Mắt hột là gì ? Bệnh mắt hột là tình trạng viêm kết mạc - giác mạc mãn tính, tiến triển thành dịch, lây lan, đặc điểm là hình thành những hột, và những tổn thương sẹo điển hình ở mắt (hình 1 mắt bị mắt hột).
Nguyên nhân gây ra bệnh mắt hột
Mắt hột bị gây ra do vi sinh vật tên là CHLAMYDIA TRACHOMATIS (Từ TRACHOMA do gốc từ HYLẠP nghĩa là sù sì và sưng phồng)
Hình thức lây lan: Như tôi đã nói ở phần trên, tình trạng vệ sinh kém là yếu tố cơ bản của sự sinh bệnh, lan truyền và mức độ nặng nhẹ của bệnh mắt hột. Mắt hột có ở khắp mọi nơi trên thế giới đặc biệt ở những nước nghèo, kém phát triển. Bệnh lây truyền chủ yếu do:
- Tay bẩn, nước bẩn
- Dùng chung khăn mặt, thau rửa mặt
- Tắm ao hồ, sử dụng nước ao hồ trong sinh hoạt
- Hoặc do ruồi nhặng đậu từ mắt người này qua mắt người kia.
Các triệu chứng của bệnh mắt hột
Biểu hiện bệnh của mắt hột rất đa dạng, đa hình, có thể từ rất nhẹ, không có triệu chứng gì cả đến những trường hợp bệnh nặng nề, kéo dài dai dẳng, nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến mù lòa. Thông thường khi bị bệnh mắt hột bệnh nhân sẽ có những triệu chứng sau đây:
- Xốn mắt, vướng mắt như có hạt bụi trong mắt
- Ngứa mắt
- Hay mỏi mắt, thường về chiều.
Để phòng ngừa chúng ta cần lưu ý các vấn đề sau đây:
1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho mắt bằng các biện pháp:
- Rửa mặt bằng khăn mặt riêng sạch, nước rửa sạch.
- Giữ tay sạch, không dụi bẩn lên mắt, nhất là các em nhỏ
- Không tắm ao hồ, tránh để nước bẩn bắn vào mắt.
- Đi đường gió bụi nên đeo kính mát, về nhà nên rửa mặt sạch sẽ
- Tiêu diệt ruồi nhặng là trung gian truyền bệnh
2. Đến khám bác sĩ ngay khi có những triệu chứng khó chịu ở mắt.
3. Kiên trì điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
[Theo BS.Nguyễn Vĩnh Phước]