Đọc sách trực tuyến: Quốc văn giáo khoa thư (Nguồn: e-thuvien.com)

Status
Không mở trả lời sau này.
H

hiensau99

CHÙA LÀNG TÔI​



Chùa làng tôi lợp bằng ngói, đàng trước có sân, bên cạnh có ao, xung quanh có vườn. Ở trước sân có tam quan, trên là gác chuông, dưới là cửa để ra vào. Trong chùa, trên bệ cao, thì có nhiều tượng Phật bằng gỗ, sơn son thiếp vàng. Sau chùa thì có nhà tổ và chỗ các sư ở. Hai bên thì là nhà khách. Ngoài sân chùa thì có bia đá, ghi công đức những người đã có công với nhà chùa. Ngoài vườn có vài ngọn tháp, là nơi những vị sư đã tịch ở đấy.

Ngày rằm, mồng một, cứ đến tối, tôi thường theo bà tôi lên chùa lễ. Sư cụ tụng kinh, gõ mõ, ngồi ở trên; bà tôi và các già ngồi ở dưới, vừa lễ vừa nam mô Phật.

Trên bàn thờ thì đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút, trông thật nghiêm trang.


Giải nghĩa. - Tam quan = cửa chính của nhà chùa, có ba cửa ra vào. - Nhà tổ = nhà thờ những vị sư đã tu ở chùa đã tịch rồi.

nến = sáp.


Nhà sư gõ mõ tụng kinh

 
H

hiensau99

CƠN MƯA​



Trời đương nóng nực, lá cây ngọn cỏ im phăng phắc, bỗng có cơn gió mát thổi. Ngẩng lên trông thấy về phía đông nam mây kéo đen nghịt một góc trời. Ai cũng bảo rằng sắp có trận mưa to.

Ngoài đường cái kẻ đi người lại, người nào cũng bước rảo cẳng (lanh chân) để chóng về đến nhà, hay tìm chỗ trú (núp) cho khỏi ướt.

Ở trong nhà thì tiếng gọi nhau ơi ới chạy mưa. Nào là quần áo, chiếu chăn, thóc lúa, rơm rạ, phải chạy cho mau.

Đâu đâu cũng có tiếng động xôn xao, khác thường.

Duy chỉ có ở ngoài đồng, anh đi cày, chị đi cấy, là cứ điềm nhiên làm việc, vì họ đã phòng bị đủ cả nón và áo tơi rồi.


Giải nghĩa. - Đen nghịt = đen khắp cả, không hở chỗ nào. - Chỗ trú = chỗ nghỉ, chỗ tránh mưa. - Bước rảo cẳng = bước rảo cho nhanh. Có nơi gọi là săn chân. - Chạy = đây là cất đồ vào nhà.

Ngẩng = ngước. - trông = coi. - chăn = mền.


Mây kéo đen nghịt một góc trời​




GIÓ​



Không khí trên mặt đất chuyển động luôn, không lúc nào đứng yên. Không khí chuyển động là vì nóng lạnh khác nhau. Không khí nóng thì nhe, lạnh thì nặng. Nhẹ thì bốc lên, nặng thì chìm xuống. Bởi thế cho nên chỗ nào không khí nóng bốc lên, thì không khí lạnh đổ xô lại, để bù vào chỗ khuyết.

Cũng như trong nhà đốt lửa thì hơi nóng theo ông khói mà bay lên, hơi lạnh ở ngòai theo khe cửa mà luồn vào.

Ở trên mặt địa cầu cũng vậy, không khí chỗ nóng bốc lên ở chỗ lạnh chạy lại. Không khí chuyển động như thế tức là gió.


Giải nghĩa. - Không khí = khí trời ở trên không. - Chuyển động = chạy đi chạy lại luôn, không đứng yên. - Địa cầu = trái đất.


Cây muốn lặng, gió chẳng đừng​
 
H

hiensau99

ÔNG NGUYỄN KIM​



Khi nhà Mạc cướp ngôi vua rồi, thì ông Nguyễn Kim là người trung thành với nhà Lê, chạy trốn sang Lào. Người Lào giúp ông lương và tiền để ông đánh nhà Mạc phò nhà Lê. Ông lập ông hoàng tử Ninh là dòng dõi nhà Lê lên làm vua, rồi chiêu tập những người còn có bụng giúp nhà Lê.

Lúc ông đã đủ quân lính lương thực rồi, ông bèn về nước, đánh lấy đất Thanh Hóa, Nghệ An, rước vua Lê về, rồi lập một triều đình ở phía Nam. Năm sau ông đem quân ra Bắc đánh nhà Mạc, nhưng đến nửa đường thì bị một người hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết.

Ông Nguyễn Kim thực là một người có công khôi phục lại nhà Lê.

Đền thờ ông nay ở Triệu Tường trong Thanh Hóa.


Giải nghĩa. - Trung thành = có bụng chỉ thờ một người hay một họ đã cho mình ăn lộc. - Chiêu tập = họp lại làm một đảng. - Khôi phục = đánh lấy lại nước, lại quyền.


Ông Nguyễn Kim là một bầy tôi trung​




ÔNG TỔ SÁNG NGHIỆP RA NHÀ NGUYỄN:
ÔNG NGUYỄN HOÀNG​



Ông Nguyễn Hoàng là con thứ hai ông Nguyễn Kim, làm trấn thủ đất Thuận Hóa.

Lúc ông đến nhậm chức, dân ở đó mang dưng ông bảy chum nước. Ông lấy làm lạ; người cậu bảo ông rằng: "Thế là lòng trời bảo cho mày biết đó: đây là điềm tướng công mở nước sau này đây!" Vì chữ "nước" vừa có nghĩa là "nước uống" vừa có nghĩa là "đất nước".

Về trấn Thuận Hóa rồi, ông bèn ra công làm cho trong hạt được yên ổn, lập đồn canh giữ, khai khẩn đất hoang, chọn dùng những người tài giỏi, hết sức làm cho dân sự mến phục. Ông thực là người gây dựng ra cơ nghiệp nhà Nguyễn ngày nay.


Giải nghĩa. - Trấn = tên đặt cho những tỉnh lớn về đầu nhà Nguyễn. - Trấn thủ = quan cai trị một trấn. - Nhậm chức = bắt đầu nhận công việc làm quan.


Lòng trời tựa ông Nguyễn Hoàng​
 
H

hiensau99

TRANG SỨC​



Cô Năm chẳng học hành gì, chẳng may vá gì. Cả ngày chỉ cái gương, cái lược, chải chuốt, vuốt ve, sắm sửa trong mình cho đẹp. bà mẹ thấy vậy, một hôm mắng rằng: "Mày tường chỉ có môi son, má phấn, áo quần là lượt mới là đẹp thôi ư? Không, con ơi! Người ta đẹp không cốt gì ở cái trang sức bề ngoài. Chỉ có người làm ăn chăm chỉ nết na tử tế mới thật là đẹp mà thôi. Mày học hành khá, khâu vá giỏi, xếp đặt mọi việc trong nhà cho có ngăn nắp, ấy là cái đẹp của mày ở đấy, con ạ."


Giải nghĩa. - Trang sức = quần áo, phấn sáp cho đẹp. - Nết na = tính tốt.


Tốt gỗ hơn tốt nước sơn​




ĂN MẶC PHẢI GIỮ GÌN​



Cùng một ngày, bà mẹ may cho anh Giáp và anh Ất, mỗi người một cái áo lương. Thế mà chưa được bao lâu, áo của anh Ất đã sờn rách năm bảy chỗ, còn áo của anh Giáp vẫn nguyên lành như mới. Tại sao vậy? Tại anh Ất có áo mà không biết giữ; lúc mặc thì lê la giày vò; lúc cổi ra thì bạ đâu quăng đấy. Trách sao áo không chóng rách được! Còn áo của anh Giáp thì vẫn nguyên lành, là vì khi nào mặc thì anh giữ gìn sạch sẽ, và khi nào cổi ra, thì anh chịu treo, chịu gấp cẩn thận.

Các anh nên bắt chước anh Giáp mà ăn mặc để cho khỏi tổn hại cha mẹ, lại tập được cái tính tốt không đuềnh đoàng (lài xài).


Giải nghĩa. - Lương = có khi gọi là the, một thứ dệt bằng tơ và hay nhuộm thâm. - Sờn = sợi đã bợt ra, sắp rách. - Lê la = bạ đâu cũng sà xuống, không giữ gìn. - Đuềnh đoàng = lười trễ không giữ gìn cẩn thận.

chóng = mau. - đuềnh đoàng = tầm phào.


Ăn mặc phải giữ gìn cẩn thận.​
 
H

hiensau99

MỘT CÁI THƯ​



Tôi viết thư cho anh tôi ở Hải-dương. Tôi lấy một tờ giấy trắng, trên đầu dòng, tôi đề ngày tháng, dưới tôi kể những tin thức ở nhà cho anh tôi biết. Sau tôi chúc cho anh tôi mọi sự bình yên, rồi tôi gấp lại, bỏ vào phong bì trên dán cái tem sáu xu. Xong tôi sai người nhà đem thư ra bỏ vào thùng nhà dây thép cạnh ga. thế là cái thư của tôi chỉ độ chiều mai là xuống tới Hải-dương, có người đem lại tận nhà cho anh tôi. Nghĩ mất có sáu xu mà được việc như thế, thật cũng là tiện lợi.


Giải nghĩa. - Tem = cái dấu in sẵn, phải mua, dán vào thư thì mới gửi được. - Nhà dây thép = nhà gửi các thư từ giấy má. - Ga = nhà xe lửa đỗ.

gấp = xếp. - phong bì = bao thơ.


Nhà giây thép giúp ta được nhiều viêc​




THƯ GỬI MỪNG THẦY HỌC​



Ngày.......... tháng..... năm.....

Thưa thầy,

Năm mới, con ở nhà được chúc mừng cha mẹ con. Con tiếc không được gần thầy để chúc mừng thầy.

Con còn bé dại, chưa biết viết thư thế nào cho hay. Con chỉ biết chúc thầy được mạnh khỏe, sống lâu, cũng như con đã chúc cho cha mẹ con vậy. Nhân dịp (nhịp) con lại xin hứa cùng thầy rằng: năm nay con hết sức học hành và không bao giờ dám quên công phu khó nhọc thầy dạy dỗ chúng con.

Học trò kính lạy:

Nguyễn văn........


Giải nghĩa. - Mừng tuổi = mừng ai được thêm một tuổi ngày mồng một đầu năm. - Hứa = nhận làm một việc hay nhận cho cái gì.


Mừng tuổi nhau năm mới​
 
H

hiensau99

LŨY ĐỒNG HỚI​


LuyThay.gif

Lũy Đồng Hới là cái lũy chúa Nguyễn đắp lên để giữ bờ cõi cho quân Trịnh ở ngoài Bắc khỏi tràn vào. Lũy ấy bắt đầu từ cửa sông Nhựt Lệ đến chân núi Đầu-mâu, cao gần 6 thước tây, dài 12 ki-lô-mét. Lũy đắp bằng đất, ngoài cắm đà bằng gỗ lim, trong có đường cho voi ngựa đi lại. Lũy ấy kiên cố lắm, thường quân Bắc vào đến đó là không tiến lên được nữa.

Lũy ấy tục gọi là lũy Thầy, vì người đời bấy giờ thường gọi ông Đào Duy Từ là "thầy", mà ông Đào Duy Từ là người vẽ kiểu và trông nom việc đắp cái lũy ấy.


Giải nghĩa. - Bờ cõi = chỗ hai nước giáp nhau. - Đà = ván gỗ cắm xuống đất mà áp sát vào mặt lũy. - Kiên cố = bền chặt, không ai phá được.


Lũy để giữ bờ cõi​




CHIM SƠN CA (CHUYỆN CHUYỆN)​


ChimSonCa.gif

Chim sơn ca là một thứ chim ở ngoài đồng, mình và lông gần giống như chim sẻ, nhưng mỏ dài và chân nhỏ hơn.

Chim sơn ca là giống chim hay hót, nhất là về mùa xuân. Thường thường nó vừa bay, vừa hót, càng bay cao, giọng càng véo von. Tiếng hót to, có khi nó bay thật cao, trông không thấy, mà vẫn nghe tiếng hót. Khi không bay thì đậu ở dưới đất chứ không đậu trên cành cây mà những lúc đậu ở dưới dưới đất, thì không hót bao giờ.

Người ta thường nuôi chim sơn ca để nghe nó hót; song nuôi nó thì công phu lắm, và phải bắt từ khi mới nở thì mới nuôi được.


Giải nghĩa. - Véo von = cao giọng mà nghe hay. - Đậu = đứng một chỗ, nói về loài chim.


Chim sơn ca hay hót về mùa xuân​
 
H

hiensau99

CON CHUỘT​




Con chuột, mình nhỏ, mõm nhọn, mắt to, tai rộng, đuôi dài mà thót (nhọn). Lông nó ngắn và mềm. Chuột ở đâu cũng có, trong nhà, ngòai đồng, vườn tược, rừng rú. Chuột to ở dưới cống gọi là chuột cống, chuột nhỏ ở trong nhà gọi là chuột nhắt (lắt); chuột ở ngoài đồng gọi là chuột đồng. Nó ăn quả, ăn hột, ăn củ, ăn cây, cắn giấy, cắn vải, cắn gỗ, cắn da, cái gì nó cũng gậm được. Răng chuột cứng và sắc, nên nó khoét được cả tủ và rương. Lúc đói, nó cắn cả quần áo của ta nữa. Giống chuột chỉ làm hại ta và lại nguy hiểm cho ta nữa, vì nó có thể đem bịnh dịch hạch mà truyền đi mọi nơi.


Giải nghĩa. - Thót = dài mà đàng cuối cứ nhỏ dần mãi. - Gậm = cắn bằng răng cửa. - Rương = hòm để đựng đồ.

To = lớn.


Chuột chẳng được ích lợi gì cho ta cả​




Ở SẠCH THÌ KHÔNG ĐAU MẮT​



Một hôm cậu thằng Bính đến chơi, đang ngồi nó chuyện thì thắng Bính chạy ra nghịch đất, rồi lấy tay giụi vào mắt. bà mẹ trông thấy mắng rằng: "Tay mày bẩn thế mà giụi (chụi) vào mắt. Mày lại muốn mù như thằng Phác hay sao? Đi rửa ngay đi!" Bính nghe lời mẹ, vội vàng đi múc nước rửa.

Bà mẹ lại nói: "Trẻ con ta nhiều đứa đau mắt cũng chỉ vì dơ bẩn (nhớp nhúa) thế mà thôi". Ông cậu nói: "Phải bịnh đau mắt nước ta nhiều thật, nhưng nghe nói rằng từ khi Nhà nước đặt ra cuộc y tế, các thầy thuốc tây đi chữa đã bớt được nhiều". Bà mẹ nói: "Thế là may lắm, chứ người ta còn có gì khổ bằng hư hai con mắt".


Giải nghĩa. - Giụi = lấy tay cọ vào mắt. Y tế = cuộc chữa thuốc giúp người bịnh tật.

bẩn = dơ.


Ở sạch thì không hay đau mắt​
 
H

hiensau99

LÝ TRƯỞNG LÀNG TA​



trưởng là người của dân cử ra làm việc làng. Trong làng có việc gì ra đến Công sở, thì lý trưởng đi thay mặt dân. Công chức cao cấp có lệnh gì truyền về làng, cũng trách cứ ở lý trưởng. Hương hội có quyết định việc gì, thì lý trưởng phải thi hành. Nhưng công việc hệ trọng nhất của lý trưởng là việc sưu thế. vì bao nhiêu tiền thuế đinh, thuế điền, cùng một tay lý trưởng thu để đem nộp quan cả. Xem thế thì công việc lý trưởng nặng nhọc lắm.


Giải nghĩa. - Thuế đinh = thuế người. - Thuế điền = thuế ruộng.

= xã.


Lý trưởng là người của làng cử ra​




GIẶC KHÁCH Ở BẮC VIỆT​



Về đời vua Tự Đức, có những bọn giặc khách gọi là Cờ đen và Cờ vàng tràn sang Bắc Việt ta, đi đến đâu phá hoại dân sự, đốt cháy làng mạc, bắt hiếp đàn bà con gái đến đấy. Chúng tàn phá đến nỗi ngày nay, nói đến chúng mà dân sự vẫn còn khiếp sơ. Lại thêm quân trộm cướp bất lương trong nước nhập đảng với chúng nữa. Đang khi ấy thì có những "giặc tầu ô" quấy nhiễu ngoài ven biển xứ Bắc Việt và tàn phá những làng mạc vùng đó.

Mãi đến lúc nước Pháp đặt cuộc bảo hộ, cho quân lính đi dẹp, giặc mới tan mà trong nước trước bị loạn lạc mãi bấy giờ mới được yên.


Giải nghĩa. - Bắt hiếp = bắt đem đi mà làm cho khổ sở. - Bất lương = có tính hung ác. - Nhập đảng = theo làm một bọn. - Dẹp = đánh đuổi cho đến cùng.


Giặc khách tàn phá các làng​
 
H

hiensau99

ĐI CÂU​



Những ngày nghỉ học, thỉnh thoảng tôi lại theo anh tôi đi câu cá. Anh tôi vác cần đi trước, tôi cầm mồi và xách giỏ theo sau. Chúng tôi thường hay câu ở các bờ ao, những nới có bóng mát. Khi móc mồi rồi, thả xuống ao, phao nổi lềnh bềnh. Lúc nào thấy phao động đậy ấy là cá cắn. Hễ phao chìm xuống, là anh tôi giật. Mà giật được con nào, tôi bỏ ngay vào giỏ. Anh tôi câu như thế, thường hay được cá rô, cá giếc, cá trê, cá chép, bận nào cũng được ít nhiều, có khi ăn đến hai bữa không hết.


Giải nghĩa. - Câu = bắt cá bằng cần câu. - Phao = ống lông ngỗng hay miếng gỗ bộp, buộc vào chỉ câu để nổi trên mặt nước.


Tôi theo anh tôi đi câu.​




NGƯỜI ĐI CẤY
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng.


Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề:
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng, đá mềm,
Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng.​


Đại ý. Bài này nói người làm ruộng quanh năm ngày tháng cứ phải lo lắng luôn, vì có được mưa thuận, gió hòa thì mới được mùa và mới có đủ ăn, và mong thiên hạ được thái bình.


Giải nghĩa. - Trông = mong mỏi, ao ước. - Chân cứng, đá mềm = tục ngữ, ý nói được khỏe mạnh để làm công việc. - Yên tấm lòng = khỏi phải lo sợ.


Có cày, có cấy mới có thóc gạo mà ăn​
 
H

hiensau99

VUA GIA LONG​



Vua Gia Long, húy là Nguyễn Phúc Ánh, là cháu ông chúa cuối cùng nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn giết, ngài mới họp thủ hạ lại, vào đánh lấy đất Nam Việt.

Nhưng sau nhà Tây Sơn mang quân vào đánh, ngài bị thua. Ngài phải trốn sang Xiêm, rồi sai con là hoàng tử Cảnh đi với ông Bá đa Lộc sang Pháp cầu cứu.

Sau ngài lại trở về Nam Việt, đánh lấy được thành Sài-gòn. Được ít lâu thì có tàu chiến, quân, tướng và binh khí bên Pháp sang giúp. Ngài bèn tiến ra Bắc, đánh lấy thành Qui Nhơn, Huế và Hà Nội. Ngài thu phục được cả giang sơn nước Việt Nam, mới lên ngôi hoàng đế mà lập ra cơ nghiệp nhà Nguyễn.


Giải nghĩa. - Húy = tên tục, cha mẹ đặt ra để gọi mình. - Thủ hạ = người theo về với người khác, thuộc quyền người ta sai bảo. - Thu phục = lại lấy lại.


Vua Gia Long sáng nghiệp ra nhà Nguyễn​




CÁC LĂNG TẨM Ở HUẾ​



Cách kinh thành Huế một ít, ở trên bờ sông Hương có những lăng tẩm của vua nhà Nguyễn.

Muốn vào đấy thì phải đi qua những con đường rộng hai bên giồng (trồng) cây to, những cái sân rất rộng hai bên có tượng đá tạc hình các quan văn, võ, voi, ngựa, đứng chầu, rồi trèo lên những bậc thềm đá hai bên có rồng chạy, những đợt bệ cao bày những cái thống lớn; lại đi qua những cái cửa bằng đồng, những cái cầu bắc qua hồ, ao, dưới thả sen. Cứ thế mà đi, thì trước đến chỗ bi đình, trong dựng bia kể sự nghiệp vua, rồi đến điện thờ ngài, rồi sau mới đến mộ có cây cối um tùm, không biết quan quách chôn ở nơi nào cả.


Giải nghĩa. - Lăng tẩm = mộ vua, xây rất đẹp đẽ. - Bi đình = nhà, trong có dựng bia. - Um tùm = xanh tốt, rậm rạp.


Lăng tẩm ở trong Huế​
 
H

hiensau99

RAU MUỐNG​



Rau muống mọc ở các ao hồ là một thứ rau ta rất hay ăn. Người ta thường hái và bó nhiều ngọc với nhau, thành từng mớ, các ngọn rau có lá, người ta nhặt những lá sâu, lá úa và bỏ những cuống (cọng) già đi, rồi đem luộc, hoặc xào, hoặc nấu canh. Xào, thì phải có mỡ và thường cho thêm tỏi. Nấu canh, thì thường nấu với tương hoặc nấu với cua đồng, tôm he hay sườn lợn. Rau muống luộc mà chấm với tương ăn cũng ngon còn nước luộc rau thì đem chan vào cơm mà ăn với cá, cũng thú vị.


Giải nghĩa. - Lá sâu = những lá sâu bọ đã cắn dở. - Lá úa = những lá vàng, không tươi tốt. - Tôm he = tôm bể.

nhặt = lặt. - lợn = heo.


Còn ao rau muống, còn đầy chum tương



BẮP NGÔ



Ngoài bắp có mấy lá mỏng bao bọc, trên đầu có ít sợi, gọi là râu ngô. Bóc (lột) hết lá ra, thì thấy các hột ngô xếp liền nhau, đều từng hàng. Khi lẩy (lặt) hột đi, thì thấy cái lõi (cùi). Ngô để cả bắp, thì người ta luộc, hoặc nướng mà ăn. Bắp nào càng non bao nhiêu, thì ăn càng ngon ngọt bấy nhiêu. Ngô thật già, thì người ta lẩy hột ra, phơi khô để dành. Rồi rang bỏng, gọi là bỏng ngô, hoặc bung dừ (nhừ), gọi là ngô bung, ăn cũng ngon. Có khi người ta nấu lẫn với cơm mà ăn.


Giải nghĩa. - Lấy = tỉa hột ở bắp ra. - Rang bỏng = bỏ hột ngô vào chảo hay nồi rang, rồi đun cho nó nổ và nở ra. - Bung = nấu cho dừ.

ngô = bắp. - bỏng ngô = bắp rang. - ngô bung = bắp nấu.


Ngô nấu lẫn với cơm ăn cũng được



GỪNG VÀ RIỀNG



Củ gừng thường có lắm nhánh, nhưng nhiều khi nó vặn vẹo, sù sì, không ra hình rạng gì cả. Nhấm nó vào lưỡi, thì thấy cay, nên người ta hay nói: "cay như gừng". Thế mà gừng nấu với đường, làm thành mứt, ăn cũng ngon. Gừng lại dùng làm đồ gia vị và làm thuốc nữa. Khi đau bụng mà ăn một miếng gừng nướng, thì thấy nóng bụng và đỡ ngay.

Riềng cũng thuộc về một giống với gừng, nhưng củ nó đỏ và vị nó thì hắc. Riềng thường dùng để kho cá, nấu giả cầy và làm đồ gia vị cũng được.


Giải nghĩa. - Nhánh = chồi mọc ở củ cải ra. - Vặn vẹo = cong queo, không thẳng. - Mứt = một thứ thẳng với đường để ăn. - Gia vị = thêm vị, như: cay, chua, ngọt, chát, v.v... - Hắc = mùi xông lên mũi. - Giả cầy = giả làm thịt chó.


Gừng thì cay, riềng thì hắc​
 
H

hiensau99

NGƯỜI TA CẦN PHẢI VẬN ĐỘNG​



Người Ngô Phổ hỏi ông Hoa Đà cái cách giữ vệ sinh thế nào, ông Hoa Đà nói rằng: "Người ta phải làm lụng vận động luôn, thì ăn uống mới dễ tiêu hóa, huyết mạch mới dễ lưu thông và bịnh tật không sinh ra được. Cái chìa khóa ma không gỉ, là vì dùng đến luôn. Nước giữa dòng mà không dơ bẩn, là vì chảy luôn. Người ta cũng vậy, có vận động thì mới khỏe mạnh."

Người Ngô Phổ theo lời dạy ấy. Quả nhiên, mỗi ngày một khỏe ra, và sống được ngoại chín mươi tuổi.


Giải nghĩa. - Hoa Đà = một người chữa thuốc giỏi đời cổ. - Huyết mạch lưu thông = nói máy luôn trong mạch máu. - Nước giữa dòng = nước ở giữa dòng sông.


Có vận động thì huyết mạch mới lưu thông​




NHÀ Ở PHẢI SẠCH SẼ VÀ CÓ NGĂN NẮP​



Độ nọ tôi có vào chơi nhà anh Thanh, mà tôi cứ nhớ mãi đến bây giờ. Nhà anh ta chẳng lấy gì làm giàu có lịch sự, nhà gianh (tranh), vách đất, nhưng thật là sạch từ cổng sạch vào.

Trong nhà bày ít đồ đạc, chỉ những đồ gỗ tre xuyềnh xoàng thôi, nhưng cái nào cái nấy, xếp đặt có hàng lô phân minh ngăn nắp chỉnh tề. Kể từ bức tranh dán trên vách, cho đến cái khóm hoa, giàn lý trước cửa, cái gì cũng có ý nhị cả, ai ngó thấy cũng phải ưa.

Ấy thế mới biết người ta không kỳ giàu nghèo, hễ ai biết xếp đặt cho có ngăn nắp, và biết giữ gìn cho được sạch sẽ, thì dẫu ở đâu cũng vui cũng đẹp.


Giải nghĩa. - Xuyền xoàng = không có cái gì là trang hoàng lịch sự. - Ngăn nắp = có trật tự, đâu ra đấy. - Ý nhị = có vẻ đẹp con mắt và có thú vị.


Nhà ở phải giữ sạch sẽ và có ngăn nắp​
 
H

hiensau99

CHUYỆN ÔNG TỬ LỘ​



Ông Tử Lộ, xưa nhà nghèo, phải đi đội gạo để lấy tiền nuôi cha mẹ. Vậy mà lúc nào ông cũng lấy làm vui vẻ trong lòng, vì có thế thì con mới tỏ hết lòng hiếu với cha mẹ.

Về sau, ông chịu khó học tập, thành người có danh vọng, khi được đi làm quan, thì cha mẹ đã khuất núi cả. Nên tuy là sang trọng giàu có, mà lúc nào ông cũng có ý buồn rầu nghĩa ngợi. Ông thường phàn nàn, tiếc rằng không con cha mẹ, để lại đội gạo, lấy tiền nuôi nấng như khi xưa.

Ông Tử Lộ là một bậc hiền triết thuở xưa, ăn ở với cha mẹ được hiếu thảo như thế, ta há chẳng nên trông đó mà bắt chước hay sao! Lúc cha mẹ còn, ta phải dốc lòng thờ phụng cho hết đạo làm con.


Giải nghĩa. - Khuất núi = mất rồi. - Hiền triết = người đức hạnh tốt và học vấn rộng.


Con phải hết lòng thờ phụng cha mẹ​




ÔNG PHAN THANH GIẢN​



Ông Phan Thanh Giản làm Kinh lược sứ ba tỉnh phía tây trong Nam Việt. Khi chánh phủ Pháp đánh lấy ba tỉnh ấy, ông biết rằng chống với nước Pháp không được nào, mới truyền đem thành trì ra nộp. Nhưng ông muốn tỏ lòng trung với vua và tự trị tội mình không giữ nổi tỉnh thành cho nước, ông bèn uống thuốc độc tự tử.

Chánh phủ Pháp thấy ông là một bậc vĩ nhân mà chết như thế, lấy làm cảm phục lắm, mới làm ma cho ông rất trọng thể, cho một chiếc tàu chiến đem linh cữu ông về quê ông, lúc chôn có lính tây làm lễ chào.


Giải nghĩa. - Kinh lược sứ = quan đại thần vua cho rộng quyền cai trị một hạt. - Tự tử = tự mình giết mình.


Người Pháp làm ma cho ông Giản rất trọng thể​
 
H

hiensau99

NƯỚC CÓ TRỊ THÌ DÂN MỚI AN​



Nước ta thuở xưa thường hay loạn lạc. Những quân gian phi nhân dịp quấy nhiễu, cướp phá mọi nơi, bắt người lấy của, đốt cửa đốt nhà, tàn hại lương dân. Bây giờ không thế nữa, đâu đấy được yên ổn, ai nấy đều vui lòng mà làm nghề nghiệp mình. Được như thế, là nhờ pháp luật nghiêm minh định việc quan phòng cẩn mật.

Đâu đâu cũng vậy, trong nước có yên trị thì nhân dân mới được yên nghiệp mà làm ăn và mới phú cường được.


Giải nghĩa. - Nghiêm minh = nghiêm là nghiêm ngặt, không dung túng; minh là rõ ràng, công bình. - Quan phòng = canh giữ. - Yên trị = được yên ổn, thái bình.


Nước có trị thì dân mới an​




PHẢI TUÂN THEO PHÁP LUẬT​



Có pháp luật, thì trong nước mới được bình yên, nhân dân mới được vui vẻ mà làm ăn. Pháp luật đặt ra là vì lợi ích chung cả mọi người, nếu không có pháp luật thì không thành xã hội được.

Nhờ có đặt ra pháp luật, đem pháp luật mà thi hành, phân xử mọi việc, trừng trị những kẻ gian phi, trộm cướp, thì tính mệnh ta, của cải ta, danh giá ta, mới không sợ ai xâm phạm đến. Nhờ có pháp luật thì việc cày cấy, việc buôn bán, và các nghề nghiệp mới được thịnh vượng, học hành mới được mở mang, đường xá mới được tốt đẹp; nói rút lại, mọi người mới được yên nghiệp làm ăn.

Vậy dân trong nước, ai ai cũng phải tuân theo pháp luật.


Giải nghĩa. - Xã hội = người ở quần tụ với nhau, cùng theo một lệ luật. - Thi hành = đem ra bắt phải thep. - Tính mệnh = đời người.


Pháp luật che chở cho cả mọi người,
vậy ai cũng phải tuân theo​
 
H

hiensau99

ANH EM PHẢI HÒA THUẬN​



Nhà kia có hai anh em hay ganh tị, thường cãi nhau luôn. Người cha thấy thế, mới bảo rằng: "Các con nghe câu chuyện này: Một hôm tay trái thấy tay phải việc gì cũng tranh lấy mà làm. mới đem lòng ganh tị và sinh sự cãi nhau. Hễ tay phải cầm cái gì, là tay trái giựt lại. Rồi hai tay đánh đập nhau, đến nỗi cùng bị đau cả. Lúc ấy, đầu mới bảo hai tay rằng: "Chúng bay là anh em chung một máu mủ, chúng bay không biết rằng đứa nọ làm đau đứa kia, tức là làm đau cả mình ư? Và khi anh em đánh nhau như vậy, thì mất cả công việc, còn làm ăn gì được? Chúng bay không nên đánh đâp nhau, phải hòa thuận với nhau."

Các con ơi, các con cũng như hai bàn tay trong chuyện này. Các con phải biết nhường nhịn nhau và thương yêu nhau mới được."


Giải nghĩa. - Sinh sự = bày chuyện để gây mối cãi nhau, đánh nhau. - Hòa thuận = hòa là êm đềm; thuận là nhường nhịn.


Anh em như thể chân tay​




ÔNG GIÀ VỚI BỐN NGƯỜI CON​



Một ông lão làm ruộng có bốn người con trai. Một hôm, ông gọi cả bốn người lại trước một cái bàn, trên để một bó đũa và một túi bạc. Ông bảo rằng: "Hễ đứa nào bẻ gãy được bó đũa này, thì ta cho túi bạc."

Bốn người con, mỗi người thử một lượt, không ai bẻ được. Ông già bèn cởi bó đũa ra, bẻ từng chiếc một, thì bẻ gãy như chơi. Các con nói rằng: "Nếu bẻ cái một thì chẳng khó gì."

Người cha bảo: "Này các con, như thế thì các con biết rằng: muốn có sức mạnh thì phải hợp quần. Khi ta chết rồi, thì các con phải nhớ đến chuyện bó đũa này. Các con phải thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau, thì mới đủ thế lực mà đối với người ngoài".


Giải nghĩa. - Bẻ = lấy tay uốn cho gẫy. - Hợp quần = nhiều người xum họp với nhau.


Muốn có sức mạnh, thì phải hợp quần​
 
H

hiensau99

CÁC CÁCH ĐI THỦY ĐI BỘ​



Đời bây giờ, người ta đi lại thật lắm cách. Chẳng những đi chân, đi cáng, đi ngựa, như xưa thôi, lại còn đi xe tay, xe ngựa, xe đạp, xe hơi, xe điện. xe lửa. Ấy là các cách đi bộ. Còn đi thủy, thì chẳng những thuyền chèo, thuyền buồm, bè mảng mà thôi, người ta lại còn đi tàu thủy, chạy bằng hơi bằng máy, rất mau nữa.

Ấy đường bộ, đường thủy, đã có lắm cách tài giỏi và mau chóng như thế, mà người ta còn cho là thường. Nên người ta lại chế ra thứ máy bay, bay bổng trên trời như chim; tàu lặn, lặn ngầm dưới nước như cá.


Giải nghĩa. - Cáng = thứ võng có mui che ở trên. - Đường bộ = lối đi trên mặt đất. - Đường thủy = lối đi trên mặt nước.

thuyền = ghe.


Đi một ngày đàng, học một sàng khôn​




CUỘC DẪN THỦY NHẬP ĐIỀN​



Muốn cấy lúa thì phải đem nước ở sông lạch chung quanh vào ruộng cho được; như thế thì phải làm những cuộc gọi là cuộc dẫn thủy nhập điền.

Từ ngày nước Pháp sang bảo hộ bên ta, đã làm nhiều những cuộc ấy, nhất là ở Kép, Vĩnh Yên, Sông Cầu ngoài Bắc Việt; ở Thanh Hóa, Phú Yên trong Trung Việt.

Cuộc lớn nhất là cuộc dẫn thủy nhập điền ở Thanh Hóa. Làm từ năm 1918 đến năm 1925 thì xong. Nhờ có cuộc ấy, những đất trước kia bỏ hoang nay đã cấy lúa giồng (trồng) bông, giồng mía được mà những đất đã cày cấy này thu hoạch cũng khôn hơn lên được nhiều.


Giải nghĩa. - Thu hoạch = thu các hoa màu ở ruộng đất.


Dẫn thủy nhập điền để cấy lúa​
 
H

hiensau99

PHẢI BẠO DẠN MỚI ĐƯỢC​



Thằng Ba vào giường ngủ. Đèn đuốc tắt cả rồi. Ba hoảng sợ kéo chăn trùm kín mít. Một lát, vừa mở chăn ra, Ba kêu lên một tiếng: "Ối chao! Có người rình rập ven tường!". Bà mẹ nghe tiếng, vội vàng cầm đèn chạy vào hỏi: "Cái gì thế, cái gì mà kêu thế?".

- Ối chao! Có người.

- Người đâu? Đâu nào?

Ba ngổm dậy, trỏ vào tường, thì ra chỉ có cái áo treo ở đấy. Lúc bấy giờ Ba mới hoàn hồn.

Bà mẹ vừa cười vừa nói: "Rõ sợ hão sợ huyền. Con trai đâu mà nhút nhát như vậy!"

Ba lấy làm xấu hổ, lại nằm xuống ngủ.


Giải nghĩa. - Hoảng sợ = thốt nhiên sợ ở đâu đến. - Hoàn hồn = lúc sợ như mất hồn đi rồi tỉnh lại. - Sợ hão sợ huyền = sợ cái không đáng sợ.

chăn = mền. - ngổm = xổm


Người ta phải bạo dạn mới được




NGƯỜI KHÔN HƠN LOÀI VẬT​



Ngày xưa, có một người đi cày đánh đập con trâu thế nào cũng phải chịu. Con cọp ngồi trên bờ, nom thấy mới hỏi trâu rằng: "Trâu kia, mày to lớn nhường ấy, sao mày để nó đánh đập như thế?". - Trâu nói: "Nó bé nhưng trí khôn nó lớn". Cọp lấy làm lạ, không biết cái trí khôn ra thế nào, mới bảo người rằng: "Người kia, trí khôn của mày đâu, cho tao xem?". - Người nói: "Trí khôn tôi để ở nhà". - "Mày về lấy đi". - "Tôi về, rồi ông ăn mất trâu của tôi thì sao? Ông có thuận để cho tôi trói ông lại, tôi về lấy cho ông xem".

Cọp muốn xem, thuận để cho trói. Trói xong, người lấy bắp cày (ỉnh cày) đánh mãi, bảo rằng: "Trí khôn tao đây!".

Vậy mới biết: mạnh chẳng tày khôn.


Giải nghĩa. - Cọp = giống ác thú ở trên rừng, hay bắt người và các loài vật khác mà ăn. Người ta còn gọi là hổ, hùm, beo, kễnh khái, v.v... - Trí khôn = cái trí để người ta biết cái hay, cái dở, cái phải, cái trái. - Bắp cày = đoạn tre dài nối vào cái cày cho trâu bò kéo. - Chẳng tày = không bằng.


Mạnh dùng sức, yếu dùng chước​
 
H

hiensau99

HÀ NỘI KINH ĐÔ MỚI NGÀY NAY​




Xưa kia, về đời quốc triều ta, thành Hà Nội cũng đã là kinh đô nước Việt Nam rồi. Thời đó chỉ có một khu thành trong là dinh thự các quan, ngoài thì dân sự buôn bán, phố xá chật hẹp khúc khuỷu. Từ ngày nước Pháp sang bảo hộ đến nay, thành phố ấy đã mở mang rộng rãi ra nhiều.

Ngày nay khu người bản xứ ở, thợ thuyền, buôn bán nay vẫn còn ở cùng với nhau thành từng nghề một như trước kia, nhưng đường đi đã mở rộng thêm ra, mà nhà cửa cũng đã xây thẳng hàng cho tiện đi lại và thoáng khí. Còn trong khu người Pháp ở thì có những đường rộng hai bên giồng (trồng) cây to và có các nhà lầu đẹp đẽ cùng các cửa hàng buôn trông rất là lộng lẫy. Trong thành phố, có vườn bách thú, dinh quan Toàn quyền, trường Cao đẳng, một nhà hát, hai viện bảo tàng và nhiều vườm hoa trong có tượng hoặc đài kỷ niệm làm cho quang cảnh thêm vẻ đẹp ra.


Giải nghĩa. - Dinh thự = nhà các quan to ở. - Lộng lẫy = sáng sủa, sạch sẽ mà có nhiều hàng bày trông rất đẹp mắt. - Viện bảo tàng = nhà để chứa những đồ quý hoặc đời này hoặc đời xưa.


Trong thành phố Hà Nội
có nhiều đường rộng​





ĐỀN NGỌC SƠN Ở HÀ NỘI​




Ở Hà Nội có cái cảnh đẹp là cảnh đền Ngọc Sơn ở giữa hồ Hoàn kiếm. Đền này làm từ đời nhà Hậu Lê, trên một cái gò (cồn) nổi lên ở giữa hồ. Người đi lại phải qua một cái cầu bằng gỗ. Ở ngoài đường đi vào, về bên trái, có một cái núi đá, người ta đắp lên và có xây một cái tháp vuông, ở trên ngọn có cái ngòi bút đề là: "bút tháp". Vào đến gần cầu, ở trên cái cửa tò vò có cái nghiên đá, đề là: "nghiên đài". Vì đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương đế quân là một vị thần coi việc văn học, cho nên mới xây những nghiên bút như thế.

Trước cửa đền có cái nhà thủy tạ, gọi là "trấn ba đình" giữa có dựng cái bia đá để ghi sự tích cái đền ấy. Đến mùa viêm nhiệt, người ta thường hay ra đấy hóng mát và ngắm phong cảnh, thật là có bề thanh thú lắm.


Giải nghĩa. - Tháp = cột xây bằng đá hay bằng gạch, ở chỗ đền chùa. - Thủy tạ = nhà làm ở giữa hồ. - Bia đá = một tảng đá người ta dựng lên, rồi khắc chữ vào để ghi nhớ sự tích gì.

bút = viết. - tò vò = chữ không thấy.


Đền Ngọc Sơn là một cảnh đẹp ở Hà Nội​
 
H

hiensau99

CÔNG NGHỆ​



Ở Đông Dương có nhiều công nghệ. Nghề làm đồ đồng, đồ gỗ, đồ thêu, đồ cẩn, đồ sơn và nghề dệt các thứ tơ lụa đều có vẻ thịnh vượng. Nghề làm nồi, làm bát, làm chiếu, làm mật, làm đường đã có nhiều nơi phát đạt lắm. Nhưng xưa nay, các công nghệ của ta có cái thói lạ, là nhiều nơi có nghề gì riêng, thì cố giữ, không cho nghề ấy lọt ra ngoài. Mỗi nghề lại thờ một ông thánh sư, là người đã sáng lập ra nghề ấy. Ở chỗ thành thị cũng vậy, ai làm nghề gì, hay buôn bán thứ gì thường ở chung với nhau một phố, như phố hàng sắt, hàng đồng, hàng giấy, hàng lọng, v.v... Cái thói giữ riêng từng nghề như thế, thì ngày nay đã mất dần đi rồi, nhất là ở chỗ thành thị, các phố xá không chia từng nghề như trước nữa.


Giải nghĩa. - Phát đạt = thịnh vượng, càng ngày càng hơn. - Sáng lập = khởi đầu lập ra. - Thành thị = chỗ có các công sở đông và có nhiều người ở buôn bán, và làm các công nghệ.


Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh​




DA​



Da bọc khắp thân thể, che chở cho các cơ quan ở trong.

Da lại còn có công việc cần hơn nữa. Khi ta vận động nhiều, hay mùa nực, ta uống nước, ra nắng, thì thấy mồ hôi chảy, mồ hôi chảy, tức là đem những chất vô ích hay chất đôc trong mình ra ngoài. Mổ hôi chảy là do những lỗ chân lông rải rác khắp trên mặt da.

Ta chớ để cho ghét bụi làm lấp những lỗ chân lông lại. Ta phải năng tắm rửa cho sạch sẽ, để cho thông hơi, thì những cơ quan trong người mới khỏe mạnh.


Giải nghĩa. - Cơ quan ở trong = là nói thịt, gân, mạch máu, v.v... - Do = bởi đó mà ra. - Năng = luôn luôn.


Da phải giữ cho sạch
 
H

hiensau99

MẶT TRĂNG​



Mặt trăng cũng là một trái cầu như trái đất ta ở, nhưng nhỏ hơn trái đất. Mặt trăng không có khí nóng và ánh sáng. Cái ánh sáng mà ta coi thấy ban đêm' là của mặt trời chiếu sáng, cũng y như ánh sáng ngọn đèn giọi vào mặt gương vậy.

Mặt trăng đi xung quanh trái đất. Tính theo thánh ta thì từ ngày mồng một, mồng hai, lúc chập tối, chỉ coi thấy mặt trăng có cái vành sáng cong cong như lưỡi liềm, rồi dần dần cái vành sáng ấy lớn ra. Đến ngày rằm thì sáng đủ cả mặt tròn. Từ hôm mười bảy trở đi, mãi đến khuya mới trông thấy trăng, mà mỗi ngày một khuyết dần đến ngày hai mươi tám, hai mươi chín thì không thấy nữa.

Khi trăng sáng tròn đủ cả, gọi là trăng tròn; khi sáng có một phần gọi là trăng khuyết.


Giải nghĩa. - Rằm = ngày mười lăm tháng ta. - Khuyết = là thiếu, không đủ cả mặt tròn.

dần dần = lần lần. - dần = lần.


Mặt trăng chạy quanh trái đất​




CÁC TINH TÚ



Những đêm sáng trời, ta thử ngửa mặt lên trời, mà coi, thì thấy không biết cơ man nào là những đốm sáng nhấp nháy, càng trông càng thấy nhiều. Ấy là những ngôi sao. Những ngôi sao ấy, ta trông thấy nhỏ li ti, nhưng chính thật thì lớn vô cùng, lớn hơn trái đất của ta hàng mấy mươi nghìn lần. To nhưng mà trông thấy nhỏ, là vì sao cách trái đất xa không biết thế nào mà kể. Mặt trời cũng là một ngôi sao nhưng mặt trời gần trái đất hơn, cho nên ta trông thấy lớn. Mặt trăng thì không phải là ngôi sao, và không to bằng mặt trời, nhưng ở gần trái đất hơn, cho nên ta trông được rõ.


Giải nghĩa. - Tinh tú = tiếng nói gồm cả các sao ở trên trời. - Cơ man = nhiều không thể đếm được. - Li ti = nhỏ bằng hột tấm.


Ban đêm sao nhấp nhánh trên trời​
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom