Dạy và học môn văn: Cần sự thay đổi triệt để

T

tranquang

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Dạy và học môn văn: Cần sự thay đổi triệt đ

Thực ra từ rất lâu, người ta đã nhận ra tính chất đa chức năng của môn văn. Môn văn trong nhà trường ít ra cũng phải đảm nhận ba chức năng: vừa là một môn học công cụ (như môn toán), vừa là một môn khoa học xã hội-nhân văn (như lịch sử, giáo dục công dân), lại là một môn nghệ thuật (như nhạc, họa). Trước khi là một môn khoa học hay nghệ thuật, môn ngữ văn cần làm tốt chức năng môn học công cụ, trang bị cho người học hiểu biết và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ-ở đây là tiếng Việt-như là phương tiện giao tiếp, công cụ tư duy và phương tiện chuyển tải tri thức thuộc mọi lĩnh vực. Chính vì tính chất công cụ này mà môn ngữ văn cùng với môn toán là hai môn cơ sở ở cả ba cấp trong bậc học phổ thông, luôn có mặt trong các kỳ thi hết cấp và tốt nghiệp phổ thông.

Từ quan niệm chức năng của môn ngữ văn như trên sẽ định hướng cho việc xác định mục tiêu và yêu cầu của môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp, và cũng từ đó sẽ định hướng cho việc xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, xác định phương pháp dạy và học. Ở đây, xin không bàn sâu về những phương diện đó, mà chỉ xin nêu một vấn đề, nhưng là vấn đề cốt yếu. Mục tiêu cơ bản của việc dạy và học ngữ văn là gì? Cung cấp tri thức hay hình thành kỹ năng? Theo tôi, phát triển năng lực ngữ văn cho người học mới là mục tiêu cuối cùng của dạy học văn. Năng lực văn là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều phương diện có liên quan chặt chẽ với nhau: năng lực đọc hiểu, năng lực phân tích khái quát, đánh giá một hiện tượng văn học, năng lực cảm thụ thẩm mỹ, năng lực trình bày, diễn đạt tư tưởng và cảm xúc của mình (bằng nói, viết) và cuối cùng là năng lực vận dụng vào thực tiễn.

Việc chuyển trọng tâm từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực sẽ làm thay đổi cách dạy và học, thay đổi các chuẩn đánh giá kết quả học tập. Khi ấy, các bài văn trong sách giáo khoa chỉ chủ yếu là phương tiện để hình thành năng lực văn cho học sinh. Ở nhiều nước, văn bản trong các bộ sách giáo khoa có thể khác nhau khá nhiều, mà không hề gây khó khăn cho thầy và trò. Bởi vì, trong các đề thi hầu như người ta không hỏi về các văn bản đã được học kỹ trong sách giáo khoa, mà thường là đưa ra một văn bản khác để kiểm tra năng lực đọc hiểu, vận dụng của học sinh.

Dạy, học và kiểm tra, đánh giá là những khâu liên hoàn có quan hệ chặt chẽ với nhau trong nhà trường. Cố nhiên, kết quả của việc học tập chỉ được đánh giá chính xác và toàn diện trong việc vận dụng vào thực tiễn, khi người học vào đời, nhưng trong nhà trường thì kiểm tra, thi cử vẫn là cách đánh giá quan trọng, thậm chí có khi còn là duy nhất. Thông thường thì kiểm tra, thi cử phải phù hợp với nội dung và cách thức dạy, học và yêu cầu cần đạt được của chương trình. Nhưng trong thực tế ở nước ta, lại có điều tưởng như nghịch lý mà đã thành quy luật: thi thế nào sẽ dạy và học thế ấy. Vì thế, muốn thay đổi cách dạy và học ngữ văn, theo tôi cần tác động vào khâu then chốt là thay đổi cách thi, đề thi.

Là người đã tham gia biên soạn nhiều sách giáo khoa môn văn thuộc nhiều chương trình khác nhau, lại cũng đã nhiều lần tham gia vào việc ra đề thi, hiểu rõ quá trình tìm kiếm, thay đổi của các chương trình môn văn và những cải tiến việc ra đề thi từ đầu những năm 90 đến nay, tôi thấy rất rõ rằng đã đến lúc cần một sự thay đổi triệt để, chứ không phải là những cải tiến nho nhỏ. Thử ngược trở lại khoảng mười lăm năm trước đây để tìm ra cái mô hình đầu tiên của cách ra đề thi đại học ít lâu nay. Đó là những bộ đề thi và hướng dẫn làm bài của các môn học có thi đại học, được biên soạn như một tài liệu chính thức, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc ấy. Phải nói là bộ đề thi môn văn được biên soạn khá công phu, đã có tác dụng định hướng rất cơ bản cho việc dạy và học môn văn ở lớp 11 và 12. Từ người dạy đến người học, rồi người ra đề thi, các nhà quản lý giáo dục đều hiểu là nội dung và yêu cầu của bài thi mn văn là nằm trong bộ đề ấy. Thậm chí, trong một số năm đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn khuyến khích các trường ra đề theo cách rút thăm ngẫu nhiên các câu trong bộ đề thi. Và thế là, ngay lập tức các cuốn sách bài văn mẫu được biên soạn và tung ra thị trường, bán rất chạy bởi nó đáp ứng một yêu cầu mang tính thực dụng của người đi thi. Những năm gần đây, bộ đề thi đã không còn được coi là tài liệu chính thức nữa. Việc ra đề cũng có một số cải tiến, ví như đề thi chung cho toàn quốc, tăng thêm số lượng câu từ hai lên ba câu v.v.. Nhưng tất cả những thay đổi đó không mang ý nghĩa cơ bản. Điều đáng ngạc nhiên nhất và cũng là điều cần nói nhất lại chính là ở chỗ này: Từ khi có bộ đề thi ấy, tất cả mọi người-từ thầy đến trò đến nhà quản lý giáo dục, từ phụ huynh học sinh đến các cơ quan ngôn luận… đều quan niệm rằng đề thi môn văn nhất thiết chỉ có thể nằm trong các văn bản ở sách giáo khoa. Không một ai, không một trường nào lại dám đưa vào đề thi một bài văn hay thậm chí chỉ một đoạn thơ không có trong sách giáo khoa, vì điều đó bị coi là ở ngoài chương trình. Nhưng hiểu như thế nào là nằm trong chương trình đối với môn ngữ văn? Có phải là đề thi chỉ được hỏi về các văn bản được học chính (không tính phần đọc thêm trong sách giáo khoa)? Chính từ cách hiểu như thế, cách ra đề như thế, đã dẫn đến cách học thi như lâu nay. Nghĩa là, thí sinh chỉ cần thuộc cho kỹ những mẫu phân tích, bình giảng về các tác phẩm, hay về một đoạn trong tác phẩm ấy, đã được cung cấp trong bài giảng của thầy, trong các sách văn mẫu. Thậm chí, có trường hợp một bài thi được điểm 10, sau đó đã bị phát hiện là giống hệt với một bài mẫu nào đó trong sách luyện thi. Lối học tầm chương, trích cú, cử tử, không coi trọng tính thực tiễn, thực nghiệp vốn là một nhược điểm nặng nề của giáo dục ở nước ta, tồn tại dai dẳng hàng nghìn năm, nay vẫn tiếp tục theo cách ấy ở trong việc học và thi môn văn. Và như thế, môn văn ngày càng xa rời đời sống, không coi trọng việc phát triển năng lực của người học, còn các kỳ thi thì lại chủ yếu đánh giá khả năng ghi nhớ, thuộc bài, viết lại theo mẫu của thí sinh. Cách dạy học và thi như thế tất sẽ dẫn đến tình trạng chán học văn của số đông học sinh. Vì vậy cần có ngay những sự thay đổi trong cách ra đề, trong việc đánh giá kết quả học tập về môn học này, đó là điểm then chốt sẽ tác động lại toàn bộ hệ thống, từ dạy, học, đến biên soạn sách giáo khoa, chương trình môn học.

Sự thay đổi ít ra cũng cần thể hiện ở hai hướng sau:

Một là, cần tăng cường các đề thi gắn với thực tiễn đời sống. Có thể ra đề về những vấn đề gần gũi với học sinh, thanh niên, những vấn đề mang tính thiết yếu, cập nhật của xã hội, đất nước, như về việc học tập, về đọc sách, giải trí, về internet hoặc về văn hóa, thiên nhiên, môi trường…

Hai là, với loại đề nghị luận văn học thì cần coi trọng đánh giá năng lực vận dụng chứ không phải là nhớ và thuộc bài. Vì thế, nói chung không nên ra đề vào những văn bản đã được giảng kỹ trong chương trình, mà cần đưa ra những văn bản mới để thí sinh thể hiện năng lực đọc hiểu của mình bằng cách vận dụng các tri thức ngữ văn đã được tích lũy trong cả quá trình học phổ thông cùng với các kỹ năng cần thiết đã được hình thành và rèn luyện trong việc đọc hiểu rất nhiều văn bản trong sách giáo khoa…

Về vấn đề này, chúng tôi sẽ bàn sâu vào một dịp thích hợp. Chúng tôi tin rằng thầy và trò trong các trường phổ thông đang chờ đợi câu trả lời bằng hành động của các cơ quan quản lý giáo dục.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN LONG
 
Last edited by a moderator:
C

conu

Điều này cần làm ngay ko chậm trễ, vì giáo dục nước nhà. Tôi hoàn toàn đồng ý.
 
D

ducdung.com

Tôi vô cùng ủng hộ, nhất thiết phải thay đổi, không thể để tình trạng này tiếp diễn. Hoàn toàn nhất trí với bài báo trên.
 
T

tranquang

Theo bạn_dưới cách nhìn của một học sinh, bạn sẽ đưa ra những giải pháp nào?
 
C

crazyfrog

em nè.Đã qua thời học sinh rùi nên hiểu rõ.Em học bao nhiêu giáo viên dạy văn đều thấy chỉ có cô giáo độc thoại tren bảng mà thui chứ không hề cho học sinh được phát biểu trong giờ học mà chỉ đến bài kt mới có dược phút sáng tạo riêng mà thôi.Như vậy có nghĩa là áp đặt học sinh phải đi theo lối suy nghĩ của mình mà không hề có sự sáng tạo của học sinh. >"< điều này sẽ khiến cho học sinh càng ngày càng ghét môn văn mặc dù đây là một môn học rất thú vị
 
T

tranquang

crazyfrog said:
áp đặt học sinh phải đi theo lối suy nghĩ của mình mà không hề có sự sáng tạo của học sinh. >"< điều này sẽ khiến cho học sinh càng ngày càng ghét môn văn mặc dù đây là một môn học rất thú vị
Nếu em ở trong vai trò là người giáo viên dạy văn, em sẽ làm những việc cụ thể nào? Để truyền tải kiến thức, để xây dựng cho các em học sinh ý một tình yêu văn học, yêu thật lòng ko tính toán?
 
C

crazyfrog

Cái này hả???? Em nhớ hồi em học thêm bà trẻ em bà có nói muốn học văn hay đúng hơn là yêu văn cần phải yêu người. Yêu ở đây ko phải là tình cảm nam nữ mà là tình cảm đồng loại.Vì thế trước khi học văn luôn nghe những câu chuyện trước hết. Để có thể làm được điều đó.Đúng hơn là lúc đầu luôn được nghe chuyện cổ tích thế là ngày nào cũng muốn học để được nghe chuyện cổ tích rùi sau đó yêu văn từ lúc nào cũng không biết ^^ . Đó là cách bà đã dần làm cho em yêu văn mà không có chút tính toán gì cả ^^. Kể ra không thấy xấu hổ vì ai chả vậy ^^
 
C

conu

Học văn cần có niềm say mê không toan tính như bạn, nhất là không quá đặt nặng điểm số, chỉ cần yêu văn và sống hết mình với văn là ta sẽ tự nhiên gặt được nhưng kết quả kỳ diệu và bất ngờ.
 
F

funny9x

Đã đến lúc việc dạy và học văn cần thay đổi để tìm một luồng sinh khí mới cho nền giáo dục nước nhà.
 
C

crazyfrog

Người dạy không truyền đạt được hết ý của văn bản thì làm sao học sinh có thể lĩnh hội được cơ chứ >"< Vì sao ư?? Đơn giản thôi vì các giáo viên hay dựa vào các sách có sẵn chứ ko tìm tòi
 
K

kakas

Vậy ý kiến và giải pháp cụ thể mà các vị đưa ra ở đây là gì? Hay chỉ đơn thuần là ta có cái mồm ta cứ nói? Ai cũng có thể biết rằng thực trạng dạy văn trong nhà trường chúng ta hiện nay là cách truyền đạt từ 1 phía. Không có, hoặc rất ít khi nhận được sự tương tác từ phía học sinh. Theo cá nhân tôi, nếu khắc phục được tình trạng đọc chép, thúc đẩy được học sinh đóng góp ý kiến để xây dựng bài, thì 1 giờ văn sẽ có chất lượng. Và cả một chương trình đào tạo sẽ đạt được mục đích.
 
H

hoanglephuong

kakas said:
Vậy ý kiến và giải pháp cụ thể mà các vị đưa ra ở đây là gì? Hay chỉ đơn thuần là ta có cái mồm ta cứ nói? Ai cũng có thể biết rằng thực trạng dạy văn trong nhà trường chúng ta hiện nay là cách truyền đạt từ 1 phía. Không có, hoặc rất ít khi nhận được sự tương tác từ phía học sinh. Theo cá nhân tôi, nếu khắc phục được tình trạng đọc chép, thúc đẩy được học sinh đóng góp ý kiến để xây dựng bài, thì 1 giờ văn sẽ có chất lượng. Và cả một chương trình đào tạo sẽ đạt được mục đích.
Bạn có biết không, trong lớp của Amaranth, việc "soạn bài" môn Văn trở thành việc chép bài soạn của một bạn yêu Văn, vì thế cô chịu thua… chỉ còn dám yêu cầu các bạn "đọc trước văn bản" ở nhà (thế mà còn khối bạn không đọc). Trong giờ học cô mình cũng có hỏi các em nghĩ sao về vấn đề này… nhưng mà các bạn khác thì đều nghĩ "chắc cô trừ mình ra" cho nên rốt cuộc người học Toán người học Lý chã ai buồn phát biểu; cô đành phải đặt những câu hỏi gợi mở cụ thể hơn thì mới có một vài người "đại diện" giơ tay trả lời… cuối cùng chẳng đâu vào đâu, cô phải tổng kết lại và lúc này bà con mới đua nhau viết. Không chỉ cần sự thay đổi từ phía thầy cô không đâu bạn à, mình đã chứng kiến cô mình bất lực trước học sinh… một chút ngậm ngùi…
 
K

kakas

hoanglephuong said:
Bạn có biết không, trong lớp của Amaranth
Vậy ra quan anh Amaranth là hoanglephuong àh?
Em thì em nghĩ việc truyền cho học sinh một đam mê văn chương thì giáo viên trước tiên phải là người đam mê, và sau đó phải tâm huyết có sự sáng tạo. Là một con người già nhưng tâm hồn trẻ. Có thể là người bạn chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời với chính chúng em. Khi mà cô, thầy dạy văn đã là một phần trong tâm hồn của bọn em thì môn Văn cũng sẽ như thế thôi. Chính cá nhân kakas này muốn không chỉ thầy cô mà còn cả ba mẹ hãy như 1 người bạn với teen chứ đừng là người ra lệnh.
Các vị sẽ chỉ nhận được sự chống đối mà thôi! Amen, Chúa ơi con nói toàn sự thật!
 
H

huongmotor

Thực ra để lôi kéo học sinh tham gia vào giờ học là cả một nghệ thuật
Nếu có những câu hỏi hấp dẫn - phù hợp với tư duy và mang tính tranh luận cao thì chắc chắn học sinh sẽ tham gia!
Tôi còn nhớ- lớp tôi ko ai trả lời khi một cô giáo dạy thay môn Văn hôm ấy - vì thực tế chỉ cần nhìn SKG cũng có thể có đáp án!
Một giáo viên tâm huyết với nghề sẽ có phương pháp để lôi cuốn học sinh của mình!
 
H

hoanglephuong

kakas said:
hoanglephuong said:
Bạn có biết không, trong lớp của Amaranth
Vậy ra quan anh Amaranth là hoanglephuong àh?
Không, ý mình nói là chuyện lớp của Amaranth thế đấy (toàn mấy người học A), chứ lớp của mình thì không (lớp mình ban D) ^^

Không phải chỉ có thầy cô cố gắng là được đâu, mình đã nhìn thấy rồi… cô mình nói dạy lớp ban C như cá về nước… dạy cho ban A giống như cá lên bờ… lúng túng quá…thậm chí khó thở quá… Mà dễ thở thế nào được khi học sinh đã thờ ơ sẵn với môn Văn rồi… có lẽ cái vấn đề này phải được thay đổi từ cấp Một lên nhỉ :-?
 
H

hoanglephuong

huongmotor said:
Thực ra để lôi kéo học sinh tham gia vào giờ học là cả một nghệ thuật
Nếu có những câu hỏi hấp dẫn - phù hợp với tư duy và mang tính tranh luận cao thì chắc chắn học sinh sẽ tham gia!
Tôi còn nhớ- lớp tôi ko ai trả lời khi một cô giáo dạy thay môn Văn hôm ấy - vì thực tế chỉ cần nhìn SKG cũng có thể có đáp án!
Một giáo viên tâm huyết với nghề sẽ có phương pháp để lôi cuốn học sinh của mình!
Chị ơi, mấy bạn của tụi em không giống mấy bạn của chị đâu, họ không trả lời không phải vì hứng thú hay không, mà vì họ mất cái thói quen trả lời rồi…
 
K

kakas

Em thì em nghĩ chẳng phải thế. Các cô cứ nghĩ thế thành ra làm cho chính học sinh của mình cũng ngán ngẩm. Các cô không xem học sinh ban A là người cần học văn các cô cứ dạy qua loa cho xong tiết. Chán!
Thay đổi là thay đổi trong ý thức thôi. Em nghĩ thế. Chỉ cần làm cho học sinh thích đó là thành công lớn nhất của người giáo viên rồi! Còn để được như thế thì theo em cần có sự đầu tư trong bài giảng và trong cách giáo viên tiếp cận, gần gũi cùng học sinh. Hãy làm theo câu của các bé mẫu giáo :"Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường co giáo như mẹ hiền".
=> Có lẽ em lại viển vông rồi!
 
Top Bottom