D
deltafoce11
Tên gọi bánh cóng đơn giản là vì bánh được đổ trong chiếc cóng, gồm có bột gạo pha loãng, đậu xanh, tôm thịt, củ sắn, ăn kèm với cải xanh, xà lách và các loại rau thơm khác.
Dân dã mà tinh tế
Bánh cóng là món ngon nổi tiếng của Sóc Trăng rất được người Sài Thành ưa chuộng. Khó có thể nói chính xác bánh cóng có mặt ở Sài Gòn từ khi nào, chỉ biết là rất lâu rồi. Thường người ta hay ăn chung với bánh cuốn nhưng đó chỉ là kiểu ăn kèm để cho món thêm đậm đà vì khi ấy miếng bánh cóng đã nguội, xếp gọn ghẽ trong tủ kính hoặc trong khay, mất hẳn độ nóng giòn thơm phức. Nên người sành ăn vẫn thích những hàng quán chỉ chuyên về bánh cóng, nơi mà chỉ cần đi ngang qua đã nghe mùi thơm lan tỏa cuốn hút từ chảo dầu sôi sùng sục, trong đó là những chiếc bánh cóng vàng ruộm hấp dẫn.
Cũng như bánh xèo, bánh cóng nhìn có vẻ nhiều dầu mỡ và tôm thịt nhưng lại là món ăn cân đối dinh dưỡng vì ăn kèm với rất nhiều loại rau, trong đó không thể thiếu được cải xanh. Thứ cải hăng nồng này lại hợp lạ lùng với bánh cóng, đi chung với nhau vừa kích thích khẩu vị vừa gia giảm độ cay nồng và béo bùi tạo nên một hương vị thật đặc biệt.
Không quy mô như những quán bánh xèo, những hàng bán bánh cóng thường khiêm tốn hơn, có khi chỉ là một góc nơi chợ hay quán nhỏ ven đường, đủ kê vài bộ bàn ghế lúp xúp. Nhưng nhỏ thì nhỏ mà khách đông vẫn cứ đông, sang có mà xuề xòa cũng có, ghé quán không cần chỗ ngồi rộng rãi thoáng mát mà cốt yếu là muốn thưởng thức bánh đổ tại chỗ, dọn ra bàn còn nóng hổi. Chủ quán ngồi ngay cạnh khách, luôn tay múc bột - chiên bánh - vớt ra, cứ thế làm không ngơi nghỉ. Trên cái chảo dầu sôi luôn có thêm một vỉ sắt để khi vớt bánh ra sẽ gác lên cho ráo dầu. Nếu khách thắc mắc vì sao gọi là bánh cóng thì sẽ nhận được câu trả lời đơn giản là bánh đổ trong chiếc cóng, có hình dạng như những ca nhôm nhỏ thường dùng để đá tủ lạnh nhưng có tay cầm và móc. Người bán sẽ tráng một lớp bột gạo pha loãng dưới đáy, phủ thêm một lớp đậu xanh, một lớp thịt, tôm và củ sắn, sau cùng lại đổ một lớp bột gạo lên. Nhúng bánh vào chảo ngập dầu thật sôi, trong thời gian chờ bánh kết lại thì treo tạm lên vỉ sắt và quay sang làm cái khác; sau đó lại canh thời gian để khảy nhẹ bánh ra khỏi cóng và chiên đến khi vàng đều.
Tuy chỉ là một món quà vặt nhưng toàn bộ quy trình làm bánh đều đòi hỏi phải tinh tế và khéo léo, từ khâu chọn gạo xay bột, hòa với đậu xanh và nước thế nào cho vừa đủ, pha nước chấm sao cho vừa ý khách. Bánh chiên phải có độ giòn xốp chứ không cứng, ăn vào phải đủ vị béo bùi của bột gạo, đậu xanh, tôm thịt nhưng không quá ngấy… Từng thứ nhỏ nhặt thôi nhưng nếu không chú ý thì sẽ dễ mất khách, vì khách đến với hàng bánh cóng vừa xuề xòa vừa khó tính. Dễ ở chỗ không kén nơi ngồi nhưng lại đòi hỏi cầu kỳ trong cách thưởng thức, bánh phải đủ ngon thì mới giữ chân khách dài lâu.
Bánh cóng ở Sài Gòn
Sài Gòn có khá nhiều nơi chuyên bán bánh cóng, ngay trung tâm thành phố thì có đường Nguyễn Du, đoạn gần Nguyễn Trung Trực. Bánh cóng nơi này chỉ dọn ra vào buổi chiều và phục vụ chủ yếu cho dân văn phòng làm việc xung quanh - những người ngồi nhiều ít vận động, cần một món ngon đủ dưỡng chất và nhất là không ảnh hưởng đến lượng calori trong cơ thể. Chạy xuống chút nữa là đến Võ Văn Tần quận 3, hẻm nhỏ trong khu chợ có một hàng bánh xèo, bánh cóng rất đông khách dù tìm một nơi để xe và ngồi xuống ăn khá vất vả. Những quán dưới chân cầu Calmette quận 1 hoặc ở đường Nguyễn Tri Phương quận 5, đoạn gần ngã sáu cũng chỉ toàn khách quen. Nhưng đông đảo nhất phải kể đến các hàng bánh cóng ở hẻm nhỏ và quầy trong chợ, từ sáng đến chiều luôn đỏ lửa phục vụ khách. Miếng bánh nhỏ gọn trong lòng bàn tay thường “đánh lừa” thị giác của thực khách khi tưởng mình có thể cùng lúc ăn được… chục cái. Nhưng thường khách ăn đến cái thứ 3 là đã thấy no, cố gắng lắm cũng chỉ thêm được 1, 2 cái nữa. Món này thú vị nhất là ở cách ăn, phải tự tay gắp, cuốn, chấm thì mới thấy món sao mà ngon lạ lùng! Trải lá cải xanh ra, gắp một miếng bánh cóng, tùy thích thêm vài cọng rau thơm hay xà lách và cuốn lại, chấm với nước mắm chua ngọt pha sẵn, cảm giác như có thể ăn hoài không ngán.
Bánh cóng Sài Gòn xa quê nên đã phai nhạt ít nhiều. Bánh thì đổ từ bột gạo pha sẵn, rau ăn kèm thì chỉ đơn điệu cải xanh và xà lách, rau thơm; nhưng nét mộc mạc dân dã thì dường như vẫn còn nguyên vẹn. Người bán vẫn phải miệt mài chiên bánh từ lúc dọn ra cho đến dẹp hàng để từng chiếc bánh đến tay khách luôn nóng ấm. Người ăn vẫn phải tự mình phục vụ cho mình bằng cách tự tay cuốn, chấm. Khách có lòng sẽ không mang bánh cóng ra so sánh giữa hai nơi vì biết so sao cho vừa! Chỉ cần biết rằng người Sài Gòn có thương có quý thức quà quê này thì bánh cóng mới tồn tại được giữa thành thị, nơi không thiếu món ngon vật lạ. Và ngày qua ngày, những hàng bánh cóng ở Sài Gòn vẫn đỏ lửa để phục vụ khách quen…
Dân dã mà tinh tế
Bánh cóng là món ngon nổi tiếng của Sóc Trăng rất được người Sài Thành ưa chuộng. Khó có thể nói chính xác bánh cóng có mặt ở Sài Gòn từ khi nào, chỉ biết là rất lâu rồi. Thường người ta hay ăn chung với bánh cuốn nhưng đó chỉ là kiểu ăn kèm để cho món thêm đậm đà vì khi ấy miếng bánh cóng đã nguội, xếp gọn ghẽ trong tủ kính hoặc trong khay, mất hẳn độ nóng giòn thơm phức. Nên người sành ăn vẫn thích những hàng quán chỉ chuyên về bánh cóng, nơi mà chỉ cần đi ngang qua đã nghe mùi thơm lan tỏa cuốn hút từ chảo dầu sôi sùng sục, trong đó là những chiếc bánh cóng vàng ruộm hấp dẫn.
Cũng như bánh xèo, bánh cóng nhìn có vẻ nhiều dầu mỡ và tôm thịt nhưng lại là món ăn cân đối dinh dưỡng vì ăn kèm với rất nhiều loại rau, trong đó không thể thiếu được cải xanh. Thứ cải hăng nồng này lại hợp lạ lùng với bánh cóng, đi chung với nhau vừa kích thích khẩu vị vừa gia giảm độ cay nồng và béo bùi tạo nên một hương vị thật đặc biệt.
Không quy mô như những quán bánh xèo, những hàng bán bánh cóng thường khiêm tốn hơn, có khi chỉ là một góc nơi chợ hay quán nhỏ ven đường, đủ kê vài bộ bàn ghế lúp xúp. Nhưng nhỏ thì nhỏ mà khách đông vẫn cứ đông, sang có mà xuề xòa cũng có, ghé quán không cần chỗ ngồi rộng rãi thoáng mát mà cốt yếu là muốn thưởng thức bánh đổ tại chỗ, dọn ra bàn còn nóng hổi. Chủ quán ngồi ngay cạnh khách, luôn tay múc bột - chiên bánh - vớt ra, cứ thế làm không ngơi nghỉ. Trên cái chảo dầu sôi luôn có thêm một vỉ sắt để khi vớt bánh ra sẽ gác lên cho ráo dầu. Nếu khách thắc mắc vì sao gọi là bánh cóng thì sẽ nhận được câu trả lời đơn giản là bánh đổ trong chiếc cóng, có hình dạng như những ca nhôm nhỏ thường dùng để đá tủ lạnh nhưng có tay cầm và móc. Người bán sẽ tráng một lớp bột gạo pha loãng dưới đáy, phủ thêm một lớp đậu xanh, một lớp thịt, tôm và củ sắn, sau cùng lại đổ một lớp bột gạo lên. Nhúng bánh vào chảo ngập dầu thật sôi, trong thời gian chờ bánh kết lại thì treo tạm lên vỉ sắt và quay sang làm cái khác; sau đó lại canh thời gian để khảy nhẹ bánh ra khỏi cóng và chiên đến khi vàng đều.
Tuy chỉ là một món quà vặt nhưng toàn bộ quy trình làm bánh đều đòi hỏi phải tinh tế và khéo léo, từ khâu chọn gạo xay bột, hòa với đậu xanh và nước thế nào cho vừa đủ, pha nước chấm sao cho vừa ý khách. Bánh chiên phải có độ giòn xốp chứ không cứng, ăn vào phải đủ vị béo bùi của bột gạo, đậu xanh, tôm thịt nhưng không quá ngấy… Từng thứ nhỏ nhặt thôi nhưng nếu không chú ý thì sẽ dễ mất khách, vì khách đến với hàng bánh cóng vừa xuề xòa vừa khó tính. Dễ ở chỗ không kén nơi ngồi nhưng lại đòi hỏi cầu kỳ trong cách thưởng thức, bánh phải đủ ngon thì mới giữ chân khách dài lâu.
Bánh cóng ở Sài Gòn
Sài Gòn có khá nhiều nơi chuyên bán bánh cóng, ngay trung tâm thành phố thì có đường Nguyễn Du, đoạn gần Nguyễn Trung Trực. Bánh cóng nơi này chỉ dọn ra vào buổi chiều và phục vụ chủ yếu cho dân văn phòng làm việc xung quanh - những người ngồi nhiều ít vận động, cần một món ngon đủ dưỡng chất và nhất là không ảnh hưởng đến lượng calori trong cơ thể. Chạy xuống chút nữa là đến Võ Văn Tần quận 3, hẻm nhỏ trong khu chợ có một hàng bánh xèo, bánh cóng rất đông khách dù tìm một nơi để xe và ngồi xuống ăn khá vất vả. Những quán dưới chân cầu Calmette quận 1 hoặc ở đường Nguyễn Tri Phương quận 5, đoạn gần ngã sáu cũng chỉ toàn khách quen. Nhưng đông đảo nhất phải kể đến các hàng bánh cóng ở hẻm nhỏ và quầy trong chợ, từ sáng đến chiều luôn đỏ lửa phục vụ khách. Miếng bánh nhỏ gọn trong lòng bàn tay thường “đánh lừa” thị giác của thực khách khi tưởng mình có thể cùng lúc ăn được… chục cái. Nhưng thường khách ăn đến cái thứ 3 là đã thấy no, cố gắng lắm cũng chỉ thêm được 1, 2 cái nữa. Món này thú vị nhất là ở cách ăn, phải tự tay gắp, cuốn, chấm thì mới thấy món sao mà ngon lạ lùng! Trải lá cải xanh ra, gắp một miếng bánh cóng, tùy thích thêm vài cọng rau thơm hay xà lách và cuốn lại, chấm với nước mắm chua ngọt pha sẵn, cảm giác như có thể ăn hoài không ngán.
Bánh cóng Sài Gòn xa quê nên đã phai nhạt ít nhiều. Bánh thì đổ từ bột gạo pha sẵn, rau ăn kèm thì chỉ đơn điệu cải xanh và xà lách, rau thơm; nhưng nét mộc mạc dân dã thì dường như vẫn còn nguyên vẹn. Người bán vẫn phải miệt mài chiên bánh từ lúc dọn ra cho đến dẹp hàng để từng chiếc bánh đến tay khách luôn nóng ấm. Người ăn vẫn phải tự mình phục vụ cho mình bằng cách tự tay cuốn, chấm. Khách có lòng sẽ không mang bánh cóng ra so sánh giữa hai nơi vì biết so sao cho vừa! Chỉ cần biết rằng người Sài Gòn có thương có quý thức quà quê này thì bánh cóng mới tồn tại được giữa thành thị, nơi không thiếu món ngon vật lạ. Và ngày qua ngày, những hàng bánh cóng ở Sài Gòn vẫn đỏ lửa để phục vụ khách quen…