thuyết minh về môt món ăn

N

ngocvippro98

Làng Vòng nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Từ xa xưa, làng Vòng đã nổi tiếng với đặc sản cốm:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương bần, húng Láng còn gì ngon hơn!

Nghề làm cốm làng Vòng, bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.

Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm.

Và cốm làng Vòng vượt qua khỏi lũy tre làng, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với người ăn chơi sành điệu, rồi trở thành đặc sản quý tiến vua các triều Lý (1009-1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.

Vụ cốm mùa thu kéo dài tới gần 3 tháng, bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 âm lịch trở đi.

Quy trình làm cốm cổ truyền: lúa nếp cái gặt về, tuốt lấy hạt, sàng bỏ những cọng rơm, đãi qua nước, chọn lấy những hạt mẩy rồi đổ vào chảo rang bằng gang đúc. Để giữ được nhiệt, bếp lò rang cốm phải đắp bằng xỉ than có bề dày 15cm trên miệng, 40cm dưới chân, nhưng không đốt bằng than (nhiệt lượng quá cao) mà phải dùng củi (dễ điều chỉnh lửa).

Lúc đầu rang vừa lửa, khi hạt thóc tái trắng thì bớt lửa. Hạt thóc rang phải đảo liên tục, sao cho nóng đều. Rang 30 phút thì xem thử, mỗi lần thử bốc lấy 5 hạt đặt lên một miếng gỗ, lấy ngón tay cái miết mạnh lên từng hạt thóc, nếu thấy "2 quằn 3 róc" - tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng quằn lại, 3 hạt róc vỏ nhưng không quằn - là được.

Thóc rang xong, để nguội, cho vào cối giã, mỗi mẻ giã khoảng 5 kg. Giã mươi phút, thấy có trấu thì xúc ra, sảy trấu đi, lại giã, tới 7 lần, mỗi lần phải tùy theo cốm khô hay ướt mà có biện pháp xử lý. Lần giã thứ 5 phải phân cốm ra làm 3 loại: cốm rón, cốm non và cốm gốc và giã riêng từng loại trong hai lần cuối.

Cốm thành phẩm được gói thành hai lớp lá. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc thạch quý giá; Lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng, thanh cao.

Ngày nay, cốm còn được chế biến thành bánh cốm và chè cốm...những món ăn không kém phần thi vị bởi cái dẻo thơm của cốm, bùi đậm của đậu xanh, sần sật của sợi dừa xắt mỏng. Bánh cốm đi chung với bánh su sê trở thành cặp bánh không thể thiếu trong lễ ăn hỏi từ lâu nay của người Hà Nội.

Bánh cốm Hà Nội có nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là bánh cốm ở phố Hàng Than. Còn chè cốm, khi ăn thường múc ra bát sứ nhỏ màu trắng. Chè nấu loãng bằng đường trắng và bột lọc trong suốt, thấp thoáng những hạt cốm xanh, thoảng mùi nếp và tinh dầu hoa bưởi, quyến rũ đến lạ lùng
 
D

deltafoce11

Là người dân đất Khánh hoà , có lẽ ai ai cũng đều biết đến câu ca dao : " Đi đâu cũng nhớ Khánh hoà Nhớ Nha Trang gió mát , nhớ Ninh Hoà nhiều nem ".
Đã từ lâu , nem Ninh Hoà được nhắc đến như là niềm tự hào lớn lao của người dân đất Khánh hoà . Nem chua Ninh Hoà nổi tiếng đến mức ở Sài gòn , Đà Lạt , Buôn mê thuột , Nha trang .... các quán nem đều có thêm hai chữ " Ninh hoà " để lôi kéo khách hàng sành điệu yêu thích món nem .

Nem Ninh Hoà có 2 loại : nem chua và nem nướng (nem phần )

Nguyên liệu chính để làm nem là thịt heo và da heo . Thịt phải là thịt nạc được lấy từ đùi hoặc trên lưng . Mỗi con heo nặng cả tạ nhưng chỉ lấy được khoảng 10 kg thịt nạc ngon đủ tiêu chuẩn để làm nem . Heo phải là giống heo địa phương Ninh hoà rất nổi tiếng được nhắc trong ca dao tục ngữ Việt Nam " Mây Hòn Hèo , Heo Đất đỏ ' .Bà nội tôi nói vùng Đất Đỏ Ninh Hoà chính là những con đường đất đỏ nằm cách không xa Hòn hèo , phía ngoài đèo Bánh ít , rẽ bên trái đường đi lên các xã Ninh Đông , Ninh Trung ... vùng này đồng lúa bát ngát nên các gia đình sống ở đây thường làm ruộng và nuôi heo , thịt heo chắc và rất ngon nên các chủ lò làm nem rất thích thịt heo vùng này.

Thịt heo mới mổ còn nóng hổi lạng sạch mỡ và gân , không được rửa nước lạnh , đem thái ngang và đưa vào cối để giã nhuyễn . Giã thịt heo là cả một nghệ thuật cầu kì và công phu mà không thể thay thế bằng một loại máy móc nào , khi giã phải liên tục không được ngừng tay , phải biết điều chỉnh mức độ giã mạnh -nhẹ cho phù hợp .Vừa giã vừa phải thêm gia vị như ; muối , đường , tiêu ... sao cho nem vừa có độ dai vừa phải không quá ngọt mà cũng không quá mặn .
Da heo cũng là một thứ nguyên liệu quan trọng được lựa chọn kĩ lưỡng và làm thật sạch . Da heo luộc vừa chín tới , để ráo nước , nạo sạch mỡ rồi xắt thành những lớp mỏng cuộn lại , xắt sợi nhỏ như những sợi miến .

Trộn thịt heo đã giã nhuyễn trộn với da heo xắt nhỏ cho thật đều và dùng lá chùm ruột để gói lại .Gói nem cũng không kém phần cầu kì và tỉ mỉ : Lá chùm ruột lót bên trong không được rửa nước mà phải dùng khăn khô lau thật sạch , lá lót bên ngoài là lá chuối tươi thường là lá chuối mốc hoặc chuối hột . Khi gói không những phải đảm bảo cho chiếc nem vuông vắn đẹp mắt mà còn phải chặt tay không để hở vì nếu chẳng may bị hở gió thì nem sẽ bị thối .

Sau khi gói 3 ngày thì nem đủ độ chua và ăn được . Khi mở ra thấy nem khô ráo , không bị dính lá có màu hồng tươi , có mùi thơm ngon , có vị chua ngọt dịu là nem đạt yêu cầu . Nem chua ăn kèm với tỏi , nước chấm tương ớt ...là một món ăn thật khó quên !

Món nem nướng là món ăn ngay , cũng được chế biến từ thịt heo giã nhuyễn thêm chút thịt mỡ xắt hạt lựu .... . Sau khi trộn đều gia vị viên lại thành những viên bằng đầu ngón tay rồi xiên vào từng cây đặt lên lò than nướng . Nem nướng dùng với bánh tráng , rau sống ,chuối chát, khế hua ......và được chấm với một loại nước chấm rất đặc biệt . Loại nước chấm này được chế biến từ thịt nạc băm , nước tương , muối , đường , ớt ,đậu phộng ....

Có thể nói Nem Ninh Hoà là một món ăn ngon nức tiếng xa gần , ăn một lần là nhớ mãi không quên . Và để quảng bá cho thương hiệu nem Ninh Hoà , trong Festival biển Tại Nha Trang tháng 08 năm 2007 hơn 20 nghệ nhân làm nem tại Ninh hoà đã làm chiếc nem to nhất Việt Nam với chiều dài 11 mét , đường kính 30cm , nặng 456 kg .

Mỗi người dân Ninh Hoà đều rất tự hào về món ăn nổi tiếng này vì thế mỗi khi tiếp khách hoặc mua quà cho khách đều không thể thiếu món nem .

Nếu có về Ninh hoà , các bạn hãy ghé vào bất cứ quán nem nào để thưởng thức những chiếc nem be bé xinh xinh với vị ngon ngọt , đậm đà của như chính tấm lòng của người dân nơi đây .
 
D

deltafoce11

Tào phớ là món ngon của ngày hè, những biến tấu lạ miệng sẽ càng thêm hấp dẫn.
Những món ăn truyền thống tuy không bao giờ làm bạn cảm thấy nhàm chán nhưng sự sáng tạo không ngừng sẽ làm phong phú thêm hương vị cho cuộc sống. Tào phớ vốn là món ăn mát lành làm từ đậu nành mà ai cũng ưa thích. Vào mùa hè, bát tào phớ trắng mịn cùng những viên đá vụn lại càng có giá trị. Giờ đây, bạn sẽ càng thấy thú vị với những món tào phớ được cách điệu.



Cũng có tác dụng giải khát, giải nhiệt như những món chè, tào phớ cũng được thập cẩm hóa để thành món tào phớ thập cẩm khá lạ miệng. Có lẽ người ta nhận ra rằng, tào phớ cũng rất dễ kết hợp với nhiều loại nguyên liệu. Đặc biệt, tào phớ không những vẫn giữ được hương vị vốn có mà còn làm nổi bật thêm hương vị của những nguyên liệu khác. Không có món tào phớ cách điệu nào lại thiếu nước cốt dừa và được người ta gọi là tào phớ sữa dừa.

Trong tào phớ sữa dừa thập cẩm, người ta dùng những nguyên liệu như: thạch thủy tinh, thạch đen, trân châu trắng, nếp cẩm, chuối khô, xoài tươi và đặc biệt là được chan thêm cả nước cốt dừa. Đúng là đủ vị chua, vị ngọt, vị cay. Vị chua của thạch hoa quả, của miếng xoài, vị ngọt của tào phớ, của nước đường, vị cay của nếp cẩm vẫn còn hương rượu nồng nồng. Nhìn bát tào phớ đủ màu sắc đã thấy mát lòng, ăn vào rồi lại càng thấy sảng khoái, khó kiềm chế gọi chủ quán làm thêm bát nữa.



Tào phớ thập cẩm dành cho những ai ưa thích thưởng thức tất cả các hương vị. Nhưng cũng có đủ những loại tào phớ được kết hợp riêng với những loại nguyên liệu khác nhau. Những loại này lại mang hương vị đặc trưng và phù hợp khẩu vị với từng người. Tào phớ sữa dừa cà phê, tào phớ sữa dừa sô cô la, tào phớ sữa dừa nếp cẩm... có vẻ hợp với phái mạnh bởi màu nâu già dặn, hương vị đậm đà.



Trẻ trung hơn là các loại tào phớ sữa dừa trân châu, tào phớ sữa dừa thạch đen, tào phớ sữa dừa thạch hoa quả... với vị chua ngọt pha trộn thú vị. Không kèm vị chua nhẹ nhàng, bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng sự kết hợp mịn màng của tào phớ với những hạt đậu bở bung. Đó là loại tào phớ sữa dừa đậu đỏ, đậu xanh, khoai môn. Hấp dẫn không kém là các loại tào phớ sữa dừa chuối khô, tào phớ sữa dừa với xoài, hương vị hoa quả ngon dễ ăn. Hay đơn giản nhất là tào phớ sữa dừa dậy hương béo ngậy với chỉ nước cốt dừa.



Để thưởng thức các loại tào phớ độc đáo trên bạn không thể tìm thấy dễ dàng như tào phớ truyền thống trong các chợ hay các gánh hàng rong. Kỳ công một chút để tìm thấy món ăn này trong ngõ phố Hà Nội và để thấy thỏa mãn với một bát tào phớ phù hợp khẩu vị của mình.
 
D

deltafoce11

Đất Sài Gòn vốn "dung nạp" nhiều món hủ tiếu đến từ mọi miền: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang…, theo đó là những biến tấu đã thành quen thuộc: hủ tiếu bò kho, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu khô… Trong số này, hủ tiếu của người Hoa có những sắc màu rất riêng...


Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ làm thực khách thỏa lòng.

Dần dà, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: miếng gân giòn, khúc chân giò cắn nghe sừn sựt, vài miếng lòng tim, gan, cật, ruột non, con tôm đỏ au, miếng mực ngọt, quả trứng cút bùi bùi, miếng huyết heo hay vài lát chả cá... Nước lèo cũng đậm đà, ngọt ngào hơn khi được nấu bởi tôm, mực khô. Đĩa rau ăn kèm phong phú với xà lách, tần ô, cần, giá, hẹ… Và, bước hoàn thiện gần đây nhất là thêm vào tô ít tóp mỡ, nước tương, dấm và tỏi ngâm (hay tỏi phi). Một tô hủ tiếu như thế dư sức làm “ngất ngây” thực khách.

Từ những tô hủ tiếu với thành phần món ăn phong phú trên, người ta còn sáng chế ra hủ tiếu bò viên, hủ tiếu bò kho (có lẽ chất nước đặc quánh của bò kho chỉ thích hợp với cái dai của hủ tiếu thay vì bún, phở) hay hủ tiếu khô trộn chút mỡ, xì dầu, nước lèo để riêng. Người Hoa còn có món hủ tiếu lòng bò, ăn rất lạ miệng.

Nhưng từ “lạ” chỉ đúng nghĩa khi kể đến món hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bột lọc.

Đầu tiên phải kể đến món hủ tiếu cá, món ăn thành danh của quán Nam Lợi, một quán người Hoa lâu đời trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Sợi hủ tiếu có hai loại: loại nhỏ, dai như thường thấy, loại sợi mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Đôi khi người ta còn thêm vào tô hủ tiếu những vắt mì tươi vàng óng.

Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương, xắc từng lát mỏng, qua tay nghề của đầu bếp được xoắn hình lò xo rất đẹp mắt. Trước khi bỏ vào tô, cá được chần sơ qua nước lèo. Tô hủ tiếu rắc thật nhiều tiêu, vừa có vị ngọt của cá, lại vừa thoang thoảng mùi mực khô và xương hầm. Cái ngon của nó chính là ở hương vị vừa lạ mà quen: dù đây là món “rặc” Hoa, nhưng khi ăn cứ thấy như lẩn quất chút hương vị của bún cá miền Tây. Nếu không thích cá, thực khách có thể thay bằng món hủ tiếu gà, cũng lạ miệng không kém.

Hủ tiếu bột lọc chỉ lạ ở một thứ duy nhất: sợi hủ tiếu làm bằng bột lọc. Sợi hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm, không giống miến cũng chẳng giống bánh canh. Chính cái dai dai của hủ tiếu bột lọc khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm. Món ăn này xuất hiện ở nhiều quán ăn trong khu vực quận 5, nơi có nhiều người Hoa sinh sống.


Cũng ở quận 5, trên đường Triệu Quang Phục, ta lại bắt gặp một "vẻ" khác của món ăn này: hủ tiếu sa tế. Không quán xá gì cả, đó chỉ là một xe hủ tiếu nằm trước một ngôi chùa Hoa. Dẫu buôn bán đã hơn 40 năm nhưng cái xe hủ tiếu đó vẫn không hề thay đổi hay “nâng cấp”. Thế mà giá một tô hủ tiếu lại không hề rẻ (20 - 25 ngàn/tô). Có lẽ đó chính là cái giá trả cho công phu của chủ quán chăm chút cho tô hủ tiếu rất “ngộ” này.

“Ngộ” từ sợi hủ tiếu mềm và to bản y như sợi phở, đến thứ thịt được dùng là thịt bò, rồi cả gân, bao tử, bò viên... và rau ăn kèm là rau thơm, dưa leo, cà chua. Cái đặc biệt nhất là mùi vị của nước lèo: phảng phất mùi sa tế, hương tỏi, sả, hồi, quế, đậu phộng băm nhuyễn… Nó khiến người ăn có cảm giác đang thưởng thức một món phở lạ miệng.

Hủ tiếu sa tế, ngoài vị xé lưỡi, còn độc đáo ở cái nước lèo hơi sệt, thơm cả mùi phở lẫn cà ri, lại béo ngậy đậu phộng xay. Chính nét đặc trưng ấy tạo nên điểm nhấn cho hủ tiếu sa tế. Món hủ tiếu này cũng góp thêm chút sắc màu vào sự phong phú của các món hủ tiếu Hoa .
 
D

deltafoce11

Không ngọt gắt như chè Huế, nhiều hương liệu như chè Bắc, chè Sài Gòn ngọt thanh bởi nước cốt dừa, đá bào. Đặc biệt, chè Sài Gòn có những biến tấu thú vị với chút mứt trái cây thái chỉ hay cốm dẹp.
TP HCM chỉ có hai mùa mưa và nắng, vì thế người Sài thành có thói quen thưởng thức chè theo mùa. Những ngày nóng bức thật thú vị khi vừa dùng chè lạnh, vừa nhâm nhi những mẩu đá bào mát lịm. Vào quán chỉ cần nhìn thấy màu xanh từ ly chè đỗ, hơi nước phủ từng hạt li ti trên bề mặt cùng tiếng sột soạt đá bào là đã cảm thấy cơn gió mát lạnh ùa qua kẽ tóc. Ai thích màu sắc hơn thì chọn một ly sương sa hột lựu với thạch, vài hạt lựu đỏ hồng với nhân dừa bên trong và vài sợi mứt mít.


Chè sen
Ly chè Sài Gòn đầy sắc màu.



Ly chè đầy màu sắc

Trời trở gió hay mưa, người TP HCM lại có cái thú hít hà bên chén chè thưng nóng hôi hổi. Chỉ cần thấy chị bán chè múc cả một vá nghi ngút khói với mùi thơm đặc trưng từ chiếc nồi nhôm to, là đã thấy cái lạnh của mưa chiều bay đâu mất. Bưng trên tay chén chè nóng ấm trong cái se lạnh của mùa mưa quả là rất thú vị. Cùng với vị béo ngậy của khoai, nước dừa và đậu đỏ, hương vị ấm áp như tan đều trong cuống họng, lan ra khắp cơ thể. Ngồi lề đường trú mưa mà có thêm chén chè đậu ván đặc sệt nước dừa, vừa ăn vừa hàn huyên với cô bạn đồng nghiệp thì cũng thật vui.

Muôn vàn màu sắc



Có thể nói, chè Sài Gòn là một sự tổng hợp đa dạng tất cả các "trường phái". Chỉ riêng cách ăn thôi, bạn đã cảm thấy sự phong phú của món ăn ngọt thanh này. Có người thích thưởng thức chè trong cái ly thủy tinh không cổ, ngồi bệt xung quanh một gánh hàng bên vệ đường, góc công viên, thi thoảng xin cô bán chè thêm tí rong biển hay nước dừa. Bé con thì thích cầm bịch chè đậu, đặc sệt, hí hửng cắn một đầu, rồi nặn từng chút một cho chè theo nước dừa lan ra trong vòm miệng. Hay có người thích nhìn ly chè đầy màu sắc sang trọng, trưng bày đẹp mắt trong một bàn ăn đắt tiền ở một sảnh tiệc nào đấy...

Chè Sài Gòn trẻ trung với muôn vàn sắc màu. Từ đậu xanh, đậu đen hay các loại củ, loại nào cũng có thể chế biến thành một món chè khó cưỡng lại. Đó là chưa kể “cô nàng” chè Sài Gòn còn biết làm duyên bằng những món phụ linh tinh mà thú vị. Ai có thể quên chút bùi bùi của mứt chuối, hòa lẫn vài sợi xanh đỏ của mứt dâu, mứt dừa, với đủ loại đậu đầy màu sắc của ly chè thập cẩm, hay hương chè bưởi thơm ngan ngát với đậu phộng rang rắc đều lên chén chè lạnh mát tay cầm?

Những hương vị khó quên

Ngoài vị ngọt ngon quen thuộc của các loại đậu nấu với đường cát mịn, Sài Gòn còn có những món chè rất độc đáo từ sự đa dạng văn hóa ẩm thực của thành phố.

Thử dạo một vòng quanh các khu vực ẩm thực ở TP HCM , bạn sẽ bắt gặp những quán chè có dấu ấn rất riêng. Nếu đến khu phố người Hoa ở quận 5, bạn sẽ được thưởng thức những món chè béo cực lạ, ví dụ như chè bo bo trứng cút. Một chén chè nóng bốc khói, ngọt dịu và thật béo với những hạt bo bo bùi bùi và trứng cút trắng muốt chỉ có thể tìm thấy ở những chiếc xe đẩy bên cạnh khu vực ăn uống sầm uất của Chợ Lớn. Hay món chè trứng gà hồng trà thơm và bùi không thể tìm thấy ở đâu khác ngoài quán Hà Ký trên đường Châu Văn Liêm.

Nếu bạn thích mùi thơm của sầu riêng với sữa và đủ các loại thạch thì hãy ghé qua đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 để thưởng thức món chè Thái đặc trưng. Chè Thái với tên gọi ban đầu là cocktail sữa du nhập vào Sài Gòn gần chục năm và đã trở thành một món chè quen thuộc của người Sài Gòn.
 
D

deltafoce11

Trên độ cao 1.600 m so với mặt biển, Lào Cai, Sa Pa có khí hậu tuyệt vời, phong cảnh kỳ vĩ. Những món ngon ở vùng cao này rất “đặc biệt” - là một trong những đặc điểm lưu luyến du khách, khiến họ muốn trở lại nơi đây.
Với khí hậu ôn đới, đặc sản trước hết của Lào Cai là các loại rau xứ lạnh như cải búp bông trắng, hoa lơ xanh, su su, củ cải đỏ, củ dền, dưa lê... Su su luộc chấm muối vừng ở Sa Pa, Lào Cai là món ngon, lạ, bình dân. Su su luộc vừa chín tới, cắt lát dầy chừng một phân là vừa ăn. Miếng su su có màu xanh mởn, với vị ngọt lự, thơm, bùi sẽ làm bạn thích thú.

“Lợn cắp nách” là đặc sản nổi tiếng của vùng cao Lào Cai. Giống heo địa phương nầy thường do bà con dân tộc nuôi thả rông, mỗi chú “lợn cắp nách” trưởng thành thường nặng không quá 10kí. Có lẽ vì vậy người ta mới đặt tên cho loại heo nầy là “lợn cắp nách”! Những lúc cần bán, người ta tóm hai chân sau, nhấc hổng chú heo lên và kẹp vào nách, đem ra chợ. Heo tự kiếm ăn, dủi đào rau củ rừng trên những sườn dốc núi, chúng luôn vận động và chống chịu với cái rét rất giỏi, do đó thịt rất dẽ dặc, săn chắc. Heo được mổ, làm sạch, ướp gia vị rồi để nguyên con nướng hoặc quay. Thịt heo rất ít mỡ, nạc mềm ngọt, da mỏng dòn. Thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu táo mèo Sa Pa, hay rượu Sán Lùng trong tiết trời se lạnh thì thật tuyệt.


Món ăn chế biến từ thịt lợn cắp nách

Rượu Sán Lùng
Ở Lào Cai không chỉ có “sơn hào”, mà vùng cao nầy còn có “hải vị”. Cá!... Mà lại là cá hồi và cá tầm. Hai giống cá xứ lạnh nầy chỉ mới nuôi được ở Sa Pa thời gian gần đây. Trứng cá tầm nhập về từ Nga, trứng cá hồi nhập về từ Phần Lan ươm nở và nuôi thành cá thành phẩm (nặng khoảng 1,5 kg/con). Cá hồi, cá tầm ở Sapa có đặc điểm thịt dẽ, màu vàng sáng, không có mỡ, luôn tươi sống khác với cá đông lạnh nhập khẩu được bày bán trong các siêu thị. Trong không khí lành lạnh của miền cao, thưởng thức lẩu cá hồi nấu với lá giang, con mẻ, cùng chất bổi là bắp chuối, thân chuối rừng non, hoặc măng chua thì “hết ý!”.

Cá suối chiên (rán) giòn, con thường chỉ bằng hai ngón tay, đuôi và vây giòn, nhai nát trong miệng, thơm ngon rất đặc trưng, mang hương vị của miền sơn cước.


Cá hồi là nguyên liệu của nhiều món ăn đạc sắc
Giã từ Lào Cai, Sa Pa bạn có thể mua về làm quà thịt heo xông khói, nấm hương, măng khô, mật ong rừng, thịt heo rừng quay, rượu Táo Mèo hay rượu Sán Lùng. Đặc sản gạo nương, hạt nhỏ, màu ngà, không sử dụng phân bón hóa học, thường dùng để nấu cơm lam ăn rất ngon có giá chợ 15.000 đồng/kg. Hàng thổ cẩm ở Lào Cai được dệt với hoa văn rất bắt mắt. Bạn có thể mua khăn mặt giá 20.000 đồng/cái, túi xách đeo vai 80.000 đồng/cái, khăn trải bàn 120.000 đồng/cái và nhiều đồ lưu niệm khác.
 
D

deltafoce11

Làm bánh tằm tương tự như làm bún nhưng sợi bánh to hơn sợi bún một chút, bánh vừa dài vừa dai được gỡ ra rời rạc từng sợi một trước khi chan nước xốt, còn gọi là " nước cà"...
Cà Mau không chỉ nổi danh với nghề dệt chiếu đã đi vào câu hát quen thuộc “nghe chiếu Cà Mau…” mà còn thu hút khách bởi những món ăn lạ lẫm, giản dị nhưng đặc sắc.

Trong những lần xuôi công tác về vùng Cà Mau, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất cho mỗi vị khách phương xa là việc dễ dàng tìm một quán ăn nho nhỏ trên vỉa hè hay trong hàng hiên của một ngôi nhà nào đó, nhưng lại vất vả khi đi tìm một quán ăn bề thế chuyên bán các món ăn bình dị của vùng miền. Nên nếu muốn thưởng thức món bánh tằm xíu mại Cà Mau - không phải là bánh tằm thường thấy ở những nơi khác - cách đơn giản nhất là đến những quán nhỏ hè phố.


Món Bánh tằm

Buổi sáng dã chiến

Bên cạnh các quán cóc cà phê là các hàng ăn sáng tấp nập thực khách. Cà Mau ít quán phở nhưng nhiều quán bánh tằm xíu mại và cơm tấm cùng với bún nước lèo. Tuy là món ăn không đụng hàng với địa phương khác nhưng Bánh tằm xíu mại lại không được xếp vào danh mục nhà hàng. Có thể từ lâu người ta chỉ biết đến đây là món ăn đường phố và chưa ai nghĩ đến việc nhà hàng hóa món điểm tâm này.

Món ăn quen thuộc đó phổ biến đến nỗi khi nghe người địa phương hỏi ăn bánh tằm xíu mại không thì đã thấy trước mắt các bảng hiệu đơn sơ viết giản đơn hai chữ bánh tằm đặt trên vỉa hè, mấy cái bàn nhựa và ghế thấp đã kín người ngồi. Thú vị nữa là các quán ăn này chỉ xuất hiện trên vỉa hè vào buổi sáng tinh mơ, bán cho đến lúc công chức vào sở làm thì kết thúc, bởi vậy muốn ăn vào giờ khác cũng chẳng biết ăn ở đâu.


Bánh tằm Cà Mau

Nhà quê mà lắm cầu kỳ

Bánh tằm hay bánh tầm, gọi thế nào cũng được, cầu kỳ từ khâu nhào bột làm bánh cho đến lúc nấu nước xốt dùng. Làm bánh tằm tương tự như làm bún nhưng sợi bánh to hơn sợi bún một tẹo, bánh vừa dài vừa dai được gỡ ra rời rạc từng sợi một trước khi chan nước xốt, còn gọi là “nước cà”. Bánh tằm là tên gọi chung cho món ăn nhưng khi ăn thực khách sẽ được hỏi bánh tằm xíu mại hay bánh tằm thịt nướng, bánh tằm cà ri hay bánh tằm xíu mại tàu hủ ky… Sơ sơ đã có bốn kiểu bánh tằm. Muốn bánh thật ngon và dễ thấm nước mắm chan thì đặt bánh trong một cái xửng hấp như người Hoa hấp bánh bao vậy.

Bánh tằm ăn với giá đậu xanh, cải xà lách và rau thơm cắt từng khúc rồi chan nước mắm chua ngọt có chút ớt bằm đỏ tươi. Nhìn người bán lấy bánh trong xửng hấp ra, gỡ từng sợi cho vào cái đĩa tròn lớn, để rau lên rồi chan nước xốt đã thấy bụng sôi ào ào, nước xốt nấu chung với từng viên thịt băm gọi là xíu mại thịt, nếu không thích viên xíu mại ấy thì có thể lấy thịt nướng cắt nhỏ để vào.



Tuy thường thấy ở hè phố nhưng sự hấp dẫn và mức độ độc đáo của Bánh tằm xíu mại cũng ngang bằng với đặc sản của địa phương. Nơi có hàng ăn đông khách nhất có thể kể đến là quán bánh tằm trên đường Lê Lợi, đường Nguyễn Hữu Lễ phường 2 hay quán ăn sáng ở đường Quang Trung, đường Lưu Tấn Tài phường 5… Ngoài ra cũng có thể kể đến một quán ăn rất có cá tính chỉ chuyên bán Bánh tằm cà ri cay nằm trong con hẻm khuất nhưng rất chìu thực khách, bạn có thể đến gõ cửa bất cứ lúc nào chủ quán cũng niềm nở phục vụ bánh tằm cho bạn. Quả đúng như ông bà đã nói, miếng ăn ngon thì được nhớ rất lâu, và dù có đi đến đâu thì thực khách vẫn cất công tìm tới.



Các quán bán bánh tằm ở Cà Mau chỉ xuất hiện trên vỉa hè vào buổi sáng tinh mơ, bán cho đến lúc công chức vào sở làm thì kết thúc, bởi vậy muốn ăn vào giờ khác cũng chẳng biết ăn ở đâu.

Bánh tằm hay bánh tầm, gọi thế nào cũng được, cầu kỳ từ khâu nhào bột làm bánh cho đến lúc nấu nước xốt dùng.



Trong các kiểu ăn bánh tằm, đặc biệt nhất là bánh tằm xíu mại tàu hủ ky. Để có được nồi xíu mại hấp dẫn, người ta đã phải chuẩn bị nhiều bước thực hiện. Đầu tiên thịt băm nhuyễn ướp với gia vị cho thấm, tàu hủ ky chiên sơ để riêng rồi cắt từng miếng vuông bằng bàn tay xòe ra, trải miếng tàu hủ ky ra cho thịt băm vào gói lại.

Tiếp theo cho vô xửng hấp qua một lượt. Nước xốt sôi mới cho từng miếng tàu hủ ky gói thịt băm vào, nồi nước xốt được đặt trên bếp lửa liu riu, lúc nào cũng sôi lăn tăn nóng hôi hổi. Đĩa bánh ngon nghĩa là từng sợi bánh không dính bết vào nhau, cả rau và thịt đều nóng hổi khi chan thêm nước mắm và trộn chung với rau ăn kèm. Trong lúc ăn người ta có thể dùng muỗng nhỏ múc “nước cà” rưới lên từng gắp bánh cho thấm
 
D

deltafoce11

Cá bông lau là một đặc sản của miền sông nước Nam bộ. Từ cá bông lau, người ta có thể chế biến nhiều món ăn đậm đà hương vị miền quê. chúng tôi xin giới thiệu với bạn món Cá cuốn chiên giòn của chị Minh Tâm, bếp trưởng nhà hàng Cung Đình Rex.



Món Cá cuốn chiên giòn do chị Minh Tâm sáng tạo đã được đưa vào thực đơn chính của nhà hàng và trở thành một trong những món ăn được thực khách yêu thích. Món ăn hấp dẫn bởi lớp bánh tráng giòn rụm bao phủ bên ngoài miếng cá, bên trong là nạc cá mềm, chắc.

Theo chị Minh Tâm, bất kỳ món ăn nào cũng vậy, khâu lựa chọn thực phẩm luôn là yếu tố quan trọng để món ăn đạt chất lượng. Vì vậy, khi thực hiện món ăn này, việc đầu tiên là phải lựa cá thật tươi, thịt cá săn chắc. Cá rửa sạch, cắt khúc dài 6cm, chiều dày 2cm, ướp tiêu, tỏi bằm, bột nêm và lòng đỏ trứng gà. Lòng đỏ trứng gà vừa giúp thịt cá mềm, vừa tạo được độ dính để cuốn bánh.

Cá ướp xong cuốn bằng bánh tráng như cuốn chả giò. Bánh tráng phải là loại bánh tráng dẻo để khi chiên cuốn cá không bị bể. Khi cuốn, đầu bếp phải khéo léo, cẩn thận để miếng bánh tráng không bị nát, thịt cá còn nguyên vẹn và bám chắc vào bánh tráng.

Một “bí quyết” thực hiện món ăn này là bạn có thể pha nước lạnh với bia; hoặc nước lạnh với giấm (tỷ lệ 2/8: 2 giấm hay bia + 8 nước ), rồi thoa lên bánh tráng trước khi cuốn. Những nguyên liệu này sẽ làm cho món Cá cuốn chiên giòn có mùi vị thơm nồng, lạ miệng.

Cuốn xong, bắc chảo dầu lên bếp, đợi dầu sôi, thả từng cuốn cá vào, chiên trên lửa trung bình. Không nên chiên lửa lớn vì lớp da bao phủ bên ngoài của cá mỏng, dễ bị cháy.

Món ăn sau khi chế biến xong sẽ có màu vàng tươi và giòn rụm của lớp bánh tráng, một chút thơm của vị tỏi, đặc biệt là vị ngọt, mềm, thơm lừng của cá bông lau.



Món ăn được dọn với một chén nước mắm chua ngọt, một đĩa rau sống có xà lách, húng quế.... Màu sắc và mùi vị của món ăn khiến thực khách chưa nếm đã thấy ngon!
 
D

deltafoce11

Mực tươi nướng hay còn gọi là mực một nắng nướng, là món ăn đặc sản ngon nhất mà chỉ Bình Thuận mới có.


Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến đây đều không thể bỏ qua món ăn đặc biệt này. Thưởng thức món mực tươi nướng, du khách sẽ cảm nhận được cái nắng, cái gió và vị mặn của biển Bình Thuận.

Khác với các loại mực khô thông thường, để có mực một nắng người ta phải chọn mực từ những con mực vừa mang từ biển về còn tươi rói, sau đó chỉ phơi duy nhất có một lần nắng. Việc phơi mực cũng thật kỳ công để làm sao thân ngoài con mực đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt mực vẫn còn tươi rói và khi nướng, mực vẫn giữ được độ tươi, thịt trắng thơm và dẻo.

Mực gồm có rất nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim... nhưng chỉ có mực lá mới chế biến được món mực một nắng ngon. Vì thế, người câu mực luôn ưu tiên câu mực lá hơn là các loại mực khác. Trung bình, một con mực lá nặng từ 200 - 300gr, có con nặng đến 1kg. Giá cả tùy theo mực lớn bé. Người ta nướng mực một nắng kỹ trên lửa than liu riu và không để lửa già. Con mực có mầu trắng tinh, khi nướng chín chuyển sang màu vàng rất hấp dẫn. Với độ lửa nướng vừa phải, con mực sẽ chín, cả trong cả ngoài, bay tỏa mùi thơm ngọt ngọt tự nhiên ra xung quanh. Nếu để lửa già quá con mực sẽ chỉ cháy vàng phía bên ngoài, nhưng bên trong thịt của nó vẫn còn chưa chín.

Món mực một nắng thường không chấm với các loại nước chấm nào khác ngoài tương ớt, giống như mực khô nướng. Khi ăn miếng mực ngọt lịm, mềm mềm, thơm phức, hòa quyện với vị cay nồng của tương ớt thật ngon.
 
D

deltafoce11

Đất nước Việt Nam có muôn nghìn hoa lá, cây trái khác nhau và cũng có vô vàn loại bánh khác nhau. Hoa quả bánh trái cũng phong phú diệu kỳ như thiên nhiên vậy. Trong số đó có loại bánh gai thường được làm ở nhiều nơi, nhưng thơm ngon mang đậm hương vị quê hương, người khắp vùng gần xa ai cũng khen ngợi, được ăn một lần sẽ nhớ mãi đến già là bánh gai làng Mía, xã Tứ Trụ.
Bánh gai Tứ Trụ cùng với chè Sánh, chè Lược và cá rô Đầm Sét đã tạo nên thứ đặc sản của vùng đất Thọ Xuân. Bánh gai thường được làm để thết đãi khách sau mỗi lần giỗ tết, đình đám. Sau khi ăn cỗ người ta mang các loại bánh ra để mời khách “tráng miệng”, thời phong kiến mỗi khi có việc làng, việc phe, nhà nào sang phải có sáu loại bánh tráng miệng: Bánh khoai, bánh cốm, bánh gai, bánh nhãn, bánh sắn bột lọc, bánh trắng. Bánh gai còn để cúng tiến trong các ngày lễ tết, ngày hội, ngày giỗ húy nhật của thành hoàng, đặc biệt là ngày “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".

Bánh gai làm rất công phu, kỳ công ở tất cả các công đoạn. Đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn và tinh tế, có những thao tác phải thành thạo, điêu luyện như một thứ gia truyền. Lá gai được thu hái tận trong rừng hoặc trồng ở bãi bồi ven sông Chu hái về, rồi tước nhặt bỏ phần cuống lá, gân lá, xơ lá, đem phơi cho thật kỳ khô, gói lại để trong chum. Thường khi xưa đến ngày giỗ chạp, rằm hay tết mới đem ra làm bánh. Lá gai khô đem ngâm nước, rửa cho thật sạch rồi bó thành từng bó đổ cho ngập nước đem luộc thật kỹ. Vớt ra tiếp tục rửa sạch rồi lại thay nước tiếp tục luộc, thời gian luộc của hai lần chừng 24 tiếng, xong vắt khô kiệt để cho không còn nước, bỏ vào cối đại giã cho kỳ nhuyễn, giã đến khi nào lấy hai đầu ngón tay xe thấy mát mịn mới được. Cái mát mịn mềm mại như da thịt. Công việc này thường giao cho các chàng trai cùng các cô gái để họ vừa nói chuyện vừa giã sao cho đừng sốt ruột. Không ít nam thanh, nữ tú tâm đầu ý hợp kết duyên chồng vợ từ mùa làm bánh gai. Lá gai giã kỹ bao nhiêu thì bánh ngon hấp dẫn bấy nhiêu. Bây giờ để bớt khó nhọc và để sản xuất được thật nhiều người ta đưa lá vào ép cho kiệt nước rồi đem nghiền. Cách làm tân tiến này đỡ phần khó nhọc được cái lợi về số lượng nhưng giảm về chất lượng.

Để bánh được thơm ngon phải có nhiều lá gai, vì lá gai là nguyên liệu chính nên gọi bánh gai là vì vậy. Gọi là bánh gai Tứ Trụ vì nó do người làng Mía làm và được sản xuất tại làng Mía, xã Tứ Trụ - thuộc tổng Diên Hào - một làng cổ có hàng nghìn năm bên bờ sông Chu nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Làng Mía cách trung tâm huyện Thọ Xuân 9 km về phía Tây, thuộc hữu ngạn sông Chu. Chếch về phía Tây Bắc của xã chừng 1,5 km đường chim bay, về phía tả ngạn là khu di tích lịch sử Lam Kinh, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn quê hương của Bình Định vương Lê Lợi và của nhiều bậc khai quốc công thần triều Lê. Hiện nay xã có 10 thôn (cách chia theo đội sản xuất của HTX Nông nghiệp thời bao cấp), đến giờ mặc dù ranh giới làng không còn rõ nữa, không còn những mái đình cây đa để níu giữ chân người, nhưng trong tiềm thức người dân ở đây vẫn rạch ròi có 4 làng: làng Mau, làng Mía, làng Quần Đội, làng Quần Lai. Tứ Trụ chỉ là một thị tứ nhỏ nằm giữa làng Mau và làng Mía. Tứ Trụ thường là nơi bày bán, lưu chuyển đi khắp nơi, từ vùng đất này đến vùng đất khác sản phẩm bánh gai của người làng Mía. Đó cũng là một lý do để người đời quen gọi là bánh gai Tứ Trụ.

Bánh gai nhân đậu xanh
Nguyên liệu đi cùng với lá gai là gạo nếp, thứ bột gạo nếp được xay bằng cối đá bắc hoặc cho vào cối đá giã nhỏ rồi dùng rây bột gạn đi những hạt to. Thứ gạo để làm bột tốt nhất là nếp nương hoặc nếp hoa cau. Nhìn cảnh rây bột kỹ càng, chầm chậm, bột mịn màng trắng nõn nà theo mặt rây nhỏ li ti rơi xuống mát mẻ như mưa xuân, trắng như sữa mới thấy hết được tấm lòng thảo thơm của người làng Mía. Phần không thể thiếu được để chiếc bánh thơm ngon là nhân bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường và thịt lợn nạc. Đậu xanh đem cà vỡ đôi vỡ ba, ngâm tróc vỏ đãi sạch, nấu như nấu cơm hoặc đồ lên, không được nấu nhão, và nhớ rắc vào nồi đậu vài hạt muối khi đậu vừa sôi. Khi đậu chín, cho vào cối giã cùng với đường sao cho đường và đậu nhỏ mịn thấm đều vào nhau. Đây là thành phần chính của nhân bánh; để cho nhân có mùi vị đặc trưng, ngọt thanh, cần có thịt lợn nạc (khoảng từ 200 đến 300 gam cho 100 nhân), một thìa cà phê nước mắm ngon và một ít dầu chuối. Dầu chuối cho đủ độ, nếu nhiều sẽ bị đắng, cho ít quá thì không dậy mùi. Bột lá gai, bột nếp, trộn cùng mật mía cho thật kỹ đều rồi ủ trong một đêm. Người thạo nghề nếu thấy mật loãng thường phải đem cô lại và phải để cho mật nguội tự nhiên mới ngâm ủ. Bột đa thành phần tiếp tục đem vào cối giã cho kỳ dẻo sau đó đem luyện sao cho kết dính, hòa thấm vào nhau (khâu này để nhấn mạnh người ta gọi là khâu luyện hay lèn bánh đều đúng). Khâu giã bánh góp phần quyết định chất lượng của bánh. Thường khi xưa giã bằng cối đại hai người nhún và một người trực ở cối đá để đảo trộn cho thật đều. Khi giã phải giã liên tục cho thật đều nhịp chày, trộn cho thật kỹ đến khi nào bột nhuyễn, dẻo quánh. Người giã khéo léo nhịp nhàng bao nhiêu thì người trực ở cối để trộn càng khéo léo bấy nhiêu. Phải trộn thật đều từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, từ phải qua trái sao cho không bị lõi. Khi luyện đã đến độ thử kiểm tra bằng cách xoa đầu ngón tay xem bột mịn chưa, nếu bột mịn mềm dẻo có màu đen bóng, cầm hai đầu kéo mà không đứt hoặc nắm bột bỏ lên lòng bàn tay thấy bột cứ từ từ xệ ra thì mới được. Khâu này bây giờ cũng được dùng bằng máy có lắp mô tơ chạy với vận tốc lớn. Đây là công đoạn khó, đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tiễn. Công đoạn này nếu xử lý không tốt sẽ dẫn đến tình trạng hoặc là nhão quá hoặc là cứng quá, không thành bánh.

Những người làm nghề có kinh nghiệm pha chế mật “non” hoặc “già” còn tùy thuộc vào thời tiết nữa. Những người thợ giàu kinh nghiệm thường lấy mắt mà nhận biết. Thứ bột này là phần “thịt” của bánh. Lấy bột này đem nặn từng cục tròn rồi dàn mỏng trên lòng bàn tay, lấy nhân cho vào giữa, vê lại sao cho nhân nằm gọn giữa lòng chiếc bánh. Khi đã xoa cho bánh tròn thì lăn bánh trên mâm đồng đã rải đều hạt vừng. Vừng làm bánh phải được đãi sạch, phơi khô, cà nhẹ sao cho tróc lớp lụa ngoài, tránh làm vỡ hạt vừng. Vừng không thể thiếu vì tác dụng của vừng không chỉ tạo cho bánh gai ngọt, bùi, béo, mà còn làm cho bánh dễ bóc. Vừng sống khi gặp nhiệt độ cao, dầu vừng chảy ra, đủ độ bôi trơn vỏ bánh chứ không làm ướt bánh. Dùng lá chuối khô vuốt phẳng gói lại cho khéo thành từng chiếc bánh vuông vắn, quấn một chiếc lạt giang bên ngoài. Gói bánh cũng đòi hỏi nghệ thuật. Gói bánh gai nhất thiết phải bằng lá chuối khô, nhà cầu kỳ phải lên rừng lấy cho được loại lá chuối tiêu già thì bánh mới thật thơm ngon. Lá chuối khô là lá già khô một cách tự nhiên, chứ không phải lấy lá chuối đem phơi nắng hoặc hong cho khô. Lá chuối phải được đệm nhiều lượt một phần để tạo mùi thơm đặc trưng của bánh, một phần để cho bánh định hình. Đây cũng là cách tốt nhất để bảo vệ bánh được lâu và giữ được hương vị. Người thưởng thức thấy bánh nhiều lá mà hiểu rằng họ độn lá vào cho bánh to để chiêu khách, nói vậy là phụ công người làm bánh nhiều lắm.

Bánh gai - nước trà
Sau cùng là phần hấp bánh (người làng Mía gọi là đồ bánh) cũng là công đoạn đòi hỏi thực tiễn. Thứ thực tiễn được trả giá bằng quyết tâm sống chết với nghề. Bánh gai hấp không chín, đem hấp lại sẽ không được nữa. Người thạo nghề muốn biết bánh chín hay chưa, chỉ cần kiểm tra bằng mắt và ngửi mùi thơm là đủ. Thử bằng cách bóc bánh nhanh thấy mặt bánh rỗ đều là bánh đã chín. Thời gian để bánh chín thường được căn cứ vào số lượng bánh đồ trong chõ to hay nhỏ, ít hay nhiều, nhiệt độ cao hay thấp. Bánh chín được vớt ra nia rồi mở ra (mở chứ không phải bóc) cho ráo, để cho bánh nguội tự nhiên và ráo nước. Công đoạn này còn phải làm động tác vuốt lại bánh để bánh nhẵn và đẹp (bánh có hình gộp rùa là đẹp). Khi bánh nguội hẳn dùng lạt giang đã nhuộm phẩm đỏ thay cho lạt khi luộc, gói từng bó 5 chiếc một cho vuông vắn, rồi xếp hai bó loại 5 chiếc lại thành 10 chiếc để tiện lợi khi dùng hoặc khi trao đổi mua bán.

Người làm bánh đã rất công phu, người thưởng thức bánh cũng phải sành điệu. Thường ăn bánh sau khi hấp khoảng 10 tiếng đồng hồ. Lần lượt nhẹ nhàng bóc hết các lần lá bên ngoài, ở lần lá trong cùng, người ăn phải xé nhỏ từng sợi lá, kiên trì cho đến khi còn lại một phần lá, ta cuốn lại cầm bánh ăn, có như vậy bánh mới không dính vào tay, ăn đến đâu xé và bóc đến đấy cho đến lúc ăn hết. Các cụ ta khi xưa dạy “học ăn học nói, học gói học mở” vận vào với bánh gai thật đúng là vậy. Khi ăn người ta ăn từ tốn nhấm nháp, thưởng thức; phần có nhiều nhân bánh người ta nhai chậm, miệng khép, như vậy hương vị của bánh mới có điều kiện lan tỏa, tác động vào khứu giác, tạo cảm giác thú vị khi thưởng thức.

Bánh gai thành phẩm phải mịn và thơm ngon, phải có được vị dẻo thơm của lá gai, của gạo nếp và có được hương thơm ngất ngây của dầu chuối, hương vị tự nhiên khó tả của lá chuối khô, vị ngọt mát của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng, ăn một miếng mà dư vị còn đọng nơi đầu môi, chót lưỡi mới đạt.

Giờ thì bánh gai đã theo chân người du lịch đi xa tận chót mũi Cà Mau, tít tắp địa đầu Móng Cái, nhiều khi còn vượt biên sang nước bạn, có mặt trên nhiều tờ báo, có trong danh mục ẩm thực xứ Thanh. Về tham quan khu di tích lịch sử Lam Kinh ra về không thể nào không mua dăm chục bánh gai về làm quà. Người dân làng Mía yêu cái nghề làm bánh, vinh dự tự hào với nghề và biết ơn vị tổ nghề đã giúp dân làng xóa đói từ những ngày xa xưa, giờ đang góp phần giúp họ xóa nghèo, giữ lấy hương vị đậm đà bản sắc quê hương, bản sắc dân tộc.
 
  • Like
Reactions: cỏ phong sương
D

deltafoce11

Trảng Bàng (Tây Ninh) là một trong những địa phương có nhiều làng nghề, phố nghề thủ công truyền thống. Nổi tiếng nhất vẫn là bánh canh Trảng Bàng với nhiều lò bánh thủ công gắn liền với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Bánh canh Trảng Bàng
Bánh canh Trảng Bàng trở nên nổi tiếng nhờ tên gọi dễ nhớ bởi nó gắn liền với tên hành chính địa phương. Chính nhờ sự cạnh tranh gay gắt giữa các lò bánh ở địa phương nên những huyền thoại về bánh canh Trảng Bàng không những không bị mai một mà ngày càng ngon hơn và hấp dẫn hơn, quen thuộc hơn.

Mỗi lò đều cố gắng thu hút du khách bằng bí quyết riêng của mình trong từng con bánh, từng loại gia vị và cách pha chế gia truyền của mỗi lò. Để có bánh canh Trảng Bàng phải qua công đoạn làm bánh canh rất công phu.


Bánh canh Trảng Bàng trong nhà hàng
Đầu tiên bánh canh phải được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng Thơm (Chợ Đào). Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đạt đủ độ mềm cần thiết.

Sau khi ngâm, gạo được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột. Công đoạn cuối cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt.

Điều đặc biệt dễ nhận thấy ở làng nghề Trảng Bàng này là các lò làm bánh hoạt động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi không quá sớm và cũng không quá trễ, tránh trường hợp con bánh bị chua, mất đi hương vị độc đáo.


Bánh canh giò heo
Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách phải đảm bảo cả về chất lượng lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt, tiêu, sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh cộng với vị chua của nước mắm.

Phố nghề, làng nghề truyền thống bánh canh Trảng Bàng đang là những thông tin cho du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, sự khác nhau của hương vị 3 miền đất nước Bắc Trung Nam. Bánh canh Trảng Bàng đã trở thành một điểm dừng chân quen thuộc của xe du lịch trên quốc lộ 22.

Vú nàng Dốc Lết, gỏi ốc Bình Châu, chem chép Bình Đại, nem Thủ Đức, bánh canh Trảng Bàng không chỉ là những món ăn thông thường mà còn là những sản phẩm du lịch có giá trị và mang đậm sắc thái văn hóa ẩm thực Việt Nam.
 
D

deltafoce11

Nhắc đến vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), người ta thường nghĩ ngay đến vẻ đẹp nguyên sơ của những Bãi Bà Điên, Bãi Cóc, Bãi Đá Tròn… Nhưng với riêng tôi, Vĩnh Hy còn là mùi vị thơm ngon tuyệt vời của những bữa tiệc ốc nhớ đời.
Trời trong xanh, nước trong vắt, gió biển mát dịu là những món quà đầu tiên Vĩnh Hy mang đến cho chúng tôi sau khi vượt hơn 30km đoạn đường đèo dốc khúc khuỷu vòng quanh khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa, để đến bến thuyền ra vịnh Vĩnh Hy trong một ngày đầu hè. Vừa đến bến thuyền, trước mắt chúng tôi đã hiện ra hàng chục tàu ghe chở cá mai tấp neo đậu sẵn. Những con cá bé xíu, trong suốt, lấp lánh bạc vẫn còn đang vẫy đuôi trong những chiếc cần xé, chỉ mới nhìn thôi đã… bắt thèm món gỏi cá trứ danh.




Quả thật, những sản vật mà thiên nhiên ban tặng Vĩnh Hy không có gì để nói thêm ngoài hai từ “phong phú”! Có thể kể tên những món ngon của Vĩnh Hy như tôm sú, tôm hùm, nhum, mực nang, mực ống, cá thu, cá cơm, cá mú bông xanh, bông đỏ, cua, ghẹ… Nhưng có lẽ do nằm lọt thỏm giữa một vùng núi non hiểm trở: một mặt là biển, ba hướng còn lại là rừng núi bạt ngàn, hiểm trở nên Vĩnh Hy là một nơi sinh trưởng lý tưởng của rất nhiều loại ốc.

Dọc theo những quán cóc nhỏ ven bãi Bà Điên, chúng tôi tính sơ sơ đã có hơn 20 thứ ốc. Anh Nguyễn Quốc Duy, người bạn sành ăn nhất đoàn, đã bất ngờ khi thấy hội tụ ở đây hàng chục món ốc ngon: bàn tay, đùi gà, bào ngư, ốc đụn, ốc đỏ, ốc giác, ốc dâu, ốc nhảy, ốc vú nàng… Bất ngờ nhất với chúng tôi là những con ốc mặt trăng, bởi trên mỗi con ốc đều có một chiếc nắp (mài) hình tròn như mặt nguyệt, lấp lánh vân trắng, cam, vàng đẹp như món đồ trang sức tinh xảo mà thiên nhiên đã mài dũa nên.

Không nhiều “nguyên liệu” phụ gia, nên hai cách chế biến thông dụng ở các quán cóc nhỏ này vẫn là nướng và hấp. Ốc hấp sẽ được giữ nguyên vị ngọt. Còn ốc nướng, trét chút mỡ hành và đậu phộng nữa, ăn vào vừa béo, vừa bùi… Mỗi con ốc, một mùi vị, tất cả đều ngon và quyến rũ lạ lùng.





Xoay sở được vài quả cà chua, mấy lát thơm và một ít hành cần, chị chủ quán mời chúng tôi nếm món ốc bàn tay xào chua ngọt. Thân ốc giòn giòn, dai dai, quyện với cà chua, cùng thơm ngọt lịm, hành cần vừa chín tới thơm lừng. Gắp một đũa là mùi thơm của món ăn xộc lên tận mũi… nghe mới quyến rũ làm sao. Đã nhiều lần ăn món ốc giác làm gỏi, nhưng đến lúc được nhà chủ mời nếm thử ốc giác xào mẻ chấm nước tương ớt, chúng tôi mới thật sự bất ngờ: món này ngon đến lạ!




Bữa tiệc ốc bên bờ Vĩnh Hy khép lại bằng những cảm giác tuyệt vời. Ra về, chúng tôi còn nói vui với nhau: “Đi một ngày đàng, được một sàng… vỏ ốc”. Những chiếc vỏ ốc xinh xắn như cái bàn tay, cái như đụn cát, cái như một chiếc mõ chùa và cả những chiếc mặt trăng xinh xinh… được mấy chị em trong đoàn nâng niu như báu vật.
 
D

deltafoce11

Trong các món “phát sinh” từ bánh ướt thì cuốn bánh ướt tôm chua là món bánh đẹp mắt, ngon miệng với đầy đủ chất Huế nhất.

Cuốn bánh ướt tôm chua
Ngày trước, trong thực đơn giỗ hay tiệc tùng chiều cuối tuần của mỗi nhà ở Huế thường hay có món bánh này. Nguyên vật liệu thực phẩm để chế biến thì mùa nào cũng có và không đắt tiền. Cách làm món bánh này rất công phu, người nội trợ phải khéo tay mới có chiếc bánh ngon và đẹp.

Bánh ướt đã có, chuẩn bị thêm một ít rau sống gồm: xà lách, rau thơm. Cọng rau muống đã bỏ bớt lá, chỉ lấy phần non giòn để khi ăn nhai nghe rau ráu rất vui tai. Chính yếu tố này cũng góp phần tăng thêm vị ngon lành và sự khoái khẩu của món ăn. Rửa sạch các loại rau trên, để ráo nước. Thịt heo ba chỉ luộc chín, xắt lát mỏng, vài lạng bún tươi, vài củ khoai lang nấu chín, gọt vỏ, cắt miếng theo chiều dọc, một chén tôm chua vừa chín.

Cách làm món này rất tỉ mỉ: nhẹ tay trải từng chiếc bánh ướt ra trên một cái dĩa, sắp rau sống, khoai lang và bún, mỗi thứ một tí vào. Cuốn tròn bánh lại gọn gàng, cắt thành từng miếng, độ dài khoảng bằng hai lóng tay, xếp lên dĩa. Để lên trên mặt miếng bánh cuốn một lát thịt heo ba chỉ (còn gọi là thịt phay) và một con tôm chua. Thế là xong công đoạn cuốn bánh. Dĩa bánh sẽ có đầy đủ màu sắc: xanh tươi của rau, vàng mơ của khoai, trắng trong của bún, hồng thắm của tôm chua.


Tôm chua Huế
Thường mỗi loại bánh có một thứ nước chấm riêng. Nước chấm của bánh ướt tôm chua rất đặc sắc, cũng là của ít công nhiều: khoai lang nướng chín, lột vỏ, quết thật mịn, trộn với ruốc để một lúc cho thấm gia vị. Bỏ vài muỗng dầu ăn vào chảo bắc lên bếp, dầu sôi thả tỏi giã nhỏ vào cho thơm, rồi đổ khoai lang, ruốc, đường và chút xíu nước lã vào khuấy đều tay cho đến khi sệt lại là vừa. Nước chấm có màu vàng sánh óng rất hấp dẫn.
Một dĩa bánh, một chén nước chấm, gắp một cuốn bánh, rón rén chấm vào nước tương, nhỏ nhẻ nhai mà thấm thía vị ngọt đậm đà và nét duyên của người Huế trong cái ăn sự uống đời thường.

Trong hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo (TP Huế) có quán ăn khuya còn bán bánh ướt cuốn tôm chua. Nhưng hình như người biết thưởng thức món ăn này đang ít dần, chỉ có một số ít người trên bốn mươi tuổi thi thoảng ghé tới. Không biết có phải do hiện nay bánh làm không còn vị ngon như xưa? Hay do người nay chưa có nghệ thuật quảng bá sản phẩm? Hay đời sống mới có quá nhiều món ngon vật lạ, khiến vài món ăn ngon xưa đi dần vào quên lãng?
 
D

deltafoce11

Nhiều người nói rằng: “Đi du lịch Hậu Giang mà không ăn được cá thác lác cườm coi như thiếu sót lớn”. Ở hầu hết các nhà hàng, tiệm ăn lớn ở Hậu Giang đều có các món ăn được chế biến từ cá thác lác. Người dân Hậu Giang lâu nay coi cá thác lác là món đặc sản rất đáng tự hào của tỉnh nhà.

Từ cá thác lác, nhiều món ăn ngon đã được chế biến.
Món đơn giản từ cá thác lác, dễ làm và hợp với sở thích của nhiều thực khách là món cá thác lác muối sả ớt chiên giòn. Sau khi làm sạch cá, người ta dùng sống dao hoặc vật cứng dần dọc theo chiều dài cá rồi dùng dao cứa ngang theo thân, cách nhau độ 5 cm để gia vị mau thấm, ướp nước sả, phơi nắng độ nửa giờ mới đem chiên. Khi cá gần chín mới rắc sả bằm nhuyễn vào để sả không bị khét. Tuy đơn giản nhưng món này được nhiều thực khách cho rằng ngon nhất chỉ ở Cửa hàng số 5 đường Nguyễn Công Trứ - thị xã Vị Thanh.


Chả cá thác lác

Cá thác lác cườm ở Hậu Giang còn rất được các bà nội trợ “tín nhiệm” khi được chế biến thành chả. Thường chả cá có bán sẵn ngoài chợ, mua về, thêm thịt heo nạc bằm nhỏ theo tỷ lệ 3 cá/1 thịt, đều tay quết với chút bột ngọt, muối, tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn, bắc chảo chiên vàng là các ông đã có món nhậu ngon còn trẻ con thì có món mặn “không chê vào đâu được” để ăn cơm. Chả cá thác lác nấu canh rau tần ô là một món ăn quen thuộc rất “bắt” trong bữa cơm. Còn trên các bữa tiệc sang trọng, chả cá đàng hoàng “sánh vai” cùng nhiều hải sản cao cấp khác trong các món lẩu. Tuy nhiên, chỉ ở món lẩu cá thác lác thì “vai trò” của nguyên liệu này mới được thể hiện đúng mực. Chả cá mua về, dùng muỗng quết đều tay cùng các loại gia vị kể trên nhưng không thêm thịt heo. Nồi nước dùng được nấu bằng xương heo hầm lấy nước ngọt, nêm nếm vừa ăn. Loại rau thích hợp nhất với lẩu này là khổ qua bào mỏng. Bắc nồi lẩu giữa bàn, múc từng muỗng chả cá thả, từng đũa khổ qua nhúng vào nồi rồi chậm rãi thưởng thức. Vị ngọt của cá, vị đắng, giòn của khổ qua vừa tái thấm vào đầu lưỡi hòa trong vị cay của ớt khiến ai ăn cũng phát “ghiền”.


Lẩu cá thác lác
Cá thác lác cườm, khóm Cầu Đúc và bưởi Phú Hữu đã làm nên “cái riêng” của Hậu Giang trong muôn vàn cái chung của ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
 
D

deltafoce11

Nhiều người nói rằng: “Đi du lịch Hậu Giang mà không ăn được cá thác lác cườm coi như thiếu sót lớn”. Ở hầu hết các nhà hàng, tiệm ăn lớn ở Hậu Giang đều có các món ăn được chế biến từ cá thác lác. Người dân Hậu Giang lâu nay coi cá thác lác là món đặc sản rất đáng tự hào của tỉnh nhà.

Từ cá thác lác, nhiều món ăn ngon đã được chế biến.
Món đơn giản từ cá thác lác, dễ làm và hợp với sở thích của nhiều thực khách là món cá thác lác muối sả ớt chiên giòn. Sau khi làm sạch cá, người ta dùng sống dao hoặc vật cứng dần dọc theo chiều dài cá rồi dùng dao cứa ngang theo thân, cách nhau độ 5 cm để gia vị mau thấm, ướp nước sả, phơi nắng độ nửa giờ mới đem chiên. Khi cá gần chín mới rắc sả bằm nhuyễn vào để sả không bị khét. Tuy đơn giản nhưng món này được nhiều thực khách cho rằng ngon nhất chỉ ở Cửa hàng số 5 đường Nguyễn Công Trứ - thị xã Vị Thanh.


Chả cá thác lác

Cá thác lác cườm ở Hậu Giang còn rất được các bà nội trợ “tín nhiệm” khi được chế biến thành chả. Thường chả cá có bán sẵn ngoài chợ, mua về, thêm thịt heo nạc bằm nhỏ theo tỷ lệ 3 cá/1 thịt, đều tay quết với chút bột ngọt, muối, tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn, bắc chảo chiên vàng là các ông đã có món nhậu ngon còn trẻ con thì có món mặn “không chê vào đâu được” để ăn cơm. Chả cá thác lác nấu canh rau tần ô là một món ăn quen thuộc rất “bắt” trong bữa cơm. Còn trên các bữa tiệc sang trọng, chả cá đàng hoàng “sánh vai” cùng nhiều hải sản cao cấp khác trong các món lẩu. Tuy nhiên, chỉ ở món lẩu cá thác lác thì “vai trò” của nguyên liệu này mới được thể hiện đúng mực. Chả cá mua về, dùng muỗng quết đều tay cùng các loại gia vị kể trên nhưng không thêm thịt heo. Nồi nước dùng được nấu bằng xương heo hầm lấy nước ngọt, nêm nếm vừa ăn. Loại rau thích hợp nhất với lẩu này là khổ qua bào mỏng. Bắc nồi lẩu giữa bàn, múc từng muỗng chả cá thả, từng đũa khổ qua nhúng vào nồi rồi chậm rãi thưởng thức. Vị ngọt của cá, vị đắng, giòn của khổ qua vừa tái thấm vào đầu lưỡi hòa trong vị cay của ớt khiến ai ăn cũng phát “ghiền”.


Lẩu cá thác lác
Cá thác lác cườm, khóm Cầu Đúc và bưởi Phú Hữu đã làm nên “cái riêng” của Hậu Giang trong muôn vàn cái chung của ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
 
V

viethuongfood

THỰC PHẨM VIỆT-TINH HOA VIỆT
Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, ẩn chứa biết bao nét tinh hoa văn hóa, toát lên vẻ đẹp, sự phong phú đa dạng trong ẩm thực của người Việt. Trong số đó, nem chua cũng là một món ăn được nhắc đến bởi những hương vị, cách thưởng thức rất riêng theo từng vùng miền Bắc-Trung-Nam, mang đến cho người thưởng thức những khẩu vị đặc trưng.
Nem chua là món ăn được chế biến từ thịt heo thăn băm nhuyễn, sau đó giã bằng chày hoặc cối rồi thêm các loại gia vị như tỏi, ớt, muối, đường.... Nem sau đó sẽ được bọc lại, để trong vòng 3 tới 5 ngày để nem chín và tạo độ chua. Nem chua mang lại rất nhiều lợi ích như Lactic trong nem chua giúp tăng cường chức năng miễn dịch và hỗ trợ hệ tiêu hóa, kích thích hoạt động của hệ miễn dịch cũng như kháng lại các tác nhân gây ung thư. Ngoài ra, quá trình lên men của nem chua còn làm tăng hàm lượng một số vitamin, tạo các acid amin không thay thế, giúp cơ thể tái tạo tế bào và cân bằng năng lượng cho hoạt động hằng ngày.
Sự hấp dẫn về hương vị cũng như lợi ích từ món ăn này đã lôi cuốn biết bao thế hệ người Việt trong suốt những năm qua khiến ai đi xa cũng nhớ mua về làm quà cho những người thân ở nhà. Món quà đầy ý nghĩa trong những buổi sum họp cùng bạn bè, gia đình và người thân. Nhưng hiện nay, một số công ty sản xuất sản phẩm nem chua công nghiệp chưa thỏa mãn được tính ngon miệng và hợp khẩu vị mà người tiêu dùng mong muốn. Bên cạnh đó, không chỉ các cơ sở sản xuất địa phương mà các doanh nghiệp lớn sản xuất nem cũng khó đáp ứng được yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do quy trình chế biến, sản xuất nem chua không hợp vệ sinh, ngay từ nguyên liệu đã không đảm bảo được chất lượng như bì không làm sạch lông gây viêm đường ruột, dùng lá gói (như đinh lăng, ổi…) gây nhiễm khuẩn nấm mốc ngộ độc, dùng màu công nghiệp độc hại để tạo màu đỏ cho nem dẫn đến việc sản xuất ra sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiểu được những băn khoăn ấy của người tiêu dùng, công ty Việt Hương đã không ngừng đầu tư các công nghệ chế biến hiện đại và chú trọng đến các khâu sản xuất hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn chất lượng. Sử dụng sản phẩm nem chua của doanh nghiệp Việt Hương, khách hàng có thể hoàn toàn hài lòng bởi sự đảm bảo về an toàn thực phẩm với cam kết 3 không: không bì, không lá gói, không sử dụng hàn the, chất bảo quản và các phẩm màu công nghiệp độc hại.
Với một chỗ đứng khá vững chắc trong tâm trí khách hàng trong thời gian qua, doanh nghiệp Việt Hương đã và đang cố gắng hết sức mình để làm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cam kết đem đến những sản phẩm đạt chất lượng cao và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường Việt Nam.

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121107/nem-chua-viet-huong-ngon-hon-va-an-toan-hon-tu-100-nac-nguyen-chat.aspx
 
M

maithanhlinh145

Mùa hè nóng nực oi ả, buổi trưa không gì dễ ăn bằng lòng lợn ăn với bún, trước khi kết thúc bữa, ăn thêm chút cháo lòng cho ấm bụng.


Bỏ qua những vấn đề vệ sinh thực phẩm thì lòng lợn luôn là món khoái khẩu. Và từ lòng lợn, cũng chế biến được khá nhiều món, lòng, cổ hũ, tràng, luộc, lòng nhồi luộc, rán, khấu đuôi rán, ăn kèm thêm ít đậu rán, rau húng, rau mùi, thêm chai rượu thuốc nữa thì đám đàn ông có thể ngồi xuyên trưa, xuyên tối.
Hà Nội tương đối nhiều hàng lòng có tiếng, giữa phố Lò Sũ, chắn tàu Cửa Nam, chợ Đuổi, lẩu lòng Hai Bà Trưng, lòng "cổ quái" Ô Quan Chưởng. Hàng Lò Sũ nổi tiếng vì có 4-5 chị em gái xinh đẹp, chuyên bán vào buổi trưa. Lòng non trắng nõn, đặc, vừa giòn vừa đậm, cổ hũ, tràng sần sật. Ở đây, đặc biệt có món khấu đuôi và dồi rán. Món rán này chỉ ở đây mới ngon, ăn kèm bún bánh cắt nhỏ, rất vào. Các món luộc thơm, không mùi và trông rất sạch sẽ. Mỗi tội giá cũng hơi chát.



Bà chị ngồi bán hàng tuy già và hay nhăn nhó nhưng thảo tính kinh người. Đang bán bán, cắt cắt, lại suýt xoa, đoạn lòng này ngon quá, này... Lập tức mũi kéo chỉa ngay về phía khách một miếng lòng, người nào không quen dễ giật mình. Nhưng khách quen thì rất thích ngồi gần bà chủ hàng, thỉnh thoảng đang ăn, lại "toạch", một miếng tràng, hoặc đoạn lòng non "ngon quá này". Hàng này đông khách, trưa mà không đến sớm thì hết chỗ. Khách nam đặc biệt đông, có thể vì mấy chị em bán hàng xinh quá.



Hàng lòng ở Ô Quan Chưởng hơi cổ quái vì chỉ bán lòng chần. Lòng non, cổ hũ, tràng, tất cả được chần trong nồi cháo nóng rẫy, rồi đổ lên một bát to, dưới lót hành mùi, rau. Mùa đông mà đợi được bát cháo lòng ở đó thì mòn mỏi, lòng dạ tức bực, nhưng cứ thấy rét rét, lại nhớ cảm giác ngồi ăn bát cháo lòng non nóng hổi, ngắm cái nóc cổ kính của Ô Quan Chưởng. Thêm chút quẩy cắt nhỏ nữa thì rất hợp vị. Có hôm đợi lâu, cả hội phải co ro ăn hết hai bát quẩy mới được ăn cháo.

Lòng chắn tàu, chợ Đuổi cũng được nhiều anh em hâm mộ, nhưng suy đi tính lại, thấy vẫn không ngon bằng hai hàng trên. Và có lẽ sự gây nhung nhớ nhiều nhất của món này là mắm tôm vắt chanh đánh ngầu bọt. Ai không chịu được mắm tôm, ăn gia vị vắt chanh cũng ngon chẳng kém.
 
Top Bottom