Đọc sách trực tuyến: Quốc văn giáo khoa thư (Nguồn: e-thuvien.com)

Status
Không mở trả lời sau này.
1

11thanhkhoeo

ÔNG VUA CÓ LÒNG THƯƠNG DÂN

Vua Thánh Tôn nhà Lý là một ông vua nhân từ, có lòng thương dân. Một năm, trời rét lắm, vua nghĩ đến những người tù phạm phải giam ở trong ngục, bèn bảo các quan rằng: “Trẫm ở trong cung, ăn mặc như thế này mà còn rét. Những kẻ nghèo khó, những tù nhân phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, thì khổ sở đến đâu?” Nói rồi truyền lấy chăn, chiếu phát cho tù. Lại có một hôm, đang buổi chầu, có công chúa đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy. Vậy từ nay về sau, tội gì cũng giảm bớt đi”.

Giải nghĩa:
Nhân từ: có lòng thương người. Tù phạm: người có tôi lỗi bị nhốt giữ. Trẫm: tiếng nhà vua tự xưng. Cung: nơi vua ở. Chăn: (tiếng quen dùng ở miền Bắc) mền. Buổi chầu: buổi tập hợp các quan ở chốn triều đình tâu báo các việc cho vua và nghe vua ra lệnh.


ĐƯỜNG XE LỬA CHẠY SUỐT XỨ ĐÔNG DƯƠNG.

Ở xứ Đông Dương, người Pháp đã đặt ra nhiều đường xe lửa để chở hành khách và hàng hóa cho chóng, hiện nay những đường ấy đã qua những nơi giàu có và nông dân ở rồi.

Trong các đường xe lửa ấy, con đường quan trọng nhất là đường chạy suốt cõi Đông Dương, khi nào làm xong thì các nơi, từ biên thùy nước Tàu cho đến biên thùy nước Xiêm, có thể giao thông với nhau được. Hiện nay đã làm xong được hai đoạn rồi: một đoạn về Bắc từ Na Sầm đến cửa Hàn, một đoạn về Nam từ Nha Trang đến Sài Gòn. Nhưng đợi đến khi cả đường làm xong thì có ôtô chở hành khách từ Nha Trang ra cửa Hàn và từ Sài Gòn sang Xiêm, thành thử từ Bắc vào Nam chẳng mất mấy nỗi thì giờ, đi thẳng một mạch có hai ngày rưỡi mà thôi.

Giải nghĩa: Chóng: (tiếng quen dùng ở miền Bắc) mau, gấp. Biên thùy: chỗ giáp ranh giữa hai nước. Xiêm: trước đây còn gọi là Xiêm La, nay gọi là Thái Lan. Ôtô: đọc từ tiếng Pháp (auto), xe hơi. Thành thử: cho nên. Mấy nỗi: không nhiều.

ĂN CHƠI VÀ BUÔN BÁN QUANH NĂM
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng


Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc, bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

Giải nghĩa. - Quanh = suốt. - Đoan ngọ = tết mồng năm tháng năm. - Bán trăm = buộc thành bó từng trăm một mà bán. - Xá tội vong nhân = xá tội là tha tội; vong nhân là người đã chết rồi. Tục ta tin rằng người ta chết, ai có tội phải giam ở dưới địa ngục, đến ngày rằm tháng bảy thì được tha một hôm. - Chung chân = cũng như chung lưng, nghĩa là góp tiền mà buông chung với nhau.



THƠ CÁI NÓN

(Thơ cổ)
Bài học thuộc lòng


Dáng tròn vành vạnh vốn không hư,
Che chở bao la khắp bốn bờ.
Khi để tưởng nên dù với tán,
Nên ra thì nhạt (lạt) nắng cùng mưa.
Che đầu bao quản lòng tư túi,
Giúp chúa nào quên nghĩa sớm trưa.
Vòi vọi ngồi trên ngôi thượng đỉnh,
Ai ai lớn nhỏ đội ơn nhờ.

Đại ý. Bài này tả cái nón, mà trong lại ngụ ý nói một bậc bề trên có độ lượng bao dung che chở cho nhân dân, cũng như cái nón che mưa, che nắng cho mọi người vậy.


Giải nghĩa.
- Vốn không hư = không dùng làm việc gì đê hạ. - Khi để = khi đội lên đầu. - Bao quản = ý nói ai đội cũng được, không riêng tư với ai cả. - Thượng đỉnh = thượng: trên; đỉnh: chỏm đầu, nói cái nón đội trên đầu.
 
1

11thanhkhoeo

NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG VỚI CON CHÓ


Một người cưỡi ngựa đi đến đầu làng kia, có con chó đang ngủ giữa đường, bỗng giật mình thức dậy, đuổi theo con ngựa, sủa cắn mãi, làm cho con ngựa sợ, chạy lồng lên. Người cưỡi ngựa tức giận vô cùng, muốn giết ngay con chó, mới bảo rằng: "Tao mà có súng, thì cho mày một phát là hết cắn. Nhưng mà được, tao đã có cách làm cho mày chết." Nói xong, người kia chạy đến giữa làng, kêu to lên rằng: "Chó dại! Chó dại!" Những người xung quanh đấy, nghe tiếng kêu chó dại, liền vác gậy, vác xẻng ra đuổi đánh chết con chó.

Gớm thay cho lời nói của người ta, có khi giết hại được hơn là đồ binh khí!


Giải nghĩa
. - Lồng = chạy vùng lên. - Phát = mỗi lần bắn một viên đạn. - Cắn = sủa. - Binh khí = gươm giáo, súng ống.



KHÔNG NÊN BÁO THÙ


Một hôm, một người hào phú có chuyện lôi thôi với một người thợ. Đang cơn tức giận, người hào phú lấy hòn đá ném người thợ. Người thợ nhặt hòn đá cất đi một chỗ, nghĩ bụng rằng: "Thế nào cũng có lúc tao lấy hòn đá ném được vào đầu mày".

Cách ít lâu, người hào phú chẳng may cửa nhà sa sút, của sạch không, phải đi ăn xin.

Một hôm, người thợ trông thấy người ấy ăn mặc rách rưới, đi qua trước cửa, vội vàng chạy đi lấy hòn đá, định để ném lại. Nhưng khi tay đã cầm hòn đá, anh ta lại nghĩ rằng: "Người ấy lúc còn giàu sang mà ta báo thù thì là dại, bây giờ người ấy khổ sở mà ta báo thù thì là hèn. Thôi, ta không nên báo thù." Rồi quẳng hòn đá xuống ao.


Giải nghĩa. - Hào phú = người giàu có và có thần thế. - Nhặt = lượm. - Sa sút = suy kém. - Dại = đây là có ý nói lúc người hào phú có của, có thế, mà mình báo thù thì tất nó hại được mình.



CÁC KHOA THI

Ngày xưa, học trò học chữ nho đi thi để có chân khoa mục và ra làm quan. Thi có hai khoa: thi hương và thi hội.

Những người đậu thi hương chia ra làm hai hạng: một là hương cống sau gọi là cử nhân, hai là sinh đồ sau gọi là tú tài. Còn người đậu thi hội thì có ba hạng, gọi là tiến sĩ (nhà Trần gọi là thái học sinh). Vua Lê Thái Tôn muốn cho việc thi cử thêm bề trọng thể, mới lập ra lệ xướng danh và vinh quy. Ngài lại sai khắc tên những người đậu tiến sĩ vào bia đá. Những bia đá ấy nay còn dựng ở nhà văn miếu ở Hà Nội và Huế.

Giải nghĩa: Khoa mục: thi đậu, được vua ban cho bằng sắc. Thi hương: khoa thi mở ở các địa phương lớn để tuyển Tú tài và Cử nhân. Thi hội: khoa thi mở ở kinh đô để tuyển tiến sĩ. Hương cống, cử nhân: người thi hương đậu từ số 50 trở lên. Sinh đồ, tú tài: người thi hương đậu từ số 50 trở xuống. Trọng thể: có bề thế lớn được người nể vì. Vinh quy: về làng sau khi thi đậu được đón rước linh đình.


NGƯỜI ĐI BUÔN THẬT THÀ


Anh Thương, từ khi đậu được bằng Việt Nam sơ học rồi không học nữa ở nhà coi hàng giúp mẹ. Sau đi làm công cho một cửa hàng to để học nghề buôn bán, khi đã sành nghề rồi, anh ta mới về mở một cửa hàng buôn bán tạp hoá.

Anh ta đi buôn, biết lấy điều cẩn thận, thật thà làm đầu. Tuy thấy hàng hoá bán chạy, có nhiều người đến mua nhưng không bao giờ anh ta giở trò gian ngoa để tham lấy nhiều lợi. Các bạn hàng thấy vậy, ai cũng tin bụng thật thà của anh Thương, mà đến mua rất đông. Bởi vậy cái cửa hàng của anh ta phát đạt và thịnh vượng lắm.

Giải nghĩa
: Bằng Việt Nam sơ học: bằng của những học trò học hết bậc sơ đẳng ra thi và đủ điểm để được cấp phát. Bậc sơ đẳng, ngày xưa, là bậc tiểu học bây giờ. Thời Pháp thuộc, học xong sơ đẳng, nhiều người đã lớn tuổi. Tạp hoá: hàng nhiều loại. Gian ngoa: có hành động hoặc lời nói không thật để lừa người mà thu lợi cho mình. Phát đạt: tiến triển tốt, càng ngày càng thu lợi nhiều.
 
H

hiensau99

MỘT NGƯỜI ANH TỐT​



Ông Thôi Lượng ngày xưa là người rất hiếu đễ, cha mẹ mất sớm, ông phải trông nom nuôi nấng các em. Nhà nghèo, ông phải đi viết mướn để kiếm ăn. Bấy giờ có ông Lý Sùng đang làm quan to, có quyền thế, nhiều người đến làm tôi tớ, để mong danh lợi. Người anh họ ông Thôi Lượng tên là Quang cũng đi theo Lý Sùng.

Một hôm, Quang đến bảo ông Thôi Lượng rằng: "Tội gì mà cứ viết thuê mãi, đi theo Lý Sùng thì được sung sướng. Vả nhà ông ấy lại có nhiều sách, đến đấy tha hồ mà xem." Ông đáp lại rằng: "Tôi sung sướng lấy một mình, mà để các em tôi ở nhà phải đói rét thì sao cho đành. thà rằng cứ chịu nghèo đói, mà anh em sum hợp với nhau còn hơn." Nhất định ông không chịu đi, cứ ngày ngày ra chợ viết thuê để lấy tiền về nuôi em.


Giải nghĩa. - Hiếu đễ = hiếu là lòng thảo ở với cha mẹ; đễ là lòng tử tế với anh em. - Nuôi nấng = săn sóc. - Danh lợi = cũng như là công danh phú quí. - Tha hồ = muốn bao nhiêu cũng có, mặc sức. - Đói rét = đói lạnh.



ĐẠO BẰNG HỮU PHẢI CHO CÓ THỦY CHUNG​



Ngày xưa ông Dương Tiêu Sơn là bậc trung thần, thấy người Nghiệm Tung chuyên quyền làm bậy, ông bèn dâng sớ hạch tội, bị Nghiêm Tung bắt bỏ ngục. Các quan đều sợ hãi, không ai dám vào thăm. Chỉ có ông Từ Tử Dữ ngày ngày đem cho cơm rượu, Dương Tiêu Sơn bảo Từ Tử Dữ rằng: "Anh chớ hay lại thăm tôi, e rồi lại liên lụy." Từ Tử Dữ nói rằng: "Bạn hữu với nhau, chỉ quí về lúc này mà thôi. Đạo luân lý của ta cốt trọng về lòng trung nghĩa, mà bây giờ anh bị kẻ gian thần ức hiếp, lẽ nào tôi lại bỏ anh hay sao? Anh cứ để tôi đi lại thăm anh, dẫu có làm sao nữa, thì tôi cũng chẳng thiết gì quan chức đâu, xin anh đừng ngại!"

Đáng khen thay ông Từ Tử Dữ biết quên mình mà giữ cho trọn đạo bằng hữu!


Giải nghĩa. - Hạch tội = bẻ tội, bắt tội. - Liên lụy = lây vạ đến mình. - Bằng hữu = bè bạn.


LÍNH THÚ ĐỜI XƯA
(Lúc ra đi)
Ca dao
Bài học thuộc lòng


Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp
hỏa mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa.


Giải nghĩa. - Lính thú = lính đi đóng đồn trên mạn ngược. - Bao vàng = bao bằng vải vàng của lính ngày trước đeo. - Nón dấu = nón chóp đỏ của lính đội ngày xưa. - Hỏa mai = ngòi súng. Đời xưa bắn súng nạp tiền phải châm ngòi mới bắn được. - Thuyền = ghe. - Ngũ liên = trống đánh từng hồi năm tiếng một, để thúc giục người ta đi cho mau.



LÍNH THÚ ĐỜI XƯA
(Lúc đóng đồn)
Ca dao
Bài học thuộc lòng


Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai.
Miệng ăn măng trúc, măng mai,
Những
dang cùng nứa, lấy ai bạn cùng.
Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng.​


Giải nghĩa. - Lưu đồn = nơi lính đóng để phòng bị giặc cướp. - Chém = đốn. - đẵn = chặt. - Hữu thân hữu khổ = có thân là có khổ, nghĩa là đã làm người, thì ai cũng phải chịu khổ. - Dang = một thứ nứa dài dóng, người ta dùng làm lạt buộc. - Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng = người đi thú than thân mình không được thảnh thơi như con cá ở giếng.
 
1

11thanhkhoeo

KHÔNG THAM CỦA NGƯỜI


Ông Nguyễn Đình Thản người huyện Châu Lộc, tỉnh Nghệ An, tính rất thuần hậu, không bao giờ tham lam mà lấy của ai một tí gì.

Ông có mua một cái nhà cũ, định sửa sang lại để ở. Khi người cháu đào viên đá tảng, thấy dưới viên đá có hai hũ đựng mười lạng bạc, mới đem vào trình ông. Ông nói: "Đây là của người chủ cũ, không phải là của ta, chớ nên lấy. Nếu lấy là lấy của phi nghĩa. ta nên để trả người ta".

Nói rồi, ông sai đem cất đi cẩn thận. Sau quả nhiên, người chủ cũ đến xin lấy của ấy, ôgn gọi người nhà đem ra trả ngay. Người kia cảm phục cái bụng của ông, xin chia đôi để biếu ông một nửa. Ông nhất định không lấy.

Người đời bấy giờ ai cũng khen ông là một bậc quân tử đáng tôn kính vậy.


Giải nghĩa. - Đá tảng = một khối đá to. - Phi nghĩa = trái với lẽ phải. Quân tử = người có tư cách, có độ lượng hơn người thường.



KHÔNG VÌ TIỀN MÀ LÀM ĐIỀU PHI NGHĨA



Ông Mã Duy Hàn là một ông quan đời trước, có tiếng là người thanh liêm, chính trực.

Thuở ông còn hàn vi làm học trò, đến ở trọ một nhà giàu kia. Nhà ấy có thù hằn với một nhà khác, định bày mưu để vu tội cho người ta, mới đem một trăm nén vàng cho ông, bảo ông đứng ra làm việc ấy. Ông nhất định không chịu, mà bảo rằng: "Xưa nay tôi học những gì, mà bây giờ tôi lại tham của hại người như thế?" Nói đoạn, ông nghĩ bụng rằng: nhà này cậy có tiền của, toan làn những điều gian ác, không phải là nhà ta ở được, bèn dọn đi tìm nhà khác ở.

Người ta nên bắt chước như ông Mã Duy Hàn, không bao giờ nên để cho lòng tham tài lợi khiến được mình làm điều phi nghĩa.


Giải nghĩa.
- Hàn vi = đói nghèo. - Vu tội = bày tội ra mà đổ oan cho người ta. - Tài lợi = của cải.
 
1

11thanhkhoeo

QUẢ BỨA


Năm và Sáu cùng đan tay đi với nhau. Chợt đâu bắt được một quả bứa ở giữa đường. hai cậu tranh nhau mãi. Năm thì rằng: "Quả bứa ấy của tao, vì mắt tao trông thấy trước." Sáu thì rằng: "Của tao, vì tay tao nhặt lên được." Hai cậu to tiếng cãi nhau, giơ chân, giơ tay, chực sinh sự đánh nhau. Ngay lúc ấy có cậu Cả vừa đi qua, hai cậu vội mời lại để nhờ phân xử hộ.

Cậu Cả nghe đầu đuôi, cầm ngay lấy quả bứa, bảo hai cậu đứng sang hai bên. Đoạn, cậu móc túi, lấy con dao con, bổ (cắt) quả bứa ra làm đôi, rồi làm bộ nghiêm trang mà nói rằng: "Năm, mày trông thấy quả bứa trước, mày lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt được quả bứa lên, mày lấy nửa vỏ này. Còn những múi bứa đây là phần tao cả, vì tao đã mất công khó nhọc phân xử việc này cho chúng bay."

Nói xong, cậu Cả bỏ bứa vào miệng rồi vừa đi vừa cười. Còn Năm và Sáu thì đứng trơ mắt ra đó.


Giải nghĩa. - Bắt = xí. Quả = trái. - Nhặt = lượm. - Nhau = lộn. - Đoạn = xong rồi. - Nghiêm trang = ra dáng đứng đắn oai vệ lắm.



BẢO CỬ LÀ GÌ?



Sáng hôm chủ nhật, cậu Sử nghe thấy nói có quan về tại đình làng và nhân dân nhộn nhịp rủ nhau đi bảo cử. Sử không hiểu bảo cử là gì, mới hỏi anh, thì anh giảng rằng:

"Làng ta hiện khuyết lý trưởng, vì người lý trưởng trước là ông Phú mới xin từ dịch. Nên quan về chủ trương để cho dân kén chọn một người ra thay. Dân sự kén chọn lấy người thay mặt để ra làm việc quan như vậy gọi là bảo cử."

Sử lại tò mò hỏi: " Vậy bảo cử thì người ta làm thế nào?" Anh đáp: "Ai được đi bầu và muốn bầu cho ai, thì viết sẵn tên người ấy vào một mảnh giấy, gấp lại để bỏ vào trong một cái thùng trước mặt quan. Hễ ai được nhiều người bỏ vé bầu cho mình thì người ấy được làm lý trưởng. Ấy đại để cái cách bảo cử như thế. Tựu trung còn có nhiều điều khó hơn. Nhưng thôi, đợi bao giờ đến tuổi được đi bầu rồi em sẽ biết."


Giải nghĩa. - Nhộn nhịp = chộn rộn. Khuyết = thiếu, đây là không có người làm. - Từ dịch = thôi không làm việc nữa. - Chọn = lựa. -Tò = lần. - Làm thế nào = làm sao. - Vé = giấy. - Tựu trung = tựu: tới, trung: trong; ở trong việc ấy còn có việc khác nữa.

CON HỔ VÀ CON CHUỘT NHẮT (LẮT)


Một hôm. con chuột nhắt (lắt) chạy qua gần con hổ. Hổ thò chân ra bắt. Chuột van lạy rằng: "Trăm lạy ông, thân con bé bỏng, ông tha cho làm phúc". Hổ bảo rằng: "Ừ, mày bé thế này tao chẳng thèm ăn thịt. Thôi, ta tha cho." Chuột được tha, nói rằng: "Cám ơn ông, cái ơn tái tạo ấy, con không dám quên. Chắc ông ở hiền rồi lại gặp lành!"

Được ít lâu, hổ bị mắc vào lưới. Hổ gầm, nhẩy hết sức cũng không thoát ra được, đành nằm ép một bề để đợi chết. May sao chuột nhắt ta đi qua đấy, trông thấy, chạy về gọi nhà chuột ra, cắn một lát đứt mắt lưới, hổ mới thoát được.

Xem như thế thì ở đời làm ơn không bao giờ thiệt, và nhiều khi những kẻ hèn mọn cũng có thể giúp được việc cho ta.


Giải nghĩa. - Tái tạo = tái là một lần nữa; tạo là dựng ra. Ý nói như đã chết rồi mà lại cho sống lại.



CON RÙA VÀ CON CHUỘT


Con chuột chạy nhung nhăng khắp nhà, gặp con rùa đang lịch kịch kéo cái mai, ra bộ nặng nề lắm. Chuột liền đến bên cạnh, quật đuôi, nhếch miệng, than thở hộ cho con rùa rằng: "Mày ở trong cái mai ấy khác gì như ở trong ngục tối. Khốn thay! Thế mà mày chịu được! Tao đây, cả một tòa lâu đài trang hoàng rực rỡ, trên, dưới, trong, ngoài tao chơi đâu cũng được." Rùa nghe nói, đáp rằng: "Nhà tôi ở bé nhỏ thật, nhưng là nhà của tôi; nhà bác ở cao rộng thật, nhưng là nhà của người. Nhà của mình mình ở, dầu bé nhỏ cũng còn hơn ở lâu đài của người ta.

Ta về ta tắm ao ta,
Dầu trong dầu đục, ao nhà đã quen.



Giải nghĩa. - Nhung nhăng = lung lăng. - Lịch kịch = ý nói đi ra dáng nặng nhọc lắm. - Ngục tối = chỗ giam những người có tội nặng. - Lâu đài = nhà sang trọng to lớn. - Trang hoàng = bày biện sang trọng. - Ta về ta tắm... = câu ca dao ý nói ta về ở nhà ta, dầu cho nghèo hèn thế nào cũng hơn ở chỗ khác.
__________________
 
1

11thanhkhoeo

ÔNG CHU VĂN AN


Ông Chu Văn An là người tỉnh Hà Đông bấy giờ, đỗ tiến sĩ về đời nhà Trần. Tính ông ngay thẳng và điềm đạm, không ham danh lợi, chỉ chăm làm cho tỏ đạo thánh hiền và trừ khử những mối dị đoan.

Ông thi đỗ rồi về mở tràng dạy học, học trò rất đông, có người làm đấn thượng thư, tể tướng, nhưng đối với ông phải giữ lễ học trò. Khi nào đến thăm thầy, vẫn phải đứng hầu. Trong bọn học trò, ai có điều gì không phải, dẫu quyền quí thế nào cũng mặc, ông quát mắng đuổi ra.

Vua nghe ông là bậc đạo đức mô phạm, triệu vào kinh cho làm quan, để dạy thái tử. Sau ông thấy chính sự trong Triều suy đồi, bọn quyền thần lắm kẻ làm bậy, ông dâng sớ xin chém bảy người gian nịnh. Vua không nghe lời. Ông bèn xin từ chức không thiết gì đến công danh quyền lợi nữa. (*)

Người trong nước ai cũng khen ông là bậc cao hiền. Khi mất, vua cho đem thờ trong Văn miếu, ngang hàng với bậc tiên nho.


Giải nghĩa. - Tiến sĩ = người thi đình đỗ. - Điềm đạm = yên tĩnh. - Dị đoan = mối lạ, những điều huyền hoặc. - Mô phạm = khuôn phép, có thể làm gương cho người ta bắt chước. - Tiên nho = những bậc hiền đời trước.



MỘT NGƯỜI KHOAN HÒA VÀ THUẦN HẬU



Ông Trình Hiệu là một nhà hiền triết đời xưa. Ông tính khí cẩn thận, hồn hậu, không hay nói xấu ai bao giờ. Ở nơi công chúng, thấy ai chỉ nghị người nào, thì ông bênh người vắng mặt hoặc ông không bắt chuyện, chờ cho người ta nói xong, ông mới thủng thỉnh mà nói rằng: "Vị tất điều học đồn đã thật", rồi ông lại kể những điều hay của người bị chỉ nghị ra cho mọi người biết. Đối với người ngoài thì thế, mà đối với chính mình, thì không bao giờ ông giận ai hoặc trách ai điều gì. Có khi đang dự tiệc, bị có người chế nhạo, ai cũng lấy làm ngạc nhiên, nhưng ông cứ để mặc, không cãi điều gì cả. Sau mới nói rằng: "Người ấy say rượu, ta cãi làm gì!"

Ông khoan hòa thuần hậu như thế, cho nên ai cũng kính phục.


Giải nghĩa. - Công chúng = chỗ có cả nhiều người ngồi. - Chỉ nghị = chê bai, bài bác. - Bắt chuyện = tiếp chuyện, đáp lại. - Thủng thỉnh = thong thả, dẽ dàng. - Chế nhạo = hủy báng.
 
1

11thanhkhoeo

KHÔNG NÊN KHINH NHỮNG NGHỀ LAO LỰC


Cậu Trác ra tỉnh lỵ học đã lâu ngày, nhân dịp Tết được nghỉ về nhà chơi. Câu thấy anh đang chân đạp máy cửi, tay đưa thoi, ra dáng vất vả, thì cậu phàn nàn với mẹ rằng: "Con trông thấy anh con làm ăn mà thương. Con chẳng làm nghề ấy. Con cố học để ngày sau được làm quan, hiển vinh sung sướng."

Bà mẹ cười mà đáp rằng: "Con cố chí học hành để mai sau làm quan, mẹ cũng mừng. Nhưng con đừng vội khinh cái nghề của anh con. Anh con có dệt vải, thì bây giờ con mới có quần áo mặc mà đi học, ngày sau con mới có quần áo mặc mà ngồi công đường. Không cứ gì một nghề dệt vải, mà tất cả bao nhiêu nghề khác làm bằng chân tay, như cha con đi cày, người thợ rèn sắt, người gồng thuê gánh mướn, người phu kéo xe... đều là những nghề có ích cả, ta đều phải kính trọng cả mới phải. Con chớ nên cậy có chút học thức mà khinh những người làm ăn vất vả."


Giải nghĩa. - Lao lực = nói những nghề làm ăn phải dùng đến sức khỏe, khó nhọc đến thân thể. - Tỉnh lỵ = chỗ quan tỉnh đóng. - Cố chí = muốn làm một việc gì cho kỳ được. - Vất vả = cực khổ.



CÁI THÚ NHÀ QUÊ VÀ CÁI THÚ KẺ CHỢ



Anh Minh và anh Ất là hai anh em con cô con cậu. Nhà anh Minh thì buôn bán ở tỉnh thành; cha mẹ anh Ất thì làm ruộng ở nhà quê.

Một hôm, Minh viết thơ cho Ất rằng: "Em cố xin phép cha mẹ mà ra tỉnh chơi. Ra đây anh sẽ đem đi xem các dinh thự to lớn, lâu đài đẹp đẽ, sẽ đem đi chơi những nơi phong cảnh rực rỡ, bam đêm đèn máy thắp sáng như ban ngày, người đi lại đông như ngày hội."

Ất đáp lại rằng: "Đến độ nghỉ hè, anh có về nhà quê chơi thì ta sẽ đi xem người làm lụng ngoài đồng, nơi thì trồng rau, nơi thì tát nước. Sáng dậy, ta đi câu cá rô, cá giếc, chiều về ta đi lấy ổi, lấy nhãn, hoặc ta ra chỗ rừng bên cạnh chùa, tha hồ cây to bóng mát, rộng rãi thảnh thơi."


Giải nghĩa. -
Kẻ chợ = người dinh. - Dinh thự = nhà các quan to ở. - Lâu đài = nhà to đẹp đẽ. - Rực rỡ = đẹp đẽ, lộng lẫy. - Nghỉ hè = nghỉ bãi tràng.
 
1

11thanhkhoeo

CỐI GIÃ GẠO

CoiGiaGao.jpg

Gạo xay ra, phải giã cho trắng, thì mới ăn được. Giã gạo đã có thứ cối lớn bằng đá, chôn xuống đất. Trên có cái cần lớn và dài, bằng gỗ. Một đầu cần, thì có cái chày, gọi là mỏ, bỏ xuống vừa vào giữ lòng cối. Chia ba một phần cần, về đằng đầu kia, thì có cái trục suốt qua cái cần, và gối đầu vào hai súc gỗ và có lỗ đục sần. Hai bên có hai tấm ván, gọi là bàn cối.

Gạo đã đổ vào cối, một người đứng, hai tay níu vào hai cái dây treo trên mái nhà. Một chân đứng lên bàn cối, một chân đạp vào cái cần mà giẫm xuống, thì đầu chày giơ lên. Khi nhấc chân lên, thì đầu chày rơi vào cối. Cứ giã như thế độ một chốc, gạo xát hột nọ với hột kia, gióc (tróc) hết vỏ mà trắng dần ra. Gạo giã xong, người ta đem giần: cám thì cho lợn ăn, tấm thì để nấu ăn cũng như cơm.

Giải nghĩa: Trục: còn gọi là cốt, mãnh gỗ chốt ngang một vật gì. Gióc: (tiếng quen dùng ở miền Bắc) tróc, bị lột lớp ngoài ra.
 
1

11thanhkhoeo

KẺ Ở NGƯỜI ĐI


Cơm nước xong rồi, thầy mẹ tôi, anh em, chị em tôi, cả đến kẻ ăn người ở trong nhà, đều tiễn tôi ra tận bờ sông, chỗ thuyền đậu.

Vừa ra khỏi nhà, thì trong lòng tôi tự nhiên sinh ra buồn rầu vô cùng. Từ thuở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà, nay tôi mới biết cái cảnh biệt ly là một! Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường!

Thuyền nhổ sào, ai nấy đều chúc cho tôi được thuận buồn xuôi gió, bình yên khỏe mạnh. Thuyền đi đã xa, mà tôi còn đứng nhìn trở lại, nhìn mãi cho đến lúc không trông thấy nhà nữa mới thôi. Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!


Giải nghĩa.
- Biệt ly = xa cách nhau. - Quyến luyến = yêu mến, vướng vít trong lòng. - Nhổ sào = lôi sào cắm ở sông lên, để chở thuyền đi. - Trông = ngó.



THƯ TỪ​



Viết thư cho ai tức là lấy chữ viết thay lời nói, tỏ ý với người ta, nghĩa là giải bày những tư tưởng, những tính tình của mình bằng chữ viết cho người ta biết.

Vậy thư viết cũng như chuyện nói, phải cho tự nhiên, nhưng đã cầm bút viết, thì lời lẽ ắt chải chuốt hơn và cẩn thận hơn là lời nói.

Thư viết lại cốt phải rõ ràng và giản dị, nghĩa là chữ dùng câu đặt, phải cho đâu ra đó, không mập mờ lầm lẫn, không nhảm nhí lôi thôi, chỉ diễn rõ tư tưởng là đủ, không cần gì phải văn hoa cho lắm.

Thư viết cho họ hàng bạn bè thì cốt phải tỏ lòng tử tế thân ái. Kẻ dưới viết cho người trên thì phải tỏ bụng tôn trọng cung kính, mà người trên đáp lại kẻ dưới thì phải có bụng yêu mến ân cần. Còn thư về việc buôn bán thì phải khúc chiết.


Giải nghĩa
. - Thư = thơ. - Tư tưởng = những điều nghĩ ngợi trong bụng. - Chải chuốt = trơn tru, không lôi thôi ngúc ngắc. - Giản dị = dễ dãi. - Khúc chiết = gẫy nghĩa.



RẮN ĐẦU BIẾNG HỌC
(Thơ cổ)
Bài học thuộc lòng
Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà,
Rắn đầu biếng học lẽ không tha.
Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm, rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba.
Từ nay Châu, Lỗ, xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Lê Quí Đôn


Đại ý
. Tục truyền xưa có người ra cho ông Lê Quí Đôn bài thơ này lúc ông hãy còn ít tuổi. Đầu đề có chữ "rắn", ông ứng khẩu làm ngay được, câu nào cũng ghép được tên một thứ rắn: liu điu, hổ lửa, mai gầm, rắn ráo, thằn lằn, hổ mang, thật cũng là một nhà làm thơ có tài vậy.


Giải nghĩa.
- Rắn = cứng. - Biếng = nhác. - Liu điu = rắn nước; đây dùng nghĩa bóng nói người hèn hạ. - Thẹn đèn, hổ lửa = ý nói học hành *** nát, trông thấy đèn lửa mà thẹn thò, xấu hổ. - Nay thét, mai gầm = ý nói không chịu học, làm cho cha phải quở mắng luôn. - Vệt năm ba = nói phải đòn trên lưng, còn lằn. - Châu, Lỗ = trỏ đạo Khổng, Mạnh; ông Khổng tử ở nước Lỗ, ông Mạnh tử ở nước Châu. - Thế gia = nói một nhà ông cha đời trước làm nên danh giá.


Giải nghĩa: Rắn: tiếng quen dùng miền Bắc, có nghĩa là cứng. Ở đây còn muốn ám chỉ đến rắn, là loài bò sát, vì trong bài này câu nào cũng có tên một loài rắn. Liu diu: hèn hạ, còn có nghĩa là loài rắn nước. Thẹn đèn, hổ lửa: thấy đèn, thấy lửa mà hổ thẹn vì học ***. Tiếng hổ lửa còn là tên một loài rắn độc, đầu có màu đỏ. Nay thét, mai gầm: bị gầm thét, quát mắng thường xuyên vì biếng học. Mai gầm còn là tên một loài rắn độc khác. Ráo: khô. (Ráo còn là tên một loài rắn). Lếu láo: qua quít cho xong việc, chẳng vào đâu cả. Lằn: vệt roi trên da thịt. (Lằn còn là con thằn lằn, một loài bò sát). Châu, Lỗ: nước Châu, quê của ông Mạnh Tử, nước Lỗ quê của ông Khổng Tử, hai nhà hiền triết nổi tiếng thời xưa ở Trung Quốc. Tiếng Châu, kể như đọc giọng Bắc của tiếng Trâu, tên một loài rắn (rắn hổ trâu). Hổ mang danh tiếng thế gia: xấu hổ mà mang cái tiếng con nhà danh giá. (Hổ mang còn là còn là tên một loài rắn độc).


RĂN KẺ THAM​



Người đời ngay thật là khôn,
Gian tham ghen lận sao còn được hay ?
Mưu thâm chất nặng, chứa đầy,
Nhà đều ăn cả, tội nay một mình.
Người làm một việc chẳng minh,
Cũng khi họa đến không dành riêng ai.
Càng gian, càng giảo ở đời,
Lại càng khốn đốn nhiều tai âu sầu.
Dù cho giàu có đến đâu,
Cũng như nước dốc qua hầu tràn đi.
Trích ở sách ÂM-CHẤT


Giải nghĩa.
- Lận = keo cúi, bủn xỉn (bỏn xẻn). - Mưu thâm = dùng những mẹo sâu sắc để lừa gạt người ta. - Chẳng minh = không được rõ ràng. - Tai = những điều xảy đến làm cho mình khổ sở. - Cũng như nước dốc qua hầu tràn đi = câu này ý nói những của gian tham mà được, thường khi không được bền, tụ rồi lại tán ngay như nước chảy qua chỗ dốc vậy.
 
1

11thanhkhoeo

CỐ ALEXANDRE DE RHODES VÀ VIỆC ĐẶT RA CHỮ QUỐC NGỮ

Ngày xưa, ở nước ta, muốn viết tiếng ta, thì người ta dùng một lối chữ goi là “chữ nôm” do chữ ở nho ra. Những chữ ấy khó đọc lắm.

Đến khi các ông cố đạo ở Châu Âu sang nước Việt Nam, các ông ấy mới lấy những chữ cái vần la tinh mà đặt ra chữ “quốc ngữ” tức là chữ ngày nay trong nước ta đã thông dụng.

Các ông cố người Pháp và nhất là cố Alexandre de Rhodes có công trong việc đặt ra lối chữ ấy lắm.

Cố Alexandre de Rhodes ở bên nước Việt Nam ngoại bảy năm. Ông có viết nhiều sách về nước Nam, nhất là quyển lịch sử đất Bắc Việt và một tự điển tiếng ta dịch ra tiếng la tinh và tiếng Bồ Đào Nha. Các sách của ông là những sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ.

Giải nghĩa:
Cố đạo: tiếng gọi những người chức sắc trong đạo Thiên chúa sang truyền đạo ở Việt Nam. La tinh: tiếng nói của người La Mã xưa, vốn là gốc của tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha v.v… Thông dụng: dùng rộng rãi trong nước. Tự điển: sách chép đầy đủ tiếng của một nước với sự giải nghĩa rõ ràng.




TUẦN PHU

DiemCanh.jpg


Tuần phu là trai tráng trong làng cắt ra để canh phòng cho dân. Họ ngồi trong điếm đánh trống cầm canh, hoặc họ đi lùng đây đó, xó chợ, đầu đình, ngoài đồng, trong ngõ, để rình bắt những kẻ gian phi, trộm cướp. Vì có tuần phu nên của cải ta để trong nhà, không sợ mất cắp, thóc lúa ở ngoài đồng không sợ gặt trộm; ngày ta được yên tâm làm ăn, đêm ta được vững dạ ngủ ngon. Thật là việc trị an chung cho cả dân làng, mà tuần phu phải sớm khuya khó nhọc. Có khi họ liều mình, xông vào chỗ đầu gậy, mũi dao, nguy hiễm đến nỗi phải bị thương hay bỏ mạng. Vậy ta há lại không biết công cho họ ru?

Giải nghĩa: Điếm: trạm gác, nhà nhỏ để những người tuần phu ngồi canh. Đi lùng: đi khắp nơi tìm kiếm phát hiện những gì đáng nghi ngờ. Gian phi: kẻ làm điều trái phép. Trị an: giữ gìn an ninh, coi sóc cho được yên ổn. Bỏ mạng: chết. Ru: sao? (tiếng quen dùng ngày xưa) để kết thúc một câu có giọng tán thán.
__________________
 
H

hiensau99

MỘT TẤM LÒNG TỪ THIỆN​


46a4207f4b3cc517d6e27260c4febb7c4g.jpg

Bà phước Félicienne sang Việt Nam năm 1888, coi ở nhà thương Sóc Trăng, đến năm 1923 thì mất.

Trong ba mươi lăm năm trời, bà đem tấm lòng từ thiện mà yên ủi biết bao nhiêu người yếu đau khổ sở. bao giờ bà cũng tận tâm kiệt lực làm việc bổn phận, không nghĩ gì đến công lao khó nhọc. Kẻ già người yếu, trẻ mồ côi, người tàn tật, ai đã được bà trông nom cho, đều hàm ơn bà cả.

Sau, vì bà trông nom nuôi nấng những người có bệnh phong, cho nên bà mắc phải bệnh ấy mà chết. Bà đem bao nhiêu tâm trí vào việc làm phúc, quên cả tính mạng để cứu giúp kẻ khốn cùng.


Giải nghĩa. - Bà phước = đàn bà đi tu bên đạo Thiên chúa, làm phúc ở các nhà thương. - Từ thiện = có lòng thương yêu người. - Tận tâm kiệt lực = hết lòng hết sức. - Trông nom = săn sóc. - Phong = cùi.



MỘT TẤM LÒNG TỪ THIỆN
(Tiếp theo)

b8daee54fa7c87599958493ad6696e2c4g.jpg

Lễ cất đám bà Félicienne làm tại Sóc Trăng ngày hai mươi ba tháng tám năm 1923. Các thân hào Pháp Việt trong bản hạt, các đại biểu những tỉnh Nam Kỳ và cả những người đã chịu ơn bà trong bấy nhiêu năm, đều đi đưa đám rất đông.

Có một đội lính tập đi hộ tang. Đáng lẽ có một ông quan to thay mặt Nhà nước đọc bài điếu tang để kể công đức bà đã vì hết lòng giúp người mà chết. Song vì khi lâm chung bà có trối lại rằng lễ tống táng làm cho giản dị đơn sơ, nên lúc hạ huyệt không có bài điếu tang.

Tuy vậy, mà lễ cất đám bà rất là long trọng, vì người đi đưa thật đông mà ai ai cũng lấy làm cảm động và thương tiếc bà lắm.


Giải nghĩa. - Thân hào = những người giàu sang trong hạt. - Bản = bổn. - Đại biểu = người thay mặt. - Điếu tang = bài văn viếng. - Lâm chung = lúc hấp hối, sắp chết. - Hạ huyệt = để xuống hố.
 
H

hiensau99

ÔNG TÔI

Ông tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đầu râu tóc bạc, da đã giăn (nhăn), má đã lõm (cóp), lưng đã còng, đi đâu phải chống gậy.

Ông tôi không phải làm việc gì nặng nhọc nữa. Thường ở nhà coi sóc cho ba mẹ tôi và dạy chúng tôi. Thỉnh thoảng ông lại kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, chúng tôi lấy làm thích lắm. Những khi đi học về, thường thường tôi lại đem những chuyện nhà tràng nói cho ông nghe. Ông tôi lại nhân đấy mà giảng giải cho tôi học được nhiều điều khác nữa.

Giải nghĩa: Giăn (tiếng miền Bắc) nhăn, có nhiều nếp. Lõm: trũng xuống. Còng: còm, cong xuống, gập lại. Cổ tích: chuyện đời xưa. Nhà tràng: nhà trường (tràng là tiếng quen dùng ngày xưa).


BÀ RU CHÁU

Trưa mùa hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Trong nhà, ngoài ngỏ, vắng vẻ, tỉnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên cái cõng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt, theo một điệu.

Bà cất tiếng hát ru:

“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
“****** đi cấy đồng sâu chưa về…”

Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim him hai con mắt…

“Ừ, cái ngủ mày ngủ cho say,
****** vất vả chân tay tối ngày.”

Giải nghĩa: Một điệu: cứ vậy, không thay đổi. Thiu thiu ngủ: sắp ngủ. Lim him: ý nói đôi mắt chập chờn sắp ngủ (có nơi gọi là lim dim, hoặc liu riu, líu ríu…)
 
H

hiensau99

CHUYỆN ANH EM HỌ ĐIỀN​




Đời xưa có chuyện anh em họ Điền, cha mẹ mất sớm, ba anh em ở với nhau. Anh cả và anh hai lấy vợ rồi, vẫn cứ ở chung một nhà, mà không có điều gì. Đến khi người con thứ ba lấy phải người vợ không hiền, thấy sự ăn tiêu chung chạ như thế, sợ hai anh chiếm giữ mất quyền lợi của mình, mới xui chồng xin ra ở riêng. Người chồng thấy vợ nói ra nói vào, cũng chiều lòng mà nói với hai anh xin chia của ra.

Hai anh trước còn không thuận, sau thấy vợ chồng người em cứ kêu nài mãi, bèn đem của cải chia ra làm ba phần. Lúc ấy ở trước sân có một cây cổ thụ, xưa nay vẫn tươi tốt. Ba anh em định ngày hôm sau thì chặt xuống để chia ra mỗi người một phần cho đều.

(Còn nữa)


Giải nghĩa. - Hiền = người có đức hạnh, biết ăn ở phải đạo. - Nói ra nói vào = nay nói, mai nói để cho người ta xiêu lòng. - Cổ thụ = cây đã lâu đời.

lấy = cưới



CHUYỆN ANH EM HỌ ĐIỀN
(Tiếp theo)


Sáng ngày hôm sau, người anh cả gọi hai em đến để đi chặt cây, thì thấy cây đã chết khô rồi. Người anh cả mới ôm cây mà khóc. Hai em đều nói rằng: "Cây kia đáng giá bao nhiêu mà anh thương tiếc như thế?" Người anh nói: "Nào có vị gì cây này mà ta khóc đâu. ta nghĩ ba anh em ta cùng một cha mẹ sinh ra, khác gì cây kia một gốc sinh ra bấy nhiêu cành lá, rườm rà tốt tươi là dường nào! Chỉ vì hôm qua ba anh em ta định chặt nó xuống đề chia cho nhau, có lẽ nó không nỡ sống mà chịu phân ly (*) ra, cho nên mới một đêm mà đã chết khô. Nếu anh em ta phân ly ra, thì rồi cũng giống như cây này mà thôi. Bởi thế cho nên ta động lòng thương mà khóc".

Người em thứ ba nghe anh nói vậy, trong lòng cảm động, nghĩ rằng mình không bằng giống thảo mộc, mới ôm anh mà khóc rồi tình nguyện xin cứ ăn chung ở chung như cũ.

Từ đó về sau, họ Điền cứ đời đời ở với nhau rất là hòa thuận, tiếng khen khắp cả thiên hạ.


Giải nghĩa. - Phân ly = phân là chia; ly là lìa. Phân ly là chia rẽ nhau ra. - Thảo mộc = cây, cỏ. - Tình nguyện = tự mình thuận xin. Cổ thụ = cổ thọ.

----------

(nt: Bài "Chuyện anh em họ Điền" đã đăng trong chuyên mục "Mỗi ngày một mẩu chuyện" - Nhưng nay xin đưa lại vào trong "Quốc Văn Giáo Khoa Thư" nhằm đảm bảo tính liên tục của quyển sách...)

Chú thích của Goldfish:
(*) Bản của Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2000, in là "phân li" và được giải nghĩa: Phân li: chia lìa.
 
H

hiensau99

CÓ CHÍ THÌ NÊN​



Ông Châu Trí lúc bé thông minh và chăm học lắm. Năm mới lên mười hai tuổi, đã biết làm văn, nhiều người đều khen ngợi.

Song nhà nghèo, ông vẫn phải đến ở nhờ tại chùa Long Tuyền. Không có tiền mua dầu thắp đèn, ông phải đi quét lá đa, tối đến đốt lửa lên mà học. Ông học đến năm mười sáu tuổi đã đỗ giải nguyên.

Thiên hạ rủ nhau đến mừng và tặng ông một bài thơ:

Một anh học trò kiết chùa Long Tuyền,
Ai ngờ nay lại đỗ giải nguyên,
Ở đời chẳng có việc gì khó,
Người ta lập chí phải nên kiên.​


Giải nghĩa. - Giải nguyên = đỗ đầu kỳ thi hương, ta còn gọi là thủ khoa. - Lập chí = định bụng cố làm việc gì cho kỳ được. - Kiên = bền, làm một việc gì phải bền lòng, không nản chí.

đa = da.


----------


Khoa bảng ngày xưa:
- Thi Hương :
. Giải nguyên.
. Hương cống.
. Sinh đồ.​
- Thi Hội :
. Hội nguyên.
. Thái học sinh.
. Phó bảng.​
- Thi Đình :
. Đình nguyên.
. Trạng nguyên.
. Bảng nhãn.
. Thám hoa.
. Hoàng giáp.
. Đồng tiến sĩ xuất thân.​

ĐỜI NGƯỜI​



Một người đương đi ở trên núi. Đến một nơi, có hòn đá lăn ra hết cả lối đi, không chen chân vào đâu mà bước qua được nữa.

Người ấy cố hết sức đẩy hòn đá, nhưng hòn đá nặng lắm, đẩy làm sao cho xuể. Đành chịu bó tay ngồi một chỗ mà lo nghĩ: "Nếu ta cứ phải ở đây, trời tối đến, cơm nước không có, chỗ nằm cũng không, hùm beo ra nó vồ mất thì còn gì là tính mạng!"

Khi người ấy đương nghĩ thế, có một người khác cũng muốn đi qua đấy, hết sức đẩy hòn đá, nhưng hòn đá cũng chẳng chuyển.

Sau, năm bảy người nữa đến, người nào cũng chực đẩy hòn đá để lấy lối đi, nhưng hòn đá vẫn trơ trơ chẳng ai lay chuyển được. Bấy giờ có một người gọi cả bao nhiêu người kia lại mà bảo rằng:

"Anh em ta thử họp sức nhau vào cùng đẩy hòn đá này xem sao."

Bấy nhiêu người đều ùa nhau vào đẩy, thì hòn đá lăn ra bên đường và bấy giờ mới có lối đi, ai về nhà người nấy.

Ấy cái cuộc đời người cũng như thế. Người đi đường ấy tức là người ta, sự đi đường tức là đời người, hòn đá tức là những chuyện khó khăn ở đời. Thả sức ra, một người không làm được gì cả, có họp sức nhau lại mới làm nên công kia việc nọ.


Giải nghĩa. - Xuể = đủ sức, đủ tài làm một cái gì. - Tính mạng = cũng nghĩa như đời. - Thả sức = dùng hết sức để làm một việc gì.

họp = hiệp
ùa = hùa
 
1

11thanhkhoeo

CÂY SEN
(Ca dao) Bài học thuộc lòng

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng, lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Giải nghĩa: Đầm: (tiếng quen dùng ở miền Bắc) ao, bàu, chỉ vũng nước lớn mà không sâu. Bông: hoa. Nhị: hay nhụy, phần giữa hoa, thường có mùi thơm


TRUYỆN HAI BÀ TRƯNG

Bà Trưng Trắc là con gái một quan lạc tướng, lấy ông Thi Sách là lạc tướng một châu nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Bà giận vì quan thái thú Tàu là Tô Định chính sách tàn bạo, bèn đứng lên xướng xuất cùng với em là Trưng Nhị, chồng và các tù trưởng trong nước nổi lên. Bà đánh đâu được đấy; quân Tàu phải chạy trốn cả. Bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh, thuộc tỉnh Phúc Yên bây giờ.

Nhưng hai năm sau, vua Tàu sai một viên tướng tên Mã Viện đem một đạo quân sang đánh nước ta. Bà Trưng Trắc bị thua nhiều lần, sau cả hai chị em đều chết. Nước ta lại phải phụ thuộc nước Tàu như trước.

Hai chị em bà Trưng thực là hai vị Nữ anh hùng đầu tiên ở nước ta.

Giải nghĩa: Lạc tướng: vị tướng cầm đầu một châu, một quận ngày xưa của người Lạc Việt, tức người Việt Nam cổ. Thái thú: là một chức quan do người Trung Hoa ngày xưa đặt ra để cai trị dân ta. Chính sách: những đường lối cai trị. Xướng xuất: chỉ bảo cho người ta noi theo. Tù trưởng: người cầm đầu một bộ lạc.



NGÀY GIỜ ĐI HỌC​

Trừ ngày chủ nhật và thứ năm, mỗi tuần lễ tôi đi học năm ngày. Mỗi ngày học hai buổi: buổi sáng và buổi chiều. Sáng học ba giờ, chiều học hai giờ rưỡi. Buổi nào cũng có nghỉ mười lăm phút vào khoảng giữa buổi, để học trò ra chơi cho giải trí.

Ấy ngày giờ tôi học là thế, còn cách học tập thì mỗi giờ thầy dạy một bài, mà bài nào cũng có ích cả. Thầy chịu khó dạy, tôi chăm chỉ học, chẳng khi nào bỏ phí thì giờ.

Giải nghĩa:
Giải trí: để trí óc được thảnh thơi, thư giản.


KHUYẾN HIẾU ĐỄ​

(Bài học thuộc lòng)

Cha sinh, mẹ dưỡng,
Đức cù lao lấy lượng nào đong,
Thờ cha mẹ ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.
Chữ đễ nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.​

Giải nghĩa: Dưỡng: nuôi nấng. Đức cù lao: nói về sự nặng nhọc của cha mẹ trong việc nuôi con. Lấy lượng nào đong: không thể nào đong, đếm, tính toán được. Luân thường: chỉ những điều cơ bản mà con người phải biết để sống có đạo lý. Nền: vị trí đã được quy định.
 
1

11thanhkhoeo

VIỆC CÀY CẤY​

(Bài học thuộc lòng)

Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.​

Giải nghĩa
: Phong lưu: sống no đủ, thong thả. Đồng cạn: đồng dất cao, không có nước. Đồng sâu: đồng đất thấp, thường có nước.


QUYỂN GIA PHẢ (GIA PHỔ)​

Hôm nọ nhà có giỗ, tôi thấy cha tôi lấy một quyển sách ở tủ ra xem. Tôi hỏi. Cha xem quyển gia phả. – Gia phả là gì? Gia phả là quyển sách để chép rõ tên tuổi, đức hạnh và công trạng tổ tiên.

Vậy hôm nay cha xem để làm gì? Xem cho biết rõ danh hiệu của ông để mà khấn, vì ngày mai là ngày giỗ ông.

Giải nghĩa:
Giỗ: ngày kị, ngày tổ tiên qua đời và nay làm lễ cúng. Tổ tiên: những ông bà ngày xưa của một dòng họ. Danh hiệu: tên và hiệu. Người xưa ngoài tên cúng cơm do cha mẹ đặt, còn có nhiều tên, hiệu khác khi ra đời, nhất là khi các cụ là nho sĩ khoa bảng. Khấn: quì hoặc đứng thành khẩn trước bàn thờ chắp tay lẩm nhẩm nói những lời tri ân hoặc cầu xin gởi đến người quá cố.

LÀNG TÔI

Làng tôi ở gần tỉnh. Xung quanh làng có lũy tre, đứng ngoài không nom thấy nhà cửa. Đầu làng cuối làng có cổng xây bằng gạch. Trong làng có nhà cửa phần nhiều là nhà lá. Nhà nào cũng có sân, có vườn, hoặc có ao nữa, xung quanh có hàng rào tre. Ngoài vườn thì trồng rau, khoai cùng các thứ cây có quả.

Đường sá thì có con đường chạy thẳng qua làng là rộng, còn thì những lối đi hẹp, khúc khuỷu quanh co. Được ít lâu nay, đường ngõ lát gạch khắp cả, nên mới sạch sẽ, chứ trước hễ trời mưa là lầm lội dơ bẩn, đi lại rất khó chịu.

Giải nghĩa: Lũy: bờ đất có trồng tre để làm hàng rào. Cổng: cửa ngõ. Quả: (tiếng phổ biến ở miền Bắc) trái. Khúc khuỷu: không thẳng mà gập gẫy từng đoạn. Lầm lội: có bùn nước trộn lẫn.


CHỌN BẠN MÀ CHƠI​

Thói thường “Gần mực thì đen…”
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.
Giải nghĩa: Hữu: cũng có nghĩa là bạn bè. Lêu lổng: la cà đây đó, không làm việc, không nghề nghiệp.
 
1

11thanhkhoeo

CON CHÓ VÀ MIẾNG THỊT


Một hôm, một con chó vào hàng cơm ngoạm trộm miếng thịt. Người nhà hàng trông thấy, vác gậy đuổi theo. Con chó đâm đầu chạy. Khi chạy đã xa, đến một cái cầu, con chó đứng lại để ăn. Nhìn xuống sông, thấy có một miếng thịt to hơn miếng thịt đang ngậm trong miệng. Nó liền nhả ngay miếng thịt ấy ra, nhảy xuống sông định lấy miếng thịt ở dưới nước. Nhưng nào có lấy được! Chẳng qua chỉ là bóng miếng thịt nước chiếu lại mà thôi. Còn miếng thịt, dòng nước cuồn cuộn kéo đi, con chó hết sức đuổi theo cũng không sao lấy lại được nữa.

Ôi! Con chó lấy trộm thịt là có tội, con chó nhả bỏ miếng thịt lại là khờ dại. Thả mồi bắt bóng, bóng bắt chẳng được, mồi kia không còn, chẳng là đáng tiếc lắm sao! Người ta ở đời chẳng nên đứng núi này, trông núi nọ, đã được voi lại còn đòi tiên. Cái gì đã nắm chắc trong tay, ta chớ nên buông ra mà chực những cái hão huyền đâu đâu.


Giải nghĩa. - Cuồn cuộn = dòng nước chảy nhanh trông như cuốn mất đi vậy. - Khờ = hớ hênh, bị lừa. - Đứng núi này trông núi no, được voi đòi tiên = hai câu tục ngữ, ý nói đã được thế này lại còn đòi thế khác.

hàng = quán. - ngoạm = táp. - hão huyền = bông lông.



COM MÈO VÀ CON CHUỘT


Một chú chuột ló đầu ra ngoài tổ, trông thấy một bác mèo chợt đi qua. Chú chuột đưa lời trách oán rằng: "Bác thật là độc ác! Họ nhà chúng tôi có dám trêu đâu đến các bác, mà sao các bác cứ rình đêm, rình ngày để bắt bớ chúng tôi. Bác phải biết ở đời ác nghiệt lắm có hay gì. Phải có chút lòng nhân nghĩa mới sung sướng được." Mèo bảo: "Ôi chao! Chú bé khôn ngoan lắm! Chú có nói, bây giờ tôi mới biết ở đời nhân nghĩa cần như thế! Tôi xin nghe lời chú. Từ rày tôi thề không dám động chạm đến họ hàng chuột nhà ta nữa. Chú ra đây, chú đừng sợ gì. Tôi đã có lòng yêu chú, thương chú lắm đấy."

Chuột nghe lấy làm bùi tai, liền chạy lại chơi với mèo, cái tình giao kết tưởng bắt đầu thân thiết ngay tự đây. Nào ngờ chuột vừa ra khỏi tổ, mèo nhảy ngay lại vồ lấy, cắn chết ăn thịt.

Đời nào mèo lại tha bắt chuột!


Giải nghĩa
. - Trêu = gợi cái tức, chọc cái tức của người ta ra. - Nhân nghĩa = lòng công bằng và thương yêu người. - Động chạm = ý nói không dám làm hại chuột nữa. - Bùi tai = nghe cái gì lấy làm vui tai, vui bụng. - Giao kết = làm bạn bè với nhau.

tổ = ổ

ĐỨC KHỔNG TỬ​



Đức Khổng Tử là ông thánh chí tôn trong đạo Nho. Ngài dạy người ta cách ăn ở thế nào là phải đạo luân lý, cùng là hợp với lẽ phải của trời đất. Người nước Tàu và người nước ta đều học theo đạo của ngài.

Thuở ngài còn sống, ngài đã làm quan nước Lỗ, sau ngài đi khắp nhiều nước bên tàu, để đem thi hành cái đạo của ngài, nhưng vì các vua đời bấy giờ không biết nghe lời ngài, cứ lo việc đánh nhau, cho nên ngài lại trở về nước Lỗ, làm sách và dạy học trò.

Học trò của ngài đông đến hơn ba nghìn người, mà ai cũng tôn kính và yêu mến ngài như cha. Đến khi ngài mất, các học trò thương nhớ vô cùng, đều để tâm tang ba năm nữa mới thôi. Trong học trò ngài, có thầy Tử Cống nhớ ơn ngài, làm nhà gần bên mộ mà ở đến sáu năm.

Về sau, các vua chúa đời nào cũng sùng bái ngài. Đến ngày nay ở các làng thì có văn chỉ, ở các tỉnh thì có văn miếu, chỗ nào cũng thờ ngài một cách rất kính trọng.


Giải nghĩa. - Chí tôn = rất tôn, tôn quí hơn cả. - Vô cùng = không bao giờ hết. - Tâm tang = để tang trong bụng, chớ không mặc đồ tang. - Sùng bái = tôn trọng, kính phục.

hợp = hiệp



ÔNG MẠNH TỬ



Ông Mạnh Tử là học trò cháu đức Khổng Tử. Ông cũng toan đem đạo của ngài ra mà thi hành, nhưng vì người thời bấy giờ không ai biết dùng. Ông bèn làm ra sách Mạnh Tử để dạy người ta những điều nhân nghĩa. Ông sở dĩ thành một người có đức vọng như thế, là vì ông biết lập chí từ lúc hãy còn trẻ.

Thuở ông còn nhỏ, cha mất sớm, mẹ nuôi cho đi học, ông thường bỏ về nhà chơi. Một hôm, bà mẹ thấy vậy, bèn lấy dao cắt đứt khung cửi (không cưởi) của ba đang dệt mà bảo rằng: "Người ta phải lập chí cho bền thì mới nên được người có đức hạnh, nếu không thì có khác gì như tấm vải đang dệt chưa xong này, mà đem cắt đứt đi, thì còn dùng làm gì được nữa."

Ông nghe lời ấy, quyết chí học tập, suốt được cái đạo của thánh nhân, thành một bậc đại hiền trong đạo Nho vậy.


Giải nghĩa.
- Sở dĩ = tiếng nói đệm, nói lót, cũng như nói bởi đâu, - Đức vọng = có danh tiếng to, công đức to, có thể làm gương cho người ta bắt chước. - Lập chí = định cái chí của mình, không thay đổi nữa. - Suốt = hiểu hết được, bết đến nơi, đến chốn. - Thánh nhân = đây là nói đức Khổng Tử.

bấy giờ = lúc đó
 
1

11thanhkhoeo

VÀO HÈ
(Thơ cổ)
Ai xui con cuốc gọi vào hè.
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê!
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ.
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.
Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác.
Trong tối đua bay, đóm lập lòe
May được nồm nam cơn gió thổi.
Đàn ta, ta gảy khúc Nam nghe.

Đại ý. Bài thơ này tả cái cảnh mùa hè: hai câu mở đầu nói mùa hè nóng nực lắm, tiếng cuốc kêu khắc khoải; bốn câu giữa nói hẳn vào bài: cây cối um tùm, hoa nhạt sắc gần tàn, oanh kêu xao xác, đom đóm lập lòe. Hai câu cuối đóng bài nói mùa hè mà được cơn gió mát thổi thì lấy làm sung sướng lắm.


Giải nghĩa. - Vào hè = bắt đầu mùa hè, đối với ra hè là hết mùa hè. - Oanh = chim vàng anh. - Nồm nam = gió thổi hướng đông nam lại. - Gảy khúc Nam = đây nói bài đàn hát cổ về gió phương nam thổi.

cuốc gọi = quấc kêu. - nung = đốt. - thắm = đỏ. - nhạt = lạt. - cành = nhành. - lập lòe = lập lòa. - Đàn = đờn. - gảy = khảy.


MÙA THU NGỒI CÂU CÁ
(Thơ cổ)​
Bài học thuộc lòng.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc, theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng, trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đợp động dưới chân bèo.

YÊN ĐỔ​


Đại ý. Bài này tả cái cảnh một ông già, đang ngồi trong chiếc thuyền con mà câu cá ở dưới ao. Trời xanh, nước biếc, lá vàng rụng, gió hiu hiu thổi là cái cảnh mùa thu; tựa gối, ôm cần, khách vắng là cái cảnh nhàn hạ.


Giải nghĩa
. - Trong veo = trong suốt. - Làn = gợn nước theo chiều gió đưa về một ngả nào. - Đưa vèo = lá rụng xuống mặt nước, gió thổi chạy nhanh như thuyền.
 
1

11thanhkhoeo

THƠ CON MÈO
.

(Thơ cổ)
Bài học thuộc lòng
Cũng thì nanh vuốt, kém chi đâu,
Chửa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Gióng lịnh tì, hưu, tài nhảy nhót,
Ra oai hùng, hổ, tiếng bào hao.
Ngắm xem biết mẹo trèo từ thấp,
Khúm núm thu hình thoắt nhảy cao.
Chỉ quyết phen này vồ lấy cống,
Rồi lên đài các sẽ nghêu ngao.


Đại ý. Trong bài, một con mèo có ý nói thi tài ra, thì chẳng chịu kém mèo nào, vì cũng nhảy nhót, cũng kêu gào, cũng mưu mẹo như các mèo khác. Nếu mèo bắt được chuột thì được thỏa lòng lắm. Bài này lại ngụ ý nói một người học trò khoe tài quyết chí thi cho đỗ mới nghe; tiếng cống trong câu thứ bảy chỉ cống sinh tức là cử nhân đời trước.


Giải nghĩa. - Mỉu = cũng là mèo, đọc ra mỉu cho thành âm trắc. - Hưu = loài mãnh thú. - Hùng = con gấu. - Bào hao = tiếng gào thét. - Cống = chuột cống. - Nghêu ngao = ý nói kêu tự do, ra dáng đắc chí lắm.

THƠ CÁI CHỔI
(Thơ cổ)
Bài học thuộc lòng.

Lời chúa vâng truyền xuống ngọc giai,
Cho làm cho lịnh tướng quét trần ai.
Một tay vùng vẫy trời tung gió,
Bốn cõi tung hoành đất sạch gai.
Ngày vắng rủ mây cung bắc Hán,
Đêm thanh dựa nguyệt chốn lâu đài.
Ôm lòng gốc rễ lâu càng giãi,
Mòn mỏi lưng còn một cái đai.


Đại ý. Bài này tả một cái chổi quét bụi bẩn khắp mọi nơi, quét sạch rồi thảnh thơi nghỉ một chỗ, và cứ quét mãi đến cùn, mòn hết cả mà không quản ngại. Nhưng tuy là cái chổi, mà rõ ra khí tượng một anh hùng trí dũng, lúc tiến thì ngang dọc đông tây, lúc thoái thì thảnh thơi đài các, bao giờ cũng hết một lòng vì vua vì nước.


Giải nghĩa. - Ngọc giai = thềm ngọc, chỉ thềm nhà vua chúa. - Trần ai = bụi bậm, chỉ khoảng thế gian. - Tung hoành = dọc ngang, ý nói quét ngang, quét dọc đủ các chiều. - Ngày vắng rủ mây cung bắc Hán = câu này nói ban ngày cái chổi để thảnh thơi một chỗ. - Ôm lòng gốc rễ lâu càng giãi = câu này ý nói cái chổi quét mãi, mỗi ngày một cùn, còn trớ cái gốc ở bên trên ra.
 
1

11thanhkhoeo

ÔNG TÔ-HIẾN-THÀNH


Ông làm quan về cuối đời nhà Lý. Tính người trầm trọng, cẩn thận, tài kiêm văn võ. Làm tướng đi đánh giặc, thì thương yêu sĩ tốt, bênh vực dân sự, đánh đâu được đấy, quân giặc nghe tiếng đều phải kinh sợ. Làm quan, thì lo sửa sang việc chính trị, mở mang sự học hành, trừ bỏ những kẻ gian nịnh. bao giờ ông cũng quên mình mà lo việc nước.

Khi vua mất, ông làm phụ chính giúp tự quân hãy còn thơ ấu. Bấy giờ có một bà Thái-hậu muốn bỏ tự quân mà lập con mình, cho người đem vàng bạc đút lót cho ông. Ông nhất định không nghe, cứ một niềm giữ lòng trung thành, hết sức giúp ấu chúa, theo lời dặn của tiên quân.

Đến khi ông phải bệnh nặng, có người Võ Tán Đường đêm ngày chầu chực hầu hạ, có ý muốn được ông cử mình lên thay. Nhưng đến khi bà Hoàng Thái hậu đến thăm, hỏi ai có thể thay được ông. Ông cử quan đại phu Trần Trung Tá. Bà Thái hậu ngạc nhiên hỏi sao ông không cử Võ Tán Đường ? - Ông tâu rằng: "Nếu ngài hỏi người hầu hạ thì tôi xin cử Võ Tán Đường, nhưng hỏi người giúp nước, thì xin cử Trần Trung Tá."

Ông trung thành như thế, và lại tài giỏi hơn người, cho nên đời sau ai cũng kính phục và thường ví ông với ông Gia Cát Lượng bên Tàu.


Giải nghĩa.
- Tài kiêm văn võ = có tài gồm cả văn võ. - Sĩ tốt = quân lính. - Tự quân = ông vua lên nối ngôi. - Ấu chúa = vua còn trẻ tuổi. - Tiên quân = vua đã mất rồi. - Ngạc nhiên = lấy làm lạ.


SỰ LỢI ÍCH CỦA XE LỬA



Ngày xưa, ở nước ta, đường sá ít mà xấu, sự giao thông thật là bất tiện. Nhân dân cứ ở đâu biết đó, không năng đi lại, cho nên việc buốn bán làm ăn không mở mang ra được. Bây giờ thì không thế nữa, đường sá đã nhiều lại tốt, lại có xe lửa là một cách giao thông rất tiện lợi cho người ta. Người xứ nọ qua xứ kia dễ như đi chợ vậy. Nhờ vậy người trong Nam ngoài Bắc năng gặp nhau, thành ra không xa cách như trước nữa. Xe lửa lại chở được các thứ sản vật như nông sản, lâm sản, khoáng sản, cùng những hàng hóa nơi nọ đến nới kia, làm cho các công nghệ càng ngày càng phát đạt thịnh vương thêm, và sự làm ăn cũng dễ dàng hơn trước. Nói rút lại, xe lửa có thể giúp cho sự văn minh tấn bộ được một phần rất lớn. Vậy nên trong sách tây có câu rằng: Cứ xem đường xe lửa của một nước nhiều hay ít, thì biết được nước ấy mạnh hay yếu.


Giải nghĩa. - Nông sản = những sản vật bởi sự trồng trọt mà sinh ra. - Lâm sản = những sản vật lấy ở trong rừng. - Khoáng sản = những sản vật lấy ở dưới mỏ. - Phát đạt = mở mang ra.



NHÀ GA


Nhà ga là nơi xe lửa đậu để cho khách lên xuống. Ga nào cũng có chỗ bán vé, chỗ cân hàng, buồng làm giấy, buồng cho khách ngồi đợi.

Khi xe lửa đến, thì đậu ở trước ga, khách lên xuống xong thì lại chạy. Trong một đoàn xe lửa, thì cái xe máy đi đầu có người tài xế cầm máy và người đốt lửa. Sau xe máy thì có toa đựng nước và chứa than, rồi đến toa chở thư từ và đồ đạc. Sau cùng thì đến các toa hành khách. Những toa này chia ra nhiều hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư.


Giải nghĩa. - Đoàn = đi một lũ, một dây; đây nói nhiều toa nối với nhau. - Tài xế = người cầm máy. - Hành khách = hành: đi; khách: người. Đây nói người đi xe lửa.

Vé = giấy. - Thơ = thư.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom