Sử 7 Sự hình thành xã hội phong kiến châu Âu

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Sau khi đã thống trị được toàn châu Âu vào thế kỷ V, các bộ tộc Giéc-man đã làm nhiều công việc để củng cố quyền thống trị của mình. Đầu tiên, họ thành lập các quốc gia mới trên khắp lãnh thổ châu Âu. Xem trên bản đồ (đính kèm dưới đây), ta thấy người Giéc-man thành lập rất nhiều vương quốc mà tiêu biểu là các vương quốc: Anglo Saxon (nay là nước Anh với 2 tên gọi: vương quốc Anh. Tên đầy đủ: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland), Phơ-răng (nay là ba nước Pháp, Đức và Italia), Tây Gốt (nay là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) và Đông Gốt (bán đảo Italia)…

Sau khi lập các quốc gia mới, người Giéc-man mở rộng đất đai và nhanh chóng chiếm nhiều vùng đất, nhất là các vùng đất rộng lớn bị chủ nô Roma bỏ lại. Chiếm một vùng đất rộng lớn và bao la với một lực lượng gồm những tướng lĩnh, quý tộc trung thành, các thủ lĩnh Giéc-man lượng sức không thể một mình cai quản vùng đất lớn mới chiếm được. Họ buộc phải chia ra, trong đó quý tộc và tướng lĩnh được nhiều đất đai hơn. Các thủ lĩnh Giéc-man làm điều này là vì: (1) giữ vững thành quả đạt được sau các cuộc chiến, (2) ràng buộc sự trung thành của quý tộc và tướng lĩnh với thủ lĩnh, biến những người này thành “chỗ dựa” để củng cố sự thống trị của thủ lĩnh Giéc-man ở các vùng đất mới chiếm được. Không những được thủ lĩnh ban cấp cho đất đai, quý tộc và tướng lĩnh còn được thủ lĩnh (sau này gọi là “quốc vương”) ban cho nhiều tước vị cao: công tước, hầu tước, bá tước, tử tước và nam tước. Các quý tộc có tước vị này đều có toàn quyền trên đất của mình, nhưng không được thừa kế. Đến thế kỷ VIII – IX, do chiến tranh liên miên giữa các tướng lĩnh, quý tộc với nhau, giữa tướng lĩnh, quý tộc với quốc vương nhằm mở rộng đất đai đã làm cho quyền lực của nhà vua bị suy yếu – nhà vua “vô hình chung” bị biến thành một lãnh chúa mà lãnh thổ của ông ta bằng, có khi nhỏ hơn vùng đất của các quý tộc. Lợi dụng sự suy yếu của nhà vua, các quý tộc nhanh chóng phát triển thế lực, của cải và mở rộng đất đai, dần dần trở thành tầng lớp thống trị mà người ta gọi là lãnh chúa ở châu Âu. Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, người ta gọi tên tầng lớp thống trị này là quý tộc. Mặc dù có nguồn gốc chính là các chủ nô Roma, tướng lĩnh quý tộc Giéc-man biến đổi thành, các lãnh chúa châu Âu đều có điểm chung rất tương đồng với chủ nô Roma cổ đại: rất giàu có về của cải và tài chính, sống xa hoa (nói nôm na là kẻ “ăn chơi trác táng”), sống bằng việc bóc lột nông nô thậm tệ.

Trái ngược với lối sống giàu có của lãnh chúa là lối sống nghèo khổ của giai cấp bị trị mà người ta gọi là nông nô (serf). Nông nô có nguồn gốc từ các nô lệ được giải phóng khi Roma sụp đổ. Họ sống trong các công xã nông thôn, có ruộng để tự do cày cấy. Về sau, do các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên mà nhiều nông nô mất ruộng, mất nhà cửa. Lối thoát duy nhất là nông nô dựa vào lãnh chúa vì họ cho rằng, ở trong đất lãnh chúa an toàn hơn. Nông nô lúc đầu bán ruộng, về sau bán mình làm người làm việc cho lãnh chúa. Bám vào ruộng đất do lãnh chúa cấp là tài sản của mình, nông nô bị phụ thuộc vào lãnh chúa, thực hiên mọi nghĩa vụ với lãnh chúa phong kiến. Họ cày ruộng, nợp một phần hoa lợi (dưới dạng tô, thuế) cho lãnh chúa.

1. Lãnh địa phong kiến

Về mặt khái niệm, lãnh địa phong kiến là những vùng đất đai rộng lớn mà lãnh chúa chiếm được, biến thành khu đất của riêng mình. Mỗi lãnh chúa đều có một lãnh địa riêng của mình, không ai đụng chạm ai và không ai có thể xâm phạm đất đai của nhau. Việc tạo các lãnh địa riêng của lãnh chúa góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, tránh những xung đột không đáng có giữa các lãnh chúa và bảo vệ khỏi các cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Các lãnh địa phong kiến thường có diện tích rất rộng lớn, tới vài trăm hoặc vài nghìn héc-ta. Có một số lãnh chúa có thể do có cùng họ hàng và thế lực lớn nên họ sát nhập các lãnh địa nhỏ tạo thành lãnh địa lớn. Ví du, lãnh địa Paris (Pháp) là ba lãnh địa nhỏ hợp thành, lãnh địa A-miêng (Pháp) là có 2 lãnh địa nhỏ hơn hợp thành. Trong lãnh địa có đủ thứ: rừng núi, ao hồ, sông ngòi, nhà ở của nông nô… và thứ quan trọng nhất thực hiện quyền cai quản lãnh địa, đó là lâu đài của lãnh chúa. Lâu đài này được xây trên mô đất cao khoảng 1 đến 2 m, có nhiều tháp canh và hào sâu bao quanh.
Nhìn vào bức tranh này, chúng ta ngược về quá khứ để đóng vai là một người “thám hiểm”, đi mô tả lãnh địa của lãnh chúa là một vùng đất như thế nào. Thường, dấu hiệu nhận biết lãnh địa là: một nhà thờ, một tòa lâu đài ở phía xa xa (mắt của người nhìn tối đa 8 km theo đường chim bay) và các ngôi nhà nhỏ lúp xúp phía dưới, ruộng đồng canh tác bao la…. Điểm chung của lãnh địa là có những con đường để qua lại, nhưng đồng thời ngăn cách nhà ở của nông nô với lâu đài của lãnh chúa. Các em (đóng vai là những nhà thám hiểm, thượng khách của lãnh chúa) được dẫn vào lâu đài. Dọc đường đi thì thấy những cánh đồng rất rộng, chia thành nhiều thửa lúa đang trổ bông (hay đang đến mùa thu hoạch), và cũng có thể thấy cảnh nông nô đang gặt lúa. Dọc đường đi, chúng ta cũng thấy cả chục thừa vườn nho, vườn quả và vườn rau. Họ (tức nông nô) gặt lúa để lấy thóc gạo, bỏ thành từng bao và vận chuyển đến trước lâu đài, gọi người của lãnh chúa ra lấy. Nhìn về phía xa xa, em thấy có những khu rừng, ao hồ và một đoạn sông ngòi… Khu rừng rú, sông ngòi đó chính là tài sản của lãnh chúa. Nông nô cũng được sử dụng nhưng phải nộp một khoảng thuế nhất định thì mới được lãnh chúa cho phép sử dụng. Nhìn sang góc khác, các em thấy những ngôi nhà lợp lá thấp lụp xụp và sơ sài, đó là những ngôi nhà (thực chất gọi đúng là “lều”) do nông nô ở. Những căn lều này được dựng lên rất sơ sài với nguyên liệu làm là vải, da lợp vào. Cửa sổ cũng được che bằng những mảnh vải thô. Nhìn sâu vào trong lều, thấy không gian lều rất tối tăm, chỉ có duy nhất gian chứa đồ ngũ cốc và gian chứa công cụ lao động. Bên ngoài lều là chuồng bò, chuồng ngựa. Nông nô ở cùng với gia đình của mình, làm việc miệt mài không nghỉ.

Men trên con đường, em thấy nguyên một tòa tháp cao sừng sững trước mặt, nhiều tháp có hàng chục lỗ nhỏ… đó là lâu đài. Muốn vào lâu đài, chúng ta phải vượt qua hào sâu bằng cầu treo bằng gỗ có dây kéo lên xuống. Vào tận bên trong lâu đài, vừa đi vừa quan sát thì thấy: lâu đài được bao bọc bởi ba vòng thành khác nhau: vòng thành ngoài cùng thường là nơi cất giữ lương thực, vũ khí và nhà kho. Trên tường ngoài của vòng thành này, người ta đục lan can hình răng cưa để quân lính bảo vệ sẽ ném đá hoặc các vật dụng gây sát thương cao vào kẻ địch đang xâm lấn. Vòng thành giữa là nơi sinh hoạt, định cư của nông nô và quân lính. Vòng này cũng để nhà kho, nhà thờ và vòng trong cùng – tòa lâu đài của lãnh chúa. Đến rồi vào thành tòa lâu đài (thực chất là tháp phòng ngự), chúng ta thấy ở tầng trệt là một căn phòng khá rộng và thấy có chứa nhiều công cụ, vũ khí – đó là nhà kho. Lên cầu thang (xoáy trôn ốc), chúng ta sẽ vào các tầng trên với cách bày biện ở mỗi tầng rất khác nhau. Tầng đầu tiên (tầng một) có nguyên một dãy bàn với hàng chục chiếc ghế được sắp xếp ngăn nắp, đó là phòng khách. Từ tầng 2 trở lên, chính là nơi nghỉ ngơi của lãnh chúa và gia đình. Chúng ta đi dọc cầu thang cuốn, quan sát tường thì thấy, xung quanh tường người ta đục nhiều lỗ châu mai cũng với mục đích bảo vệ lâu đài

Trong lãnh địa, lãnh chúa có toàn quyền với mọi thứ, từ con người cho đến mọi vật xung quanh. Ông ta quản lý kinh tế, tài chính và quân đội trong lãnh địa. Mặc dù vậy, ông ta sống chủ yếu ở trong lâu đài với gia đình và những tùy tùng. Công việc chính của lãnh chúa là tổ chức tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, quanh năm chỉ biết bắn cung, đánh kiếm và đi săn trong rừng rú cùng với những tùy tùng. Nhờ có sức mạnh quân sự, lãnh chúa ngày càng không bị phụ thuộc vào nhà vua. Họ có quyền đặt ra nhiều thứ thuế và tự động thu thuế mà không cần xin phép nhà vua.

Trái ngược với cuộc sống giàu sang của lãnh chúa, nông nô sống trong các ngôi nhà lụp xụp (có chỗ gọi là “lều”) với điều kiện sinh sống thấp kém. Nhà lợp bằng lá cây, tường đất và mái nhà không có ống khói. Đồ đạc trong nhà không có nhiều, chỉ toàn là thức ăn và các công cụ lao động, vườn cây ăn quả. Hằng ngày, nông nô phải dậy sớm để ra đồng làm quần quật từ sáng đến tối mịt thì mới được nghỉ ngơi. Họ cũng được lãnh chúa cho phép canh tác trên những cánh đồng khác, nhưng với điều kiện là phải nộp cho lãnh chúa một khoản thuế thì mới được canh tác. Sau khi thu hoạch sản phẩm, đến kỳ hạn thì nông nô phải nộp sản phẩm cho lãnh chúa. Mức nộp là 1/3 sản phẩm mà nông nô thu hoạch được. Theo nghiên cứu của Poliansky, mức thuế của nông rất đa dạng tùy theo từng vùng. Ở Nam Đức, nông nô nộp thóc và hoa quả, gia súc, quần áo; dân chài nộp cá. Ở Tây Bắc Đức, nông nô nộp một bầy gà mái. Lao dịch của nông nô rất nặng nề: họ phải làm phu vận chuyển sản phẩm sang nộp cho chủ, kiêm luôn xây dựng đường sá, cầu cống. Mặc dù lao động cực nhọc, nhưng nông nô vẫn còn là người tự do hơn nô lệ phương Tây cổ đại. Nông nô vẫn có tài sản riêng, có ruộng đất và vườn cây riêng và được lập gia đình… tóm lại là nông nô rất tự do về cuộc sống. Chính không khí tự do đó đã thúc đẩy nông nô luôn cải tiến công cụ, kỹ thuật sản để nâng cao sản xuất, đưa xã hội châu Âu ngày càng tiến bộ.

2. Sự ra đời các thành thị trung đại châu Âu
Sự ra đời của hai tầng lớp xã hội chính ở châu Âu thời trung đại đã bước đầu định hình cho sự ra đời của nền kinh tế mới – kinh tế lãnh địa. Gọi là “kinh tế lãnh địa” là vì toàn bộ các hoạt động kinh tế đều nằm trong lãnh địa. Trong lãnh địa, nguồn nguyên liệu tự nhiên luôn có đủ (rừng núi, sông hồ) có đầy đủ đã giúp nông nô yên tâm sản xuất trong lãnh địa. Họ tự làm và tự tiêu thụ, nộp sản phẩm cho lãnh chúa. Khái niệm “buôn bán” hầu như không tồn tại ở trong lãnh địa vì nguyên liệu có đủ, hơn nữa nông nô cũng có suy nghĩ rằng: mua bán chẳng qua chỉ là trao đổi đơn thuần, chưa ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của họ. Mặc dù nông nô luôn cải tiến sản xuất, nhưng tường cao – hào sâu ở lãnh địa và lâu đài của lãnh chúa bị canh gác cẩn mật làm nông nô bị hạn chế về khả năng mở rộng suy nghĩ, tiếp thu cái mới. Cái mới trong lãnh địa thì cũng đã còn nhiều, nhưng sử dụng thường xuyên thì cái mới cũng sẽ trở nên lạc hậu, điều này trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của nông nô lúc đó. Kinh tế chỉ bó hẹp trong hoạt động đơn lẻ: trao đổi sản phẩm, nộp sản phẩm cho chủ nên mang tính đóng kín.

Đến thế kỷ XI – XII, kinh tế lãnh địa có sự thay đổi: nông nô tăng cường cải tiến kỹ thuật sản xuất. Mặc khác, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, trở thành một ngành nghề độc lập đã khiến nông nô có cơ hội tự do suy nghĩ và sáng tạo về kỹ thuật mới (làm đồ gốm bằng bàn xoay, dệt lụa, chế tạo vũ khí…), sản phẩm ra rất nhiều. Sản phẩm nhiều thì không gian chứa của lãnh địa không đủ, nông nô buộc phải xin lãnh chúa (thậm chí là lén bỏ trốn) đưa hàng hóa ra khỏi lãnh địa để tìm nơi khác tiêu thụ số hàng hóa này. Nơi họ thường lui đến để tiêu thu hàng hóa chính là nơi đông người qua lại ở ngã ba đường, ngã ba sông để trao đổi, buôn bán. Nông nô dùng các vật nuôi, sản phẩm để buôn bán với nhau, dần dần mở rộng thành chợ, rồi phát triển thành thị trấn và cuối cùng là thành thị.

Thành thị trung đại được các thợ thủ công (thoát thai từ nông nô mà ra) hợp tác cùng thương nhân sáng lập theo mô hình của các thành thị cổ đại phương Tây. Đóng vai là một thương gia đến thành thị trung đại để bán và mua lại một số mặt hàng, em sẽ được người hướng dẫn đưa đến một thành thị. Đến thành thị, ta thấy một dãy tường thành rất to và dày, cao tới 3 – 4 m, trước mặt là một hào sâu. Vượt qua cửa thành, em bắt đầu thấy những tuyến đường đan xen lẫn nhau và hẹp, những ngôi nhà và các gian hàng bày bán ngay trước mặt mình. Được người dẫn bước, vị thương nhân (là em học sinh đóng vai thành) rảo bước trên những tuyến đường trong thành thị. Tuyến đường rất hẹp và bẩn thỉu, ban đêm thì tối tăm vì không thấy một bóng đèn chiếu sáng nào. Chúng hẹp đến mức không đủ chỗ cho hai người cưỡi ngựa song song. Một số đoạn cua gấp trên tuyến đường giúp người đi bộ không bị rét cóng bởi gió mùa. Hai bên đường, ta thấy hai dãy nhà mọc san sát nhau. Nhà thường xây bằng gỗ, lợp mái bằng rơm hoặc lúa mạch và có từ 1 đến 2 tầng (nhà cao nhất là 5 tầng là cùng), tầng trên của nhà gần như đụng vào tầng trên của nhà đối diện nên ánh nắng hầu như không lọt xuống mặt đường. Mỗi nhà thường buôn bán một số mặt hàng, chào mời khách đến mua và bán. Nhiều đường phố được đặt tên theo nghề nghiệp của họ, như phố Hàng Da, phố Hàng Đồng, phố Kim Hoàn…..
Trong thành thị, cuộc sống của cư dân rất tự do. Họ thoải mái trong sản xuất ra các sản phẩm và tiêu dùng mà không bị ngăn cấm gì cả. Mặc dù tự do, nhưng thị dân cũng gặp nhiều khó khăn: lấy lửa bằng cách cọ xát đá vào, đốt nhựa thông làm đèn chiếu sáng ban đêm. Thời đó người dân chưa biết đến vệ sinh môi trường. Họ xây nhà san sát nhau, không chừa khoảng trống để xử lý rác, làm cống thoát nước nên khi mưa lớn, thị dân phải dò từng bước qua bùn lấy, dùng cà-kheo để đi. Những hố rác bẩn thỉu ở dọc đường chính là nguồn gây ra các bệnh truyền nhiễm, tuổi thọ thấp và tỉ lệ người chết tăng cao.
Hằng ngày cứ đến buổi sáng sớm, người dân đem hàng hóa ra bãi đất trống nằm ở trung tâm để buôn bán, sau phát triển thành chợ. Xung quanh chợ có trụ sở của chính quyền, các gian hàng và cửa hiệu, tòa án thành thị. Việc buôn bán, xét xử thường được tập trung tại đây. Mỗi năm thì cứ đến chủ nhật hoặc lễ lớn, cư dân tụ tập về chợ để nghe tin tức, trò chuyện, chợ trở thành nơi náo nhiệt nhất thành thị. Ở chợ, cư dân không chỉ trao đổi hàng hóa mà họ còn học hỏi về tri thức bên ngoài mà họ từ trước đó chưa bao giờ được biết. Dần dần, thành thị đảm nhiệm hai chức năng: trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa. Đặc biệt, chức năng thứ hai của thành thị chính là nguồn động lực, tiền đề để thị dân (về sau là tư sản) tiến hành cuộc đấu tranh văn hóa với lãnh chúa phong kiến, gọi là “Phong trào văn hóa Phục hưng”


Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Đức Thi (2005), Tư liệu tranh ảnh và bản đồ lịch sử 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Thế giới trung đại, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1967
3. Đặng Đức An (2001), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. F. Poliansky (1978), Lịch sử kinh tế các nước (ngoài Liên Xô) thời đại phong kiến (sách dịch), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
5. Chu Hữu Chí (2002), Thế giới 5.000 năm (bản dịch), Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội
6. Nguyễn Gia Phu (2002), Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo dục, Hà Nội
 
Top Bottom