Có cả bà hoàng tài đức vẹn toàn này
Ở Việt Nam có một hoàng hậu sống qua 8 đời vua, có thể chi phối chuyện quốc gia đại sự, đạo đức của các vị vua, cháu chắt. Đó là Hoàng Thái hậu Từ Dụ, sau đọc chệch thành Từ Dũ. Thái hậu Từ Dụ tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19/5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của quốc công Phạm Đăng Hưng.
Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham học. Năm 14 tuổi, bà theo cha ra kinh thành Huế và được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, tuyển triệu vào hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng, cháu trai của bà.
Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng, năm sau lại sinh công chúa thứ hai. Năm 1829, bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chính là vua Tự Đức sau này.
Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, hai năm sau, được phong Thần phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Giai phi, rồi Nhất giai phi.
Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, lấy niên hiệu Tự Đức. Sau khi lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ.
Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm 1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng & ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất năm 1902, hưởng thọ 92 tuổi.
Tính từ lúc được tuyển vào cung đến khi mất, bà đã ở ngôi vị Hoàng hậu rồi Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu hơn 70 năm. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn. Những đức tính của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến tư cách của vua Tự Đức.
Vua Tự Đức còn viết hẳn cuốn sách "Từ Huấn Lục" ghi lại những lời mẹ dạy. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Đồng thời cũng là người rất trân trọng các bậc trung thần.
Nhân đức của bà đã đi vào lòng người như một bậc mẫu nghi nhân từ. Chính vì thế mà người ta đã lấy tên của bà đặt cho một bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở TP.HCM: Bệnh viện phụ sản Từ Dũ.