1,cuộc phát kiến địa lí diễn ra do những mâu thuẫn về kinh tế, xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển của sức sản xuất trong hoàn cảnh lịch sử Tây Âu bước vào thời kì quá độ từ chủ nghĩa phong kiến sang chủ nghĩa tư bản. Nguyên nhân quan trọng nhất là do nguy cơ bế tắc trong việc buôn bán trực tiếp với phương Đông của người châu Âu. Con đường thông thương chủ yếu lúc bấy giờ giữa châu Âu với phương Đông là vùng Trung Cận Đông lại bị người Turks Ottoman chiếm đóng và kiểm soát chặt chẽ. Từ trước, bọn quý tộc phong kiến, tăng lữ và thị dân giàu châu Âu đã tiêu thụ khá nhiều hàng hóa của phương Đông , nhất là các hàng xa xỉ như hương liệu, tơ lụa, đồ châu ngọc và cả đường mía mang từ Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sang. Việc vận chuyển các hàng hóa phương Đông này được thực hiện theo “Con đường tơ lụa” từ Trung Quốc sang Trung Á và từ Ấn Độ sang vùng Trung Cận Đông, từ đó hàng hóa phương Đông qua tay người Ảrập đưa vào Hắc Hải và Đông Địa Trung Hải. Làm trung gian trong việc buôn bán này, người Ảrập đã thu được những món lời khổng lồ. Họ bán lại hàng hóa mua của phương Đông với giá đắt gấp 8-9 lần giá mua. Sau đó, hàng hóa phương Đông còn qua tay các thương nhân Italia mới đến tay người tiêu dùng châu Âu. Từ khi người Turks xâm chiếm vùng Cận Đông (Tiểu Á và bán đảo Balkans giữa thế kỷ XV), họ đã ngăn chặn con đường thương mại của người Ảrập và thường xuyên cướp bóc hàng hóa, đánh thuế cao, quấy nhiễu việc buôn bán của người Ảrập, khiến cho hàng hóa phương Đông khan hiếm và giá cả tăng vọt. Thương nhân Italia cũng không thể buôn bán với người Ảrập được nữa. Những cuộc chiến tranh, cùng với việc cướp bóc và thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ của quân Turks đã buộc thương nhân Italia phải bỏ các thương điếm của họ ở miền Địa Trung Hải. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy người Italia nói riêng và người châu Âu nói chung phải tìm kiếm con đường mới sang Ấn Độ.
Một con đường buôn bán khác là con đường xuyên qua đại lục châu Á đến Trung Quốc cũng đã mất hết tác dụng do bị dân du mục của nước Apganixtan thay nhau chiếm giữ. Trong tình hình bế tắc đó, cuộc thám hiểm để tìm đường biển sang phương đông đã trở nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Một nguyên nhân khác của phong trào phát kiến địa lý là lòng tham vàng của bọn quý tộc phong kiến và thị dân châu Âu. Vào thế kỷ XV-XVI, khi vương quyền mạnh lên, các vua chúa và bọn quý tộc phong kiến càng tăng cường đời sống xa xỉ. Chúng mong muốn có nhiều vàng bạc để ăn chơi tiêu phí xa hoa trong triều đình, nuôi bộ máy quan lại cồng kềnh và lực lương quân đội đông đúc. Muốn thế, vua chúa phương Tây chỉ còn một cách là giúp đỡ các nhà hàng hải tìm con đường thông thương mới sang phương Đông. Thị dân châu Âu, trước hết là các thương nhân và chủ xưởng, cũng rất cần vàng bạc để thực hiện cuộc “tích lũy tư bản nguyên thủy” đang chín muồi. Trong khi đó, châu Âu rất hiếm vàng, thương nhân châu Âu buôn bán với phương Đông thường xuyên nhập siêu khiến cho vàng cứ chảy qua phương Đông. “Cơn khát vàng” đã lôi cuốn những kẻ mạo hiểm châu Âu tìm đường sang phương Đông. Phương Đông dược tô vẽ thành một thế giới thần tiên trong cuốn truyện của người Ảrập Nghìn lẻ một đêm và cuốn du ký Mô tả thế giới (A Description of the World) của Marco Polo (1254-1324) (thương nhân thành Venezia, Italia) (năm 1271, ông đã cùng cha, chú mình sang Trung Quốc và được hoàng đế nhà Nguyên Khubilai (Hốt Tất Liệt) trọng dụng và khi trở về nước năm 1295, ông đã kể lại những sự giàu sang của các nước phương Đông như trong huyền thoại) và chính người châu Âu cũng đã từng chứng kiến cảnh huy hoàng của kinh thành Constantinopolis trong thời kỳ Thập tự chinh. Do vậy, ý định trước tiên của những người tham gia phát kiến địa lý là kiếm vàng và hàng hóa quý hiếm của phương Đông.