Búp sen xanh
Tựa sách:Búp sen xanh
Tác giả:Sơn Tùng
Ngôn ngữ:Tiếng Việt
Lĩnh vực:Văn học Việt Nam
Năm xuất bản:2008
Đơn vị xuất bản:NXB Kim Đồng
Số trang:352
Giá sách:40.000 VND
Các tác phẩm nhạc, họa, văn, thơ... viết về Bác đã rất nhiều, và sẽ còn nhiều nữa, nhưng gây ấn tượng nhất đối với tôi là cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng.
Lý do đầu tiên, cuốn sách ấy chính là cuốn sách viết về Bác đầu tiên mà tôi được đọc. Tôi còn nhớ rõ, mùa hè năm 1995, cô em họ của tôi từ thành phố Thanh Hóa về quê chơi và có đem theo cuốn sách ấy để đọc, thấy em đọc say sưa nên tôi cũng tò mò hỏi mượn, đọc được mấy trang thì tôi không thể dứt ra được, đành mượn luôn và miệt mài đọc mấy ngày cho đến trang cuối cùng. Bằng lối hành văn giản dị, trong sáng, nhà văn Sơn Tùng đã cuốn hút tôi bằng cách gợi lên một hình ảnh về Bác Hồ thật sống động, từ thời niên thiếu cho đến khi Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Một hình ảnh rất thân quen, rất gần gũi và giản dị. Một giai đoạn ngắn trong cuộc đời huyền thoại của Bác nhưng nó chứa đựng rất nhiều điều bổ ích.
Lý do thứ hai là cuốn sách ấy xuất bản đúng vào năm sinh của tôi (1982), nhìn vào bìa sách, từng trang sách, tuy đã cũ nhưng được cô em họ tôi gìn giữ rất cẩn thận, phẳng phiu, không một nếp gấp, không nét gạch xóa... chứng tỏ em ấy rất trân trọng, xem cuốn sách như một thứ tài sản đặc biệt và tôi tin rằng nếu ai đã từng đọc cuốn sách này rồi thì cũng có thái độ giống như em ấy. Sau khi trả lại cuốn sách cho em, trong lòng tôi cũng tự dưng thấy tiên tiếc xen lẫn hân hoan. Tiếc vì phải trả sách (hơi kỳ cục phải không?), vì cảm thấy mình vừa mất đi một cái gì đó thật quý giá. Vui vì tự dưng thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc mãnh liệt, một sức mạnh, một niềm khao khát cứ thôi thúc bản thân mình làm một điều gì đó. Lúc ấy, tôi cũng không rõ là làm cái gì, chỉ biết rằng có một nguồn sức mạnh cứ cuộn chảy trong tim tôi như những dòng sông ngầm âm thầm chảy những dòng nước ngọt tinh khiết không bao giờ cạn. Và cũng từ đó, hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung, hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cứ luôn thường trực trong trí nhớ của tôi, gặp chuyện gì, gặp hoàn cảnh gì, dù trong việc học hành hay cuộc sống hằng ngày đều làm tôi liên tưởng đến Bác.
Đúng rồi, Bác Hồ không phải là một vị tiên ông với đôi mắt sáng ngời ấm áp, với chòm râu và mái tóc bạc trắng như mây mà bà vẫn thường kể cho tôi nghe. Bác Hồ cũng sinh ra dưới mái nhà tranh trong niềm hân hoan của cha, của mẹ, cũng lớn lên ở một miền quê như quê tôi, nghèo khó nhưng sâu nặng nghĩa tình, gian khổ nhưng hiếu học và lễ nghĩa. Bác cũng phải đi học, cũng phải làm việc nhà như chúng tôi, Bác cũng thích câu cá, cũng thích thả diều... như chúng tôi.
Nhưng Bác sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ, trực tiếp chăm sóc mẹ ốm và chứng kiến mẹ trút hơi thở cuối cùng trong khó nhọc, phải tự tay bế đứa em vừa mới chào đời để đi xin sữa cho em bú, phải bôn ba cùng cha mẹ đi bộ ròng rã mấy tháng trời từ Nghệ An vào kinh thành Huế để tiện cho việc học hành thi cử của cha... Lớn lên chút nữa, Người phải vừa lo chăm sóc cha già vừa lo học hành, lo vận nước... có rất nhiều, rất nhiều những hình ảnh của Bác đã tác động đến tâm hồn tôi và tạo cho tôi những niềm cảm phục bội phần.
Lớn thêm chút nữa, tôi mới nghiền ngẫm lại và thấy rằng, có mấy chi tiết mà cho đến tận bây giờ và chắc là mãi mãi về sau, cứ mỗi lần tôi nhớ đến thì như có một luồng điện chạy khắp người làm tôi xúc động đến mức tê dại.
Giữa kinh thành Huế xa lạ, trong khi cha bận đi chấm thi ở ngoài Bắc, anh Khiêm và chị Bạch Liên (Nguyễn Thị Thanh) đang ở quê, thì một mình cậu bé Nguyễn Sinh Cung vừa hơn mười tuổi ấy, tay vừa bế đứa em còn đỏ hỏn, nước mắt ngập tràn nhìn thi thể mẹ hiền mà không biết phải làm sao?!
Đó là chi tiết Người trả lời cụ Đặng Thái Thân (được cụ Phan Sào Nam (Phan Bội Châu) phái đến để thuyết phục chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào Đông Du), Người đã nói rằng việc tham gia Đông Du (chính xác hơn là đi theo con đường của cụ Giải San) là không đúng, việc nhờ Nhật đánh Pháp thì cũng chẳng khác gì nhờ sói đuổi cọp, khi nó đuổi xong thì nó cũng quay sang ăn thịt mình mà thôi. Một tinh thần độc lập tư tưởng tuyệt vời, nhìn nhận những vấn đề mang tính thời đại, mang tầm vóc trọng đại quốc gia một cách rất biện chứng và khoa học, thể hiện một tư chất thông minh thiên bẩm, một sự nghiền ngẫm sâu sắc từ một con tim khát khao cống hiến cho đồng bào, cho tổ quốc và một bộ óc minh triết của một chàng thanh niên chưa đầy hai mươi, với dáng vóc mảnh khảnh nhưng luôn sôi sục bầu máu nóng.
Trên con đường đi vào phương Nam để tìm cơ hội ra nước ngoài, Người biết là có thể chuyến đi này sẽ không có ngày trở về nên Người muốn ghé vào vấn an cha già đang làm quan ở huyện Bình Khê (Bình Định), cũng là để từ biệt cha lần cuối. Khi thấy hình bóng người con trai yêu quý mà cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng, cụ đã nén nỗi xúc động vào lòng mà thay bằng thái độ nghiêm nghị, lạnh lùng và hỏi, nước mất rồi không lo đi cứu nước, đến gặp cha làm gì! Đã là người, ai cũng có nỗi lòng sâu nặng với gia đình, nhưng cụ Nguyễn đã biết dạy cho con thấy rằng, quốc phá gia vong, khi nước mất thì nhiệm vụ của kẻ làm trai phải biết đặt nợ nước lên trên tình nhà.
Chi tiết thứ tư là lúc Người đến Bến cảng Nhà Rồng và chung sống với những người đồng bào đang làm phu khuân vác ở đây. Người rất thích nghe ông Tư Đờn (cha ruột của cô Huệ, mối tình đầu tiên của Bác) đánh đàn bầu. Bằng tấm lòng trong sáng, sâu nặng nghĩa tình, Người đã cảm hóa những cái nhìn hiểu lầm ban đầu và đã dạy học cho họ, khi chia tay, người có nói với anh Tư Lê (một người bị thương trong cuộc chống thuế ở Huế trước đó đã được Bác giúp đỡ và trở thành bạn thân của Người) rằng, chỉ cần có đôi bàn tay là có thể đi ra nước ngoài để tìm hiểu về kẻ thù của mình, để tìm con đường đi cho dân tộc. Chi tiết này rất đặc biệt! Quả đúng như binh pháp Tôn Tử có nói, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Muốn thắng Pháp thì phải hiểu Pháp...
Để kết thúc bài viết này, xin mượn lời của tác giả Sơn Tùng vậy: “Trong cuộc đời của mỗi con người giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành rất quan trọng bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách tâm hồn của mỗi con người. Các bạn trẻ khi đọc “Búp sen xanh” sẽ thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành”.
Tuy cuốn sách nằm trong mục kho sách vàng dành cho thiếu nhi, nhưng tôi thấy nó phù hợp cho tất cả mọi lứa tuổi. Các bậc cha mẹ sẽ học được cách giáo dục con cái từ cụ Nguyễn Sinh Huy, các bạn sinh viên sẽ học được phương pháp tư duy độc lập, tinh thần tự học, rèn luyện nhân cách và xây dựng ước mơ, lý tưởng cho bản thân, các em học sinh sẽ cảm nhận được những nét đẹp quý giá từ tuổi thơ và tâm hồn của Bác.