F
fantastic_97
tiếp~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Nó thường được ông Tư sai bưng thức ăn đến trạm xá cho Văn. Nhiều nhất, thường nhất là món khoai luộc nóng hổi, thơm bừng. Bưng rổ khoai từ nhà đến chỗ Văn, khói mềm cả ống tay áo Nga. Trời trở chướng, gió ráo hanh nhưng nước lên, sân trước trạm xá ngập lênh láng, con Nga xoắn quần quá gối lội qua, thấy Văn, nó thưa thẻ thọt “Ba em gởi anh ít khoai” rồi về. Lần sau, nó xoắn quần thấp một chút, bảo ăn khoai đi anh. Sau nữa nó cứ để ống quần bết nước, lọng cọng đứng ngoài cửa, hai gò má rựng lên, gọi “Ăn khoai nè”. Lúc đấy thì nói ít, thẹn thò nhưng ở lại lâu, dọn dẹp lăng xăng, quét trên quét dưới, bắc nồi cơm lên bếp, làm cá nấu canh chua trái giác, sung sướng thấy mình bận rộn giống hệt mấy nhỏ bạn mới lấy chồng (tụi con gái thường hay điên vậy, tới khi xà quần chồng con thật, lại than số mình cực như trâu). Rồi sực nhớ bếp ở nhà lạnh tanh, nó chạy về. Ông Tư ngồi trước cửa, giấu sự thắc thỏm (Và một chút lưỡng lự, mình tạo điều kiện cho hai đứa gần gủi vầy có sao không ta). Cố tươi tỉnh, ông hỏi ngay, “Con Nga lo cho anh bây xong chưa? Mắc gì mà mầy cười suốt từ ngoài đường vào đây?”. Dạ, con Nga chối bay, con đâu có cười, tại ba má sanh cái miệng con vậy mà. Nói rồi nó chạy vô bếp, bâng khuâng cười thêm một hồi nữa…
Chủ nhật, Văn mượn xe đạp chở con Nga đi chơi lòng vòng cù lao. Nga ngồi đằng sau, khép nép, sượng trân, sợ ai đó thấy hai đứa vầy, một hồi lại sợ không ai thấy, nó tiếc nuối chép miệng :
- Bữa nay người ta đi đâu hết trơn rồi cà, vắng dễ sợ.
Quẹo qua quẹo lại, nói đất nói trời (chỉ thiếu nói lời thương yêu), cuối cùng hai đứa ra bãi đào khoai. Văn hỏi má Nga đâu, nó cười, chết rồi, chết hồi sanh em, chết trên xuồng. Văn về ngó cái khẩu hiệu ông Tư vẻ trên tường. Thấy nó đỏ như một lời thề.
Bữa nọ Nga đem mấy cần xé ổi ra chợ huyện cân cho vựa thì gặp đám bạn Văn xốc xếch đứng trên bến. Nga cho quá giang về Mút Cà Tha (mà không hiểu sao trong bụng muốn nhận chìm xuồng cho tụi này bỏ ý định ra cù lao cho rồi). Ngồi dưới xuồng, ba thằng trai cứ khen Nga đẹp, nhìn là muốn ở lại đất cù lao này hoài, hai đứa gái bĩu môi, tủm tỉm cười, nói bữa nay dê thả tùm lum ngoài đường. Nga không để ý, những lời nói ngọt ngào càng không để ý. Xuồng cập bến, Nga xăm xăm đi trước dẫn đường, tong tả xộc vào phòng sau của trạm xá, cằn nhằn cử nhử, sao anh Văn bày tùm lum như vầy (cho tụi kia biết, ta đây đã thân thuộc với anh ấy đến mức nào).
Văn từ nhà tắm vào, nước trên tóc còn rỏ tong tong. Năm người họ sà vô ôm, nhảy tưng tưng, nói tui nhớ ông em nhớ anh quá chừng. Văn ngợp thở vì cái mùi thành thị quen thuộc của nước hoa, của son, của phấn, của khói thuốc lá, của những hơi thở gấp, của sự chen chúc, xô đẩy nhau… Và những kỷ niệm ùa về, nhớ quán cà phê chỗ mình ngồi không, bây giờ đổi tên khác rồi. Văn sôi nổi hỏi, vậy con nhỏ phục vụ bốc lửa còn không. Còn, mà chi, tụi con gái ở Phố Xưa còn dữ dội hơn, nhớ bar đó không? Nhớ không, nhớ không… Đã vầy đã khác. Mà Hương của mầy có con rồi, mầy đã quên chưa. Không khí chùng xuống. Một đứa bạn cười, kín đáo liếc ra đằng sau, giọng xủng xoảng như ly chén bể, “Sao anh không chịu để em bù vô nhỏ Hương, ra đây trốn tình chi cho cực, em nhớ anh thấy mồ”. Đuôi mắt quét tận chỗ Nga, thấy con gái cù lao đứng thừ lừ. Nga nói thôi em về, luộc khoai đem qua anh Văn đãi bạn.
Nga qua khoảng sân đầy nước thì có ông con trai chạy theo, lăng xăng nói trời ơi mát khủng khiếp, yên tĩnh tuyệt vời quá, cảnh thiệt là thơ mộng rồi hỏi, ủa, sao không thấy em gái nói gì. Nói gì bây giờ, Nga đi lẹ lẹ đằng trước, nỗi sợ cuộn lên, mong manh, Văn dễ tin lắm, hôm trước con chồn chạy ngang Nga nói con mèo Văn cũng tin, Nga bảo cây cỏ trên cù lao này đều do chim ỉa mà mọc lên Văn tưởng thiệt, bây giờ người ta nói yêu này yêu nọ, không biết Văn của mình có tin không. Nó cố kìm để khỏi kêu lên, trời ơi, sao người ta nói chuyện yêu thương dễ ợt, giòn rụm vậy cà.
Bận quay lại trạm xá, Nga còn đi nhanh hơn, đầu nó có một mớ tro lá dừa đậu hồi thổi lửa. Anh chàng nọ rớt lại dọc đường. Bước vô cửa thấy ba bốn người nằm ngủ ngiêng ngủ ngửa, Nga nói ngay, “Ủa, anh kia chưa về hả, cha, ảnh ở đâu ta? Em hỏng có đi chung” (cho anh đừng suy diễn lung tung, rồi hiểu lầm lòng dạ em). Ngó bộ Văn không để ý, Nga nhẹ lòng, thở ra cái phù, hỏi, anh đang làm gì đó, Văn cười coi nắng cù lao. Trời, nắng có gì mà coi, anh?
Hôm ấy Văn không trả lời, hôm sau không kịp trả lời vì Văn đưa bạn ra về rồi không trở lại. Lặng lẽ, như trốn chạy. Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn. Văn không từ giã ông một lời, để nói cháu về vì má cháu đang đau, hoặc cháu ra ngoài trung tâm y tế huyện một tí, rồi lên xe đi luôn cũng được, dù nhìn vào đôi mắt đang cụp xuống kia, biết người ta nói dối, dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi.
Trong một thoáng, ông thấy mình chùng chình, vớ được khúc cây bình bát, ông chống vào đất. Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?
Nó thường được ông Tư sai bưng thức ăn đến trạm xá cho Văn. Nhiều nhất, thường nhất là món khoai luộc nóng hổi, thơm bừng. Bưng rổ khoai từ nhà đến chỗ Văn, khói mềm cả ống tay áo Nga. Trời trở chướng, gió ráo hanh nhưng nước lên, sân trước trạm xá ngập lênh láng, con Nga xoắn quần quá gối lội qua, thấy Văn, nó thưa thẻ thọt “Ba em gởi anh ít khoai” rồi về. Lần sau, nó xoắn quần thấp một chút, bảo ăn khoai đi anh. Sau nữa nó cứ để ống quần bết nước, lọng cọng đứng ngoài cửa, hai gò má rựng lên, gọi “Ăn khoai nè”. Lúc đấy thì nói ít, thẹn thò nhưng ở lại lâu, dọn dẹp lăng xăng, quét trên quét dưới, bắc nồi cơm lên bếp, làm cá nấu canh chua trái giác, sung sướng thấy mình bận rộn giống hệt mấy nhỏ bạn mới lấy chồng (tụi con gái thường hay điên vậy, tới khi xà quần chồng con thật, lại than số mình cực như trâu). Rồi sực nhớ bếp ở nhà lạnh tanh, nó chạy về. Ông Tư ngồi trước cửa, giấu sự thắc thỏm (Và một chút lưỡng lự, mình tạo điều kiện cho hai đứa gần gủi vầy có sao không ta). Cố tươi tỉnh, ông hỏi ngay, “Con Nga lo cho anh bây xong chưa? Mắc gì mà mầy cười suốt từ ngoài đường vào đây?”. Dạ, con Nga chối bay, con đâu có cười, tại ba má sanh cái miệng con vậy mà. Nói rồi nó chạy vô bếp, bâng khuâng cười thêm một hồi nữa…
Chủ nhật, Văn mượn xe đạp chở con Nga đi chơi lòng vòng cù lao. Nga ngồi đằng sau, khép nép, sượng trân, sợ ai đó thấy hai đứa vầy, một hồi lại sợ không ai thấy, nó tiếc nuối chép miệng :
- Bữa nay người ta đi đâu hết trơn rồi cà, vắng dễ sợ.
Quẹo qua quẹo lại, nói đất nói trời (chỉ thiếu nói lời thương yêu), cuối cùng hai đứa ra bãi đào khoai. Văn hỏi má Nga đâu, nó cười, chết rồi, chết hồi sanh em, chết trên xuồng. Văn về ngó cái khẩu hiệu ông Tư vẻ trên tường. Thấy nó đỏ như một lời thề.
Bữa nọ Nga đem mấy cần xé ổi ra chợ huyện cân cho vựa thì gặp đám bạn Văn xốc xếch đứng trên bến. Nga cho quá giang về Mút Cà Tha (mà không hiểu sao trong bụng muốn nhận chìm xuồng cho tụi này bỏ ý định ra cù lao cho rồi). Ngồi dưới xuồng, ba thằng trai cứ khen Nga đẹp, nhìn là muốn ở lại đất cù lao này hoài, hai đứa gái bĩu môi, tủm tỉm cười, nói bữa nay dê thả tùm lum ngoài đường. Nga không để ý, những lời nói ngọt ngào càng không để ý. Xuồng cập bến, Nga xăm xăm đi trước dẫn đường, tong tả xộc vào phòng sau của trạm xá, cằn nhằn cử nhử, sao anh Văn bày tùm lum như vầy (cho tụi kia biết, ta đây đã thân thuộc với anh ấy đến mức nào).
Văn từ nhà tắm vào, nước trên tóc còn rỏ tong tong. Năm người họ sà vô ôm, nhảy tưng tưng, nói tui nhớ ông em nhớ anh quá chừng. Văn ngợp thở vì cái mùi thành thị quen thuộc của nước hoa, của son, của phấn, của khói thuốc lá, của những hơi thở gấp, của sự chen chúc, xô đẩy nhau… Và những kỷ niệm ùa về, nhớ quán cà phê chỗ mình ngồi không, bây giờ đổi tên khác rồi. Văn sôi nổi hỏi, vậy con nhỏ phục vụ bốc lửa còn không. Còn, mà chi, tụi con gái ở Phố Xưa còn dữ dội hơn, nhớ bar đó không? Nhớ không, nhớ không… Đã vầy đã khác. Mà Hương của mầy có con rồi, mầy đã quên chưa. Không khí chùng xuống. Một đứa bạn cười, kín đáo liếc ra đằng sau, giọng xủng xoảng như ly chén bể, “Sao anh không chịu để em bù vô nhỏ Hương, ra đây trốn tình chi cho cực, em nhớ anh thấy mồ”. Đuôi mắt quét tận chỗ Nga, thấy con gái cù lao đứng thừ lừ. Nga nói thôi em về, luộc khoai đem qua anh Văn đãi bạn.
Nga qua khoảng sân đầy nước thì có ông con trai chạy theo, lăng xăng nói trời ơi mát khủng khiếp, yên tĩnh tuyệt vời quá, cảnh thiệt là thơ mộng rồi hỏi, ủa, sao không thấy em gái nói gì. Nói gì bây giờ, Nga đi lẹ lẹ đằng trước, nỗi sợ cuộn lên, mong manh, Văn dễ tin lắm, hôm trước con chồn chạy ngang Nga nói con mèo Văn cũng tin, Nga bảo cây cỏ trên cù lao này đều do chim ỉa mà mọc lên Văn tưởng thiệt, bây giờ người ta nói yêu này yêu nọ, không biết Văn của mình có tin không. Nó cố kìm để khỏi kêu lên, trời ơi, sao người ta nói chuyện yêu thương dễ ợt, giòn rụm vậy cà.
Bận quay lại trạm xá, Nga còn đi nhanh hơn, đầu nó có một mớ tro lá dừa đậu hồi thổi lửa. Anh chàng nọ rớt lại dọc đường. Bước vô cửa thấy ba bốn người nằm ngủ ngiêng ngủ ngửa, Nga nói ngay, “Ủa, anh kia chưa về hả, cha, ảnh ở đâu ta? Em hỏng có đi chung” (cho anh đừng suy diễn lung tung, rồi hiểu lầm lòng dạ em). Ngó bộ Văn không để ý, Nga nhẹ lòng, thở ra cái phù, hỏi, anh đang làm gì đó, Văn cười coi nắng cù lao. Trời, nắng có gì mà coi, anh?
Hôm ấy Văn không trả lời, hôm sau không kịp trả lời vì Văn đưa bạn ra về rồi không trở lại. Lặng lẽ, như trốn chạy. Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn. Văn không từ giã ông một lời, để nói cháu về vì má cháu đang đau, hoặc cháu ra ngoài trung tâm y tế huyện một tí, rồi lên xe đi luôn cũng được, dù nhìn vào đôi mắt đang cụp xuống kia, biết người ta nói dối, dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi.
Trong một thoáng, ông thấy mình chùng chình, vớ được khúc cây bình bát, ông chống vào đất. Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?