Sử 7 NHO GIÁO TỪNG BƯỚC VƯƠN LÊN GIỮ VỊ TRÍ NGÀY CÀNG CAO TRONG XÃ HỘI ĐẠI VIỆT NHƯ THẾ NÀO?

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Một số bạn hỏi: Vì sao đến thế kỷ XV, Nho giáo trở thành "quốc giáo"? Vì sao đến thế kỷ XV Nho giáo chiếm địa vị độc tôn ở Đại Việt?
Thú thực tôi không rành về lĩnh vực này. Nhưng dạo quanh phốm phường, dạo qua thị trường thì có một số nhận thức sẽ trình bày dưới đây. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với từ dùng "quốc giáo", vì Nho giáo không phải là một tôn giáo, mà là một hệ tư tưởng - đạo đức. Nó có thể giữ vị trí chủ đạo, vị trí thống trị trong đời sồng chính trị, tư tưởng, nhưng không nên gọi là "quốc giáo".

Mời bạn tham khảo và tự xác định câu trả lời cho mình.
Thời Lý - Trần, Phật giáo là tôn giáo phát triển khá thịnh, được nhà nước suy tôn, chọn làm quốc giáo, mang tính nhập thế, tích cực. Nhưng Phật giáo không phải là học thuyết chính trị, không có sự giải đáp thích đáng những vấn đề có liên quan đến việc cai trị quốc gia và duy trì trật tự xã hội.
Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức chủ trương xây dựng các quan hệ xã hội, nhất là quan hệ giữa người cai trị và dân chúng. Đồng thời, đưa ra những chuẩn mực đạo đức cho hành vi ứng xử của con người (những yêu cầu đối với các quan hệ vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, thầy – trò) và đối với việc tu thân, tề gia, trị quốc..., có tác dụng to lớn trong việc giúp các triều đại củng cố nền cai trị, tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương, ổn định trật tự xã hội mà Phật giáo và Đạo giáo không thể sánh kịp.
Về cơ bản, nhà Trần vẫn tôn chuộng đạo Phật nhưng để duy trì quyền lực, tổ chức quản lý xã hội, giáo dục đạo đức trung quân, nhà Trần đã lựa chọn Nho giáo. Vị thế của Nho giáo ngày càng được nâng cao và trở thành độc tôn vào thời nhà Lê thế kỷ XV.

1. Nho giáo được tiếp thu qua chủ nghĩa yêu nước và đến thời Trần được vận dụng phù hợp với thực tiễn Đại Việt
Trần Quốc Tuấn với tư tưởng chính trị Nho giáo, đã nêu lên những luận điểm cơ bản về xây dựng một xã hội vững mạnh. Đó là một xã hội đoàn kết, “trên dưới cùng lòng, cả nước gắng sức”, “vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục”. Trong mô hình xã hội mà Trần Quốc Tuấn nên lên, đã đề cập đến những phạm trù như vua tôi, dân, anh em, cha con,... là những phạm trù phản ánh những mối quan hệ hết sức cơ bản của xã hội phong kiến. Nhưng khi phân tích các mối quan hệ này, ông nhấn mạnh đến sự đoàn kết, nhất trí trong triều đình, trong quân đội và toàn dân tộc. Nho giáo được tiếp thu một cách sáng tạo, các khái niệm có hình thức Khổng giáo nhưng nội dung lại phù hợp với văn hóa, tình cảm, tín ngưỡng và tâm lý dân tộc. Trong đó chủ nghĩa yêu nước đã trở thành yếu tố chi phối, làm cho tư tưởng Nho giáo có sắc thái Đại Việt.
Cùng với yêu cầu tổ chức quản lý xã hội và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sự phát triển của Nho giáo còn gắn liền với nhu cầu phát triển văn hoá, giáo dục. Càng về cuối Trần, Nho giáo càng nâng cao vị thế thông qua con đường học tập, khoa cử. Nhà Trần cho lập Quốc học viện. Năm 1272, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu tìm người tài giỏi, có đạo đức, thông hiểu kinh sách làm t¬ư nghiệp Quốc tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách.
Khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền bính, chú trọng phát triển giáo dục Nho học. Cuối thế kỷ XIV, Nho giáo phát triển mạnh, chiếm ưu thế trong cung đình và đi sâu vào sinh hoạt tinh thần của Đại Việt trên nhiều mặt. Giáo dục Nho học giữ vị trí chủ đạo trong nền giáo dục đất nước. Tầng lớp Nho sĩ trở nên đông đảo và tích cực tham gia các công việc chính trị của đất nước, phấn đấu cho lý tưởng của Nho giáo, phát triển những quan điểm về các mặt chính trị, xã hội, đạo đức.

2- Hệ tư tưởng Nho giáo đáp ứng được yêu cầu thay đổi lực lượng nắm chính quyền phong kiến để xây dựng và bảo vệ đất nước
Cuối đời Trần, xã hội Đại Việt bước vào khủng hoảng toàn diên (từ đời vua Trần Dụ Tông). Chính quyền trung ương suy yếu, không còn khả năng kiểm soát đất nước. Trong các cuộc đụng độ với Chiêm Thành, Đại Việt không đủ sức tự vệ. Cuối thế kỉ XIV, nhà Minh cũng bắt đầu xúc tiến xâm lược Đại Việt. Trên cả hai bình diện tư tưởng và thực tiễn, phải giải quyết vấn đề độc lập dân tộc và bình đẳng với quốc gia phong kiến phương Bắc.
Mô hình nhà nước quý tộc quân chủ với một hệ thống chính trị thiếu chặt chẽ, quyền lực thuộc về các thân vương, quý tộc, tôn thất, dựa trên cơ sở kinh tế điền trang thái ấp tỏ ra không còn phù hợp nữa, cản trở sự phát triển xã hội.
Lê Văn Hưu đứng trên lập trường nhà Nho lên án việc tiêu phí tiền của, sức lực của nhân dân vào việc xây dựng chùa chiền, tháp. Trương Hán Siêu tố cáo các nhà sư chiếm đoạt ruộng vườn, nhà cửa, ham mê cảnh đẹp, coi sự phát triển quá mức của đạo Phật là nguyên nhân đã gây ra tác hại cho sản xuất. Ông cho tín đồ đạo Phật là yêu ma, gian tà, giáo lý Phật giáo chỉ mê hoặc chúng sinh. Trong khi công kích, bài xích Phật giáo, các Nho sĩ nhà Trần luôn đề cao Nho giáo. Lê Văn Hưu coi Nho giáo như là cơ sở lý luận cho mọi hoạt động chính trị của triều đình. Vào cuối Trần, giới Nho sĩ ngày càng có vị trí đáng kể trong xã hội và ngày càng có đủ uy lực để công khai phản đối một số đặc quyền đặc lợi của quý tộc, mà còn công khai phản đối Phật giáo lúc Phật giáo còn là tôn giáo của nhà vua.
Cuộc đấu tranh công kích Phật giáo vừa nhằm khẳng định địa vị cho Nho giáo trong đời sống văn hóa - tư¬ tưởng, vừa là cuộc đấu tranh để chuẩn bị cho tầng lớp Nho sĩ bước lên vũ đài chính trị; đồng thời báo hiệu sự sa sút của Phật giáo. Từ đây, Nho giáo dần tiến lên nắm vị trí chủ đạo trong sinh hoạt tư tưởng của Đại Việt.
Hồ Quý Ly là người mô phỏng theo triều đình Trung Hoa cổ điển, đề cao những tác phẩm kinh điển và các kỳ thi Nho học, nhưng không tôn sùng Tống Nho một cách mù quáng. Lần đầu tiên kinh điển Nho giáo được thẩm định lại khi Hồ Quý Ly nêu lên những điểm nghi ngờ đối với sách Luận ngữ và người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử. Hồ Quý Ly và những người ủng hộ ông đã gạt bỏ nhà Trần, hạn chế quyền lực của giới qúy tộc cũng như hạn chế những bổng lộc và đất đai của họ. Dưới ảnh hưởng của Hồ Quý Ly, xu hướng thay dần nhà nước quân chủ do quý tộc nắm thành nhà nước quân chủ do quan lại nắm ngày càng thể hiện rõ vào cuối thế kỉ XIV.
Để tăng cường sức mạnh cho nhà nước quân chủ tập trung, Hồ Quý Ly trọng dụng các nho sĩ có tài, kể cả nho sĩ lớp dưới. Năm 1400, vừa mới thiết lập triều chính song, Hồ Quý Ly đã cho mở kì thi Thái học sinh, lấy đỗ 20 người, trong đó có Nguyễn Trãi. Đồng thời trọng dụng Nguyễn Phi Khanh vốn là một người đỗ đạt cao dưới thời Trần nhưng không được sử dụng vì là thành phần bình dân. Theo GS. Trần Văn Giàu, “dưới thời nhà Hồ, Nho giáo được Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào trước đó. Điều chắc chắn là đến nhà Hồ, Nho giáo đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong bộ máy Nhà nước”.
Cuộc xâm lăng của nhà Minh vào năm 1406 - 1407 đã tiêu diệt triều đình nhà Hồ và kéo theo sự thất bại cũng như kết thúc công cuộc cải cách còn đang dang dở của Hồ Quý Ly.

3- Tư tưởng Nho giáo phù hợp với yêu cầu xây dựng và củng cố sức mạnh của nhà nước theo hướng tập quyền chuyên chế
Thất bại của Triều đại Hồ Quý Ly để lại bài học lịch sử sâu sắc mà trực tiếp sau đó Nguyễn Trãi đã định hướng phát của dân tộc theo tư tưởng chính trị Nho giáo tuyệt đối để xây dựng một nhà nước mạnh, thống nhất, tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương. Điều mà Hồ Quý Ly chưa làm được thì sau đó vào nửa cuối thế kỷ XV, Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã tiếp nối, hoàn thành đưa chế độ phong kiến Việt Nam phát triển đến đỉnh cao.
Một công việc thiết yếu mà các vua thời Lê sơ đều quan tâm và cố gắng thực hiện là kiện toàn bộ máy nhà nước quân chủ tập trung, mang tính quan liêu chuyên chế. Đến thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), nó đạt tới đỉnh cao, trở thành một nhà nước toàn trị, cực quyền. Đây là một bước ngoặt lịch sử, một sự chuyển đổi mô hình, từ nền quân chủ quý tộc thời Lý - Trần mang đậm tính Phật giáo màu sắc Đông Nam Á sang một nền quân chủ quan liêu Nho giáo Đông Á.
Trong thiết chế quân chủ tuyệt đối thời Lê sơ, vai trò của nhà vua đã được đẩy lên rất cao với chủ nghĩa "tôn quân". Theo đó, nhà vua là "con Trời". Người giữ mệnh Trời, thay Trời trị dân ; các ấn tín của vua đều khắc chữ "Thuận thiên thừa vận", "Đại thiên hành hóa". Điện Kính Thiên được xây trong Hoàng thành Thăng Long. Hoàng đế là người chủ tế duy nhất trong các buổi tế lễ (tế Trời, tế Tôn miếu, tế Khổng Tử), là Tổng chỉ huy quân đội (Lê Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Champa). Thời Lê Thánh Tông, chức Tướng quốc (Tể tướng) đầu triều và một số chức danh đại thần khác đã bị bãi bỏ. Hoàng đế trực tiếp điều khiển triều đình. Quyền lực của các quý tộc tôn thất cũng bị hạn chế, không được lập quân vương hầu, phủ đệ, Lê Thánh Tông bỏ lệ ban Quốc tính. Thời Lê sơ, một số công thần có uy tín và quyền lực cao đã bị nghi kỵ và lần lượt bị giết hại, như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Khả, Lê Sát, Lưu Nhân Chú và Nguyễn Trãi.
Bộ máy quan liêu hành chính và chuyên môn cũng được kiện toàn từng bước. Năm 1471 , Lê Thánh Tông đã tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhằm tăng cường sự kiểm soát của Hoàng đế đối với các triều thần, tăng cường sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau trong giới quan liêu, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quan lại.
Trong triều đình, dưới quyền điều khiển trực tiếp của nhà vua là 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đứng đầu là Thượng thư, giúp việc có 2 Thí lang. Bên cạnh đó, còn có Lục khoa với chức năng theo dõi, giám sát và Lục tự với chức năng điều hành. Những cơ quan chuyên môn trong triều gồm có các đài, các viện, giám, sảnh như Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Quốc tử giám, Nội thị sảnh...
Về mặt hành chính, Lê Thánh Tông chia nước thành 13 đạo (sau đổi là 13 thừa tuyên). Kinh thành Thăng Long thuộc một đơn vị hành chính đặc biệt, gọi là phủ Trung Đô, sau đổi thành phủ Phụng Thiên, từ năm 1430 gọi là Đông Kinh (để phân biệt với Tây Kinh, tức Lam Kinh, Lam Sơn - Thanh Hoá). Dưới đạo thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, cùng các đơn vị cơ sở như hương, xã, thôn, trang, sách, động, nguồn, trường. Riêng kinh thành Thăng Long được chia thành 36 phường.
Dưới thời Lê sơ nói chung, và thời Lê Thánh Tông nói riêng, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn; Phật giáo và Đạo giáo bị hạn chế. Phật giáo bị đẩy lui xuống sinh hoạt ở các làng xã. Đó là một đặc điểm lớn của thời kỳ này

Bài viết của PGS Vũ Quang Hiển, Hà Nội

012.PNG
 
Top Bottom