Gần một thập kỷ đáng quên của Real Madrid ở Champions League
(Dân trí) - Real Madrid là đội bóng giàu truyền thống nhất ở giải đấu danh giá nhất châu Âu Champions League với 9 lần đăng quang, nhưng đội bóng Hoàng gia TBN chỉ biết cúi đầu nhìn các đối thủ, đặc biệt là đại kình địch Barcelona thống trị trong suốt một thập kỷ qua.
Kể từ sau khi đánh bại Bayern Leverkusen ở Glassgow để đăng quang danh hiệu Champions League (C1) thứ 9 cho tới nay đã gần một thập kỷ trôi qua Real Madrid trắng tay ở giải đấu danh giá nhất châu Âu. Hàng tá những siêu sao hàng đầu thế giới đã đến rồi đi nhưng sau cú volley siêu phàm của Zinedine, các Madridista chưa một lần được nở nụ cười mãn nguyện.
Real Madrid là đội bóng vĩ đại nhất ở đấu trường Champions League do đó thành tích nghèo nàn đó là không thể chấp nhận được nhất là khi cũng chỉ trong chừng đó thời gian, đại kình địch Barcelona đã có đến 3 lần đăng quang ngôi vua châu Âu.
Từ sau cú volley của Zidane, Real Madrid đã trải qua một thập kỷ đáng quên
Florentino Perez và Galacticos: Ông trùm xây dựng người TBN lần đầu tiên trở thành “ông chủ nhà trắng” vào năm 2000, và gần như ngay lập tức Perez khiến tất cả phải thán phục khi chiêu mộ thành công Luis Figo tư đại kình địch Barcelona với cái giá kỷ lục thế giới vào thời điểm đó. Real Madrid bước vào thiên niên kỷ mới với những vụ chuyển nhường đình đám và càng ngày số tiền mà họ ném vào TTCN càng khủng khiếp.
Bên cạnh đó, Perez còn định hướng phát triển Real Madrid với chiến lược “Zidanes y Pavones” được hiểu là cách kết hợp những siêu sao hàng đầu thế giới cùng những tài năng trẻ sáng giá của đội bóng. Thành công đến với đội bóng Hoàng gia TBN gần như ngay lập tức với chức vô địch Champions League, tuy việc việc mỗi năm chiêu mộ một siêu sao đồng nghĩa với việc mỗi năm Bernabeu lại xuất hiện thêm một cái tôi quá lớn. Chính điều đó đã gây nên sự mất đoàn kết và “quyền lực đen” trong đội bóng.
Sau Zidane, những Ronaldo, Beckham hay Owen được đem về nhưng sự hiện diện của họ lại tạo nên sự phân cực giữa những siêu sao hàng đầu thế giới và các cầu thủ “ngoài rìa”. Cả hai nhóm tạo nên 11 người trên sân nhưng dường như đó không còn là một đội bóng như chiến lược mà Florentino Perez đề ra.
Sa thải Vicente Del Bosque: Chức vô địch World Cup mới đây cùng ĐT Tây Ban Nha đủ nói lên tài năng của Del Bosque, nhưng trước khi thành công cùng La Furia Roja thì “ngài râu kẽm” cũng đã từng biến Real Madrid thành đội bóng xuất sắc nhất thế giới.
Dưới thời Del Bosque, đội bóng Hoàng gia TBN đã trải qua giai đoạn huy hoàng nhất trong lịch sử đội bóng kể từ sau thành tích 5 lần vô địch cúp C1 liên tiếp từ giữa thế kỷ trước. “Ngài râu kẽm” đã phải ra đi vào năm 2003 dù cho đã đem về sân Bernabeu đến 2 chức vô địch Champions League vào năm 2000 và 2002, một quyết định quá khó hiểu của chủ tịch Florentino Perez để rồi thời điểm đó đánh dấu giai đoạn gần một thập kỷ trắng tay của đội bóng Hoàng gia TBN.
Florentino Perez đã thành công với Galacticos nhưng cái giá phải trả là quá đắt
Sự ra đi của Claude Makelele: Giữa những siêu sao tấn công hàng đầu thế giới và một lối chơi hào hoa quyến rũ, vai trò của Makelele đã bị che mờ đi quá nhiều và chỉ đến khi tiền vệ người Pháp ra đi tất cả mới thấy được giá trị thực sự của anh. Những pha cắt bóng của Makelele không những đảm bảo sự an toàn cho hàng phòng ngự mà những tiền vệ tài hoa ở phía trên còn có được nhiều bóng để tạo ra các đợt tấn công.
Chính Makelele với những pha cắt bóng tinh tế và hiệu quả của mình mới là người đem đến sự cân bằng cho đội hình Real Madrid chứ không phải là người đồng đội Zidane. Sau khi tiền vệ trụ này chuyển đến Chelsea vào năm 2003 kèm theo câu nói nổi tiếng của Perez: “Makelele không thể chuyền một đường chuyền chính xác quá 3m”, một cuộc khủng hoảng thực sự đã đến với sân Bernabeu ở khu vực giữa sân.
Thảm họa trung vệ: Trong giai đoạn đầu tiên nắm quyền tại Bernabeu, mỗi năm Perez lại bổ sung thêm một siêu sao tấn công nhưng ngược lại hàng phòng ngự thì gần như bị lãng quên. Sau sự ra đi của huyền thoại Fernando Hierro, đã có không ít hậu vệ lừng danh đến với sân Bernabeu, nhưng hầu hết đều là những thảm họa.
Francisc Pavon, Raul Bravo, Ivan Helguera (chỉ thực sự xuất sắc khi chơi ở giữa sân) , thậm chí là những trung vệ được đem về trong thời gian gần đây như Garay, Raul Albiol đều là những thử nghiệm thất bại. Mặc dù Perez đã phải thay đổi suy nghĩ và chiêu mộ “hòn đá tảng” Walter Samuel từ Roma tuy nhiên không hề có sự cải thiện tích cực nào, hàng thủ vẫn là tử huyệt của Real Madrid.
Máy chém huấn luyện viên: Sau khi Del Bosque ra đi, Real Madrid đã trải qua một thời gian rất dài như rắn không đầu khi các HLV đến rồi đi như cơm bữa và không ai có thể để lại chút dấu ấn nào. Cái tên đầu tiên đến với Los Blancos là Carlos Queiroz với rất nhiều kỳ vọng, tuy nhiên người đã từng là cánh tay phải của HLV Alex Ferguson chỉ có thể trụ lại ở Bernabeu đúng một mùa giải trước khi bị lật đổ.
Quyền lực đen của Raul cũng đã gây ra không ít ảnh hưởng cho đội bóng
Quãng thời gian 2 năm tiếp theo chứng kiến hàng loạt chiến lược gia đến rồi đi trong tình cảnh mất phương hướng của Real Madrid. Triều đại của Jose Camacho chỉ kéo dài trong vòng 1 tháng và thực sự như một trò hề khi các cầu thủ đã “cố tình thua” để HLV người TBN phải bán xới. Mariano Garcia Ramon lên thay nhưng rồi cũng biến mất sau giáng sinh năm 2004 còn HLV Vanderlei Luxemburgo thì khá khẩm hơn khi trụ lại được đến 12 tháng.
Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng xảy ra dưới thời HLV Juan Ramon Lopez, chiến lược gia đã đi vào lịch sử đội bóng Hoàng gia TBN khi trở thành triều đại có tỉ lệ chiến thắng thấp nhất. Trong hồ sơ những HLV mà Perez đã sử dụng có lẽ chỉ có HLV hiện tại Jose Mourinho là nhận được sự tin tưởng tuyệt đối.
Cái dớp vòng knock-out đầu tiên: Đối với một đội bóng luôn được đánh giá là ứng cử viên vô địch Champions League thì kỷ lục 6 mùa giải liên tiếp không thể vượt qua nổi vòng knock-out đầu tiên thì thực sự là một điều đáng hổ thẹn. Mourinho đã giúp đội bóng Hoàng gia TBN phá cái dớp đó khi đánh bại đối thủ kỵ dơ Lyon nhưng cuối cùng Real Madrid cũng bị chặn đứng ở bán kết bởi đại kình địch Barcelona.
Tuy nhiên dù sao đi nữa thì quãng thời gian từ 2004 đến 2010 vẫn là một chương đen tối trong của Los Blancos tại Champions League, còn 6 thất bại trước Juventus, Arsenal, Bayern Munich, Roma, Liverpool và Lyon sẽ mãi mãi là những nhát dao cứa vào niềm kiêu hãnh của đội bóng xuất sắc nhất thế kỷ 20.
Samuel Eto’o: Cho đến bây giờ có lẽ không ít Madridista vẫn còn day dứt rằng nếu như Real Madrid không để Samuel Eto’o ra đi thì có lẽ bây giờ sát thủ người Cameroon đã trở thành một huyền thoại của sân Bernabeu và sẽ cùng Real Madrid chinh phục châu Âu chứ không phải là Barcelona hay Inter Milan.
Một thập kỷ đáng quên đã trôi qua đối với Real Madrid
Ba lần đăng quang vào các năm 2006, 2009 và 2010 đã đưa Eto’o vào ngôi đền của những huyền thoại ở giải đấu danh giá nhất châu Âu. Có thể nói Real Madrid đã không đánh giá đúng tài năng thực sự của Eto’o khi đẩy anh sang Mallorca vào năm 2000, “cầm vàng mà để vàng rơi” đội bóng Hoàng gia TBN chỉ có thể tự trách mình.
Barcelona: Khi mà những Raul, Hierro, Figo hay Zidane đem về danh hiệu Champions League (C1) thứ 9 cho Real Madrid để khẳng định sự thống trị của mình ở giải đấu danh giá nhất châu Âu thì Barcelona mới chỉ một lần duy nhất đăng quang vào năm 1992. Nhưng từ đó đến nay, mọi chuyện đã đảo chiều hoàn toàn.
Los Blancos trải qua gần một thập kỷ trắng tay còn gã khổng lồ xứ Catalan thì thống trị cả thế giới với lối chơi tiqui-taca đầy ma thuật mà bằng chứng là 3 chức vô địch Champions League kể từ năm 2006 đến nay. Giờ đây, Pep Guardiola và các học trò vẫn là bài toán hóc búa mà Real Madrid chưa thể giải mã.
Sự kiêu ngạo của “nhà trắng”: Với việc sở hữu một đội hình gồm toàn những siêu sao hàng đầu thế giới đã khiến Real Madrid trở nên kiêu căng tự phụ trong những hành động của mình và Fernando Morientes chính là cái tên tiêu biểu chứng tỏ sự kiêu ngạo này. Khi Real Madrid đẩy tiền đạo người TBN sang Monaco bằng một bản hợp đồng cho mượn mà không hề cài điều khoản Moro không được đối mặt với đội bóng chủ quản, điều mà bất cứ đội bóng nào cũng thực hiện khi cho mượn cầu thủ.
Để rồi chính Morientes đã phá tan giấc mơ trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Champions League của Real Madrid vào năm 2003. Trong trận tứ kết, Moro chính là ngôi sao sáng nhất khi đóng góp 2 bàn thắng để loại Los Blancos rồi cùng Monaco lọt vào đến tận chung kết.
Quyền lực đen trong phòng thay đồ: Mặc dù là nơi quy tụ của những siêu sao sáng giá nhất của bóng đá thế giới nhưng Raul và Guti, những siêu sao trưởng thành từ chính đội bóng vẫn là biểu tượng trong lòng các Madridista, và chính bộ đôi này cũng nhận thức được vị trí của mình tại Bernabeu, đặc biệt là Raul.
Những cống hiến không biết mệt mỏi của Raul đủ để anh trở thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của Real Madrid, nhưng ảnh hưởng của “chúa nhẫn” trong phòng thay đồ là quá lớn. Sự hòa hợp dường như là quá xa xỉ ở Real Madrid khi luôn có sự đối đầu ngầm giữa những ngôi sao hàng đầu thế giới và nhóm cầu thủ bản địa do Raul cầm đầu, tất nhiên dù cho những siêu sao đó có xuất sắc tới đâu thì họ hoàn toàn có thể bị đá. Có lẽ việc đẩy Raul và Guti ra đi chính là vì mục tiêu dễ dàng kiểm soát đội bóng của Mourinho.