V. SỰ ĐA DẠNG CỦA CÁC HÌNH THỨC ĐỐI THOẠI TRONG TRUYỆN KIỀU
Ngoài những hình thức đối thoại như trên: đơn thoại, song thoại, tam thoại, đa thoại ta còn thấy trong Truyện Kiều có rất nhiều dạng đối thoại:
A. Đối thoại giữa người trần thế với người âm không chỉ trong giấc mộng mà cả khi tỉnh. Thúy Kiều nói chuyện với Đạm Tiên 4 lần thì 3 lần trong mộng còn một lần – lần thứ ba – trong cơn tuyệt vọng trước khi gieo mình tự tử trên sông Tiền Đường:
2623. –“Đạm Tiên nàng nhé có hay!
“Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta.”
B. Có kiểu đối thoại trực diện mặt đối mặt lại có kiểu đối thoại gián tiếp. Người được nói đến ở xa nhưng người nói lại coi như là đang đứng ở trước mặt hoặc đang nghe mình nói. Đó là trường hợp khi Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân, nàng như muốn nói cùng Kim Trọng đã về Liêu Dương:
0751. “Trăm nghìn gửi lạy tình quân!
“Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
0753. “Phận sao phận bạc như vôi?
“Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
0755. “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
“Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”.
Ở đây ta thấy loại ngôn ngữ xóa nhòa khoảng không khi nhân vật thể hiện nỗi đau đớn thương xót đến tột cùng đối với người xa cách. Rồi trường hợp Vương ông than khóc kể lể về tình cảnh Thúy Kiều phải bán mình cho chàng Kim, ông đã kêu lên như muốn nói với chính con gái mình như thể nàng có thể nghe được lời ông nói:
2791. “Phận sao bạc bấy Kiều nhi!
“Chàng Kim về đó, con thì đi đâu?”
Trong những trường hợp này phát ngôn của nhân vật thể hiện nỗi đau đến cùng cực, đến độ đánh mất cả ý niệm về thời gian và không gian. Chính trong trường hợp đối thoại gián tiếp này, ngôn ngữ đã đảm nhiệm vai trò biểu đạt tình cảm như những lời độc thoại trong vở kịch.
C. Ngoài ngôn ngữ nhân vật tự nói về bản thân mình ta còn thấy trong đối thoại ở Truyện Kiều có ngôn ngữ nói về người khác mà “người khác“ ấy có thể là ngôi thứ hai tức là người nghe như khi Kiều nói với Tú bà:
1145.....Nhưng tôi có sá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?...
Và cũng có khi là ngôi thứ ba tức là người được nhắc đến như khi Thúy Kiều nói với Vương bà về Mã giám sinh:
0881. “...Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
“Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già.
0883. “Khi về bỏ vắng trong nhà,
“Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng...
0887. “...Khác màu kẻ quý người thanh,
“Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn...”
D. Cũng là ngôn ngữ đối thoại gián tiếp nhưng lại có khi là ngôn ngữ đối thoại gián tiếp trong ngôn ngữ đối thoại trực tiếp của nhân vật xa lạ, như khi Thúy Kiều nghe câu nói của Sở Khanh:
1171. Sở Khanh lên tiếng rêu rao:
– “Nọ nghe rằng có con nào ở đây,
1173. “Phao cho quyến gió rủ mây,
“Hãy xem có biết mặt này là ai?”
Hắn biết là có Thúy Kiều ở đấy nhưng lại nói như không có nàng, đó là lời nói gián tiếp của Sở Khanh và qua câu hắn tường thuật lại tưởng như lời nói của một người khác mà hắn bịa ra là người này đã kể cho hắn nghe có con nào ở đây: Phao cho quyến gió rủ mây...
E. Lại cũng có khi là lời kể của nhân vật hay của người đối thoại nhắc lại lời dặn của một nhân vật thứ ba vắng mặt, đó là trường hợp Hoa Tì nhắc lại lời Hoạn thư cho Thúy Kiều biết khi nàng và Thúc sinh lén gặp nhau ở Quan Âm các:
1999. Bao nhiêu đoạn khổ tình thương,
Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.
2001. Dặn tôi: –“Đứng lại một bên!”
Chán tai, rồi mới bước lên trên lầu...
Chính loại ngôn ngữ đối thoại gián tiếp trên khi đến với chúng ta, những người thưởng thức, thường đã bị khúc xạ bởi ý đồ hoặc tình cảm chủ quan của người nói.
F. Nhiều khi Nguyễn Du đã sử dụng một thứ ngôn ngữ đối thoại gián tiếp theo kiểu tường thuật trực tiếp tức là lời nói của nhân vật này thuật lại nguyên văn lời nói của nhân vật thứ ba vắng mặt. Trường hợp này tác giả đã thể hiện thái độ khách quan của nhân vật khi phát ngôn. Như chúng tôi đã trình bày ở trên khi Vương Quan kể lại với hai chị về nàng kỹ nữ Đạm Tiên có nhắc đến người khách viễn phương là người hâm mộ nàng kỹ nữ xấu số thì trong lời kể, ta thấy Vương Quan đã nhắc lại chính lời nói của người khách viễn phương:
0073. Khóc than khôn xiết sự tình:
– “Khéo vô duyên bấy là mình với ta!
0075. “Đã không duyên trước chăng mà,
“Thì chi chút ước gọi là duyên sau.”
Ở đây ta lại thấy một kiểu đối thoại trong đối thoại với cấu trúc lồng hai cấp. Cũng như khi Thúy Kiều thuật lại cho Kim Trọng nghe lời nói của thầy tướng năm xưa, người đã đoán về vận mệnh sau này của cuộc đời nàng:
0413. Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời:
0415. –“Anh hoa phát tiết ra ngoài,
“Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa!”ø
Chính cái lối đối thoại trong đối thoại này tạo ra tính khách quan trong lời kể làm cho những nhân vật này của Nguyễn Du tuy chỉ xuất hiện trong một vài câu thông qua lời kể của một nhân vật trong truyện mà vẫn cụ thể sinh động. Những nhân vật chỉ thấp thoáng trong Truyện Kiều vẫn cho phép người đọc như được tiếp xúc gần gũi và để lại ấn tượng khó quên.
Ngôn ngữ kể chuyện trong Truyện Kiều mang đậm màu sắc chủ quan. Ngôn ngữ nhân vật tham gia kể chuyện bước đầu đã được cá tính hoá, mỗi người đều có một ngôn ngữ riêng. Lời kể của Vương Quan là lời kể của người có học vấn. Lời kể của Kiều là lời kể của một người từng trải, có ý thức sâu sắc về bản thân mình: Kiều kể cho mẹ nghe về Mã giám sinh bằng lời lẽ rất cụ thể...
VI. THÚY KIỀU QUA LỜI ĐỐI THOẠI CỦA CÁC NHÂN VẬT KHÁC
Đối với từng nhân vật, Nguyễn Du thường đưa ra cách đánh giá chủ quan của ông, qua cách dùng từ ngữ để mô tả nhân vật, thông qua lời ăn tiếng nói của họ: Các nhân vật tự bộc lộ chủ quan của chính mình. Nhưng ông còn cấp cho ta cái nhìn khách quan từ cách đánh giá của các nhân vật khác qua những lời đối thoại: mỗi nhân vật khi nói, khi nghĩ đều bị chi phối bởi những quan điểm, tình cảm của chính mình. Vậy mà trong các nhân vật Truyện Kiều có ngôn ngữ đối thoại thì có tới 12 nhân vật đều đánh giá tốt về Thúy Kiều: tất cả đều khen ngợi tài sắc, trí tuệ của nàng. Mỗi nhân vật, tùy theo cá tính, tình cảm, ngành nghề, mối quan hệ đối với Thúy Kiều mà nhìn nhận đánh giá nàng ở những góc độ khác nhau. Kim Trọng nhìn Thúy Kiều như một người yêu, một văn nhân đánh giá nàng. Ông thầy tướng ngay từ lúc Thúy Kiều còn thơ ngây đã vừa khen vừa báo trước tương lai cho nàng:
0415. Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa!
Với Mã giám sinh, Thúy Kiều là một món hàng nên hắn phải cân đo đong đếm thì quá rõ:
0639. Đắn đo cân sắc, cân tài,
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
0641. Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tuỳ cơ dặt dìu.
rồi:
0823. Mừng thầm: “ Cờ đã đến tay,
Càng nhìn vẻ ngọc, càng say khúc vàng.
0825. Đã nên quốc sắc thiên hương,
Một cười này, hẳn nghìn vàng chẳng ngoa...
Ơû đây chỉ xin nêu ra vài trường hợp.
Thúc sinh lúc đầu đến với Thúy Kiều như đến với một đối tượng để hưởng lạc:
1289. Sớm đào tối mận lân la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.
1299. Miệt mài trong cuộc truy hoan,
Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.
1301. Lạ cho cái sóng khuynh thành,
Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi....
Nhưng về sau nàng đã cảm hóa được chàng, chính Thúc sinh đã phải vượt qua bao gian khổ để đưa được Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, tuy Nguyễn Du không mô tả cặn kẽ mà chỉ ghi lại sự việc bằng một hai câu thơ đơn giản:
1373. Chiến, hoà sắp sẵn hai bài,
Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.
1375. Bắn tin đến mặt Tú bà,
Thua cơ mụ cũng cầu hoà dám sao!
Khi Thúc ông bắt Thúc sinh phải từ bỏ Kiều, chàng đã có một thái độ đáng khen:
1395. Rằng: –“Con biết tội đã nhiều,
“Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam.
1397. “Trót vì tay đã nhúng chàm,
“Dại rồi, còn biết khôn làm sao đây!
1399. “Cùng nhau vả tiếng một ngày,
“Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành.
1401. “Lượng trên quyết chẳng thương tình,
“Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi!”
Rồi khi nhìn Thúy Kiều bị đòn thì Thúc sinh đã khóc lóc thảm thiết đến mức quan phủ phải cho ngừng trận đòn để hỏi thêm.Và sau đó chính ông quan cũng bị cảm hóa, thuyết phục cùng với Thúc ông. Đến nỗi chỉ xem bức tiên hoa, đọc bài thơ vịnh “cái gông” (Mộc già) của nàng, quan phủ đã phải:
1455. Khen rằng:–“Giá đáng Thịnh Đường,
“Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân.
1457. “Thực là tài tử giai nhân,
“Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn!...
Dẫn đến buổi lễ thành hôn giữa Thúc sinh với Thúy Kiều:
1465.Kíp truyền sắm sửa lễ công,
Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng ruổi sao.
1467. Bày hàng cổ xuý xôn xao,
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi...
Đối với Hoạn thư thì sao? Nguyễn Du không mô tả tài sắc của nàng tiểu thư con quan Lại bộ, nhưng ta cũng có thể biết rằng tài sắc nàng cũng vào loại khá. Nhất là những người như nàng vốn hay kênh kiệu, vậy mà Hoạn thư cũng không thể không khen ngợi Thúy Kiều, ngay lần đầu khi Thúy Kiều đàn cho Hoạn thư nghe:
1781. Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy, dường cũng bớt vài bốn phân.
Chính vì cái tài đàn này mà Hoạn thư đã đem Thúy Kiều ra hành hạ nhưng Hoạn thư cũng vẫn khen nàng trước mặt Thúc sinh:
1849. Rằng: –“Hoa nô đủ mọi tài,
“Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe.”ø
Là tình địch của Kiều vậy mà Hoạn thư cũng phải khen nàng, không phải chỉ có một hai lần. Khi xem tờ thân cung của Thúy Kiều, Hoạn thư lại một lần nữa bị thuyết phục và đây là lời khen thực sự tự đáy lòng:
1897. Diện tiền trình với Tiểu thư,
Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình.
1899. Liền tay trao lại Thúc sinh,
Rằng: –“Tài nên trọng mà tình nên thương.
1901. “Ví chăng có số giàu sang,
“Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!
1903. “Bể trầm chìm nổi thuyền quyên,
“Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời.”
Đặc biệt đến khi xem bản kinh Hoa nghiêm do Thúy Kiều chép thì có thể nói Hoạn thư đã hoàn toàn bị chinh phục:
1987. Khen rằng: –“ Bút pháp đã tinh,
“So vào với thiếp Lan Đình nào thua!
1989. “Tiếc thay lưu lạc giang hồ
“Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài. “
Cho nên sau này khi ra trước cuộc báo oán của Thúy Kiều, Hoạn thư cũng không phải hổ thẹn khi bào chữa có câu cũng khá thành thực:
2369. Lòng riêng, riêng những kýnh yêu,
Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai...
Đối với nhân vật Hồ Tôn Hiến, hắn biết quá rõ tài sắc của nàng, chính hắn đã lợi dụng nàng cho âm mưu đánh lừa Từ Hải để sau này hắn còn trơ tráo bắt nàng hầu rượu, hầu đàn mà khen tài nàng:
2573. Hỏi rằng: –“Này khúc ở đâu?
“Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”
rồi:
2579. Nghe càng đắm, ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!
Rồi còn Đạm Tiên, sư Tam Hợp... đều yêu mến và đánh giá cao Thúy Kiều, tuy mỗi người một cách. Thúy Kiều được ngợi khen từ các nhân vật khác là một phần nhưng cái chính là nàng tự bộc lộ tài đàn, tài thơ, cách cư sử, lời ăn tiếng nói đến cách xét người, đoán việc qua ngòi bút mô tả của thi hào Nguyễn Du.
Chúng ta đã điểm qua ngôn ngữ nhân vật Truyện Kiều – một phương diện nghệ thuật thành công đặc sắc của kiệt tác (Về phần độc thoại nội tâm của các nhân vật , chúng tôi đã có một bài nghiên cứu riêng). Như ta đã thấy đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều là sự cá tính hóa rất cao, mỗi nhân vật Truyện Kiều đều có một lối nói riêng, một vốn từ riêng, không hề lẫn lộn. Ngôn ngữ của mỗi nhân vật đều đã được lựa chọn hết sức chính xác, tiêu biểu cho nếp nghĩ, nếp cảm và sự lựa chọn của tác giả không chỉ biểu hiện ở những từ không có khả năng thể hiện trực tiếp, cụ thể nội dung tư duy cảm xúc của các nhân vật, bởi ngôn ngữ nhân vật ở đây vừa tham gia vào việc thể hiện sự phát triển của các sự kiện vừa là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên những tính cách nhân vật đa dạng, điển hình.