Chủ Nhật, 18/10/2009 - 4:56 PM
(Dân trí) - Bão số 9 đi qua để lại hậu quả tàn khốc, nhưng giữa mất mát, đau thương, người dân miền Trung can trường, lạc quan vẫn truyền nhau những câu chuyện cười ra nước mắt, những chuyện lạ mà có thật.
1. Đó là chuyện về 3 người đàn ông trụ cột trong gia đình, ông Nguyễn V. (52 tuổi), anh Nguyễn P. (29 tuổi, con ông V.), anh Hồ Quang T. (41 tuổi) cùng ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Khi trời bắt đầu nổi gió, mưa ầm ầm trút nước, họ cho vợ con đi tránh bão còn mình ở lại giữ lúa, giữ trâu bò. Nhưng nước lớn nhanh quá, không thể “trụ” lại được, ba người vội tìm đường thoát thân.
Nước chảy xiết. Trong lúc đánh vật với dòng nước dữ, cả ba bị “tụt” mất chiếc quần đùi. Khi chụp được nhánh cây trứng cá, trèo được lên nóc nhà chị Phạm Thị H. (29 tuổi) , ba người đàn ông đã “trần như nhộng”.
Lúc này, hai mẹ con chị H. đang lánh nạn trên ấy. Thấy lạ, cháu Thảo (4 tuổi) hồn nhiên hỏi: “Ủa, sao mấy chú không mặc quần vậy hè?”... Cả ba người đàn ông mặt đỏ lừ. Không biết trả lời sao, đành gồng mình chịu trận cho đến khi nước rút.
2. Chuyện về ông Hai Tiên sửa xe đạp ở đầu thôn Tân Phước (xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vừa nghe vừa hồi hộp.
Tối 28/9, ông Hai chở lúa đi gửi. Được nửa đường, gặp nước chảy xiết và gió mạnh, thuyền chòng chành rồi lật úp. Mấy bao lúa rơi xuống nước…
Chờ mãi không thấy ông Hai về, mọi người đinh ninh ông đã chết. Xã ghi tên ông vào danh sách những người tử nạn. Vợ con ông khóc lóc thảm thiết, túa nhau đi tìm xác.
Trưa 29/9, bão tan. Ông Hai lò dò về nhà. Hỏi ra mới biết, khi thuyền bị lật, ông lặn một hơi thoát ra khỏi mấy bao lúa rồi nhắm hướng đồi cao bơi thẳng tới. Đứng trên cao nhìn xuống chỉ thấy một biển nước lênh láng. Ông đành tựa vào gốc cây chờ đợi, rồi đánh một giấc đến sáng. Chờ nước rút mới tìm về.
Quá ngưỡng mộ, bà con tặng cho ông danh hiệu “ông Hai kình ngư”.
3. Cũng ở thôn Tân Phước, “sự việc xảy ra thật thần kỳ, chẳng khác gì chuyện cổ tích”.
Gia đình anh Phạm Xuân (50 tuổi) và chị Đinh Thị Hồng (39 tuổi) nuôi 3 con bò, 12 con heo thịt và 1 con heo nái. Bò được định giá khoảng 10 triệu đồng/con, heo thịt sàng sàng 50kg/con. Chị heo nái là “cơ sở” sản xuất heo con. Chúng là tất cả gia tài của hai vợ chồng.
Chiều 28/9, lũ lên, nước cứ dâng cao không biết điểm dừng. Thương bầy gia súc, chẳng thà mất của còn hơn để chúng chết ngộp, tội nghiệp, anh Xuân cắt dây, xổ chuồng thả chúng mà dặn dò: “Ở đâu cũng được, ráng tìm đường sống nghe tụi bây!”.
Trưa 29/9, nước rút, khi đang dọn dẹp nhà cửa, bỗng anh Xuân nghe tiếng “ụm bò” ngoài cổng. Chạy ra thì quá là bất ngờ. Cả 3 con bò nhà anh lững thững bước vào sân, cổ vẫn còn dây buộc.
Chưa hết ngạc nhiên, cả nhà không tin vào mắt khi thấy 12 con heo cũng ụt ịt chạy về. Một lúc sau, lại có tiếng réo ngoài cổng của một người quen kêu qua nhà bắt con heo nái về, nó đang trú trong chuồng bò hàng xóm.
Bà con trong thôn vẫn bàn tán xôn xao về “điều kỳ diệu” ở nhà anh Xuân. Bò biết đường về đã đành vì chúng được dắt đi ăn đây đó, nhưng heo thì nhốt trong chuồng quanh năm suốt tháng, sao chúng lại tìm được đường về? Lại không thiếu con nào.