thuyết minh về môt món ăn

D

deltafoce11

Cây mía, tấm mía quen thuộc với mọi người có lẽ đã từ năm - bảy nghìn năm. Tỉnh Sơn Tây có Chùa Mía - theo huyền thoại là có bà công chúa đem nghề trồng mía về dạy dân và từ đó nấu thành mật ngọt.
Phiên chợ quê nào mà chẳng có dăm ba hàng bán mía, từ mía cây đến mía đẵn, có khách mua, cô hàng bán mía róc xoàn xoạt nhanh như múa và chặt chéo vài nhát dao nghe ngọt sớt. Người mua cầm tấm mía lên mà tước, mà hít hà, mà gau gáu.

Tan chợ, mẹ quẩy gánh về làng, trong thúng thế nào chẳng có chút quà chợ là quả chuối, con tò he, cái bánh đa và đôi ba tấm mía, có thể là mía de, mía voi, mía xương gà, mía tím mà con trẻ ở nhà, ngồi trên bậu cửa chờ mòn con mắt trong cái nắng xiên khoai chếch trên tàu cau ngọn tre ngoài ngõ...

Thành phố khuya của thời chưa xa, có anh gánh đôi hòm đi bán mía rong, anh rao lên như khúc nhạc vẳng buồn. Mía hấp đấy. "Chê thì chê" đấy, lùy tai người nghe, tùy cái lưỡi muốn đổi vị, tuỳ toàn tay cần một chút ấm nồng trong se se lạnh.

Những khẩu mía ngon lành, trắng tinh, bốc nói. Ngọn lửa liu riu dưới đáy nồi kia đi cùng anh thâu đêm, cho ta một chút quà là mía mà không còn là mía, nhất là ta vừa ăn xong bát phở nóng rát lưỡi, ăn đĩa xôi lạp xường gọi là "lạp xường lồ mai phàn" đậm và ngọt và ngấy một tẹo, hay bát lục tào xá quá ngọt, bát bánh trôi tầu quá bứ... được khẩu mía hấp đánh tan đi cái quá nồng, tạo ra sự thanh tú duyên thanh mảnh, tiếc sao lâu nay không còn xuất hiện trên những đường khuya, mà chỉ còn bánh mì, bánh khúc. . .


Cây mía quen thuộc. Khẩu mía càng không xa lạ. Nhưng còn một món ngon từ mía mà phải lâu, rất lâu, ta mới có được một lần gặp nó như người tri âm tri kỷ khuất phương trời bỗng bất thần xuất hiện làm ta phải reo lên, xuýt xoa, cảm thán.

Đó là mía nướng.

Hình như món gì nướng cũng ngon. Chả quế, bún chả, con ốc nướng, món chả cá, củ khoai nướng, miếng sắn lùi, bắp ngô lăn mình trên than đỏ, cho đến miếng thịt khô nướng trên ngọn lửa nhà sàn, con gà đồng nướng bằng gốc rạ trên mặt ruộng chiều đông thốc gió . . . Và mía nướng . . . Trước hết, ta được "ăn" mùi mía ngọt ngào thơm nức, được "ăn" cái âm thanh xèo xèo nơi đầu tấm mía có lẽ quá nóng mà phải kêu lên.

Lửa rạ, bếp điện không nướng được mía. Bếp ga ngọn lửa vàng hay xanh, thè những cái lưỡi tham lam lên, cũng không nướng được mía. Lò vi sóng chăng? Càng không thể. Chỉ có những đống than hồng đêm đông rét mướt, hòn than rực đỏ chen hòn than đã vạc mang mùi bụi phấn, mới chính là nơi nâng đỡ tấm mía lăn tròn trên âm ỉ nóng hừng.

Ngày đại hàn, cái rét ngọt đâm kim vào da thịt, thêm chút lay phay mưa phùn tưới cái rét xuống trần gian, ta đốt chậu than hoa, thứ than cho vào lồng ấp sưởi tay mệnh phụ, tiểu thư, hay cho vào bàn là to như hình tàu thuỷ thời chưa có điện, hoặc thứ than quạt lò cho thày đồ pha trà mỗi sớm mai sương còn rụng ngoài hiên...

Ai ngồi xung quanh chậu than hồng, má cứ hồng lên, phải xoa xoa hai bàn tay cho đỡ rát. Tấm mía để nguyên vỏ được đặt lên than, nó không còn nằm im nữa. Nó cựa quậy, nó trăn trở, nó xì xì hơi nước và bắt đầu thơm một hương thơm kỳ lạ, ngây ngất người ngồi quanh và có lẽ cả bên hàng xóm. Cái vỏ mía cháy xém một chút, phồng lên một chút, càng thơm khiêu khích, đánh át đi mưa gió ngoài trời, thổi bạt đi bao lo toan vất vả ngày thường, chỉ còn lại sự hồi hộp say sưa trong phòng chờ. Không còn đồng bãi thổi bạt những thanh gươm lá mía nơi bờ sông trống trải. Không còn tấm mía lặng băng im lìm chọn trong thúng cô hàng mía.

Mía đã thay hồn đổi xác đã cho ta thưởng thức món quà dân dã mà thần tiên bằng tất cả mọi giác quan, sống với đêm nay hồng ấm, sống với ngày qua kỷ niệm êm đềm, sống với tương lai mãi nằm trong ký ức . . .

Róc tấm mía thơm bốc khói, tay có nhọ nhem cũng chẳng sao. Người tiện cho ta một khẩu. Ta chỉ dám ăn dè một nửa, một nửa "lại quả" cho người. Miếng bùi miếng ngọt đâu phải thứ quá khẩu thành tàn. Mà vị ngọt của mía nướng thì đâu phải luôn luôn ta được hưởng. Kia thôi. Phải xếp gọn bộ xa lông lại, phải kê cao mấy hòn gạch vỡ cho chậu than hồng không ảnh hưởng sàn hoa lát đá. Một đêm hạnh phúc, một giờ khoái trá, một khẩu mía nướng. . . dễ gì lặp lại hai lần suốt một mùa đông.
 
D

deltafoce11

Cạnh hàng ốc ngon ở ngã tư Hàng Bạc - Đinh Liệt có một hàng nhỏ bán bánh. Quán nhỏ thôi nhưng bán đủ các loại bánh, từ mặn đến ngọt và loại nào hầu như cũng ngon.
Trời vào đông, ai cũng phải xuýt xoa khi ăn bánh giò nóng vỏ mềm thơm, nhân thịt mộc nhĩ giòn giòn, đi kèm với tương ớt và giò gói miếng nhỏ. Bánh nếp dẻo quẹo nhân thơm mùi đỗ xanh. Bánh gio vừa dẻo vừa mát quyện với mật nâu sậm ngọt đậm.

Bánh cốm xanh đặc trưng, cùng chè con ong ngọt dẻo, bánh xu xê và "chín tầng mây mười tầng gió"

Nhưng thú vị nhất là bánh xu xê. Khác hẳn với các loại bánh hồng hồng, vàng vàng ăn giòn tanh tách nhưng vô vị, xu xê hàng này có độ dẻo, ăn rất mềm nhưng không mất đi vị dai dai đặc trưng của bột năng, bột sắn. Và khi đã ngon thì chẳng cần thêm màu mè, bà chủ hàng giữ nguyên màu trắng, hơi trong nguyên thủy. Nhân đậu xanh dừa làm ngọt vừa, vẻo một cái cũng phải ăn được 2-3 cái. Vào mùa đông, có thêm chè con ong. Chỉ có gạo nếp nấu chín xào với đường đỏ và gừng nhưng ăn miếng bánh vừa có vị dẻo ngọt đậm, lại cay dịu này khi gió lạnh tràn về sao khó quên đến vậy. Thêm chút vừng, lạc rắc lên trên rất nổi vị.

Bày ra đĩa trông rất hấp dẫn

Đặc trưng Hà Nội nằm ở cốm xào. Miếng bánh vẫn giữ được màu xanh của cốm, xào cùng dừa vừa thơm vừa bùi. Đặc biệt là vị bánh rất "thật", chứ không phải loại vỏ bánh chẳng hiểu cốm hay gạo hay hầm bà làng gì đó được giã nhỏ, trộn phẩm xanh, rồi bọc đậu xanh xào. Loại bánh sặc sỡ nhất là "chín tầng mây mười tầng gió", ăn vừa dẻo vừa dai. Chẳng biết tên gọi chính thức của nó là gì, nhưng nhìn thấy bánh này, chắc ai cũng nhớ về một thời đi học. Đưa vài đồng bạc lẻ cho chú bán hàng, sẽ được bắn một phát vào cái vòng tròn gắn đinh xung quanh. Bắn được điểm càng cao thì sẽ được miếng bánh càng to.

Hàng ở giữa phố Hàng Bạc nên nhiều khách Tây. Họ mua bánh, rồi đứng ngay trên vừa hè vừa ăn vừa gật đầu lia lịa. Còn bánh nếp, bánh xoài, mùa nào thức nấy, nhưng loại bánh nào cũng rất đặc trưng của Hà Nội.
 
D

deltafoce11

Lẩu mắm không phải của riêng Sài Gòn, mà là món ruột của miền Nam, biểu tượng của sông nước miền Nam.
Những biến tấu về sau này chẳng qua là một kiểu tiếp biến văn hoá ẩm thực giữa người Khmer bản địa và người miền Trung và Nam khẩn hoang. Biến tấu đậm nhất, có thể nói là biểu tượng của vùng sông nước Nam bộ, là đĩa rau hoành tráng với hàng chục loại rau.


Các loại rau trong lẩu mắm: bông súng, lá tai tượng, rau má, rau dừa, bông bí, bông so đũa, lục bình, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, rau đắng đất, kèo nèo, cải xanh, đậu rồng, bắp chuối, giá, cà tím, nấm rơm, nấm dai, khổ qua, đậu bắp, càng cua, hẹ, bông điên điển, đọt xoài, đọt chùm ruột, cần tây, thơm, chuối chát...


Ấn tượng thị giác của người ăn lẩu mắm là mâm rau, với màu sắc xanh đỏ vàng. Xanh của rau. Đỏ của bông so đũa Thái. Vàng của bông bí.


Trong khi đó, ấn tượng vị giác của lẩu là nước lèo mắm chưng. Mắm thường là mắm cá sặc, cũng có nơi dùng mắm lóc, mắm linh, mắm trèn. Và một số gia vị khác kèm, để át bớt mùi mắm. Nhưng dân sành điệu lại không thích mùi mắm nhạt, bởi vậy mắm bò hóc của người Khmer ở miền Tây mới làm nên danh giá của mắm chưng, của bún mắm.


Ngoài ra, lẩu mắm còn biến tấu thêm một tầng nữa, trở thành một tổng hợp thực phẩm của cả vùng sông nước lẫn biển. Người ta dọn thêm: thịt heo quay, cá hú, mực, ốc bươu, tôm, sò, nghêu... Vì lẽ đó, người ăn cũng phải biết phối miếng cho đủ các vị: nước, rau, thịt, cá, sao cho hội đủ vừa hương vừa sắc.


Sài Gòn có một số địa chỉ nổi tiếng về lẩu mắm như Phước Thành trên đường Lê Thị Riêng có lịch sử thành lập từ năm 1949, Phong Lan ở ngoài cầu Sài Gòn (đi ăn nhớ mang nón bảo hiểm). Có nơi chọn phong cách nấu mắm khá đặc như Phước Thành, tôm cá bỏ vào lẩu nổi lên như người ta tắm ở Biển Chết không biết bơi vẫn cứ nổi. Lẩu ở Sài Gòn không ngon bằng lẩu ở một số nhà hàng miền Tây, do độ tươi của thực phẩm không bằng.


Chẳng hiểu ngày chế tác ra lẩu mắm, ông bà ta nghĩ gì, tính toán dinh dưỡng ra sao, có lẽ dùng rau để át đi cái mặn của mắm, để cân bằng âm dương. Còn bây giờ, giữa lúc người ta ngày càng bị đại nạn béo phì, lẩu mắm trở thành một thứ món ăn thời thượng hơn các loại lẩu khác, vì là một thứ lẩu “ăn kiêng”.

Cũng có thuyết bảo lẩu mắm gốc Cần Thơ, ban đầu có tên gọi là lẩu mắm Ninh Kiều. Và hiện nay nổi tiếng nhất ở xứ này là lẩu mắm Dạ Lý. Bà chủ quán này cho biết lẩu ở đây được điều chỉnh theo gu của người ăn, tuỳ hạng người mà gia giảm mùi vị.
 
D

deltafoce11

Bánh gai là một loại bánh truyền thống của Việt Nam, là thứ quà quê quen thuộc với nhiều người.
Bánh gai có ở rất nhiều nơi như: Hải Dương, Nam Định, Hà Nội, Cao Bằng, Thanh Hóa... Nguyên liệu cũng vẫn là đỗ xanh, cơm dừa, vừng, hạt sen, mỡ lợn... nhưng mỗi một nơi lại có một bí quyết, một vị riêng.

Để có một chiếc bánh gai ngon, hấp dẫn không phải dễ, nguyên liệu để làm bánh cũng khá cầu kỳ. Gạo để làm bánh phải là loại nếp ngon, không lẫn tẻ, có vậy bánh mới mềm và dai, ăn không cứng. Nếp được ngâm chừng một buổi cho no nước, xay trong cối đá thành một thứ bột đặc sánh, đựng trong túi vải, treo lên cho róc nước.



Đỗ ngon phải là loại đỗ chè, hạt nhỏ, vỏ hơi mốc mốc, khi thổi lên đỗ mới bở, thơm và ngậy. Đỗ đãi sạch vỏ, bỏ sạn, đem cho vào nấu chín, đỗ có màu vàng ươm, mỡ màng. Hạt đỗ căng tròn, nhón tay xiết lại, nhấc hai đầu ngón tay thấy dinh dính, nhưng xốp và mịn.

Lá gai được hái về từ trước, tước bỏ gân lá, phơi khô. Lá khô đem ninh, khi đun bỏ thêm chút vôi tôi cho mau nhừ. Đường phên đun cho sôi chảy rồi trộn với lá gai thành một thứ mật sền sệt. Người ta nhào mật này với bột cho đều rồi đem giã trong cối đá cho thật nhuyễn. Bột giã xong có màu xanh đen, mịn màng, dẻo quánh. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai quyện vào nhau thơm nức.

Bột làm vỏ bánh, sau khi đưa qua máy lèn cho kết lại, được đem cán mỏng ra mặt mâm nhôm, rồi cắt thành từng mảng bột vuông đều nhau vừa bằng một chiếc bánh, và đặt nắm nhân vào giữa mảng bột vo lại bao kín lấy nhân. Tiếp theo đem lăn hai mặt của chiếc bánh lên lớp vừng rang đã xát vỏ được rắc trên mặt mâm cho hạt vừng bám dính vào bánh. Lăn vừng xong, bánh được đưa qua khâu gói. Đây cũng chính là công đoạn thú vị nhất trong quá trình làm bánh gai.



Đặc biệt bánh gai phải được gói bằng lá chuối khô lau sạch, xếp nhiều lớp - để giữ được lâu, người tiêu dùng, khách du lịch mua làm quà có thể mang đi xa mà không sợ bị hỏng. Khâu hấp bánh là khâu cuối cùng, bánh ngon hay không ngon, ngoài việc kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu, pha chế và giữ vệ sinh, còn phụ thuộc nhiều vào khâu gói và hấp bánh - việc làm bánh gai cầu kỳ phải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, điêu luyện và nhẫn nại của đôi bàn tay người thợ tài hoa.

Khi ăn bánh cũng là cả một nghệ thuật, lúc bóc bánh không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng được. Phải thong thả tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu.
 
D

deltafoce11

Tuy là món ngon đường phố nhưng nhiều nhà hàng sang trọng cũng có món này trong thực đơn của mình, nhất là các nhà hàng Huế. Bên cạnh bánh nậm, bánh bột lộc, quai vạc... thì không thể thiếu vị trí của chiếc bánh bèo chén, bình dị đấy nhưng thanh tao lạ.
Cái tên nghe rẻ rúng như một nỗi niềm nhưng nó được xem như thứ “món ngon đường phố”thuộc loại xa xưa nhất trong lịch sử hàng rong. Bánh này có xuất xứ từ đất Thần Kinh nhưng ngày nay đã phổ biến cả ba miền Bắc Trung Nam, mỗi miền có khác đi một chút.

Bèo dạt mây trôi


Gọi là bánh bèo, đơn giản vì hình dạng của nó mỏng mảnh, tròn trịa như cánh bèo hay biết đâu đó là cách chơi chữ của dân gian bởi giá nó cũng… bèo như thế đấy. Cách làm thì khá đơn giản, chỉ cần có ít gạo làm bột, tôm khô làm nhân, chén sành, nồi hấp là đã có ngay một cỗ bánh bèo đãi bà con khắp xóm. Nếu kể cho tỉ mỉ thì phải làm như sau: gạo xay thành bột nhỏ, đem ngâm nước để bột có độ dẻo vừa phải. Sau đó trộn chút mỡ rồi đổ vào các chén nhỏ trẹt lòng (nhưng phải là loại chén người xưa hay dùng, gọi là chén bông cỏ làm bằng đất nung hoặc chén sành). Khi đổ bột phải đổ sao cho khéo để bánh thật mỏng và hình dáng giống như một cánh bèo rồi xếp vào xửng hấp hơi cho đến khi bánh vừa chín tới là được.

Khi bánh chín cho thêm gia vị như tôm giã thật nhỏ, một ít dầu béo tưới lên chén bánh trước khi ăn. Trên những cánh bèo trắng muốt, nổi lên phần nhân đo đỏ, tưởng tượng giống như áng mây ráng chiều. Ăn bánh bèo mà đâm ra thi vị hẳn. Thưởng thức bánh bèo đúng cách là phải ăn bánh trong từng chén nhỏ đúng kiểu nhà quê chứ không cho ra đĩa, càng không dùng muỗng nĩa thông thường mà phải dùng một thanh tre vót nhẵn như hình lưỡi dao để cắt bánh mới thú vị. Ở Sài Gòn thì khó bắt gặp các bà, các chị bưng mẹt bánh bèo rao khắp xóm như xứ Bắc hay Trung mà thường chỉ có những quán cóc ven đường. Vài ba chén bánh bèo chưng trong tủ kính để khách đi đường qua lại biết mà ghé, thậm chí “bảng hiệu” cũng khiêm tốn, ghi đúng hai chữ bánh bèo” trên miếng giấy cac - tông, thế là đủ. Ai bảo tên bánh là bèo làm chi để mãi phải chịu kiếp hàng rong?

Nói là vậy nhưng ngày nay nhiều nhà hàng đã mang đặc sản này tiếp thị cho thực đơn của mình, nhất là các nhà hàng Huế. Bên cạnh bánh nậm, bánh bột lộc, quai vạc... thì không thể thiếu vị trí của chiếc bánh bèo chén, bình dị đấy nhưng thanh tao lạ.

Mẩn mê nước chấm


Đối với những món ăn có nước chấm làm từ nước mắm thì phải mặc nhiên công nhận rằng món ngon nhờ nước chấm. Thiếu nó, món ăn trở nên nhạt nhẽo, vô vị và nói như người nhà quê là… lãng nhách. Đương nhiên cũng phải một món ngon thế nào khi hòa với nước mắm đã pha mới có vị béo bùi, mặn nồng chứ.

Cách làm nước chấm bánh bèo cũng đặc trưng lắm. Lấy nước luộc tôm khô hòa với nước mắm ngon, đường, tỏi và ớt bằm thật nhuyễn, thêm vào một ít chanh hoặc giấm, khuấy đều. Nước chấm cần làm sao cho thật vừa, không mặn không nhạt và hơi ngọt một chút. Có thể thêm cà rốt xắt sợi để làm tăng sự hấp dẫn. Thậm chí nếu muốn đậm đà, nhiều người cho hẳn tôm khô đã bằm nhuyễn vào chén nước chấm, ngọt và thơm đến mỡ màng.

Bánh bèo cũng thật lạ, dù ăn nóng hay nguội đều ngon cả. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, cắn nghe sừn sựt, giòn cả tai, nuốt vào mà… lạnh bụng. Bánh bèo cũng là thứ mà các bà, các chị chọn khi ăn hàng bởi nó vừa rẻ, vừa ngon lại dễ ăn, đến mà gọi một hai chén cũng không ai phàn nàn chi, mỗi chén một ít, ăn cho đỡ thèm cũng được.

Bánh bèo ba miền


Bánh bèo thì cũng có loại mặn và ngọt. Bánh bèo mặn xứ Huế nổi tiếng là bánh bèo tôm chấy, còn ở những tỉnh miền Trung khác người ta chỉ cho phần hành lá phi xanh thêm ít tốp mỡ vàng lên mặt làm nhân, miền Nam thì thêm thịt bằm, cà rốt cho nhiều màu sắc. Riêng miền Bắc, bánh được gói 3 lần lá chuối để giữ nguyên màu ngọc thạch cho bánh khi chín, mặt bánh rắc chút hành lá cắt nhỏ, xào mỡ trông như đám bèo hoa dâu nổi trên mặt ao, thêm vài ba miếng tóp mỡ rán vàng làm nhân.

Suy cho cùng, bánh bèo chỉ khác ở cách làm nhân còn hình dạng và bột bánh thì hầu như giống nhau. Người miền Nam ưa ngọt thường thích bánh bèo đậu xanh. Những chiếc bánh nhỏ xíu được đổ vào cái khuôn có những lỗ tròn như chum uống rượu, bột pha thêm lá dứa, nước cốt dừa cho thơm, đổ vào hấp 1 phút là chín ngay. Khi ăn, người ta quết lên một lớp đậu xanh đã nấu chín, đồ kĩ, ăn kèm nước cốt dừa, béo ngậy. Nhưng vốn nhiều người không hảo ngọt, ưa béo nên họ vẫn chuộng bánh bèo mặn hơn vì khi ăn cảm nhận rõ vị âm dương hòa hợp. Tại Sài Gòn, trên đường D2 (Bình Thạnh) có một quán bánh bèo nổi tiếng, rất đông khách, nhất là buổi chiều.


Dường như người ta không cần để ý đến bảng hiệu làm gì, chỉ cần nhìn những chén bánh bèo xếp tầng trên một tủ kính thật to cộng với chiếc nồi hấp lúc nào cũng nghi ngút khói là đã biết. Hoặc nếu sành hơn, bạn có thể đến quán bánh bèo bì ở 358/4 Cách Mạng Tháng Tám - Q.3 để thưởng thức thứ bánh bèo đặc sản 3 miền tại đây. Vốn không nhằm quảng cáo cho một hàng quán nào nhưng thú thật đó là những nơi bạn không thể bỏ qua nếu muốn thưởng thức bánh bèo đúng điệu, sang theo cách thành thị. Còn nếu không, ghé một ngõ ngách bồ tèo nào đó, nếu bắt gặp hàng bánh bèo, cứ sà vào mà ăn, không ngại ngần, tự nhủ mình đang thử loại bánh mang phận hàng rong.

Người miền Tây có cách ăn bánh bèo rất lạ. Bánh bèo được xếp ra đĩa, chan ngập nước mắm và thêm ít nước cốt dừa lên mặt. Khi ăn, không chỉ ăn bánh mà còn húp cả “nước” để cảm nhận hết vị ngọt, mặn pha lẫn béo của nó.
 
D

deltafoce11

Ở nước ta, gà là món ăn có mặt trong mọi gia đình, dù giàu, dù nghèo, nhất là những ngày giỗ chạp, cưới hỏi, lễ Tết... mâm cỗ thịt gà thêm đậm đà và lý thú. Gà còn là nguồn thực phẩm ngon, bổ dưỡng mà đa số nông thôn Nam bộ gần như nhà nào cũng có nuôi. Hình ảnh đàn gà đầy sân, biểu tượng cho ấm no và hạnh phúc. Người nội trợ khéo tay có thể biến gà thành nhiều món đa dạng: Gà luộc, gà quay, gà chiên, gà nấu cà ri ...
Ở Nam bộ, món “gà khìa nước dừa” vô cùng hấp dẫn. Muốn thực hiện món ăn đặc sắc này, phải chọn loại gà mái tơ cỡ một ký là vừa (loại gà ta) cùng với nước dừa tươi, tỏi băm nhuyễn, dầu đậu nành, mật ong, tiêu, muối. Sau khi làm gà xong, mổ ra, rửa sạch để cho ráo nước, ướp muối, nước tương, tỏi, hòa mật ong đều khắp thân gà cho thấm khoảng 15 phút. Bắc chảo lên bếp phi mỡ tỏi đến khi bốc mùi thơm, để gà vào xào cho vàng và săn thịt rồi đổ nước dừa vô xâm xấp đậy nắp kín, đun lửa liu riu, khi nước dừa cạn dần, thịt gà mềm là được.


Dĩa thịt gà khìa nước dừa có màu cánh gián bóng loáng đẹp mắt, xung quanh được điểm xuyết các sắc màu tự nhiên của dưa cải chua, ngó sen, xà lách. Cần nhất thưởng thức món gà khìa nước dừa còn nóng mới ngon, vị đậm ngọt của thịt và mềm mại không khô khốc như gà quay, vừa hòa quyện hương thơm nước dừa với mùi chua cay ngọt giòn của dưa cải, ngó sen. Ăn vào không bao giờ quên món ẩm thực đặc trưng của phương Nam.


Mỗi miền, đều có món gà đặc trưng, như ở miền Bắc thì thường ăn gà luộc rắc lá chanh thái nhỏ, chấm muối tiêu ớt. Còn ở miền Trung có món cơm gà Huế giàu dinh dưỡng độ đạm cao, ăn chén cơm gà có cảm giác sảng khoái với mùi vị đậm đà của thịt và xương gà tiết ra thấm đượm từng hạt cơm.


Tóm lại, món thịt gà biểu trưng của ba miền rất dung hợp và hấp dẫn vì trong 100 gram thịt gà có 20,5 đến 22,5 gram protit, cao hơn các loại gia cầm thông dụng khác với đầy đủ tỷ lệ cân đối giữa các axít cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được.

Riêng món gà khìa nước dừa phương Nam lai rai với rượu đế Nàng Hương là hết ý, vừa thưởng thức vừa cảm nhận sự giao hòa của đất trời, cỏ cây, sông nước, mới thấy hết cái ngon, cái đẹp tình người Nam bộ.
 
D

deltafoce11

Cứ hè đến là nhông lại xuất hiện, chúng đào hang trên cát để đẻ trứng. Đây cũng là lúc chúng ta thưởng thức các món từ nhông.
Nhông cát (Leiolepis belliana Gray) tên khác là dông cát, nhông biển, nhông cát sử nữ sinh... là một loài bò sát giống thằn lằn. Thân hơi dẹt, chân mảnh, lưng nhẵn bóng, có vảy nhỏ, bụng màu nhạt có vảy lớn hơn. Đuôi dài, thuôn nhọn. Da có màu sắc biến đổi tùy lúc. Nhông cát có loại to gọi là nhông thềm và loại nhỏ bằng ngón tay là nhông que. Nhông con được gọi là nhông cắc ké.



Nhông cát chỉ có ở các tỉnh miền Trung và là đặc sản từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Loài này sống ở những cồn cát dọc bờ. Hầu hết ở các bãi biển Quảng Ngãi ai cũng biết các món ăn được chế biến từ thịt nhông là những món rất ngon, lạ, hấp dẫn và là những món không thể thiếu trên bàn của dân 'sành' nhậu.

Thịt nhông thường được chế biến cầu kỳ thành 7 món: nhông nướng, nhông hấp, nhông quay, nhông xào lăn, nhông làm gỏi với lá me non, chả nhông, cháo nhông. Món nào cũng ngon, lạ miệng, đậm đà hương vị xứ cát, gió biển. Thịt nhông thơm, ngọt, xương mềm và có vị gần giống như thịt gà nên còn được gọi là 'gà đất'. Khi chế biến, người ta có thể ướp thịt dông với sả và gia vị. Trứng nhông bùi béo nhưng không ngấy, mật nhông hơi đắng để lại hậu vị ngọt.



Được ưa chuộng nhất là món nhông nướng. Khi làm thịt Nhông, người ta cắt bỏ đầu, lột da, bỏ hết ruột, rửa sạch. Ướp gia vi gồm có ớt xay, củ nén, tiêu, muối, bột ngọt... Thịt nhông rất hợp với củ nén, thiếu nó coi như thịt nhông nướng mất đi khá nhiều vị ngon. Sau đó người ta dùng lá lốt kẹp thịt nhông lại và nướng trên lửa than đến khi chín vàng. Khi chín thịt nhông có mùi thơm rất đặc biệt, lột lá lốt bên ngoài, thịt nhông nguyên con vàng thẫm. Thịt nhông nướng hợp với kiểu ăn tới đâu xé tới đó. Ăn nhông nướng chấm với muối ớt, tiêu, chanh cùng vài chai bia thì không thể chê vào đâu được.



Món tiếp theo sẽ là ram (nem) nhông. Cũng với quá trình sơ chế như món nhông nướng, nhông sau đó được bằm nhuyễn ướp với nén và ớt giã nhuyễn, thêm chút muối, bột nêm rồi đem gói ram sau đó chiên lên. Ram (nem) nhông quấn với bánh tráng mỏng, rau sống, ăn kèm với nước mắm đã qua pha chế. Có được chén nước mắm ngon ăn kèm với ram nhông không phải là dễ. Mắm chấm phải cay cay, ngòn ngọt, mặn mặn và sánh mới ngon. Ram (nem) nhông, rau sống chấm nước mắm mới thấy được cái đậm đà của món ăn.



Ngoài món nướng, nhông nấu cháo lại ngon độc đáo. Thịt nhông băm nhỏ, xào qua dầu lạc chính hiệu, đợi cháo nhừ thì cho thịt nhông vào cùng mắm muối. Cháo Nhông sẽ không ngon nếu không có nén để nguyên củ, bỏ vào cùng với một ít ớt tươi giã nhuyễn và tiêu bột. Tô cháo nhông nóng hôi hổi, thơm phưng phức ăn đến đâu ấm lòng đến đó. Mùa hè chẳng may có bị cảm thì chỉ cần một tô cháo nhông toát mồ hôi là cơ thể lại hồi sức ngay.

Món nhông băm nhuyễn cả xương xào lăn với sả ớt cũng không kém phần hấp dẫn. Vị ngọt thơm của thịt nhông kết hợp với vị nóng của sả ớt đã tạo nên sự khác biệt quyến rũ tất cả những người ăn.



Đặc biệt, vào khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, ở Bình Thuận có món canh chua lá me non nấu với nhông rất đặc trưng, vì một năm chỉ vài tuần có lá me non để nấu món này. Trứng nhông chiên bơ cũng là món ăn cao cấp đắt tiền, mật nhông dùng làm thức ăn dân gian đặc trị bệnh suyễn. Với dân sành ăn, thịt nhông rưới thêm bơ hoặc mỡ, đem chiên hoặc nướng rồi thưởng thức với rau thơm kèm một vài ly rượu cay cay, âm ấm là đủ ngon lắm rồi.

Giờ đây nhông được chế biến thành nhiều món ăn phong phú hơn và đã trở thành đặc sản đặc sắc của các vùng ven biển.
 
D

deltafoce11

Bánh hỏi từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người Bình Định trong cuộc sống hàng ngày.
Bánh hỏi là một loại bánh bình dân, một món điểm tâm quyến rũ và phổ biến. Người dân Bình Định có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối bằng bánh hỏi để trừ cơm.



Bánh hỏi được làm bằng bột gạo, mà phải là gạo cũ mới ngon. Sau một đêm ngâm cho mềm, gạo đem xay thành bột rồi cho vào bao vải khô cho ráo nước. Hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia thành từng khối, sau đó cho vào khuôn ép lại. Khuôn bánh hỏi là khối ống bằng đồng, đường kính chừng 7-8cm, chiều cao chừng 20cm. Phần miệng ống hơi loe để tựa vào bàn gỗ. Đáy ống có một rá dày chừng vài ly, có nhiều lỗ nhỏ, vừa cỡ kim may luồn qua được. Bánh hỏi ngon hay không phụ thuộc nhiều vào lá đồng này. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh sẽ lớn ăn không ngon. Để ép bánh, người ta dùng một khối gỗ vừa lòng khuôn, ép cho bột chảy ra. Bột khá đặc, lỗ lại nhỏ nên thợ phải dùng hệ thống đòn bẩy để tạo sức ép lớn. Một người ép một người bắt bánh. Mỗi lần ép đòn bẩy xuống là những vòi bột xoăn xoắn tuôn ra. Người thứ hai đưa tay hứng lấy và ngắt ra từng đoạn chừng 10cm, sau đó đem hấp cách thủy một lần nữa mới hoàn thành.



Bánh hấp xong được xếp vào giỏ tre có lót lá chuối nhưng không được dậy kín vì sẽ khiến bánh mau chua, ôi thiu. Cũng như bún, bánh hỏi không kén món ăn kèm. Nếu muốn đơn giản, có thêm chan mắm chanh ớt hoặc mắm cái vào rồi ăn liền. Nhưng thường thì người ta ăn bánh hỏi kèm thịt heo luộc cuốn bánh tráng với dưa leo thái mỏng. Cầu kỳ hơn, bạn có thể ăn bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi...



Ăn bánh hỏi mà không có lá hẹ thì coi như mất ngon. Lá hẹ sau khi thái nhỏ, xào qua dầu ăn cho thơm phết lên từng tấm bánh trước khi ăn. Hương vị chính của món bánh hỏi là do lá hẹ khử dầu tạo nên, vừa thơm vừa bùi mà không cần đến bất kỳ thứ rau thơm nào ăn kèm.
 
D

deltafoce11

Cá hồi là một sự hòa trộn khéo léo giữa màu sắc và hương vị của ẩm thực xứ sở hoa anh đào.


Nhắc tới cá hồi, hẳn ai cũng biết. Thế nhưng, không phải tất cả thực khách đều biết cách thưởng thức trọn vẹn mùi vị của loại thực phẩm này. Trong điều trị rối loạn chuyển hoá lipoprotein máu để giảm tổn thương và nguy cơ xơ vữa thành mạch, động mạch máu, bệnh mạch vành thì chế độ dinh dưỡng cho người bệnh rất quan trọng. Cá hồi là một trong những loại thực phẩm - hải sản ngon nhất và cũng mang nhiều công dụng chữa bệnh hữu ích.



Cá hồi là tên gọi cho một số loài cá da trơn sống ở các nước ôn đới và hàn đới thuộc họ Salmonidae. Cá hồi sống ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và Hồ Great Lakes, Bán đảo Kamchatka, và ở Viễn Đông Nga. Đây là món hải sản nổi tiếng của Nhật Bản được dùng kèm với nước chấm tương soyu và wasabi. Có lẽ sau khi thử món sashimi, chúng ta mới hiểu vì sao người Nhật chuộng món ăn này đến như vậy.



Người dân xứ mặt trời mọc đã nâng loại thực phẩm này lên thành nghệ thuật độc đáo. Đó là sashimi. Khay thức ăn như một bức tranh nhiều màu sắc mà vô cùng công phu. Màu cam tươi tắn của cá, màu trắng thanh tao của từng thớ thịt cá, màu xanh của mù tạt, rau kèm, màu vàng ươm sắc của chanh… Thoạt đầu, bạn sẽ chỉ nhận ra vị hăng cay của mù tạt, rồi dần dần vị mặn thanh của nước tương, vị béo ngây ngất của cá hồi sẽ thấm vào đầu lưỡi bạn.




Dưới bàn tay sáng tạo của các đầu bếp, món ăn Nhật là sự kết hợp tinh tế của mùi vị, của màu sắc. Để có được một đĩa cá hồi thơm ngon, người đầu bếp đã phải làm rất nhiều công đoạn mới có thể cho ra thành phẩm như thế. Thái cá hồi là cả một nghệ thuật, sao cho cá có độ dầy chuẩn, đúng thớ, không để nát thịt, từng miếng cá hồi phải đều tăm tắp. Có khá nhiều cách biến tấu với cá hồi. Đơn giản có thể nướng với chút dầu ôliu hoặc hấp. Tuy nhiên, điểm quan trọng khi chế biến đó là phải lật cá đều tay, dùng lửa vừa phải, chín tới độ bởi nếu nấu lâu, thịt cá hồi sẽ nhanh chóng bị cứng, nhạt thịt và dễ nát. Khi thưởng thức món cá hồi hấp dẫn này, bất kỳ thực khách nào cũng gọi thêm một chai rượu sakê.
 
D

deltafoce11

Chồng tôi là người xứ Nghệ. Từ lúc yêu nhau, anh thường khoe với tôi về một món ăn đặc sản quê nhà mà mẹ anh là người nấu ngon nhất: cháo lươn. Đó cũng là món đầu tiên của mẹ mà tôi được thưởng thức ngày theo chồng về ra mắt họ hàng.
Mẹ đi chợ mua lươn đồng. Mẹ bảo, lươn nuôi tuy to nhưng nấu cháo sẽ không được ngon. Lươn nhớt nên cần phải làm cho thật sạch. Mẹ ra vườn ngắt lá bầu. Lươn được cho vào thau, mẹ lấy lá bầu chà xát thật kỹ, rửa sạch lại rồi đem luộc.

Sau khi luộc lươn, phần nước luộc mẹ mang đi nấu cháo còn phần thịt thì lóc bỏ xương bằng dụng cụ tự chế ở nhà. Trong lúc chờ cho cháo nhừ, mẹ tiếp tục chế biến thịt lươn. Lươn được xào vàng ươm và nêm thêm những gia vị cần thiết như muối, đường, bột nêm và nhất thiết phải có bột nghệ. Món cháo đẹp mắt và ngon miệng hay không là do nghệ.


Tất cả đã hoàn thành. Nhìn món ăn hấp dẫn mà tôi háo hức quá đỗi. Rồi cũng tới lúc được dùng thử. Mẹ múc cháo vào tô cho mỗi người. Lươn xào lúc này mới được bỏ vào cháo, rắc ít rau thơm để tăng thêm hương vị.

Nếm thử một miếng, tôi thật bất ngờ, bởi nó quá ngon và mới lạ. Quả thật món cháo lươn của mẹ rất xứng đáng là niềm tự hào của chồng tôi. Thấy tôi cứ tấm tắc khen, mẹ nói món ăn sẽ ngon khi người nấu dành hết tình yêu thương vào đó. Cũng nhờ có những điều mẹ dạy như thế, sau này mỗi món ăn tôi nấu cho chồng đều được anh khen hết lời.
 
D

deltafoce11

Nói rằng về Tây Ninh ăn… gà Mông, nghe có vẻ nghịch lý nhưng bạn có thể thưởng thức món khoái khẩu này ngay giữa không gian hữu tình có rừng, có núi, có hồ như giữa xứ sở của người Mông…

Giống gà Mông

Gà Mông được xem là đặc sản bản địa của người dân tộc thiểu số Mông ở vùng cao. Loại gà này có lông đen hoặc nâu đen. Da, thịt, nội tạng và xương đều có màu đen nhưng khác với gà ác. Trước đây, gà được nuôi nhiều ở vùng có người Mông sinh sống. Giống gà này ngày một hiếm nên các nhà khoa học đã gầy dựng lại và bảo tồn, phát triển giống gà này. Đến nay, gà Mông từ miền ngược đã đến được miền xuôi, về đồng bằng... và trở thành món đặc sản mới trong thực đơn nhiều nhà hàng, quán ăn khắp nơi.


Gà Mông nấu cháo.
Gà Mông được thực khách yêu thích vì thịt dai, ngon và bổ. Tập quán sống của gà là bay nhảy. Gà con mới một ngày tuổi đã học bay. Gà mẹ lúc trở dạ bay tìm nơi sinh nở. Hàng ngày, gà Mông luôn sử dụng đôi cánh của mình để bay cao, bay xa. Gà được nuôi trong môi trường hoang dã nên chất lượng thịt tốt, ít mỡ. Theo các nhà khoa học, gà Mông cung cấp lượng axit glutamic cao tới 3,87%, cao hơn gà ri, gà ác nên thịt gà có vị ngọt đậm. Thuộc nhóm gà thịt đen, xương đen, thịt gà Mông có hàm lượng axit amin cao, được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược, đặc biệt là tốt cho quý ông. Lượng Cholesterol trong thịt gà Mông thấp nhưng Axit Linoleic cao nên có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa trị bệnh tim mạch. Mật gà được dùng dể chữa bệnh ho cho trẻ em. Xương gà nấu thành cao để chữa bệnh run tay, run chân.

Tại Tây Ninh có nhiều nơi bán gà Mông trộn gỏi ăn với cháo, nướng, chiên và, các món tiềm thuốc Bắc, nấu rượu... Nhưng ở khu du lịch Long Điền Sơn, du khách có thể thưởng thức món này trong không gian núi rừng hoang dã...
 
D

deltafoce11

Nghe tên lạ quá phải không . Ừ lạ thiệt . Nhưng nó là món đặc sản của người dân miền biển . tuanxipo may mắn được thưởng thức 1 lần và câu chuyện thế này :


Tiết canh cua ra đời từ đâu ? Ai là đầu bếp đầu tiên chế biến nên món ăn có hương vị rất riêng của miền đất cuối trời này ? Có lão ngư miệt biển kể lại rằng : Xưa kia, trong những chuyến đi biển dài ngày, khi nước uống trên thuyền cạn, không kịp trở về hoặc ghé đảo Hòn Khoai để lấy nước ngọt, người đi biển thường bẻ càng cua, hứng lấy chất dịch bên trong để uống. Vị mằn mặn, ngòn ngọt trong càng cua dễ uống hơn nước biển, lại không tanh. Sau này, có người khéo chế biến thành món ăn trong hành trình tìm món lạ đã nhớ đến chất dịch này trong cơ thể cua, và món tiết canh cua ra đời từ đó. Đúng hay sai ? Ta không quan tâm, mà chỉ biết trên thực đơn miền cuối đất đã có món tiết canh cua cùng với hành trình mở đất trên xứ này.

Cua dùng làm tiết canh nhất thiết phải là cua biển, và nên lựa những con có gạch thì đĩa tiết canh cua mới ngon ngọt và đầy đủ chất bổ khi ăn.

Để có đủ tiết làm được một đĩa tiết canh cua loại thường, người ta phải cần từ ba đến bốn con cua loại lớn, mỗi con chừng bảy tám trăm gam đến một ký. Nhưng chưa hết, vì tiết cua không thể hãm được như tiết canh vịt, tiết canh heo nên người ta phải chuẩn bị trước phần nguyên liệu từ một con cua khác. Cua được luộc sơ, khi luộc cho vào một chút rượu đế... để cho thơm thịt cua. Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội, rồi trộn với gia vị cho đậm đà; trộn thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và phải có một ít lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.



Kế đến mới thực hiện giai đoạn quan trọng nhất là cắt tiết cua. Cua còn sống, rửa thật sạch, sau đó dùng dây buộc thật chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm. Dùng kéo bén cắt thật ngọt một lượt. Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân còn ngo ngoe chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết. Xong phần chân bên này lại cắt tiếp phần chân bên kia. Ở những con cua có gạch thì ta lấy phần gạch có ở mu cua cho vào đĩa tiếp theo sau phần lấy tiết cua. Phần tiết cua luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông, phần nước nổi lên mặt, phải khéo léo dùng muỗng hớt ra cho thật khô, rồi mới rắc lên ngò rí, đậu phộng rang giã nhỏ.

Tiết cua đông lại trông như rau câu. Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt khiến dễ hình dung đến những lần trên bãi biển ta ăn cua luộc mà miệng và tay còn dính nước biển. Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, nhưng phần rau thì ngoài mùi tàu, không thể thiếu rau dấp cá và có khi cũng ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp và ngon. Và nhất là, không thể không nhắc đến món tiết canh cua trên mỗi bàn nhậu của cư dân miệt biển sành ăn .

Sao có mườn tượng ra được món ăn chưa ? nói đến món tiết hay món tái thì tuanxipo mê lắm . mấy tháng lặn lội dưới quê cũng k uổng . có cái mang lên sài gòn đãi bà con
 
D

deltafoce11

Mướp đắng là một loại quả khá được ưa chuộng trong mùa hè. Mướp đắng ướp đá luôn xuất hiện trong các thực đơn nhậu của cánh đàn ông nhưng không phải ai cũng biết đến cái tên khá ấn tượng: “cá sấu nằm rơm” của một món ăn quen thuộc.
Đây là loại quả rất tốt cho sức khỏe của con người, nhưng trước đây ít được sử dụng phổ biến trong thực đơn hàng ngày. Do vị đắng và hăng trong quả đúng như tên gọi của nó khiến ít người ăn quen. Chỉ những người bị nóng, huyết áp cao... mới thường “chịu khó” ăn loại quả này vì “thuốc đắng dã tật”, mướp đắng có tác dụng giải nhiệt, tiêu viêm, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể... Nhưng khi đã quen rồi thì vị nhằn nhặn đắng và thanh mát đó lại khiến người ta phải “ghiền”.

Các bà nội trợ khéo tay còn trổ tài với rất nhiều món từ mướp đắng như canh mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng xào trứng, thịt bò… nhưng có lẽ món đơn giản và được các quý ông thích thú nhất là món cá sấu nằm rơm.

Nghe tên cá sấu nằm rơm có vẻ hơi khó hiểu, nhưng chỉ cần ngẫm một chút thôi bạn sẽ thấy khá thú vị. Loại quả này có “làn da” không nhẵn nhịu một chút nào, trông nó sần sùi, xấu xí với lớp vở lồi lõm hệt như da cá sấu. Nhất là khi được thái mỏng ra, từng miếng cong cong vẫn mang lớp da sần sùi đó trông như thân những con cá sấu đang nằm nghỉ ngơi lẫn trong đám rơm vàng - ruốc thịt. Món mướp đắng ướp đá lạnh rắc ruốc thịt không thể có tên gọi nào hay hơn tên “cá sấu nằm rơm”.

Sở dĩ món này được nhiều người ưa chuộng như vậy bởi nó có vị ngọt mát tự nhiên của mướp đắng được ướp trong đá lạnh. Vị đắng gắt của mướp đắng cũng giảm đi, nhất là nhờ có thêm vị bùi bùi của ruốc thịt mà món ăn trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Người ta gắp một đũa mướp đắng kèm với một nhúm ruốc, hoà quyện hai thứ đó với nhau tạo nên một hương vị rất đặc biệt. Những “sợi rơm” không còn quá khô nữa, mướp đắng cũng không còn quá đắng, hương vị của món ăn nhờ thế mà ngon hơn, độc đáo hơn.

Ngon và rất được các quý ông ưa chuộng nhưng lại khá đơn giản và nhanh gọn trong chế biến. Các bà nội trợ có thể dễ dàng làm món cá sấu nằm rơm này để giữ chân các ông chồng trong bữa cơm chiều. Chỉ cần hai, ba quả mướp đắng không quá già đem rửa sạch. Bổ đôi quả theo chiều dọc sau đó xắt thành từng lát mỏng theo chiều ngang của quả mướp. Đá bào mỏng, cho vào đĩa sâu lòng, bọc nilon mỏng kín mặt đĩa, xếp mướp đắng lên trên, trình bày cho đẹp mắt. Để khoảng 30 phút cho mướp mát lạnh. Nếu đá tan hết thì thay lượt đá khác với cách làm tương tự. Sau đó rắc ruốc thịt heo xé tơi lên trên. Tùy vào khẩu vị, mặn nhạt để phủ lượng ruốc sao cho phù hợp.

Không chỉ ngon, ngọt, thanh mát mà mướp đắng còn rất tốt cho sức khoẻ con người. Trong những ngày hè bức bối, khi mà những món ăn nhiều đạm, mỡ từ thịt cá làm ta chán ngấy, gắp một miếng mướp mát lạnh kèm theo một chút ruốc nhai lẫn, vị thơm mát bùi bùi, ngọt ngọt và đăng đắng thì còn gì thú bằng. Cá sấu nằm rơm như một cơn gió mát lạnh làm ta sảng khoái, xua tan cái ngột ngạt trong trưa hè....
 
K

konlatdat_pn

Nếu người Hà Nội tự hào với phở, người Sài Gòn hãnh diện với hủ tiếu Mỹ Tho, thì người Quảng Nam chúng tôi nổi tiếng với mì Quảng, mì Quảng có mùi vị đậm đà, tiềm ẩn một sức quyến rũ đầy vẻ hương đòng gió nội, nó không phô phang trình diễn vẻ mĩ miều mà luôn tiềm tàng ẩn nấu một sự chinh phục đầy quyết liệt.
Bất kì món ăn nào, dù đơn giản hay cầu kì đều phải có bí quyết,mì Quảng cũng vậy. Muốn có một tô mì ngon, thì sơi mì phải mềm dai, dài và không bị nát muốn vậy phải dùng gạo tốt (gạo nguyên). Nước nhưn của mì là quan trọng nhất nó ảnh hương đến mùi vị của mì. Nước nhưn phải có vị ngọt tinh khiết của xương heo, do vậy xương phải ninh từ đêm hôm trước, đun lửa vừa phải và chỉ ninh đén khi xương mềm. Nếu không phải la xương mà la thịt thì phải la thịt đùi thái lát to, không mỏng quá cũng không dày quá, ướp gia vị đầy đủ rồi xào lên cho đến khi gia vị thầm đều miếng thịt. Để tạo màu sắc cho nước nhưn người ta thường phi loại ớt bột ít cay trong mỡ để cho vào nước nhưn làm cho tô mì cò những hạt mỡ vàng lóng lánh trên mặt. Khi tô mì được mang ra, trên mì có vài con tôm xào đỏ thắm, nửa quả trứng vịt cùng dăm lát thịt và xương heo, rắc thêm một nhún hành lá thái nhỏ, vài hạt đậu phộng rang cùng mấy lát ớt đỏ xếp bên cạnh một dĩa rau sống. Mùi xương mùi thịt hoà thành thứ hương thơm đặc biệt.
Ăn lần thứ nhất có thể chưa cảm nhận dược mì quảng ngon thế nào, sau lần thứ hai đã thấy nhớ, lần thứ ba và cả những lần tiếp theo nữa sẽ không quên được vị ngọt của xương thịt, mùi thơm của hành lá, ớt tươi... Tạo nên cái độc đáo, riêng biệt của quê hương xứ Quảng
Nguồn từ sách tham khảo
Mjh hk fải người xứ Quảng Nam... nhưng hong_nhung97 đã cho mjh thêm thông tin về món ăn của nơi đây... Mì Quảng.
Hy vọng sẽ đc một dịp nào đó được thưởng thức món ăn này.... Thank !!!! very!!!!! much!!!!!!
;)
 
D

deltafoce11

Ốc giác là một loại hải sản thu hút được sự quan tâm của khách du lịch khi đến biển miền Trung.
Ốc giác là loại hải sản khá quen thuộc của người dân vùng biển miền Trung, nhưng ốc thấy nhiều nhất ở vùng biển hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ốc giác mới đánh bắt lên bờ là ốc tươi, thịt ốc tiết ra chất nhờn thì thịt sẽ ngon ngọt hơn tự nhiên. Còn ốc khô ráo là ốc đánh bắt đã lâu ngày, thịt có mùi hôi. Một con ốc giác lớn trung bình từ 1,5 đến 2 kg. Chỉ mỗi một loại ốc giác thôi mà người dân nơi đây có thể làm ra nhiều món ăn rất thơm ngon và thu hút được sự quan tâm của khách du lịch khi tới đây. Món ăn đơn giản nhất và được các ngư dân hay làm là món ốc giác luộc. Thịt ốc được cạo rửa sạch cho hết chất nhờn, mang luộc chín rồi xắt mỏng chấm nước mắm gừng, tỏi ớt pha sắn rất ngon. Để thêm phần đậm đà người ta thường dùng món này đưa cay với vài lít rượu đế.



Ốc giác còn tươi được hấp chín, sau đó xắt lát thật mỏng, ốc giác hấp ăn kèm với rau húng lủi Phan Thiết (lá to hơn, thơm hơn so với loại húng lủi trồng ở nơi khác) và chấm tương ớt. Ốc phải tươi sống mới đảm bảo vị ngọt.



Hấp dẫn hơn là món gỏi ốc giác. Luộc chín ốc rồi xắt sợi, cùng với thịt ba chỉ hoặc thịt lợn nọng (phần cổ) cũng luộc chín, xắt sợi. Đu đủ sống bào mỏng, rau răm xắt nhỏ, hành tây, đậu phộng rang, hành phi... nước mắm, tỏi, ớt, chua, ngọt. Trộn đu đủ, rau răm, hành tây và ốc, thịt luộc, rưới nước giấm đường pha lẫn với nhau, rắc đậu phộng và hành phi lên. Món này nên ăn kèm với bánh tráng mè rất là ngon, mùi vị thơm thơm của mà cộng với cảm giác giòn tan của bánh tráng sẽ gây thêm sự thèm ăn cho người thưởng thức nó.
 
D

deltafoce11

Ai đã từng sống nhiều năm ở Hà Nội đều có chút kỷ niệm vương vấn với sấu. Sấu gắn bó, gần gũi với tất cả mọi người, gói ô mai sấu thân thương cùng ký ức học trò, cốc nước sấu đã khát giữa trưa hè. Đặc biệt, sấu thường trực trong nỗi nhớ người yêu Hà Nội bởi bữa cơm gia đình đầm ấm có bát canh chua thanh mát.


Trái sấu
Hè đến trong tiếng ve sầu âm vang cũng là lúc khắp các chợ Hà Nội xanh màu sấu. Quả sấu nhìn bề ngoài không có gì bắt mắt, vỏ sần sùi, kể cả lúc sấu chín vàng cũng không đủ sức hấp dẫn ai. Thế nhưng với sự khéo léo và tinh tế của những người phụ nữ Hà thành, mọi nhược điểm đó đều được che khuất. Thay vào đó, sấu trở thành biểu trưng cho mùa hè Hà Nội, thành nỗi tương tư với những ai đi xa Hà Nội…

Để có được bát canh chua đưa cơm ngày hè, người Hà Nội có rất nhiều biến tấu với trái sấu. Đơn giản nhất, ai cũng biết là nước canh rau muống dầm sấu xanh. Cầu kỳ hơn chút là thả vài quả sấu nấu bát canh chua với đầu cá, mua thêm mấy cọng rau sống, rau thơm ăn kèm. Bát canh chua ngày thường đã hấp dẫn, đến mùa hè lại càng trở nên lôi cuốn. Đi ngoài đường về, mở lồng bàn lên thấy bát canh chua dầm sấu là mọi nóng bức được xua tan hết cả.



Canh sấu sườn non
Ấn tượng nhất phải kể đến là canh sấu thịt nạc hay sườn non, duy nhất ở Hà Nội mới có. Chỉ cần 2 lạng thịt nạc xay hay dẻ sườn non là đã có bát canh thơm ngọt, đủ chất. Cách nấu cũng đơn giản đến không ngờ. Thịt ướp gia vị cho ngấm, đổ nước vào đun sôi rồi vớt sạch bọt. Ướm đến khi thịt chín mềm thì gọt sấu, khía thành từng khoanh, dầm lấy nước chua đổ vào nồi canh. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, người Hà Nội không bao giờ cho cả quả sấu vào nồi nước canh, bởi lẽ hạt sấu sẽ làm nước canh không trong mà vẩn đục, nhìn mất ngon. Khi nấu canh, hành không cho ngay mà đợi đến khi bắt đầu ăn mới thả vào bát. Điều này rất dễ hiểu bởi lẽ, chất chua trong canh sẽ làm hành đổi màu vàng, thiếu hấp dẫn.


Canh sấu thịt nạc ăn kèm bún rất ngon
Bát canh sấu Hà thành mang hương vị rất riêng. Đằng sau vị chát thoáng qua của lớp vỏ sấu mỏng như lụa là vị chua nhẹ không đủ làm nhíu mày, nhăn mặt nhưng lại khiến cái khát do nắng nóng dịu đi. Vị ngọt của thịt hòa cùng vị chua nhẹ của sấu làm bát canh thêm ngon miệng, không hề có sự ngán ngấy của thịt như ta thường thấy.

Người Hà Nội ăn canh sấu cả mùa mà không chán. Mùa sấu chưa dứt, mỗi nhà đã phải mua trước vài cân để trên tủ đá ăn dần. Với những ai phải đi xa, nỗi nhớ Hà Nội, nhớ canh sấu day dứt mãi trong lòng. Những lúc như thế chỉ muốn về ngay với Hà Nội, thưởng thức một bát canh sấu cho thật đã mới thôi.
 
D

deltafoce11

Cơm lam là đặc sản độc đáo của đồng bào vùng cao đưa đến cho người miền xuôi giờ đây đã rất quen thuộc tại nhiều hàng ăn nơi phố phường.
Cơm lam bắt nguồn từ những chuyến đi rừng dài ngày của người đàn ông với túi gạo mang theo, dao và đá đánh lửa cùng ống nứa sẵn có trong rừng, vậy mà nay đã trở thành món đặc sản riêng của miền núi.



Muốn làm được món cơm lam ngon không đơn giản, bắt đầu từ khâu chọn tre để làm ống. Ống tre được sử dụng để làm cơm lam phải là cây tre cái, không mỏng, không dày. Nếu tre non quá, khi nấu dễ bị nứt vỡ, nhưng nếu tre già quá sẽ không còn lớp màng lụa mỏng, cơm sẽ thiếu đi hương vị độc đáo vốn có. Ống tre đúng độ tuổi mới có nước ngọt đọng trong thành ống, khi nấu sẽ tạo ra hương vị thơm riêng biệt độc đáo của núi rừng. Không chỉ tre mà nứa cũng ưa được sử dụng bởi lớp màng bên trong mỏng và trong hơn tre.



Vùng Tam Kim, Bắc Hợp thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) có tiếng là cơm lam ngon hơn nhiều vùng khác. Muốn có cơm lam ngon phải có loại nếp ngon, thứ nếp trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10. Vùng này còn có thứ gạo ngon nổi tiếng, người Tày gọi là gạo Khẩu lùm phua, có nghĩa là thứ gạo ăn ngon đến nỗi người đàn bà có thể quên cả phần chồng.



Gạo vo sạch, ngâm nước chừng 2 - 3 giờ sau đó vớt ra trộn một ít muối cho đều rồi đổ gạo vào ống tre, nứa đã có sẵn nước tự nhiên, đổ thêm nước cho xăm xắp gạo, nút lại bằng lá chuối. Sau đó, dựng các ống cơm ở xung quanh đống lửa, dù lửa to hay nhỏ thì tay người phải xoay trở ống lam khéo léo sẽ giúp cơm được chín đều, chín kỹ mà không bị khét. Khoảng một tiếng đồng hồ thì cơm chín, lấy ống ra để nguội, dùng dao dóc phần vỏ cháy đen bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn, bóc lớp vỏ còn lại sẽ lộ ra cơm lam dẻo được bao bọc bởi lớp vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa. Cơm lam ăn với muối vừng và thịt kho là ngon nhất. Cái ngon của cơm lam là giữ được hầu như trọn vẹn hương vị tự nhiên.



Nguời dân tộc phía bắc từ Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái đều làm cơm lam. Ngoài cơm lam, họ còn có cả cá lam, chim lam, rau quả lam... Phải nói làm đồ ăn lam là một nghệ thuật tinh tế đặc biệt. Màu sắc trên ống tre, nứa qua lửa có thể cho người làm nhận biết được mức độ chín của thức ăn và có thể bày cả một bữa tiệc ngay trên lá chuối giữa núi rừng một cách hấp dẫn.



Tại Hà Nội, bạn có thể thưởng thức cơm lam ở nhiều nhà hàng, với rượu cần, cơm lam chấm với muối vừng, thi thoảng chen vào một lát măng chua trở thành bữa ăn ngon giản dị. Bạn hãy cùng gia đình thay đổi khẩu vị bằng cơm lam để thấy không khí ẩm thực thanh khiết giữa chốn thị thành.
 
D

deltafoce11

Nếu bạn là người thích khám phá những món ăn lạ, có hương vị độc đáo thì các món ăn Phúc Kiến sẽ là một trong những lựa chọn thú vị cho bạn. Món Phúc Kiến nhiều màu sắc và vị thơm ngon đặc trưng.
Vịt hầm Phúc Kiến

Một trong những món ngon độc đáo mà đi đến bất cứ quán ăn Phúc Kiến nào, dù là ở Trung Quốc hay Việt Nam đều có, đó chính là món vịt hầm. Vịt nấu theo phong cách ẩm thực Phúc Kiến, không nhiều dầu mỡ và không giòn như vịt quay Bắc Kinh. Vịt được chặt thành từng khúc, hầm với các loại gia vị, nước xốt cho nhừ và thấm đều sẽ không còn mùi tanh đặc trưng. Thịt mềm, chấm thêm chút nước xốt và nước tương pha hành, tỏi, thêm chút rau gém và dưa leo tạo nên một hương vị rất lạ.

Món ăn này đặc trưng cho phong cách ẩm thực vùng Phúc Kiến với vị ngọt và sự hài hòa về màu sắc. Đặc biệt, món này không được làm sẵn, chỉ khi thực khách đặt thì đầu bếp mới thực hiện, nên món ăn lúc nào cũng thơm ngon bởi sự tươi mới.




Tôm chiên kim sa

Không chỉ có thịt vịt độc đáo, Phúc Kiến còn có nhiều món ăn hấp dẫn khác. Trường phái ẩm thực Phúc Kiến nổi trội với các món hải sản không chỉ bởi nguyên liệu tươi mà còn bởi sự kết hợp đầy bất ngờ và những cái tên giàu tính mỹ học, tạo cho món ăn một nét riêng.

Ví như món tôm chiên kim sa, món này rất được ưa chuộng ở đảo quốc sư tử Singapore, Trung Quốc và Việt Nam bởi sự độc đáo từ tên gọi đến hương vị. Tôm sú sau khi được làm sạch, ướp gia vị sẽ được “khoác” thêm một lớp áo đặc biệt. Lớp áo này là lòng đỏ trứng vịt muối nghiền nhuyễn. Lớp áo khiến cho tôm có vị mằn mặn, ăn lạo xạo. Tôm giòn với lớp áo lấp lánh như kim sa, được ăn chung với nước me. Chén nước me đặc sệt với vị chua chua hòa chung chút mặn mặn của lòng đỏ trứng vịt muối và cái ngọt của thịt tôm tươi ngon làm hương vị món ăn càng trở nên đậm đà

Mì Phúc Kiến

Phúc Kiến có món mì sợi vàng ươm, rất dai. Món mì độc đáo này được sử dụng trong nhiều dịp lễ của người dân địa phương. Người ta tin rằng, trong những lễ quan trọng như sinh nhật, nếu ai có thể kéo càng dài sợi mì thì đường công danh sự nghiệp của họ sẽ liên tục tấn tới. Món mì Phúc Kiến bản thân nó là một món lạ, nhưng chưa chắc đã ngon. Mì Phúc Kiến ăn không sẽ rất ngán vì nó rất nhạt và không có vị, nhưng khi kết hợp với các món ăn khác thì trở nên đặc sắc.

Mì Phúc Kiến ăn lẩu cá thì khỏi chê, cái vị ngọt của nước lẩu bám vào sợi mì dai, vàng ươm, tạo thành nét đặc sắc của món lẩu. Mì Phúc Kiến xào chung với hải sản cũng rất ngon. Mì xào với lửa vừa phải, dầu hào và các nguyên liệu tươi ngon. Khi ăn, người ta cảm nhận được chất ngọt của hải sản và mùi thơm của dầu hào bám chắc vào sợi mì. Đĩa mì trông thật bắt mắt với màu vàng của mì, màu đỏ của tôm, màu trắng của mực, thêm chút tươi tắn của cá thác lác và rau xanh.

Món ăn Phúc Kiến luôn làm thực khách cảm thấy sự ngon miệng từ màu sắc đến hương vị riêng của gia vị, nguyên liệu và cách chế biến. Tất cả những điều ấy tạo nên một phong cách ẩm thực riêng biệt rất dễ nhận ra.
 
D

deltafoce11

Rau Càng Cua là loại rau dân dã rất dễ tìm và là nguyên liệu của những món ăn ngon và bổ.
Càng Cua là loại rau mọc phát tán tự nhiên ở nơi đất ẩm. Gặp mưa, Càng Cua phát triển càng nhanh, thân to mập, mọng nước. Trong điều kiện gia đình, có thể dùng bất kỳ chậu cây cảnh nào để cây Càng Cua vào và chỉ cần chăm tưới nước là có rau Càng Cua tươi và sạch để ăn. Biết cách chăm sóc sẽ có rau ăn quanh năm.



Nếu ngày trước rau Càng Cua chủ yếu có mặt trong các bữa cơm gia đình thì giờ đây, Càng Cua lại được các nhà hàng chế biến thành các món ngon. Tuy mọc tự nhiên nhưng rau Càng Cua không rẻ so với các loại rau sống khác. Có lúc giá lên đến 15.000 - 20.000đ/kg.



Rau Càng Cua có tính sinh tân, giải nhiệt, nhiều chất bổ, vị hơi chua chua và mọng nước có tác dụng giải khát tuyệt vời. Rau Càng Cua có tác dụng chữa trị bệnh ngoài da rất tốt, nhất là bệnh ghẻ lở. Giã nát rau Càng Cua, vắt lấy nước, bổ sung chút muối và chấm vào vết thương là da sẽ mau lành, liền miệng.

Rau Càng Cua với dầu giấm

Nói đến rau Càng Cua, người ta nghĩ ngay đến món thịt bò trộn dầu giấm. Có nhiều cách làm món này.



Thịt bò ướp gia vị vừa ăn. Rau Càng Cua rửa sạch để ráo nước rồi sắp ra đĩa. Cho dầu vào chảo, phi hành thật thơm, sau đó bỏ thịt bò vào đảo nhanh và trút ra, trải đều trên mặt đĩa rau. Giấm hòa với bột nêm, ít đường, tỏi bằm nhuyễn (có thể cho thêm ớt) sao cho có vị đủ chua, ngọt vừa ăn. Nước tiết ra từ thịt bò và dầu giấm sẽ làm cho rau thấm gia vị. Món này dùng ngay sau khi chế biến là ngon nhất.

Cầu kỳ hơn, để giúp món Càng Cua dầu giấm này có hình thức hấp dẫn, người ta đặt lên đĩa mấy lát cà chua và trứng vịt luộc, mỗi quả cắt thành 6 miếng. Đĩa rau Càng Cua sẽ trở thành một bức tranh đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng, hấp dẫn và ngon mắt. Rắc thêm ít lạc rang lên món ăn và khi đó vị hơi chua, mát của Càng Cua đậm đà thêm bởi vị đậm của thịt bò, vị thanh của trứng luộc, vị cay của ớt và thơm bùi của lạc.



Đơn giản hơn, dầu giấm và trứng vịt cũng tạo nên món Càng Cua ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng. Có thể thay trứng vịt bằng đậu phụ cắt miếng nhỏ chiên giòn, làm thành món chay hấp dẫn.

Ngoài ra, chế biến thịt ếch với rau Càng Cua cũng được món ngon. Phi hành tỏi cho thơm rồi xào ếch, sau đó cho vào rau Càng Cua. Có thể cho thêm ít bột mì hay bột năng vào nước giấm để tạo thành nước xốt. Có thể chế nước xốt vào rau hoặc chấm rau. Với cua, tôm, cá, rau Càng Cua đều hợp cả.

Gỏi rau càng cua

Nếu món Càng Cua trộn dầu giấm bị cho là hơi cầu kỳ thì gỏi là món chế biến khá nhanh.



Rau Càng Cua rửa sạch, để ráo nước. Giấm hòa với gia vị nhạt rồi bóp nhẹ với rau càng cua. Hành phi, trộn với tôm khô, da lợn luộc xắt mỏng, lạc rang… Trộn tất cả với rau đã bóp giấm và nếm cho vừa ăn. Các vị mặn, ngọt, chua, lẫn giòn của rau càng cua, dai của da lợn, mềm của tôm khô làm thành món gỏi ngon đặc biệt.



Ngoài ra, rau Càng Cua còn trộn chung với các loại rau khác như rau sam, rau thơm… và chấm với nước cá kho hay thịt kho. Chính vị chua của loại rau này khi chấm với nước kho mặn sẽ tạo cảm giác ngon miệng và dễ ăn.



Rau Càng Cua sẽ là món ăn bất ngờ trong bữa cơm của bạn.
 
D

deltafoce11

Không cầu kỳ, chẳng kén chọn người thưởng thức, nộm bò khô làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Nộm bò khô có ở tất cả các chợ, hẻm đường ngõ phố nhưng người sành ăn Hà Nội lại chỉ tìm đến ngõ Hoàn Kiếm mới mong thưởng thức đúng vị của món ăn gia truyền này. Ngày trước chỉ có một vài nhà làm, sau này thấy đông khách, nhiều nhà bắt chước đến nay trở thành một dãy, nằm ngay trên vỉa hè ngõ nhỏ.



Đĩa nộm có gần như đầy đủ “lục phủ ngũ tạng” của bò: thịt bò mỏng (thịt bò cán mỏng rán lên sau đó giã vụn), bò dày (thịt bò rán khô), lá lách, gân bò, sách bò, dạ dày, nước trộn, dấm chua ngọt, dấm tỏi và lạc rang. Mỗi loại sau khi chế biến lại có một hương vị riêng. Gân bò không được dùng loại gân ngoài (như vó bò) mà phải chọn loại nằm trong thớ thịt ăn mới dẻo mà không nát, dai. Quả đu đủ phải chọn loại ít hạt, khi ăn mới giòn.



Một thứ quan trọng để quyết định món ăn ngon hay không đó chính khâu pha nước trộn. Cũng chỉ với đường, dấm, nước mắm, mỳ chính, ớt....nhưng được chia với tỷ lệ như nào, cách pha ra sao để nước trộn mang hương vị dịu, đậm vừa phải mà không bị gắt. Đó chính là bí quyết riêng của người chế biến.



Tất cả qua quá trình chế biến cầu kỳ, đều được chọn lựa kỹ càng, từ hạt lạc đến quả đu đủ, thịt bò. Người ăn cũng cầu kỳ không kém, cùng tiếng kéo cắt thịt của người bán hàng, là những tiếng yêu cầu của khách, nào là nhiều ngọt ít cay, nào là nhiều lạc, nào là nhiều chua… lao xao cả một góc phố.



Một món ăn bình dị như chính nếp sống của người Hà Nội, chỉ cần một món tiền nhỏ là bạn và bạn bè của mình ngồi bên nhau thật vui vẻ để có thể thưởng thức đủ cả cái hương vị chua, cay, mặn, ngọt... nhất là trong tiết trời thế này.
 
Top Bottom