(Tiền Phong) - Hôm qua (22/7), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2006-2007 tại TP.Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã chính thức tuyên bố năm 2009, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, THCN sẽ được gộp thành một kỳ thi chung
Theo Bộ GD&ĐT, cuộc vận động “hai không” đến lúc này đã thu được một số kết quả hết sức quan trọng:
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ hết sức nghiêm túc và được dư luận xã hội đồng tình; đấu tranh và giải quyết một số vụ việc tiêu cực tiêu biểu gây bức xúc trong nhân dân…
Nhưng, Bộ GD&ĐT cũng phải thừa nhận: Việc triển khai cuộc vận động “hai không” vẫn chưa đồng đều. Việc chống tiêu cực được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và có kết quả rõ nét.
Trong khi đó, việc chống thành tích trong giáo dục kết quả còn khiêm tốn, cần triển khai mạnh hơn nữa. Các địa phương áp dụng cũng có kết quả chưa đồng đều…
Việc làm mạnh tay với tiêu cực trong thi cử khiến kết quả cực kỳ “sốc” đối với nhiều địa phương. Ông Võ Hiền Phương – Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh– bộc bạch:
Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Năm nay chúng ta đã thấy thi cử nghiêm túc hơn rất nhiều.
Nhưng Bộ GD&ĐT muốn có một năm nữa để làm nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp hơn để giành sự tin tưởng hoàn toàn của xã hội.
Vì thế, chính thức vào năm 2009, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ được gộp chung làm một”.
“Qua khảo sát tại tỉnh Tây Ninh, có đến 29.789 học sinh yếu kém. Có 20% học sinh đã công nhận tốt nghiệp tiểu học nhưng rất yếu kém, không đủ điều kiện lên lớp 6.
Tây Ninh đành phải lựa chọn giải pháp: Dạy thêm cho các em trong hè, không thì đành cho các em học lớp 6 nhưng có lớp riêng bồi dưỡng, quan tâm sát sao cho các em theo kịp lớp. Điều này rất “sốc” nhưng chúng tôi chấp nhận để nâng cao chất lượng giáo dục”.
Ông Lê Đức Quý – GĐ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh – phát biểu: “Năm học mới, chúng ta cần phải có giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng. Chúng ta lo chống tiêu cực, triệt để hóa tiêu cực nhưng chất lượng giáo dục như thế nào đã được quan tâm chú ý đầy đủ hay chưa?”.
Không nên xây dựng đề án học phí mới
Bộ trưởng GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân dự khai giảng năm học 2006-2007
Nhiều đại biểu thắc mắc: Vậy năm 2009 có còn thi tốt nghiệp lần hai nữa hay không? Ông Lê Đức Quý – GĐ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh – góp ý: “Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần hai chỉ nên là một giải pháp tình thế trong năm nay thôi. Không nên kéo dài.
Nhu cầu học tập của học sinh rất lớn và họ có quyền đến trường để học cho dù ở hoàn cảnh nào. Nhưng trong số đó, sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh không đủ điều kiện để học vươn lên vì nhiều lý do. Xã hội và cộng đồng buộc phải chấp nhận.
Tôi đề nghị chỉ thi một lần nếu năm sau còn thi tốt nghiệp. Những thí sinh không đỗ, Bộ GD&ĐT nên cấp cho họ một giấy xác nhận đã học xong 12 để họ vào các trường nghề, TCCN và họ sẽ được học lên nếu muốn”.
Ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - đề cập:
“Tôi biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề án học phí mới để trình lên Thủ tướng. Cách đây hai năm đã có một đề án học phí rồi nhưng Quốc hội không tán thành.
Không nên xây dựng một đề án học phí mới mà nên xây dựng chính sách đối với người học dựa trên ba yếu tố: Tạo sự công bằng trong xã hội, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đang bị lãng phí hiệu quả hơn và huy động thêm nguồn lực của xã hội.
Ngoài ra, nên chia các trường làm 4 loại hình: Trường 100% của Nhà nước, trường 100% tư nhân, trường Nhà nước nhưng cho tư nhân quản lý, trường Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư nếu được trao quyền một cách rõ ràng. Giáo dục sẽ có một nguồn thu nữa”.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đề án học phí phải đảm bảo được những yêu cầu riêng sao cho tạo được sự hưởng ứng của xã hội.
Bộ trưởng cũng cho biết những công việc mà Bộ GD&ĐT sẽ làm trong năm mới: Có các trường bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, hoàn thiện dự án đào tạo 20.000 tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc…