$\color{blue}{\fbox{Những câu truyện cảm động}\bigstar\text{về tình mẹ cha}\bigstar}$

Status
Không mở trả lời sau này.
L

lolem_theki_xxi

Một câu chuyện về tình mẹ

Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.

Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. ****** chỉ có một mắt!”.Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”.

Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.

Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.

Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?

Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo.

Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:“Con yêu quý! Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.
Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..
Mẹ yêu con lắm!
Mẹ..."



Các bạn có cảm nghĩ gì khi đọc câu chuyện trên?
Còn với riêng mình, người con ấy phải đập đầu hàng ngàn lần...không! phải là hàng triệu...hàng triệu lần trước vong linh của người mẹ đã quá cố mỗi ngày. Để chuộc lỗi ư? Làm sao có thể chuộc lỗi được khi Thiên thần ấy đã bay về trời? Để xin được tha thứ ư? Người mẹ ấy đâu có cần đứa con bất hiếu kia phải nhận lỗi! Chẳng phải bà đã tha thứ cho nó rồi sao? Không! Chỉ để cho mọi người biết rằng: trên đời này có những người mẹ hy sinh âm thầm lặng lẽ đến thế, và cũng đã có những đứa con bất hiếu đến như vậy! Để những đứa con khác sẽ không còn ngửa mặt lên trời mà than rằng: tôi đã bất hiếu với mẹ biết nhường nào!
 
L

lolem_theki_xxi

Mẹ lạnh lắm phải không Mẹ?​



Vào một đêm Giáng sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò người phía bên dưới cầu.

Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đưa con bé xíu, vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con.

Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.

Bà đem đưa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bé bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.

"Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ - cậu sẽ lạnh cóng!" song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: "Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không Mẹ?" Và cậu bé oà khóc.
 
L

lolem_theki_xxi

Bởi vì mẹ là mẹ của con

Chân thành gửi tới những người mẹ của thế giới này, cảm ơn vì họ luôn vĩ đại như thế.

Cảm ơn mẹ, bởi vì mẹ là mẹ của con!



Bờ biển trải dài với những con sóng bạc đầu nhấp nhô. Trên làn cát mịn là vệt dấu chân – một to một nhỏ. Khuôn mặt non nớt của cậu bé ngẩng lên nhìn mẹ:

"Mẹ ơi, tại sao mẹ vẫn ở bên con trong khi bố…".

Những lời cuối ngập ngừng, là những thổn thức từ tận đáy lòng cậu, là những khoảng trống mịt mờ vô tận.

Người mẹ mỉm cười xoa đầu cậu bé. Ánh mắt bà dịu dàng đến thế, tựa như tất cả những gì tốt đẹp nhất thế gian. Sự dịu dàng của mẹ kết thành bức tường ấm áp, bảo vệ cậu khỏi vô vàn lạnh lẽo trên thế gian.

Bởi vì mẹ là mẹ của con.

Trong kí ức của cậu, đó là lần cuối cùng cậu được ra biển, bước chân trên bãi cát mị trải dài, mẹ hiền ấm áp kề bên, không một chút lo toan.

Cuộc sống bon chen buộc con người ta phải lao vào đó. Nó là đóa hoa anh túc đầy mị hoặc khiến người ta trầm mê. Nó lại là cơn lốc khi mà con người chẳng thể chống chọi với thứ gọi là thiên tai, đến khi nhận ra mình đang đứng trong vòng xoáy ấy lại không cách nào thoát ra. Cuộc sống là vậy, nó khiến con người ta cảm thấy mình thật nhỏ bé.

Cậu bé không nhớ rõ từ khi nào trong cậu không còn là những trang kí ức màu hồng nữa. Đó là những tháng ngày đen tối khi gần đến hạn đóng tiền học, xấp tiền cậu mang đóng bao giờ cũng dày nhất, nhưng chẳng phải nhiều nhất, và lần nào chúng cũng bị trả về quá nửa, bởi nát, bởi rách. Cậu chẳng giận mẹ. Bởi những đồng tiền đó thấm đẫm mồ hôi của mẹ. Và cũng bởi vì vết chân chim trên khóe mắt mẹ càng ngày càng sâu.

Cậu không phải là người vô tâm. Trong buổi nói chuyện giữa giáo viên và học sinh, cô giáo nói: “Các em có thể không biết, nhưng đánh các em một, cha mẹ còn xót hơn mười. Có khi đánh con xong rồi, chờ con ngủ say lại thay con bôi thuốc”. Cậu bé không vô tâm nhưng nghe xong những lời đó, từ nơi xa xôi nào đó trong những trang kí ức màu hồng, vì đau cậu bé choàng tỉnh giữa đêm, là ánh mắt yêu thương của mẹ, “Không sao đâu con, ngủ tiếp đi”. Cũng đêm đó, giọt nước mắt lóng lánh nơi khóe mắt mẹ đã thấm ướt trang kí ức mờ nhòa…

Bước vào đại học, mọi chi phí đều nhiều hơn. Cậu không biết mẹ làm sao có, nhưng tiền mẹ đưa là một xấp phẳng phiu… Và tối nào cũng có một chiếc xe hơi đưa mẹ về đầu ngõ. Cũng từ đó, những lời bàn tán ra vào…



Trong ngôi nhà chỉ có hai mẹ con càng quạnh quẽ. Mẹ vẫn là mẹ thôi, hôm nào mẹ cũng dậy sớm làm đồ ăn sáng và trưa, hai mẹ con vẫn ăn chung bữa tối, dù là 12 giờ đêm, khi tiếng chổi tre của những cô lao công đã đi xa…

Mẹ đã nuôi cậu bao nhiêu năm, mẹ có quyền đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Cậu không biết hạnh phúc mà mẹ đang theo đuổi ở đâu, có hay chăng trên chiếc xe đó. Tiếng động cơ của chiếc xe bốn bánh vang lên, đưa mẹ đến thiên đường hạnh phúc của bà, mà nơi đó mãi mãi cậu không thể nào theo kịp. Cậu không oán mẹ, và chưa từng có ý niệm nào trong đầu cậu tự cho mình cái quyền đó. Nhưng vẫn có gì đó dâng lên trong lòng cậu, là ích kỉ. Vì giờ mẹ… đã khác.

Những cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con ngày càng thưa dần. Nhưng trong những lần ít ỏi đó, câu thấy mẹ thỉnh thoảng lại nói lắp. Hay trong ngôi nhà quen thuộc này, ngôi nhà mà chiếc cầu thang gỗ đã bị mài nhẵn bóng bởi những bước chân, ngôi nhà mà có nhắm mắt lại cũng không thể nhầm lẫn, mẹ vấp ngã… Lúc đó, ánh mắt mẹ hốt hoảng nhìn quanh, khi không thấy ai lại thở phào, trong tiếng thở phào ưu phiền đó, là hàng lệ chảy dài…

Ngày sinh nhật 18 tuổi của cậu sắp đến, không biết mẹ có nhớ về sớm để mừng sinh nhật cùng cậu không. Cậu không cần mẹ tặng quà, bởi chỉ cần mẹ ở bên đã là hạnh phúc nhất. Chỉ là vào ngày đó chân cậu run run, đi không vững, cả người mềm nhũn như không còn sức lực, và bất an len lỏi trong lòng cậu bấy lâu nay như bùng nổ, đẩy cậu vào tận cùng lo sợ…

Đứng trong phòng bệnh, tầm mắt cậu mơ hồ… Mẹ nằm đó, nhìn cậu thật sâu, thật dịu dàng, thay cho bao lời không thể nói ra. Chưa bao giờ cậu biết đôi mắt con người có thể ẩn chứa nhiều điều đến thế, cũng nhiều nước mắt đến thế.

Nơron vận động. Một khi mắc bệnh sẽ không thể nào qua khỏi. Còn độc ác hơn cả HIV, cho đến khi biết mình bị mắc bệnh thì thời gian còn lại chẳng là bao.

Nơron vận động chết đi, cho đến khi không thể hô hấp…

Giờ thì cậu biết.

Ánh mắt hốt hoảng của mẹ.

Mẹ không về nhà, nhưng tin nhắn nhắc nhở cậu vẫn đều đặn, chưa khi nào sai giờ.

Mẹ luôn cẩn thận để không đánh thức cậu, nhưng đêm đó mẹ lại lặng lẽ vào phòng cậu. Bước chân chậm chạp. Và đêm đó, dưới gối của cậu xuất hiện một chiếc thẻ ngân hàng.

Nhưng cậu lại chẳng thể hiểu tại sao sống trong dày vò như thế, chết lặng từng ngày như thế, mà mẹ lại âm thầm chịu đựng…

Quỳ trước mộ mẹ, nụ cười của mẹ hiền dịu, nụ cười bao dung…

Mẹ ơi, tại sao?

Nếu như cuộc đời này là những phím đàn, phím trắng là vui vẻ, hạnh phúc, phím đen là đau khổ, xấu xa; nhưng phím đen cùng phím trằng mới tạo ra bản nhạc hoàn hảo, thì con nguyện cuộc đời con là bản nhạc dang dở mẹ ơi…

Nắng nhảy múa trên bờ vai cậu, gió lướt qua khẽ đùa vui, thì thầm như lời của mẹ...

Mẹ không rời bỏ con, mẹ chỉ đến một nơi khác dõi theo con, để con thực hành những điều mẹ dạy mà không cần mẹ ở bên. Mẹ tin con yêu của mẹ sẽ làm tốt.

Bởi vì mẹ là mẹ của con!
 
H

hang173

những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử

Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người. Vì vậy, đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.

Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền. Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.

Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: "Cái con Mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con.

***

Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: "Đưa, đưa tôi..." bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên. Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!". Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.

Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.

Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?". Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã trong miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: "Đừng... đừng...". Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: "Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?". Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại.

***

Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài. Bà nội quay đầu đi, nuốt những nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: "Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!". Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra. Bà nội dằn lòng đuổi: "Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!". Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí.

Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa lại.

Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi: "****** là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi." Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống không?

Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang.

Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo: "Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!" Tôi mừng quá *** nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào. Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu. Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo: "Thụ... bóng... bóng...". Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào lòng tôi với vẻ nịnh nọt. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này. Một thằng cu đứng cạnh tôi kêu to: "Thụ, bây giờ mày biết con điên là thế nào chưa? Là ****** như thế này đấy!"
 
Last edited by a moderator:
H

hang173

(tiếp)
***


Tôi tức tối đáp lại nó: "Nó là ****** ấy! ****** mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này!" Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. Bà nội và bố thì lại đưa mẹ về nhà. Năm đó, bà nội đuổi mẹ đi rồi, lương tâm bà bị chất vấn dày vò, bà càng ngày càng già, trái tim bà cũng không còn sắt thép được nữa, nên bà chủ động đưa mẹ về, còn tôi lại bực bội, bởi mẹ đã làm tôi mất thể diện.

Tôi không bao giờ tươi tỉnh với mẹ, chưa bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ gọi "Mẹ!", khi phải trao đổi với mẹ, tôi gào là chủ yếu, mẹ không bao giờ dám hé miệng.

Nhà không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định huấn luyện cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà nội dắt mẹ đi "quan sát học hỏi", bà bảo mẹ không nghe lời sẽ bị đánh đòn.

Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã được dạy dỗ tương đối rồi, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong cả hai bồ "cỏ lợn". Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa sợ hãi, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trỗ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vừa sợ vừa giận phát cuồng chửi rủa: "Con Mẹ điên lúa và cỏ mà không phân biệt được..." Bà nội còn đang chưa biết nên xoay xở ra sao, thì nhà có ruộng bị cắt lúa tìm tới, mắng bà cố ý dạy con dâu làm càn. Bà nội tôi lửa giận bốc phừng phừng, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo lưng con dâu, chửi: "Đánh chết con điên này, mày cút ngay đi cho bà..."

***

Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi: "Đừng... đừng...". Sau rồi, nhà người ta cũng cảm thấy chướng mắt, chủ động bảo: "Thôi, chúng tôi cũng chẳng bắt đền nữa. Sau này giữ cô ta chặt một tí là được...". Sau khi cơn sóng gió qua, mẹ oại người dưới đất thút thít khóc. Tôi khinh bỉ bảo: "Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là lợn!" Lời vừa dứt, gáy tôi bị một cái tát lật, là bà. Bà trừng mắt bảo tôi: "Thằng ngu kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Đấy là ****** đấy!" Tôi vùng vằng bĩu môi: "Cháu không có loại Mẹ điên khùng thế này!"

"A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!" Bà nội lại giơ tay lên, lúc này chỉ thấy mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, che giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, kêu thảng thốt: "Đánh tôi, đánh tôi!"


Tôi hiểu rồi, mẹ bảo bà nội đánh mẹ, đừng đánh tôi. Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm: "Con Mẹ điên này, trong lòng nó cũng biết thương con đây!". Tôi vào lớp một, cha được một hộ chuyên nuôi cá làng bên mời đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm ruộng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không còn gây ra vụ rầy rà nào lớn nữa.

Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Thụ... ô...". Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Phạm Gia Hỷ cầm đầu trêu chọc. Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị Phạm Gia Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau. Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng "vút" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ Phạm Gia Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp. Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.

Mẹ vì tôi gây ra đại hoạ, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt. Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà. Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về. Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín. Đây là những người do nhà Phạm Gia Hỷ nhờ tới, bố Phạm hung hãn chỉ vào cha tôi nói: "Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, mẹ mày tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra."

Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà họ Phạm, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ. Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, cả đời tôi không thể quên tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng thê thiết mẹ kêu. Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngănbàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó. Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. "Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành hoạ đấy thôi!". Cha lại nhìn tôi nói: "Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!". Tôi gật đầu, tôi hiểu.


***
Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.

Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi. Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.

27/4/2003, lại là một chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: "Ngọt quá, ở đâu ra?" Mẹ nói: "Tôi... tôi hái..." không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: "Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!". Mẹ cười hì hì.

Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông. Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói: "Không, ****** đến giờ vẫn chưa về nhà!" Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được. Thím hỏi: "****** có nói gì không?" Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:" Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!" Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Đường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước. Thím nhìn tôi rồi nói: "Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!" Tôi nói: "Thím, thím đừng doạ cháu...". Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...

Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề. Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: "Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào..." Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.

***

Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà tôi. Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ: "MẸ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi!"
(ST)
 
Last edited by a moderator:
H

hang173

Bên mẹ !
Hoài niệm về những ngày bên mẹ...
Chung quanh tôi, có ngàn vạn con người.
Nhưng trong tôi, chỉ có một người thôi.
Người ấy đã trao cho tôi cuộc sống này, và hơn thế, đã cho tôi hiểu vẻ đẹp của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống.
Tôi gọi Người là Mẹ.
Mẹ tôi là một cô gái trồng hoa nết na thuỳ mị, được hàng xóm láng giềng yêu mến, và tất nhiên, được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Cuối cùng mẹ đã chọn bố tôi - một viên chức quèn thấu hiểu tâm hồn mẹ. Bố không thể cho mẹ nhiều thứ, tuần trăng mật: không, váy cưới: không, nhẫn cưới: cũng không. Nhưng theo lời mẹ thì bố tôi đã tặng cho mẹ hai món quà tuyệt vời nhất: một vườn hoa xinh xắn ở sau nhà, và tôi, tài sản lớn nhất của mẹ.
Mùa xuân, tôi chập chững theo mẹ ra vườn thăm những bông hoa vừa hé nụ. Mẹ bảo rằng nàng tiên mùa Xuân đã đánh thức cả vườn hoa, và mỗi bông hoa tươi là một nụ cười của cuộc sống. Bàn tay mẹ chăm sóc nâng niu cho muôn nụ cười nở rộ, đưa hương thơm náo nức khắp vườn. Mẹ còn dạy tôi ghi nhớ từng mùi hương riêng biệt trong vườn, vì hương thơm chính là linh hồn của cỏ hoa. Tôi chẳng thể nào phân biệt giỏi như mẹ và mọi loài hoa trong mắt tôi, tôi đều gọi chung là “hoa mẹ”.
Có lần, hai mẹ con ra vườn chơi từ lúc mặt trời còn chưa dậy. Mẹ ôm tôi vào lòng, hát những lời ru ngọt ngào như sữa, thủ thỉ các cậu chuyện cổ tích về cô công chúa Hoa, chàng hoàng tử Lá... và nói với tôi đôi lời vu vơ:
- Con có thấy hạt sương đang run rẩy trên cánh hồng kia không? - mẹ hỏi - Nó đang khóc đấy. Vì chỉ chút nữa thôi khi mặt trời lên, nó sẽ tan biến khỏi cõi đời này, sẽ không được ở bên hoa nữa. Hạnh phúc nhiều khi đơn giản lắm, con hiểu không?
Tôi không hiểu lắm những điều mẹ nói. Được sống bên cha mẹ như thế này, tôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Và hạnh phúc lớn nhất của tôi là hàng đêm được ngủ vùi trong mái tóc dài mượt mà thơm ngát của mẹ. Mái tóc mẹ có một hương thơm kỳ lạ: vừa nồng nàn đắm say, vừa nhẹ nhàng thanh khiết, có khi quấn quít không rời, lúc lại dịu dàng lan toả... Tưởng như tất cả các hương hoa trong vườn đã lưu lại trên tóc mẹ vậy.
Mùa hạ ùa đến với những tia nắng rát bỏng xen lẫn những cơn mưa dữ dội. Cảnh vật khô héo đi dưới sức nóng của mặt trời. Tôi ghét mùa hạ! Mùa hạ làm hoa lá ủ rũ và làm mẹ tôi mệt mỏi. Mẹ thường xuyên bị chóng mặt và ho dữ dội, có lần mẹ còn bị ngất khi đang cùng tôi tưới hoa. Tôi chỉ biết ngồi khóc cho đến khi mẹ tỉnh dậy. Vậy mà mẹ lại dặn tôi rằng không được kể cho bố, rằng mẹ chỉ thiếp đi một chút thôi, và mẹ sẽ tự dậy được ngay.
Nhưng đến lần thứ hai, mẹ đã không tự dậy được.
Mẹ được chuyển ngay vào Khoa cấp cứu của bệnh viện. Tôi chỉ được bố giải thích là mẹ bị ốm nhẹ, mẹ phải xa tôi một thời gian. Nhưng tôi chẳng tin đâu vì nếu bị ốm nhẹ thì mẹ tôi đâu phải nằm Bệnh viện, và bố tôi đâu phải lo lắng đến rộc cả người thế kia.
Ngày nào tôi cũng được bố đèo vào Bệnh viện thăm mẹ. Dù mệt mỏi nhưng mẹ vẫn tự tay vắt cam, pha sữa cho tôi uống. Mẹ cười rất tươi khi biết tôi vẫn chăm sóc cẩn thận cho những bông hoa ở nhà. Mẹ còn xin phép ông bác sĩ già được tặng vài giống hoa đẹp cho khu vườn của Bệnh viện. Thấy mẹ như vậy, tôi cũng an tâm phần nào. Tôi sà vào lòng mẹ và hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ có mệt lắm không? Mẹ phải nhanh khỏi ốm đấy nhé!
Mẹ âu yếm thơm tôi và trả lời:
- Ừ, được rồi, mẹ sẽ nhanh khỏi ốm để đưa con trai mẹ ra vườn chơi.
Thế nhưng lúc về, tôi thấy hình như mắt mẹ đẫm lệ.
Thấm thoát thu qua đông tới, thời gian trôi ngày một nhanh hơn và mẹ tôi ngày một yếu hơn. Vào thăm mẹ, tôi giật mình khi thấy mẹ xanh quá và tóc mẹ rụng từng mảng. Tôi cứ mếu máo ăn vạ mãi nên mọi người đành phải cho tôi ở hẳn Bệnh viện với mẹ. Một lần, trong giấc ngủ mơ màng, tôi loáng thoáng nghe tiếng mẹ thổn thức:



- Anh ơi, em sắp phải đi rồi... Em chẳng tiếc gì đâu, em chỉ tiếc con em thôi... Giá mà em được nhìn thấy con lớn lên, được đưa con đến trường, rồi con mình lấy vợ... Ước gì em sống thêm được vài năm, không, chỉ vài tháng, hay mấy tuần nữa thôi cũng được. Sắp đến Tết rồi, anh nhỉ? Em sẽ dắt con ra chợ mua lá dong về gói bánh chưng, sẽ mua cho con bộ quần áo mới...
Bệnh của mẹ tôi đã vào giai đoạn cuối. Tuy mẹ cố kìm những tiếng rên rỉ nhưng nhìn vẻ mặt mẹ, tôi biết mẹ đang đau đớn đến cùng cực. Tôi nghe trộm được ông bác sĩ già nói với bố:
- Tôi không hiểu vì sao cô ấy có thể trụ vững lâu đến như vậy. Thứ giữ cô ấy sống đến bây giờ không phải là thuốc men nữa rồi. Mà có lẽ... có lẽ là tình yêu thương...
Vì mẹ tôi yếu quá rồi nên mọi người không cho tôi được ở với mẹ nữa. Tôi một mình lầm lũi trở về khu vườn thân quen. Những cơn gió lạnh buốt sục sạo khắp nơi như muốn tiêu diệt nốt các mầm sống còn sót lại. Những bông “hoa mẹ” úa tàn đổ gục xuống, những cánh hoa héo hắt và giập nát phủ dày trên mặt đất, chốc chốc lại bị gió thổi tung lên, bay lả tả. Nhưng kìa, ở giữa khu vườn vẫn còn trơ trụi một bông hoa xinh đẹp, dẫu cành lá đã xiêu vẹo hẳn đi nhưng vẫn bất chấp giá lạnh mà kiên cường sống. Tôi chạy vội tới, dùng cả hai lòng bàn tay che chở cho nụ cười cuối cùng của cuộc đời. Một cơn gió sắc như dao lướt tới, bông hoa xinh khẽ run rẩy rồi gục xuống, trong bàn tay tôi chỉ còn những cánh hoa rời rụng. Tôi oà lên khóc. Mẹ ơi! Mẹ về đi! Con nhớ mẹ quá... Con chẳng thích bánh chưng đâu. Con chẳng thích quần áo mới đâu. Con chỉ cần mẹ thôi...
Một buổi tối, bỗng nhiên mẹ yêu cầu bác sĩ cho tôi được ngủ cùng mẹ. Buổi tối ấy, suốt đời tôi không quên được. Mẹ tôi lại xinh đẹp như ngày xưa, da mẹ hồng hào, mắt mẹ sáng long lanh. Trên khuôn mặt mẹ không còn những nét đau đớn nữa. Mẹ không nói gì cả, mẹ chỉ cười tươi như hoa và ôm tôi vào lòng, thật chặt. Tôi sung sướng áp đầu vào mái tóc thơm ngát của mẹ và ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng gào thét và tiếng chân người chạy cuống cuồng. Tôi mở choàng mắt ra. Mẹ tôi vẫn nằm yên trên giường, miệng thoáng một nụ cười mãn nguyện. Bố tôi quì phục bên mẹ, thân hình cứng đờ như tượng đá. Tôi gào lên gọi mẹ, rồi gọi bố. Nhưng không ai trả lời... Cô y tá vội bế thốc tôi ra khỏi phòng nhưng trước đó, tôi vẫn kịp nhìn thấy vị bác sĩ già lôi từ hàm răng xô lệch của mẹ một chiếc khăn tay rỉ máu:
- Tội nghiệp! Cô ấy muốn thằng bé ngủ yên...

***

Nàng tiên mùa Xuân lại quay về đánh thức cả khu vườn. Những cánh bướm rập rờn nô đùa quanh hàng trăm bông hoa mơn mởn sắc hương. Chăm sóc cho cả vườn hoa ấy bây giờ chỉ còn bố và tôi, còn mẹ tôi lặng lẽ ngụ ở một góc vườn ngắm nhìn hai bố con. Tôi đứng trước những que hương vừa thắp trên mộ mẹ mà lòng chợt thấy bâng khuâng. Được sống mãi trong khu vườn này bên những người thân yêu, đó là tâm nguyện của mẹ. Bố khẽ thở dài và vỗ nhẹ lên vai tôi:
- Đừng buồn nữa con... Mẹ đã bay lên trời rồi nhưng mẹ vẫn yêu thương chúng ta như chúng ta yêu thương mẹ. Vì bố, mẹ và con mãi mãi là một gia đình, phải không?
Tôi im lặng. Một luồng hương ấm áp và thân quen bất chợt toả ra, ôm ấp lấy hai bố con. Mùi hương nhang khói ư, hay hương thơm của cỏ hoa? Hình như không phải... Đây là một hương thơm kỳ lạ: vừa nồng nàn đắm say, vừa nhẹ nhàng thanh khiết, có khi quấn quýt không rời, lúc lại dịu dàng lan toả...
 
Last edited by a moderator:
H

hang173

CÂU CHUYỆN THỨ 3:
Đây là câu chuyện chân thật về gia đình nghèo khổ, khi đứa con vừa bắt đầu đi học thì người cha qua đời, hai mẹ con cùng nhau dìu dắt nhau đi và dùng đống đất đỏ nhè nhẹ phủ lên để tiễn biệt người cha

Người mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi dưỡng con thơ. Lúc đó trong thôn chưa có điện, mỗi tối thằng bé thắp ngọn đèn dầu bé tí đọc sách, vẽ tranh. Người mẹ thì từng mũi kim sợi chỉ may vá đan áo cho con. Ngày tiếp ngày, năm kế năm những tấm bằng khen cứ đắp lên vách tường đất loang lổ của họ. Đứa con cứ như ngọn trúc xanh của mùa xuân vụt lên phơi phới, nhìn đứa con cao nhanh hẳn thì đuôi mắt mẹ cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn mỗi lần cười khi nhìn thấy con nhận phần thưởng.

Nhưng dường như trời không thương mẹ con họ, khi đứa con vừa thi vào trường trung học của huyện thì mẹ bị bệnh phong thấp nặng. Việc đồng áng làm không nỗi, có khi cơm ngày hai bữa cũng không đủ ăn.Lúc đó học sinh ở trường trung học ỗi tháng phải nộp 30kg gạo. Đứa con biết mẹ không có khã năng nên nói với mẹ: “mẹ, con sẽ nghĩ học để giúp mẹ làm ruộng”. Mẹ vò đầu con, âu yếm nói: “con có lòng thương mẹ như vậy, mẹ rất vui, nhưng không đi học không thể được, yên tâm. Mẹ sanh con mẹ sẽ có cách nuôi con. Con đến trường ghi danh đi, mẹ sẽ mang gạo lên sau. Đứa con ngang bướng cãi lại, không chịu lên trường, người mẹ bực mình tát mạnh lên mặt con, đó là lần đầu tiên 16 tuổi trong đời bị mẹ đánh như vậy.

Đứa con cuối cùng cũng cắp sánh đến trường,nhìn sau lưng con cứ xa xa dần theo con đường mòn, người mẹ vò tráng suy nghĩ. Không lâu, bếp của trường cũng nhận được gạo của người mẹ bệnh tật mang đến, Bà khập khễnh bước vào cổng, với hơi thở hổn hểnh từ trên vai thả xuống một bao gạo nặng trĩu. Người phụ trách nhà bếp mở gạo ra xem , hốt một vóc lên xem lập tức cột chặt miệng bao lại nói: “ bậc phụ huynh các người thích làm những việc có lợi cho mình.Bà xem gạo nè,có thóc có sạn có hạt cỏ…làm sao mà ăn”. Người mẹ ngượng ngùng đỏ cả mặt, nói lời xin lỗi. Người phụ trách nhà bếp không nói gì thêm mang gạo vào nhà.Người mẹ lại móc trong túi gở ra mấy lớp vãi lấy ra 5 tệ nói với người phụ trách : “đây là tiền phí sinh hoạt của con tôi tháng này làm phiền ông chuyển đến dùm. Ông đùa nói: “thế nào bà nhặt được trên đường đó à” bà mắc cở đỏ mặt nói cám ơn rồi quay lưng đi.

Rồi lại đến một tháng ,bà nhọc nhằn vác bao gạo đến nhà bếp, người phụ trách nhà bếp vừa nhìn gạo xong thì cột chặt lại, cũng là thứ gạo đủ màu sắc. Ông nghĩ, có lẻ lần trước do không dặn người này rõ ràng, ông nhẹ nhàng từng chữ nói với bà: “bất cứ thứ gạo gì chúng tôi đều nhận,nhưng làm ơn để rịêng ra,cho dù thế nào cũng không được để chung,như vậy chúng tôi không thể nào nấu được,nấu ra thì cơm sẽ bị sượng. Nếu lần sau còn như vậy tôi sẽ không nhận”. Bà hốt hoảng thành khẩn nói: “Thưa ông! gạo nhà tôi đều như vậy cả ,phải làm thế nào?” Người phụ trách đùng đùng nói: “ một sào ruộng nhà bà mà có thể trồng được cả trăm giống lúa như vậy à? thật buồn cười”. Bị la như thế bà không dám nói năng gì,lặng lẻ cúi đầu, người phụ trách cũng làm lơ để bà đi.

Đến tháng thứ ba,bà lại vất vã vác đến một bao gạo,vừa nhìn thấy người đàn ông la bà lần trước, trên mặt bà lại hiện lên nụ cười còn tội hơn là khóc. Ông ta vừa nhìn thấy gạo bỗng giận dữ quát lớn nói: “tôi nói vậy mà bà vẫn cứ như vậy không đổi. Sao mà ngoan cố, cũng thứ gạo tạp nhạp này, bà xem đi. Lần này mang đến thế nào thì mang về vậy!

Hình như bà đã dự đoán trước được điều đó,bà liền quỳ xuống trước mặt người phụ trách, hai dòng lệ trào ra trên khóe mắt, buồn bã nói: “ tôi nói thật với ông,gạo này là …tôi đi xin đấy, ông giật bén người, hai mắt tròn xoe nói không nên lời.

Bà ngồi phịch xuống đất, lộ ra đôi chân biến dạng, sưng húp… rơi lệ nói: “tôi bị bệnh phong thấp đi lại rất khó, không thể làm ruộng được. Con tôi đòi bỏ học giúp tôi, bị tôi đánh nên trở lại trường học.

Bà cầu xin người phụ trách làm thế nào vừa dấu bà con hàng xóm lại càng sợ đứa con biết được sẽ tổn thương lòng tự trọng của nó. Mỗi ngày trời còn chưa sáng bà len lén cầm cái bao chống gậy đi cách thôn khoảng 10 dặm để van xin lòng thưong của những người khác, rồi đợi trời thật tối bà một mình âm thầm về. Gạo bà xin được đều để chung vào. Tháng kế tiếp vừa mang gạo đến trường bà nhìn người phụ trách, chưa nói mà nước mắt lưng tròng. Ông đở bà dậy nói: “thật là ngừơi mẹ tốt,tôi sẽ lập tức đi trình với hiệu trưởng, để trường miễn học phí cho con bà”.Bà vừa nghe xong hốt hoảng lắt đầu nói: “đừng…đừng…nếu con tôi mà biết tôi đi xin để nuôi nó đi học sẽ làm nó tổn thương và như thế ảnh hưởng đến sự học của nó. Ông hiểu ý bà nói: “à, thì ra bà muốn tôi dấu kín điều này, được rồi, tôi nhớ”. Bà khập khểnh như người què quay lưng đi.

Cuối cùng thì hiệu trưởng cũng biết được sự việc với nét mặt hiền hoà nói: “vì gia đình bà quá nghèo ,trường sẽ miễng học phí và tiền sinh hoạt 3 năm. Ba năm sau , đứa con đã thi đậu vào trường đại học Thanh Hoa. Ngày tốt nghiệp, chiêng trống vang trời, hiệu trưởng đặc biệt chú ý người học sinh có hoàn cảnh khó khăn này và mời cậu ta lên lễ đài. Cậu ta khó chịu nói: “thi đạt điểm cao có rất nhiều, vì sao bảo em lên lễ đài?Lại càng làm mọi ngừời ngạc nhiên hơn là trên lễ đài đỗ liên tiếp ba hồi trống vang dội. Lúc đó người phụ trách nhà bếp cầm ba cái bao đựng gạo của người mẹ lên lễ đài kể câu chuyện Người mẹ đi xin gạo để nuôi con ăn học. Dưới lễ đài mọi người im bặt, Hiệu trưởng nhìn ba cái bao giọng hùng hồn nói: “Đây là câu chuyện ba cái bao của người mẹ đi xin,trên đời này đem vàng cũng không mua được những hạt gạo này, sau đây sẽ mời người mẹ vĩ đại đó lên lễ đài.

Đứa con trong lòng nghi nghi, nhìn lại phía sau xem, thấy ngừời phụ trách dìu mẹ từng bước từng bước tiến lên lễ đài. Lúc đó chúng ta không biết đứa con trong lòng nghĩ gì? Tin tưởng rằng sẽ làm cho cậu ta rung động nhưng không hãi hùng lo sợ. Thế là tuồng kịch tình mẫu tử ấm áp nhất đã được diễn ra. Hai mẹ con nhìn nhau, từ ánh mắt lấp lánh tình yêu thương của người mẹ, vài sợi tóc trắng bay bay trước trán. Đứa con bước đến trước, ôm chầm lấy mẹ và bật khóc, “mẹ…mẹ của con…” trãi qua bao nhiêu năm tháng câu chuyện của mẹ vẫn còn sáng mãi trong truyền thuyết.
 
Last edited by a moderator:
L

lolem_theki_xxi

'Ngày đầu tiên đến trường, bước chân con thật khẽ. Học đánh vần tiếng 'mẹ', lòng rưng rưng bình yên'.
Thùy Linh(Thi viết 'Người phụ nữ tôi yêu')
Mẹ ạ! Có nhiều khi con đã nghĩ cuộc sống này chẳng có gì ý nghĩa cả, phức tạp và bon chen, xô bồ và nghiệt ngã. Dấn thân vào đó, con mới biết mình non nớt trước tất cả sự xô đẩy của nó. Sau mỗi lần vấp ngã, con chỉ biết đứng lại và chậm chạp lê bước. Kinh nghiệm không cho con cứng rắn vì nó quá ít. Tuổi tác không cho con bản lĩnh, đơn giản vì con hay bị chi phối bởi nhiều mặt, vì con hay bị cái gọi là "con gái" đè bẹp ý chí của mình. Và thất bại cứ nối tiếp thất bại...
Khi mọi thứ dường như chậm lại, đủ một phút để con ngẫm nghĩ, lúc đó, con nghĩ về mẹ. Con rất muốn ào vào lòng mẹ, kể cho mẹ nghe tất cả. Nhưng điều duy nhất ám ảnh con suốt thời gian dài là: sợ mẹ biết con khóc và con cũng sợ mẹ khóc. Con sợ mẹ thảng thốt hỏi: "Con làm sao thế? Con đang khóc phải không?". Và con cứ ngồi như thế, ngồi đợi để lòng mình dịu lại, để biết là mình vẫn phải bước đi. Ngồi im lặng để nghĩ rằng con cũng phải vượt qua những gì mà ngoài kia vô số người cũng đang cố gắng. Lúc đó, con sẽ quệt nước mắt và con lại gọi cho mẹ.


Mẹ nhớ không, lần đầu tiên trong cuộc đời, khi anh trai bị ốm, con nhìn thấy mẹ khóc. Mẹ đứng ở cửa, dáng gầy gò, xiêu vẹo theo bóng chiều đổ, mẹ im lặng cam chịu. Rồi mẹ đưa bàn tay xương xương, lén quệt những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, hai vai mẹ rung lên, cố nén tiếng nấc nghẹn ngào. Con đứng đó, trơ như phỗng, muốn ào đến ôm chặt lấy mẹ, muốn giữ chặt đôi vai gầy ấy trong bàn tay non nớt của mình nhưng con không làm được. Rồi con cũng khóc theo. Anh ngơ ngác nhìn mẹ, nhìn con, anh cũng khóc tu tu như một đứa trẻ. Ba mẹ con mình ôm nhau trong cái phòng trọ bé xíu, loay hoay tìm chỗ dựa vào nhau. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, con tự hứa với mình: "Sẽ không làm giọt nước mắt rơi trên má mẹ một lần nào nữa".
Con muốn lúc nào trong điện thoại, mẹ cũng nghe thấy tiếng cười trong trẻo của con, nghe con kể về những việc con đã làm được khi sống tự lập. Con muốn mẹ con chúng ta tìm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong làng quê yên bình.
"Hạnh phúc là bàn tay rám nẻNgày đầu tiên đến trường bước chân con thật khẽHọc đánh vần tiếng "mẹ" lòng rưng rưng bình yênHạnh phúc muôn đời sẽ chẳng có tênVà quê mình có lẽ vẫn bình yên như vậyChỉ vầng trăng tròn bỗng dưng thành khuyếtDáng mẹ lưng còng, dấu hỏi lòng conChiều thành thị hôm nay không khói.Mà mắt con cay..
 
L

lolem_theki_xxi

Mẹ không có ngày 8/3​
me2s.jpg

Có lẽ mẹ không biết
Cái ngày tám tháng ba
Có lẽ vì mẹ già
Nhà quê mình lam lũ.


Dường như khi con lớn
Là khi con đi xa
Cái ngày tám tháng ba
Dường như xa vời vợi.


Ở những chốn thị thành
Ngày này xôn xao lắm
Ở cánh đồng quê hương
Mẹ giờ này có lẽ...


Đang nhổ cỏ, bón phân
Vắt bùn đen cứu ruộng
Hoặc Mẹ đang tảo tần
Vì heo gà dịch bệnh.


Đôi khi con nhớ mẹ
Bằng cái nhớ người câm
Những món quà âm thầm
Giấu sâu trong tròng mắt.


Đôi khi sự liên tưởng
Đau nhói những tim người
Đôi khi sự so sánh
Càng trở thành khập khiểng.


Đôi khi con mua quà
Nhưng con đâu dám gởi
Chỉ vì sợ mẹ la
“Thằng bày chi khách sáo ?!





Mẹ chân lấm tay bùn
Nhớ ngày phân, ngày thuốc
Làm sao mà mẹ biết
Những ngày tám tháng ba !”


Ngô Hữu Đoàn​
 
A

anhchangcodon_leloiv

Mười lăm tuổi, con bắt đầu học cách sống một mình ở chốn phố phường, rời gia đình, rời làng quê để tiếp tục học ở trường cấp ba của tỉnh. Một buổi trưa hè oi ả, cả nhà ngồi bên nhau trong bữa cơm đạm bạc mẹ nấu để tiễn con trai lên đường. Dù chỉ cách xa gia đình ba bốn chục cây số, nhưng cảm giác lần đầu phải rời xa tổ ấm khiến con thấy cô đơn và bơ vơ ngay khi còn đang ở nhà. Hai đứa em thơ, đứa lên ba, đứa lên bảy, ngày thường trêu đùa nhau cả trong bữa ăn, nay chỉ ngồi rầu rĩ, im lặng. Mẹ biết con buồn, biết các em nhớ nên luôn cố gắng nói chuyện thật nhiều để không khi bữa ăn vui vẻ hơn, nhưng con khẽ liếc thấy đôi mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ khóc.
Nhiều người thích phố xá phồn hoa, náo nhiệt, nhưng con lại đếm từng ngày, từng giờ để được về với mẹ, với các em, với gia đình. Con về thăm nhà ngay khi tuần học đầu tiên kết thúc. Chỉ được chưa đầy một ngày cho thỏa bao nỗi niềm nhớ mong vô hạn, để rồi chiều hôm sau con lại phải tiếp tục đi xa – trong nước mắt mẹ. Mẹ cũng khóc.
Tháng qua tháng, ngày qua ngày, con cũng dần quen với cuộc sống mới. Cuộc sống bận rộn trăm đường cũng khiến mẹ vơi bớt nỗi nhớ con. Con quyết tâm cố gắng học tập, và qua bao nhiêu khó khăn, con may mắn được tham dự một kì thi quan trọng. Nghĩ rằng bố mẹ sẽ lo lắng, sẽ dồn hết tâm trí vào con nên con giấu không cho bố mẹ biết. Ngày đi thi, bạn bè con người đón người đưa, con một mình lặng lẽ đến trường thi, lặng lẽ làm bài và lại lặng lẽ ra về. Về đến chỗ trọ, khép cánh cửa phòng trọ lại là mở ra một cảm giác trống vắng và tủi thân. Con câm nín, dù muốn bật khóc, rồi vùi mình vào giấc ngủ. Ngày có kết quả, con vui mừng báo về nhà cho mẹ, mẹ trách: “Sao con không cho mẹ biết con đi thi?”. Em con kể, lần đó mẹ lại rơi nước mắt nữa.
Thấm thoắt chẳng bao lâu đã đến ngày con vào đại học. Mỗi năm con chỉ về nhà được vài ba lần. Ngày con về, nhà mình vui vẻ bao nhiêu thì ngày con đi mẹ buồn bấy nhiêu. Tiễn đứa con trai với tay cặp, tay balo, mẹ căn dặn con đủ điều, cũng trong nước mắt. Con chào mẹ, lên xe, bóng mẹ xa dần khi xe chuyển bánh. Tâm hồn con còn vương vấn cọng rơm, cây cỏ chốn quê nhà, và trái tim con thấu hiểu: Mẹ sẽ khóc.
Nhưng Tết năm nay thì khác. Con đã là sinh viên năm cuối, trưởng thành và chững chạc hơn nhiều. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, con sẽ bước vào đời, sẽ tự tạo dựng cuộc sống cho riêng mình. Những ngày Tết, con thường hay tâm sự với mẹ thật nhiều về những dự định của con. Thấy con lớn khôn hơn, con biết mẹ bớt lo lắng về con. Mẹ cũng biết rõ từ nay trở đi, con sẽ càng không ở nhà thường xuyên với mẹ nữa, con cũng đã bắt đầu tự lo liệu được cho mình. Sáng hôm con đi học, cả nhà mình liên hoan thật vui vẻ, mẹ cũng vui hơn những năm trước. Con đi, mẹ vẫn tiễn con lên xe, nhưng lần này nhìn mẹ phấn khởi và đầy hi vọng về con. Con chào mẹ, mẹ không còn rơi nước mắt như năm nào nữa. Nhưng, nước mắt con thì tuôn trào, không cần lí do, cứ như đứa em lên ba, lên bảy năm nào…
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn thương con”
__________________
 
Last edited by a moderator:
X

xomnhala_2000

Mẹ Ốm (Sưu tầm)
Nếu thời gian có thể quay ngược, nó sẽ thể hiện tình yêu của nó với mẹ nhiều hơn, sẽ gần mẹ nhiều hơn, nhìn mẹ nhiều hơn nữa. Nó cũng sẽ yêu mến thầy cô và bạn bè hơn, nó sẽ thể hiện tình cảm nhiều hơn chứ không giữ mãi trong lòng để giờ đây nuối tiếc.

Mẹ ốm

Mọi hôm mẹ thích vui chơi

Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu

Lá trầu khô giữa cơi trầu

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay



Cánh màn khép lỏng cả ngày

Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa

Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan



Khắp người đau buốt nóng ran

Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

Người cho trứng, người cho cam

Và anh y sĩ đã mang thuốc vào



Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương

Cả đời đi gió đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi



Mẹ vui con có quản gì

Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca

Rồi con diễn kịch giữa nhà

Một mình con sắm cả ba vai chèo



Vì con mẹ khổ đủ điều

Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Con mong mẹ khỏe dần dần

Ngày ăn ngon miệng đêm nằm ngủ say



Rồi ra đọc sách cấy cày

Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…


Tình cờ đọc được bài thơ này, lòng thấy xao xuyến, nó chợt nghĩ về mẹ… Từ nhỏ đến giờ, anh chị em nó ốm cũng nhiều lần, đau cũng nhiều bận nhưng chỉ toàn mẹ chăm sóc, lo lắng ... Mẹ tất bật với những công việc thường hằng, vậy mà còn phải chạy đôn chạy đáo mỗi khi có ai đó trong nhà bị bệnh. Còn mẹ ư, mấy khi nó thấy mẹ ốm. Mà những lúc mẹ ốm, nó chẳng làm được gì nhiều. Chỉ là những gì được sai bảo, những cái nhỏ nhoi, hạn hẹp, thua xa, xa lắm em bé trong bài thơ này. Không những thế nó còn hay làm mẹ buồn bởi tính bướng bỉnh của nó, bướng đến độ chính nó cũng không hiểu!

Giờ đây khi xa nhà, nó muốn được ở gần mẹ, muốn đỡ đần và chăm sóc mẹ, nhất là mỗi khi mẹ ốm đau, nhưng điều này giờ đây sao khó thực hiện quá. Nó khẽ trách mình…và trách cả cuộc sống nữa! Sao cuộc sống cứ để nó nhận ra những điều tốt đẹp khi dường như tất đã muộn màng? Không những về mẹ mà con bao nhiêu chuyện khác cũng vậy, nó cảm thấy khi mình đủ lớn để nhìn nhận sự việc thì chúng đã vượt khỏi tầm tay!

“Nếu có ước muốn trong cuộc đời này

Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…”

Nếu thời gian có thể quay ngược, nó sẽ thể hiện tình yêu của nó với mẹ nhiều hơn, sẽ gần mẹ nhiều hơn, nhìn mẹ nhiều hơn nữa. Nó cũng sẽ yêu mến thầy cô và bạn bè hơn, nó sẽ thể hiện tình cảm nhiều hơn chứ không giữ mãi trong lòng để giờ đây nuối tiếc. Nó sẽ đắn đo nhưng sẽ quyết đinh mạnh mẽ hơn và liều lĩnh hơn…

Giờ đây nó biết nó cần tỉnh táo lắm để không bỏ lỡ những giây phút quan trọng của cuộc sống!



Không biết tự lúc nào nó đã biết âm thầm nguyện. Nó có một điều ước nguyện cho gia đình, xin cho gia đình nó luôn được bình an, cách riêng cho mẹ nó nữa.

Mùa Vọng Năm nay tâm hồn nó thật sâu lắng hơn.

Nó đã biết suy nghĩ.
 
X

xomnhala_2000

Cảm nghĩ về mẹ (Sưu tầm)
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”

Trong cuộc đời này, có ai lại không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào, có ai lại không dược chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè oi ả. Và trong cuộc đời này, có ai yêu con bằng mẹ, có ai suốt đời vì con giống mẹ, có ai săn sàng sẻ chia ngọt bùi cùng con như mẹ.

Với tôi cũng vậy, mẹ là người quan tâm đến tôi nhất và cũng là người mà tôi yêu thương và mang ơn nhất trên đời này. Tôi vẫn thường nghĩ rằng mẹ tôi không đẹp. Không đẹp vì không có cái nước da trắng, khuôn mặt tròn phúc hậu hay đôi mắt long lanh… mà mẹ chỉ có khuôn mặt gầy gò, rám nắng, vấng trán cao, những nếp nhăn của cái tuổi 40, của bao âu lo trong đời in hằn trên khóe mắt. Nhưng bố tôi bảo mẹ đẹp hơn những phụ nữ khác ở cái vẻ đẹp trí tuệ. Đúng vậy, mẹ tôi thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát lắm. Trên cương vị của một người lãnh đạo, ai cũng nghĩ mẹ là người lạnh lùng, nghiêm khắc. có những lúc tôi cũng nghĩ vậy. nhưng khi ngồi bên mẹ, bàn tay mẹ âu yếm vuốt tóc tôi, mọi ý nghĩ đó tan biến hết. Tôi có cả giác lâng lâng, xao xuyến khó tả, cảm giác như chưa bao giờ tôi được nhận nhiều yêu thương đến thế. Dường như một dòng yêu thương mãnh liệt qua bàn tay mẹ truyền vào sâu trái tim tôi, qua ánh mắt, đôi môi trìu mến, qua nụ cười ngọt ngào, … qua tất cả những gì của mẹ. tình yêu ấy chỉ khi người ta gần bên mẹ lâu rồi mói cảm thấy đuợc thôi. Từ nhỏ đến lớn, tôi đón nhận tình yêu vô hạn của mẹ như một ân huệ, một điều đương nhiên.

Trong con mắt một đứa trẻ, mẹ sinh ra là để chăm sóc con. Chưa bao giờ tôi tư đặt câu hỏi: Tại sao mẹ chấp nhận hy sinh vô điều kiện vì con? . Mẹ tốt, rất tốt với tôi nhưng có lúc tôi nghĩ mẹ thật quá đáng, thật… ác. Đã bao lần, mẹ mắng tôi, tôi đã khóc. Khóc vì uất ức, cay đắng chứ đâu khóc vì hối hận. Rồi cho đến một lần… Tôi đi học về, thấy mẹ đang đọc trộm nhật ký của mình. Tôi tức lắm, giằng ngay cuốn nhật ký từ tay mẹ và hét to:“ Sao mẹ quá đáng thế! Đây là bí mật của con, mẹ không có quyền động vào. Mẹ ác lắm, con không cần mẹ nữa! ” Cứ tưởng, tôi sẽ ăn một cái tát đau điếng. Nhưng không mẹ chỉ lặng người, hai gò má tái nhợt, Khóe mắt rưng rưng. Có gì đó khiến tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ.

Tôi chạy vội vào phòng, khóa cửa mặc cho bố cứ gọi mãi ở ngoài. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm, ướt đẫm chiếc gối nhỏ. Đêm càng về khuya, tôi thao thức, trằn trọc. Có cái cảm giác thiếu vắng, hụt hẫng mà tôi không sao tránh được. Tôi đã tự an ủi mình bằng cách tôi đang sống trong một thế giới không có mẹ, không phải học hành, sẽ rất hạnh phúc. Nhưng đó đâu lấp đầy dược cái khoảng trống trong đầu tôi. Phải chăng tôi thấy hối hận? Phải chăng tôi đang thèm khát yêu thương? …

Suy nghĩ miên man làm tôi thiếp đi dần dần. Trong cơn mơ màng, tôi cảm thấy như có một bàn tay ấm áp, khẽ chạm vào tóc tôi, kéo chăn cho tôi. Đúng rồi tôi đang mong chờ cái cảm giác ấy, cảm giác ngọt ngào đầy yêu thương. Tôi chìm đắm trong giây phút dịu dàng ấy, cố nhắm nghiền mắt vì sợ nếu mở mắt, cảm giác đó sẽ bay mất, xa mãi vào hư vô và trước mắt ta chỉ là một khoảng không thực tại. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cảm thấy căn nhà sao mà u buồn thế. Có cái gì đó thiếu đi. Sáng đó, tôi phải ăn bánh mỳ, không có cơm trắng như mọi ngày. Tôi đánh bạo, hỏi bố xem mẹ đã đi đâu. Bố tôi bảo mẹ bị bệnh, phải nằm viện một tuần liền. Cảm giác buồn tủi đã bao trùm lên cái khối óc bé nhỏ của tôi. Mẹ nằm viện rồi ai sẽ nấu cơm, ai giặt giũ, ai tâm sự với tôi? Tôi hối hận quá, chỉ vì nóng giận quá mà đã làm tan vỡ hạnh phúc của ngôi nhà nhỏ này. Tại tôi mà mẹ ốm. Cả tuần ấy, tôi rất buồn. Nhà cửa thiếu nụ cười của mẹ sao mà cô độc thế. Bữa nào tôi cũng phải ăn cơm ngoài, không có mẹ thì lấy ai nấu những món tôi thích. Ôi sao tôi nhớ đén thế những món rau luộc, thịt hầm của mẹ quá luôn.

Sau một tuần, mẹ về nhà, tôi là người ra đón mẹ đầu tiên. Vừa thấy tôi, mẹ đã chạy đến ôm chặt tôi. Mẹ khóc, nói: “ Mẹ xin lỗi con, mẹ không nên xem bí mật của con. Con … con tha thứ cho mẹ, nghe con.” Tôi xúc động nghẹn ngào, nước mắt tuôn ướt đẫm. Tôi chỉ muốn nói: “ Mẹ ơi lỗi tại con, tại con hư, tất cả tại con mà thôi. ” . Nhưng sao những lời ấy khó nói đến thế. Tôi đã ôm mẹ, khóc thật nhiều. Chao ôi! Sau cái tuần ấy tôi mới thấy mẹ quan trọng đến nhường nào. Hằng ngày, mẹ bù đầu với công việc mà sao mẹ như có phép thần. Sáng sớm, khi còn tối trời, mẹ đã lo cơm nước cho bố con. Rồi tối về, mẹ lại nấu bao nhiêu món ngon ơi là ngon. Những món ăn ấy nào phải cao sang gì đâu. Chỉ là bữa cơm bình dân thôi nhưng chứa chan cái niềm yêu tương vô hạn của mẹ. Bố con tôi như những chú chim non đón nhận từng giọt yêu thương ngọt ngào từ mẹ. Những bữa nào không có mẹ, bố con tôi hò nhau làm việc toáng cả lên. Mẹ còn giặt giũ, quét tước nhà cửa… việc nào cũng chăm chỉ hết. Mẹ đã cho tôi tất cả nhưng tôi chưa báo đáp được gì cho mẹ. Kể cả những lời yêu thương tôi cũng chưa nói bao giờ. Đã bao lần tôi trằn trọc, lấy hết can đảm để nói với mẹ nhưng rồi lại thôi, chỉ muốn nói rằng: Mẹ ơi, bây giờ con lớn rồi, con mới thấy yêu mẹ, cần mẹ biết bao. Con đã biết yêu thương, nghe lời mẹ. Khi con mắc lỗi, mẹ nghiêm khắc nhắc nhở, con không còn giận dỗi nữa, con chỉ cúi đầu nhận lỗi và hứa sẽ không bao giờ phạm phải nữa. Khi con vui hay buồn, con đều nói với mẹ để được mẹ vỗ về chia sẻ bằng bàn tay âu yếm, đôi mắt dịu dàng. Mẹ không chỉ là mẹ của con mà là bạn, là chị… là tất cả của con. Con lớn lên rồi mới thấy mình thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên để uốn nắn, nhắc nhở. Có mẹ giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu ăn cho gia đình.

Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm để nói lên ba tiếng: “ Con yêu mẹ! ” thôi cũng được. Nhưng con đâu dũng cảm, con chỉ điệu đà ủy mỵ chứ đâu được nghiêm khắc như mẹ. Con viết những lời này, dòng này mong mẹ hiểu lòng con hơn. Mẹ đừng nghĩ có khi con chống đối lại mẹ là vì con không thích mẹ. Con mãi yêu mẹ, vui khi có mẹ, buồn khi mẹ gặp điều không may. mẹ là cả cuộc đời của con nên con chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu con, chăm sóc con, an ủi con, bảo ban con và để con được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này. Tình cảm ấy đã nuôi dưỡng bao con người trưởng thành, dạy dỗ bao con người khôn lớn. Chính mẹ là nguời đã mang đến cho con thứ tình cảm ấy. Vì vậy, con luôn yêu thương mẹ, mong được lớn nhanh để phụng dưỡng mẹ. Và con muốn nói với mẹ rằng: “ Con dù lớn vẫn là con mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con. ”
 
X

xomnhala_2000

Mẹ
“Trong màn đêm lạnh giá, một ngọn nến sẽ soi sáng và sưởi ấm cho mọi vật. Trong cuộc đời mỗi con người, ngọn nến đó chính là mẹ!”
“Nhớ ngày xưa khi còn bé, mẹ ôm ấp tôi những lúc trời lạnh. Mẹ kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích ly kỳ, hấp dẫn bằng giọng nói trầm ấm. Đôi mắt mẹ yêu thương nhìn tôi trìu mến. Đôi mắt đen láy làm cho mẹ thật thông minh. Cả những lúc chui vào trong chăn cùng mẹ, tôi cảm nhận được hơi thở ấm nồng, nhè nhẹ. Mẹ muốn tôi ngủ yên, ngủ say để sáng mai còn đi học sớm, không bị thiếu ngủ…”
“Những lần tôi ốm, mẹ thức trắng cả đêm để săn sóc tôi. Sáng dậy, đôi mắt mẹ trũng xuống vì thiếu ngủ. Tôi hiểu được, mẹ lo lắng cho tôi thế nào. Những hôm đó, trông mẹ xanh xao quá. Hôm nào tôi làm bài muộn, mẹ luôn nhắc nhở, lo lắng, thúc giục tôi ngủ sớm để ngày mai đi học. Còn những lần bị điểm kém, mẹ không bao giờ mắng tôi. Mẹ kiên nhẫn, giảng lại cho tôi từng ly từng tí cho đến khi tôi hiểu thì thôi. Mẹ luôn nói với tôi: Con cố găng ngoan ngoãn, đừng để mẹ mất kiên nhẫn. Mẹ đánh con là mẹ đánh chính mẹ…”
“Dù bận rộn đến đâu, mỗi ngày mẹ đều dành thời gian nói chuyện với tôi. Có chuyện gì, dù xấu hay tốt, tôi đều kể với mẹ. Trước khi thi, mẹ cùng ôn bài với tôi. Mẹ vuốt ve tôi bằng đôi tay trắng mịn màng và dặn: Nhớ đọc lại kỹ bài làm để dành cho mẹ một điểm nhé, mèo con! Mẹ đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để chiến thắng. Cứ mỗi lần nhớ về khuôn mặt tròn tròn, bầu bĩnh của mẹ, tôi lại tự nhủ: Phải chiến thắng, Phải chiến thắng….!”
“Nhưng những điều đó chỉ xảy ra từ hồi tôi còn nhỏ. Bây giờ mẹ đã khác. Mẹ bận rộn hơn, mẹ hay mệt hơn và cũng dễ nổi nóng hơn. Mẹ ít để ý đến tôi và tính kiên nhẫn của mẹ cũng giảm nhiều. Vậy là mẹ đã không còn trẻ nữa… Tôi nghĩ rằng, dù sao tôi cũng đã lớn, mẹ không cần để ý đến tôi nhiều nữa. Tôi sẽ tự lập như mẹ mong muốn. Thế nhưng, đôi tay mẹ vẫn đẹp như xưa. Tôi vẫn mong được đôi tay ấy vuốt ve mỗi ngày, không phải như những khi tôi cọ má vào mẹ, mẹ nghiêm mặt lại và bảo: Con lớn rồi, không làm nũng mẹ nữa… Tôi hiểu, dù có nói vậy, tình yêu của mẹ dành cho cô con gái đầu lòng của mẹ không thay đổi”.
 
X

xomnhala_2000

Mỗi người đều có một người mẹ. Đó là một chỗ dựa tinh thần rất lớn mà ai cũng phải đáng quý trọng. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ luôn luôn dành tình yêu thương lớn nhất cho chúng tôi để bù đắp nỗi mất mát về người cha.
Tôi sinh ra đã không thấy được mặt cha. Đó là sự tổn thương rất lớn. Tuy vậy, nhưng mỗi khi ở bên mẹ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Năm tôi lên một tuổi, mẹ tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Nào là đóng gạch, cuốc mướn... mẹ làm hết. Nghĩ đến đây mà tôi rưng rưng nước mắt. Số mẹ tôi thật khổ! Mẹ làm vất vả đến như vậy mà vẫn không đủ ăn nên mẹ phải đi làm nghề dạy trẻ. May mắn lắm mẹ mới xin được vào một nơi ổn định.

Bàn tay mẹ tần tảo, đầy những vết chai sần. Đôi mắt thì quầng đen vì làm việc vất vả. Nhưng tôi biết, vào những ngày Tết trong khi mọi người dang vui đùa chạy nhảy thì mẹ lại ra ngoài vườn lặng lẽ ngồi khóc. Những giọt nước mắt chứa đọng tâm hồn trong sáng, chung thủy của mẹ.

Mẹ thật là cao cả! Mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước đi của tôi như một động lực giúp tôi không ngừng học hỏi. Tôi còn nhớ có năm lúa thất (mất) mùa mẹ phải đi khuân vác gạch thuê cho người ta để kiếm tiền. Đôi vai mẹ bị chầy xước rất nhiều. Nhưng nó lại chưa đựng nhiều kỷ niệm đối với tôi. Đến bây giờ, mẹ vẫn không ngừng làm việc.

Có lẽ ông trời không cho mẹ nghỉ. Tuy vậy, mẹ có một tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời. Tôi thật cảm phục trước mẹ. Năm tháng qua đi, mẹ vẫn phải chịu đựng bao nỗi đắng cay, ngọt bùi. Mẹ như là một tia sáng của đời con. Tôi biết mẹ ấp ủ trong mình một nỗi hy vọng: “Không để cuộc đời con lại giống mình phải gây dựng cho con một sự nghiệp”. Tôi biết vì tôi, mẹ có thể hy sinh tất cả, kể cả niềm vui. Vì thế mẹ rất nghiêm khắc khi tôi làm sai việc.
Tôi thật khâm phục mẹ. Tôi phải phấn đấu để trở thành một người con ngoan để mẹ khỏi buồn lòng, để đền đáp công lao sinh dưỡng của mẹ. Mẹ là một người mẹ không giống với người mẹ nào. Trong mắt mẹ, tôi như là một hy vọng rực rỡ. Tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói: “Nếu mẹ là dòng sông, con là nước thì dòng sông không thể chảy được nếu thiếu nước”.
 
X

xomnhala_2000

Mẹ! Con xin lỗi mẹ
Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi". Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không.

Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp”... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! “Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!”.

Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá. Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "...

Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ. Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.

"Từ thuở sinh ra tình mẫu tửTrao con ấm áp tựa nắng chiều".
 
X

xomnhala_2000

Sống trong một cuộc sống yên bình và hạnh phúc, tôi thật tự hào để kể cho các bạn nghe một câu chuyện " cổ tích đương thời". Câu chuyện kể về 1 con người vĩ đại. Người ấy như bà tiên cho tôi ấm no, như vầng trăng soi sáng con đường tôi đi, như người thầy dạy tôi tri thức. Các bạn biết đó là ai không? Mẹ tôi đấy! Người sống mãi trong lòng tôi! Mẹ yêu!

Mẹ tôi năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Trán mẹ có nếp nhăn, da mẹ có chấm đồi mồi. Nhưng trong lòng tôi, mẹ còn trẻ, trẻ lắm. Mái tóc mẹ đen tuyền, mượt mà phủ lên đôi vai. Qua năm tháng, vai mẹ đã gầy. Cũng bởi chính đôi vai ấy đã gánh vác hàng ngàn việc lo cho gia đình tôi.Sâu thẳm trong đôi mắt hiền từ, phúc hậu kia là tình thương yêu, là trìu mến mẹ dành cho chúng tôi. Trên đôi môi của mẹ dường như luôn nở 1 nụ cười âu yếm, thúc dục tôi fai cố gắng học tập. Giờ đây, bàn tay gầy gầy xương xương của mẹ đã xuất hiên vết chai sạn. Vết chai sạn như ẩn chứa hai chữ " thương con". Vì thương tôi, mong cho tôi có 1 cuộc sống tốt đẹp mà mẹ fai làm lụng vất vả, ko kể tàn fai nhan sắc... Ôi! tôi thầm cảm ơn mẹ nhiều lắm. Tình thương mẹ dành cho tôi ấm áp như 1 dòng sông bồi đắp những bến bờ xa vắng, như nước mắt chảy trong nguồn, như suối xanh cuốn bao bụi mờ.

Khi vừa mói lọt lòng, mẹ cũng là ng` trao cho tôi dòng sữa ngọt lành. Dòng sữa ấy trong tôi giờ đây vẫn mãi lắng đọng; như chất keo hàn gắn tình cãm giữa mẹ và tôi. Để rồi một ngày, tôi sẽ mãi ko quên nó. Tôi vẫn nhớ như in tuổi thơ của mình gắn liền với mẹ. Một tuổi thơ yên bình, nhiều niềm vui và kỉ niệm, cũng có những giọt nước mắt. Nhớ lắm cái ngày đầu chập chững tập đi. Mỗi lần ngã, tôi lại đc mẹ ôm vào lòng. Như 1 chú chim non tập bay, mẹ đã khích lệ tôi:" Con yêu của mẹ giỏi lắm!". Rồi những mùa hè nắng nôi bên chiếc võng đong đưa. Mẹ đã ru tôi. Câu hát thuở nào sao mà trầm ấm, ngọt ngào đến thế. Quê hương thân yêu của tôi đẹp lên rất nhiều qua tiếng hất của mẹ. Rồi cho đến khi tôi học lớp 1, mẹ vẫn luôn sát cánh bên tôi. Mẹ đã chuẩn bị cho tôi rất nhiều thứ.... Mẹ mong cho tôi học tốt, đạt đc điểm cao. Vậy là qua nhiều năm, tôi đạt đc nhìu thành tích tốt trong học tập. " Cảm ơn mẹ!". Tôi dường như chỉ biết nói vậy mà thôi. Mẹ đã dạy tôi làm nhiều việc trong gia đình. Rửa đc chén, quét đc nhà, nấu dc cơm... là những thành quả mà tôi học đc ở mẹ. Trong gia đình, mẹ tôi là 1 ng` vợ đảm đang, là 1 ng` mẹ hiền và là 1 " kho tàng sống" quý báu. Nếu các bạn đc thưởng thức nh~ món ăn do mẹ tôi nấu thì chắc chắn bạn fai thốt lên cái cảm giác tuyệt vời. Đối với tôi, nh~ món ăn ấy ko chỉ ngon đơn thuần mà nó còn chan chứa tình cảm sâu nặng mà mẹ dành cho tôi, cho nh~ ng` thân yêu. Nhớ làm sao những lời mẹ dạy về lòng yêu thương ng`" sống trên đời sống, cần có 1 tấm lòng". Nhờ vào lời dạy dỗ mà đôi khi tôi đã làm đc nh~ việc có ích....

Ngồi 1 mình bên khung cửa sổ, nhìn nh~ khóm xương rồng mẹ trồg. tôi lại nhớ.. nhớ lắm lời mẹ nói": Mẹ mong cho con khỏe mạnh, cứng cáp, ko 1 loài sâu bọ nào có thể đụng đến cây xương rồng ấy"............

Câu chuyện cổ tích đương thời của tôi quả là có ý nghĩa fai ko các bạn? Mẹ tôi đúng là bà tiên, là vầng thái dương, là kho tàng sống. Tôi biết ơn mẹ nhiều lắm. Tôi sẽ cố gắng học tập tốt, làm dc nh~ việc có ích để ko fu lòng cha mẹ.

" Riêng mặt trời chỉ có 1 mà thôi
và mẹ tôi chỉ có 1 trên đời
 
X

xomnhala_2000

''Trên khắp thế gian không ai tốt bằngmẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằngcha.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...''
Đúng vậy, cha, mẹ là người đã sinh thànhra ta, chăm sóc, dạy dỗ ta từ khi ta cất tiếng khóc chào đời. Và đối với mỗicon người, hạnh phúc nhất là cảm giác được sống trong vòng tay ấm áp từ một giađình yêu thương. Tôi cũng vậy...



Tôi sinh ra trong một gia đình ở nôngthôn, nhà tôi không giàu, không nghèo, chỉ là một căn nhà nhỏ bình thường thôinhưng nơi đó lại là một nơi ngập tràn cảm xúc. Ba tôi làm công tác bảo vệ rừngđể giữ lấy màu xanh cho quê hương, đất nước, còn mẹ tôi thì mở một cửa hàngbuôn bán nhỏ.Tôi đang là một học sinh lớp 8, tính tôi lầm lì, ít nói, được cáitôi là một học sinh giỏi nhất nhì của lớp. Tôi đã đạt danh hiệu học sinh giỏisuốt bảy năm liền và đang chinh phục dần lớp 8. Gần đây, do tâm sinh lý của tôithay đổi, có một số sự cố về tình cảm xảy ra, vì vậy ba mẹ cấm tôi chơi với mộtsố bạn thuộc dạng ''đàn chị đàn anh'' trong lớp. Họ đâm ra ghét tôi và kéo cácbạn khác vào để tẩy chay tôi. Dần dần, tôi bị mọi người xa lánh, và tôi cũng xalánh mọi người vì tôi biết rằng họ chơi với tôi là chỉ để lợi dụng tôi thôi.Tôi là người bảo thủ, luôn cho ý kiến của mình là đúng, chẳng bao giờ chịu nghelời khuyên của ba mẹ tôi. Nên mọi việc đến mức như thế này, đều là do tôi gâyra cả. Đến lúc này, tôi đã hiểu...



Ba tôi là một người đàn ông cứng rắn, tínhtrầm, là người hay khuyên bảo và tâm sự với tôi nhất. Sau sự cố vừa rồi, ba dạycho tôi rằng phải vươn lên, đối mặt với mọi điều khó khăn gian khổ. Ba cũngtừng dạy cho tôi phải biết tiết kiệm vì ba mẹ cũng sẽ đến lúc không còn làm ratiền nữa, không còn đủ cơ sở vật chất cho sinh hoạt của gia đình. Ba dạy tôirằng:'' Con có thấy những con gà trong vườn nhà mình không? Nó phải đi mổ từnghạt thóc, lặng lẽ kiếm ăn, không để sót bất cứ một hạt nào, con cũng vậy, cơ sởvật chất không phải là thứ luôn luôn đầy đủ, có thể cạn kiệt bất cứ lúc nào. Vìvậy, con không được ăn xài xa hoa phung phí, cuộc sống không phải sung sướngmãi mãi được đâu''. Ba còn kể là ngày xưa ba khổ lắm, sống trong thời kỳ saugiải phóng, đất nước còn nhiều khó khăn, không có cái mà ăn, lâu lâu được mộtbát cơm trắng, ăn với muối thôi là ngon lắm rồi, đi học ba phải vượt qua hàngchục cây số bằng chiếc xe đạp cũ kĩ của mình. Nhà tôi ở gần thành phố Đà Lạtnên phải đi qua đèo, không lên dốc nổi, ba bám tay vào thùng hàng của nhữngchiếc xe tải, có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Và còn nhiều, thật nhiều khókhăn hơn thế nữa... Thế nhưng, nhờ vào nghị lực, ba đã vượt qua tất cả và đậuđại học bằng chính sức của mình. Những tháng ngày cực khổ kia cuối cùng cũng đãgóp thành kì tích. Tôi rất khâm phục ba. Ba cũng đã bảo vệ và hy sinh cho tôirất nhiều. Khi lần đầu tiên tập đi, nhiều lúc tôi té ngã, ba là người nâng bướcchân tôi. Khi học bài, tôi không làm được, ba cố giảng giải cho tôi sao cho tôihiểu được bài. Tôi biết ơn ba nhiều lắm!



Còn mẹ, mẹ là người nóng nảy, ít tâm sựvới tôi, hay la tôi, nhiều khi đánh luôn tôi. Nhưng tôi biết mẹ làm vậy là vìtôi đã quá đáng, ngang bướng không chịu nghe lời, mẹ luôn kềm lòng lại, tôinhận ra trong mắt mẹ điều đó.Khi tôi quậy phá, tôi bảo thủ, luôn tự cho ý kiếncủa mình là đúng nên không thèm để ý đến những lời khuyên ân cần của mẹ, cũngnhư chẳng bao giờ có một lời xin lỗi. Bây giờ, khi nghe những lời ba khuyênbảo, tôi mới hiểu được rằng: mẹ la tôi, đánh tôi không phải là ghét tôi mà làthương tôi theo cách riêng của mẹ.Mẹ luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đếnvới tôi. Mẹ ít tâm sự với tôi nhưng mẹ hiểu tôi hơn bất kì ai khác. Và mẹ cũngluôn là người che chở, bảo vệ, hy sinh cho tôi, giống như là ba vậy. Mẹ dạy tôiphải là cây xương rồng đứng giữa sa mạc, phải vươn lên dù phong ba bão táp haysóng gió gian nan, cũng không bao giờ gục ngã; mẹ bảo tôi phải như loài cây ấy,cứng rắn, tự tin, sẵn sàng vượt qua những vấp ngã của cuộc đời. Mẹ dạy cho tôicách giao tiếp, biết lễ phép với người lớn tuổi, biết nhường nhịn mọi người vàứng xử những tình huống bất ngờ trong cuộc sống...



Thế mà, tôi lại chẳng thèm nghe lời ba mẹ,giờ tôi đã hiểu ra, rằng ba mẹ chỉ mong những điều tốt đẹp nhất đối với tôi, bamẹ là người yêu thương tôi nhất...

Ngườita nói rằng:''Theo truyền thuyết xa xưa, khi Thượng Đế tạo ra con người, ngàiđã gắn hai chiếc túi vô hình vào cho mỗi cá thể, một chiếc túi đặt đằng trướcngực chứa những lỗi lầm của người khác, và một chiếc túi đặt đằng sau lưng chứatội lỗi của chính bản thân mình.Vì vậy, ta chỉ có thể nhìn thấy lỗi lầm củanhững người xung quanh, còn của mình thì không thấy được''.Quả thật từ trướctới nay, tôi chưa bao giờ nhận mình là người có lỗi, luôn nghĩ mình đúng, mìnhhay. Giờ tôi mới biết là tôi sai thật rồi...



''Ba mẹ ơi! Có lẽ con đã thay đổi nhiềurồi, cả về suy nghĩ và hành động, con không còn là một con nhóc ham chơi, bướngbỉnh như ngày trước nữa. Con thành thật xin lỗi ba, xin lỗi mẹ, con sẽ khônglàm gì cho ba mẹ buồn nữa đâu. Vì con biết, ba và mẹ là người yêu thương connhất, luôn bảo vệ con, sẵn sàng hi sinh vì con, luôn động viên con trong suốtnhững tháng năm đầy rẫy sóng gió của cuộc đời. Con hứa sẽ luôn đứng vững vàng,không bao giờ gục ngã, có khó khăn gì con cũng sẽ vượt qua. Con sẽ lạc quan, vôtư và luôn nở một nụ cười thật tươi với cuộc đời vào mỗi sớm mai thức dậy. Consẽ quyết tâm học hành thật chăm chỉ, sẽ cố gắng vươn lên để không phụ lòng sựkỳ vọng của ba và mẹ. Con sẽ mở rộng lòng mình, không bao giờ bảo thủ tự nhậnmình là người đúng nữa. Con cũng cảm ơn ba, cảm ơn mẹ, đấng sinh thành của con,người dạy dỗ cho con biết bao nhiêu là điều mới lạ, lo lắng cho con, kỳ vọngvào con, mong muốn con được thành công trong sự nghiệp. Cảm ơn ba và mẹ thậtnhiều. Mai đây, dù khôn lớn thành người, con sẽ không bao giờ quên tình cảm bavà mẹ đã dành cho con..."



Bạn thấy không? Mặc dù khi Thượng Đế tạora con người, ngài đã vô tình gắn chiếc túi lỗi lầm của chính họ vào sau lưng, nhưngngài không bao giờ biết: mặc dù ta không thể chạm vào, mặc dù ta không nhìnthấy được, nhưng tôi đã cảm nhận được nó bằng chính tâm hồn của mình...

"Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽnhận được một thứ nhiều hơn bạn đang có, đó chính là: yêu thương"



Bài viết này tôi viết bằng chính cảm xúcthật của mình. Hỡi những ai đang còn cha, còn mẹ, hãy biết trân trọng tất cảnhững gì mình đang có, đừng nghĩ rằng cha mẹ có thể theo ta suốt hết cả cuộcđời .Rồi sẽ có một ngày nào đó, bạn cũng phải rời xa cha mẹ để đi tìm tương laicho mình và bắt đầu một cuộc sống mới.Vì vậy, trong những tháng ngày này, hãybiết quan tâm và nghe lời cha mẹ, cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà cha mẹ đãdành cho ta. Hãy tự hào vì sinh ra bạn được làm con của cha mẹ bạn. Cả một cánhcổng tương lai đang mở rộng cửa để đón chào bạn đó...
 
K

kieutrang97

Mẹ tôi

MẸ TÔI
12995632721825304059_574_0.jpg

Mẹ là dòng suối thơ ca, là bóng mát ru đời con bằng những khúc nhạc du dương, trầm bổng. Viết về mẹ con xin được viết bằng lời văn chân thành nhất.
12997672721457064721_574_0.jpg

Thương thay cho những ai không còn mẹ, những đứa bé mồ côi thiếu vắng tình thương của mẹ là mất đi một bầu trời yêu thương, mất đi tình yêu vô bờ bến. Lòng mẹ thật bao la, vĩ đại mà không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được . Mẹ thương con bằng tình yêu vô hạn, không toan tính. Nhìn con khôn lớn từng ngày là niềm hành phúc, an ủi nhất cuộc đời của mẹ. Khi con chìm đắm trong những cuộc chơi, thú vui cuộc đời, có biết đâu mẹ đang lo lắng, đang khóc, đang đợi chờ con. Nhiều lúc phạm phải lỗi lầm, con nói lời xin lỗi mẹ, những lời xin lỗi ấy có thể làm xoa dịu nỗi đau của mẹ, nhưng làm sao xóa hết nỗi ân hận trong lòng con. Đã bao nhiêu lần nói lời xin lỗi, sau đó tâm can lại ray rứt. Phải chăng tạo hóa đã ban cho con có mẹ để dìu dắt nâng đỡ con trên cuộc đời ? Phải chăng thượng đế ban cho con có mẹ để làm ngọn đèn soi sáng, đưa lối con vào đời ? Phải không mẹ ?
12997673441647668636_574_0.jpg

Có những đêm, thắp nén nhang lên bàn Phật, cầu cho gia đình được êm ấm, mẹ được mạnh khỏe và rồi lòng con lại nặng trĩu khi nghĩ về những lần làm mẹ buồn, mẹ khóc. Mẹ có biết con yêu mẹ biết dường nào...

Cả cuộc đời mẹ lầm lũi sương gió, chưa một lần được tươm tất, một lần được nghỉ ngơi. Mẹ mang nặng 9 tháng 10 ngày để sinh con ra. Đối với mẹ, một hình hài, sinh linh bé nhỏ chào đời khỏe mạnh là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Me ôm con vào lòng thật khẽ như sợ con đau, nhưng cũng đủ chặt để con không tụt mất khỏi tay mẹ. Mang nặng đẻ đau là thế nhưng có xá gì với niềm hạnh phúc khi mẹ nhìn thấy con giâc ngủ no say. Thật hạnh phúc khi con vẫn còn có mẹ, con yêu mẹ...
1299767394613702557_574_0.jpg

Những lúc con ốm nặng, mẹ lo lắng chạy đôn chạy đáo tìm bác sĩ. Còn nhớ lúc con bị đụng xe nhâp viện, mẹ túc trực, không ăn không ngủ, nhìn con nước mắt mẹ lại rơi. Mẹ mớm cho con từng muỗng cháo, kể cho con nghe những câu chuyện về cuộc đời mẹ và rồi con ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ. Con khỏi bệnh thật nhanh chóng cũng chính vì tình yêu mẹ dành cho con. Không biết tự khi nào đôi tay con thấm đãm nhiều nước mắt của mẹ đến thế. Mẹ ơi, con biết ơn mẹ.
12997674521616454104_574_0.jpg

Mẹ dạy con phải biết yêu thương những trẻ em cỡ nhỡ, biết giúp đỡ người bất hạnh. Mẹ dạy con làm điều ngay thằng, sống không hổ thẹn với lương tâm, luôn ngẩng cao đầu khi gặp khó khăn. Yêu thương con thật nhiều, nhưng mẹ không giữ con lại cho riêng mình, mẹ để con đi, để con vấp ngã trong cuộc đời , để rồi con phải biết cách tự đứng lên. Tuy vậy, mỗi bước đường con đi, mỗi lần con gục ngã thì vẫn có anh mắt mẹ dõi theo. Mẹ à, con tự tin hơn trong cuộc đời khi có mẹ, con yêu mẹ...
1299767478515523044_574_0.jpg

Dù con có đi đến nơi đâu xa tận góc bể chân trời, con biết rằng ở nơi quê nhà mẹ luôn dõi theo, và mở rộng đôi tay đón con trở về. Con yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên đời. Con sẽ sống thật tốt, làm thật nhiều điều ý nghĩa. Cám ơn Thương đế vì đã cho con được làm con của mẹ . Con yêu mẹ !
 
Last edited by a moderator:
L

letrang2404

Con sẽ không đợi một ngày kia
Khi mẹ mất mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ???.......
 
H

hobaoanh123

Người mẹ mù một bên mắt
Chuyện kể rằng có một người con trai. Từ bé mồ côi cha. Lớn lên và trưởng thành trong sự bao bọc và tình yêu thương của mẹ. Suốt mấy chục năm trời, Bà cực nhọc, ròng rã nuôi con.
Nhưng suốt thời thơ ấu cả khi lớn lên, lúc nào Người Con cũng ghét Người Mẹ, không bao giờ giới thiệu cho ai gặp Mẹ mình cả, không cho Mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Và lí do chỉ đơn giản là… bà mẹ bị mù một mắt.

Người mẹ mù một bên mắt
Người mẹ mù một bên mắt (hình minh hoạ)
Ngày nọ, Người Mẹ nhớ người Con quá, ghé qua trường thăm con. Người Con thấy mẹ đến liền ra nói: “Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người… tôi thực sự ghét bà”. Người Mẹ mù buồn bã đau đớn, nước mắt bà chảy ra một bên mắt kia. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về.

Ngày hôm sau Người Con đến lớp, các bạn học cùng lớp la lên chế giễu: “Ôi mày ời! Kinh quá. Nhìn ****** xấu xí quá. haha” cả lớp mỉa mai. Chế giễu người con thậm tệ. Cậu ta khóc, khóc vì tủi nhục, khóc vì mẹ mình xấu xí đến kinh sợ.

Lúc về nhà Người Con nói với mẹ mình: “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi muốn bà không ở ngôi nhà này nữa. Bà làm tôi xấu hổ ghê gớm đấy. Bạn bè tôi chế giễu tôi. Họ khinh thường tôi. Họ ghê tởm bà. Bà hiểu không?”. Bội bạc. Đó là 2 từ để dành cho những lời lẽ vô lương tâm của anh ta. Anh ta không hề để ý đến cảm xúc của mẹ. Không thể hiểu hết được cái giá trị của tình thương… Và cũng đâu hiểu được sau sự thật ấy là cả một nỗi buồn u uất mà suốt đời bà mẹ dám hi sinh… dám đối mặt để cho con một hình hài như bây giờ. Anh ta trốn chạy thoát khỏi căn nhà u ám đấy. Bỏ mặc người mẹ già cô đơn, đau đớn… Bà nín thinh. Bà không dám gọi một tiếng con để mong chờ anh ta quay lại. Bà chỉ biết giấu nỗi buồn qua những giọt nước mắt chảy ngược vào tim…

Anh ta trưởng thành.. Và bắt đầu một cuộc sống mới.. Một cuộc sống khi không có mẹ kề bên và chăm chút nữa… Và rồi sau những tháng ngày miệt mài và cần mẫn bên đèn sách. Anh ta đã dành được 1 suất học bổng du học bên Singapore. Anh ta chắc hẳn hạnh phúc lắm! Niềm vui đạt được nguyện vọng mà chính mình đặt ra. Sung sướng khi được đền đáp bởi những nỗ lực không ngừng. Anh ta đâu biết, bên cạnh niềm vui ấy, còn đâu đó những nỗi buồn đọng lại trong kí ức người mẹ… Đâu đó những nỗi lòng thổn thức không thể cất lên thành tiếng.

5 năm sau Người Con học thành tài lập gia đình. Anh ta có vợ và có 2 con đều giàu có, có một gia đình hạnh phúc và ấm cúng. Người Con cũng gửi tiền về xây cho mẹ một ngôi nhà nhỏ và hàng tháng gửi chút tiền về cho mẹ. Người Con tự nhủ thế là mình đã làm tròn bổn phận của người làm con.

Và giữa anh với mẹ có một giao ước. A ta không bao giờ muốn gặp bà mẹ… Không bao giờ muốn nhìn thấy bà mẹ trên cõi đời này nữa… “HÃY TRÁNH XA TÔI RA”…

Và rồi một ngày. Khi nỗi nhớ trong lòng bà mẹ cồn cào lên, dâng cao lên. Bà không thể chịu đựng được nữa. Bà quyết định sang Singapore bằng được. Để được nhìn thấy đứa cháu nội lớn lên như thế nào. Để được một lần cuối trông thấy hình hài đứa con trai nay giờ ra sao. Chỉ một lần thôi… Và cũng là lần cuối.

Đứng trước cái cổng cao lớn và sang trọng nhà người con trai. Bà thầm vui, thầm mỉm cười vì con mình giờ đây thành đạt và yên ấm đến thế nào. Trước cái cổng đồ sộ với những đường nét thiết kế tinh xảo và tuyệt đẹp ấy. Người ta thấy một bà lão già nua, ốm yếu. Bịt một bên mắt. Tay cầm chiếc nón lá, Với bộ quần áo đơn sơ trông thật thảm thiết. Một sự đối lập hoàn toàn…

Chợt!!! đứa cháu nhỏ chạy ra. Theo một phản xạ tự nhiên khi có người lạ tới… Chưa kịp vui… Chưa kịp hồ hởi và mừng rỡ… Người mẹ đã phải kìm nén những giọt nước mắt mặn đắng. Khi đứa cháu khóc thét lên và sợ hãi với hình dạng của bà.

Người con trai từ trong bước ra. Ngạc nhiên và phần nào bực tức. Anh ta quát mắng: “Bà còn sang đây làm quái gì nữa? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao?”. Thế đấy… đó là những gì bà chờ đợi và mong mỏi thì giờ đây lại bị đối xử như vậy đấy! Bà ngoảnh lại… Chào con và nhìn đứa cháu ngây thơ bé dại… Lặng lẽ đi về. Trong lòng không khỏi những nỗi đau xót. Bà bước đi… Vẫn cứ bước… Những bước chân lê thê dài vô định…

Một hôm Người Con nhận được thư gửi tới nhà, mời về họp lớp cũ tại Việt Nam . Anh ta phải nói dối vợ là đi công tác xa nhà. Người Mẹ biết tin Con về họp lớp tại quê nhà. Bà vui lắm… Nhưng không dám gặp con. Bà sợ bị con hắt hủi. Sợ cái ánh mắt tức giận ghê gớm ấy lại hiện lên trong con. Trong suốt buổi họp lớp đó, có những người bạn thân hỏi han anh ta về gia đình, và… về “mẹ”… Chợt… Những kí ức lại ùa về. Những yêu thương nào đâu đã vút bay theo năm tháng… Mẹ anh giờ ra sao? Mẹ anh như thế nào? Bà sống tốt hay bệnh tật gì không?… Hàng tá những câu hỏi. Những thắc mắc khiến anh không khỏi suy nghĩ… Và… Anh nhớ… Và có chút đau… Anh vội vã về thăm mẹ. Anh muốn được nhìn thấy mẹ. Muốn… và có những cái muốn chẳng thế điễn tả thành lời…

Nhưng nào ngờ. Khi chưa kịp nói ra những nỗi lòng thổn thức. Chưa kịp ôm hôn mẹ lần cuối.. Mẹ anh đã qua đời.. Đã vĩnh viễn ra đi…

Cầm trên tay lá thư những người hàng xóm còn giữ lại… Họ cũng nghẹn ngào… Họ nói. Mẹ anh khi chết. Tay vẫn nắm chặt tờ giấy và ghi rõ rành mạch: “Phải gửi con trai tôi…” Đó cũng là lời trăn trối cuối cùng của mẹ dành cho anh…

“Con trai yêu!

Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở bé…. Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ. Khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Mẹ muốn lắm. Muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác. Để cho con khỏi lo phiền. Khỏi bực tức khi mẹ còn trên cõi đời nữa… Và giờ mẹ đã được toại nguyện..

Con biết không? Mẹ yêu con… Nhiều lắm! Mẹ có thể đánh đổi. Có thể hi sinh đôi mắt của mình dành cho con… Hi sinh cuộc sống của mẹ để cho con được thấy ánh sáng mặt trời… Con đã bị hỏng một bên mắt do một vụ tai nạn hồi bé… Mẹ thật sự khóc rất nhiều… Khóc vì đứa con tôi không mang hình hài nguyên vẹn như những đứa trẻ cùng lứa. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không thể có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, làm mọi cách để bác sĩ thay mắt cho con. Mẹ chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Chưa bao giờ biết đau. Mẹ yêu con không thể nào kể xiết. Và mẹ muốn đem lại cho con những gì tuyệt vời nhất mà mẹ có thể…

Hi vọng khi mẹ rời xa con rồi. Đừng xa lánh. Đừng ruồng rẫy ghét ***** nữa nhé! Con hãy sống tốt và chăm lo những đứa cháu nội nhé..

Yêu con!…”

Cầm trên tay lá thư… Anh khóc!… Đó là những giọt nước mắt thật sự. Nó không chứa đựng tủi nhục. Không phải là vì lòng tự tôn như trước nữa, mà bằng cả con tim, bằng cả nỗi đau đớn… nỗi oán hận bản thân khi đã đối xử tệ bạc với mẹ… Và chắc gì… Người mẹ của anh đã ra đi trong sự thanh thản mà bà hằng mong ước… Ra đi, nhưng chưa đc nghe thấy tiếng con gọi… Ra đi, mà trong lòng nặng trĩu những uất ức… Ra đi… Mãi mãi. Sẽ chẳng có sự hồi sinh lần nào nữa. Sẽ chẳng có một ai… thương yêu anh ta… Và dám đánh đổi tất cả để cho con 1 cuộc sống tốt đẹp sau này.

Đôi mắt của anh… cũng là đôi mắt của mẹ. Ánh sáng của anh… Cũng là bóng tối của mẹ. Trong khi a được nhìn thấy cuộc sống mới thì cũng là lúc anh mất đi tất cả… Mất rồi… Sẽ chẳng bao giờ lấy lại được đâu… Vì vậy! Hãy trân trọng những gì mà ta có. Để rồi mất đi đừng bao giờ hối tiếc!

(Nguồn: Webcamdong trích internet)
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom