Công lý là cái lý của chung. Giản dị theo cách của người Trung Quốc nói "Mi không đụng đến ta, thì ta không đụng đến mi". Con người sẽ sống thế nào khi xung quanh là những kẻ rình rập đang chờ cơ hội để săn mình như con mồi? Không, chắc chắn là con người không thể sống mà không có xã hội, hoặc ở bên ngoài xã hội, câu chuyện thực về anh chàng Robinson kia thật là một minh chứng mạnh mẽ, anh là một thuỷ thủ đi theo một con tàu ngày kia con tàu đậu vào một hòn đảo hoang vu kiếm nước ngọt và nghỉ ngơi, trước khi tàu nhổ neo, dự cảm về con tàu sẽ gặp bão, anh liền xin với thủy thủ đoàn cho anh ở lại và được chấp thuận. Con tàu dời đi và sau đó gặp bão chẳng còn ai sống sót. Còn lại một mình Robinson sống trên đảo hoang, dù thức ăn nhiều, thịt thú rừng, tôm cá và măng rừng không thiếu, nhưng anh vẫn không ngừng ý thức về tình trạng cô đơn của mình, anh khắc dao vào gậy đánh dấu từng ngày phải xa loài người, anh cũng chào đón những ngày lễ tết, ngày Chúa Giáng sinh, ngày Chúa phục sinh, để tự mình chứng tỏ cho đến ngày nào ta còn sống theo tập tục của con người. Sự chứng minh này là một bằng cớ mỗi ngày lại quyết liệt hơn trong tâm hồn, bởi lẽ, tóc và râu của anh mỗi ngày mỗi dài hơn, và sống giữa đảo hoang, giữa muôn vàn cây cối và muông thú, vắng biệt bóng con người càng làm cho anh mỗi lúc một cảm giác hình như mình chỉ là một con thú đi hai chân giữa bầy thú hoang, điều đó càng tự thôi thúc anh suy nghĩ và sống theo tất cả những gì thuộc về tập tục của con người. Anh làm bè, tập nói, làm cờ hiệu để vẫy gọi những con tàu đi qua hòn đảo, cho đến một ngày sau vài nam, anh mới được một con tàu đón đi. Con người phải sống có đồng loại, điều đó đã được văn hào Exupery lột tả qua tác phẩm "Những chuyến bay đêm" một ngày chiếc máy bay trục trặc lao xuống sa mạc, viên phi công rơi xuống một biển cát mênh mông, không thức ăn, không nước uống, và anh bò đi đến khi sức cùng lực kiệt, chỉ còn chờ chết, chợt những người thổ dân đi qua. Chúa ơi, anh thấy họ như thấy các thiên sứ của sự sống, anh chồm người lên vẫy họ, và khi họ đến gần miệng anh kêu cầu chữ "nước" bằng tiếng Pháp là “l’eau”, sợ họ không hiểu, nào ngờ họ cho anh ăn, đắp chăn cho anh ngủ, họ làm tất cả những gì để cứu sống và hồi sức một người suy kiệt, không cần biết ngôn ngữ anh nói với họ là tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả rập, hay tiếng Latinh. Éxupery gọi, đó là ngôn ngữ của sự sống, của con người và của nhân loại. Chúng ta thử đặt câu hỏi, chàng phi công kia sẽ sống thế nào, khi đồng loại vừa nhìn thấy anh sức cùng lực kiệt, bèn xẻo thịt đưa lên bếp lửa nướng như một con mồi bất hạnh.
Nhưng, con người sống công lý không phải chỉ vì phải sống chung với đồng loại, mà tự thiên khi con người sống lý trí con người đã tiến đến công lý, vì lẽ, bản thân lý trí luôn vận hành đến nguyên lý. Nói giản dị như triết gia Hegel: những chiếc cột dựng nghiêng sẽ đổ, vì thế khi dựng nhà người ta luôn phải có xu hướng dựng thẳng những chiếc cột lên. Vì thế nhà không ai bảo ai, đều nhất tam đồng lòng dựng cho cây cột đứng thẳng. Như vậy, khi lý trí của mỗi người biết đến cái lý phải làm, tự nhiên cái lý đó gặp nguyên lý chung - tức là công lý. Vậy thì, không chỉ có bản năng đòi hỏi hạnh phúc cho mình, mà lý trí luôn suy xét tìm một hạnh phúc lớn hơn, tốt lành hơn, ưu việt hơn. Tại sao chúng ta phải bàn một hạnh phúc có sự tham gia của lý trí? Điều đó không phải chúng ta vội vàng khiên cưỡng đem đến cho lạc thú một ông thầy lý trí khổ hạnh (trời ơi, lạc thú làm sao mà khai triển nếu có một thầy tu lý trí cứng nhắc khắc khổ đứng giám sát ngay bên?) nhưng như có một triết gia nói, chúng ta làm sao hình dung nổi lạc thú không có sự tham gia của lý trí cùng đòi hỏi. Bản thân dục vọng, đơn giản như ta muốn gặp bạn tình, về mặt cơ thể, các hóc-môn trong người tăng trưởng để tăng khao khát, thậm chí nó tăng vọt để bắt con người phải nổ tung trong cuộc tìm kiếm gặp gỡ, một thôi thú không đừng được, cơ thể mỗi lúc một kích thích thêm sự căng thẳng, những sợi dây thần kinh từ não nối đến các chi thể căng như những dây đàn đòi những tiếng tơ đàn ập đến nếu không chúng sẽ đứt.
Khoa học hiện đại càng chứng minh, bộ não con người không phải không biết hưởng lạc mà hơn bao giờ hết nó tham dự, chi phối vào các cuộc hưởng lạc, tâm trí càng căng thẳng thì lạc thú càng được dọn trên những dây thần kinh sẵn sàng lý tưởng nhất. Thể xác luôn dính với tâm hồn đến độ, người Pháp nói: "Khi bụng đói thì tai không muốn nghe", còn triết gia Bergson thì phát hiện, cho dù mắt người ta có nhìn qua cửa sổ có cả ngàn vạn sự kiện xảy ra người ta cũng không nhớ gì cả, chỉ khi nào tâm trí chú mục vào việc nào đó, cảm xúc mới trỗi dậy sự phấn khích được ấn tượng, và người ta mới ghi nhớ. Như vậy, khoái lạc không chỉ là việc của thể xác, mà còn là việc của lý trí, trong mối tương hỗ không thể tách dời khi muốn nhìn nhận khoái lạc một cách toàn thể. Có một câu chuyện biểu tượng rất dễ hiểu. Một ngày có hai chiếc bình cùng được người thợ gốm nặn lên. Nặn xong, cả hai đều mịn màng màu đất sét, rồi được vẽ hoa văn và được tráng men. Sau đó người thợ đưa hai chiếc bình vào lò cùng những đồ đất sét khác. Nhìn ngọn lửa cháy trong lò rừng rực bỏng rát một chiếc bình vẫn dấn bước còn chiếc bình kia thì lủi trốn phía sau những đồ vật.
Chiếc bình lủi trốn nhìn thấy chiếc bình kia phải cho vào lò thì tự đắc chắc mẩm rằng, đúng là kẻ dại dột, thân hình đẹp thế kia mà phải cho vào lò nướng thật bỏng rát, khủng khiếp làm sao! Trái lại, ta thật được mát mẻ vì đã khôn khéo thoát khỏi lò lửa đó. Rồi vài ngày sau, người thợ gốm lấy chiết bình đã nung ra, xếp vào kho, ông ta cũng xếp cả chiếc bình chưa qua lửa cạnh đó. Một ngày bão táp và mưa sa ào tới, mái kho bị dột, nước xối từ trên mái xuống. Trời ơi, chiếc bình đã qua lửa nhờ nước mưa gột trôi đi lớp bụi phủ, lộ ra lớp men đẹp tuyệt trần! Than ôi, còn chiếc bình không qua lửa bị nước xối, nhũn và mủn rồi nát thành đất sét. Câu chuyện trên đã hoàn toàn cho chúng ta thấy, cũng là đất sét, nhưng một chiếc bình đã tôi luyện qua lửa bỏng rát, thì đứng vững và càng đẹp hơn nhờ mưa sa bão táp, còn chiếc bình ngại rèn luyện kia đã bị tàn rữa thành bùn. Vậy thì có nên luyện lý trí hay mặc kệ cho bản năng tự hưởng, cái nào sẽ gặt hái nhiều hạnh phúc hơn? Không câu trả lời của nhân loại luôn luôn sẵn sàng là: đặc ân lớn nhất của loài người là được thừa hưởng nền "giáo dục". Giáo dục tức là giáo hoá bản năng, để biến những chiếc bình đất sét thành bình gốm, hơn cả thế những trình độ cao học còn có tham vong biến bình đất sét thành những bình bạc, bình vàng, bình ngọc, những chiếc bình không chỉ để đựng mà còn có thể ngân lên tiếng chuông tiếng khánh. Hạnh phúc đâu chỉ có thể là thân xác, ăn lắm uống nhiều, tình dục thả cửa là hạnh phúc. Như rất nhiều tỉ phú tiền chất đầy kho, nhà nhiều cái tòa ngang dãy dọc, xe hơi nhiều cái mỗi cái một kiểu, vậy mà chính những con người thừa mứa trong vật chất đó đã phải thốt lên: dù giàu có thế nào, người ta cũng không thể ngủ cùng lúc trên hai chiếc giường, đi cùng lúc trên hai chiếc xe và ăn cùng lúc ở hai nhà hàng đặc sản thú rừng hay cá biển. Vậy người ta có thể cùng lúc tình ái với hai người đàn bà. Đó là câu hỏi vừa trực tiếp vừa biểu tượng, xưa kia nhiều vua chúa có trăm nghìn cung nữ ở trong cung, vậy mà họ vẫn phải lập từng chỗ ở cho các phi tần và chọn mỗi người cho mỗi đêm, mặc dù vậy những cảnh ghen tuông, tàn sát, giết chóc liên tục xảy ra, người ta phải trả giá rất đắt cho thú vui đòi chung chạ đó. Cái giá mà nhà thơ Chi-ma Trung Quốc đã từng nêu lên: Đàn ông Trung Quốc vì hám năm thê bảy thiếp nên suốt ngày lụt lội trong chuyện chăn gối, xã hội không tiến triển được, lạc hậu, nghèo đói, lộn xộn. Đàn ông suy nhược không thể tiến thủ, bao nhiêu tinh hoa đều đã được đốt cả cho dục vọng háo sắc, Vua Chúa Trung Quốc yếu đến mức nào? chúng ta dễ thấy, ở Trung Quốc đầy núi non, mà người ta còn chơi giả sơn là những hòn đá được đặt trong nhà thay núi, vua chúa lúc nào cũng đi dưới mái nhà, đã thế phải có tàn che, chưa ngồi đã có người đến đấm bóp cơ thể, rồi cả vua cả các cận thần còn chú mục say sưa chơi trò "chọi dế”, hai con dế mèn đánh nhau trên mặt đất rộng bằng chiếc lá khoai, mọi người chúi mắt vào xem, chỉ để khỏi phải diễu cái thể xác ửng toàn sâm quý thuốc bổ ra ngoài trời. Còn vua chúa Việt Nam thì sao? Than ôi, mở sách sử ra đọc, thật khó tìm thấy ông vua nào thọ quá ba mươi tuổi. Không chỉ với các vua chúa theo các báo cáo khoa học của các nhà khoa học thế giới rất nhiều vùng ở châu Phi, vì con người sống buông thả theo dục vọng tự nhiên quá sớm, đàn bà ở trần, đàn ông đóng khố, mới lớn lên hóc môn giới tính vừa hoạt động, đã lao ngay vào các cuộc hoạt động đem hạt giống hóc môn, cũng chính là tiềm lực tăng trưởng và phát triển ra để tiêu xài, khiến tuổi thọ trung bình rất thấp, có nhiều nơi, người ta thật hiếm thay một cụ già nào trên năm mươi.
Hạnh phúc chí ít là đặc ân cho cuộc đời, vậy thì làm sao có thể coi những lạc thú vô độ là hạnh phúc khi nó tiêu diệt chính cuộc sống của con người? Giờ chúng ta hãy thử nhìn lạc thú cực khoái mà không ít người tìm kiếm thú thuốc phiện hay dùng ma tuý chẳng hạn, đó là thứ móc-phin cực mạnh, có tác dụng đánh mạnh vào hệ thần kinh, khiến thần kinh mê mẩn, gây ra những phút đê mê, quên trời, quên đất, quên cuộc sống hiện tại, quên cả bổn phận làm người của mỗi cá nhân.
Một thú vui say sưa đến vậy, nhưng tại sao mọi người lại có con mắt thương hại khi nhìn thấy những người chót xa vào đam mê đó? Xã hội còn lập ra cả những trại cai nghiện để giúp những người nghiện ngập bỏ đi thú say sưa, mà lý trí bị đánh mất đến mức thân xác trông giống một cái gì khuyết tật, nó xanh xao, gầy mòn, ẻo lả, yếu ớt trông thật giống một cơ thể sống không ra sống, chết không ra chết, giống Pascal nói: “Tôi có thể nhận ra một người mất tay, mất chân, mất đầu. Nhưng tôi không tài nào nhận ra con người chẳng có tinh thần” (Je púi bien concevoir un homme sans mains, pieds, tête. Mais je ne púi concevoir l’hmme sán pensée)(5). Cuộc sống sao có thể được coi là hạnh phúc khi con người vì bạc nhược muốn ngủ vùi trong bổn phận của mình đã dùng nhưng toa thuốc mê liều cao đầu độc thần kinh làm cho thân xác định chôn vùi trong một ý thức đang cố tình lãng quên cuộc sống, cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi người ta sống bằng cách quên sống, hoặc sống lay lắt vật vờ như chính con người không mang nổi trọng lượng của cuộc đời đã coi cuộc đời như một thứ có mặt đáng nguyền rủa, và phải dùng những liều thuốc mê để vùi quên cuộc đời! Nhưng oái oăm thay, vì thiếu tỉnh táo, người sử dụng các chất kích thích như thuốc phiện, cần sa, hay ma tuý, hoặc rượu đã không nhận ra rằng người ta muốn ngủ quên trước gánh nặng cuộc đời thì lại càng làm cho nó nặng hơn bao giờ hết, bởi vì đó là những thứ xa xỉ rất đắt, mà những người lười nhác không có nguồn thu nào để tiêu sài mãi những thứ đó, kết quả ma tuý đã cuốn người ta vào các vòng tội lỗi ghê tởm, ăn cắp, ăn cướp nhà băng, lừa đảo, đĩ điếm để lấy tiền trích ma tuý. Ma tuý kể cả kẻ mua người bán, kẻ sản xuất lần người tiêu dùng đều dẫn người ta vào những vòng lao lý, những án chung thân, những tội tử hình, đạo đức bại hoại, thân xác sụp đổ, cuộc đời tàn tạ chóng vánh. Đó cũng là cảnh mà trước đó những băng nhóm buôn rượu lậu và những người nghiện rượu mắc phải.