chào em, thầy đã rất nhiều lần giải thích với các em rằng: kiến thức đại cương là những kiến thức nền tảng mà từ đó các em có thể dùng để khảo sát với bất cứ nhóm nguyên tố hoặc hợp chất nào. Do đó, kiến thức đó liên quan tới tất cả nội dung học.
Ví dụ nếu các em nắm được các nguyên lý chung của phương pháp Trung bình hay các phương pháp Bảo toàn thì khi học bất cứ nhóm hợp chất nào, từ kim loại kiềm tới halogen, từ hiđrocacbon tới este, ... đều có thể làm bài tập được một cách dễ dàng mà không cần nhắc lại. Các em học về cấu hình electron, phản ứng oxh-kh, phản ứng trao đổi ion, liên kết hóa học ... là để áp dụng cho tất cả các nhóm nguyên tố từ IA tới VIIA, chứ không phải học để tới mỗi nhóm đó lại nhắc lại, dạy lại cách viết cấu hình electron. Cũng như vậy, nếu học được nguyên tắc chung về việc gọi tên các hợp chất hữu cơ thì khi học tới mỗi nhóm hợp chất không cần phải nhắc lại kiểu danh pháp của chúng nữa.
Cách học như vậy mới là học thực chất, sâu sắc và tới tận gốc rễ bản chất của vấn đề, nếu kiên trì theo đuổi thì việc học sẽ rất dễ dàng, đơn giản. Còn nếu cứ học kiến thức theo kiểu từng bài, từng bài trong SGK thì các em sẽ phải dành riêng lớp 12 này để học lại, ôn lại kiến thức của cả 3 năm cấp III đấy.
Kiến thức Hóa học có tính hệ thống rất cao và nếu biết hệ thống hóa, ta không chỉ thấy cái logic của vấn đề mà còn dễ dàng khắc sâu nó.
Trong quá trình dạy học và ra bài tập, thầy đã hết sức cân nhắc lựa chọn để thỏa mãn tối đa nhu cầu của tất cả các bạn học sinh. Giờ mới là đầu lớp 12 nhưng cũng có rất nhiều bạn đã học xong hết kiến thức của lớp 12 rồi nên cũng có 1 đôi chỗ (rất ít) thầy dùng các kiến thức đó để minh họa. Hơn nữa, đây là bài giảng để ôn thi ĐH, có thể bây giờ một số chi tiết nhỏ các em chưa học tới nhưng tới lúc thi các em vẫn cần lật lại để ôn tập, như thế mới có ý nghĩa.
Cùng 1 nội dung bài học nhưng dạy cho học sinh lớp 10 khác, cho học sinh lớp 12 khác. Ví dụ
- Khi viết cấu hình electron và sự phân bố trong các orbital, nếu là học sinh lớp 10 thì chưa cần biết ngay việc vận dụng vào giải thích các hiện tượng như: trạng thái kích thích và số oxh S+6, S+4, Cl+7, Cl+5, .... vì cuối lớp 10 mới học nhóm VIA và VIIA nhưng học sinh lớp 12 thì phải giải thích được.
- Khi học về sự biến thiên tuần hoàn các tính chất của các hợp chất trong Bảng hệ thống tuần hoàn, nếu là học sinh lớp 10 thì chưa cần biết HClO < HClO2 < HClO3 < HClO4 và HF<<HCl<HBr<HI về tính axit vì cuối lớp 10 mới học Halogen nhưng học sinh lớp 12 phải giải thích được.
- Khi học về nhóm IVA ở SGK lớp 11 chỉ dạy Cacbon - Silic nhưng nếu dạy cho lớp 12 thầy sẽ giới thiệu cả Sn và Pb. Rất nhiều bạn khi đi thi cứ ngỡ Sn và Pb là kim loại chuyển tiếp mà không biết rằng nó cùng nhóm với C và Si cũng chỉ vì không hệ thống hóa được kiến thức.
.........
có rất nhiều ví dụ kiểu như thế.
Cho nên, theo thầy thì các em cứ yên tâm theo học và nắm bắt kỹ các nội dung mà thầy truyền đạt.
Nếu có nhiều bài tập mà em chưa làm được thì hãy nghiêm túc và nghiêm khắc với bản thân để nghĩ ra cách làm bài tập đó thay vì lên đây than vãn. Để xây dựng 1 khóa học cho các em là hết sức kỳ công. Các em cứ nhìn vào số lượng và chất lượng các bài tập mà thầy đưa lên là biết, chỉ riêng việc soạn thảo (gõ ra) thôi đã mất cả ngày trời.
Khi đi thi, các em chỉ có 2 lựa chọn: làm được hay không làm được chứ không kêu ca được với ai đâu. Có một số bạn kêu ca phàn nàn rất nhiều về khóa học của thầy mà thầy chưa nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực nào của bạn hết.
Học như vậy thì làm sao mà hiệu quả?