như thế này! Mà lại không bắt các kẻ thù của con phải chịu!... Ôi, khắp người tôi đau như dần, đến chân tay cũng không cử động nổi nữa!

- Nhưng dù sao bác cũng phải đi bệnh viện cho đốc-tờ họ khám xem thế nào chứ!

- Bệnh viện gì! Ðến nhà thương điên thì có! Chẳng giấu gì bác, tôi bị mắc một cái bệnh truyền nhiễm!...

Nghe nói thế, Xaraphettin bỗng lùi hẳn người lại.

- Chết! Thế sao bác còn đi ra phố làm gì?

- Chao ôi! Nói thì dễ đấy, nhưng nào có ngồi nhà được cho cam! Tôi bị lây cái bệnh thằng con tôi mất rồi...

- Thế cậu nhà cũng bị ạ?

- Nó còn bị nặng bằng mấy tôi ấy chứ! Bệnh của nó đã thành mãn tính rồi. Tôi bây giờ cũng vậy. Có mỗi cái trường phổ thông mà nó không làm sao tốt nghiệp được! Năm lớp 9 đã bị đúp rồi, lên lớp 10 cũng lại thế nốt! Mà cũng chỉ tại cái trò bóng bánh chết tiệt! Ðã bao nhiêu lần tôi lạy van nó, bảo: "Mày quăng ngay cái trò bóng bánh ******** ấy đi cho tao!" Nhưng nó lại trả lời tôi: "Con không quăng được!". Nó tự huỷ hoại cái thân xác nó thật là ghê gớm. Ðến nỗi tôi với mẹ nó không còn dám nghĩ đến chuyện mong cho nó học giỏi nữa, mà chỉ lo làm sao cứu vãn lấy tính mạng của nó mà thôi! Mỗi lần đi đá bóng về trông nó cứ như vừa đi đánh giặc vậy! Ðội ơn thánh Ala! Bây giờ nó đã bị gãy chân trái rồi, nên không đá bóng được nữa. Thấy nó bị gãy chân, tôi sung sướng quá, vì không thế thì thể nào có ngày nó cũng bị người ta đánh chết. Ôi, xin Chúa hãy tha thứ cho chúng con! Tôi và mẹ nó thường bảo: "Thôi cho nó gãy chân cũng được! Chỉ cốt sao nó thoát khỏi cái bệnh truyền nhiễm ấy mà còn sống là may rồi!" Nhưng từ khi bị gãy chân, nó lại quay sang mê xem đá bóng quá thể! Hôm nào có đá bóng thì có trời mà giữ được nó ở nhà! Ðá ở đâu nó cũng mò đi xem cho bằng được. Ðá ở Ăngcara là nó nhảy đi Ăngcara, đá ở Iđơmia là nó tếch đi Iđơmia! Nhưng cái chuyện nó cứ đi đi về về như con thoi ấy cũng chưa hẳn là nhục! Nhục nhất là mỗi lần đi về trông nó lại phờ phạc không còn ra hồn người nữa! Chân đứng không vững, giọng thì khản đặc lại! Có đến hàng bao nhiêu lần tôi bảo nó, là đừng có la hét như điên ấy cho nó khản tiếng ra. Nhưng nó bảo tôi: "Bố chỉ được cái ngồi nhà mà nói! Bố cứ thử ra sân mà không la hét xem nào!"... Có hôm nó đi xem về thế nào mà đầu vỡ toác ra, còn hôm khác thì mũi bị giập nát và mắt thì sưng húp lên. Giá bảo nó còn đá bóng như hồi xưa mà bị như thế thì khả dĩ còn hiểu được, chứ đằng này nó chỉ xem người ta đá thôi cơ mà!... Nhưng nó lại cãi: "Ai đi xem mà chẳng phải đánh nhau! Bố cứ thử ra đấy mà ngồi im xem nào!" Có lần chúng tôi phải đến bốt cảnh sát để nhận nó về. Những người đi xem đá bóng đánh nhau dữ quá, cảnh sát phải giải tất cả về bốt. Có đến hai lần chúng tôi phải khiêng nó từ xe cấp cứu xuống!

"Trời ơi! Sao con không thương xót lấy cái thân con một chút, mà lại đi huỷ hoại nó thế hở con?", tôi nói với nó như vậy. Nhưng nó bảo rằng tuy cũng biết thế, nhưng nó không làm thế nào được! Nghe nó trả lời như vậy mà tôi thấy điên tiết! Tôi bèn bảo nó: "Thôi được! Hôm nào mày dẫn tao đi với mày để tao xem cái trò bóng bánh của mày nó như thế nào?"

Và thế là tôi đi với nó đến sân vận động Mitkhatpasa. Trận đấu bắt đầu. Lẽ cố nhiên, lúc bắt đầu tôi chưa cổ vũ cho đội nào cả. Ðội nào thắng hay thua đối với tôi cũng thế cả thôi. Tôi cứ ngồi quan sát khán giả và cười một mình. Bất ngờ, có một quả sút vào lưới y như một mũi tên. Cú sút thật là tuyệt vời! Chính mắt tôi được nhìn thấy! Nhưng lão trọng tài ăn gian không cho tính điểm. Tôi tức không chịu được. Thấy mọi người "ê" trọng tài, tôi cũng bắt chước "ê!... ê!..." rõ to. Bỗng tôi nghe thấy có ai bảo trọng tài không cho ăn quả ấy là đúng. "Không đúng! - tôi cãi lại - Quả ấy sút rất đẹp! Nhưng trọng tài ăn gian! Ðúng là lão ta ăn đút lót rồi!" Gã kia bảo tôi: "Ðồ con lợn! Mày có biết có những cú sút như thế nào không hả?" Tôi bảo hắn rằng bố hắn là đồ con lợn thì có! Vì mới đi xem lần đầu, nên tôi đâu có biết tính tình của cái dân ham mê đá bóng. Thế là chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị hắn thoi cho một quả bằng trời giáng, ngã quay ra đất. May mà có những người ngồi bên cạnh can được, chứ không thì tôi đã no đòn với thằng cha ấy rồi! Còn ông con tôi thấy tôi bị đánh cũng chả thèm để ý gì cả, cứ mải xem và luôn mồm kêu: "Xem kìa! Sắp tung lưới nữa đây này!"

Kể từ lúc đó, cái đội mà tôi bị ăn đòn vì nó, bỗng trở thành cái đội yêu mến của tôi. Bây giờ mỗi khi bóng đến chân các cầu thủ đội này là tôi không ngồi im được nữa. Tay tôi bắt đầu vung lên, như chuẩn bị đánh nhau vậy. Còn chân thì đá tứ tung không còn biết vào đâu nữa. Giá lúc này bóng mà rơi vào chân tôi, thì có lẽ nó phải bắn tít lên tận mặt trăng chứ chả chơi! Vung vẩy chân thế nào, tôi đá bốp một cái vào giữa lưng cái ông ngồi trước. "Ấy chết, xin lỗi bác!" Tôi vội nói, nhưng ông ta đáp lại với cái giọng của một người hiểu biết: "Không hề gì! Chuyện ấy là thường!". Một lúc sau thì chính tôi lại bị một cú đá vào lưng nảy đom đóm mắt. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng ở trên sân vận động thì không cái gì là không thể xảy ra được!

Những cú đấm, cú đá, cú huých từ bốn phía cứ thế thỉnh thoảng lại giáng vào đầu, vào lưng. Nhưng cũng chẳng ai thèm để ý làm gì! Ấy là lúc mọi người đã ham xem quá mất rồi! Bóng ở tít tận ngoài sân cỏ, mà mình ngồi đây, cứ anh bên cạnh mà sút thật lực. Mà lạ cái lúc ấy cũng chẳng ai thấy đau cả. Sau đó... bác Xaraphettin ạ, đội của tôi lại sút tung lưới một quả nữa, nhưng thằng cha trọng tài lại không cho ăn. Lần này thì tôi không còn nhịn được nữa. "Ðuổi cổ trọng tài ra sân!" Tôi gào lên như điên, không còn biết gì đến xung quanh nữa! Chân tay tôi run cả lên. Bên cạnh tôi là một ông bán nước chanh. Tôi cứ vớ lấy những chai nước của ông ta mà ném vào lão trọng tài. May mà đó là những chai nước chanh, chứ không phải lựu đạn!... Chẳng ai còn buồn nhìn ra sân cỏ nữa, người nào cũng quay sang choảng nhau loạn xạ. Tôi túm được cổ một thằng bé và cứ thế bóp làm nó suýt nghẹt thở. Thật đúng vô tình mình có thể trở thành kẻ giết người là vì thế! ******** cho thằng bé, nó cứ gào lên, bảo rằng cũng ủng hộ cái đội của tôi. Tôi vừa buông thằng bé ra thì có một thằng cha cao lêu đêu bỗng vật ngửa tôi ra mà đè lấy đè để. Tôi kêu to gọi thằng con tôi, nhưng cái thằng giời đánh còn đang mải nện nhau với lão trọng tài ở trên sân. Tôi gọi cảnh sát, nhưng cảnh sát cũng đang choảng nhau. Cả khán giả lẫn cầu thủ cũng đang đấm đá nhau túi bụi. Thôi được, để tôi hỏi cái thằng cha đang đè lên người tôi xem hắn cổ vũ cho đội nào? Té ra hắn cũng cổ vũ cho đội của tôi! Phải khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi đôi chân gọng kìm của hắn, vì hắn ghì tôi chặt quá, sợ để tôi thoát ra thì không tìm được ai để đánh.

Mãi một lúc sau, mọi người mới trở về trật tự, và trận đấu mới lại tiếp tục được. Ðể cổ vũ các đấu thủ, bây giờ, bắt chước mọi người, tôi cũng bắt hét to: "Hoan hô! Hoan hô!" Hét được một lúc thì giọng tôi khản đặc lại. Tôi bèn quay sang gõ vào cái hộp sắt tây của ông ngồi đằng trước. Ông này mang cái hộp đi cũng là để cổ vũ các cầu thủ. Nhưng đến khi trên sân hai cầu thủ bỗng xông vào nhau đấm đá túi bụi, thì cảnh tượng mới thật là hỗn loạn. Tôi bị một thằng cha nào đó tung bổng lên cao. Thú thật, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể bay cao đến thế! Sau đó... sau đó thế nào thì tôi không hay biết gì nữa! Chỉ biết lúc tỉnh lại thì đã thấy mình đang nằm trong nhà thương.

- Thế là suốt từ hôm đó bác vẫn chưa bình phục được? -Xaraphettin hỏi.

- Vâng, vì đến chủ nhật sau tôi lại đến sân vận động. Chả là đội của tôi chơi mà! Làm sao mà ngồi nhà được! Nói thì dễ đấy, nhưng hôm ấy cứ thử ngồi nhà xem có được không? Có mà lấy dây thừng trói chân anh lại, thì anh vẫn cứ chuồn đi được! Ôi, sao mà người tôi đau thế này!...

Bỗng từ cánh tay băng bó của Xenman có một vật gì rơi ra.

- À, cái hộp sắt tây đấy mà! Ðể tôi gõ vào nó khi nào không thể gào được nữa - Xenman cắt nghĩa cho tôi, khi tôi nhặt chiếc hộp đưa cho bác ta.

Ô tô dừng lại, Xenman đứng dậy, rên rỉ nói:

- Thôi chào bác, bác Xaraphettin!

- Không dám, chào bác! Bây giờ bác đến khám đốc-tờ chứ?

- Ấy chết! Trận hôm nay mà bỏ thế nào được! Chà! Lạy Chúa! Chỉ mong sao cho tôi đừng đến muộn!
ST​
 
S

scientists

Vì sao mà sống



Có ba người mặt mày buồn bã đến hỏi ý kiến của một nhà hiền triết, làm thế nào để bản thân sống được vui vẻ.

- Trước tiên, các ông hãy nói xem các ông sống vì cái gì? - Nhà hiền triết hỏi.

Người đầu tiên nói:

- Vì tôi không muốn chết, vì vậy mà tôi sống.

Người thứ hai nói:

- Vì tôi muốn nhìn xem ngày mai có tốt hơn ngày hôm nay hay không, vì vậy mà tôi sống.

Người thứ ba nói:

- Vì tôi có một gia đình phải nuôi dưỡng. Tôi không thể chết, vì vậy mà tôi sống.

Nhà hiền triết lắc đầu nói:

- Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi, vì các ông sống chỉ vì sợ hãi, chờ đợi, trách nhiệm bất đắc dĩ, chứ không vì lý tưởng.
ST​
 
S

scientists

Đốt lá


Edie Cuttler

Ông tôi, rất yêu mùa thu. Mỗi năm vào cuối tháng mười, ông hay gom những chiếc lá rụng trên sân thành đống bên đường rồi đốt.

Dọc theo các con đường, có thể trông thấy những đống lá đang cháy. Tôi thường tự hỏi có phải nghi lễ tống táng những chiếc lá này đã có kế hoạch từ trước hay không. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghe ông tôi gọi điện cho bất kỳ ai để nói, "Thế là, hôm nay là ngày chúng ta sẽ găp nhau bên đường nhé". Không, không có điều gì đại loại như thế diễn ra. Khi những cơn gió đã lặng, những ngọn lửa bắt đầu cháy lên lúc chiều tà, và tiếp tục vài giờ nữa trong hoàng hôn. Những đốm tàn vẫn còn có thể thấy rõ khi những đứa trẻ chúng tôi vào trong nhà.

Việc đốt lá đã trở thành một sinh hoạt của gia đình, một phần của mùa thu mà tôi vẫn mong đợi từng năm. Những người lớn cào suốt cả ngày, cố giữ không để cho bọn trẻ vui nhộn chạy vào và dẫm lên trước khi nó được gom vào bên đường. Từ thời thơ ấu, tôi đã rất thích nghe những tiếng lách tách của lá cháy cũng như nhận biết sự quyến rũ và nguy hiểm của ngọn lửa.

Những người bạn láng giềng chuyện trò và bình luận về thời cuộc. Đàn ông thích nói về những chuyện như thế. Bà tôi nướng những chiếc bánh và mời những người bạn già. Những người khách vẫn cứ lưu luyến chưa muốn về dù lửa đã tàn, họ nói về mùa đông đang tới. Ông tôi, đứng bên ngoài, chặn những chiếc lá bướng bỉnh, giữ cho khỏi phải đốt lại những chiếc lá thoát ra ngoài.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi chưa bao giờ hỏi vì sao ông yêu thích việc đốt lá. Tôi cho rằng mọi người đốt lá vào tháng 10 và ông làm công việc đó là đương nhiên. Khi trưởng thành, tôi bỗng thấy chính mình ngồi bên lề đường chuyện trò với ông trong buổi hoàng hôn. Và tôi bỗng nhận ra rằng đó không chỉ là một công việc nhỏ mọn hàng năm cho ông. Ông có lần kể cho tôi nghe những lần ông cố đã đốt lá trên mảnh đất nhỏ của họ ở vùng đồi Pennsylvania. Ông cố của tôi là một thợ mỏ và có rất ít thời gian để vui đùa cùng với gia đình. Ông tôi và mười anh chị của ông đều trông đợi cái khoảnh khắc quí báu ấy vào dịp ông cố đốt những chiếc lá.

Ông tôi là người trầm lặng và không thích nói nhiều. Sau nhiều năm làm việc ở những hầm mỏ lộ thiên, ông vẫn giữ một dáng dấp lực lưỡng, nhưng đi đứng chậm chạp và luôn có mục đích. Ông và bà là nơi nương tựa bất biến nhiều năm cho tôi khi cha mẹ tôi và tôi sống đời di dân trong thời chiến. Ông bà tôi hiếm khi đi đâu. Ngôi nhà, tập quán sinh hoạt của họ luôn là chỗ dựa bền vững mà tôi níu giữ thân thiết nhất khi mình lớn lên.

Thế rồi đầu một mùa hè, bà nội mất. Mùa thu đó ông dọn đến với bố mẹ tôi. Với những luống hoa, những sở thích, cùng với con cháu, ông dường như hài lòng. Nhưng một buổi cuối tuần khi từ trường đại học trở về, tôi nhận ra ông đang cào những chiếc lá vào bên đường. Mẹ không nói với ông. Tôi nhận ra rằng mình sắp phải là người báo tin buồn. Tôi ra ngoài và giải thích rằng nơi đây, trong thị trấn mới này có luật cấm đốt lá. Tất cả những đám khói đó sẽ bị xem là ô nhiễm môi trường và chính quyền lo lắng về việc hỏa hoạn. Không nói một lời, ông bỏ đi, đôi vai còn thấp hơn lúc đám tang bà. Ông đặt cái cào dựa vào vách và bước vào trong. Những chiếc lá vẫn nằm bên đường cho đến khi những cơn gió cuối thu thổi chúng bay vào trong sân. Một cảm giác buồn bã dậy lên trong tôi trong mùa thu đó. Cả tôi nữa, tôi cũng đã mất đi một điều gì đó không thể thay thế được. Bởi vì những mùa thu sau đó, ông chỉ tỉa cành, xén cây và làm những việc vặt khác chứ không hề cào lá nữa,

Vào năm tôi có mang đứa con thứ hai, được biết ông bị ung thư. Bác sĩ không nghĩ rằng rằng ông sẽ kịp đón lễ Tạ Ơn. Ông gầy hơn và đi đứng chậm chạp hơn bao giờ hết, nhưng tất cả chúng tôi đều dối ông và dối chính mình, rằng ông trông khỏe và chuẩn bị kỳ nghỉ lễ.

Vào giữa tháng 10, tôi đưa ông ra trang trại tôi vừa mua được. Không khí trong lành và mùa hè Ấn Độ đang cao điểm. Ông đi bộ vài dặm với Adam, đứa cháu đích tôn, như thể đang kiểm tra đất đai, với những bước chân đo và đầu ngẩng cao. Từ trong sân tôi nhìn thấy ông như hạnh phúc với đứa cháu bốn tuổi hiếu động.

Khi họ trở về, tôi nói với ông rằng ở nơi đây là ngoại ô, chúng tôi sẽ không bị phạt khi đốt lá và ông có vui khi giúp tôi một tay? Lần đầu tiên sau một thời gian dài ông cười thật tươi, ôm chặt lấy tôi và nói: "Cảm ơn cháu, ông sẽ rất vui khi giúp cháu". Lệ ngập tràn mắt tôi, và sự thân thiết giữa chúng tôi vẫn luôn bền chặt như bao giờ.

Tôi cào, Adam đuổi theo những chiếc lá còn ông giám sát cẩn thận đặt chặn bằng những hòn sỏi. Ông giảng giải cho Adam mối nguy hiểm của lửa. Bài học vốn thường được nghe và yêu thích trong câu chuyện kể trước đi ngủ nhiều năm trước đây.

Thế rồi ông đánh diêm và đống lá đầu tiên bừng cháy. Những sắc màu xoay vòng lung linh. Những chiếc lá cố trốn thoát bị ông gom lại bằng chiếc cào sắt. Đống lửa cháy nhiều giờ trong buổi chiều.

Ông nói bánh và cà phê đêm đó là những món tuyệt hảo cuối cùng cho một trong những ngày đẹp nhất mà ông từng có sau một thời gian dài. Ông ra đi trong giấc ngủ sau đó một tuần.

Vài ngày sau, tôi nhận một lá thư từ Ban Vệ Sinh, thông báo về việc luật cấm đốt lá. Tôi đã không nói dối ông thật sự; họ đã không phạt.

Tôi sẽ luôn nhớ ông và cả… những đống lá đang cháy.
ST​
 
S

scientists

Ba cây cổ thụ



Ở một khu rừng nọ có ba cây cổ thụ đang bàn luận về tương lai. Cây thứ nhất nói: "Một ngày nào đó tôi muốn được trở thành chiếc hộp đựng châu báu với hình dáng lộng lẫy". Cây thứ hai nói: "Tôi muốn trở thành con thuyền to lớn. Tôi sẽ chở đức vua và hòang hậu đi khắp thế giới". Và cây thứ ba: "Tôi muốn vươn dài để trở thành cây to lớn nhất trong khu rừng này. Mọi người nhìn lên đồi sẽ thấy tôi vươn xa, chạm đến bầu trời".

Một vài năm sau đó một nhóm người đặt chân đến khu rừng và cưa những thân cây. Cả ba đều mỉm cười hạnh phúc vì tin mong ước của mình sẽ thành hiện thực.

Khi cây đầu tiên được bán cho một chủ trại mộc, nó được tạo thành máng đựng thức ăn gia súc và đặt trong kho thóc phủ lên bởi một lớp cỏ. Cây thứ hai được bán cho một thợ đóng thuyền đóng thành một chiếc thuyền nhỏ để câu cá. Cây thứ ba bị chặt thành từng khúc và quẳng lại trong bóng đêm. Đây chẳng phải là những điều mà chúng hằng mong đợi.

Một ngày nọ, một cặp vợ chồng đến kho thóc. Người vợ đã đến kỳ sinh nở, người chồng hy vọng tìm được một chiếc nôi cho đứa bé và máng cỏ đã trở thành chỗ ở ấm áp cho em. Cây thứ nhất cảm nhận cảm nhận được sự quan trọng của nó và hiểu rằng mình đang che chở một sinh linh bé nhỏ.

Vài năm sau, một nhóm người đi đánh cá trên chiếc thuyền của cây thứ hai gặp phải một trận bão lớn. Những người trên thuyền đã rất mệt mỏi, nhưng cây thứ hai biết rằng nó có đủ sự vững chãi để giữ an toàn và sự bình yên cho chủ nhân. Với cây thứ ba, một ngày, có ai đó đã đến và nhặt những khúc gỗ. Trên đỉnh đồi, nó được đóng thành một hàng rào ngăn chặn thú dữ. Khi ánh mặt trời vừa ló dạng, cây thứ ba nhận ra rằng nó có đủ sức mạnh để đứng vững trên đỉnh đồi này.

Khi sự việc xảy ra không theo như ý muốn, đừng tuyệt vọng vì mọi việc diễn ra đều có chủ đích. Cả ba cây cổ thụ đều thực hiện được những ước mơ của mình, dù cách thức để đạt đến đích cuối cùng không như mong đợi. Cuộc sống sẽ không phụ những ai có lòng.

ST​
 
Top Bottom