Vì mẹ được vua yêu nên Lê Bang Cơ ra đời chưa được nửa năm, ngày 16 tháng 11 năm Tân Dậu (1441) đã được lập làm thái tử[2] thay cho anh là Nghi Dân lên 2 tuổi bị truất vì bà mẹ của Nghi Dân là Dương Thị Bí đã bị truất ngôi hoàng hậu. Vua cha Thái Tông có ban chiếu[2]:
“ Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử. ”
—Lê Thái Tông
Nhà vua giáng Nghi Dân làm Lạng Sơn Vương và phong anh thứ của Bang Cơ là Khắc Xương làm Tân Bình Vương[2]. Tại Lệ Chi Viên, vua Thái Tông đột ngột qua đời khi mới 20 tuổi, ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), thái tử Bang Cơ được các đại thần Trịnh Khả, Lê Thụ, Nguyễn Xí lập lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thái Hòa (1443-1453), tức là vua Lê Nhân Tông. Lúc đó ông mới lên 1 tuổi, thái hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nghe chính sự. Thái hậu dùng phép sẵn có từ đời trước, được các đại thần đắc lực của tiên triều phò tá nên trong khoảng hơn 10 năm giúp vị vua nhỏ, cả nước bình yên. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào ngày 8 tháng 1, Mùa Xuân năm Quý Hợi 1443, niên hiệu Thái Hòa thứ nhất, trên bầu trời phương Nam có sao sa xuất hiện. Đến ngày 2 tháng 2 năm ấy, nhà vua có chiếu:[2]
“ Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót. ”
—Lê Nhân Tông
Vào ngày 16 tháng 3 năm 1443, Triều đình đưa chữ Cơ - tên của nhà vua - và chữ Anh - tên của Thái hậu Nhiếp chính - làm chữ húy. Miếu húy bao gồm bảy chữ.[2]
Vào tháng 6 năm Thái Hòa thứ nhất (1443), vị Hoàng đế trẻ tuổi lấy ngày sinh của ông làm Hiến Thiên Thánh Tiết[2]. Chúa Chiêm Thành là Bí Cai hai lần mang quân vây Hóa Châu. Tuy Triều đình Nhân Tông đã mấy lần phát binh, quân Chiêm vẫn chưa bỏ thói gây hấn.[1] Vào năm 1446, thái hậu sai Trịnh Khả, Lê Thụ, Lê Khắc Phục đi đánh, Bí Cai ra hàng, các tướng lập cháu Bí Cai là Ma Ha Quý Lai làm vua Chiêm.[5] Với chiến thắng huy hoàng này, quân Đại Việt tóm gọn được các cung phi của Bí Cai mà đem về kinh thành Đông Kinh.[1]
Vào năm Mậu Thìn 1448, quốc gia Bồn Man (盆蠻) chịu nội thuộc vào Đại Việt. Triều đình Nhân Tông sáp nhập Bồn Man, trở thành châu Quy Hợp (歸合) của Nhà nước Đại Việt. Ngoài ra, cũng trong những năm tháng Thái hậu chấp chính, Triều đình ban lệnh cho đào sông Bình Lỗ ở Thái Nguyên, mang lại thuận lợi cho việc giao thông vận tải.[1]
Vào năm Kỷ Tị 1449, niên hiệu Thái Hòa thứ bảy, Quý Lai bị Quý Do cướp ngôi. Quý Do sai sứ sang triều cống Đại Việt, như vua Nhân Tông từ chối không tiếp nhận lễ vật và phán: ""Tôi giết vua, em giết anh là tội đại ác xưa nay, trẫm không nhận đồ dâng". Sau khi buộc sứ phải mang trả lại lễ vật về Chiêm, nhà vua truyền lệnh cho Đồng tri hữu tri sự Nguyễn Hữu Quang, Điện trung thị ngự sử Trình Ngự đem thư sang Chiêm Thành, với nội dung như sau: "Sự thực của các ngươi như thế nào thì phải sang trình bày cho rõ"[2].
Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính giết oan hai công thần Trịnh Khả và Lê Khắc Phục năm 1451, khiến cho nhiều người không phục.[1] Chưa kể, Hoàng Thái hậu còn nghe gièm pha cách chức Nguyễn Xí năm 1445, tới năm 1448 mới cho phục chức.
+2