Những câu chuyện không bao giờ là cũ

S

scientists

Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh

Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..
Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo : Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.

Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng : Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách : đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay. Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với Con : Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu! Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.

Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng nào… Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm… Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người: Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ? Thằng bé hồ hởi : Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!

Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: Con hãy đợi ta nhé. Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự… Thằng bé mở cửa… Ông bước vào: Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé. Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ… Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ… Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!

Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…
ST​
 
S

scientists

Con Vẹt Xanh



Lưu Tư Kinh, là con trai duy nhất của bà mẹ quả phụ nghèo sống ở miền quê thưa người, xa lắc. Anh quyết chí lên thành phố mưu cầu tiến thân để sống tốt và giúp được mẹ già nơi quê nhà. Công việc và những lo toan chẳng bao giờ dứt… Lòng đầy nhớ thương, nhưng chẳng về mà thăm mẹ cho được, dù tháng nào anh cũng dành tiền gửi đều đặn về cho bà… Nhưng có lần trong thư mẹ anh gửi: Con trai ơi… đã quên mẹ rồi sao… Anh đọc thư mà nước mắt lã chã.

Rồi anh cũng đã tạm thu xếp mọi việc về quê thăm mẹ. Lòng tràn ngập hân hoan… Mẹ con lâu ngày gặp lại mừng mừng tủi tủi khôn xiết. Sờ nắn bờ vai con, người mẹ rưng rưng: Con ơi, mẹ nhớ con lắm…! Anh ôm lấy người mẹ dường như héo mòn đi qua năm tháng mà nhòa lệ: Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm…! Lần này con về mang cho mẹ Con Vẹt Xanh mua đắt tiền lắm, con đã nuôi dạy nó lâu… Khi con đi xa nó sẽ ở nhà bầu bạn với mẹ cho đỡ cô quạnh và mẹ cũng thấy con bên cạnh hàng ngày. Mẹ nghe chỉ bảo: Con tốn tiền đến vậy thật không thỏa đáng. Mẹ chỉ muốn thấy con hàng ngày… Anh bảo: Mẹ hãy kiên tâm, đến khi con tích lũy đủ tiền sẽ đón mẹ đi cùng.

Ở nhà được vài ngày, Lưu Tư Kinh chia tay mẹ lên đường trở lại thành phố, lại lao vào làm ăn, phấn đấu. Mẹ già ở nhà một bóng. Con Vẹt Xanh bên cạnh bà, thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: Mẹ ơi, con Lưu Tư Kinh đây, con nhớ mẹ lắm… Mẹ ơi, mẹ vất vả quá, nghỉ tay một chút đi mẹ… Mẹ ơi mẹ khỏe mạnh nhé… Bà cảm thấy vui vẻ và ấm lòng hơn rất nhiều. Bà thương quý Con Vẹt Xanh vô cùng, tắm rửa, chăm sóc cho nó, trò chuyện hàng ngày như với con trai mình vậy.

Một năm, bà bị trọng bệnh, sau thời gian ngắn đã qua đời. Hàng xóm đã làm đám cho bà và tìm cách báo cho anh biết. Hẫng hụt, đau khổ, Lưu Tư Kinh dứt bỏ mọi công việc, ngay lập tức lên tàu xe trở về… Căn nhà trống không, vẫn còn mùi hương khói. Lọ tro của mẹ được đặt trên bàn hướng chính giữa. Anh nức nở thương xót mẹ và ân hận vô cùng đã không về chăm sóc và đưa được mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Mệt mỏi và suy sụp, anh ôm tấm ảnh mẹ vào lòng thiếp đi lúc nào không biết. Anh mơ thấy mẹ hiền đang ngôi khâu vá bên anh, mỉm cười, quạt cho anh ngủ, thoang thoảng bên tai anh tiếng nói: Con ơi, mẹ nhớ con lắm… Anh sung sướng muốn nhào vào ôm lấy mẹ! Choàng tỉnh, không có ai xung quanh cả, nhưng tiếng nói : Con ơi, con có khỏe không… Mẹ nhớ con lắm… vẫn từ như rất gần đây đấy vọng đến… Anh đi nhẹ gần đến ban công sát vườn. Tiếng nói phát ra từ đó. Dưới ánh nắng hoàng hôn cuối cùng chiếu qua kẽ lá. Anh nhận ra Con Vẹt Xanh đang đậu trên cành cây! Anh đỡ nó lên tay, nó lại hót : Con ơi, con khỏe không? Mẹ nhớ con lắm… Con Vẹt đã gầy và tả tơi đi quá nhiều. Lưu Tư Kinh ôm con Vẹt vào ngực mình nức nở: Mẹ ơi, con thương nhớ mẹ vô cùng…

Ôi! Mẹ anh trước khi qua đời đã mở lồng thả Vẹt Xanh ra. Nhưng nó đã sống bầu bạn bên cạnh bà bao ngày, dường như thấu được tình cảm của Bà mà không bay đi, vẫn ở lại căn nhà nghèo trống trải này như đợi Lưu Tư Kinh trở về mà nhắn nhủ lời yêu thương của Bà với anh ấy…
St​
 
S

scientists

Bát Mì cuối năm



Người Nhật có phong tục đêm cuối năm, trước giờ Giao Thừa, thường cùng gia đình đến một quán mì ưa thích, mỗi người ăn một bát mì truyền thống để cùng nhau ôn cố tri tân.

21h đêm Giao Thừa, quán mì của ông bà Bắc Hải Đình đã hết khách, họ chuẩn bị đóng cửa, chuẩn bị cho lễ Tất Niên của nhà mình… Tiếng chuông gió trước của vang lên, ông ra mở cửa: Một người phụ nữ trung niên với hai cậu bé khoảng 10 và 7 tuổi, trông họ thật lam lũ, ngập ngừng xin phép bước vào. Sau khi xếp cho họ ngồi trước bàn, ông chủ quán chờ đợi. Người phụ nữ bối rối: Ông bà có thể cho ba mẹ con chúng tôi một bát mì được không? Hơi ngạc nhiên, nhưng ông nói vâng, và quay vào dặn bà làm một bát to hơn bình thường đưa lên cho họ. Ba mẹ con cùng chụm đầu vào ăn, xuýt xoa ngon lành. Đứa bé đang ăn ngẩng đầu nhìn mẹ hỏi: Mẹ ơi, liệu năm sau nhà ta có được ăn như thế này nữa không? Người mẹ nhẹ nhàng nói: chúng ta sẽ cùng cố gắng để được như thế nhé! Ăn xong họ lễ phép cảm ơn ra về. Ông bà chủ quán nhìn theo ái ngại...

Một năm qua đi rất nhanh... Lại đến sau 21h Giao Thừa sang năm, ông bà chủ quán dường đã quên, thì lại như năm trước Ba mẹ con líu ríu bước vào như để trốn cái lạnh cắt da bên ngoài. Trông họ tiều tụy hơn, và người mẹ lại xin được phục vụ một bát mì. Ông chủ quán vồn vã, rồi bước vào trong dặn bà làm ba bát mì. Bà phúc hậu nói: Ông ạ, hãy làm một bát như ý họ. Nhưng bà làm để đủ no và ấm lòng cho ba người. Họ ngồi vào chiếc bàn bình dị năm ngoái, ăn rất ngon, vui vẻ dặn dò nhau những việc phải nỗ lực hơn trong năm mới. Xong, người mẹ đứng lên cảm ơn, muốn trả thêm tiền cho bát mì đó, nhưng ông bà ân cần từ chối: Được ba mẹ con đến đây, và nếu quán chúng tôi như là nơi ba mẹ con có thể hưng phấn hơn cho những điều các vị cần cố gắng thì đã là điều thật quý hóa rồi...

Lại thêm một năm nữa. Ông Bà đã đặt lên tấm biển con giữ chỗ trên chiếc bàn đó trong quán, dành cho họ. Nhưng mãi sau 21h không thấy họ quay trở lại... Ông bà có cảm giác buồn trống vắng, khẽ bảo nhau đóng cửa hàng để chuẩn bị Tất Niên... Cứ như thế trong nhiều năm sau đã thành thông lệ, mọi khách hàng cũng biết chuyện mà cảm động, không ai ngồi vào chiếc bàn đó vào đêm Giao Thừa cả và ai cũng có ý vừa nhâm nhi bát mì vừa mong đợi Ba Mẹ Con trở lại…

Rồi lại một cái Tết nữa... Đã quá 21h ông bà chủ quán định nói lời cảm ơn cuối năm với mọi người đang còn trong quán thì tiếng chuông vang lên… Ông ra mở, mọi người nhìn ra theo. Ba người : một phụ nữ lịch lãm và 2 cậu thanh niên tuấn tú khỏe mạnh bước vào. Dường như quen thuộc, họ tiến đến chiếc bàn kia. Ông chủ khiêm nhường nhắc: Thưa, chỗ này đã được dành cho người khác ạ... Họ xin được ngồi ngay bàn sát bên. Ông chủ lễ độ chờ họ gọi. Người phụ nữ ngẩng lên: Xin cho ba chúng tôi Một Bát Mì… Trời ơi… Mọi người đều quay hết về phía họ: Phải chăng các vị là Ba Mẹ Con ngày xưa? Chúng tôi đã mong chờ các vị bấy lâu...

Dạ vâng, là chúng tôi ạ. Chồng và cha chúng tôi bị tai nạn qua đời đã lâu, để lại món nợ rất lớn, chúng tôi đã vô cùng khó khăn nên đã nhiều năm không còn khả năng được ăn mì Tất Niên nữa. Bây giờ mọi điều đã rất tốt đẹp, nên trở lại đây muốn được ăn bát mì như năm xưa, được hưởng tấm lòng của ông bà mà nhờ đó chúng tôi đã thêm được sự ấm lòng để cố gắng vượt qua… Tất cả tràn đầy xúc động đứng lên bước lại quây quần và cung kính cảm tạ lẫn nhau.
ST​
 
S

scientists

Vượt qua khó khăn - câu chuyện về những hạt muối

Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già. Anh ta lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú gì hơn.

Một lần, khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe rồi đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ.

- Con cho thìa muối này vào cốc nước và uống thử đi.

Lập tức, chàng trai làm theo.

- Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời.

Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước: Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi.

- Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào. Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử.

Người thầy chậm rãi nói:

- Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này đây, nhưng mỗi người hòa tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước, họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích.
St​
 
S

scientists

Hãy đặt cốc nước của bạn xuống



Một giáo sư bắt đầu giờ giảng của mình với một cốc nước. Ông giơ nó lên và hỏi các sinh viên, “Các bạn nghĩ cốc nước này nặng bao nhiêu?”

’50 gam!’…’100 gam!’… ‘125 gam!’… các sinh viên trả lời.

“Tôi không thể biết chính xác nếu không cân,’ giáo sư nói, ‘nhưng câu hỏi của tôi là: Điều gì sẽ xảy ra khi tôi cứ giơ cái cốc thế này trong vài phút?’

‘Chẳng có gì cả’ các sinh viên nói.

‘OK, vậy điều gì xảy ra nếu tôi giơ trong một giờ?’ giáo sư hỏi.

‘Tay thầy sẽ bắt đầu đau ạ’, một sinh viên trả lời.

‘Đúng vậy, và nếu trong một ngày thì sao?’

‘Tay thầy có thể tê cứng, và thầy có thể bị đau cơ, tê liệt, chắc chắn phải đến bệnh viện,’ một sinh viên khác cả gan nói. Và tất cả lớp cười ồ.

‘Rất tốt. Nhưng trong tất cả các trường hợp đó, cân nặng của cái cốc có thay đổi không?’, giáo sư lại hỏi.

‘Không ạ,’ các sinh viên trả lời.

“Vậy, cái gì khiến cho tay bị đau, cơ bị tê liệt? Và thay vì việc cứ cầm mãi, tôi nên làm gì?’

Các sinh viên lúng túng. Rồi một người trả lời, ‘Đặt cốc xuống!’

’Chính xác!’ giáo sư nói, ‘Các vấn đề trong cuộc sống cũng giống như thế này. Khi bạn giữ nó trong đâu vài phút thì không sao. Nghĩ nhiều hơn, chúng làm bạn đau. Và nếu cố giữ thêm nữa, chúng bắt đầu làm bạn tê liệt. Và bạn sẽ không thể làm gì được nữa.’

Nghĩ đến những vấn đề trong cuộc sống là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là hãy nhớ ‘đặt chúng xuống’ vào cuối mỗi ngày khi bạn đi ngủ.

ST​
 
S

scientists

Cả hai đều đúng - bài học khi tranh luận

Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có hai người đệ tử, trước khi trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để xem thầy sẽ phán xét như thế nào.

Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người này, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối:

“Thưa thầy, bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chứ như đối với bài của anh này, thì con chắc chắn không thể nào nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai lập luận của chúng con chắc chắn không thể bên nào dung được bên nào: hễ anh ấy đúng thì con sai, mà con đúng thì anh ấy sai”.

Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo:

“Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò này nói như thế này là tại trình độ hiểu biết của trò đó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo trò đó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thấy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây hoa nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bảo bài của người này đúng, mà bài của kẻ kia sai!”.

Nếu ở đời, ai cũng biết lấy sự độ lượng của hiền giả này mà cư xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế, mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…
ST​
 
S

scientists

Những vết thương có làm bạn yếu đi?

Tác giả Pro Bronson, trong cuốn sách “Tại sao tôi lại yêu quý những con người này?”, đã kể lại một câu chuyện có thật về một cây đu kỳ lạ. Cái cây này được trồng vào nửa đầu của thế kỷ 20 tại một trang trại gần Beulah, bang Michigan (Mỹ). “Cuộc đời” của nó là cả một cầu chuyện đáng để chúng ta nhắc tới.

Vào những năm 1950, trong trang trại kia có nuôi một con bò lớn, người ta dùng xích buộc con bò vào cây đu. Nhiều khi nó bực tức hoặc phấn khích, liền chạy quanh cây đu, kéo theo sợi dây xích kim loại nặng trịch. Sợi xích này đã nghiến thành một đường rãnh hằn rất rõ lên lớp vỏ cây, ở đoạn cách mặt đất khoảng một mét. Nhưng không hiểu vì sao mà sợi xích vẫn không thể quật ngã hay làm cái cây khô héo.

Sau vài năm, gia đình nông dân sống trong trang trại chuyển nhà, mang cả con bò lớn đi theo. Họ cắt sợi dây xích, nhưng lại bỏ mặc vòng xích quấn chặt quanh cây đu. Nhiều tháng năm nữa, lớp vỏ cây dần dần hàn gắn vết thương, phủ lấp cả vòng xích han gỉ.

Thế rồi một năm, một thảm hoạ đã dội xuống Michigan, đó là Dịch cây đu Hà Lan (dịch nấm cây đu bị loài bọ trên vỏ cây làm lây lan). Tất cả các cây đu trong vùng đều bị nhiễm bệnh và chết. Ai cũng cho rằng cây đu già cỗi trong trang trại cũng sẽ chịu chung số phận. Người ta đã định chặt cây đu xuống, rồi chẻ nó làm củi trước khi cây đu chết và rất có thể sẽ đổ sầm xuống khi có gió bão.

Nói vậy, nhưng cuối cùng, họ lại không nỡ lòng chặt cây đu già dường như đã trở thành một người bạn thân của gia đình. Thế là họ quyết định cứ để thiên nhiên làm công việc của mình.

Nhưng thật kỳ lạ: cây đu không chết. Năm này qua năm khác, nó vẫn đứng nguyên, vươn cao kiêu hãnh. Không ai hiểu vì sao lại có một cây đu duy nhất sống được trong cả vùng!

Các nhà nghiên cứu bệnh thực vật của trường Đại học bang Michigan đến xem xét cái cây kỳ lạ. Họ nhìn kỹ “vết sẹo” do sợi xích kim loại để lại trên thân cây – lúc này đã hầu như được che phủ bởi vỏ cây, còn sợi xích thậm chí đã bị ăn mòn.

Các nhà nghiên cứu thực vật cho rằng chính sợi xích đã cứu cây đu. Lý do là cái cây đã hấp thụ quá nhiều sắt từ sợi xích han gỉ, đến mức nó trở nên miễn dịch với các bệnh nấm!

Có nhiều người nói rằng những gì không hạ gục được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Hay như Ernest Hemingway viết: “Cuộc sống làm gãy vỡ tất cả chúng ta, nhưng rồi sau đó, rất nhiều người trong số chúng ta lại trở nên mạnh mẽ nhất chính ở những điểm đã bị gãy vỡ”.

Nếu có bao giờ bạn đến thăm Beulah, bang Michigan, hãy tìm cây đu tuyệt vời đó. Nó toả rộng tới 20m với vòm lá xanh tươi, đẹp như một chiếc vương miện. Chu vi thân cây phải đến gần 4m.

Và bạn đừng quên tìm vết thương mà sợi xích đã để lại trên cây. Nó như một lời nhắc nhở rằng dù có những tổn thương, những thiệt thòi, nhưng chúng ta vẫn có hy vọng! Vì nếu chúng ta không gục ngã bởi những vết thương, thì chúng sẽ cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đối mặt, vượt qua và sống sót trước nhiều thử thách.

Chúng thực sự có thể khiến chúng ta trở thành những con người mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn.
St​
 
S

scientists

Hãy tha thứ - câu chuyện về những củ khoai tây



Thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.

Sau đó, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa.

Đây thật là một ẩn dụ sinh động về cái giá mà chúng ta phải trả cho việc khư khư ôm lấy giận hờn trong lòng. Trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ, nhưng bạn thấy đấy, đây rõ ràng là món quà cho chính chúng ta.
ST​
 
S

scientists

Mọi vật đều có mục đích

Có một bà lão gánh hai thùng nước bằng hai vai, một thùng nguyên vẹn còn thùng kia có vết nức dài. Vềt nức làm nước từ trong thùng chảy ra ngoài và khi tới nhà chỉ còn lại một nữa trong khi thùng kia nước vẫn còn nguyên vẹn.

Hai năm trôi qua ngày nào bà lão cũng gánh một thùng rưỡi nước khi tới nhà. Thùng nguyên vẹn luôn tự hào , trong khi thùng kia thì tủi thân vì sự khiếm khuyết của mình. Cuối cùng nó lấy hết can đảm để nói với bà lão rằng bởi vì vết nức này mà nước chảy ra ngoài và nó cảm thấy hổ thẹn. Bà lão cười và chỉ nó thấy những cánh hoa mọc bên lề đường nơi bên dưới của nó , điều này không có ở thùng bên kia. Sau đó bà nói : bởi vì thấy được sự khiếm khuyết này , nên bà đã gieo hạt giống hoa bên này mà không gieo bên kia và hàng ngày nó đã tưới làm xanh tốt những đóa hoa đó. Hai năm nay , nhờ sự rò rỉ này mà bà có những đóa hoa trên bàn ăn lúc nào cũng xinh đẹp và ngôi nhà lúc nào cũng đượm mùi hương.

Khuyết điểm có trong chúng ta, nhưng những cái ấy làm cuộc sống chúng ta đẹp đẽ và cao thượng hơn và hãy nhìn thấy sự tốt đẹp từ những khiếm khuyết đó, cũng như bài học của cái thùng này
ST​
 
S

scientists

Trong khuôn khổ thế vận hội mùa hè

Trong khuôn khổ thế vận hội mùa hè Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 8 năm 1992, đã diễn ra một điều thật kỳ diệu làm rung động trái tim hàng tỷ người trên thế giới.

Trong môn điền kinh ở cự ly 400m, vận động viên người Anh Derrick Redmond đang dẫn đầu cuộc đua và chuẩn bị cán đích. Khi dồn hết sức lực để hoàn thành những bước chạy cuối cùng, bất thình lình anh cảm thấy một cơn đau dữ dội ở chân và anh không thể đứng vững.

Nhưng Derrick không chịu bỏ cuộc, anh vẫn cố hết sức để kết thúc vòng đua bằng cách nhảy cò cò về đích, mặc dù cứ mỗi bước là một cơn đau như cắt, ngày càng dữ dội hơn.

Lúc đó, ngồi trên hàng ghế khán giả là Jim Redmond – cha của Derrick. Khi chứng kiến cảnh đau đớn của con trai mình, ông đã lao như bay qua các hàng ghế của khán đài rồi nhảy qua hàng rào sân, xô ngã mấy nhân viên bảo vệ để đến được với con.

Và cứ như thế, hai cha con dìu nhau tiếp tục đường đua trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của cả sân vận động lẫn sự bất ngờ của hàng tỷ người đang xem truyền hình trên toàn thế giới.

Lời của người cha nói ở cuối đoạn phim:

But whatever happens, he had to finish. And I was there to help him finish. I intended to go over the line with him. We started his career together. I think we should finish it together.

Tạm dịch (bởi khatvong):

Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, con tôi phải kết thúc vòng đua. Và tôi muốn ở bên nó để giúp nó làm việc đó. Tôi đã ở bên con tôi lúc nó bắt đầu sự nghiệp. Tôi nghĩ mình cũng phải ở bên nó khi nó kết thúc sự nghiệp.
ST​
 
S

scientists

Suy nghĩ về cuộc sống - chuyện của người trồng ngô

Năm nào ông cũng mang ngô tới hội chợ liên bang và năm nào ngô của ông cũng đạt giải nhất. Ai cũng cho rằng ông có những bí quyết riêng độc đáo. Có một lần, một phóng viên phỏng vấn ông và phát hiện ra rằng người nông dân luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với những người hàng xóm ở các trang trại xung quanh.
- Tại sao bác lại chia những hạt giống tốt nhất đi, trong khi năm nào họ cũng đem sản phẩm đến cùng hội chợ liên bang để cạnh tranh với sản phẩm của bác? - Phóng viên hỏi.
- Anh không biết ư?- Người nông dân thật thà đáp
- Gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng từ trang trại này sang trang trại khác, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm quanh tôi chỉ trồng được những cây ngô xấu thì việc thụ phấn do gió rõ ràng sẽ làm giảm chất lượng ngô của chính trang trại của tôi. Tức là, nếu tôi muốn trồng được ngô tốt, tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!
Cuộc sống cũng như vậy. Những người muốn được hạnh phúc phải giúp những người sống quanh mình hạnh phúc. Những người muốn thành công phải giúp những người quanh mình thành công. Giá trị cuộc sống của bạn được đo bằng những cuộc sống mà bạn “chạm” tới.
ST​
 
S

scientists

Nói chuyện có duyên ?

Trong một bữa cơm tối tại nhà một người bạn làm nghề xuất bản, tôi được gặp một nhà thực vật học có danh. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được gặp một nhà thực vật học và ông ấy nói chuyện nghe muốn mê. Tôi xích lại gần, nghe ông diễn giải về các loài cây cỏ và những chi tiết lạ lùng về một cây rất tầm thường là khoai tây... Ông khuyên tôi nhiều điều rất quý về cách giữ gìn khu vườn nhỏ của tôi.

Trong bữa tiệc đó, có mười hai ông khách nữa mà tôi như không biết có ai hết: tôi phạm hết thảy những điều thường thức về xã giao để nghe trong mấy giờ đồng hồ nhà thực vật học của tôi.

Tới nửa đêm tôi xin phép ra về. Sau này có người cho hay rằng, tôi vừa ra khỏi phòng, nhà thông thái đó quay lại với ông chủ nhà, khen tôi thế này, thế khác và cho rằng câu chuyện tôi rất hứng thú và tôi là một người ăn nói có duyên.

Tôi mà nói chuyện có duyên ư? Nhưng hôm đó tôi có thốt ra nửa lời nào đâu?

Giả thử tôi có nói, thì câu chuyện đã xoay qua một vấn đề nào khác rồi, vì về khoa thảo mộc học, tôi hoàn toàn không biết chút gì hết. Tôi chỉ mê mẩn nghe thôi. Vì những điều ông giảng giải kích thích tôi nhiều lắm. Ông ấy thấy rõ như vậy và điều đó làm cho ông vui là lẽ tự nhiên.

Chăm chú nghe một người nói, khác gì nhiệt liệt khen ngợi họ. Một thi sĩ nói: "Say mê nghe lời của một người, tức là tôn kính họ, mà rất ít người không cảm động trước sự tôn kính đó".

Tôi ngỏ ý muốn được tái ngộ ông và thật tình tôi bây giờ rất muốn được gặp ông lần nữa.

Đó, chỉ vì vậy mà ông khen tôi nói chuyện khéo, sự thật tôi chỉ là một thính giả kiểu mẫu và biết cổ vũ ông nói thôi.
ST​
 
S

scientists

Tái sinh trong đau khổ - lựa chọn của diều hâu

Trong những loài chim, diều hâu là loài có tuổi thọ dài nhất. Tuổi thọ cao nhất của nó có thể đạt tới 70 tuổi. Để sống được lâu như vậy, lúc 40 tuổi, nó bắt buộc phải đưa ra một quyết định rất khó khăn nhưng vô cùng quan trọng.

Khi diều hâu sống đến 40 tuổi, móng vuốt của nó đã bắt đầu bị lão hóa, sẽ không còn cách nào bắt mồi hiệu quả nữa. Mỏ của nó trở nên vừa dài vừa cong, gần như chạm ức. Đôi cách của nó cũng trở nên vô cùng nặng nề, bởi lông vũ của nó mọc vừa dài, vừa dày, vừa nhiều, mỗi khi cất cánh bay lên là cảm thấy rất tốn sức. Lúc này chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc là đợi chết, hoặc là trải qua một quá trình đổi mới cực kỳ đau khổ.

Quá trình đổi mới này kéo dài tới 150 ngày, diều hâu buộc phải chịu gian khổ bay lên đỉnh núi, xây tổ trên vách cheo leo, tại đó nó hoàn thành sự đổi mới.

Đầu tiên, diều hâu phải dùng mỏ của mình mổ vào đá nham thạch, cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rơi xuống, sau đó yên lặng chờ đợi cho mỏ mới mọc dài ra. Thế nhưng nó phải dùng cái mỏ mới dài ra đó nhổ từng cái móng chân của mình. Sau khi móng chân dài ra, nó lại nhổ sạch từng sợi lông vũ đi. Sau 5 tháng, lông cũ mới lại mọc dài ra.

Lúc này con diều hâu đã giành được sự sống mới và đã có thể bắt đầu bay lượn thoải mái được rồi.
ST​
 
S

scientists

Thất bại để thành công


Những ai đã thành công đều phải trải qua một lần thất bại, những con người trưởng thành đều có những sai lầm trong quá khứ và những bài học của thuở ấu thơ. Ngày trước, tôi luôn có suy nghĩ rằng thất bại và thành công là hai thứ đối lập nhau, cũng như đúng và sai không thể nào cùng gán cho một điều gì đó. Đã thất bại nghĩa là không thể nào chạm được đến thành công, và đã sai sót nghĩa là đâu thể làm điều gì đúng đắn.

Nhưng hình như tôi đã lầm, hai mặt cứ ngỡ đối lập lại là một bộ đôi gắn kết nhau. Những ai đã thành công đều phải trải qua một lần thất bại, những con người trưởng thành đều có những sai lầm trong quá khứ và những bài học của thuở ấu thơ. Trên cùng một con đường đi đến thành công thì thất bại là một bước đệm cần phải có.

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện, về hai anh chàng tên là Nhút Nhát và Liều Lĩnh. Có một ngày, Nhút Nhát đã hỏi Liều Lĩnh rằng:

- Cậu sẽ lao đầu vào thất bại để tự rút cho mình một bài học hay sẽ học tập những bài học mà người đã từng thất bại trước đó truyền đạt lại cho cậu?

- Có lẽ tớ sẽ tự trải nghiệm - Liều Lĩnh trả lời - Bởi vì dù có truyền đạt hay đến mấy mà chưa từng trải nghiệm thì tớ không tin sẽ nhớ mãi bài học đó được.

- Thế à? - Nhút Nhát thở dài - Nhưng thất bại thì sẽ đánh mất nhiều thứ lắm. Tớ sẽ học hỏi từ những người đi trước để không bao giờ có sai sót trong đời.

Nhút Nhát trở thành một cỗ máy được lập trình mỗi ngày, cậu ta học cực giỏi, nhưng lại né tránh các mối quan hệ vì sợ đổ vỡ, cậu ta không dám tham gia bất kỳ trò chơi nào của tập thể vì sợ mình sẽ là người thua cuộc. Nhút Nhát thích vẽ, nhưng lại từ bỏ ước mơ vì sợ thất bại. Cậu ấy vào đại học Y, chuỗi ngày nhàm chán bắt đầu và cậu ta tìm đến Liều Lĩnh.

- Tại sao cậu có nhiều bạn thế? - Nhút Nhát hỏi

- Vì tớ chủ động kết bạn với mọi người .

- Nhưng cậu sẽ gặp những người bạn xấu ?

- Đúng! Nhờ những người bạn xấu mà tớ mới biết quý những người bạn tốt thật sự.

- Tại sao cậu dám mở một shop kinh doanh mà không sợ rằng mình sẽ lỗ vốn

- Vì nếu điều đó xảy ra thì tớ vẫn sẽ lời to khi thu về những kinh nghiệm cho mình.

- Tại sao cậu lại yêu thương một người hết lòng khi biết rằng sẽ chẳng có gì là mãi mãi?

- Vì tớ là con người, chứ không phải một cỗ máy, như cậu!

Nhút Nhát im bặt, chưa bao giờ cậu thất bại trong kinh doanh- vì cậu đâu dám nghĩ đến ý tưởng táo bạo đó, chưa bao giờ cậu bị những người bạn xấu lừa lọc mình- vì cậu đâu có một người bạn nào bên cạnh, chưa bao giờ cậu phải đau khổ trong tình yêu- vì Nhút Nhát ơi, cậu đâu dám mở trái tim mình ra vì sợ nó trầy xước.

Bạn có muốn sống như Nhút Nhát không? Thất bại lớn nhất của Nhút Nhát đó là : cậu ấy sợ phải thất bại.

Nếu muốn đi đến thành công, bạn đừng sợ thất bại và đừng tuyệt vọng khi gặp phải điều đó. Quan trọng là sau mỗi lần thất bại, bạn biết cách đứng lên và rẽ qua một con đường khác để đi đến thành công...
Hoathuytinh.com
 
S

scientists

Câu chuyện về sự lựa chọn

Hai người nông dân rời quê đi kiếm sống. Một người muốn đi Thượng Hải, còn người kia muốn đi Bắc Kinh. Trong phòng chờ, họ đã thay đổi ý định, bởi vì họ nghe người xung quanh bàn luận rằng: Người Thượng Hải khôn ngoan lắm, người nơi khác đến hỏi đường, họ cũng thu lệ phí. Còn người Bắc Kinh thì thật thà chất phác, thấy ai không có cái ăn, không những họ cho bánh bao mà còn cho cả quần áo cũ nữa.
Người trước đây muốn đi Bắc Kinh nghĩ bụng, Thượng Hải hay hơn, chỉ đường cho người khác cũng có thể được kiếm tiền, thế thì chẳng có việc gì là không kiếm được tiền cả. May quá mình vẫn chưa lên tàu, nếu không đã đánh mất một cơ hội làm giàu.
Người trước đây muốn đi Thượng Hải nghĩ bụng, Bắc Kinh hay hơn, không kiếm được tiền cũng không bị chết đói. May mà mình vẫn chưa lên tàu đi Thượng Hải.
Thế là, họ gặp nhau tại quầy trả vé, người trước đây muốn đi Bắc Kinh đổi vé đi Thượng Hải, người muốn đi Thượng Hải đổi vé đi Bắc Kinh.
Người đi Bắc Kinh nhận thấy rằng, Bắc Kinh thật là tuyệt vời. Tháng đầu tiên, anh ta không phải làm gì cả, nhưng vẫn không bị đói. Không những anh ấy có thể uống nước lọc miễn phí trong đại sảnh của những nhà hàng lớn, mà còn được ăn các món miễn phí trong các siêu thị.
Người đi Thượng Hải phát hiện rằng. Thượng Hải quả là một thành phố có thể kiếm được nhiều tiền. Làm việc gì cũng có thể kiếm ra tiền. Chỉ đường cho người khác cũng có thể kiếm được tiền, bưng một chậu nước cho người khác rửa mặt cũng có thể kiếm được tiền. Chỉ cần chịu khó động não một chút, rồi chịu khó lao động là có thể kiếm được nhiều tiền.
Dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình đối với đất trồng, người đi Thượng Hải ra vùng ngoại ô lấy những bao đất, trộn lẫn với lá cây và cát, để bán (dưới danh nghĩa là đất trồng cây cảnh) cho người những người Thượng Hải yêu hoa mà chưa nhìn thấy đất trồng hoa bao giờ. Ngày đầu tiên, ông đi đi lại lại giữa thành phố và vùng ngoại ô tổng cộng 6 lần, kiếm được 50 nhân dân tệ. Một năm sau, nhờ vào loại “đất trồng cây cảnh” ấy, ông đã có một cửa hàng nho nhỏ. Sau nhiền năm đi lại trong các ngõ hẻm, ông nhận thấy: một số cửa hàng tuy được quét dọn sạch sẽ như chùi, nhưng biển hiệu lại rất dơ bẩn. Dò hỏi, ông mới được biết, đó là do những công ty vệ sinh chỉ chịu trách nhiệm lau chùi sàn nhà, mà không chịu trách nhiệm lau chùi bảng hiệu. Thế là, ông thành lập một công ty chuyên lau chùi bảng hiệu. Đến nay, công ty của ông có hơn 150 người, công việc làm ăn cũng được mở rộng từ Thượng Hải đến Hàng Châu và Nam Kinh.
Sau đó, ông đi tàu lên Bắc Kinh khảo sát tiềm năng của dịch vụ vệ sinh ở đây. Khi đến ga Bắc Kinh, ông thấy một người nhặt rác thò đầu vào toa giường mềm, xin vỏ lon bia. Khi ông đưa vỏ lon bia cho người đó, họ mới giật mình nhận ra nhau, hoá ra, 5 năm trước đây, họ từng đổi vé cho nhau.
Thành bại của con người nằm ở chỗ họ nhìn nhận thế giới và xác định chỗ đứng của mình như thế nào. Nếu bạn có những suy nghĩ tích cực, thế giới theo cách nhìn của bạn sẽ là điểm tựa tốt nhất để bạn hoàn thiện bản thân. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực và thái độ ỷ lại, thế giới theo cách nhìn của bạn chỉ có thể là vốn liếng để bạn tiêu xài phung phí. Những người luôn nhìn thấy và nắm bắt cơ hội ở bất cứ nơi nào thì rất ít khi thất bại.
ST
 
S

scientists

Đôi khi điểm yếu nhất của bạn lại có thể trở thành sức mạnh to lớn. Hãy lấy ví dụ từ câu chuyện về cậu bé 10 tuổi quyết định học judo, bất chấp việc mình chỉ còn một cánh tay sau tai nạn giao thông.

Cậu bé đã bắt đầu những bài học judo đầu đầu tiên với một ông giáo người Nhật khá nhiều tuổi. Cậu làm rất tốt những yêu cầu của ông giáo. Nhưng cậu không hiểu tại sao, sau ba tháng, ông giáo vẫn chỉ dạy cậu duy nhất một động tác di chuyển.

"Thưa thầy" - Không kiềm chế nổi tò mò, cậu bé đánh bạo hỏi - "Tại sao con chỉ được học mỗi một động tác di chuyển thế ạ?".

"Động tác đó, con chỉ biết là động tác di chuyển, nhưng đó là cách di chuyển duy nhất con sẽ cần để có thể chiến thắng" - Ông giáo nhẹ nhàng giải thích.

Dù không hiểu được ý thầy, cậu bé vẫn tin tưởng và tiếp tục luyện tập chăm chỉ.

Vài tháng sau, ông giáo đưa cậu bé đến tham gia cuộc thi đấu đầu tiên. Thật ngạc nhiên, cậu đã dễ dàng chiến thắng trong hai trận đầu. Trận đấu thứ ba thật là một cuộc đấu khó khăn, nhưng cậu vẫn kiên cường chiến đấu và cuối cùng giành chiến thắng với duy nhất một lối di chuyển. Có thể tham gia trận chung kết, cậu bé hết sức ngạc nhiên về thành tích của mình.

Ở trận đấu thứ 4 này, đối thủ của cậu lớn hơn, khỏe hơn và giàu kinh nghiệm hơn. Trận đấu diễn ra trong một thời gian khá dài, trọng tài lo lắng cậu bé có thể quá sức nên đề nghị thời gian nghỉ ngơi. Nhưng ông giáo lại không đồng ý và yêu cầu trọng tài cho trận đấu tiếp tục.

Trận đấu nhanh chóng được tiếp tục, đối thủ của cậu bé phạm một lỗi cơ bản: Không phòng vệ cẩn thận. Cậu bé đã dùng bài học về cách di chuyển để đánh bại đối thủ. Cậu trở thành người chiến thắng trong trận đấu và giành chức vô địch.

Trên đường về nhà, cậu bé và ông giáo đã cùng nhau xem lại từng bước trong mỗi trận đánh, sau đó ông giáo khuyến khích cậu nói ra điều đang thắc mắc trong đầu.

"Thưa thầy, làm sao con có thể chiến thắng tất cả các đối thủ chỉ với một bước di chuyển chứ?".

"Con chiến thắng vì hai lí do" - Ông giáo phân tích - "Thứ nhất, con thực hiện một trong các thế quật ngã khó nhất của judo. Và thứ hai, với cách phòng thủ đó, con có thể đã thu hút tất cả sự tập trung của đối thủ vào chỗ yếu nhất của mình là cánh tay để rồi quật ngã họ".

Đôi khi điểm yếu nhất của bạn lại có thể trở thành sức mạnh to lớn. Hãy lấy ví dụ từ câu chuyện về cậu bé 10 tuổi quyết định học judo, bất chấp việc mình chỉ còn một cánh tay sau tai nạn giao thông.

Cậu bé đã bắt đầu những bài học judo đầu đầu tiên với một ông giáo người Nhật khá nhiều tuổi. Cậu làm rất tốt những yêu cầu của ông giáo. Nhưng cậu không hiểu tại sao, sau ba tháng, ông giáo vẫn chỉ dạy cậu duy nhất một động tác di chuyển.

"Thưa thầy" - Không kiềm chế nổi tò mò, cậu bé đánh bạo hỏi - "Tại sao con chỉ được học mỗi một động tác di chuyển thế ạ?".

"Động tác đó, con chỉ biết là động tác di chuyển, nhưng đó là cách di chuyển duy nhất con sẽ cần để có thể chiến thắng" - Ông giáo nhẹ nhàng giải thích.

Dù không hiểu được ý thầy, cậu bé vẫn tin tưởng và tiếp tục luyện tập chăm chỉ.

Vài tháng sau, ông giáo đưa cậu bé đến tham gia cuộc thi đấu đầu tiên. Thật ngạc nhiên, cậu đã dễ dàng chiến thắng trong hai trận đầu. Trận đấu thứ ba thật là một cuộc đấu khó khăn, nhưng cậu vẫn kiên cường chiến đấu và cuối cùng giành chiến thắng với duy nhất một lối di chuyển. Có thể tham gia trận chung kết, cậu bé hết sức ngạc nhiên về thành tích của mình.

Ở trận đấu thứ 4 này, đối thủ của cậu lớn hơn, khỏe hơn và giàu kinh nghiệm hơn. Trận đấu diễn ra trong một thời gian khá dài, trọng tài lo lắng cậu bé có thể quá sức nên đề nghị thời gian nghỉ ngơi. Nhưng ông giáo lại không đồng ý và yêu cầu trọng tài cho trận đấu tiếp tục.

Trận đấu nhanh chóng được tiếp tục, đối thủ của cậu bé phạm một lỗi cơ bản: Không phòng vệ cẩn thận. Cậu bé đã dùng bài học về cách di chuyển để đánh bại đối thủ. Cậu trở thành người chiến thắng trong trận đấu và giành chức vô địch.

Trên đường về nhà, cậu bé và ông giáo đã cùng nhau xem lại từng bước trong mỗi trận đánh, sau đó ông giáo khuyến khích cậu nói ra điều đang thắc mắc trong đầu.

"Thưa thầy, làm sao con có thể chiến thắng tất cả các đối thủ chỉ với một bước di chuyển chứ?".

"Con chiến thắng vì hai lí do" - Ông giáo phân tích - "Thứ nhất, con thực hiện một trong các thế quật ngã khó nhất của judo. Và thứ hai, với cách phòng thủ đó, con có thể đã thu hút tất cả sự tập trung của đối thủ vào chỗ yếu nhất của mình là cánh tay để rồi quật ngã họ".
ST​
 
S

scientists

Con chó xấu tính

Có một con chó nọ cứ hay lao vào tấn công bất cứ ai mà nó gặp, nhưng nó làm điều này rất bất ngờ đến mức không ai nghĩ là sẽ bị nó làm đau cho đến khi nó cắn vào gót chân họ.

Nhằm cảnh báo cho người lạ biết mà tránh, đồng thời cũng để trừng phạt con chó, có lúc người chủ đeo vào cổ của nó một cái chuông, và có lúc ông bắt nó phải kéo một khúc gỗ nặng, khúc gỗ này được cột vào vòng cổ của nó bằng một sợi xích.

Lúc đầu con chó nọ còn cúi gằm mặt xuống, nhưng khi thấy chính cái chuông và khúc gỗ làm cho người ta chú ý đến mình nhiều hơn, thì nó lại lấy làm tự hào và chạy vòng quanh khu chợ để trưng chúng ra cho người ta chú ý. Thậm chí nó còn tỏ ra kiêu ngạo, huênh hoang với những con chó khác không giống như nó.

Thấy thế, một con chó săn già đã nói:

- Tại sao chú mày lại tỏ ra huênh hoang cứ như thể cái chuông và khúc gỗ của chú mày là những phần thưởng thế hả? Đúng là những vật đó khiến cho chú mày được nhiều người chú ý đến thật đấy, nhưng khi người ta hiểu được ý nghĩa thực sự của chúng thì chúng chính là điều đáng hổ thẹn cho chú mày và là vật luôn nhắc nhở rằng chú mày là một "con chó xấu tính".

Nổi tiếng vì những phẩm chất tốt đẹp là một chuyện, nhưng tai tiếng vì những lỗi lầm của mình thì lại là chuyện khác.

ST​
 
S

scientists

Một bức tranh ý nghĩa

1_56990523.20130729014451f5667d7da50.jpg
 
S

scientists

Vẻ ngoài không “tả” được tâm hồn

Vẻ bề ngoài, suy cho cùng cũng chỉ là một lớp vỏ bọc.
Có thể đó là vỏ bọc xấu xí của một nhân cách cao đẹp
hay cũng có thể là lớp ngụy trang hào nhoáng cho
một trái tim đen.


Ở một ngôi làng nọ có người đàn ông nghèo khổ, tàn tật tên là Pundit. Anh không có bất cứ một thứ gì ngoài bộ quần áo rách tả tơi trên người. Nhưng đổi lại, Pundit có một trí thông minh khác người. Anh am hiểu mọi lĩnh vực trong cuộc sống và thuộc làu Kinh Thánh.
Vì quá nghèo mà không có khả năng lao động nên Pundit phải đi xin ăn. Anh đi từ nhà này sang nhà khác và cầu xin: “Làm ơn cho tôi một chút gì để ăn được không?”. Nhưng đi đến đâu anh cũng gặp phải ánh mắt khinh miệt vì bộ quần áo “rách như tổ đỉa” của mình. Mọi người đều nghĩ anh bị điên và xua đuổi: “Đi đi!”.

Bỗng một hôm anh được cho một bộ quần áo mới. Khoác bộ cánh mới trên người, Pundit quay trở lại xin ăn những nhà trước đây anh đã từng xin. Khi đến ngôi nhà đầu tiên, chủ nhà mở cửa và niềm nở nói: “Mời anh vào nhà. Chúng tôi rất vui nếu được mời anh một bữa ăn”.

Pundit ngồi vào bàn. Trước mặt anh là rất nhiều món ăn ngon, nào là súp, nào là thịt gà, nước ngọt… Nhưng Pundit không ăn ngay, mà từ từ lấy một miếng thịt nguội và “đút” cho bộ quần áo mới của mình: “Ăn! Ăn đi!”
Tất cả mọi người trong nhà đều rất ngạc nhiên và không hiểu anh ta đang làm cái quái gì. Họ thắc mắc: “Quần áo thì làm sao ăn được thức ăn? Anh bị điên à?”.

Pundit liền đáp trả: “Tôi thực lòng biết ơn bộ quần áo mới này vì nhờ nó mà tôi đã có bữa ăn ngày hôm nay. Chỉ mấy hôm trước thôi, chính tôi đã đến hỏi xin cơm ở ngôi nhà này nhưng bị xua đuổi. Đúng là tôi có tất cả nhờ vào bộ quần áo mới. Vậy nên tôi phải cảm ơn nó, cho nó ăn”.

Đừng bao giờ đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ, nếu chưa tiếp xúc bạn đừng nhận xét về ai. Sẽ rất tuyệt nếu một ai đó là sự kết hợp hoàn hảo của trí tuệ và nhan sắc. Nhưng trên đời này, có bao nhiêu người may mắn nhận được sự hoàn hảo kia? Một vẻ bề ngoài xấu xí nhưng đó có thể là vỏ bọc của một tâm hồn đẹp, một nhân cách đẹp. Có tiếc không khi ta bỏ lỡ những người tốt với ta thực sự chỉ vì lớp áo, lớp quần?

ST​
 
Top Bottom