- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Giữa nơi được coi như "tử địa", nhưng mọi suy nghĩ hành động gặp nhau ở mục tiêu chung nhất, tình thế trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tất cả vui vẻ, vào việc luôn.
Đồng chí tiểu đoàn trường công binh giới thiệu toàn cảnh trọng điểm, nơi địch tập trung oanh kích dữ nhất.
Tôi nói:
- Chỗ nào không lực Mỹ "thích", các đồng chí tổ chức nghi binh thật giỏi, "mời" chúng đến ném bom; tạo nên nhiều quãng yên ả khác để xe chúng ta đi.
Quay sang đồng chí tiểu đoàn trưởng cao xạ, tôi nói tiếp:
- Lính lái xe bắt đầu yêu mến các đồng chí rồi đấy. Về phần các đồng chí phải làm sao để họ yêu thật say đắm như trai gái yêu nhau mới đạt. Vì miền Nam, vì bạn bè quốc tế, chúng ta phải gắng hết mình. Giữ mình, mà không đánh địch, thì cũng khó mà giữ nổi mình…
Xe chúng tôi vượt trọng điểm, về đến ngã ba đường 128 và đường 20 - gần lối rẽ vào Bộ Tư lệnh, thì máy bay địch ào đến thả pháo sáng ở phía sau.
Anh Nguyễn Chúc dí dỏm nói:
- Ta sẽ có ánh sáng điện không mất tiền khoảng nửa tiếng, cứ việc tăng tốc mà chạy.
Tới điểm rẽ vào Bộ Tư lệnh, tôi chia tay, cảm ơn và nói thêm với anh Nguyễn Chúc:
- Đối với đội ngũ cán bộ chỉ huy, cũng có thể ví như một nải chuối; quả nào chín nhũn quá thì không ăn được, ngược lại quả nào quá xanh cũng vậy; chẳng khác nào sự quá mức giữa thận trọng và không thận trọng, phải chọn thời điểm chính xác mà quyết định mọi việc.
Cùng lúc đó, máy bay địch ào tới đánh phá trọng điểm Pa Kha gần ngã ba Lùm Bùm, cách chỗ rẽ 10 cây số. Ở phía Văng Mu - Tha Mé cũng bật giăng từng chùm pháo sáng…
Sáng hôm sau (12 tháng 2) tôi nghe đồng chí Phó Tư lệnh và các cơ quan báo cáo kết quả hoạt động của tuyến 10 ngày đầu tháng 2.
Các đơn vị từ Bạc trở ra, sau hội nghị quân chính đã tạo được chuyển biến nhanh, bộ đội phấn khởi. Cao xạ đã điều chỉnh thế bố trí lực lượng, xây dựng trận địa ngay các trọng điểm và có cả lực lượng cơ động. Mười ngày qua, hỏng nãm pháo. Công binh đã tác nghiệp ban ngày. Trong thời gian trên, chỉ tắc đường từng giờ, không tắc cả đêm. Thông tin bảo đảm thông suốt từ binh trạm, đơn vị về Bộ Tư lệnh. Ở tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé đã hoàn thành thế trận hiệp đồng binh chủng.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Hoạt động có tính hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng binh chủng dã tạo niềm tin, tinh thần phấn khởi trong phần lớn lái xe. Đơn vị nào cũng tăng tốc độ vận tải. Chỉ 10 ngày đầu tháng 2 mà kết quả vận chuyển đã vượt 10 phần trăm so với chỉ tiêu tháng 1.
Tôi hỏi thêm:
- Gạo ở hướng Xê tư lên, giao cho Tây Nguyên thế nào?
- Báo cáo, đạt kế hoạch - Tham mưu trưởng trả lời.
Tôi bàn với anh Chiêm:
- Hôm nay chúng ta cùng các cơ quan chuẩn bị hoàn tất nội dung; ngày mai họp Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh để phổ biến các chỉ thị của Quân uỷ Trung ương mà anh Đinh Đức Thiện đã truyền đạt.
Trong cuộc họp ngày hôm sau, mặc dù đã được quán triệt kỹ chủ trương của Quân uỷ Trung ương, những vấn đề cấp trên lường trước khi giao trọng trách cho Tuyến 559, nhưng khi anh Lê Đình Sum trình bày chỉ tiêu vận chuyển tăng gấp đôi và phải triển khai ngay từ ngày 15 tháng 2, thì không khí phòng họp bỗng chùng xuống. Có mấy anh đánh mắt nhìn nhau, có ý nhường đồng đội có ý kiến trước.
Anh Lê Nghĩa Sỹ - Chủ nhiệm chính trị, con người đầy lạc quan "châm ngòi":
- Chúng ta hãy nhìn vào thế và lực trên tuyến hiện nay. Hoàn toàn có cơ sở để nhận chỉ tiêu mới của Quân uỷ giao. Đương nhiên, phải tính cho đúng sức đánh phá, ngăn chặn của địch, có biện pháp đối phó tích cực, hiệu quả.
Sau anh Sỹ, có một số ý kiến tương tự. Để ý quan sát, tôi biết còn một vài anh phân vân - nếu không nói là lo lắng. Điều này là đương nhiên. Bởi một chỉ tiêu đề ra trong chiến đấu ác liệt mà tăng hai lần là việc không bình thường. Do vậy, khi kết luận hội nghị, tôi nhấn mạnh:
- Như nhiều đồng chí đã phát biểu, chúng ta không đơn giản mọi vấn đề, không duy ý chí. Để hoàn thành khối lượng công việc trên giao, điều chúng ta cần nắm là phải lường hết khó khăn và tìm giải pháp khắc phục từng khó khăn đó. Bởi vậy, huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, mà dũng và mưu của mỗi cán bộ, chiến sĩ là vấn đề quyết định, là chỗ dựa vững chắc nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta phải vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào chỉ đạo, chỉ huy, không bỏ lỡ thời cơ. Cần "thích nghi" nhanh với diễn biến khách quan, không xa rời khó khăn, ác liệt, không xem thường thuận lợi - dù rất nhỏ. Không bị động, mất cảnh giác. Tóng hoà những yếu tố đó sẽ làm tăng sức mạnh của mỗi cá thể…
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Buổi họp kết thúc trong không khí sôi sục quyết tâm, song không kém phần căng thẳng.
Nhanh chóng phổ biến chủ trương của trên, quyết tâm của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh tới đơn vị, mặt khác nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị, sau cuộc họp, Bộ Tư lệnh và cơ quan cử ngay các đoàn xuống làm việc với các binh trạm; có gì khó khăn bàn cách giải quyết luôn.
Riêng tôi, lần này ở lại sở chỉ huy theo dõi tình hình toàn tuyến và trực tiếp nắm tập đoàn trọng điển Văng Mu - Tha Mé, đèo Cốc Mạc.
Ở Binh trạm 1, vào thời điểm này, trọng điểm Văng Mu, Tha Mé cơ bản đã được giải toả. Nhưng đèo Cốc Mạc (cây số 70 - đường 128) lại là điểm nóng, ác liệt nhất. Có nhiều đêm đường tắc dài, hàng từ tuyến ngoài vào khu vực đường 9 không đảm bảo cho tuyến trong.
Chấp hành lệnh của Bộ Tư lệnh, Binh trạm 1 đã đặt sở chỉ huy ở ngay trọng điểm, trực tiếp chỉ huy các lực lượng cao xạ, công binh, vận tải hiệp đồng tác chiến. Chúng tôi lấy việc giải toả đèo Cốc Mạc làm thí điểm tác chiến hiệp đồng binh chủng, nhằm tạo một bước ngoặt về tổ chức vận chuyển trong điều kiện địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt. Bằng việc bố trí cao xạ ngay trọng điểm; công binh củng cố công sự, sẵn sẩng chờ lệnh; các đơn vị xe tập kết theo đội hình…, nên khi máy bay trinh sát hay cường kích địch mò tới đều bị quật ngay. Dứt tiếng bom, công binh đã ào ra mặt đường san lấp hố bom. Chiều xuống cũng là lúc đường thông và những "chiến mã Trường Sơn" được lệnh vượt trọng điểm. Ý chí và quyết tâm của những người lính Trường Sơn đã chiến thắng sức mạnh của đạn bom và các thủ đoạn thâm độc của địch.
Kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa phòng không, công binh, vận tải của Binh trạm 1 ở đèo Cốc Mạc và một vài trọng điểm khác nhanh chóng được nhân rộng ra toàn tuyến.
***
Thực hiện kế hoạch phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, ngày 22 tháng 2 năm 1967, Mỹ tiến hành cuộc hành quân "Gian-xơn Xi ti" với quy mô lớn đánh vào căn cứ chiến lược, cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Nhưng chỉ sau ba ngày, sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới" - một trong số ít "át chủ bài" của quân viễn chinh Mỹ đã nếm đòn thất bại nặng nề ở Bàu Cỏ.
Thắng lợi vang đội của quân và dân ta trên chiến trường là nguồn sức mạnh tinh thần, có sức cổ vũ lớn lao đối với những người lính Trường Sơn chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi cũng rất đỗi tự hào, khi nghĩ rằng mỗi viên đạn mà đồng đội "chụp" xuống đầu thù, đã từng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của những người lính Trường Sơn. Chớp thời cơ, chúng tôi mở một đợt tuyên truyền, động viên toàn tuyến thi đua với các chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện mùa khô 1966--1967.
Cùng lúc, Bộ và Tổng cục Hậu cần điện đôn đốc đưa nhanh đạn hoả lực vào Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5… càng nhanh càng tốt. Tuyến 559: "như thuyền gặp gió", lướt tới, đồng đều.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Cũng với biện pháp "cổ điển", hòng làm giảm sức tiến công của ta trên chiến trường, Mỹ cho không quân tăng cường đánh phá miền Bắc - hậu phương chiến lược của ta và tập trung chặn cắt tuyến chi viện Trường Sơn.
Lúc này, không quân Mỹ gia tăng cường độ đánh phá trên tuyến gấp ba - bốn lần, tăng cường máy bay B.52 rải thảm, mở thêm nhiều trọng điểm mới, điển hình là trọng điểm đèo Lục Tùng Bế, điểm vượt sông Bạc. Nơi đây gần như hội đủ cái khó: đèo và sông. Tuy vậy, do chủ động, nên chỉ sau ba ngày nơi đây thành trọng điểm đánh phá của địch, ta cũng đã xây dựng được một trận địa hiệp đồng binh chủng, kịp thời giải toả trọng điểm.
Một trong những giải pháp hữu hiệu để giải toả trọng điểm này là chúng ta giỏi nghi binh - làm "giả" như thật, cả trận địa pháo và cầu đường. Ban đêm cho một chiếc xe "rách" chạy để "hút" địch; trong khi đó tăng thêm máy húc và công binh để mở đường tránh, làm cầu phao thứ hai bằng nứa. Bởi vậy, địch đánh cứ đánh; xe, người, hàng của ta vẫn cứ bí mật, lẹ làng vượt sông Bạc.
Tối 26 tháng 2, tôi quyết định thị sát trọng điểm mới mẻ này. Cùng đi có anh Phạm Diêu - Tham mưu phó phụ trách công binh.
Anh Nguyễn Tất Giới - Binh trạm trưởng; anh Hồ Anh - Chính uỷ Binh trạm 35 đón và hướng dẫn chúng tôi ra trọng điểm.
Đèo Lục Tùng Bế nằm ở dãy núi cao nhất khu vực. Đèo cắt xuyên qua Trường Sơn và từ đây chạy tuốt ra giáp đèo Hải Vân phía biển. Một địa thế vô cùng hiểm yếu. Cũng do vậy, anh Phạn Diêu đã giao cho công binh khảo sát để sắp tới mở đường sang tây Trường Sơn, tạo thêm một trục dọc mới.
Cũng tại trọng điển này, xe chúng tôi bị trúng bom bi. Nhưng chỉ mỗi đồng chí cảnh vệ bị thương vào chân; số còn lại an toàn, vì tất cả đều đội mũ sắt, mặc "giáp" sắt.
Mười giờ đêm, chúng tôi leo lên đỉnh đồi cao nhất trên trọng điểm, quan sát thấy máy bay địch oanh kích trọng điểm, các trận địa cao xạ kịp thời đón bắn. Những luồng đạn xé trời đêm, rất đẹp. Anh Phạm Diêu vui vẻ nói:
- Tư lệnh thấy có khoái không? Cảnh sơn thuỷ hữu tình, lại có pháo hoa chào đón. Lính xế tha hồ tăng tốc độ!
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Trên đường trở về, chúng tôi ghé thăm Binh trạm 33 - nơi có trọng điềm Tha Mé cũng không kém phần ác liệt. Binh trạm trưởng Nguyễn Huệ và Chính uỷ Binh trạm Linh Anh báo cáo đã tổ chức chỉ huy hiệp đồng binh chủng để giải toả trọng điểm. Tập thể Ban chỉ huy Binh trạm 33 là những cán bộ có bề dày kinh nghiệm tổ chức vận tải, vào tuyến sớm. Rất tiếc sau đó ít lâu, anh Huệ đã hy sinh, sau khi chuyển sang làm Binh trạm trưởng Binh trạm 9.
Trong suốt tháng 8, mọi hoạt động của tuyến dần đi vào nền nếp. Tư tưởng tiến công không còn là mục tiêu cần phải tạo dựng mà đã khẳng định được trong ý chí, hành động của phần đông đơn vị cá nhân. Địch đánh cứ đánh. Xe, người, hàng của ta vẫn cứ ngày đêm qua tuyến. Đầu tháng, tôi nghe báo cáo B.52 rải bom toạ độ vào bãi trú quân của Binh trạm 1, chỗ gần Xiêng Phan, nhưng do trạm có đủ hầm hào công sự, nên chỉ ba chiến sĩ bị thương nhẹ. Chủ động trong phòng tránh cũng là tiến công.
Nhân đà cầu đường thông suốt, khí thế đang lên, vả lại mùa mưa tây Trường Sơn đang tới gần, Bộ Tư lệnh quyết định mở một đợt "Tổng công kích", tăng đầu xe, chạy vượt cung, tăng chuyến, hoàn thành dứt điểm kế hoạch vận chuyển chi viện trong tháng
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
4.
Suốt tháng 3 sang tháng 4, không quân Mỹ gia tăng cường độ oanh kích toàn tuyến - đặc biệt là mười trọng điểm, với trên 3.000 trận bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bom đạn và thiết bị có trình độ công nghệ cao. Nhưng với tác phong tổ chức chỉ huy hiệp đồng tác chiến tốt; các tuyến đường chỉ tắc cục bộ - từng giờ. Cuối tháng 4, Tuyến 559 đã thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch của Bộ giao: Bộ đội và hàng giao Nam Bộ đạt 120 phần trăm, Tây Nguyên: 98 phần trăm, chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị: 100 phần trăm, Trung Hạ Lào: 227 phần trăm. Riêng Trị-Thiên và Khu 5 mới đạt 80 phần trăm, nhưng chân hàng đã lập đủ. Chỉ cần tập trung xe vận chuyển trong 10 ngày đầu tháng 5 là hoàn tất kế hoạch.
Khi những trận mưa đầu hè trút xuống rừng Lào, chúng tôi có thể khẳng định kế hoạch vận chuyển chi viện của Tuyến 559 mùa khô 1966-1967: hoàn thành thắng lợi. Đồng thời, đây cũng là mùa khô đầu tiên, chúng tôi giảm được tỷ lệ tiêu thụ gạo nội bổ so với khối lượng chi viện chiến trường, lượng lương thực dự trữ ở các trạm giao liên bảo đảm đủ cho hành quân cả năm.
***
Được Bộ và Tổng cục Hậu cần đồng ý, từ ngày 10 tháng 5 năm 1967, phần lớn lực lượng trên tuyến lần lượt tập kết ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, thực hiện kế hoạch củng cố biên chế tổ chức, huấn luyện, nghỉ ngơi, bổ sung quân số, xe - máy… Ở lại tuyến trong mùa mưa này, ngoài toàn bộ lực lượng giao liên, có một nửa các đơn vị công binh, một tiểu đoàn xe và một số tiểu đoàn bộ binh.
Chỉ huy sở tiền phương và số cán bộ, nhân viên cơ quan ở lại đóng tại La Hạp (phía đường 45 đi Thừa Thiên), do các anh Hồng Kỳ và Nguyễn Xuân Kỷ phụ trách. Tại đây, cũng đã tập kết một cụm chân hàng trên 1.000 tấn, để khi có điều kiện thì tranh thủ tổ chức vận chuyển cho Thừa Thiên - Huế và bắc Khu 5.
Những ngày đầu tập kết về Chỉ huy sở cơ bản của Đoàn tại Hương Đô - Hương Khê, Hà Tĩnh, mấy anh em trong Bộ Tư lệnh bận "tối cả mắt". Phần việc bộn bề nhất là chỉ huy tập kết hết và gọn các lực lượng; ổn định chỗ ở, địa điểm điều trị cho số anh em thương, bệnh binh - chủ yếu là các bệnh viện, bệnh xá ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Số xe - máy hỏng nặng được chuyển về các xưởng đại tu của Tổng cục Hậu cần; bố trí cho cán bộ, chiến sĩ nghỉ phép 15 ngày, chia làm hai đợt…
Phần mình, tôi tranh thủ thảo báo cáo sơ kết kế hoạch mùa khô 1966-1967 và dự kiến một số nội dung cơ bản kế hoạch mùa khô 1967-1968, để chuẩn bị làm việc với Bộ và Tổng cục.
Ngày 20 tháng 5 năm 1967, anh Đinh Đức Thiện điện vào mời anh Chiêm, tôi và một số anh trong Bộ Tư lệnh về Hà Nội làm việc, kết hợp thăm gia đình.
Hai ngày sau tôi về tới Hà Nội. Anh Thiện tới thăm và dặn:
- Các cậu tranh thủ nghỉ ngơi một tuần giải quyết việc gia đình. Cần gì báo cáo cho Văn phòng Tổng cục Hậu cần.
Tôi cảm ơn anh và xin phép được kết hợp giữa việc công, việc nhà, bởi thời gian ở lại Hà Nội cũng có hạn.
Lúc này vợ tôi chuyển về làm việc tại 63 phố Lý Nam Đế - trạm tiếp đón cán bộ vào chiến trường và từ chiến trường ra.
Riêng hai cô con gái bé bỏng phải sơ tán lên Sơn Tây, bởi máy bay Mỹ ngày càng đánh phá Hà Nội ác liệt hơn.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Chiều hôm đó tôi tranh thủ lên Sơn Tây đón hai cháu Hà, Hiền. Vừa được gặp bố mẹ, vừa được về Hà Nội, chúng mừng quýnh cả lên, quên hết cả mũ nón. Ngồi trên xe, cháu út Thu Hiền vô tư hỏi: "Bao giờ chúng con được về hẳn Hà Nội hở bố?". Câu hỏi của con làm thức dậy trong tôi bao điều. Thương con mới tý tuổi đầu, như cấnh chim non nớt đã phải rời tổ ấm, trong tâm thức của tôi lại hiện về bao hình bóng trẻ thơ loắt choắt đội mũ rơm, "đội bom đạn" đến trường ở biết bao miền quê Khu 4 mà tôi từng sống, từng chiến đấu. Những cháu nhỏ chui dưới tầng sâu địa đạo ở Vĩnh Linh mơ một ngọn đèn dầu, mơ từng trang sách… Rồi ở Hương Phúc - gần Hương Đô - nơi Bộ Tư lệnh 559 đặt "đại bản doanh", cả lớp học gồm mấy chục sinh linh ngây thơ nằm gọn trong một hố bom thù… Tôi ôm cháu vào lòng như muốn truyền cho con một chút suy tưởng của mình, muốn con tôi hiểu được sự hy sinh, thiệt thòi khó gì bù đắp được của bè bạn đồng lứa.
Nhờ chuyển về công tác gần nhà, nên Lan - vợ tôi có điều kiện lo việc gia đình. Thực ra, từ ngày lấy nhau, suốt hai cuộc kháng chiến, tôi luôn ở chiến trường. Tất tật mọi việc gia đình đều trông cậy vào vợ. Một nách một "chùm" con, mọi việc: ăn, học, sơ tán…, vợ tôi đều lo trọn; lại công việc cơ quan… Việc nước, việc nhà tưởng như oằn hai vai bé bỏng của người phụ nữ. Nhưng, đâu chỉ mình tôi! Thế hệ chúng tôi đa phần đều vậy. Cảm phục biết bao cả thế hệ những người mẹ, người vợ đã gánh vác việc nước, việc nhà nơi hậu phương, để chúng tôi dồn tâm sức lo chuyện trận mạc.
Hà Nội hè 1967 khác xa những lần trước đây tôi có dịp ghé về.
Thủ đô đã hình thành một khu vực phòng thủ chiến lược mạnh, đủ sức đánh thắng các cuộc tập kích đường không của Mỹ. Trong những ngày tôi ở lại, có ngày tới ba lần còi Nhà Hát lớn rú lên báo động. Nhiều lần tôi lên tầng thượng quan sát lực lượng không quân Hà Nội dánh trả máy bay Mỹ. Với lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của ta vây bủa, máy bay địch không dám bổ nhào, mà chỉ lượn vòng ném bom, bắn rốc két… Xác suất trúng mục tiêu rất thấp. Có lẽ vì sự bất lực đó, mà sau này khi phải tạo "áp lực" cho hội nghị bốn bên ở Paris, Mỹ đã phải dùng "con bài B.52". Và khi thần tượng "pháo đài bay" bị nhấn chìm ở chính hồ Ngọc Hà, Hà Nội, Nixon và Kissinger đành phải nén lòng ký Hiệp định Paris!
Nói về Hà Nội kết hợp thăm gia đình thì đúng hơn là nghỉ ngơi. Bởi vì sau vài "động tác" của một người đi xa - từ chiến trường về, gần như thời gian còn lại tôi tập trung hoàn thiện báo cáo công tác mùa khô 1967-1968. Xong bước chuẩn bị, tôi đề nghị anh Thiện cho làm việc sớm với Tổng cục và Bộ.
Cả ngày 26 và sáng 27 tháng 5, tôi làm việc với Tổng cục Hậu cần. Nghe tôi báo cáo xong, anh Đinh Đức Thiện nói:
- Tình hình và công việc của Tuyến 559, Tổng cục đã nắm từng ngày. Hôm nay anh tổng hợp lại rất rõ, đặc biệt là các kinh nghiệm. Mùa khô vừa rồi, Tuyến 559 đã làm rạng rỡ Tổng cục.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Tiếp đó, anh nhấn mạnh:
- Chúng ta đã khẳng định được tính tất yếu của vận tải cơ giới. Quân uỷ muốn anh trình bày kỹ vấn đề này. Cùng lực lượng trang bị, điều kiện chủ quan, khách quan như nhau mà sao năm nay chúng ta làm được? Đó là thực tế có sức thuyết phục mạnh nhất đối với các ý kiến còn hoài nghi về tính khả thi và hiệu quả của vận tải cơ giới trên Trường Sơn. Ở đây tôi muốn chúng ta tính toán thật kỹ kế hoạch mùa khô 1967-1968. Chắc chắn trên sẽ giao cho ta khá nặng.
Kết thúc buổi làm việc, anh Thiện thông báo:
- Ngày 4 tháng 6, Quân uỷ và Thủ trưởng Bộ làm việc với các anh. Ngày 6 tháng 6, các anh báo cáo đồng chí Bí thư thứ nhất - Lê Duẩn; ngày 8 tháng 6, anh Phạm Hùng gặp, sau đó Ban Bí thư "chiêu đãi" cơm các anh. Thời gian còn lại, các anh chủ động làm việc với các cơ quan Bộ và các quân - binh chủng.
Hôm làm việc với Quân uỷ và Thủ trưởng Bộ, tôi thấy có mặt đông đủ các anh trong Thường trực Quân uỷ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Không khí làm việc vui vẻ, hồ hởi, khác hẳn cũng vị tổ này gần một năm trước tôi được dự hội nghị rút kinh nghiệm hoạt động của Tuyến 559 trong mùa khô 1965 - 1966.
Tôi báo cáo xong, cả phòng họp hồ hởi hắn lên. Có mấy anh hỏi thêm chúng tôi một số vấn đề cụ thể. Sau đó, anh Văn kết luận:
- Báo cáo của các anh đã khái quát được một số vấn đề mới. Tuyến 559 giành được thắng lợi trong mùa khô vừa qua là do các anh đã đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của không quân Mỹ trong đánh phá, ngăn chặn; đã thấy đúng sức mạnh của ta về thiên thời, địa lợi, nhân hoà; sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, của con người và trang bị; đặc biệt đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự, tư tưởng tiến công vào tuyến vận tải quân sự mà xưa nay chúng ta xem nhẹ; đã biết tổ chức tác chiến binh chủng hợp thành, dưới sự chỉ huy tập trung, thống nhất của Bộ Tư lệnh.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Thắng lợi của Tuyến 559 trong mùa khô 1966-1967, một lần nữa khẳng định chủ trương cơ giời hoá tuyến vận tải quân sự chiến lược của Quân uỷ là hoàn toàn đúng đắn.
Thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi xin cảm ơn và nhờ các anh chuyển lời chúc mừng thắng lợi mùa khô vừa qua tới tất cả cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn.
Kết thúc buổi làm việc, anh Văn dặn chúng tôi:
- Các anh chuẩn bị để báo cáo với đồng chí Lê Duẩn. Kế hoạch mùa khô 1967-1968 chắc lớn hơn nhiều. Sau khi Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục tổng hợp xong kiến nghị các chiến trường, Quân uỷ sẽ bàn, trình Bộ Chính trị và làm việc với các anh sau. Các anh nên nhớ: Người chỉ huy ở chiến trường khi hạ quyết tâm về quy mô và thời gian tác chiến phải tổng hợp nhiều yếu tố. Nhưng trước hết phải có đáp số đảm bảo hậu cần.
Anh Văn Tiến Dũng nói thêm:
- Các anh cần dành thời gian làm việc kỹ với Bộ Tổng tham mưu về các điều kiện để thực hiện kế hoạch mùa khô tới. Chuẩn bị chu đáo sớm thì khả năng chủ động càng lớn.
Sáng ngày 6 tháng 6, tôi cùng anh Chiêm đến báo cáo anh Lê Duẩn. Sau cái bắt tay rất chặt, anh hỏi luôn:
- Các anh báo cáo Quân uỷ rồi phải không?
- Báo cáo anh, rồi ạ - Tôi đáp.
Anh Ba tiếp:
- Mùa khô vừa rồi, Đoàn 559 làm như thế là tốt! Bác cũng muốn gặp các anh, nhưng Bác đang mệt, tôi thấy nên để Bác nghỉ!
Nghe anh Ba nói vậy, anh em chúng tôi vừa lo lắng cho sức khỏe của Bác, vừa tiếc vô cùng vì không được gặp Bác.
Anh Ba dành hơn nửa tiếng, phân tích cho chúng tôi một số điểm chính về cục điện chiến tranh, về tình hình của ta và địch trên chiến trường miền Nam. Anh khẳng định: Tương quan lực lượng, đứng về phía quân sự mà nói thì hiện nay Mỹ - nguỵ còn mạnh hơn chúng ta. Nhưng với quy luật phát triển, thì cái mạnh đó là trước mắt, là tạm thời… Đảng ta, dân tộc ta, cả hai miền, có đủ khả năng để thực hiện một quá trình chuyển đổi tương quan lực lượng. Đảng ta nắm vững hai ngọn cờ - Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, có đầy đủ khả năng để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị đang tính đến một phương hướng chiến lược cho năm 1968. Tương quan lực lượng lúc này, ta chưa thể thắng địch được về quân sự, nhưng ta phải làm một cú thật dữ dội - một cú như "bombarder" làm suy sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Công việc của Tuyến 559 cũng là một yếu tố quan trọng. Bộ Quốc phòng sẽ tính toán, giao nhiệm vụ cụ thể cho Tuyến. Chúc các anh chuẩn bị tốt kế hoạch mùa khô 1967-1968.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Chia tay anh Ba, trong tôi luôn ám ảnh về một phương hướng chiến lược cho năm 1968. Sau này mới hay rằng đó là đòn Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - ta đã đánh gục ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ vào lúc Mỹ đang leo những nấc thang cao nhất của chiến tranh xâm lược trên hai miền Tổ quốc.
Ngày 8 tháng 6, chúng tôi tới báo cáo anh Phạm Hùng tại Văn phòng Trung ương Đảng. Được tiếp xúc nhiều lần với anh Phạm Hùng, tôi thấy lần này cũng như bao lần khác, thái độ và cở chỉ của anh luôn thoải mái, chân tình với cấp dưới. Anh vỗ vai anh Thiêm và tôi rồi nói:
- Nè, mùa khô vừa rồi, 559 đưa đủ đạn ĐKB cho các chiến trường. Nam Bộ cho mình biết, lính ta bắn "đã" lắm. Anh Phạm văn Đồng cũng có kế hoạch gặp các cậu, nhưng có việc phải đi đột xuất. Về phần Chính phủ, sau khi Bộ Quốc phòng tổng hợp kiến nghị của các chiến trường, sẽ trình Bộ Chính trị giải quyết. Công việc sau đó nhờ đôi vai các cậu. Hôm nay, Ban Bí thư mời các cậu ăn cơm, gặp gỡ tiền tuyến - hậu phương là chính. Thế các cậu định nghỉ mấy ngày?
Anh Chiêm trả lời, vui vẻ mà thật lòng:
- Báo cáo anh, tám hôm kể từ khi ở trong tuyến ra, chúng tôi đều có lịch làm việc. Nhưng không sao anh ạ, được làm việc "tại gia" là nghỉ rồi.
Suốt bữa cơm Ban Bí thư "chỉêu đãi", mạch chuyện cứ nhẹ nhàng, đời thường như vậy…
Hôm sau, tôi cùng anh Chiê:m làm việc với Tổng cục Chính trị, có đông đủ các anh lãnh đạo Tổng cục. Nhiều anh đặt câu hỏi:
- Tại sao những năm trước đây có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ dao động, ngại ác liệt hy sinh mà từ đầu năm 1967 nay lại giảm?
Chúng tôi phân tích nhiều điểm, tóm tắt là: Trong chiến đấu ác liệt sống - chết chỉ cách nhau gang tấc. Chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để làm cho mọi người có ý thức tốt bảo vệ mình và đồng đội. Nhưng nói rõ cho mỗi một người lính hiểu:
- Để đạt được mục tiêu Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta phải trả giá. Cùng với giáo dục, về tổ chức phải tạo được sự tương trợ của đồng đội, hiệp đồng chiến đấu, để người lính không thấy bị cô đơn khi đối mặt vời kẻ thù. Chiến sĩ lái xe càng cần phải thế. Họ sợ nhất là một mình một xe giữa chiến trận. Nếu lực lượng cao xạ bỏ rơi họ, không bảo vệ trực tiếp; công binh ở xa đường, xa trọng điểm; xe chạy không theo đội hình, không có chỉ huy đi cùng, các trạm cứu thương, đội cứu kéo vắng bóng trên đường; trọng điểm không có chỉ huy thống nhất…, thì tư tưởng dao động trong một số lái xe sẽ trỗi dậy; thiếu ỷ chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cũng là lẽ thường.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Nghe anh Chiêm phân tích như vậy, anh Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói:
- Đó là những bài học rất sống, rất quý giá về công tác chính trị - công tác tư tưởng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm…
Thời gian ít ỏi còn lại, chúng tôi chia nhau mỗi người làm việc mỗi nơi. Anh Chiêm làm việc tiếp với Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần. Anh Sum làm việc với Bộ Tổng tham mưu.
Tôi xuống Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, các binh chủng: Công binh, Thông tin, sau đó làm việc với anh Phan Trọng Tuệ, cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Bộ Giao thông vận tải và đề xuất một số vấn đề.
Mười ngày có dư, làm việc hết "công suất", mấy anh em giải quyết gọn những công việc ở Hà Nội. Chúng tôi quyết định vào tuyến sớm hơn kế hoạch. Cũng như bao cuộc chia tay, lường trước công việc chung, vợ tôi không một tiếng bàn lùi. Biết vậy, nhưng tôi cũng động viên: Công việc quá khẩn trương, anh vào sớm mấy ngày. Chớm mùa khô tới, thế nào cũng có việc phải ra.
Chiều 12 tháng 6, tôi đưa hai cô con gái trở lại Sơn Tây. Các cháu không muốn rời bố mẹ. Tôi phải dỗ dành rằng: "Hè đến rồi, các con cứ xem như bố con mình về quê nghỉ hè vậy"… Đưa các cháu đi rồi, trong tôi vẫn ám ảnh câu hỏi hôm nào của Thu Hiền - con gái út: "Bao giờ thì chúng con được về hẳn Hà Nội?".
Đang giữa hè, vừa để tránh nắng, vừa tránh giờ cao điểm địch đánh phá dọc đường, 4 giờ sáng ngày 14 tháng 6, đoàn chúng tôi xuất phát tại Hà Nội. Phải mất tròn hai ngày hai đêm, chúng tôi mới vào tới Hương Đô. Quãng đường chưa tới 400 cây số. Địch đánh dữ. Hầu hết ở các cầu, phà trọng yếu, chúng ta đều phải làm đường vòng, bến phụ. Công nhân giao thông, thanh niên xung phong trực suốt ngày đêm, kịp thời giải toả mọi ách tắc. Cùng đồng hành với chúng tôi trên đường ra tiền tuyến là những đoàn xe nặng hàng, kín lá nguỵ trang, thân hình đầy chứng tích bom đạn. Là những đoàn tàu lầm lũi trong đêm chở cả xe tăng, pháo cỡ lớn thẳng hướng về Nam. Dọc kênh Nhà Lê từ Thanh Hoá vào Nghệ An, tôi còn thấy những đoàn vận tải thuyền nan, lúc ẩn, lúc hiện dưới những lùm cây. Hỏi ra mới biết đó là những thành viên Đoàn vận tải Lam Sơn, Đoàn vận tải Điện Biên do tỉnh Thanh Hoá tổ chức. Dọc các cung đường qua Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi gặp nhiều đoàn xe thồ. Những lão nông da cháy sạm, đầu nón lá, chân đất, áo nâu… gập mình đẩy những chiếc xe đạp "cõng" bốn năm bao gạo…
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Chập tối ngày 15 tháng 6, đoàn tới ngã ba Đồng Lộc. Xe qua ngã ba đông, ùn lại một quãng dài. Đồng chí lái xe nhanh như cắt, chạy tìm người chỉ huy giao thông. Lập tức xe tôi được ưu tiên lách lên phía trước. Bất thần một tốp máy bay địch ào tới ném bom, phóng rốc-két. Một xe của đoàn, chạy sau xe tôi hơn năm chục mét trúng đạn, bổc cháy. Lái xe, đồng chí bảo vệ và một nữ chiến sĩ ở văn phòng cùng đi hy sinh. Cả đoàn dừng xe lo việc mai táng, vĩnh biệt đồng đội. Thanh niên xung phong, công nhân giao thông trực trọng điểm… cùng sẻ chia với chúng tôi nỗi đau mất mát, lo chôn cất, làm đầy đủ bia mộ cho những người lính Trường Sơn vĩnh viễn yên nghỉ tại trọng điểm nổi danh này.
Mở sáng ngày 16, chúng tôi mới có mặt tại Hương Đô.
Qua làm việc với các anh Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ và các đồng chí lãnh đạo khác, đặc biệt những gì mắt thấy tai nghe trên những nẻo đường tôi qua là minh chứng sống động nhất của một thời cả nước ra trận. Cả hậu phương gồng mình lên vì chiến trường, vì miền Nam yêu dấu, vì nghĩa tình quốc tế cao cả. Một thời hạt gạo chia ba, chia bốn; dẫu thân mình cũng chịu nhiều "thương tích" vì bom đạn thù, miền Bắc vẫn thực hiện xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình, là cái "NỀN", cái "GỐC" của cách mạng cả nước - như Bác Hồ từng dạy. "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" là khẩu hiệu hành động, là tiếng nói từ con tim, khối óc của mỗi người dân hậu phương vì sự vững mạnh của hậu phương lớn và vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong bối cảnh chiến tranh lan ra cả nước, khi mà tập đoàn cầm quyền Nhà Trắng hống hách và hợm hĩnh tuyên bố: "đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá", trên thực tế miền Bắc đã bước vào trận thử lửa vô cùng ác liệt, và rồi chúng ta đã thắng. Không chỉ vững vàng quật ngã các bước leo thang của không lực, hải lực Hoa Kỳ, miền Bắc còn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của hậu phương lớn.
Độc lập tự do, eó Đảng lãnh đạo sáng suốt, có chế độ chính trị ổn định, vững chắc, có cơ sớ xã hội công bằng, trật tự, lành mạnh; có các tổ chức quần chúng mạnh hoạt động trong Mặt trận - khối đoàn kết toàn dân; nhân dân cần cù, sáng tạo, dạn đày trong chiến tranh, lực lượng vũ trang anh hùng, có tiền tuyến lớn miền Nam vững vàng, bạn bè anh em cổ vũ, chi viện có hiệu quả…, miền Bắc ngày càng tỏ rõ sức mạnh và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Giờ đây, gần bốn mươi năm đã qua, khi nghĩ về những ngày đạn bom, nhưng rất đỗi hào hùng ấy, trong tâm thức tôi vẫn lắng đọng một điều: Nếu không có truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái; tựa nhau khi "tối lửa tắt đèn", "lá lành đùm lá rách" hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử ở từng cộng đồng xã thôn Việt Nam; nếu không có những tế bào đang độ manh nha của Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản là hợp tác xã nông nghiệp - con đẻ của chính sách hợp tác hoá nông nghiệp của Đảng…, liệu miền Bắc có trụ vững, có làm tròn nghĩa vụ đối với chiến trường được không! Điều khẳng định là: Hàng triệu con người đất Bắc rất yên lòng, dồn hết tâm lực cho cuộc sống mái với quân thù trên chiến trường khi có được hậu phương là điểm tựa vững vàng về cả tinh thần lẫn vật chất…
Thật tự hào, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn vừa thuộc về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa thuộc về tiền tuyến lớn miền Nam, vừa là chiến trường vô cùng ác liệt, nhưng đồng thời cũng là cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn.
Vừa vào tới Hương Đô, sáng 16 tháng 6, chúng tôi làm việc luôn với cán bộ chủ trì cơ quan Bộ Tư lệnh 559, Tổng cục Hậu cần tiền phương, nắm lại toàn bộ kế hoạch và nội dung hội nghị tổng kết - tập huấn. Hai ngày sau, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh thông qua lần cuối nội dung và các mặt chuẩn bị cho hội nghị; đặc biệt là khâu chuẩn bị công sự và bố trí lực lượng cao xạ bảo vệ. Bởi địa điểm họp gần các trọng điểm Yên Lộc, Khe Ác.
Hạ tuần tháng 6, hội nghị tổng kết chiến đấu mùa khô 1966-1967 của Đoàn 559 được tiến hành tại xã Hương Xuân. Do địa điểm họp kề cận Hương Đô - nơi đặt sở chỉ huy Bộ Tư lệnh nên về sau mọi người trong chúng tôi quen gọi là hội nghị Hương Đô. Đây là hội nghị có đông đủ thành phần tham dự nhất kể từ ngày thành lập Đoàn 559, gồm cán bộ quân chính cả Tuyến 559 và tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương. Dự hội nghị còn có đại biểụ các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ban 67, Quân khu 4, các binh chủng có liên quan, đại biểu các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đặc khu Vĩnh Linh… Hội nghị này không đơn thuần là tổng kết mà còn là hội nghị tập.huấn với nhiều nội dung rất mới về nghệ thuật quân sự lần đầu tiên được vận dụng thắng lợi trên tuyến vận tải quân sự chiến lược. Văn bản trình bày ở hội nghị, tôi sử dụng một phần báo cáo ở hội nghị quân chính tháng 2 năm 1967 ở trong tuyến. Do công tác chuẩn bị tốt, biểu mẫu thống kê các mặt hoạt động đầy đủ, nên trong báo cáo tổng hợp, tôi chỉ tập trung đánh giá chung và rút ra một số bài học kinh nghiệm:
- Đánh giá, phân tích tình hình địch-ta trong mùa khô 1966-1967, nêu bật cái mạnh, cái yếu của ta và của đối phương; chủ yếu trang bị cho cán bộ những vấn đề cơ bản về phương pháp luận; phân tích, vận dụng vào điều kiện không quân Mỹ đánh phá, ngăn chặn tuyến vận tải quân sự chiến lược; vấn đề cần phải làm chủ của ta - phía chiến đấu chống ngăn chặn, với sức mạnh của bộ đội binh chủng hợp thành, điểm giống và khác nhau trong việc triệt để lợi dụng các yếu tố: Thiên - Địa - Nhân.
- Quán triệt nhiệm vụ, chức năng của tuyến vận tải, chi viện chiến lược cho các chiến trường về cả ba mặt: Là một tuyến vận tải quân sự chlến lược, là một hướng chiến trường trọng yếu, là một căn cứ chiến lược của các chiến trường.
- Là một chiến trường "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi" phải vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, tư tưởng chiến thuật tác chiến vào cuộc chiến đấu chống ngăn chặn. Mùa khô 1966-1967, về tổ chức vận chuyển Tuyến 559 đã thử nghiệm thành công đội hình tiến công nhiều thê đội; mật tập, liên tục, lấy đại đội làm đội hình tiến công cơ bản; đặc biệt đã sáng tạo một tổ chức độc đáo của bộ đội binh chủng hợp thành, lấy bộ đội vận tải làm chủ. Bộ đội vận tải sử dụng đội hình tiến công phải có sự yểm trợ trực tiếp của hỏả lực cao xạ, của công binh, bộ binh và các lực lượng bảo đảm khác một cách nhịp nhàng, đồng bộ, dây chuyền, liên hoàn…
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
- Chuyển Bộ Tư lệnh và cơ quan Bộ Tư lệnh chỉ đạo là chính sang có kết hợp chỉ huy; chuẩn bị tiến tới tổ chức chiến dịch vận tải trên toàn tuyến.
- Từng binh trạm củng cố chỉ huy thống nhất do binh trạm tổ chức; đặc biệt là chỉ huy trực tiếp bộ đội binh chủng hợp thành ở các trọng điểm, khu căn cứ tập kết xuất phát. Chỉ huy các cấp phải thực hiện được năm trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ; trực tiếp tổ chức hiệp đồng chỉ huy chiến đấu; trực tiếp kiểm tra; trực tiếp xử lý công việc kịp thời; trực tiếp báo cáo cấp trên. Ở đây, bộ đội thông tin đã trở thành một lực lượng quan trọng của bộ đội binh chủng hợp thành. Hiện nay, trên tuyến mới tổ chức được mạng thông tin khá tốt ở tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé. Năm 1968, ta sẽ phát triển mạng lưới thông tin, đặc biệt là thông tin tải ba. Lúc đó "động mạch" chủ, "động mạch" nhánh sẽ lưu thông tuần hoàn trong một cơ thể cường tráng.
Sau hội nghị quan trọng này, Bộ Tư lệnh sẽ định hình cơ bản tư tưởng chiến thuật cho từng binh chủng trên tuyến. Trước mắt, áp dụng cho đợt diễn tập thực binh bộ đội hợp thành trong tháng 8 tới.
Bước đầu soạn thảo nhanh tư tưởng chiến thuật cho một số binh chủng. Ví dụ, đánh tiêu diệt là tư tưởng chung. Nhưng bộ đội cao xạ trên Tuyến 559, khi đã xác định lấy bộ đội vận tải làm chủ công thì cách đánh của bộ đội cao xạ là tiêu diệt máy bay địch đánh phá đội hình xe hành tiến, cầu đường. Đó là tư tưởng chủ đạo. Các binh chủng khác và lực lượng phục vụ cũng thực hiện như vậy.
Hội nghị thống nhất khẳng định: Sau 9 năm, mùa khô 1966-1967, Tuyến vận tải quân sự 559 đã thử nghiệm thành công vận tải cơ giới có quy mô trong điều kiện đối phương tiến hành chiến tranh ngăn chặn quyết liệt. Là mùa khô đầu tiên thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch vận tải; giao quân bổ sung cho chiến trường với số lượng lớn nhất, kịp thời nhất. Là mùa khô lực lượng 559 bắn rơi nhiều máy bay, tiêu diệt được nhiều bộ binh địch, tham gia giải phóng được một số vùng đất đai của bạn. Cũng là mùa khô mở được nhiều đường mới, nhất là đường vòng tránh, bảo đảm giao thông thông suốt liên tục. Đặc biệt, đây là mùa khô đầu tiên các lực lượng binh chủng trên tuyến vận dụng đúng đắn tư tường tiến công, nghệ thuật và chiến thuật quân sự phù hợp với đặc điểm của tuyến vận tải quân sự chiến lược trong chiến tranh.
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Không khí hội nghị như lửa gặp gió khi anh Vũ Xuân Chiêm đọc điện của Đại tướng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp biểu dương thành tích của Đoàn 559 trong mùa khô 1966-1967. Điện của anh Văn chỉ rõ: "Thắng lợi mùa khô 1966-1967 là bước đầu, nhưng quan trọng ở chỗ là rút được những bài học mới làm cơ sờ để củng cố tổ chức lực lượng và định hướng cho cuộc chiến đấu mùa khô 1967-1968. Một điều rất quan trọng là xây dựng được tư tưởng tiến công - tư tướng căn bản của quân đội ta. Khắng định chủ trương cơgiới hoá vận tải của Quân uỷ Trung ương là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của chiến trường".
Hầu hết đại biểu dự hội nghị rất phấn khởi nhất trí cho rằng hội nghị Hương Đô đúng là vừa tổng kết, vừa tập huấn. Ở góc độ tổng kết, đã nhất trí khắng định lấy vận tải cơ giới là chủ yếu; ở góc độ tập huấn, lần đầu tiên chúng ta đã tiếp nhận được tư tưởng chiến thuật tiến "công quân sự cho các loại binh chủng". Đây là mốc có tính chất lịch sử, để chuyển sang tác chiến hiệp đồng binh chủng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo thế, tạo lực mới để tiến lên hoàn thành nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược.
Kết thúc hội nghị, toàn bộ lực lượng phía sau cũng như lực lượng trên tuyến khẩn trương chuẩn bị cho một mùa khô mới. Mấy anh em trong Bộ Tư lệnh chia nhau xuống từng đơn vị, trực tiếp nắm công tác tập huấn, củng cố tổ chức, bổ sung quân số, trang bị kỹ thuật. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được điện của anh Hồng Kỳ báo lực lượng ở lại tuyến triển khai tốt nhiệm vụ bảo đảm hành quân, bảo vệ kho tàng. Đặc biệt, công binh đang gấp rút hoàn thành chuẩn bị cầu đường theo kế hoạch đã định. Các lực lượng công binh, cao xạ, thông tin tập trung ưu tiên cửa khẩu Ta Lê - đường 20 và cửa khẩu Xiêng Phan - đường 12, với quyết tâm bảo đảm từ ngày 15 tháng 10, các binh chủng chính thức nhập tuyến. Cùng thời gian này, chúng tôi nhận được văn bản chính thức kế hoạch mùa khô 1967-1968 với chỉ tiêu gấp hai lần mùa khô trước.
Trên cơ sở tổ chức lực lượng được củng cố và kế hoạch được phân bố, đồng thời các khâu chuẩn bị khác cơ bản hoàn tất, tháng 8 năm 1967, Bộ Tư lệnh 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương phối hợp tổ chức diễn tập "Chiến dịch vận tải" hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Với cuộc diễn tập này, chúng tôi muốn áp dụng những kinh nghiệm đã được khẳng định, rèn luyện nâng cao trình độ chiến thuật, chiến đấu, trình độ tác nghiệp của bộ đội, kết hợp tạo chân hàng ở tuyến kho hậu cứ Đoàn 559. Trung tâm địa bàn diễn tập từ ngã ba Khe Giao (Hà Tĩnh) đến Khe Ve (Quảng Bình).
- CHƯƠNG II: Tìm Lời Giải Để Phát Triển Vận Tải Cơ Giới Trên Đường Trường Sơn
Lực lượng vận tải tham gia diễn tập có 560 xe, gồm ba tiểu đoàn xe của Đoàn 559, hai tiểu đoàn xe của Tổng cục Hậu cần tiền phương. Một số tiểu đoàn công binh, thanh niên xung phong của Binh trạm 2 và Binh trạm 12 tham gia bảo đảm cầu đường, bốc dỡ hàng. Năm tiểu đoàn cao xạ, ba đại đội súng máy phòng không đang tác chiến tại chỗ cũng được huy động diễn tập…
Thực hành diễn tập, tôi trong "vai" Binh trạm trưởng, các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương đóng vai cơ quan binh trạm. Chỉ huy binh trạm xuống trực tiếp chỉ huy trọng điểm. Trên suất 150 cây số "chiều dài tiến công ", chúng tôi chọn ba trọng điểm tổ chức chỉ huy bộ đội hiệp đồng binh chủng là Khe Giao, La Khê và Khe Ve.
Những quy định đường vào, đường ra, điểm tránh nhau, thời gian xe tập kết, xuất phát đều được triển khai nhịp nhàng, thống nhất như tập huấn.
Cuộc diễn tập kéo dài một tháng. Kết quả khá mĩ mãn. Chân hàng được lập tại tổng kho Tuyến 559 hơn 8.200 tấn vật chất.
Nhưng cái được quan trọng hơn là chúng tôi đã xây dựng bước đầu điều lệnh chiến dịch, điều lệnh chỉ huy, chiến đấu; công tác chính trị trong tác nghiệp hiệp đồng binh chủng quy mô chiến dịch.
Trung tuần tháng 10, khi những ngọn gió heo may đầu mùa quất xào xạc trên những tán cây rừng vùng Hương Khê, Chu Lễ…, chúng tôi tiến hành một đợt tổng kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, trang bị, công tác cầu đường ở hai cửa khẩu đường 12 và đường 20.
Những kinh nghiệm của một mùa vận tải chi viện được hội nghị Hương Đô khái quát thành các vấn đề có tính lý luận và sau đó được vận dụng vào diễn tập "chiến dịch vận tải" quy mô vừa, cùng các hoạt động chuẩn bị khác về con người, trang bị, cầu đường… đảm bảo cho chúng tôi chủ động, vững vàng triển khai "chiến dịch nhập tuyến", góp phần cùng chiến trường thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược mới của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.
ĐƯỜNG XUYÊN TRƯỜNG SƠN
- CHƯƠNG III: Chương 3: Trường Sơn với Tết Mậu Thân, Những Ngày Vượt Lũ, Thế Cờ Đảo Ngược. -
1.Với mùa hè 1967, sau hai cuộc phản công chiến lược bị thất bại nặng, chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ đã không diễn ra suôn sẻ theo tính toán ban đầu trước "Canh bạc Việt Nam" của giới cầm quyền Mỹ. Các bước leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân của Mỹ cũng chung kết cục như vậy.
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã đặt Mỹ trước tình thế bế tắc chịu sự tác động mạnh mẽ về chính trị, xã hộil chịu những phí tổn nặng nề về tiền của và sinh mạng người Mỹ. Dư luận tiến bộ Mỹ lên tiếng phản đối chiến tranh xâm lược. Nội bộ Chính phủ Mỹ bị phân hoá. Một số giới chức của Nhà Trắng đòi tìm giải pháp nhằm sớm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến này.
Trên bình diện quốc tế, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta ngày càng được dư luận thế giới và chính phủ nhiều nước đồng tình ủng hộ, giúp đỡ.
Về phía ta, qua hai năm đương đầu với "chiến tranh cục bộ", quân và dân ta ở miền Nam vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ chiến lược tiến công, làm phá sản một bước quan trọng kế hoạch chiến lược của địch, giữ vững quyền chủ động ở rừng núi, lực lượng ba thứ quân phát triển mạnh…
Từ thực tế đó, ngay từ đầu năm 1967, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã sớm thấy một tình thế mới xuất hiện, cho phép chúng ta có thể và phải tìm phương cách khai thác triệt để, nhằm xoay chuyển và tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Từ nhận định đó, một kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968 lập tức được khởi thảo và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bắt nhịp từng "hơi thở" của chiến trường và cục diện chiến tranh.
ĐƯỜNG XUYÊN TRƯỜNG SƠN
- CHƯƠNG III: Chương 3: Trường Sơn với Tết Mậu Thân, Những Ngày Vượt Lũ, Thế Cờ Đảo Ngược. -
Tháng 1 năm 1968, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 thông qua nghị quyết Bộ Chính trị, chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đang dao động. Dể chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Muốn vậy, không thể tiến từng bước tuần tự như những năm trước đây; không đánh theo kiểu cũ như đông xuân trước. Phải tạo một bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đó là một cách đánh chưa từng diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ - nguỵ không hề nghĩ tới và cũng không thể nghĩ tới.
Cùng với cả nước, bộ đội Trường Sơn tích cực chuẩn bị phục vụ cho chủ trương chiến lược mới. Nắm bắt ý định chiến lược của Trung ương, đồng thời với việc Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo, bổ sung lực lượng, trang bị cho Đoàn 559, anh em chúng tôi đều thống nhất nhận định: Mùa khô 1967-1968 sẽ có chuyển biến lớn, bất ngờ trên chiến trường. Với nhận định đó, kể từ sau khi kết thúc cuộc diễn tập "chiến dịch vận tải" tháng 8-1967, chúng tôi tiếp tục xốc lại đội hình, chuẩn bị chu đáo, khẩn trương vào chiến dịch vượt khẩu - nhập tuyến.
Bước vào mùa khô 1967-1968, toàn tuyến bố trí thành 10 binh trạm, gồm 8 binh trạm trục dọc (1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 58) và 2 binh trạm trục ngang (7, 21). Ngay sau đó, theo ý của Bộ Tổng tham mưu, phiên hiệu các binh trạm trục dọc có thêm số 3 đứng trước, thành 8 binh trạm: 31, 32, 33, 34, 35, 36 và Binh trạm 8 thành Binh trạm 37, Binh trạm 53. Đối với hệ thống trục ngang Binh trạm 7 thành Binh trạm 42, Binh trạm 21 thành Binh trạm 44.
Cùng thời gian này cơ quan tham mưu Bộ Tư lệnh được tăng cường một số cán bộ có năng lực. Đồng chí Nguyễn Lang được điều về làm Tham mưu trưởng tác chiến. Đồng chí Nguyễn An làm tham mưu trưởng vận tải. Đồng chí Phạm Diêu làm Tham mưu trưởng công binh…
Tháng 10 năm 1967, chúng tôi tiến hành hội nghị quân chính lần cuối trước khi bước vào mùa khô 1967-1968, sớm hơn dự định. Nội dung chủ yểu của hội nghị là quán triệt tình hình nhiệm vụ các chỉ tiêu chính của kế hoạch, xây dựng quyết tâm, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào mọi hoạt động của tuyến, nắm vững tư tưởng tiến công, đưa vận chuyển cơ giới vào đội hình chiến thuật trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Điều cuối cùng mà chúng tôi yêu cầu các binh trạm, các đơn vị cần lưu tâm là: Phái chuẩn bị quyết tâm theo hướng khối lượng tăng hơn, thời gian khẩn trương hơn, đối phó với địch đánh mạnh hơn, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu đột xuất của chiến trường.
Ngày 12 tháng 10, anh Chiêm theo đường 12 và tôi cùng một số cán bộ chủ trì cơ quan theo đường 20 tiến hành một đợt tổng kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị của các binh trạm bắc đường số 9, đôn đốc triển khai công tác tổ chức chỉ huy các lực lượng nhập tuyến, kết hợp kiểm tra việc xây dựng sở chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh.
ĐƯỜNG XUYÊN TRƯỜNG SƠN
- CHƯƠNG III: Chương 3: Trường Sơn với Tết Mậu Thân, Những Ngày Vượt Lũ, Thế Cờ Đảo Ngược. -
Sở chỉ huy mới được xây dựng gần ngã ba đường 9 và tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé - Na Bo, kẹp giữa đường 128 và đường 129. Chọn đặt sở chỉ huy ở đây vừa bí mật, bất ngờ, vừa là trung tâm của nhiều tuyến đường quan trọng. Sau một mùa mưa lao động khẩn trương, cật lực, anh em công binh đã hoàn thành một công trình quân sự bề thế, với yêu cầu kỹ thuật cao là một địa đạo dài gần 200 mét xuyên sâu vào lòng núi. Chỗ dày nhất phía trên tính từ đỉnh núi là 170 mét. Trong gần 200 mét tuy-nen khổng lồ này được cấu trúc đầy đủ "phòng" trực chỉ huy, "phòng" giao ban Bộ Tư lệnh, "phòng" trực ban của các cơ quan tham mưu binh chủng, cơ quan chính trị, hậu cần. Hệ thống điện thoại được lắp đặt khá đồng bộ, liên lạc trực tiếp với từng binh trạm và đơn vị trực thuộc. Máy phát điện bảo đảm ánh sáng liên tục suốt ngày đêm. Thật khó có thể tường tượng được trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn giữa đại ngàn Trường Sơn, ngay kề tuyến giao thông huyết mạch đường số 9 mà đối phương đang kiểm soát, kề cận những trọng điểm địch đánh phá vô cùng quyết liệt, công binh Trường Sơn đã xây dựng được một trung tâm chỉ huy bề thế, chính quy đến như vậy. Tôi tin chắc, được làm việc trong "cơ ngơi" này, mỗi người sẽ tự tin hơn và cũng tự mình phải thay đổi tác phong công tác, nghiêm túc, khẩn trương hơn.
Sau khi nắm tình hình lần cuối, chúng tôi chọn đường 20 làm hướng vượt khẩu chủ yếu, vì đường khá tốt và vào tới đường 9 gần hơn.
Trung tuần tháng 10, các khâu chuẩn bị hoàn tất. Mưa trên Trường Sơn giảm. Đường se khô. Mực nước các sông, suối xuống dần. Các lực lượng đã tiếp cận khu vực cửa khẩu sẵn sàng chờ lệnh.
Để sớm chủ động trong chỉ huy điều hành, Bộ Tư lệnh vào tuyến sớm hơn các đơn vị. Do Chủ nhiệm thông tin và cơ quan thông tin vào trước chúng tôi một tuần, nên khi Bộ Tư lệnh vào sở chi huy mới, hệ thống thông tin đã được lắp đặt, triển khai đồng bộ. Với mạng thông tin này, chúng tôi có thể làm việc cùng một lúc với nhiều binh trạm từ Bạc trở ra. Đây thực sự là một thuận lợi lớn cho công tác chỉ huy trước một mùa ra quân mới.
Cuối tháng 10, khi chúng tôi phát lệnh mở màn chiến dịch "Vượt khẩu" cũng là thời điểm không quân địch tăng cường đánh phá ngăn chặn các cửa ngõ vào tuyến. Máy bay các loại thi nhau trút bom vào các trọng điểm Pha Nốp, Xiêng Phan (đường 12); cua chữ A, ngầm Ta Lê (đường 20), Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé (đường 128)… Máy bay B.52 còn ném bom rải thảm khu vực tổng kho 050, gây cho ta một số tổn thất.
ĐƯỜNG XUYÊN TRƯỜNG SƠN
- CHƯƠNG III: Chương 3: Trường Sơn với Tết Mậu Thân, Những Ngày Vượt Lũ, Thế Cờ Đảo Ngược. -
Do chủ động có phương án đối phó với các thủ đoạn đánh phá của địch, đặc biệt lợi dụng yếu tố bất ngờ, mật tập, chiến dịch "Vượt khẩu" diễn ra cấp tập, dứt điểm, không dây dưa như những năm trước. Chỉ sau 8 ngày, toàn bộ lực lượng xe - máy, trang bị đã vào vị trí tập kết an toàn. Đặc biệt, có 12 tiểu đoàn xe chở hàng chạy thẳng vào giao cho các binh trạm phía nam; trong đó có 8 tiểu đoàn xe chở vũ khí, đạn pháo vào giao cho B2 tại khu vực ngã ba biên giới.
Thắng lợi trận đầu của mùa khô 1967-1968 là kết quả cố gắng nỗ lực của hết thảy các lực lượng, binh chủng trên toàn tuyến; trước tiên là bộ đội công binh, vận tải và phòng không.
Các lực lượng phòng không, điển hình là Tiểu đoàn 14 - Binh trạm 31, Tiểu đoàn 18 - Binh trạm 32 là những đơn vị cao xạ triển khai đánh địch sớm nhất, chiến đấu dũng cảm, hất máy bay địch lên cao, hạn chế tới mức thấp nhất xác suất bom đạn trúng đường, trúng xe, bảo vệ tốt đường, cầu và đội hình xe ở hai cửa ngõ trọng yếu này.
Sau khi toàn bộ lực lượng "Vượt khẩu" trót lọt, Bộ Tư lệnh điện cho các binh trạm và đơn vị dành 5 ngày ổn định mọi mặt. Tiếp đó chúng tôi quyết định ba binh trạm phía bắc đường 9 mở đợt "đột kích" 10 ngày nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu vận chuyển tháng 11, đồng thời rèn luyện một bước về tổ chức chỉ huy hiệp đồng binh chủng trong vận chuyển tập trung quy mô tiểu đoàn.
Tham gia đợt đột kích này có 8 tiểu đoàn công binh, 5 tiểu đoàn cao xạ, 7 tiểu đoàn ô tô gồm 752 xe. Binh trạm 32 đảm nhiệm cung xung yếu nhất, là "yết hầu" hút hàng từ hai cửa khẩu đường 12 và đường 20 vào rồi dẩy tiếp vào nam đường 9. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá Binh trạm 32 là đơn vị có mạng đường khá hoàn chỉnh, có khả năng tổ chức vận chuyển đội hình tập trung quy mô lớn, chúng tôi quyết định chọn binh trạm này xây dựng điển hình về chỉ huy vận tải tập trung quy mô tiểu đoàn trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Thực tế, đợt vận chuyển "đột kích rà trơn" này, Binh trạm 32 đã thể hiện được thế mạnh vốn có; một ngày đêm chuyển gần 350 tấn hàng vào khu vực đường số 9.
Nhân đà thắng lợi trận đầu và thời tiết khá thuận lợi, chúng tôi chủ trương đồng loạt ra quân toàn tuyến. Các lực lượng binh chủng: phòng không, công binh, vận tải phối hợp nhịp nhàng. Đặc biệt, sự phát triển có tính đột biến của mạng thông tin liên lạc, kết hợp hỗ trợ giữa vô tuyến điện và hữu tuyến tuyến điện, triển khai thông suốt giữa sở chỉ huy Bộ Tư lệnh tới các binh trạm, đơn vị binh chủng; nối từ trục chính tới trục phụ và các trạm chỉ huy giao thông trên đường… đã tạo thuận lợi lớn cho công tác tổ chức chỉ huy chiến đấu.