AUGUSTIN CAUCHY
Augustin-Louis Cauchy (1789-1857), nhà Toán học lớn của Pháp, một thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa học đáng kính. Ít ai biết được cuộc đời và sự nghiệp đầy trắc trở của ông.
Gia đình Cauchy rất xùng đạo Công giáo. Khác với người cha, Cauchy không thay đổi theo trào lưu chính trị mới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ông không hòa hợp được với giới chức địa phương cũng như lãnh đạo nơi ông làm (khi đó ông đang làm kỹ sư). Ngoài ra, quan hệ xã hội trong nghề nghiệp phức tạp khiến ông thấy chán nản với công việc. Trong hơn 2 năm làm việc tại Cherbourg ông dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu Toán.
Từ năm 1813 đến năm 1815, Cauchy đã ghi danh ba lần vào danh sách dự tranh vào Hàn Lâm Viện Khoa Học. Tuy nhiên ông trượt cả ba với số phiếu áp đảo. Lí do dẫn tới những thất bại không phải vì năng lực của ông mà là vì yếu tố chính trị. Hầu hết các thành viên của Viện Hàn Lâm đều trung thành với phe Cộng Hòa, còn Cauchy lại không dấu diếm rằng mình là người bảo hoàng và là một tín đồ Công giáo. Còn một lí do nữa là sự quá nổi tiếng của Cauchy và sự tự tin hay nói quá là kiêu căng đã làm cho các thành viên đương chức không hài lòng.
Khi nhà nước Phục hoàng lên nắm quyền vào năm 1815, một tình huống thuận lợi xuất hiện cho con đường công danh của Cauchy. Vua và cận thần rất ấn tượng với thành tự của các nhà toán học và khoa học tự nhiên. Trong hoàn cảnh ấy, Cauchy là nhà toán học sánh chói và hết mực trung thành với hoàng gia, xứng đáng thay thế cho các nhà bác học “phản động” kia. Cuối cùng, Cauchy được vào Viện Hàn Lâm không phải bằng bầu cử mà bằng sắc lệnh của vua. Mặc cho có nhiều nhà toán học dè biểu, xa lánh nhưng không ai có thể phủ nhận những công trình toán học của ông, ông hoàn toàn xứng đáng ngồi ở vị trí ấy.
Cauchy cũng được bổ nhiệm về trường Đại học Bách khoa. Năm 1816, ông đề nghị cải cách chương trình toán, năm nhất là phải đào sâu vào nội dung toán thuần túy (giải tích), đưa cơ học và những phần áp dụng vào giảng dạy ở năm thứ hai. Điều này đi ngược với truyền thống xem toán học như là một phương tiện cung cấp cho vật lý và các môn kỹ thuật. Dù bị từ chối nhưng ông vẫn cải cách, tự sửa đổi chương trình các lớp ông phụ trách. Đúng là một vị giáo sư bướng bỉnh …
Cuối tháng 7-1830, vua Charles rời Paris, một tuần sau Louis Philippe, quận công Orléans, được đưa lên ngôi vua nước Pháp. Chế độ mới được thành lập theo ý phe Cộng hòa. Đạo luật mới buộc mọi công chức phải thề trung thành với chế độ mới. Cauchy vội vã rời khỏi Paris trước khi bị bắt buộc phải đọc lời thề đáng nguyền rủa ấy.
Ngày 22/10/1838, sau 8 năm vắng mặt, Cauchy trở lại Viện Hàn Lâm, tham dự cuộc họp đầu tiên. Đây là bước đầu trong chiến dịch phục hồi vị trí và uy tín của mình mà ông đã đánh mất.
Tháng 5 năm 1857, cảm thấy sức khỏe yếu dần do bệnh sưng khớp, Cauchy rời Paris về tịnh dưỡng ở Sceaux, miền ngoại ô phía nam Paris. Ngày 24/5/1857 ông qua đời tại đây, thọ gần 68 tuổi.
(GS Nguyến Tiến Dũng viết)
Đóng góp lớn nhất của Cauchy trong toán học là việc xây dựng môn Giải tích (bao gồm giải tích phức và phương trình vi phân) thành lý thuyết toán học chặt chẽ, với các khái niệm và ngôn ngữ hiện đại được dùng đến ngày nay. Nhưng Cauchy là một nhà toán học toàn tài, và ngoài giải tích, ông còn có đóng góp lớn vào nhiều lĩnh vực toán học khác, như đại số, lý thuyết số, hình học không gian, hình học vi phân, và lý thuyết xác suất.
Ở đây tôi chỉ tóm tắt một số điều của cuộc đời ông. Mời các bạn đọc thêm: “Thiên tài và số phận: Chuyện kể về các nhà toán học”. Hi vọng nó sẽ tiếp thêm niềm đam mê và hứng thú với các bạn đối với Toán học.
Một câu hỏi nhỏ: các bạn hãy nêu các công trình khoa học của Cauchy mà các bạn biết?