Đọc sách trực tuyến: Quốc văn giáo khoa thư (Nguồn: e-thuvien.com)

Status
Không mở trả lời sau này.
1

11thanhkhoeo

MỸ THUẬT​



Mỹ thuật là những nghề người ta làm để phô trương cái đẹp ra. Nghề vẽ, nghề chạm, nghề làm nhà, nghề đàn sáo, nghề múa nhảy, nghề làm thơ, nghề diễn thuyết, là mỹ thuật cả.

Người ta nếu chỉ mong ăn cho đủ no, mặc cho đủ ấm, thì đời người cũng tẻ lắm. Nhưng thường ngoài những cái thiết dụng, người ta lại còn thích cái đẹp, cái vui nữa. Cơm ăn đã vậy, nhưng có xới vào bát kiểu, có và bằng đũa mun, thì ăn mới ngon hơn, Áo quần mặc đã vậy, nhưng có điểm thêm bộ nhẫn, cái vòng, đôi hoa (bông), thì người mới đẹp thêm ra. Nhà ở có đắp, có chạm, có trần thiết trang hoàng, thì mới lịch sự. Vui tai, thì nghe tiếng đàn, tiếng hát; vui mắt, thì xem múa nhảy cùng các tranh vẽ; vui trí, thì ngâm vịnh văn thơ. Những cái vui tai, vui mắt, vui trí, sinh ra các mỹ thuật. Vậy các mỹ thuật cũng có ích, chớ không phải là vô dụng, mỹ thuật làm cho đời người thêm sung sương, thêm cao thượng.


Giải nghĩa.- Thiết dụng = cần dùng, không có không được. - Cao thượng = chuộng những thú thanh cao.

Tẻ = lạt. - Nhẫn = cà rá. - Đắp = khuôn tô.



CÁCH GIAO THÔNG


Trong một nước, cách giao thông có tiện lợi, nghĩa là hàng hóa vận tải có dễ dàng thì kỹ nghệ, thương mại mới phát đạt được. Ở xứ ta từ khi người Pháp sang đến giờ, đường sá mở thêm ra nhiều, sửa sang sạch sẽ hơn trước. Lại thêm ra nhiều cách vận tải, như: tàu thủy, xe lửa, xe điện, xe hơi và đặt dây thép, dây nói ngầm dưới bể, để thông tin tức đi các nơi cho tiện và mau. Lại có máy bay có thể chở được cả hành khách và thư từ, và vô tuyến điện để thông tin đi các nơi thật nhanh nhẹn, thật tiện lợi, nhất là cho các tàu đi ngoài biển. Nhờ có vô tuyến điện cho nên nhiều khi tàu bị nạn ở giữa biển có thể báo tin để cầu cứu được.


Giải nghĩa. - Giao thông = sự đi lại, vận tải. - Kỹ nghệ = nghề chế tạo ra cách đồ dùng. - Vô tuyến điện = cách thông tin trên không, không cần phải dây.

Pháp = Lang sa, Phan sa. - nhanh nhẹn = lanh lẹ.

TA KHÔNG NÊN NGÃ LÒNG​

Nước mềm, đá rắn (cứng), thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà dây cứa (*) mãi cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ.

Người ta cũng vậy, phàm làm việc gì dẫu thấy khó cũng đừng nên ngã lòng. Gặp việc gì khó ta cũng cứ vững lòng mà làm, cứ cố vào, cố nữa, cố luôn mãi, thì việc dẫu khó đến đâu, cũng có ngày ta làm nên được. Những kẻ hay ngã lòng chẳng bao giờ làm được việc gì cả.


Giải nghĩa:
Rắn: (tiếng dùng ở miền Bắc) cứng. Tổ: (tiếng dùng ở miền Bắc) ổ. Tha: cắn vào miệng mang đi. Phàm: nói chung. Ngã lòng: không bền lòng vững chí để theo đuổi một công việc.
 
1

11thanhkhoeo

CON NGỰA KHÔN NGOAN


Một người Mường cứ mỗi tháng hai phiên đem các đồ vật ra chợ bán. Người ấy cưỡi ngựa, hai bên mình ngựa đeo hai cái giỏ đựng hàng, đàng trước cổ đeo một cái bị, hễ bán được đồng tiền nào lại bỏ ngay vào đấy.

Một hôm, người Mường đi qua nhà kia, bán được ít mộc nhĩ, rồi nhẩy lên mình ngựa đi, nhưng thúc thế nào con ngựa cũng không chịu đi.

Người kia lại phải nhảy xuống, để xem con ngựa làm sao. Khi nhìn đến cái bị thì sực nhớ ngay lại rằng bán mộc nhĩ quên chưa lấy tiền. Chắc con ngựa biết thế vì nó chưa nghe thấy tiếng tiềng bạc bỏ vào bị.

Quả nhiên, lúc đòi tiền bỏ vào bị rồi, thì con ngựa lại rảo bước đi ngay. Thế nó có khôn ngoan không?


Giải nghĩa. - Bị = đồ đựng có quai, đan bằng cói. - Mộc nhĩ = mộc: cây, nhĩ: tai; thứ nấm mọc ở các cây mục và có hình như cái tai. - Thúc = giục người ta làm việc gì cho mau. - Rảo bước = đi mau chân.

Mường = mọi. - mộc nhĩ = nấm mèo.

KHUYÊN VỀ LÀM RUỘNG
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng.


Văn chương phú lục chẳng hay,
Trở về làng cũ học cày cho xong.
Sớm ngày vác cuốc thăm đồng,
Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên.
Hết mạ ta lại quảy thêm,
Hết lúa ta lại mang tiền đi đong.
Nữa mai lúa tốt đầy đồng,
Gặt về đập sảy bõ công cấy cày.

Giải nghĩa.
- Văn chương = nói gồm cả cách học về đường chữ nghĩa. - Phú lục = bài văn phải theo vần, theo luật. - Gàu sòng = một thứ gàu tát nước có ba cái cọc và một người tát. - Sảy = bỏ thóc vào cái mẹt rồi hắt lên hắt xuống để cho hạt lép bay đi.



CHÍ LÀM TRAI
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng.


Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
Khi nên trời giúp công cho,
Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.
Trời sinh, trời chẳng phụ nào,
Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.
Trí khôn sắp để dạ dày,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Giải nghĩa. - Tu thân = tu là sửa, thân là mình; sửa mình cho có đức hạnh. - Công danh = công là sự nghiệp mình làm ra, danh là tiếng tốt. - Hào = giỏi. - Phong vân gặp hội = nghĩa đen là nói gặp lúc gió mây. Người tài giỏi ví như con rồng, hễ có gió mây, thì bay bổng lên trời. Nghĩa bóng là được lúc hiển đạt.
 
H

hiensau99

HAI ANH EM​


Hai anh em một nhà, nhưng tâm tính khác nhau. Em thì muốn yên phận thủ thường, anh thì lại chỉ thích công danh phú quí.

Khi cha mất được ít lâu, anh bèn thu thập tiền nong đem ngay ra tỉnh, để lo chút phẩm hàm. Đợi mãi gặp dịp, anh mới lo được chút cửu phẩm văn giai. Anh lấy làm tự tôn tự trọng, bèn trở về quê cũ, áo sa, nón giứa, rõ ra dáng ông Cửu lắm, để sắp sửa ăn khao (ăn mừng) cả hàng xã.

Anh về nhà, thấy em đang cổi trần, xúc thóc đổ vào vựa, thì lấy làm thẹn thò mà bảo rằng: "Chú làm ăn, tôi coi hèn hạ lắm. Sao chú không theo tôi kiếm lấy chút phẩm hàm, lại cứ đành giữ cái tiếng bạch đinh người ta chê cười ấy?"

Em đáp: "Em cũng biết ở chốn hương thôn, có chút phẩm hàm, thì vẻ vang thật. Nhưng em thiết nghĩ phải tốn bao nhiêu công của, mất bao nhiêu ngày giờ, lại còn vào luồn ra cúi, khốn khổ đến thế nào, mới mua được chút công danh hão, thì em đây thật không muốn. Cái chí của em chỉ muốn nối lấy nghiệp cũ của ông cha cho xứng đáng; làm ăn tuy có phần vất vả, nhưng trong bụng lúc nào cũng được thong thả, vui vẻ, không phải lo lắng, luồn lụy ai sốt cả."


Giải nghĩa. - Yên phận thủ thường = được làm sao bằng lòng như vậy, giữ lấy mực thường. - Phú quí = giàu sang. - Cửu phẩn văn giai = bậc thứ chín (bậc cuối cùng) trong phẩm trật các quan văn. - Bạch đinh = chân trắng, những người ở trong làng không có phẩm tước ngôi thứ gì.

thu thập = thâu thập. - thóc = lúa. - vẻ vang thật = rỡ ràng thiệt. - hão = vô dụng. - vất vả = cực khổ. - luồn lụy = chịu lụy. - sốt cả = hết thảy.



CHUYỆN LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ​



Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn chơi với nhau từ thuở còn nhỏ, rất thân thiết. Dương Lễ nhà nghèo, Lưu Bình đem về nuôi, để cùng nhau đêm ngày đèn sách học tập. Dương Lễ chịu khó chăm học, chẳng bao lâu thi đậu, được bổ đi làm quan. Lưu Bình thì cậy mình nhà giàu, hay chơi bời, cho nên thi mãi không đậu. Về sau lại bị giặc giã cướp phá, nhà cửa sa sút, lúc ấy muốn học, cũng không có tiền mà ăn học nữa, mới tìm đến chỗ Dương Lễ ở, để mong nhờ bạn cũ.

Dương Lễ từ khi đi làm quan, vẫn có lòng nhớ Lưu Bình; Khi được tin bạn đến, trong bụng đã mừng, nhưng lại nghĩ rằng: bạn ta hay chơi bời cho nên bây giờ mới khổ. Nếu ta đưa về nuối, rồi lại sinh lười biếng, thì bao giờ cho thành thân được. Bèn giả làm mặt giận mà nói rằng: "Người làm quan không có bạn bè với người đói khó", rồi sai lính đuổi đi. Lưu Bình tức giận ra về.

Dương Lễ vào bảo Châu Long đi nuôi bạn thay mình. Châu Long vâng lới, đem tiền của đi, giả làm người buôn bán, đưa Lưu Bình về nuôi cho ăn học. Trong ba năm, Lưu Bình cố gắng hết sức. Đến khi thi đậu, định đến nhà Dương Lễ để trách mắng, Dương Lễ cho Châu Long ra chào. Bấy giờ Lưu Bình mới biết là người bạn đã hết lòng với mình. Từ đó, hai người lại thân thiết hơn trước.


Giải nghĩa. - Sa sút = suy đồi, nghèo ngặt, không như trước. - Thành thân = làm nên danh phận.

chăm = siêng.
 
H

hiensau99

CẦN PHẢI GIỮ TÍNH HẠNH CỦA MÌNH​



Khi ông Trương Cán mới thi đậu, có vào yết kiến ông Vương Đình Tướng là một bậc danh sĩ đời bấy giờ. Ông Vương Đình Tướng bảo rằng: "Hôm trước, trời vừa mưa xong, tôi đi ra phố, có trông thấy một người đi đôi giày mới, đi từ phố này đến phố kia, rón rén tìm lối mà bước, chỉ sợ lấm giày; sau quanh vào thành, bùn lầy nhiều quá, người ấy lỡ chân dẫm phải đống bùn, từ bấy giờ cứ bước tràn đi, chẳng tiếc gì đến đôi giày nữa. Xem thế mới biết người ta nên giữ gìn tính hạnh ngay từ lúc đầu, nếu đã lỡ một lần, thì dần dần thành ra người càn rỡ". Ông Trương Cán nghe lời dạy ấy, lấy làm cảm phục, mà tôn làm thầy.

Ta nay đi học, cũng nên lấy điều ấy làm răn. Dẫu việc nhỏ mọn thế nào, ta cũng phải cẩn thận giữ gìn, nếu không thì chỉ có lần đầu là khó, rồi hễ đã quen một lần là quen mãi. Bởi thế cho nên cổ nhân lấy sự giữ mình làm cẩn trọng lắm.


Giải nghĩa. - Yết kiến = nói kẻ dưới đến thăm bậc trên. - Rón rén = sẽ đi, đi giữ gìn từng bước một. - Cổ nhân = người đời xưa.

trông = ngó. - dần dần = lần lần. - càn rỡ = quấy quá.



ÔNG NGUYỄN VĂN HIẾU​



Ông Nguyễn Văn Hiếu thuở nhỏ nhà nghèo, đi làm mướn, cắt cỏ cho người ta để kiếm ăn. Sau theo ông Võ Tánh ra giúp vua Gia Long đi đánh giặc, lập được nhiều công. Khi việc đánh dẹp xong rồi, vua sai ông ra làn trấn thủ ở Bắc kỳ.

Ông làm quan rất là thanh liêm, không lấy gì của ai bao giờ. Ông lại nghiêm cấm những người nhà không cho giao thông với người ngoài. Mồng năm ngày tết, ai cho gì cũng không lấy. Ông làm quan to mà nhà vẫn nghèo, lương bổng chỉ đủ ăn, chớ không thừa chút nào. Bà vợ thường hay phàn nàn vì nỗi nhà nghèo. Ông cười mà nói rằng: "Bà không nhớ khi ta phải đi cắt cỏ thuê, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc hay sao? Nay được như thế này, còn đòi gì nữa, mà lại muốn lấy của phi nghĩa để làm giàu ru?"

Ông làm quan rất có nhân, và ngăn cấm bọn lại thuộc không cho quấy nhiễu nhân dân, bởi vậy ông ở đâu, dân sự cũng yêu mếm lắm. Khi ông làm trấn thủ Nghệ An, một hôm cùng với các quan đồng liêu tra án bọn ăn cướp, có đứa đã chịu thú tội, mà các quan còn có ông muốn tra tấn nữa. Ông nói rằng: "Chúng nó cùng khổ mới sinh ra làm bậy, nay đã thú tội rồi, thì cứ theo luật mà làm án, hà tất phải kìm kẹp cho lắm làm gì?"

Tính ông thật thà và cần mẫn, đối với người thì rất khoan hòa dễ dãi. Ông thật là một ông quan thuần lương, nghĩa là giỏi và liêm, xưa nay ít có vậy.


Giải nghĩa. - Trấn thủ = quan đời xưa, cũng như tuần phủ, tổng đốc bây giờ. - Đồng liêu = người cùng làm quan với nhau. - Thú tội = nhận tội.
 
H

hiensau99

THƠ THẰNG MÕ (Anh seo, xâu)
(Thơ cổ)
Bài học thuộc lòng.


Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
Mộc đạc vang lừng trong mấy cõi,
Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,
Làng nước ai ai cũng
cứ lời.
Thứ bậc dưới, trên, quyền cất đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.


Đại ý. Thằng mõ là người đê hạ nhất trong làng, tuy vậy, có tiếng mõ rao khắp các thôn xóm, thì các người trong làng mới biết việc mà hội họp nhau lại. Bài thơ này khéo về lúc tả những cái rất hèn hạ mà chuyển thành những cái rất tôn trọng.


Giải nghĩa. - Mẫn cán = nhanh nhẹn và chăm chỉ, - Mộc đạc = mõ gỗ. - Kim thanh = tiếng kêu vang. - Cứ lời = theo như lời mõ đã rao.



ĐI CHỢ TÍNH TIỀN
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng.


Một quan tiền tốt mang đi,
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra.
Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi,
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng
vàng.
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng
hồ nghi.
Hai mươi mốt đồng bột nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.


Giải nghĩa. -Tiền tốt = tiền tiêu được. - Vàng = đồ làm bằng giấy cúng rồi đốt đi. - Hồ nghi = ngờ vực, không biết rõ.
 
H

hiensau99

TẾ NAM GIAO​



Kể các sự tế tự của ta thì tế Nam giao là trọng thể hơn cả. Tế Nam giao là tế Trời, Đất, cứ ba năm một kỳ, vua ra chủ trì. Khi vua ra tế, thì đội mũ miện, mặc áo long cổn và đi hia.

Còn các quan thì mũ áo chỉnh tề, đứng hai bên, quan văn bên tả, quan võ bên hữu. Lúc tế có âm nhạc ca vũ và có voi ngựa, quân lính dàn khắp ở ngoài rất nghiêm trang. Cách bài trí, cách tế lễ thật là kính cẩn, tôn nghiêm.

Ai đã được xem tế Nam giao, đã được trong thấy cái cảnh tượng ban đêm đèn đuốc sáng choang, trên bàn thờ khói hương nghi ngút, dưới bao nhiêu người chủ tâm về sự lễ bái như thế, thì ai ai cũng phải sinh lòng cung kính.


Giải nghĩa. - Mũ miện = mũ ở trên đỉnh phẳng và có mười hai tua tỏa xuống để vua đội lúc ra tế Nam giao. - Áo long cổn = áo thêu rồng của vua mặc. - Chủ tâm = để tâm để chí vào một việc gì.



CÁCH SỬA MÌNH​



Ông Trình tử xưa để hai cái lọ ở bên cạnh chỗ ngồi. Mỗi khi trong bụng nghĩ một điều gì thiện, thì ông bỏ một hột đậu trắng vào trong một lọ. Mỗi khi nghĩ một điều gì ác, thì ông lại bỏ một hột đậu đen vào cái lọ kia. Lúc đầu, đậu đen nhiều, đậu trắng ít. Sau đậu trắng nhiều, đậu đen ít, dần dần đến không còn một hột đậu đen nào. Về sau, không cần phải bỏ đậu trắng nữa, tâm tính bấy giờ thuần nhiên toàn thiện.

Vì ông Trình tử biết sửa tâm rèn tính như thế mới thành được người hiền triết. Vậy ta nên lấy đó làm gương mà sửa mình. Trong sách có câu: "Từ đáng thiên tử cho đến kẻ thứ dân ai ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc." Vậy người ta bất cứ làm gì cũng phải cố mà sửa mình cho nên con người có phẩm hạnh.


Giải nghĩa. - Trình tử = đây là ông Trình Y Xuyên, em ông Trình Hiệu đời nhà Tống. - Toàn thiện = ý nói nghĩ làm cái gì đều hiền lành tử tế cả. - Hiền triết = bậc có đạo đức cao và học hành rộng. - Thiên tử = (con trời) nghĩa là vua. - Thứ dân = người thường dân. - Tu thân = sửa mình.

lọ = chĩnh.
 
H

hiensau99

THÁC KHÔNE.​



Sông Cửu Long chảy đến Khône thuộc về Hạ Lào, thì có nhiều thác cao tới mười lăm, mười sáu thước và dài đến hàng nghìn thước. Khúc sông ở phía trên thác thì hẹp lại rồi chảy tràn một vùng có đá lởm chởm và rông tới bốn năm dặm. Phong cảnh chỗ ấy thậthùng vĩ thanh tú. Dưới sông nước chảy ầm ần nghe như tiếng sấm; trên núi "cỏ cây chen đá, lá chen hoa". Giữa thác, đàn cá vẫy vùng; xa xa chim trời lênh bênh theo dòng nước chảy. Thác Khône thật là một nơi tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan vậy.


Giải nghĩa. - Lởm chởm = lố nhố nhiều lắm. - Dặm = dăm tây là bốn nghìn thước tây. - Hùng vĩ = to lớn. - Thanh tú = đẹp đẽ. - Tiểu sơn lâm = một khu rừng nhỏ. - Đại kỳ quan = một nơi có phong cảnh rất lạ.

nghìn = ngàn. - thật = thiệt. - lênh bênh = linh binh.

XỨ CAO MÊN​



Đi vào Biển Hồchùa Đế Thiên Đế Thích, thì phải theo ngược dòng Tonlé Sap là một nhánh sông Cửu Long.

Tonlé Sap có nhiều cảnh lạ, người đi qua nhìn không bao giờ chán mắt. Hai bên bờ, thì cây cối um tùm. Chỗ này lác đác mấy cái nhà sàn, cheo leo trên mặt nước; chỗ kia tịch mịch một cái lăng, một ngọn tháp hay một cảnh chùa, điểm một vị sư mặc cà sa vàng, đang trầm tư mặc tưởng. Thỉnh thoảng những chỗ thưa cây, lại có một pho tượng thật lớn mỉm cười mà nhìn xuống cõi tục, tựa hồ như nhìn người đời xô đẩy nhau trong vòng danh lợi.

Nhưng sông Tonlé Sap có cái cảnh lạ hơn cả, là thường dòng nước ở trong Biển Hồ chảy ra, mà đến mùa mưa, nước sông Cửu Long lên to thì dòng nước lại ở ngoài sông chảy lại.


Giải nghĩa. - Biển Hồ = hồ lớn nhứt ở Cao Mên. - Chùa Đế Thiên Đế Thích = chùa cổ nhất ở Cao Mên. - Lác đác = rải rác một vài cái. - Tịch mịch = yên lặng. - Trầm tư mặc tưởng = ngẫm nghĩ về những điều cao xa. - Cõi tục = thế giới ta ở.

um tùm = um sùm. - thưa = sưa. - mỉm = chủm chỉm.



XỨ CAO MÊN (bài nối)​



Đến mùa dòng nước chảy lại như vậy, thì các miền xung quanh Biển Hồ lại ngập cả.

Nước lên đem đất phù sa vào làm cho ruộng đất tốt thêm, cá theo nước vào hồ, có hàng ức triệu con, để nhân dân chài lưới mà sinh nhai. Dân Cao Mên giàu về nghề đánh cá. Nước tràn vào cả cả các khu rừng gần hồ, mênh mông như biển, ngập cả cây cối.

Mùa ấy gọi là "mùa cá lên ngàn". Trong khi ấy thì không gì thú bằng một con thuyền đủng đỉnh dạo chơi trên mặt nước.

Hằng năm, cứ đến mùa nước xuống, thì dân Cao Mên mở hội rất trọng thể. Lúc ấy có vua ngự ra cùng với các quan và dân sự đi thuyền theo không biết cơ man nào mà kể. Đợi lúc bước xuống, thì thuyền bơi đến chỗ có cái dây chăng ngang qua sông. Vua làm lễ cầm thanh bảo kiếm chém đứt cái dây ấy, ngụ ý mở đường cho nước xuống để dân sự cày cấy làm ăn.


Giải nghĩa. - Đất phù sa = đất sông bồi lên. - Sinh nhai = kiếm ăn. - Đủng đỉnh = ung dung, thong thả.

con = chiếc. - Hằng = mỗi.



THÀNH NAM VANG​



Nam-vang là kinh đô nước Cao Mên. Xưa, đấy là một khu đất bỏ hoang, chỉ những cây cỏ gai gốc, ao đầm ẩm ướt, thế mà bây giờ hóa ra một chốn thành thị đông đúc, phố xá rộng rãi, lâu đài đẹp đẽ.

Buổi đầu, Nhà nước đào sông khơi ngòi để lấy đất lầp những hổ ao và làm cầu cống để cho tiện đường đi lại. Hai bên bờ sông dần dần các dinh thự nổi lên. Người bản xứ, người Khách thấy thế cũng theo mà làm nhà cửa rông rãi, cao ráo, đẹp đẽ. Hiện nay Nam Vang là một chốn đô hội lớn và đẹp.


Giải nghĩa. - Kinh đô = chỗ vua đóng. - Dinh thự = sở làm việc công. - Đô hội = thành thị to, đông người ở.

dần dần = lần lần.
 
H

hiensau99

HỒ HOÀN KIẾM​



Trong thành phố Hà Nội có một cái hồ gọi là hồ Hoàn Kiếm. Tục truyền rằng một hôm, vua Lê Thái Tổ ngự ra câu cá ở bờ hồ, chỗ gần sở Đốc-lý bây giờ, bỗng có một con rùa thật lớn nổi lên trên mặt nước. Vua lấy thanh bảo kiếm ném con rùa, thì nó lặn xuống, rồi nó đem thanh kiếm lên trả vua. Bởi thế mới đặt tên là Hoàn Kiếm.

Ở giữa hồ, về phía tây, có đền Ngọc-sơn. Đi vào đền thì phải qua một cái cầu. Đền ngoài thì thờ đức Văn Xương, đền trong thì thờ đức Quan Đế. Đằng trước đền, xa xa về phía tay phải thì có một cái , ở trên xây một cái tháp gọi là Tháp Rùa.

Xung quanh hổ thì có đường đi sạch sẽ, hai bên có cây cao bóng mát. Chiều đến, thì bờ hồ đông như hội, vì là một nơi mát mẻ nhất trong thành phố. Thật là:

"Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm."​



Giải nghĩa. - Tục truyền = lời miệng truyền lại, không có bằng chứng gì làm đích thực. - Sở Đốc-lý = sở cai trị thành phố.

tay phải = tay mặt. - = cồn.



HUẾ​



Ở Huế, thì chỉ có thành trì và lăng tẩm là đẹp hơn cả. Thành thì xây bằng gạch, thật cao, ở xung quanh thì có hào sâu và rộng. Trong thành, chính giữa thì có Hoàng -thành, là chỗ cung điện nhà vua; ở bên cạnh thì có các bộ và các viện. Vào Hoàng-thành thì đi qua cửa Ngọ-môn và những con đường rộng lát gạch, hai bên có hồ sen rồi mới đến sân rồng, trước điện Thái-hòa là chỗ có thiết đại trào thì vua ngự.

Các lăng thì ở trong những khu rừng gần kinh đô. Có lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức là đẹp hơn cả. Ở đấy thì có đường rộng, bệ cao, có đền đài, hồ ao, có cây cổ thụ, có hoa bốn mùa. Lăng tẩm là một nơi hùng vĩ đẹp đẽ mà lại có vẻ tịch mịch vô cùng.


Giải nghĩa. - Lăng tẩm = mộ các đế vương. - Hùng vĩ = mạnh mẽ. - Tịch mịch = yên lặng.

cổ thụ = cổ thọ.
 
H

hiensau99

SÀI GÒN​



Trước khi người Pháp sang bên ta, Sài Gòn là một nơi có nhiều ao đầm kênh rạch bùn lầy ẩm thấp. Thế mà bây giờ thành ra một nơi đô hội rất đẹp ở nước ta. Người ngoại quốc đẽ cho là "một hạt trân châu ở Viễn Đông" này. Mà thật thế, bây giờ ở Sài Gòn có nhiều lâu đài tráng lệ, nhà cửa đẹp đẽ, phố xá rộng rãi, vườn tược mát mẻ, nước máy trong sạch, đèn điện sáng choang, nhân dân đông đúc, kể có hơn tám vạn người, buôn bán phồn thịnh, tàu bè qua lại tấp nập cả năm. Đứng trên cao trông xuống, thành phố Sài Gòn chẳng khác nào một khu vườn rộng mông mênh, một màu xanh biếc, lô nhô nổi lên trên ngọn cây những nhà cao lớn, tựa hồ như muốn ganh đua với cỏ cây mà chiếm lấy một chỗ ở trên cao vậy.


Giải nghĩa. - Kênh rạch = sông ngòi. - Ẩm thấp = ướt áp, không được khô ráo. - Trân châu = ngọc trai. Đây vì Sài Gòn đẹp như hòn ngọc trai.

thịnh = thạnh. - tấp nập = rộn rực. - trông = ngó.



CHỢ LỚN​



Ở Nam Việt đất xốp và hay lún. Người ta vận tải những đồ vật nặng có phần khó khăn và nhất là làm đường xe lử lại càng khó lắm. Cho nên sự giao thông và vận tải đều đi đường thủy cả.

Ở gần Sài Gòn, hai bên bờ Rạch Ông, người đi kẻ lại tấp nập lạ thường. Trên phía bắc là chỗ tàu thủy đậu, hàng hóa chồng chất ngổn ngang. Dưới phía nam là nơi ghe mành đậu liên tiếp với nhau, dài kể đến một ngàn thước tây, cột buồm lô nhô chen chúc thật là nhiều. Đi quá chỗ ấy rồi cứ theo rạch Ông quanh co ở miền đồng điền, một lát, thì đến những nơi có làng xóm sầm uất. Đi khỏi chỗ đó thì trông thấy Chợ Lớn. Ở Chợ Lớn thì nhan nhản những nhà cao cửa lớn, người đi lại đông đúc như kiến, trên bờ, dưới bến xôn xao nhộn nhịp, mà phần nhiều là khách trú cả.


Giải nghĩa. - Đất xốp = đất không chắc. - Tấp nập = nhộn nhịp. - Ngổn ngang = bừa bãi, không có thứ tự. - Xôn xao = ồn ào những tiếng người.

mành = bầu. - sầm uất = đông đảo.
 
H

hiensau99

TRÀNG HỌC VUI​



Nhà gạch mái ngói thật cao ráo, chắc chắn. Ngoài thì cửa chớp sơn sanh, trong thì cửa kính sáng sủa.

Lớp nào lớp ấy, bàn ghế toàn bằng gỗ lim, đánh bóng. Trên tường treo nhiều bản đồ. Trong tủ có nhiều sách chữ tây và chữ quốc ngữ.

Thầy giáo dạy biết bao nhiêu học trò, cậu nào cậu ấy ngồi nghe có ý chăm chỉ lắm.

Ấy, tràng học vui vẻ như vậy. Sao ta chẳng rủ nhau đi học. Có học mới biết, mới khôn được.


Giải nghĩa. - Đánh bóng = làm cho bóng, đánh gỗ lên nước. Người ta thường đánh bàn ghế bằng lá chuối khô hoặc bằng giẻ.

cửa chớp = cửa lá sách. - cửa kính = cửa gương.




LỊCH SỬ NƯỚC TA​



Ta học sử để biết những việc đời trước. Thuở người ta chưa biết đặt ra chữ viết thì chỉ đem những công việc trong đời mình và những chuyện xảy ra trong nước kể lại cho con cháu nghe. Những chuyện ấy cứ truyền miệng như thế hết đời nọ sang đời kia, nên quên đi ít nhiều cùng sửa đổi lại mà thành ra chuyện cổ tích. Chuyện cổ tích không phải là thực cả, nhưng hay, nên ta thích kể.

Ta biết sử nhất là vì có sách cổ để lại. Trong lắm pho sách như pho Quốc sử, tổ tiên ta có chép những công việc lớn lao trong nước Việt nam và chuyện các đấng vĩ nhân anh hùng nữa. Tổ tiên còn để lại những bút tích trong đền chùa, lăng tẩm và bia nữa.


Giải nghĩa. - Vĩ nhân = người tài giỏi hơn mọi người khác. - Anh hùng = người làm những việc hiển hách. - Bút tích = cái gì người đời xưa chép mà còn lại đến bây giờ. - Lăng tẩm = mồ mả của vua chúa xây đắp đẹp đẽ.
 
H

hiensau99

MAU TRÍ KHÔN​



Một hôm, anh Giáp và lũ trẻ trong làng rủ nhau ra chơi ở trước sân đình, bên cạnh cái ao. Trong khi mấy anh em đang đánh quần, đánh đáo với nhau, thì anh Tý nom thấy con chuồn chuồn đậu trên cành đào, ở gần bờ ao, liền bỏ chạy đi đuổi bắt. Bỗng nghe tiếng kêu, mọi người ngoảnh lại, thì thấy anh Tý đang loi nhoi dưới nước. Mấy đứa trẻ kia trông thấy, hoảng hốt, sợ hãi bỏ chạy mỗi đứa một nơi kêu la rầm rĩ. Anh Giáp không chạy đâu cả, trông trước, trông sau, thấy có cây sào dựng bên cạnh đình, liền vác ra, bỏ xuống ao cho anh Tý níu lấy mà lên. Thế là nhờ có anh Giáp mau trí khôn mà cứu được anh Tý khỏi chết đuối.


Giải nghĩa. - Mau trí khôn = sáng trí, gặp việc khó mà tinh thần tỉnh táo, không hốt hoảng. - Chuồn chuồn = một thứ côn trùng có bốn cánh mỏng, đuôi dài. - Hoảng hốt = vội vàng, sợ hãi. - Rầm rĩ = om sòm. - Níu = nắm chặt.

loi nhoi = cựa quậy.


Lúc nguy cấp cần phải mau trí khôn

BỊNH GHẺ​



Bịnh ghẻ là một bịnh ở ngoài da, do con ghẻ mà sinh ra.

Ai có bịnh ấy, thì lúc đầu ngứ ngáy, khó chịu. Sau thấy có những nốt, trước còn mọc ở kẽ tay, cổ tay, nếu không chữa ngay thì dần dần lan ra khắp cả mình mẩy.

Bịnh ghẻ là một bịnh hay lây, nghĩa là có thể truyền người nọ sang người được. Người ta thường lây bịnh ấy, là vì hay ở chung chạ với người có ghẻ, hoặc chung chăn chiếu, chung quần áo với họ.

(còn nữa)


Giải nghĩa. - Lan = ăn rộng mãi ra. - Chung chạ = ở lẫn với nhau.

nốt = mụn. - dần dần = lần lần. - chăn = mền.

Bịnh ghẻ hay lây




BỊNH GHẺ (tiếp theo)​



Muốn không mắc phải bịnh ghẻ, thì ta chớ nên dùng những đồ đạc mà người có ghẻ đã dùng. ta lại phải ở cho sạch sẽ, vì ở bẩn thường sinh ra ghẻ lở. Bịnh ghẻ không nguy hiểm gì, nhưng ghê tởm lắm.

Ai mắc bịnh ấy, thì nên chữa ngay. Mà chữa thì phải lấy xà phòng đen và bàn chải cứng mà xát vào những chỗ ghẻ cho bật máu ra, rồi tắm rửa cho thật sạch. Đoạn lấy thuốc ghẻ mà bôi. Còn quần áo thay ra thì phải bỏ vào nước sôi mà nấu. Cứ làm như vậy, thì chẳng bao lâu khỏi ghẻ.


Giải nghĩa. - Nguy hiểm = có thể hại đến sức khỏa hay tính mệnh. - Xà phòng = do tiếng Pháp savon mà ra. Xà phòng dùng để tắm giặt cho sạch.

bẩn = dơ. - khỏi = lành.

Ghẻ thường tại bẩn mà sinh ra

 
H

hiensau99

ĐỒ LÀM RUỘNG​



Muốn xới đất lên, thì người ta dùng cày hay dùng cuốc và cào. Cày và bừa thì dùng ở ngoài đồng, phải có trâu bò kéo. Cuốc và cào thì dùng ở vườn tược, tay người ta làm lấy. Đào đất thì người ta dùng cái thuổng (xuổng, thêu). hay là cái mai. Đập đất cho nhỏ, thì người ta dùng cái vồ bằng gỗ. Giũi cỏ cho sạch, thì người ta dùng cái nạo. Còn nhiều nơi người ta dùng quả lăn bằng gỗ hay bằng đá để lăn cho nhỏ đất, hoặc để trang cho phẳng mặt đất. Đến mùa lúa chín, thì người ta dùng cái hái (vằng) để gặt, cái liềm để cắt rạ. Hết thảy những đồ ấy là đồ cần dùng cho những nhà làm ruộng.


Giải nghĩa. - Giũi = nạo cho sạch. Có nơi gọi là xủi. - Trang = san cho phẳng.



CHĂN TRÂU​



Ai bảo chăn trâu là khổ?

- Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bươm bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!


Giải nghĩa. - Nón mê = nón rách. - Ngất nghểu = có ý nói ngồi trên mình trâu lấy làm đắc chí.

cành = ngành.

HỌC TRÒ LƯỜI BIẾNG​



Bính là một đứa học trò lười biếng (nhác nhờn). Sáng ngày dậy trưa nên đi học trễ, mà tiếng rằng đi học, nhưng chẳng mấy khi nó thuộc bài và làm đủ bài. Khi nó ở nhà cha mẹ sai làm việc gì, thì tìm đường trốn tránh. Cả ngày chỉ thích chơi bời lang thang ở ngoài đường, ngoài ngõ. Cha mẹ đánh mắng luôn và thầy giáo cũng quở phạt luôn.

Nếu nó cứ lười biếng như thế mãi, thì về sau chắc sẽ phải khổ suốt đời. Những người lười biếng thì không làm gì nên thân. Ta chớ nên lười biếng.


Giải nghĩa. - Lang thang = vơ vẩn ngoài đường. - Quở = cũng có nghĩa là mắng.



HỌC TRÒ CHĂM HỌC​



Sửu chăm học lắm. Khi ngồi trong lớp học thì nó cúi đầu nom vào bài, lắng tai nghe lời thầy dạy. Bao nhiêu tâm trí đem vào sự học cả. Nó không nhìn ngang, nhìn ngửa, không thụi ngầm, nghịch trộm anh em.

Ở nhà, lúc nó chơi, thì hẳn ra chơi, mà lúc nó học bài hay tập viết, thì chỉ chăm học chăm viết mà thôi, chứ chẳng bao giờ nghĩ lảng đi đâu cả. Nó học tập như vậy, trách nào mà chẳng mau tấn tới.


Giải nghĩa. - Ngầm = giấu giếm không cho ai biết. - Trộm = cũng nghĩa là ngầm.
 
1

11thanhkhoeo

NÊN GIÚP ĐỠ LẪN NHAU



Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đầy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng éc. Ông lão cố đẩy cái xe, mặt đỏ bừng, mồ hôi chẩy, mà xe vẫn không thấy chuyển.

Mấy cậu bé đang chơi trên bờ đê, thấy thế, vội chạy tới, xúm lại, buộc dây vào đầu xe mà kéo hộ.

Xe lên khỏi dốc, ông lão cám ơn các cậu và các cậu cũng lấy làm vui lòng, vì đã giúp được việc cho người.


Giải nghĩa. - Xe lợn = thứ xe một bánh để chở lợn, gà và các đồ vặt. - Chuyển = nhúc nhích, động đậy.

lợn = heo.



LỄ PHÉP VỚI NGƯỜI TÀN TẬT



Anh Trung, nhân ngày chủ nhật, cùng với lũ trẻ rủ nhau ra cổng xóm chơi. Lũ trẻ đang nô đùa với nhau, bỗng trông thấy một người ở đàng xa chống gậy đi đến. Người ấy què một chân, đi khập khễnh. Lũ trẻ cười ầm cả lên.

Anh Trung mắng lũ trẻ mà bảo rằng: "Người ta là một người tàn tật, thì chúng ta lại càng phải giữ lễ phép lắm; sao các anh trông thấy lại cười ầm lên như vậy, chẳng hóa ra là vô hạnh lắm ru."

Lũ trẻ nghe nói, không dám cười nữa. Khi người què đến, anh Trung đứng nép ra bên đường để cho người ấy đi, cả lũ trẻ cũng bắt chước như vậy.


Giải nghĩa
. - Nô đùa = chơi nghịch với nhau, có nơi gọi là trửng dởn (giỡn) hay chơi dởn (giỡn). - Vô hạnh = không có nết na, không biết giữ lễ phép.

cổng = cửa ngõ.
CÁI CÀY


Cái cày là đồ làm ruộng cần nhất. Cái cày của ta dùng còn đơn sơ lắm, gần hết làm bằng gỗ. Thân cày, náng cày, chỗ tay cầm (seo cày) toàn bằng gỗ cả. Cái bắp cày thì bằng tre hay bằng gỗ. Chỉ có cái lưỡi cày và cái diệp là bằng sắt mà thôi. Cái cày tây thì gần hết làm bằng thép cả, và đủ bộ phận hơn cày ta. Bên Tây nhiều khi lại còn ghép mấy cái cày vào một cái bắp, rồi dùng máy kéo. Bên ta dùng cày máy không tiên, vì ruộng ta bùn lầy, lại chia ra từng miếng nhỏ hẹp. Sự cày bừa của ta quanh đi quẩn lại chỉ nhờ sức trâu bò mà thôi.


Giải nghĩa. - Diệp cày = một miếng gang hay một miếng sắt để gắn liền ở trên cái lưỡi, để khi cày nó lật đất ra hai bên. - Quanh đi quẩn lại = chỉ có thế mà thôi, không có gì khác nữa.



CON TRÂU



Trâu lớn hơn bò và sức mạnh hơn. Lông đen, cứng và thưa, thỉnh thoảng có con lông trắng. Mắt lờ đờ, sừng to và cong lên. Trâu xem nặng nề và chậm chạp hơn bò. Tính nó thuần và hay chịu khó. Ăn uống ít, mỗi ngày chỉ vài ba nắm cỏ khô cũng đủ. Nó ưa đầm (mẹp) xuống nước, xuống bùn, và có thể lội qua sông, qua đầm được.

Trâu dùng để cày ruộng, kéo xe, hoặc kéo che đạp mía. Thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Da trâu dùng để bịt trống hay làn giày dép. Sừng trâu dùng làm các đồ vật như: cán dao, lược, ông thuốc v.v...

Trâu thật là con vật có ích. Ta vẫn cho vào hạng lục súc rất có công với người.


Giải nghĩa. - Lờ đờ = trông không nhanh trai. - Đầm = lăn xuống cho có nước, có bùn. - Che đạp mía = máy ép mía. - Lục súc = Sáu giống vật của người ta nuôi: trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn.
 
1

11thanhkhoeo

MÂY VÀ MƯA


Khi ta nấu nồi nước, thì ta thấy hơi nước bốc lên nghi ngút như khói. Giá ta lấy cái vung úp lên trên miệng nồi một lát, thì thấy ở cái vung có giọt nước chảy xuống. Vậy mây ở trên trời cũng giống như hơi ở nồi nước. Nhưng mây là hơi nước ở sông, ở bể bốc lên, mà thành ra. Lúc đầu thì mây là những giọt nước nhỏ mà nhẹ, rồi dần dần lên trên cao, gặp khí lạnh, hợp lại thành giọt nước lớn và nặng. Khi giọt nước nặng quá, thì rơi xuống, thành ra mưa.

Nước mưa một phần thấm xuống đất, một phần chảy vào ao, vào ruộng, hay là chảy vào ngòi, vào sông, rồi lại ra bể.


Giải nghĩa. - Nghi ngút = hơi bay khói bốc lên nhiều. - Vung = cái nắp đậy trên cái nồi.

dần dần = lần lần. - rơi = rớt.



MƯA DẦM GIÓ BẤC


Về mùa đông, khi gặp mưa dầm gió bấc, thì phong cảnh nhà quê thật tiêu điều buồn bã. Ngoài đồng thì nước giá, thỉnh thoảng mới thấy lác đác có người cày hay bừa. Người nào người nấy cặm cụi (lụi cụi) mà làm, không trò chuyện vui vẻ như khi ấm áp. Trong làng thì đường sá vắng tanh, bùn lầy đến mắt cá chân. Xung quanh mình, không có một tiếng động, chỉ nghe gió thổi vào bụi tre ù ù, giọt nước rơi xuống đất lách tách.


Giải nghĩa. - Tiêu điều = vắng vẻ buồn bã. - Giá = lạnh cóng chân tay. - Cặm cụi = cắm đầu làm, không nghĩ đến việc khác. - Bùn lầy = đất lõng bõng nước.

TRUYỆN ÔNG NGÔ QUYỀN



Một đạo quân Tàu đi đường biển vào sông Bạch Đằng. Ông Ngô Quyền sai quân lấy gỗ đẽo nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông rồi chờ nước thủy triều lên, cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến quân giặc. Được ít lâu, ông giả cách thua, Ngược dòng sông chạy. Quân tàu đuổi theo, nhưng ngay lúc đó nước thủy triều xuống, thuyền của họ chạm vào cọc vỡ nát cả. Quân Tàu bị một trận thua to.

Được trận rồi ông Ngô Quyền lên làm vua, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên). Ông trị vì được sáu năm. Từ lúc ông lên làm vua là hết cuộc nội thuộc nước Tàu và bắt đầu thời kỳ tự chủ trong lịch sử nước Việt nam.


Giải nghĩa. - Sông Bạch Đằng = nhánh sông Thái Bình chảy vào gần tỉnh lỵ Quảng Yên. - Nước thủy triều = nước biển mỗi ngày dâng lên lại rút xuống. - Khiêu chiến = khêu cho người ta đánh nhau với mình.



ÔNG TRẦN QUỐC TUẤN


Hồi nước Việt Nam phải quân Mông Cổ sang đánh, vua ta giao binh quyền cho ông Trần Quốc Tuấn. Ông đánh trận đầu, vì quân Mông Cổ nhiều hơn quân ta, nên ông bị thua. Vua thấy thế mới bảo ông rằng: "Thế giặc mạnh lắm, trẫm sợ đánh nhau mãi khổ dân. Hay là trẫm hàng cho dân khỏi khổ?" Ông tâu rằng: "Bệ hạ phán thế, thực có bụng thương dân lắm; nhưng dám xin Bệ hạ biết cho rằng cái đạo làm vua, trước hết phải gìn giữ lấy giang sơn tiên tổ để lại cho đã. Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần đi đã." Vua nghe nói thế, vững dạ, không nghĩ đến việc ra hàng nữa.


Giải nghĩa. - Binh quyền = quyền rèn tập, coi bảo quân lính. - Trẫm = tiếng vua dùng để chỉ mình như ta nói "tôi", "ta", v.v... - Hàng = chịu phục, thôi không dám kháng cự lại, mà theo quyền phép người. - Giang sơn = đất cát, sông núi của một nước.
 
1

11thanhkhoeo

VUA LÝ THÁI TỔ DỜI ĐÔ RA THÀNH HÀ NỘI


Vua Lý Thái Tổ thấy đất Hoa Lư là chỗ nhà Đinh và nhà Lê đóng đô trước chật hẹp quá, mới dời đô ra thành Đại La là nơi thủ phủ nước ta về cuối thời nội thuộc Tàu. Sử chép rằng khi thuyền rồng nhà vua ra đến nơi, thì thấy một con rồng vàng bay lên trời. Nhà vua cho là điềm tốt mới đổi tên là Thăng Long nghĩa là "Rồng lên". Thế là thành Thăng Long, tức là thành Hà Nộ bây giờ, thành ra kinh đô nước Việt Nam.


Giải nghĩa. - Thủ phủ = chỗ các quan cai trị một hạt đóng. - Điềm = cái chứng triệu gì cho ta biết rằng công việc sau này tốt hay xấu. - Kinh đô = chỗ có triều đình nhà vua.


Thành Thăng Long là thành Hà Nội ngày nay




VUA LÊ THÁNH TÔN


Vua Lê Thánh Tôn sai quan làm bộ quốc sử và vẽ địa đồ nước ta. Ngài họp tập các nhà danh sĩ thời bấy giờ và khuyến khích việc văn học, ngài có soạn ra nhiều thơ chữ nho và thơ nôm nữa.

Ngài tìm cách mở mang nghề làm ruộng và nghề chăn nuôi. Ngài cho khai khẩn những đất hoang, mở ra hơn bốn mươi sở đồn điền cho dân nghèo khổ có việc mà kiếm ăn. Ngài lập ra nhà tế sinh để nuôi những người già yếu tàn tật, không có nơi nương tựa; khi nào có dịch tễ thì sai quan đem thuốc phát cho các người mắc bệnh.

Ngài lại đánh lấy được nước Chiêm Thành nữa.

Nói tóm lại đời vua Lê Thánh Tôn là một thời kỳ vẻ vang nhất trong lịch sử nước Nam.

Giải nghĩa - Danh sĩ = người làm văn có tiếng. - Thơ nôm = thơ tiếng ta.


Vua Lê Thánh Tôn đánh được
nước Chiêm Thành
 
1

11thanhkhoeo

TRUYỆN GƯƠM THẦN CỦA VUA LÊ LỢI



Tục truyền rằng vua Lê Lợi, trước khi nổi lên đánh quân Minh, vẫn ở Hà Nội làm nghề đánh cá.

Một hôm ngài quăng lưới xuống hồ Hoàn Kiếm, bấy giờ còn gọi là hồ Tả vọng, lúc kéo lên không được cá, lại được một thanh gươm rất đẹp, lưỡi rộng, cứng mà sáng loáng. Ngài được thanh gươm ấy, nổi lên đánh quân Tàu, đuổi ra ngoài nước, rồi lên ngôi vua ở Thăng Long (Hà Nội bây giờ).

Một hôm ngài ngự thuyền chơi trên hồ; ngài thấy có một con rùa to nổi lên, bơi lại gần ngài. Ngài sợ, lấy gươm gạt ra, nhưng con rùa đớp lấy gươm rồi biến mất. Ngài bấy giờ mới biết rằng con rùa ấy là vị thần hồ đã giúp ngài đánh quân Tàu. Sau người ta xây ở giữa hồ một cái tháp gọi là "Quy sơn tháp" (tháp Núi rùa), còn cái hồ ấy thì gọi là "Hoàn kiếm hồ" (hồ giả gươm).


Giải nghĩa. - Ngự = tiếng để chỉ những việc vua làm, hay là những cái gì vua dùng như: ngự lãm (vua xem), ngự thuyền (vua đi thuyền), ngự bào (áo vua mặc).


Con rùa thần nổi lên mặt nước




ÔNG LÊ LAI LIỀU MÌNH CỨU CHÚA



Vua Lê lợi bấy giờ ở Chí Linh bị quân tàu vây riết lắm; quân giặc sắp hạ được đồn, vua Lê tất bị giết. Vua mới hỏi tướng tá rằng: "Ai dám thay trẫm ra phá vòng vây, đánh nhau với giặc? Người ấy sẽ bị giặc bắt, còn trẫm thì nhân lúc giặc lui, mộ thêm quân, hợp binh lại, mưu sự báo thù." Ông Lê Lai ra nhận việc ấy.

Ông mặc áo ngự bào, cưỡi voi ra ngoài đồn, tự xưng là "Bình định vương" là hiệu vua Lê Lợi bấy giờ. Quân nhà Minh tưởng là vua Lê Lợi thực, xúm nhau lại bắt ông giết đi. Ông Lê Lai liều mình như thế thành ra cứu được vua Lê Lợi thoát nạn, mà nhân đó nước ta mới được tự chủ, khỏi phải quân Tàu áp chế.


Giải nghĩa
. - Vây = cho quân đứng quây xung quanh mà đánh. - Riết = quân vây rất nhiều mà đánh rất hăng. - Hạ = đánh lấy được. - Ngự bào = áo vua mặc. - Áp chế = đè nén, hà hiếp.


Ông Lê Lai cứu vua khỏi chết,
cứu nước khỏi khổ​
 
1

11thanhkhoeo

NGÀY GIỖ


Trên bàn thờ, đồ đồng, đồ sơn bóng lộn (trong bóng), đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút, trông thật là nghiêm trang. Thầy tôi đứng ở trước, châm một nắm hương, cắm vào bình hương, lạy hai lạy, rồi quỳ xuống hai tay chắp để ngang trán, miệng lẩm nhẩm khấn. Thầy tôi khấn và lạy xong, thì đến những người trong họ và chúng tôi cứ lần lượt vào lạy, mỗi người bốn lạy. Lễ xong một chốc hết tuần hương, thì cỗ bàn trên bàn thờ hạ xuống, dọn rượu, cả nhà hội họp ăn uống rất vui vẻ.


Giải nghĩa.
- Bóng = nhẵn và sáng trông nhấp nhánh. - Lẩm nhẩm = nói sẽ trong mồm, người ngoài không nghe tiếng. - Tuần hương = một lượt hương cháy hết.

nến = sáp.


Khói hương bay nghi ngút



BỮA CƠM NGON



Cậu Tí đi học về một chốc, thì cha ở ngoài đồng cũng vác cày, dắt (dắc) trâu, về đến nhà.

Cơm đã chín. Mẹ và chị dọn ra để trên gường. cả nhà ngồi ăn. Cơm đỏ, canh rau, chẳng có gì là cao lương mỹ vị. Nhưng cơm sốt, canh nóng, bát đũa sạch sẽ cả nhà ăn uống ngon miệng no nê.

Nhất là cha mẹ, con cái, trên thuận dưới hòa, một nhà đoàn tụ sum họp với nhau, thì dẫu cơm rau cũng có vị lắm.


Giải nghĩa. - Cao lương mỹ vị = đồ ăn quí, đắt tiền. - Sum họp = họp mặt đông đủ. - Có vị = ăn ngon miệng.


Cơm sốt canh nóng ăn ngon



CON CHIM VỚI NGƯỜI LÀM RUỘNG


Chim là loài ăn những côn trùng làm hại lúa. Nhờ có chim mới trừ được những giống ấy. Chim có thể đuổi bắt côn trùng ở trên không, hay nhặt (lặt) nó ở luống cày. Chim chính là tuần ngoại của ta đó. Người làm tuần ngoại, thì chỉ giữ được kẻ trộm cắp hoa màu mà thôi, chứ chim làm tuần ngoại, thì mới giữ nổi các loài sâu bọ đâu đâu cũng vào lọt.

Vậy loài chim có ích cho nhà nông lắm. Chớ nên giết hại nó.


Giải nghĩa. - Côn trùng = nói chung các loài sâu bọ. - Trừ = làm mất đi, giết đi. - Tuần ngoại = tuần coi lúa má ở ngoài đồng. - Hoa màu = các thứ cây ăn được trồng ở nơi cạn như: ngô, khoai, rau đậu.

nhặt = lượm.


Không nên giết hại loài chim
vì nó có ích cho người làm ruộng



ĐỨA BÉ VÀ CON MÈO


Cô Mão thơ thẩn ngồi chơi một mình ở trong vườn. Cô thấy con mèo lượn qua, cô gọi, cô vẫy lại. Mèo đến lẩn quẩn ở bên cạnh, cái đuôi ve vẩy như vui mừng, cái đầu ngẩng lên như chào hỏi, miệng thì kêu "meo meo" ra dáng bằng lòng lắm.

Cô Mão chơi với con mèo cũng lấy làm vui thích. Cô lấy tay vuốt ve nó, ôm nó vào trong lòng. Nhưng được một chốc, cô nắm lấy đuôi con mèo, kéo một cái thật mạnh. Mèo bị đau, giận quá, giơ ngay chân ra cào cô một cái, xước cả tay, rồi bỏ mà đi mất.

Cô Mão xít xa, lại thơ thẩn ngồi một mình ở trong vườn. Thế mới biết người ác chẳng ai chơi với.


Giải nghĩa. - Thơ thẩn = buồn bã, vì chỉ có một mình. - Lẩn quẩn = quanh ở bên mình không rời đi chỗ khác. - Xít xa = ý nói đau đớn, muốn kêu cho ra tiếng. Có nơi gọi là thít tha.

bé = nhỏ. - vẫy = ngoắc.


Không ai muốn làm bạn với người ác




CÁI CÒ, CÁI VẠC, CÁI NÔNG​
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng.


Cái cò, cái vạc, cái nông,
Sao mày giậm lúa nhà ông, hỡi cò?
Không, không tôi đứng trên bờ,
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi.
Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia.

Đại ý. Bài này lấy chuyện con, cò, con vạc, con nông, mà ngụ cái ý chê người nhà quê hay có tính xấu đôi co (chối) mách lẻo.


Giải nghĩa. - Cái vạc = tức là con vạc, một thứ chim về loài cò, lông xám hay lốm đốm, thường đi ăn về ban đêm. - Cái nông = một thứ chim thuộc về loài vịt, ta thường gọi là bồ nông hay bè bè, mình to bằng ba con vịt, mỏ dài và ở dưới có cái túi để đựng cá. - Đi đôi = đi đôi co (chối) để đối tụng.


Ta không nên đôi co mách lẻo



LÀM NGƯỜI PHẢI HỌC

Ngọc kia chẳng giũa, chẳng mài,
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.
Con người ta có khác gì,
Học hành quí giá, ngu si hư đời.
Những anh mít đặc thôi thời,
Ai còn mua chuộc, đón mời làm chi.


Đại ý
. Bài này nói người ta không học, thì ngu ***, chẳng biết nghĩa lý gì. Ví như hòn ngọc dẫu quí, nhưng không giũa không mài, thì cũng chẳng thành đồ mà dùng được. Vậy người ta ai ai cũng phải học thì mới khôn.


Giải nghĩa. - Vô dụng = không dùng được việc gì. - Quí giá = tôn trọng lên. - Hư đời = hỏng cả đời người, chẳng làm được việc gì. - Mít đặc = *** chẳng biết một tí gì cả.


Làm người phải học
 
1

11thanhkhoeo


MỘT KẺ THOÁN NGHỊCH: MẠC ĐĂNG DUNG


Bấy giờ là lúc nhà Hậu Lê đã suy. Vua thì nhu nhược hèn yếu. Trong nước thì giặc giã nổi lên. Giặc đến đánh phá kinh thành, vua phải chạy trốn. Mạc Đăng Dung là quan coi lính túc vệ ra cầm quân đánh giặc, tan rồi, nhân dịp ấy giữ lấy binh quyền và các quyền hành trong nước, việc gì cũng quyết định cả. Vua thấy thế lo sợ, chạy trốn, định lấy quân các nơi về đánh Đăng Dung. Nhưng Đăng Dung bắt được vua, đem giết đi rồi tự xưng làm vua mà lập ra nhà Mạc.

Tuy Đăng Dung đã lên ngôi rồi, nhưng trong nước còn nhiều người theo về nhà Lê.


Giải nghĩa.
- Thoán nghịch = người bầy tôi làm phản đánh lại nhà vua cướp lấy ngôi. - Lính túc vệ = lính theo hầu, trông nom cho vua phòng những kẻ phản trắc.


Về cuối đời nhà Lê,
trong nước có nhiều giặc giã



THÚ THẬT


Cậu Tô thơ thẩn chơi một mình ở trong phòng. Bỗng chốc cậu trông thấy có quít để trong nắp quả. Ôi chà! Những quả quít sao mà đỏ đẹp làm cho người ta thèm rỏ dãi (nhỏ nước miếng)! Không sao nhịn được, Tô chạy lại, lấy một trái bóc ăn.

Chiều đến, lúc mẹ về, gọi các con lại để cho quít thì thấy mất một trái. Mẹ liền hỏi: "Đứa nào lấy quít đây?" Tô đỏ bừng mặt, cúi đầu xuống, lẳng lặng một lúc, rồi thú ngay rằng: "Thưa mẹ, con."

Mẹ mắng: "À! Thằng này ăn vụng à! Ăn vụng xấu lắm, từ giờ phải chừa đi. Tao tha cho bận này, vì mày đã biết thú thật mà nhận lỗi."


Giải nghĩa.
- Thèm = muốn ăn. - Lẳng lặng = im không nói gì.


Khi phạm lỗi, nên thú thật
 
H

hiensau99

HỌC THUỘC LÒNG​



Thằng Bút học bài ngụ ngôn. Nó đọc cả bài hai ba lượt rất có ý và nhận nghĩa cho thật hiểu.

Nó đọc câu đầu, rồi không nhìn vào sách mà đọc lại. Nó đọc thong thả, rõ ràng, không sai chút nào.

Nó đọc sang câu thứ hai. Thuộc rồi, đọc lại cả với câu đầu. Rồi nò học luôn như thế cho đến câu cuối cùng.

Sau Bút học lại cả bài, năm bảy bận. Lúc bấy giờ, gấp sách lại, đọc làu làu, chắc mai vào lớp không sợ ngắc ngứ (trúc trắc).


Giải nghĩa. - Ngụ ngôn = chuyện đặt ra, có ý đẻ dạy bảo người ta. - Ngắc ngứ = đọc vấp váp, không trôi chảy. Có nơi gọi là ngúc ngắc.


Đọc bài thuộc làu làu​




PHẢI CÓ THỨ TỰ​



Đồng hồ đánh bảy giờ. Con Phong ung dung cắp sách đi học. Trong cặp nó đã sắp sẵn đủ cả sách, vở, bút, mực, bút chì và những đồ dùng khác. Ở lớp học cần đến cái gì, là có ngay. Nó không bỏ quên hay để mất cái gì bao giờ.

Hết buổi học về, Phong thay áo, treo lên mắc hay xếp vào hòm (rương), rất cẩn thận. Nên quần áo của Phong lúc nào trông cũng như mới.

Cả đến những chăn, gối, ở trên giường, giày, guốc để ở dưới đất, các đồ chơi để trong rương Phong cũng thu xếp đâu vào đấy, thật là gọn ghẽ. Nên khi dùng đến cái gì, là thấy ngay, không phải tìm (kiếm) mất công mất thời giờ. Phong là một đứa trẻ có thứ tự, ta nên bắt chước.


Giải nghĩa. - Ung dung = ôn hòa, thư thả. - Gọn ghẽ = cái gì cũng có một chỗ để, không bỏ bậy, bỏ bạ.

bút = viết. - chăn = mền.


Đồ đạc xếp đặt có thứ tự​
 
H

hiensau99

BỊNH CHÓ DẠI



Một hôm thằng Canh đang chăn bò ngaòi bãi cỏ, bỗng chốc nó nghe tiếng lũ trẻ chơi gần đấy kêu ầm lên. Nó ngoảnh lại thì thấy một con chó dại đang đuổi cắn. Thằng Canh sẵn gậy cầm tay, liền chạy lại đánh, thì con chó chồm lên cắn phải tay nó. Nó hăng lên, phang vào đầu con chó mấy cái thật mạnh, thì con ******** ngay.

Đoạn nó đánh bò về nhà, kể chuyện lại, thì cha nó liền đem nó vào nhà thương để chữa. Được ít lâu thì nó khỏi.

Ấy là nhờ có ông bác sĩ người Pháp là Pasteur đã tìm ra được thứ thuốc chữa bịnh chó dại, thì những người bị chó dại cắn mới chữa được, chư như trước đã bị chó dại cắn, thì mấy khi sống.


Giải nghĩa. - Chồm = nhảy xổ lên. - Phang = cầm gậy đánh thật mạnh. - Nhà thương = nhà chữa bịnh. - Bác sĩ = người học thông thái.

dại = điên.


Ông Pasteur là một người
có công với nhân loại​




VIỆN PASTEUR​



Có lắm bệnh như bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh chó dại, bệnh lao, do những con sinh vật rất nhỏ, mắt không trông thấy được, gọi là vi trùng, mà phát ra. Muốn trị các bệnh ấy, trước phải tìm xem giống vi trùng nào gây nên, rồi mới tìm thuốc hoặc để phòng, hoặc để chữa. Nay tìm được như thế là nhờ có một nhà khoa học đại tài người Pháp tên gọi là Pasteur. Chính ông đã tìm ra vi trùng bệnh chó dại và thuốc trị bệnh ấy; nhờ đó mà cứu được biết bao nhiêu là mạng người. Về sau, các nhà khoa học mới theo phương pháp của ông mà tìm ra vi trùng những bệnh khác. Các ông ấy làm việc trong những sở người ta lấy tên nhà khoa học Pasteur mà đặt ra viện Pasteur.

Ở Đông Dương nay có ba viện Pasteur: một viện ở Sài Gòn, một viện ở Nha Trang, một viện ở Hà Nội.


Giải nghĩa. - Sinh vật = tên gọi những giống biết ăn, biết uống, hoặc vận động được, hoặc không, nhưng sinh sản được mà có sống có chết. - Vi trùng = những con trùng nhỏ. - Phương pháp = cách thức mình phải tuần tự theo làm một công việc gì.


Ông Pasteur là một nhà khoa học đại tài​
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom