Những câu chuyện ý nghĩa

T

thienthandethuong_minigirl

Chuyện 2 người ăn cắp cừu

Tại một vùng nông thôn nước Mĩ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint)
 
T

thuyan9i

Bạn thân

Sự kinh hoàng tràn ngập trong lòng một người lính thời Đệ Nhất Thế Chiến khi anh nhìn thấy người bạn tri kỷ của mình ngã xuống chiến trận.

Bị mắc kẹt trong một chiến hào và đạn pháo bay liên tục trên đầu nhưng người lính đó đã xin chỉ huy cho phép anh đi ra ngoài "vùng bình địa" giữa những chiến hào để đem người đồng đội bị trúng đạn trở vô.

Vị chỉ huy nói:

- Anh có thể đi nhưng tôi nghĩ công việc đó sẽ không đáng gì đâu. Có lẽ bạn anh đã chết và anh có thể đánh mất đi sự sống của bản thân mình.

Không màng đến lời của vị chỉ huy, người lính vẫn bỏ đi. Thật kỳ diệu, anh ta đã xoay sở để đến được bên người bạn của mình, nhấc anh ta lên vai và đem anh ấy trở về chiến hào của họ. Khi cả hai cùng té nhào xuống dưới hào, vị chỉ huy kiểm tra người lính bị trúng đạn rồi nhìn người bạn của anh một cách thông cảm.

-Tôi đã nói với anh rồi, công việc đó không đáng đâu. - Vị chỉ huy nói - Bạn anh đã chết, còn anh bị thương rất nặng.

Người lính trả lời:

- Mặc dầu vậy công việc đó vẫn rất đáng làm, thưa sếp.

- Anh nói đáng làm có nghĩa là sao? Bạn anh đã chết rồi cơ mà?

-Thưa sếp, công việc đó đáng làm là vì khi tôi đến bên anh ấy, anh ta vẫn còn sống và tôi rất mãn nguyện khi anh ấy nói với tôi rằng "Jim, tôi biết rằng chắc chắn anh sẽ đến với tôi!"

Trong cuộc sống, một việc có đáng làm hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn nó. Hãy can đảm và làm những gì mà trái tim ta mách bảo để rồi mai sau trong cuộc sống bạn sẽ không phải ân hận vì mình đã không làm điều đó. Hy vọng rằng mỗi một người trong chúng ta sẽ ở trong vòng tay chân thật của những người bạn như vậy.
 
T

thuyan9i

Thuốc chữa đau buồn

Chuyện kể về một người phụ nữ vừa mất con trai.

Trong nỗi đau thương tột cùng, bà tìm đến một nhà hiền triết. “Có lời cầu nguyện nào, câu thần chú nào mà ông biết có thể làm con trai tôi sống lại không?” – lời của người mẹ thật sự tuyệt vọng.

Thay vì từ chối hoặc khuyên bà mẹ hãy nguôi ngoai, nhà hiền triết đáp: "Hãy tìm về đây cho ta một hạt giống cây mù tạc từ gia đình nào chưa từng biết đến đau khổ. Nó có thể dùng để xua tan đi nỗi đau của bà.”

Người phụ nữ cảm tạ và lập tức lên đường tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên, bà tìm đến một căn nhà lớn rất sang trọng, gõ cửa và hỏi: “Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạc từ ngôi nhà không bao giờ biết đến đau khổ. Có phải nơi này không?”. Họ trả lời rằng bà đã nhầm chỗ. Họ kể với bà những chuyện bi thảm đã xảy ra đến với mình. Nghe chuyện, bà ngồi lại và an ủi họ.

Rồi bà lại tiếp tục cuộc tìm kiếm gia đình hạnh phúc nhất. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, từ những căn nhà cao sang hay gác xép tồi tàn, bà đều được trả lời bằng những câu chuyện buồn. Bà trở nên quan tâm và muốn giúp đỡ, chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác, đến nỗi sau cùng bà đã quên đi câu hỏi về hạt giống cây mù tạc thần kỳ. Mà tự bao giờ hạt giống thần kỳ đó cũng đã mang nỗi đau trước kia ra khỏi cuộc đời bà rồi.
 
T

thuyan9i

Những lá thư không được trả lời

Có một người đàn ông bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn quá khủng khiếp đã làm ông mất cả hai chân và cánh tay trái. Thậm chí bàn tay phải của ông cũng chỉ còn ngón cái và ngón trỏ. Nhưng ông vẫn còn sở hữu một trí não minh mẫn và một tâm hồn rộng mở.

Suốt những ngày nằm viện, ông rất cô đơn vì ông không còn người thân hay họ hàng. Không ai đến thăm. Không điện thoại, không thư từ. Ông như bị tách khỏi thế giới.

Rồi vượt qua thất vọng, ông nảy ra một ý định: Nếu ông đã mong nhận được một lá thư đến thế, và một lá thư có thể đem lại niềm vui đến thế thì tại sao ông lại không viết những lá thư để đem lại niềm vui cho người khác? Ông vẫn có thể viết bằng hai ngón tay của bàn tay phải dù rất khó khăn. Nhưng ông biết viết thư cho ai bây giờ? Có ai đang rất mong nhận được thư và ai có thể được động viên bởi những lá thư của ông? Ông nghĩ tới những tù nhân. Họ cũng cô đơn và cần sự giúp đỡ.

Đầu tiên, ông viết thư tới một tổ chức xã hội, đề nghị chuyển những lá thư của ông vào trong tù. Họ trả lời rằng những lá thư của ông sẽ không được trả lời đâu, vì theo điều luật của bang, tù nhân không được viết thư gửi ra ngoài. Nhưng ông vẫn quyết định thực hiện việc giao tiếp một chiều này.
Ông viết mỗi tuần hai lá thư. Việc này lấy của ông rất nhiều sức khỏe, nhưng ông đặt cả tâm hồn ông vào những lá thư, tất cả kinh nghiệm của cuộc sống, cả niềm tin và hy vọng. Rất nhiều lần ông muốn ngừng viết, vì không bao giờ ông biết những lá thư của ông có ích cho ai hay không. Nhưng vì việc viết thư đã thành thói quen nên ông vẫn tiếp tục viết.
Rồi đến một ngày kia ông, cuối cùng ông cũng nhận được một bức thư. Thư được viết bằng loại giấy nhà tù, do chính người quản giáo viết. Bức thư viết rất ngắn, chính xác là chỉ có vài dòng như sau:

"Xin ông hãy viết thư trên loại giấy tốt nhất ông có thể có được. Vì những lá thư của ông được chuyền từ phòng giam này sang phòng giam khác, từ tay tù nhân này sang tù nhân khác đến mức giấy đã bị rách cả. Xin cảm ơn ông."
 
T

thuyan9i

Đơn giản hãy gọi người là Mẹ

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:

- Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?

Thượng Đế đáp:

- Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.

Đứa bé lại nài nì:

- Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?

Thượng Đế đáp:

- Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.

Đứa bé lại hỏi:

- Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?

Thượng Đế trả lời:

- Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.

- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?

- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.

- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.

- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.

Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:

- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.

- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".
 
T

thuyan9i

Ngày tôi trở thành mẹ
Linda Jones

Ngày tôi trở thành mẹ không phải là ngày con gái tôi sinh ra mà là bảy năm sau đó. Trong bảy năm ấy, tôi tối mặt chống chỏi với cuộc hôn nhân mà lúc nào cũng có tiếng chửi rủa. Tôi dồn hết sức lực để tạo nên ngôi nhà "hoàn hảo" - nhằm vượt qua được sự xét nét vào mỗi tối - đến nỗi con gái tôi tới tuổi lẫm chẫm biết đi hồi nào không hay. Tôi đã cố gắng không ngơi nghỉ hầu làm vui lòng ông chồng, để rồi đột nhiên nhận thấy những năm tháng quý báu vùn vụt trôi qua không thể nào lấy lại được nữa.

Ồ, tôi đã làm tất cả những việc "của người mẹ", đại loại như cho con gái học múa ba-lê, mua ruy-băng cột tóc... Tôi tới dự tất cả các buổi biểu diễn, hoà nhạc cũng như các buổi họp phụ huynh học sinh ở trường - đi một mình. Tôi can thiệp những lúc ông chồng cục súc tức giận khi đồ ăn đổ ra bàn - vỗ về con "Không sao, đừng sợ! Ba không có ý bực cưng đâu". Tôi làm tất cả có thể để bảo vệ con khỏi phải nghe những tiếng chửi rủa, la hét kinh hoàng khi ông ta về nhà sau cữ rượu bét nhè buổi tối. Cuối cùng, tôi đã phải dọn ra ở riêng. Ngôi nhà chẳng khang trang gì, nhưng ít ra đó là điều tốt nhất mà tôi có thể làm cho con gái và cho mình.

Ngày tôi trở thành mẹ là ngày tôi và con ngồi trong ngôi nhà mới, yên bình dùng bữa tối đúng như tôi hằng mong mỏi. Lúc chúng tôi đang say sưa kể chuyện trường học trong ngày thì đột nhiên con bé huơ tay đánh đổ hết cả ly sữa sôcôla. Nhìn tấm khăn trải bàn trắng và bức tường trắng bỗng hoá nâu tèm lem, tôi nhìn lên gương mặt bé nhỏ của con. Vẻ sợ hãi, chắc mẩm hậu quả của tai nạn này sẽ ra sao, hằn đậm trên nó - chẳng là mới tuần trước ba nó đã cho nó biết hậu quả của sự việc là thế nào rồi. Nhìn vẻ mặt của con, tương phản với dòng sữa chảy lòng thòng trên tường, tôi chợt bật cười lớn. Chắc chắn là con bé tưởng tôi điên, nhưng rồi nó cũng hiểu ra tôi đang nghĩ "May phước là ba không có mặt ở đây!" nên cũng bật cười với tôi. Hai mẹ con cùng cười, cười mãi cho đến khi oà khóc. Đó là những giọt nước mắt sung sướng và yên bình đầu tiên trong vô số lần chúng tôi khóc với nhau - báo hiệu từ rày về sau chúng tôi sẽ an lành.

Thấm thoát mà đã mười bảy năm. Bất cứ khi nào có ai trong hai mẹ con làm đổ cái gì, nó đều bảo, "Mẹ nhớ ngày con đánh đổ sữa sôcôla không? Con biết ngày ấy mẹ đã làm điều đúng đắn. Và con sẽ không bao giờ quên".

Ngày tôi trở thành mẹ thực sự như thế đó. Tôi nghiệm ra rằng: làm mẹ không chỉ là cho con học múa, mua kẹp tóc, hay tham dự các hoạt động văn nghệ ở trường, cũng không phải là cố giữ cho nhà cửa sạch bong hay nấu nướng những món ngon vật lạ. Lại càng chẳng phải là giả bộ như gia đình mình êm ấm. Với tôi, mẹ tức là biết mỉm cười trước ly sữa đổ.


(Hương Lan dịch
 
T

thuyan9i

Búp bê khoai tây

Năm đó, chúng tôi sống trong một ngôi nhà cũ kỹ và sơ sài. Tôi có hai anh trai, hai em gái và một em trai. Trước Tết, cả ba chị em gái chúng tôi đã quấy mẹ hàng tuần, xin được mua quà là búp bê. Sáng mùng một Tết, ba chị em gái chạy vào phòng mẹ rất sớm:

- Chúc mừng năm mới! - Mẹ nói nhẹ nhàng để tránh đứa em bé đang ngủ phải tỉnh dậy.

- Chúc mừng năm mới! - Chúng tôi trèo lên giường mẹ.

Mẹ bảo:

- Mẹ biết các con thích búp bê, và mẹ không có loại búp bê các con thích, nhưng mẹ làm cho các con mấy con búp bê đây.

Chúng tôi nín thở ngồi nhìn mẹ xuống giường, đi ra phía tủ và lấy một cái hộp. Mẹ lôi mấy thứ gì đó từ trong hộp ra. Lúc đầu, tôi không thể nhận ra nó là cái gì, trừ việc nó mặc một cái váy kẻ đỏ và trắng, lại đội mũ nữa. Mặt nó màu nâu, mắt là hai cái khuy và cái miệng cười được vẽ bằng mực viết.

Hai đứa em tôi im lặng khi tôi kéo váy của con búp bê lên và phát hiện ra nó toàn là khoai tây. Tất nhiên, nó khá xấu, nhưng tôi biết mẹ đã phải cố gắng đến đâu để làm nó. Tôi không thật sự yêu búp bê đó lắm, nhưng tôi thấy rất yêu mẹ.

Hai đứa em tôi vẫn còn nhỏ, chỉ 3 và 5 tuổi, thì cứ ngạc nhiên. Một đứa chạm tay vào mắt con búp bê, thế là cái mắt đã rơi ra. Chúng thi nhau hỏi:

- Nó là cái gì thế mẹ?

- Làm sao mẹ đính khuy thành mắt nó được?

- ……

- Mẹ xin lỗi - Mẹ bắt đầu khóc và cố đính cái khuy lại chỗ cũ.

- Ơ mẹ không thích nó à?- Em gái bé của tôi hỏi.

Mẹ lau nước mắt và nói:

- Giá như chúng là búp bê thật…

Chúng tôi ôm mấy con búp bê ấy về phòng và đặt chúng lên giường. Nhưng không may, chưa kịp hết Tết thì bọn búp bê khoai tây ấy đã có vấn đề.

- Mẹ ơi! Có cái gì đó mọc lên ở mặt con búp bê của con..

- Mẹ ơi! Con búp bê của con kinh khủng lắm…

Các em tôi thi nhau kêu vào cùng một buổi sáng.

Mẹ bảo búp bê chết rồi và chúng tôi cần phải chôn búp bê ở ngoài vườn. Chúng tôi chôn những con búp bê xấu xí ấy, mặc dù tay chúng tôi cứng đờ vì lạnh khi chúng tôi đào đất bằng cái thìa. Tôi đào bới qua loa và vùi mấy củ khoai tây xuống, trong khi hai đứa em tôi thì lại:

- Tại sao chị không hát và cầu nguyện?

- Không chúng chỉ là mấy củ khoai tây thôi - tôi đáp giận dữ và co ro trong cái áo lạnh mỏng dính - Mà chị thì lạnh cóng cả rồi.

- Bọn em sẽ mách mẹ - Chúng gào lên.

Tôi không biết chúng có mách mẹ không, nhưng nếu chúng có mách thì tôi cũng không thấy mẹ nói điều đó với tôi bao giờ.

Vài tháng sau, mẹ tôi mất vì bệnh. Tôi và các em bị gửi đến trại trẻ mồ côi. Tại đó, hai năm sau, tôi nhận được món quà Tết là một con búp bê tóc vàng, môi hồng với bộ váy đẹp nhất mà tôi từng thấy một con búp bê mặc. Tôi cố hết sức để yêu nó nhưng tôi không thể. Tôi biết đó là loại búp bê mẹ sẽ mua cho chúng tôi nếu ngày đó mẹ có tiền. Nhưng tôi cảm ơn Chúa vì ngày đó mẹ đã không có. Bởi vì, nếu mẹ không làm những con búp bê khoai tây, có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ biết mẹ yêu chúng tôi đến mức nào…
 
T

thuyan9i

Một thế giới không phải của người lớn

Chồng tôi sắp đưa một đoàn tạp kĩ đi lưu diễn ở tỉnh. Đang là kì nghỉ hè nên chúng tôi quyết định dắt hai đứa con bé bỏng đi theo: bé Su lên 8 và bé Mi lên 3. Đêm trước ngày trở về sau một tuần lưu diễn, chồng tôi hỏi bé Mi: " Con thích được về nhà hay thích đi du lịch?". Không lưỡng lự, bé trả lời ngay: "Đương nhiên là được trở về nhà rồi bố ạ!"

- Vậy lần sau đi bố mẹ không dắt con theo nữa.

- Nhưng bố ơi nếu không có bố dắt con đi làm sao con về được nhà?"

Cuộc sống cũng thế, không có rạn vỡ sẽ không có hàn gắn, những ai chưa từng xa nhà sẽ không cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc trọn vẹn khi được quay về tổ ấm.

Hai ngày trước đây, bé Mi bị ngã nhưng không hề khóc lóc. Bây giờ nó rất đau vì cánh tay trái không nhấc lên được. Không nghĩ mọi chuyện lại trầm trọng đến như vậy nên tôi rất khổ tâm và cảm thấy mình có một phần trách nhiệm. Song bé Mi đã làm tôi ngạc nhiên bởi khám phá của nó: "Mẹ ơi, bây giờ con đã biết bên trái là bên nào rồi!"

Trước khi ngã, bé không phân biệt được bên trái, bên phải. Còn bây giờ, mọi chuyện hết sức đơn giản - bên bị đau là bên trái.

Có một lần bé Mi lặng lẽ chơi dưới chân tôi khi tôi làm việc. Thình ***h bé áp đầu vào chân tôi rồi thỏ thẻ: "Mẹ ơi, con yêu bàn chân mẹ!"

- Con nói sao? - tôi ngạc nhiên hỏi.

- Con yêu bàn chân mẹ!" - bé lặp lại.

Tôi ngừng làm việc và cảm thấy thật xúc động. Ngày trẻ tôi đã từng được yêu bởi đôi má hồng, được khen bởi giọng nói đầm ấm, truyền cảm và được ngưỡng mộ bởi những truyện ngắn tôi viết. Nhưng có ai yêu tôi hơn đứa con bé bỏng đang âu yếm ôm lấy bàn chân tôi? Bé yêu bàn chân tôi đơn giản chỉ vì đó là một phần của bản thân tôi, phần mà chẳng ai, ngay cả tôi để ý đến.

Bé Mi chưa đi học lớp 1 nhưng rất thích viết, dù nó thực ra luôn vấy mực tèm lem trên giấy. Một ngày nọ, cô em tôi đến chơi và thấy bé Mi đang tập viết:

- Ái chà! Viết cũng đẹp đấy chứ! Nhưng cố thêm một chút nữa thì cháu sẽ giỏi hơn các bạn trong lớp đó.

Tôi ậm ừ, biết là bé Mi sẽ không thích như vậy. Quả thật, bé gào lên hết sức bực bội:

- Con chẳng thèm hơn mấy bạn đâu.

- Vậy cháu luyện viết để làm gì?

- Chỉ vì cháu thích viết thôi. Cháu không cần biết cháu có hơn ai hay không?

Người ta cần có tham vọng để thúc đẩy mình thành công, nhưng người ta cần có một trái tim vị tha không đạp lên người khác để đi tới.

Khi chúng tôi chuẩn bị đi nghỉ mát , bé Mi ra sức nhồi nhét tất cả búp bê nhỏ, cũ mới của nó vào túi du lịch.

- Không thể mang hết đâu con ạ - tôi nói với nó - con chỉ nên chọn con nào thích nhất để mang theo thôi.

Nó xem xét kĩ càng từng con từng con một. Những con chúng tôi mua cho nó thì rất đẹp và đắt tiền, còn những con của bé tặng sau khi chúng nó đã chơi chán thì hết sức cũ nát và bẩn thỉu. Một lúc sau, bé tuyên bố:

- Con nào con cũng thích hết!

- Con không thể thích hết được - tôi cương quyết - Hãy chọn con nào con thích nhất đi!

- Con thích hết mà - giọng nói khăng khăng của bé cho tôi biết là không thể làm thêm gì nữa hết. Bé thích tất cả những con búp bê đang có và...Chấm hết!

Việc phân biệt xấu đẹp, đắt rẻ chỉ tồn tại trong thế giới của người lớn. Còn với trẻ em, giá trị và vẻ bên ngoài của một vật chẳng là gì cả so với vị trí của chính món đồ đó trong lòng chúng.

Tuần trước là một chuỗi ngày mưa lạnh, tôi về ăn trưa trễ. Mọi người trong nhà đã ăn xong, bé Mi quấn lấy tôi và đòi một miếng thịt hầm. Khi tôi đút cho bé một miếng , bé hồ hởi la lên:" Mẹ ơi, đôi đũa của mẹ ấm quá". Ngơ ngẩn một lúc, tôi mới hiểu bé nói gì. Trời lạnh nên tôi phải hâm lại thức ăn và khi dùng đũa gắp chúng ra đĩa, tôi đã làm đôi đũa của mình ấm dần lên.

Người ta thường xuýt xoa khen những bàn tiệc ngồn ngộn thức ăn và rượu ngon. Chỉ có đưa con gái ba tuổi của tôi là cảm thấy thích thú vì chút hơi ấm toát ra từ đôi đũa của mẹ trong một ngày giá lạnh. Trong đời mình, chúng ta đã bao lần bỏ lỡ cơ hội tận hưởng những cảm giác bình dị nhưng hết sức tuyệt vời đó?
 
T

thuyan9i

Anh có giúp tôi?

Vào năm 1989 tại Armenia có một trận động đất lớn 8,2 độ Richter đã san bằng toàn bộ đất nước và giết hại hơn ba mươi ngàn người trong vòng chưa đầy bốn phút.

Giữa khung cảnh hỗn loạn đó, một người cha chạy vội đến trường học mà con ông đang theo học. Tòa nhà trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát.

Sau cơn sốc, ông nhớ lại lời hứa với con mình rằng "Cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, cha sẽ luôn ở bên con!" Và nước mắt ông lại trào ra. Bây giờ mà nhìn vào đống đổ nát mà trước kia là trường học thì không còn hy vọng. Nhưng trong đầu ông luôn nhớ lại lời hứa của mình với cậu con trai.

Sau đó, ông cố nhớ lại cửa hành lang mà ông vẫn đưa đứa con đi học qua mỗi ngày. Ông nhớ lại rằng phòng học của con trai mình ở phía đằng sau bên tay phải của trường. Ông vội chạy đến đó và bắt đầu đào bới giữa đống gạch vỡ.

Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến đó và từ khắp nơi vang lên những tiếng kêu than "Ôi, con trai tôi!", "Ôi, con gái tôi!". Một số người khác với lòng tốt cố kéo ông ra khỏi đống đổ nát và nói đi nói lại:

"Đã muộn quá rồi!"
"Bọn nhỏ đã chết rồi!"
"Ông không còn giúp được gì cho chúng nữa đâu!"
"Ông hãy về đi!"
"Ông đi đi, không còn làm được gì nữa đâu!"
"Ông chỉ làm cho mọi việc khó khăn thêm thôi!"

Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi "Anh có giúp tôi không?". Và sau đó với từng miếng gạch, ông lại tiếp tục đào bới tìm đứa con mình. Đến đó có cả chỉ huy cứu hỏa và ông này cũng cố sức khuyên ông ra khỏi đống đổ nát "Xung quanh đây đều đang cháy và các tòa nhà đang sụp đổ. Ông đang ở trong vòng nguy hiểm. Chúng tôi sẽ lo cho mọi việc. Ông hãy về nhà!". Người đàn ông chỉ hỏi lại "Ông có giúp tôi không?"

Sau đó là những người cảnh sát và họ cũng cố thuyết phục ông ta "Ông đang xúc động. Đã xong hết rồi. Ông đang gây nguy hiểm cho cả những người còn lại. Ông về đi. Chúng tôi sẽ lo cho mọi việc!". Và với cả họ ông cũng chỉ hỏi "Các anh có giúp tôi không?". Nhưng không ai giúp ông cả. Ông tiếp tục chịu đựng một mình, vì ông phải tự mình tìm ra câu trả lời cho điều day dứt ông: Con trai tôi còn sống hay đã chết?

Ông đào tiếp... 12 giờ... 24 giờ..., sau đó ông lật ngửa một mảng tường lớn và chợt nghe tiếng con trai ông. Ông kêu lớn tên con "Armand!". Ông nghe "Cha ơi?! Con đây, cha! Con nói với các bạn đừng sợ vì nếu cha còn sống cha sẽ cứu con và khi cha cứu con thì các bạn cũng sẽ được cứu. Cha đã hứa với con là dù trường hợp nào cha cũng ở bên con, cha còn nhớ không? Và cha đã làm được, cha ơi!!"

- Có chuyện gì xảy ra vậy? Ở đó ra sao rồi? - Người cha hỏi.

- Tụi con còn lại 14 trên tổng số 33, cha ạ. Tụi con sợ lắm. Đói, khát… Nhưng bây giờ tụi con đã có cha ở đây. Khi tòa nhà đổ, ở đây tạo ra một khoảng không nhỏ và thế là tụi con còn sống.

- Ra đây đi con!

- Khoan đã cha! Để các bạn ra trước, con biết rằng cha không bỏ con. Có chuyện gì xảy ra, con biết là cha chắc chắn sẽ không bỏ rơi con!
 
T

thuyan9i

Bốn ngón tay

Lúc mới sinh ra, cậu bé đã bị mù. Khi cậu lên 6, một việc xảy ra làm em không tự giải thích được. Buổi chiều nọ, em đang chơi đùa cùng các bạn, một cậu bé khác đã ném trái banh về phía em. Chợt nhớ ra cậu bé la lên:

- Coi chừng ! Quả banh sắp văng trúng đấy.

Quả banh đã đập trúng người cậu, và cuộc sống của cậu không như trước đây nữa. Cậu bé không bị đau, nhưng cậu thật sự băn khoăn.

Cậu quyết định hỏi mẹ:

- Làm sao cậu ta biết điều gì sắp xãy ra cho con trước khi chính con nhận biết được điều đó?

Mẹ cậu thở dài, bởi cái giây phút bà e ngại đã đến! Đã đến cái thời khắc đầu tiên mà bà cần nói rõ cho con trai mình biết: "Con bị mù!".

Rất dịu dàng bà cầm bàn tay của con, vừa nắm từng ngón tay và đếm:

- Một - hai - ba - bốn - năm. Các ngón tay này tựa như năm giác quan của con vậy. Ngón tay bé nhỏ này là nghe, ngón tay xinh xắn này là sờ chạm, ngón tay tí hon này là ngửi, còn ngón bé tí này là nếm...".

Ngần ngừ một lúc, bà tiếp:

- ... Còn ngón tay tí xíu này là nhìn. Mỗi giác quan của con như mỗi ngón tay, chúng chuyên chở bức thông điệp lên bộ não con".

Rồi bà gập ngón tay bà đặt tên "nhìn", khép chặt nó vào lòng bàn tay của con, bà nói:

- Con ạ! Con là một đứa trẻ khác với những đứa khác, vì con chỉ có bốn giác quan, như là chỉ có bốn ngón tay vậy: một - nghe , hai - sờ, ba - ngửi, bốn - nếm. Con không thể sử dụng giác quan nhìn. Bây giờ mẹ muốn chỉ cho con điều này. Hãy đứng lên con nhé.
Cậu đứng lên. Bà mẹ nhặt trái banh lên bảo:

- Bây giờ con hãy đặt bàn tay của con trong tư thế bắt trái banh.

Cậu mở lòng bàn tay và trong khoảnh khắc cậu cảm nhận được quả banh cứng chạm vào các ngón tay của mình. Cậu bấu chặt quả banh và giơ lên cao.

- Giỏi! Giỏi! - Bà mẹ nói - Mẹ muốn con không bao giờ quên điều con vừa làm. Con cũng có thể giơ cao quả banh bằng bốn ngón tay thay vì năm ngón. Con cũng có thể có và giữ được một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc với chỉ bốn giác quan thay vì năm nếu con bước vào cuộc sống bằng sự nỗ lực thường xuyên!
Cậu bé không bao giờ quên hình ảnh "bốn ngón tay thay vì năm". Đối với cậu đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Và hễ cứ mỗi khi nhụt chí vì sự khiếm khuyết của mình, cậu lại nhớ đến biểu tượng này để động viên mình. Cậu hiểu ra rằng mẹ cậu đã nói rất đúng. Cậu vẫn có thể tạo được một cuộc sống trọn vẹn và giữ lấy nó chỉ với bốn giác quan mà cậu có được.
 
T

thuyan9i

Đồ cổ

Con bé nhìn chăm chăm vào bà nó như thể nó nhìn thấy bà lần đầu tiên, rồi kết luận:

- Bà ơi, bà đúng là đồ cổ đấy! - Nó ngẫm nghĩ rồi tiếp tục - Bà nhiều tuổi. Đồ cổ cũng nhiều tuổi. Bà là đồ cổ của cháu!

Bà nó quả là không vừa ý với câu nói của con bé, nên bà cầm quyển từ điển ra và đọc:

- Định nghĩa đồ cổ nhé: đồ cổ không chỉ nhiều tuổi, mà còn là một thứ đã tồn tại, hoặc thuộc về thời kì xa xưa... một tác phẩm nghệ thuật chẳng hạn... Đồ cổ rất quý! - Rồi bà đặt quyển từ điển sang một bên - Bao giờ chúng ta cũng phải cẩn thẩn với đồ cổ vì nhiều khi chúng rất có giá trị.

Để nói về một thứ đồ cổ, bà ví dụ:

- Đồ cổ ít ra phải 100 tuổi, bà chỉ mới có 67 tuổi thôi!

Bà dẫn con bé đi tìm quanh nhà xem có thứ đồ cổ nào không. Có một cái tủ "gia truyền".

- Cái tủ này đã cũ lắm rồi - bà kể - Nhưng bà luôn đánh bóng nó vì nó là đồ cổ mà!

Bà còn tìm được một cái bình trong bếp. Nó đã ở trong bếp lâu lắm rồi. Bà không nhớ nó ở đâu ra, chỉ biết khi bà mua nó thì nó cũng không còn mới. Rồi một cái giường con mà chú bà đã từng nằm ngủ nhiều năm về trước.

Bà cũng giải thích cho con bé hiểu rằng hầu như đồ cổ bao giờ cũng ẩn chứa một câu chuyện. Nó đã từng ở nhiều nơi, thuộc về nhiều người, tồn tại qua nhiều năm. Nó trải qua sóng gió, nhưng vẫn còn tồn tại.

Con bé có vẻ suy nghĩ lung lắm. Rồi nó bảo:

- Cháu chẳng có đồ cổ nào ngoài bà ra cả! Mà ngày mai cô giáo bảo cháu phải mang một món đồ cổ đến lớp - Con bé mắt sáng lên - Cháu sẽ mang theo bà, bà nhé, vì rõ ràng bà cũng có rất nhiều câu chuyện và cũng rất quý giá mà!

Chẳng hiểu vì sao bà nó lại cảm thấy hài lòng với định nghĩa này. Và bà quyết định sẽ theo con bé đến lớp vào ngày mai với tư cách là một đồ cổ của nó.
 
T

thuyan9i

Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười

Bố tôi là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, ông đã từng phẫu thuật cho rất nhiều người, có những người rất bình thường, có những người nổi tiếng, có những người giàu có và cả những người nghèo. Có người nhiều năm sau vẫn đến cảm ơn cha tôi vào những ngày lễ tết, có những người không bao giờ gặp lại. Trong số những người không bao giờ quay lại có một cậu bé mà cha tôi luôn nhắc đến mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm về nghề nghiệp của mình với tất cả tình âu yếm.

Cậu bé ấy bị mù, một buổi sáng cậu được đưa đến phòng khám của bố, ở bàn chân có một vết thương lâu ngày và trở nên nguy hiểm đến không chỉ đôi chân mà cả tính mạng của cậu. Mọi người xung quanh cậu đã không quan tâm săn sóc cậu đúng mức, còn cậu bé thì rụt rè, có lẽ cậu đã không muốn làm những người xung quanh phải bận tâm về mình nên đã cố chịu đựng vết thương cho đến khi nó trở nên đau đớn không chịu được.

Trong một năm liền cứ ba lần một tuần cậu đến chỗ bố tôi và bố cắt bỏ hết những chỗ thịt bị hư hại, rồi bôi thuốc, băng bó mà không lấy tiền. Bố nói rằng ước muốn của bố là có thể cứu được đôi chân của cậu bé mù đó bởi bố đoán rằng trong cuộc sống cậu đã gặp khá nhiều thiệt thòi và bất hạnh, bố không muốn phải cưa chân cậu. Nhưng rồi bố thất bại, vết hoại thư đã lan rộng đến mức không cắt bỏ nhanh chóng cậu bé sẽ chết. Bố rất buồn vì điều đó, thậm chí cảm thấy thất vọng về bản thân mình.
Rồi ngày phẫu thuật cũng đến. Bố đứng bên cạnh cô y tá gây mê khi cô ta làm công việc của mình, lặng nhìn cơ thể bé nhỏ ấy đang chìm dần vào giấc ngủ. Sau đó ông chầm chậm giở miếng vải phủ chân cậu bé lên, và ở đó, trên ống chân gầy gò của cậu, bố nhìn thấy một hình vẽ mà cậu đã mò mẫm vẽ trong bóng tối của mình để tặng bố, đó là một gương mặt hay đúng hơn là một hình tròn có hai mắt, hai tai, một cái mũi, một cái miệng đang mỉm cười, ở bên cạnh là một dòng chữ nguệch ngoạc:
Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười".
 
T

thuyan9i

Mẹ tôi
áng nay, cô giáo Ðan Cát Tiên lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế, cha tôi răn tôi bằng lá thư sau đây, đọc rất cảm động:
"Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. An ơi! Lần sau không được thế nữa! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải "bỏ" con thì lại sụt sùi. Con ơi! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống! Con ơi! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất mẹ con.
Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, vì dù lớn đến mức nào, khỏe đến mực nào, con vẫn thấy là một đứa trẻ trơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào giày xéo lên chữ hiếu là kẻ ********. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm; con người dù sang trọng tuyệt vời, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.
An ơi! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xóa sạch vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quí báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!"
Cha con
 
T

thuyan9i

Người bạn

Người chủ tiệm treo tấm bảng "Bán chó con" lên cánh cửa. Những tấm biển kiểu như vậy luôn hấp dẫn các khách hàng nhỏ tuổi. Ngay sau đó, có một cậu bé xuất hiện. "Chú bán mấy con chó này với giá bao nhiêu vậy... " cậu bé hỏi.

Ông chủ trả lời "Khoảng từ $30 cho tới $50. "

Cậu bé móc trong túi ra một ít tiền lẻ. "Cháu có $2. 37" cậu nói, "cháu có thể coi chúng được không... "

Người chủ tiệm mỉm cười và huýt sáo. Từ trong cũi chạy ra chó mẹ Lady cùng với 5 cái nắm lông be bé xinh xinh chạy theo. Một con chó con chạy cà nhắc lết theo sau. Ngay lập tức, cậu bé chỉ vào con chó nhỏ bị liệt chân đó "Con chó con này bị làm sao vậy... "

Người chủ giải thích rằng bác sĩ thú y đã khám và nói rằng con chó con bị tật ở phần hông. Nó sẽ bị đi khập khiễng mãi mãi. Nó sẽ bị què mãi mãi. Đứa bé rất xúc động. "Cháu muốn mua con chó con đó."

Người chủ nói rằng "Chắc là cháu không muốn mua con chó đó đâu, còn nếu cháu muốn nó thì chú sẽ cho cháu luôn."

Cậu bé nổi giận. Cậu nhìn thẳng vào mắt của người chủ, và nói rằng "Cháu không muốn chú cho cháu con chó con đó. Nó xứng đáng như bất kỳ con nào khác và cháu sẽ trả cho chú đủ giá tiền cho nó. Cháu sẽ đưa cho chú $2. 37 bây giờ và 50 cent mỗi tháng cho đến khi cháu trả đủ số tiền."

Người chủ phản đối "Cháu đâu có muốn mua con chó đó. Nó sẽ chẳng bao giờ có thể chạy được và chơi với cháu như những con chó con khác."

Nghe vậy, cậu bé cúi xuống và kéo ống quần lên để lộ ra một chân bị vặn vẹo, teo quắt và phải có hệ thống thanh giằng chống đỡ. Cậu nhìn lên người chủ và nói rất khẽ "Vâng, cháu cũng không có chạy được, và con chó nhỏ đó cần một người có thể hiểu được nó!".


Sưu tầm
 
T

thuyan9i

Lá thư tình của cha
Con của cha...
Con có thể không biết cha, nhưng cha biết rất rõ mọi thứ về con.
Cha biết khi con ngồi xuống và khi con đứng lên.
Cha quen thuộc với mọi lối đi của con.
Thậm chí bao nhiêu sợi tóc trên đầu con cha cũng đếm được.

Bởi vì con được hình thành trong trí óc của cha.

Cha quyết định đúng thời gian con sinh ra và con sẽ sống ở đâu.

Cha không hề xa cách và giận dữ, nhưng cha là một biểu hiện hoàn chỉnh nhất của tình yêu.

Và đó chính là mong ước của cha để trao tặng tình yêu cho con.

Đơn giản là vì con là con của cha và cha là cha con.

Mỗi món quà tốt lành con nhận được đều từ bàn tay cha.

Vì cha biết con cần những gì.

Mọi sắp xếp của cha cho tương lai con luôn luôn đầy ắp sự mong chờ.

Vì cha yêu con với một tình yêu vĩnh cửu.

Suy nghĩ của cha về con không thể đếm được như là hạt cát trên bờ biển vậy.

Cha sẽ không bao giờ ngừng làm điều tốt cho con.

Vì con là kho báu của cha

Nếu con tìm kiếm cha với tất cả trái tim, con sẽ tìm thấy cha

Cha có thể làm cho con nhiều hơn con nghĩ

Vì cha là nguồn động viên lớn nhất của con

Khi trái tim con tan vỡ, cha sẽ ở bên con

Như là một người chăn cừu ôm cừu con vậy, cha sẽ ôm con vào gần trái tim mình

Và cha sẽ mang đi tất cả đớn đau con sẽ phải chịu đựng trên trái đất này

Cha luôn là cha, và sẽ mãi là như thế.Cha luôn đợi con. Yêu con.
Cha của con.
 
T

thuyan9i

Bệnh sởi

Lớp học của Sam càng ngày càng có thêm nhiều chổ trống vì dịch sởi đang lan tràn ở Hannibal. Các phụ huynh thậm chí đã bàn đến chuyện cho con cái mình nghỉ học vì sợ lây bệnh. Không khí lớp ngày một u ám.
Sáng hôm ấy đến lớp, Sam càng rầu rĩ hơn khi phát hiện ra cậu bạn thân Will Bowen đã phải nghỉ vì lên sởi. Sau một hồi suy nghĩ rất lung, Sam nảy ra một sáng kiến…Cả buổi học Sam cứ bồn chồn không yên, cậu chỉ mong chuông reo mau lên để cậu thực hiện ý định của mình. Mãi rồi cũng đến lúc tan học, Sam lao đến nhà Will, cố chuồn vào phòng bạn một cách êm thấm nhất. Nhưng mẹ Will vẫn kịp nhận ra sự có mặt của chú chuột nhóc này:
Sam, cháu về nhà ngay không bị lây bệnh sởi bây giờ!
Sam lí nhí “ Vâng ạ! ” nhưng sau đó lại tuồn ra cửa sau và rón rén vào phòng Will. Chẳng để cho cậu bạn có cơ hội phản ứng, cậu chui tọt vào chăn với Will, thì thào:
Will, lây cho tớ nhé! Nhất định là phải lây cho tớ đấy!

“ Đề nghị” của Sam đã được đáp ứng. Hai tuần sau, Will khỏi bệnh, lại lén lút đến thăm Sam. Thấy bạn nằm li bì trên giường, Will quạy quọ:

- Sao cậu ngốc thế. Lúc đó mà tớ đủ sức, tớ sẽ nện cho cậu một trận và tống ra khỏi nhà ngay.

Sam cười, rồi khuôn mặt lấm tấm những nốt đỏ của cậu đột nhiên nghiêm nghị như ông cụ non:

- Thế cậu nghĩ là tớ chịu để cậu ốm một mình à... Lây cho tớ rồi thì rõ ràng là cậu sẽ khỏi nhanh hơn. Bạn bè là phải chia sẻ chứ!

- Nhưng… - Will bất lực với sự bướng bỉnh của cậu bạn.

Sam nháy mắt, toét miệng cười, thì thào:
- Yên tâm đi! Tớ sẽ lây bệnh cho một người bạn khác nhưng cậu ta sẽ khỏi ngay thôi mà!
Ai vậy? – Will hồi hộp.
Sam lật chăn lên. Một chú gấu bông đang say ngủ.
Nhóc Sam ngày ấy, sau này đã trở thành một con người nổi tiếng thế giới với những trang viết thắm đượm tình yêu thương con người. Đó chính là đại văn hào Mỹ Sam Clemes – Mark Twain.
Ngọc Anh dịch.
 
T

thuyan9i

Bạn mang hành trang gì khi vào đời?

Bước chân vào đời, ai cũng chuẩn bị cho mình một vài thứ hữu ích, nhưng hành trang của mỗi người không ai giống ai, có người chỉ cần một ít vốn về vật chất, có người mang trên vai những kiến thức đã từng được học, có người lại chẳng biết mình sẽ cần gì trên con đường tiến tới tương lai.

Còn bạn, bạn mang hành trang gì khi vào đời?

Một ít tăm ... vì cái tăm sẽ nhắc bạn nhớ tìm và phát hiện những đức tính tốt của mọi người, kể cả bản thân của bạn.

Một sợi dây cao su ... vì dây cao su sẽ nhắc bạn nhớ sống linh động.Mọi chuyện trên đời không phải lúc nào cũng đi theo hướng bạn muốn, nhưng dù cách này hay cách khác chúng ta vẫn giải quyết tốt được mọi vấn đề.

Một nụ hôn ngọt ngào... vì nụ hôn ấy sẽ nhắc bạn nhớ rằng mọi người cần nhận được một lần ôm hôn hoặc một lời khen tặng mỗi ngày.

Một miếng băng dán ... vì miếng băng sẽ nhắc bạn nhớ hàn gắn những vết thương lòng của bạn hoặc của ai đó.
Một cục tẩy ... vì cục tẩy sẽ nhắc bạn nhớ rằng ai đó cũng có thể phạm lỗi. Không sao, chúng ta học từ những lỗi lầm.
Một cây kẹo gum bubble ... vì chất dính của kẹo gum sẽ nhắc bạn nhớ luôn bám theo mục tiêu đã đề ra, đừng bỏ cuộc và bạn sẽ đạt được những điều mình mong ước.

Một cây bút chì ... vì bút chì sẽ nhắc bạn nhớ viết ra những điều tốt bạn làm hằng ngày.
Và hãy nhớ mang theo mình một túi trà... vì túi trà sẽ nhắc bạn nhớ hằng ngày nên nghỉ ngơi, thư giãn và ôn lại danh sách những điều phúc lành mà Thượng đế ban tặng.
Bạn có đem theo những vật đó không?
 
T

thuyan9i

19 tuổi - Tôi viết cho tôi
Hải Đăng
Tôi bắt đầu nhớ ngày sinh nhật của mình từ năm tôi học lớp 4, nghĩa là năm tôi 9 tuổi. Lần sinh nhật lớp 4, tôi cùng mẹ và dì cả buổi chiều ngồi đánh vật với mớ trứng, bột và đường để làm bánh. Một ổ bánh to 3 tầng được viền bằng hoa hồng theo yêu cầu của tôi được hoàn thành lúc 5h chiều, kịp lúc cho tôi đãi lũ bạn. Hôm sinh nhật ấy vui, tôi ăn bằng hết những cái hoa hồng làm bằng bánh kem ấy, tay chân mặt mũi lấm đầy kem trông ngố không thể tả.

Lớp 9, ngày sinh nhật tôi là biển và rừng mênh mông, tôi được lũ con trai trong lớp hái tặng một chùm hoa dừa to thật to, cả một túi đậu ma đỏ chót. Trong rừng, nhỏ bạn tặng cho tôi một dây tường vi tím ngát hoa, những cái hoa rừng trông hoang dại nhưng lại ấm tình bạn, hoa bỗng chốc dễ thương và đẹp lạ lùng.

Lớp 10, lần đầu tiên tôi nhận được bó hoa hồng trong ngày sinh nhật mình, thấy xúc động và vui lắm. Tôi cắm nó được 2 ngày thì đem ép những cây mềm đi, còn hoa hồng thì đem chổng ngược treo lên. Ngày hồng khô cũng là khi những cái hoa kia mềm cả, tôi đem nó bó lại giống hệt như lúc mới được tặng. Hoa khô trông cũng đẹp lắm. Đẹp nhất là do chính tay mình làm mà.

Lớp 11, tôi có nhiều hoa của nhiều người, hoa hồng, đồng tiền, thảo, lan... của những người bạn. Nhưng vẫn thích nhất là một chùm phượng còn ướt đẫm sương được cài ở trước xe với mảnh giấy nhỏ mừng sinh nhật, không biết là của ai nhưng với tôi, cái màu đỏ ấy đẹp hơn hẳn so với những cái hoa kiêu sa được trau chuốt cẩn thận ở tiệm. Đến bây giờ tôi vẫn không biết người tặng là ai, nhưng ngày sinh nhật tôi luôn nhớ về chùm hoa ấy. Ngày tôi sinh là mùa phượng bừng sắc trên cao.

Lớp 12, ngày sinh nhật chẳng có một cành hoa nào, chỉ có những cái e-card lung linh với điệu nhạc dập dìu, mội buổi tối tan học về với mấy ly sữa nóng giữa gió mưa và vài bài hát karaoke. Mùa thi và mưa cứ xôn xao vào ngày của tôi. Ngày của tôi...

Sinh nhật ngày tôi 19.Tôi chưa biết mình có được nhận một cành hoa nào nay không nhưng tôi có một thời khóa biểu bận rộn cho 19: buổi sáng học ở trường, buổi chiều học đá banh, tối thì đi chợ với mẹ mua sắm chuẩn bị về quê trong tháng 6 tới. Tôi từ chối tất cả những lời mời làm sinh nhật của lũ bạn, từ chối luôn cả một buổi cafe với blouse...

Ngày tôi 19, tôi không cần màu mè như 18 năm qua. Tôi có một điều may mắn là được mẹ làm sinh nhật cho đầy đủ, 18 năm - chưa bao giờ tôi thiếu một ổ bánh sinh nhật vào ngày của mình. Có khi là mẹ làm cho, có khi mua, cũng có khi tôi ngồi làm cùng mẹ. Dù cho tôi có lang thang với lũ bạn cả ngày thì tối về tôi vẫn được đốt nến và ăn bánh cùng gia đình, cả nhà luôn chờ tôi mừng tuổi mới dù đã 10h đêm. Tôi hạnh phúc.

Tôi 19, tôi dặn mẹ đừng mua bánh vì chẳng ăn được bao nhiêu, mỗi lần sinh nhật xong đều bỏ hơn phân nữa. Tôi 19, tôi dặn mẹ nấu chè hột gà mà tôi thích, cả nhà cùng ăn rồi tôi và mẹ đi chợ. Như vậy là quá đủ rồi.

Tôi 19 tôi chờ đợi tiếng điện thoại reo và bài hát Happy Birthday.



o O o


19 khác với 18.

Ngồi giở lại quyển album gia đình, tôi thấy tôi. Tôi của những ngày bé xíu xiu đến cả tôi 18. Tôi với mẹ, với em, với ba, với cả gia đình, bạn bè... Tôi ở Đà Lạt, tôi ở Nha Trang, tôi trèo cây, tôi làm những trò khỉ, rồi tôi dịu dàng trong studio... Ngồi coi và mỉm cười. Mỗi lần ngày Sinh nhật qua đi là tôi lại khác nhiều so với một năm trước. Năm trước tôi còn lẫm chẫm tập đi, năm nay tôi đã chạy nhảy lung tung. Năm trước tôi còn lóng ngóng với mẩu viết chì, năm nay tôi đã ngồi viết văn cho cô giáo. Năm trước tôi còn quần tây áo sơ-mi, ngang tàng với đám con trai, năm nay tôi đã tha thướt áo dài ngoan hiền đến lạ. Mới đây thôi, tôi còn 18 và khi ngày ấy trôi qua, tôi đã là tôi của 19. Và tôi biết, 19 nhất định sẽ khác nhiều so với 18.

Tôi lớn thêm một tuổi, thường tự nhủ mình sẽ làm một điều gì đó thật có ý nghĩa, nhưng tôi chưa bao giờ làm được gì cả. Tuổi cứ trôi và tôi cứ tự nhắc mình vào ngày tôi lớn ấy. 18, tôi đã trượt đại học và đau một cú ê ẩm, tự trách mình suốt mấy tháng trời vì nửa điểm chết tiệt ấy. 18, tôi ra trường và quên luôn lời hứa về thăm thầy vì đã trót tuyên bố chắc với thầy: "Em đậu thì em mới gặp thầy". 18, tôi chưa làm dược gì cho ba mẹ. 18, tôi đánh mất anh – mối tình đầu của tôi.

Tôi 19, sẽ học hành đàng hoàng để đôi khi chạnh lòng không thấy xấu hổ với ba mẹ, không thấy uổng phí những đồng tiền của ba mẹ. Tôi 19, chắc chắn sẽ về thăm thầy, ngồi uống rượu bổ với thầy dưới gốc sơri to, nghe chim hót véo von như những ngày còn đi học. Tôi 19, tôi biết mình đã lớn nhưng vẫn còn bé nhỏ trong mắt ba mẹ, vì vậy tôi sẽ làm những công việc nhỏ nhưng khiến Người hài lòng: dọn dẹp nhà cửa, xoa bóp cho me, pha trà cho ba... Góp gió thì thành bão, nhiều công việc nhỏ sẽ hay hơn là làm việc gì đó lớn lao quá sức mình. Tôi 19, tuổi trẻ còn dài và tôi chưa vội tìm cái gì đó cho riêng mình, tôi mất anh và thế là xong 18.
18 đã từng có rất nhiều bạn, nhưng giờ đây 19 chỉ ao ước có một người bạn thân. Một người bạn thân đúng nghĩa.
 
T

thuyan9i

Mẹ kế

Tôi thường nghĩ rằng “cha mẹ kế” là từ dùng để chỉ những người đàn ông và đàn bà lấy nhau khi đã có con cái riêng, lý do đơn giản là chúng ta cần phải gọi họ bằng một cái tên gì đó. Chắc chắn từ “kế” rất quan trọng nhưng người ta thường không nghĩ thế, với họ “cha mẹ” mới có ý nghĩa thực sự. Đó là những gì tôi cảm thấy khi trở thành mẹ kế của bốn đứa con chồng tôi.

Chúng tôi kết hôn đã sáu năm, khi các con anh vẫn còn nhỏ và bây giờ đang ở tuổi vị thành niên. Dù sống chủ yếu với mẹ ruột, chúng vẫn có nhiều thời gian sống cùng chúng tôi. Nhiều năm qua, chúng tôi đã học cách thích nghi với nếp sống mới của gia đình và đối xử tử tế với nhau. Chúng tôi đi nghỉ cùng nhau, dùng những bữa cơm gia đình, cùng làm bài tập, chơi bóng chày và xem phim bên nhau. Tuy nhiên tôi cứ cảm thấy mình giống như kẻ ngoài cuộc, tệ hơn là một kẻ xâm phạm gia đình riêng của người khác. Có một lằn ranh ngăn cách rõ ràng mà tôi không thể nào vượt qua được. Tôi không có riêng cho mình một đứa con nào, những kinh nghiệm làm mẹ của tôi chỉ giới hạn trong bốn đứa con của chồng và tôi thường tội nghiệp mình không bao giờ có được sợi dây liên kết thiêng liêng giữa mẹ và con.

Khi đám trẻ phải dời đến một thành phố khác cách năm giờ xe chạy, chồng tôi rất buồn và nhớ chúng. Nhờ có internet chúng tôi có thể gởi thư cho nhau, kể cả trò chuyện với nhau mỗi khi chúng tôi cùng vào mạng. Mỉa mai thay, những dụng cụ liên lạc hiện đại này cũng là những dụng cụ làm người ta dễ xa nhau hơn.Chúng tôi cần biết bao sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và người không qua máy móc. Những khi bức thư trên màn hình chỉ đề “Ba” tôi thấy như bị bỏ quên, không ai nhớ đến mình. Còn khi tên tôi cùng xuất hiện với anh ấy, niềm vui không thể diễn tả được, tôi cảm thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình họ. Tuy vậy cũng còn khoảng cách nào đó cần phải vượt qua, ngay cả trên đường dây điện thoại.

Một buổi tối cũng khá khuya, chồng tôi ngủ gà gật trước tivi, còn tôi đang kiểm tra mình có thư hay không, máy tính báo tôi có một tin nhắn. Đó là của Margo, con gái kế lớn nhất của tôi. Con bé cũng thức khuya, cũng đang ngồi trước máy tính ở một nơi cách năm giờ xe chạy. Giống như đã làm nhiều lần trước đây, chúng tôi trò chuyện qua lại, chia sẻ cho nhau những tin tức mới nhất. Khi chúng tôi tán gẫu như thế này, con bé không cần biết tôi hay là ba của nó ngồi phía bên kia bàn phím - nếu như nó không hỏi. Tối nay con bé cũng không hỏi và tôi cũng không cần nêu đích danh mình. Sau khi nghe xong kết quả thi đấu bóng chuyền, chi tiết về buổi khiêu vũ sắp tới ở trường, bài tập lịch sử phải nộp, tôi nói đã khuya rồi và nên đi ngủ. Margo trả lời: “Vâng ạ, lần sau chúng ta sẽ nói tiếp! Thương nhiều”.
Khi đọc dòng chữ này, cảm giác buồn bã xâm chiếm khắp người tôi. Hẳn là con bé nghĩ nãy giờ mình viết cho ba. Con bé và tôi chưa bao giờ dùng những từ thương yêu, đầy tình cảm như thế. Cảm thấy tội lỗi vì đã không làm sáng tỏ, nhưng cũng không muốn làm con bé xấu hổ, tôi gửi lại đơn giản: “Thương con! Chúc con ngủ ngon!”.
Tôi lại nghĩ về gia đình họ, về không gian riêng tư mà tôi là một kẻ xâm phạm. Một nỗi đau trống rỗng nhói lên trong tim tôi. Sau đó, ngay khi những ngón tay tôi chạm vào nút bấm, ngay khi màn hình chuẩn bị chuyển sang màu đen, tin nhắn cuối cùng của Margo xuất hiện: “Chúc ba ngủ ngon dùm con”. Nước mắt ràn rụa, tôi với tay tắt máy tính.
 
T

thuyan9i

Nụ hôn

Con gái thương quý,
Hôm qua con ngập ngừng hỏi ba: "Ở giai đoạn nào thì người ta có thể hôn?". Nếu trả lời ngay, ba có thể nói rằng, đó là khi hai người yêu nhau và muốn biểu lộ tình yêu của mình. Nhưng để đến giai đoạn ấy là cả một quá trình khi họ đã cảm nhau, hiểu nhau và chấp nhận tình yêu của nhau. Cho nên qua mỗi giai đoạn, mỗi nụ hôn có ý nghĩa khác nhau. Nụ hôn đầu tiên của một người con trai dành cho một người con gái rất quan trọng, và có ý nghĩa như một lời tỏ tình, cô gái nhận nó là chấp nhận và đồng thời biểu lộ tình yêu của mình cho nên người con gái tự trọng không bao giờ phung phí nụ hôn của mình khi chưa biết rõ tình cảm của đối tượng và chính mình. Khi một chàng trai thật sự yêu quý tôn trọng con, họ sẽ rất hạnh phúc khi hôn con. Với những kẻ đùa vui giả trá sau khi hôn một người con gái dễ dãi người ta sẽ xem thường và hay suy diễn: người con gái ấy ai cũng có thể hôn được. Cho nên nụ hôn là ngôn ngữ đặc biệt của tình yêu, hơn thế nữa nó là cả một nghi thức. Chỉ những người yêu nhau mới hôn môi còn những người thân thiết khác thì hôn ở những vị trí khác và nhìn cách hôn người ta biết quan hệ giữa họ với nhau. Bạn bè anh em thì chỉ hôn ở má. Cho nên nụ hôn chỉ thật sự mang lại niềm hân hoan, là kỉ niệm đẹp khó quên khi nó xuất phát từ tình cảm chân thành và đúng nơi đúng lúc, nếu không sẽ là một nỗi ray rức hoặc hạ thấp bản thân mình...
Cho nên con gái ạ, nếu chưa yêu ai, con cứ giữ nụ hôn ấy để trao cho một người xứng đáng.
 
Top Bottom