Chương 1 : HỌC PHÉP BIẾN HÓA
Bấy giờ là vào đời vua Linh Đế, tại quận Cự Lộc có Trương Giác thi trượt tú tài, không quản đèn sách nữa, ngày ngày vào núi hái thuốc.
Bỗng một buổi sáng, đang vừa đi vừa dụi mắt thì Trương Giác gặp một ông lão mặt đỏ như hài đồng, mắt xanh như nước biếc, tay chống gậy lê, kêu Trương Giác lại đưa cho cái Card vidit có dòng chữ: “Lê Văn Bụt. Giải quyết đủ thứ”, rồi hỏi:
- Làm sao con khóc?
- Khóc đâu, tại bụi bay vào mắt nên nước mắt tràn ra đấy chứ.
- Vậy hôm qua làm sao con khóc?
- Hôm qua có khóc đâu?
- Vậy thì hôm kia, làm sao hôm kia con khóc?
- Hôm kia? Cũng không có khóc, đàn ông không khóc bao giờ.
- Sao lại không khóc bao giờ, chả phải có bài hát “Nước mắt đàn ông” là gì?
- Vụ này...
- Tóm lại đàn ông cũng phải có lúc khóc chứ, cố nhớ lại đi.
- À, có... lâu lắm rồi... con có khóc...
- Có thế chứ... vậy nghĩa là có khóc. Chúng ta nói lại từ đầu nhé: Làm sao con khóc?
- Tự nhiên con buồn không hiểu vì sao con buồn.
- Sặc!
Bụt nản, nhưng vẫn cố gắng hỏi có cần giúp gì không. Trương Giác nói:
- Thưa Bụt, con muốn có phép gọi mưa gọi gió.
- Cái này khó lắm - Bụt gãi đầu - nói vụ khác dễ dễ chút đi con trai.
- Vậy con muốn xung quanh khu vực con sống sẽ hết tắc đường, không bao giờ bị cúp điện nước, cây xăng không ăn gian xăng...
Bụt hoảng quá vội nói:
- Úi giời, nhiều thế thì quay về ước mơ đầu tiên vậy.
Nói rồi Bụt trao cho Trương Giác 3 quyển "thiên thư" và dặn:
- Đây là bộ "Thái bình yêu thuật" ta ban cho con để học. Học được sách này, con phải thay trời mà tuyên hóa, cứu dân độ thế. Còn nếu manh tâm đổi dạ thì sẽ gặt lấy quả báo không nhỏ.
Trương Giác tiếp lấy Thiên thư, bái tạ rồi hỏi:
- Con có điều này từ nhỏ vẫn hơi bị phân vân.
- Gì nữa đây cha nội?
- Đó là tại sao lâu nay người ta chỉ thấy có ông Bụt mà không có... bà Bụt?
Bụt đỏ mặt, gãi đầu rơi cả mái tóc giả, nói:
- Thôi, thứ tư tuần này ta sẽ giải thích, bây giờ đã sắp tới giờ người ta đi làm rồi, ta phải nhanh chân kẻo tắc đường thì khổ.
Dứt lời hóa thành luồng gió mát bay đi mất.
Lúc bấy giờ, vua Linh Đế tin dùng Trương Nhượng đến nỗi kêu Trương Nhượng bằng "á phụ". Bọn hoạn quan là Trương Nhượng, Triệu Trung, Phong Tư, Tào Tiết, Hầu Lãm, Kiển Thạc, Trình Khoáng... họp nhau xưng là Thập Thường Thị, chuyên làm điều gian ác.
Giặc giã khắp nơi dấy loạn lên như ong vỡ tổ.
Chương 2 : GHI ÂM PHÒNG MẠCH
Trước nói Trương Giác thắc mắc tại sao chỉ có ông Bụt mà không có bà Bụt, sau này anh chàng mới hiểu rằng bà Bụt thường ở nhà cơm nước nên người phàm khó gặp.
Nay nói Trương Giác được bộ sách "Thái bình yêu thuật", ngày đêm tập luyện, chẳng bao lâu đã biết cách kêu mưa gọi gió, và tự xưng hiệu là "Thái Bình đạo nhân".
Tháng giêng năm Trung Bình thứ nhất (cũng đời vua Linh Đế). Trương Giác đem bùa phép đi trị bệnh cho dân gian, lấy hiệu là "Đại Hiền lương sư". Trương Giác lại mở lớp dạy thêm, đào tạo được hơn năm trăm đồ đệ, cũng học rành phép bùa chú, nên cả thầy trò chia nhau mở phòng khám tư nhân khắp nơi.
Sự đời, cứ hễ ở đâu đông người là có chuyện. Nhất là những phòng khám có tật… khám ẩu.
Ví như tại phòng khám của Trương Bảo (em Trương Giác, người sau này được ông anh phong làm Địa Công Tướng Quân), Bảo dặn bệnh nhân:
- Bà bị thiếu chất xơ nghiêm trọng, cần ăn thật nhiều quả màu xanh và phải ăn cả vỏ không được gọt bỏ.
- Tôi xin ghi nhận lời khuyên của tiên sinh.
Đến hẹn khám lại, Trương Bảo hỏi:
- Cách ăn hoa quả như vậy có ảnh hưởng gì không?
- Thưa không! Đào, lê, táo, nho... đều ổn cả, chỉ có... quả dừa thì ăn hơi lâu.
Trương Bảo nghe xong tái hết cả mào, từ đó cũng cẩn thận hơn khi dặn bệnh nhân điều gì.
Nhưng chuyện đó vẫn chưa phê bằng việc cậu út Trương Lương khám bệnh. Sau này theo Trương Giác làm phản và được phong làm Nhân Công Tướng Quân, Trương Lương vẫn hay nhắc lại vụ khám cho một nam bệnh nhân bị nhiễm độc. Khi đó Lương nói:
- Với biểu hiện như thế này, có thể khẳng định chắc chắn là ông đã bị nhiễm độc rất nặng.
- Trời ơi! Nguy hiểm quá! Vậy tôi bị nhiễm chất độc gì, thưa tiên sinh?
- Tôi cũng không dám nói trước. Chúng tôi chỉ có thể kết luận chính xác khi... khám nghiệm tử thi.
Bệnh nhân nghe xong thì “hết... hưởng dương” ngay tại phòng khám.
Bên cạnh đó, một mệnh phụ phu nhân nhan sắc đã đến độ héo tàn hồi hộp hỏi Trương Lương:
- Thưa, ông có thể can thiệp làm cho gương mặt của tôi trẻ đẹp lại được không?
Trương Lương chăm chú nhìn bà già rồi tỉnh rụi:
- Xin lỗi bà! Ở nước ta, việc chặt đầu bị cấm từ lâu rồi!
Đại loại là những việc như vậy, rất nhiều và diễn ra liên tục.
Truyền thống của dân Nam Á nói chung là cái gì quái đản lại thấy hay và tò mò tìm hiểu, giống như bây giờ biết rõ mười mươi là “bún chửi, phở chửi” nhưng vẫn cứ rủ nhau đi ăn, để rồi mất tiền cho người ta chửi vậy.
Nên thấy việc chữa bệnh lạ đời của Trương Giác thiên hạ rủ nhau vào chữa ào ào, đồ đệ của Trương Giác mỗi ngày một đông thêm.
Giác thấy đông người ủng hộ, bèn rêu rao với bá tánh rằng: "Nay vận Hán đã hết, ai nấy thuận trời theo chính", rồi xưng là Thiên Công Tướng Quân, có hơn năm mươi vạn người đội khăn Vàng hưởng ứng. Trương Giác cầm đầu một đạo quân kéo thẳng đến U Châu.
Quan thái thú U Châu là Lưu Yên vội triệu Châu Tĩnh vào bàn kế. Tĩnh nói nên gấp rút chiêu mộ nghĩa binh mới giữ nổi Châu này.
Lưu Yên nghe lời liền treo bảng khắp nơi chiêu mộ nghĩa binh
Chương 3 : KẾT NGHĨA QUÁN "VƯỜN ĐÀO"
Trước nói Trương Giác dẫn đầu một đạo quân khăn vàng kéo đến U Châu, Lưu Yên vội treo bảng khắp nơi chiêu mộ nghĩa binh.
Ngày kia, bản văn chiêu mộ nghĩa binh đưa đến Trác Huyện, dân chúng ra xem đông nghịt.
Trong số dân chúng ấy có một vị anh hùng tánh tình khoan hòa, ít nói. Tăng lương không cười, tăng việc không buồn, nói tóm lại là mừng giận không lộ ra sắc mặt, thuộc típ người có chí lớn, thích kết giao những anh hùng hào kiệt trong thiên hạ.
Người này họ Lưu tên Bị, tự là Huyền Đức, dòng dõi vua Hiếu Cảnh Hoàng Đế nhà Hán.
Huyền Đức ham đọc sách, nhưng nhà nghèo nên phải đóng dép, dệt chiếu sinh sống. Về sau ông chú là Lưu Nguyên Khởi giúp ăn học, thụ giáo Trịnh Huyền và Lư Thực, lại kết bạn với Công Tôn Toản.
Hôm ấy, khi đọc bản chiêu quân của Lưu Yên, Huyền Đức thở dài một tiếng. Bỗng nghe đằng sau có tiếng người nói lớn:
- Đại trượng phu phải vì quốc gia mà ra sức, chứ than thở có ích gì?
Huyền Đức quay lại, thấy người vừa nói mình cao tám thước, mặt dữ như cọp, mắt ốc tròn xoe, hàm én râu hùm, tiếng nói rền như sấm.
Tưởng gặp phải tay đầu gấu bến xe nào đó, Huyền Đức định bỏ đi thì người ấy nói:
- Tôi họ Trương tên Phi, tự là Dực Đức, ông cha mấy đời ở nơi Trác Quận này làm nghề bán rượu, thích kết giao những anh hùng hào kiệt trong thiên hạ.
Huyền Đức rất mừng, nắm tay Trương Phi dắt vào trong quán rượu đàm đạo, nhân tiện cưa đôi tiền rượu. Trong lúc hai người đang đối ẩm bàn thế sự thì có một hảo hán bước vào thét:
- Đem rượu thịt ra đây! Hôm nay ta uống say một bữa để ngày mai đầu quân giết giặc.
Chủ quán đem đồ ra, người đó nói:
- Ghi sổ nhá!
Chủ quán cáu:
- Xin bố, biết bố là ai mà cho chịu?
- Yên tâm đi, ta đọc T@m Quốc nên biết rồi. Sau này ta sẽ làm quan, mặc dù thanh liêm, nhưng lương bổng không đến nỗi không có tiền trả nợ cũ đâu mà lo.
Huyền Đức liếc nhìn ra cửa thấy người này mình cao lớn chín thước, mặt đỏ như thoa gạch non, mắt phượng mày ngài, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm liệt.
Biết người ấy cũng là một cái thế kỳ nhân, Huyền Đức vội đứng dậy tiếp mời góp mồi nhậu chung và hỏi thăm danh tánh. Người ấy đáp:
- Tôi họ Quan tên Vũ, tự là Thọ Trường, sau đổi là Vân Trường, người đất Giải Lương. Thích kết giao những anh hùng hào kiệt trong thiên hạ. Nhân vì vùng tôi ở có một tên thổ hào mấy năm liền đêm đêm xả nước thải ra sông, tôi nổi giận giết chết nó rồi bỏ đi.
Huyền Đức đem chí nguyện của mình tỏ bày. Vân Trường mừng rỡ theo Huyền Đức và Trương Phi về trang trại để bàn bạc.
Trương Phi nói:
- Muốn làm nên việc lớn, cốt nhất phải hiệp sức đồng tâm mới được. Chúng ta nên tế cáo trời đất, kết làm anh em.
Thế là ba vị anh hùng thích kết giao những anh hùng hào kiệt trong thiên hạ lại cùng nhau ra quán “Vườn đào” làm lễ kết nghĩa.
Lúc sắp uống rượu thề, Trương Phi nhớ ra điều gì, đặt bát rượu xuống, đập bàn rầm một cái, thét:
- Cái thằng ku viết T@m quốc của 24H láo quá.
Quan Vũ bảo:
- Giật hết cả nẩy, nhưng mà nó láo như thế nào?
- Thôi, để thứ 2 tuần sau tôi giải thích trên “hai bốn giờ”.
- Xời! Chỉ được cái câu giờ!
Huyền Đức, Quan Vũ cùng nhăn nhó như vừa bị mất sổ gạo.
Chương 5 : VỤ ÁN "GÀ MÁI GÁY"
Đó là một buổi sáng, con gà Trống choai nhà ấy vừa đi vừa liên tục mổ xuống đất, mỏ ngoác lên:
- Thóc thật! Thóc thật!
Rồi một em Mái tơ tưởng bở chạy lại, lập tức bị Trống choai nhảy lên. Lũ gà con trông thấy kinh hoàng hét lên:
- Khiếp... Khiếp... Khiếp!
Con Vện già hàm răng đã rụng quá nửa, nhướng đôi tròng mắt lồi to vì bị viễn mà không đeo kính lên hỏi:
- Đâu? Đâu? Đâu?
Bà Ngan già nghe hỏi chạy ra xem, nhìn thấy đứa cháu yêu bị tai nạn, không biết làm sao đành la:
- Kíu... Kíu... Kíu...
Nghe tiếng la hét ồn ào, chị Vịt trốn con đang tắm dưới sông cùng nhân ngãi vội phi thân lên bờ, chị bĩu môi tức giận vì bị phá đám, liền quạt thẳng vào mặt bà già lắm điều:
- Mặc... Mặc! Mặc... Mặc...
Vậy là không ai can thiệp để mặc Trống choai hành sự. Xong việc, hắn ta nhảy lên bờ rào vươn vai, giũ đôi cánh dọn giọng khoan khoái gáy to:
- Trên đời chỉ có thế mà thôi...
Tủi hổ, em Mái tơ khóc lóc:
- Nhục... nhục... nhục... lắm!
Rồi nghĩ rằng kiếp làm gà trống sung sướng hơn nhường nào, Mái tơ vươn cổ gáy: “Ò ó o...” rất to!
Năm ấy, ngày mồng một tháng sáu, một luồng hắc khí dài hơn mười trượng bay thẳng vào điện ôn Đức. Vua hạ chiếu gọi các quan triều thần đến, hỏi:
- Gà mái gáy, hắc khi nhập điện, có phải là ngày tận thế không?
Quan Nghị Lang Thái Ung dâng sớ tâu: "Gà mái hóa gà trống là điềm đàn bà và hoạn quan làm loạn nước...". Lời tâu rất thống thiết.
Tào Tiết đứng núp đằng sau vua, xem trộm được tờ biểu, tức giận vô cùng, liền bàn mưu với bè đảng Thập Thường Thị gieo tội cho Thái Ung, cách chức đuổi về làm thứ dân nơi điền lý.
Trên đường về quê, Thái Ung thấy một bà cụ đi trên đường, hai tay xách hai cái túi to. Một cái túi bị rách, từ đó vài tờ ngân phiếu bay ra.
Thái Ung đuổi theo gọi bà cụ:
- Cụ ơi, tiền của cụ đang rơi kìa.
- Cám ơn quan đã nhắc nhở.
Bà cụ lụm cụm nhặt tiền. Thái Ung thắc mắc:
- Làm sao mà cụ có được nhiều tiền như vậy?
- Nhà tôi ngay cạnh sân vận động.
- Vậy là cụ phe vé?
- Không. Mỗi lần có trận đấu thì có rất nhiều người hâm mộ bóng đá đến xem và họ vô duyên tè bậy ngay vào vườn nhà tôi. Tôi nghĩ ra một cách, mỗi khi có trận đấu, tôi liền nấp dưới hàng rào, tay cầm một cái kéo to tướng. Mỗi khi có tên nào định vạch quần tè bậy thì tôi giơ kéo lên và quát: “Nộp ngân phiếu hay là bị cắt?”.
- Một sáng kiến không tồi chút nào! - Thái Ung phá ra cười, chợt nhìn cái túi thứ hai, lấy làm tò mò nên Thái Ung lại hỏi - còn cái gì trong túi kia vậy?
- Bẩm quan! Cái túi này... số là không phải ai trong bọn họ cũng đều trả tiền cả, nên tôi...
Rồi bà cụ vừa đi vừa cầm kéo vung vẩy, làm động tác cắt phầm phập. Thái Ung ngẩng mặt lên trời than:
- Thảo nào mà dạo này lắm hoạn quan đến thế! Gà mái gáy là phải, đây thực là số trời!
Ai đọc thì cảm ơn tui nhé!