Các mốc thời gian để đạt được Hiệp định Paris
Ngày 11 tháng 9 năm 1972, lần đầu tiên kể từ khi Kissinger bắt đầu hội đàm bí mật với Hà Nội vào tháng 8 năm 1969, Bắc Việt đã gợi ý rằng họ có thể sẽ chấp nhận một cuộc ngừng bắn tại Nam Việt Nam mà không cần loại bỏ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Một sự thỏa hiệp bắt đầu có vẻ khai thông.[1]
Ngày 12 tháng 10, Kissinger và Lê Đức Thọ đi đến một bản nháp hiệp định gồm 9 điểm. Nội dung đó chưa đầy đủ nhưng nó đã tạo được một bước đột phá lớn. Dự thảo đã tách các vấn đề thuần túy quân sự khỏi các vấn đề chính trị. Nó cho phép một cuộc ngừng bắn tại chỗ, sự rút quân đội Mỹ và đồng minh nước ngoài về nước, sự trao trả tù binh Mỹ trong vòng 60 ngày, và thiết lập một qui trình mơ hồ mà qua đó người Việt Nam sau đó sẽ tự quyết định tương lai của mình. Theo nghĩa rộng, sự thỏa hiệp này cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tồn tại như một chính phủ có liên quan đến giải pháp hoà bình, cho Cộng sản và Bắc Việt nam một vị thế chính thức tại miền Nam Việt Nam, đồng thời khẳng định lập trường nguyên tắc của Hà Nội rằng Việt Nam là một quốc gia chỉ đang tạm thời bị chia cắt. Bản dự thảo này đã đáp ứng được yêu cầu của Hoa Kỳ là ra đi trong danh dự và đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của phía Bắc Việt Nam.[1]
Ngày 13 đến 16 tháng 10, Tổng thống Richard Nixon sau khi nghiên cứu đã chấp thuận nội dung dự thảo, rồi điều Kissinger đến Sài Gòn để thuyết phục Tổng thống Thiệu.[1]
Ngày 18 đến 23 tháng 10, Kissinger đến Sài Gòn gặp Nguyễn Văn Thiệu. Tổng thống Thiệu không tỏ thái độ mà chỉ yêu cầu làm rõ và so sánh giữa hai bản tiếng Việt và tiếng Anh. Kissinger tưởng rằng Thiệu sẽ chấp thuận, ông thông báo với Nixon như vậy. Theo tinh thần đó, ngày 21 tháng 10, Nixon gửi thông điệp cho Hà Nội khẳng định rằng dù một số vấn đề cần làm rõ, "nội dung hiệp định đã có thể được coi là hoàn chỉnh" và việc ký kết ngày 31 tháng 10 có thể khả thi. Kissinger sẽ tới Hà Nội ngày 24 để tổng kết phiên đàm phán cuối cùng dài 2 ngày, và một tuần sau sẽ ký kết chính thức tại Paris.[1]
Ngày 23 tháng 10, tại cuộc gặp thứ năm và là cuộc gặp cuối cùng tại Sài Gòn, cuối cùng Tổng thống Thiệu đã tuyên bố chính thức các đánh giá của mình: ông phản đối kịch liệt bản dự thảo 9 điểm coi đây là hiệp định hy sinh quyền lợi của Việt nam Cộng hoà, đòi các lực lượng Bắc Việt phải rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam, thiết lập vùng phi quân sự làm biên giới với miền Bắc. Ông còn coi giải pháp hội đồng hiệp thương là một hình thức chính phủ liên bang trá hình. Tổng thống Thiệu lên đài phát thanh tuyên bố bác bỏ nguyên tắc một nước Việt Nam thống nhất: "Bắc Việt Nam là Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam là Nam Việt Nam, mọi người phải chấp nhận thực tế là tồn tại hai nước Việt Nam, không bên nào được xâm lược bên nào". Nixon gửi thông điệp cho Hà Nội nói rằng do các khó khăn ở Sài Gòn, việc ký kết vào ngày 31 là không thể được và đề nghị một vòng đàm phán mới. Chuyến bay của Kissinger tới Hà Nội bị hủy bỏ.[1]
Ngày 25 tháng 10, báo động bởi việc Nixon rút lui khỏi ký kết và bởi phản đối của Thiệu, Hà Nội công bố tóm tắt nội dung bản dự thảo và cảnh báo về các hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ không ký kết vào ngày 31 tháng 10. Mục đích là để ép Mỹ giữ vững giao ước ban đầu bất kể đến Thiệu. Khi tin này đến Washington D.C. vào sáng 26 tháng 10, Kissinger lên truyền hình tuyên bố "hòa bình trong tầm tay", với mục đích đảm bảo với Hà Nội và cảnh báo Sài Gòn về mong muốn nghiêm túc của Washington về một sự dàn xếp. Chỉ 6 tiếng sau, Bắc Việt Nam gửi điện đồng ý với một vòng đàm phán mới tại Paris.[1]
Ngày 2 tháng 11, Nixon tuyên bố trên truyền hình rằng bản dự thảo còn có những phần "mập mờ" "cần làm rõ trước khi ký kết bản hiệp định cuối cùng". Ông quyết định sẽ thỏa mãn mọi ngờ vực của Thiệu về vấn đề chủ quyền, và chỉ thị Kissinger tìm kiếm một nhượng bộ về khía cạnh khu phi quân sự, và nếu đạt được điều đó thì họ sẽ ép Thiệu ký. Nếu Thiệu vẫn tiếp tục từ chối thì Mỹ sẽ ký kết hiệp ước hòa bình riêng với Hà Nội.[1]
Ngày 20-25 tháng 11, Kissinger cuối cùng cũng quay lại Paris. Hai bên đi đến được đồng thuận về ngôn ngữ khẳng định rằng khu vực phi quân sự là đường phân chia chính trị khu vực.[1]
Ngày 29 tháng 11, Nguyễn Phú Đức, đặc phái viên của Thiệu, bay đến Washington D.C. báo với Nixon rằng nhượng bộ của Hà Nội là không đủ. Nixon loại bỏ hầu hết các yêu cầu của Đức trong đó có cả sự rút quân Bắc Việt ra khỏi miền Nam. Nhưng Nixon vẫn chưa yên tâm về vấn đề khu phi quân sự và yêu cầu Kissinger đưa vấn đề này ra bàn lại tại Paris.[1]
Ngày 3 tháng 12, dự đoán về một thất bại trong đàm phán và Mỹ ném bom trở lại, Hà Nội bắt đầu sơ tán trẻ em ở thủ đô về nông thôn.[1]
Ngày 4-13 tháng 12, đàm phán tiếp tục tại Paris suôn sẻ cho đến khi phía Mỹ một lần nữa lật lại vấn đề cốt lõi: quy chế của lực lượng Bắc Việt, và nêu vấn đề khu phi quân sự. Phía Bắc Việt phản ứng bùng nổ bằng cách thu hồi các nhượng bộ từ các buổi họp trước đó và đưa ra đòi hỏi mới, trong đó có việc lật lại vấn đề cơ bản về trao trả tù binh Mỹ. Tháng 10, phía Bắc Việt đã đồng ý trao trả tù binh Mỹ vô điều kiện trong vòng 60 ngày. Nay họ muốn gắn việc trao trả tù binh với việc thả hàng ngàn tù chính trị tại Nam Việt Nam - một vấn đề mà họ đã từng đồng ý dành nó cho các thương thảo cụ thể sau này giữa các bên Việt Nam. Nixon triệu hồi Kissinger về Mỹ và ngừng đàm phán.[1]
Ngày 14 tháng 12, Nixon gửi một tối hậu thư cho Hà Nội: trong 72 giờ đồng hồ để quay lại ký theo phương án Hoa Kỳ đề nghị, nếu không sẽ ném bom lại Bắc Việt Nam.[1]
Ngày 18 tháng 12, Hoa Kỳ bắt đầu cho máy bay B–52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu khác. Đợt ném diễn ra trong 12 ngày (18 tháng 12 đến 30 tháng 12), đó là Chiến dịch Linebacker II. Không khuất phục được Hà Nội, bị thiệt hại nặng nề cho lực lượng không quân và nhất là bị dư luận quốc tế và trong nước phản đối mạnh mẽ, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải chấm dứt ném bom quay lại đàm phán và đồng ý ký kết Hiệp định Paris theo phương án đã ký tắt hồi tháng 10 với một vài sửa đổi nhỏ có tính kỹ thuật. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không tán thành hiệp định nhưng vì áp lực nếu không chấp nhận thì Hoa Kỳ sẽ đơn phương ký với Hà Nội và từ bỏ trách nhiệm với Việt Nam Cộng hòa nên phải chấp nhận ký.
Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 như một thắng lợi quan trọng của Bắc Việt Nam. Ngày 29 tháng 3 năm 1973, quân nhân Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Từ nay chỉ còn quân đội Việt Nam Cộng hòa đơn độc chống lại quân Cộng sản ngày càng mạnh.