Sử 11 Vua Tự Đức xử vụ mất thành Hà Nội năm 1873 thế nào?

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Ngày 20.11.1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Chỉ với khoảng 300 quân tấn công, mà sau có một giờ, thành đã thất thủ, Khâm mạng Đại thần Nguyễn Tri Phương bị bắt rồi sau đó tuẫn tiết.

Con trai của Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm, chồng của Công chúa Đồng Xuân con vua Tự Đức, trong trận này bị tử trận. Thự Tổng đốc Hà Nội Bùi Thức Kiên, Đề đốc Đặng Văn Siêu, Bố chánh Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm, Phó Lãnh binh Lê Tiến Khoa đều bị Pháp bắt.

1. Vụ mất thành nhanh chóng
Vụ việc được sử quan nhà Nguyễn ghi chép đầy đủ trong bộ chính sử “Đại Nam thực lục”, chính biên, đệ tứ kỷ, mở đầu từ cuộc chuyển quân của Đại úy hải quân Pháp Francis Garnier (mà các quan nhà Nguyễn phiên âm sang âm Hán Việt là An Nghiệp) diễn ra tháng 9 âm lịch năm Tự Đức thứ 26 (1873): “Thuyền của An Nghiệp đến bến Hà Nội, quan Khâm mệnh Nguyễn Tri Phương, Bố chính Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm đi đến quán trọ đón tiếp, vừa ra khỏi cửa thành, phái viên nước Pháp đã xông vào bảo ngăn lại không kịp, quyền Suất đội Nguyễn Đăng Viên canh cửa nhỏ của thành ở bên ngoài không báo. Việc ấy tâu lên, vua cho là làm việc chậm chạp, Vũ Đường phải giáng 2 cấp, Đăng Nghiễm phải cách chức, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Bình, Bùi Thức Kiên đều giáng một cấp, đều được lưu nhiệm, Nguyễn Đăng Viên phải cách chức cho về quê. Sai tạm sửa trường thi để cho phái viên ở và khoản tiếp phái viên nước Pháp”.
Tuy nhiên, sử nhà Nguyễn cho rằng sự việc trên khiến “Phái viên ấy phát giận, bèn đến ngày mồng 1 tháng 10 (âm lịch) đánh úp tỉnh thành, quan quân chia cửa chống giữ. Khâm mệnh Nguyễn Tri Phương cùng với con là Phò mã Lâm (nguyên xin đi dò thám) giữ cửa Đông Nam, quân nước Pháp phá ngay trước, Lâm bị bắn chết, Tri Phương bị thương; quân các cửa tan vỡ, thành mới bị mất”.
Trận này, hơn hai nghìn quân nhà Nguyễn bị bắt làm tù binh. Về phía quân Pháp, chỉ có một người lính đánh thuê Vân Nam bị chết chết do… bị một viên sĩ quan Pháp bắn nhầm!
Sau khi thành mất, thự Tổng đốc Bùi Thức Kiên và Án sát Tôn Thất Trắc trốn đi thoát ra ngoài, đến trú ở nhà tên Thư lại tên là Tô Phái ở xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì. Sau có tên Cai tổng tên là Đức bắt được Tổng đốc Bùi Thức Kiên đem nộp, được quân Pháp thưởng 100 quan tiền. Quân Pháp bắt các quan Khâm phái Phan Đình Bình, Bố chánh Vũ Đường, Đề đốc Đặng Siêu, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm đưa xuống tàu thuỷ chở về Gia Định. Khi thuyền về đến Gia Định, tướng Pháp định chở hết các vị tù binh cao cấp này về nước Pháp để dâng công, may có sứ thần Nguyễn Văn Tường lúc đó đang lo việc thương lượng hết sức cứu gỡ giúp họ khỏi bị đưa đi, mới nhận họ đem về.
Còn Nguyễn Tri Phương vì bị thương, ở lại dinh cũ để chữa và bị quân Pháp giam giữ. Tuy nhiên Nguyễn Tri Phương tuyệt không ăn uống, người Pháp đem cháo và thuốc đổ cho, đều phun nhổ ra cả. Đến ngày mồng 1 tháng 11 thì vị dũng tướng này qua đời trong sự kính trọng của quân dân Hà Nội.

2. Những mức án nghiêm khắc
Liên quan đến thất bại này, kho lưu trữ từ triều đình nhà Nguyễn vẫn còn tài liệu về việc xử tội các quan chức chịu trách nhiệm, trong đó có ghi lời phê của vua Tự Đức, viết bằng son.
Châu bản triều Nguyễn (hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) hiện có bản tấu của Nội các trình lên vua Tự Đức xin định đoạt mức án dành cho các vị quan nói trên. Bản tấu ghi ngày 16.4 (âm lịch), năm Tự Đức thứ 27 (1874), tức là 5 tháng sau khi vụ việc xảy ra.
Nội dung bản tấu rất dài, tóm tắt cho biết ngày 5.4, đình thần đã đem vụ án thất thủ thành Hà Nội ra nghị xử. Các quan xét rằng, thành trì là nơi quan trọng, vậy mà các viên tham dự công việc giữ thành lúc đó đã không thể sống chết với thành, hoặc can tâm để giặc cướp phá, hoặc bỏ thành chạy trốn. Do đó, xin chiểu theo luật "chủ tướng không cố thủ"; cùng tham khảo các tội trạng của quan chức lần lượt để mất thành trì trong năm Minh Mạng để xử.
Thự Tổng đốc Bùi Thúc Kiên, Đề đốc Đặng Văn Siêu bị đề nghị xử án trảm giam hậu, Thúc Kiên bị tước bỏ tên ở bia và sổ Tiến sĩ. Bố chánh Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiêm, Lãnh Phó Lãnh binh Lê Tiến Khoa giảm đánh 100 gậy, lưu đày xa 3.000 dặm. Phó Lãnh binh Nguyễn Khắc Oai giảm đánh 100 gậy, đồ 3 năm. Án sát Tôn Thất Thiệp đánh 100 gậy, cách chức. Khâm phái Phan Đình Bình cách chức cho trở về Tiến sĩ như cũ. Các bằng sắc được cấp cho các quan này, thu về để tiêu hủy. Đại thần Nguyễn Tri Phương cách mất chức hàm, còn án trảm giam hậu mãi.

Trong bản tấu của nội các dâng lên, các quan xin nhà vua cân nhắc mức án dành do Nguyễn Tri Phương: "Duy Khâm mệnh Đại thần Nguyễn Tri Phương xin nên lượng giảm tội hoặc có nên khai phục nguyên hàm hay
không? Xin do lượng trên xem xét".
Lời ngự phê trong bản tấu cho thấy vua Tự Đức rất quan tâm đến vụ án này, qua dòng châu phê rất dài và chi tiết.
Phần đầu, nhà vua cũng nhận trách nhiệm của bản thân: "Không ngờ bọn chúng (quân Pháp) gian trá, chưa nên gây hấn, nghị luận kéo dài, biến sinh trong chốc lát vội vàng thì Cơ mật viện và Đình thần cũng khó chối được lỗi, mà trẫm cũng có trách nhiệm trong đó".
Sau đó, vua Tự Đức luận tội các quan tướng đã được trao trách nhiệm giữ thành: "Nhưng ủy nhiệm gửi gắm việc bên ngoài, cùng chúng hàng ngày gần gũi, thật giả ắt biết rõ, nên làm thế nào, phòng bị thế nào khiến ngăn chặn được lòng bội nghịch của chúng để ngăn chặn cho ta, thì châm chước mà ứng phó cũng được, tâu về cũng được, sao lại điềm nhiên không làm gì, thế thì trách nhiệm gửi gắm ủy nhiệm ở đâu?".
Theo “Đại Nam thực lục”, dù đánh giá cao tấm lòng vì nước của Nguyễn Tri Phương, vua Tự Đức cũng từng phê bình ông nghiêm khắc: “Nguyễn Tri Phương là quan to, nhận trách nhiệm coi giữ một địa phương, khi ấy dời đóng ở Hà Nội, không biết dự phòng trước khi có việc, nói về chủ trương sai khiến tất cả các việc, đáng phải cách mất chức hàm, còn để án trảm hậu mãi. Nhưng nghĩ viên đã chết ấy suốt đời trung thành dũng cảm, trẫm đã xét biết, cả nhà có tiết nghĩa, khó nhọc từ trước đến sau, so với Bùi Thức Kiên, cầu sống tạm không có công trạng gì thì khác xa, hãy gia ơn tạm cho khai phục Binh bộ Tả tham tri và tước bá được phong trước (trước đó Nguyễn Tri Phương có công dẹp giặc Man, được phong là Tráng Liệt bá) không phải lấy lại”.
“Còn như Bùi Thức Kiên, chính mình làm Tổng đốc, thế mà trước không biết xem cơ hội xếp đặt, sau lại chịu nhẫn nhục để sống cho qua, rất là đáng giận một cách lạ lùng, cho xử trảm giam hậu, và tước bỏ tên ở bia, sổ tiến sĩ. Bọn Đề đốc Đặng Văn Siêu, Bố chính Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm, Phó lãnh binh Lê Tiến Khoa không biết hợp sức cố giữ, tội cùng như nhau, cũng đều xử trảm giam hậu”.
Ngoài ra, vua Tự Đức đồng ý với mức án cách chức với Khâm phái Phan Đình Bình và cho giảm án Phó lãnh binh Nguyễn Khắc Uy xuống xử đánh 100 trượng, đồ 3 năm; phạt trượng Án sát Tôn Thất Trắc.
Ngoài vụ thành Hà Nội thất thủ, trong cuộc tiến công năm đó, 3 thành khác là Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình cũng bị mất. Nhà vua sắc cho các quan nguyên trước làm việc tại ba tỉnh này cùng tỉnh Hà Nội, người nào đã chạy thoát về Thanh Hoá, thì tha bắt trói, đều chuẩn cho về Kinh đợi án, còn người nào tuỳ tiện trốn tránh, đều bắt trói ngay giải về Kinh giam chặt, đều giao cho đình thần luận tội.

3. Nêu gương người tiết nghĩa
Từ tháng Chạp năm 1873, vua Tự Đức nghĩ việc đã yên, nghĩ lại đến cha con Nguyễn Tri Phương chết vì tiết nghĩa, bèn ban dụ rằng: Triều đình đối với bề tôi đảm đương công việc, đáng nghị tội thì nghị tội, đáng ghi công thì ghi công, nghĩa công ơn hậu, đều làm không trái, là để tỏ quyền lớn khuyên răn, mà làm kế rất hay cho cách ở đời và lòng người.
Do đó, vua sai quan tỉnh Hà Nội phái lính hộ tống quan tài của Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Lâm về quê (xã Đường Long, phủ Thừa Thiên) an táng. Vua cũng ban cho Nguyễn Tri Phương 3 cây gấm Tống, sa và nhiễu màu mỗi thứ 3 tấm, vải lụa mỗi thứ 10 tấm, tiền 1.000 quan, để lo liệu việc mai táng để tỏ chí ý đền công lao, nghĩ đến người cũ. Phò mã Nguyễn Lâm được truy tặng Binh bộ Thị lang, chiểu hàm cấp tiền tuất và cho 300 quan tiền để khuyến khích người trung hiếu.
Sử nhà Nguyễn cũng cho biết, khi thành Hà Nội mất, các phủ, huyện kế tiếp nhau thất thủ, chỉ có Tri phủ Ứng Hòa Phan Đức Trạch bám lấy thành cố giữ, Tri huyện Hoài An là Nguyễn Trọng Ấn cùng hợp sức chiêu tập quân lính phòng giữ đánh dẹp. Vua sai nêu thưởng cho Phan Đức Trạch hàm Thị độc, Nguyễn Trọng Ấn được bổ Tri phủ, và thưởng mỗi người một cái kim khánh bằng vàng tía có chữ kỷ công.
Sau khi chiếm thành Hà Nội, quân Pháp đánh thành Lạng Sơn, trong vụ này có viên Trung quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Đoàn Thọ đã đem Lãnh binh Lê Văn Dã liều sức chống giặc rồi tử trận, vua cho là tiết nghĩa thực đáng khen, chuẩn cho đổi Đoàn Thọ làm Trung quân Đô thống, chiểu hàm cấp tiền tuất và cấp thêm cho 1.000 quan tiền để lập đền thờ ở nhà; Lê Văn Dã cho truy tặng hàm Chưởng vệ, chiểu theo hàm tặng cấp tiền tuất.
Nhà vua nói với quần thần rằng: “Hai viên Đoàn Thọ và Lê Văn Dã, trẫm đã hết lòng vì bầy tôi nêu tiết nghĩa, vì nước trù tính kỹ, trong đó không có kẻ hơn người kém chút nào, phàm người có lương tâm đều nên coi đấy làm gương mà răn chừa. Cho nên Nguyễn Tri Phương, Đoàn Thọ còn có thể khen về tiết nghĩa, còn không có công lao tài năng thu chuyển, mà mượn cớ trốn trước, thì chỉ là giữ lấy thân mà thôi; dẫu có trăm miệng muôn đời cũng không thể khỏi tội được, đâu đáng kể đến làm gì?”.
Với thự Tổng đốc Bùi Thức Kiên và một số quan bị xử tội trong vụ để thất thủ thành Hà Nội, sau đó đều lần lượt được tha cho đi làm việc chuộc tội, trong đó có nhiều người được cho khai phục chức hàm như cũ.

Lê Tiên Long, báo Lao động cuối tuần năm 2018

49140327_2242333409144813_3113421084200796160_n.jpg


Hình ảnh minh họa:
Citadellehanoi3.jpg


003-tre1baadn-te1baa5n-cc3b4ng-ce1bbada-c491c3b4ng-nam-thc3a0nh-hc3a0-ne1bb99i-ngc3a0y-20-11-1873.jpg

quân Pháp tấn công thành Hà Nội năm 1873

003-quc3a2n-phc3a1p-c491c3a1nh-thc3a0nh-hc3a0-ne1bb99i.jpg

quân Pháp tập trung vũ khí và lực lượng để công thành.

anhCu_NTP_2010_03.jpg

220px-Quan_phuc_Nguyen_Tri_Phuong.jpg

Quan phục của tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương do người Pháp lấy sau khi họ chiếm thành Hà Nội. Hiện vật của Bảo tàng Quân sự Pháp tại Les Invalides.

tc6b0e1bb9dng-thc3a0nh-hc3a0-ne1bb99i.jpg

tường thành Hà Nội
 
Top Bottom