Vấn đề:Bạn có là triệu phú trong tương lai?
Bạn có là triệu phú trong tương lai hay không? Hãy thử kiểm tra nhé!
Kiểm soát tốt tài chính cá nhân, tiết kiệm tiền có kế hoạch và hiệu quả là bước đầu tiên đóng vai trò quan trong công cuộc làm giàu mà các bạn trẻ đều mơ ước ở tương lai. Việc tiết kiệm, tích và đầu tư đúng đắn tiền bạc trong một quá trình dài chính là con đường làm giàu chân chính nhất của những nhà triệu phú thậm chí là những, tỷ phú tương lai. Vậy bạn có là triệu phú trong tương lai hay không? Hãy thử kiểm tra nhé!
1. Đối với những tài liệu về cách thức làm giàu, kinh nghiệm làm giàu của các nhà triệu phú, tỷ phú trên thế giới, bạn sẽ:
a. Không quan tâm, không để ý và không đọc, bạn nghĩ “trong cuộc đời, giàu có hay nghèo khổ âu cũng là cái số”
b. Bạn sẽ đọc và tìm hiểu nhưng không thật sự chú tâm lắm, “tuổi mình là tuổi ăn, tuổi học biết gì đâu mà làm giàu, để dành cho sau này khi có cơ hội.”
c. Bạn luôn say mê tìm hiểu những tài liệu này, tập hợp thành một kho tài liệu riêng, mỗi ngày bạn đều dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm cho chính mình, luôn nuôi dưỡng một niềm mơ ước “mình sẽ giàu có trong tương lai” và bắt tay vào thực hiện những việc làm cụ thể, có ý nghĩa nhằm thu hút cơ hội làm giàu về phía mình như chăm chỉ làm thêm, lập một tài khoản tiết kiệm cá nhân và luôn để vào đó 10% thu nhập hàng tháng,…
2. Với số tiền bố mẹ cho hàng tháng, bạn sẽ:
a. Cứ chi tiêu theo nhu cầu, nếu hết thì…xin thêm bố mẹ hoặc vay mượn bạn bè;
b. Có kế hoạch chi tiêu vừa đủ với số tiền bố mẹ cho;
c. Luôn luôn tiết kiệm ít nhất 10% số tiền được bố mẹ cho hàng tháng, đồng thời lên kế hoạch chi tiêu cụ thể, hợp lý với số tiền ấy để cuối tháng có thể cho vào quỹ tiết kiệm thêm một khoản nho nhỏ nữa.
3. Khi có một khoản tiền phát sinh ngoài dự kiến như tiền học bổng, tiền thưởng của bố mẹ, tiền lì xì tết, bạn sẽ:
a. Tiêu xài thoải mái số tiền ấy, mua sắm những gì mà bấy lâu nay mình ấp ủ, mơ ước, rủ bạn bè đi ăn một bữa cho hoành tráng đến khi…hết tiền.
b. Tiêu xài, mua sắm vào những việc bạn thích một nửa số tiền, phần còn lại bạn để dành trong ví tiêu dần.
c. Luôn luôn cho vào quỹ tiết kiệm của cá nhân bạn ít nhất là 50% số tiền được phát sinh ấy, phần còn lại bạn sẽ mua cho mình một món đồ yêu thích và rủ bạn bè đi ăn khao một bữa đơn giản, nếu còn dư bạn lại cho vào quỹ tiết kiệm, càng nhiều càng tốt mà.
4. Đối với công việc làm thêm ngoài giờ học, bạn sẽ:
a. Không bao giờ đi làm thêm vì còn phải dành thời gian học hành, đi làm thêm cả tháng có được bao nhiêu đâu.
b. Bạn thích đi làm thêm vì đơn giản bạn thấy vui có thêm một khoản để chi tiêu thoải mái trong tháng.
c. Bạn luôn muốn tìm kiếm cho mình một công việc làm thêm phù hợp để tích lũy kinh nghiệm và kiếm thêm thêm thu nhập để làm giàu thêm tài khoản tiết kiệm của chính mình.
5. Trước khi mua một món đồ, bạn sẽ:
a. Thấy thích là mua ngay, không cần suy nghĩ, nếu thiếu tiền sẽ mượn bạn bè trước rồi mua sau.
b. Suy nghĩ xem mình có thật sự thích món đồ này không, nó có phù hợp với mình không và mua khi trong túi có đủ tiền.
c. Suy nghĩ xem mình có thật sự cần thiết món đồ này không, nếu thật sự không cần thiết bạn sẽ không mua để dành tiền lo việc khác và tiết kiệm.
6. Bạn có thói quen ghi lại cụ thể, chi tiết những khoản thu - chi hàng ngày, hàng tháng?
a. Không bao giờ, bạn nghĩ đây là việc làm rất mất thời gian và vô ích.
b. Bạn chỉ ghi những khoản thu – chi lớn để tiện theo dõi.
c. Bạn có một quyển sổ luôn mamg theo bên mình để ghi chép cụ thể, chi tiết những khoản chi tiêu hàng ngày, mỗi buổi tối trước khi ngủ bạn đều xem xét lại, đánh dấu những khoản chi không cần thiết, thiếu khoa học để rút kinh nghiệm, đồng thời tính xem mình đã tiết kiệm được bao nhiều tiền nhờ chi tiêu hợp lý để ngày càng biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn.