[Văn 9]Điển Tích trong Truyện Kiều từ nguồn vuhuu.edu

T

trifolium

Phiếu Mẫu

Trong đoạn Kiều trả ơn Thúc sinh và bà quản gia có câu:
Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
Mà lòng Phiếu Mẫu, mấy vàng cho cân


Chuyên kể rằng:
Bà Phiếu Mẫu, nhà nghèo khó, đã giúp Hàn Tín trong cơn đói cơm rách áo. Thuở hàn vi, Hàn Tín nghèo rớt mồng tơi, ngày ngày câu cá, nhưng cũng không kiếm đủ miếng ăn. Tuy vậy, Hàn Tín lại rất ham mê đèn sách, nghiên cứu binh thư; lại muốn ra oai như mình là con nhà võ, đi đâu cũng lè kè mang theo cây kiếm. Bà Phiếu Mẫu ở cạnh nhà, kiếm ăn bằng nghề giặt thuệ Tuy miếng cơm vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng thấy Hàn Tín quá đói khát, bà thường dẫn chàng dở hơi này về nhà cho cơm. Hàn Tín cảm động thưa:

- Xin cảm ơn bà đã quá tử tế với tôi. Sau này công thành danh toại tôi nguyện sẽ không quên ơn bà.

Phiếu Mẫu cười hiền hậu:

- Ta thấy ngươi đói khát, nên chia sẻ miếng cơm giọt nước với ngươi, chứ đâu cần ngươi sẽ trả ơn sau này. Đàn ông gì như ngươi , tự nuôi thân không nổi thì noí chi đến quyền cao chức trọng sau này.

Hàn Tín hỗ thẹn vì lời chê trách, nên không dám tìm qua nhà Phiếu Mẫu kiếm cơm nữa. Bà già vẫn thương người cùng khổ, ngày ngày đem cơm đặt trước căn lều của Hàn Tín. Người trong làng xóm biết chuyện, gọi đó là "Bát cơm Phiếu Mẫu".

Một hôm ở ngoài chọ có gã bán thịt to lớn, trông thấy Hàn Tín bước đi xiêu vẹo nhưng vẫn lòng thòng thanh kiếm bên lưng. Gã trêu tức:

- Này tên ma đói kia, nam nhi như mày mà không kiếm ăn được, hằng bữa phải nhờ đến bát cơm Phiếu Mẫu, không biết nhục à? Có giỏi thì rút kiếm ra đấu, ta tay không. Thắng được ta thưởng cho cái đầu heo. Bằng không dám đấu, thì luồn dưới trôn của ông nội mày đây.

Sắc mặt Hàn Tín đã xanh này càng xanh hơn. Tần ngần một lúc, Hàn Tín khúm núm lòn qua trôn gã hàng thịt. Cả chợ nhốn nháo chê cười Hàn sĩ. Nhưng có một tiều phu là Hứa Phụ, tình cờ qua đó, dừng lại trước Hàn Tín:

- Huynh là người có tướng vương hầu; tuy nay khốn khổ nhưng hậu vận lại vinh hoa phú quí.

Hàn Tín trở về túp lều, ngày đêm vẫn miệt mài dùi mài kinh sử. Lúc Hạng Lương nước Sở khởi binh đánh Tần, Hàn Tín đứng chống gươm bên bờ sông Tứ Thủy, tự tìm cơ hội tiến thân. Trông thấy Hàn Tín ngoại hình xanh xao vàng vọt, Hạng Lương "dội" ngay. Nhưng quân sư Phạm Tăng vội khuyên:

- Tuy nhìn bề ngoài yếu đuối, nhưng chân tướng là người thao lược, ngài chớ nên bỏ.

Hạng Lương miễn cưỡng nhận lời, cho Hàn Tín làm chấp kích lang, tức là vác giáo theo hầu.

Trong thơi gian này, Lưu bang đang dựng nghiệp đế ở Hán Trung, nhờ Trương Lương, giả lam lái buôn, đi chu du thiên hạ để chiêu hiền. Khi đến đất Sở, gặp được Hàn Tín, Trương Lương nhận ra ngay đây là một chân tài nhưng Sở không biết dùng người. Trương Lương bèn làm quen, và trao cho Hàn Tín một thanh kiếm báu, đề thơ tặng:

Kiếm báu lập lòe tay dũng sĩ
Non sông một giải chí hiên ngang.
Máu hồng, men rượu say băng tuyết
Muông dặm sơn hà một tấc gang.

Hàn Tì'n đang còn ngỡ ngàng, thì Trương Lương đã tiếp:

- Tại hạ biết được huynh là đấng hào kiệt nên đem kiếm báu tặng chứ không bán. Nay có chút quà mọn, xin huynh chớ từ chốị Hãy cùng nhau nhấp chén rượu mừng buổi sơ kiến. Hẹn ngày hội ngô trên đất Hán.

Sau chầu rượu, Trương Lương thuyết phục Hàn Tín nên bỏ Sở, về phò Lưu Bang, là người nhân đức biết trọng lương thần, xứng danh thiên tử. Hàn Tín thuận tình, nên bỏ trốn khỏi Sở. Mấy ngày lạc trong rừng không tìm đường để lần đến Hán Trung, đói khát lả người. May thay, gặp được một lão tiều, cho ăn uống và hướng dẫn đường đi nước bước chu đáọ Hàn Tín sụp lạy cảm ơn cứu tử, rồi nhanh nhẹn lên đường. Nhưng vừa qua được một khúc quanh, Hàn Tín chợt nghĩ:

- Ta đang bị Sở Bá Vương truy nã. Nếu chẳng may quan quân Sở cũng lần ra dấu vết đến đây, hỏi lão tiều phu này, thì tính mạng ta khó thoát. Lão già suốt ngày lẫm lũi trong rừng sâu, rồi cực khổ cũng chết khô xương , còn ta, cả cơ đồ sáng lạng trước mắt. Thôi thì, ta đành làm người vong ơn bội nghĩa..

Hàn Tín quay trở lạị Kiếm vung lên, thân lão tiều phu đứt làm đôị Hàn Tín đem xác vùi bên sườn núi.

Khi đến Hán Trung, Hàn Tín được Tiêu Hà - cận thần của Hán Vương tiếp kiến, liền tiến cử với Hán Vương. Vừa nghe đến tên Hàn Tín, Hán Vương đã cười khẩy:

- Khi còn ở huyện Bái, ta đã nghe tiếng người này lòn trôn Đỗ Trung, xin cơm Phiếu Mẫu, làng nước ai cũng khinh bỉ. Con người như vậy thì làm sao mà làm được việc lớn?.

Tiêu Hà bào chữa:

- Xin Chúa công hãy suy xét, nhiều người bần tiện thuở thiếu thời nhưng sau vẫn dựng nên sự nghiệp, như Y Doãn là người sơn dã, Thái Công là kẻ đi câu ở sông Vị, Ninh Thích là gã buôn xe, Quản Trọng là kẻ tội đồ, đến lúc gặp thời đều làm nên đại sự. Hàn Tín tuy đã lòn trôn mưu sống, xin cơm cứu đói, giết ân nhân để trừ hậu hoạn..nhưng đó vẫn là người uyên bác, mưu lược; không dùng, tất hắn sẽ bỏ đi tìm nơi khác trọng dụng.

Nể lời tấu trình của cận thần, Hán Vương giữ Hàn Tín lại, cho làm thủ kho lương thực. Tiêu Hà không đồng ý vì cho rằng Hàn Tín là người trí dũng, đem dùng vào việc nhỏ không xứng với tài năng. Phần Hàn Tín cũng chán nản; nấn ná một hai hôm lại trốn đi, để lại ít câu thơ, thảo trên vách:

Anh hùng lỡ vận bước long đong
Thà chịu an thân khỏi thẹn lòng
Vó ngựa xa vời trông cố quận
Công danh chán ngắt mộng anh hùng.

Tiêu Hà hay tin Hàn Tín đã bỏ đi, dậm chân kêu trời, tiếc thay người tài không có đất dụng võ. Không nản lòng, Tiêu Hà đem theo ít quân hầu lần theo dấu tích Hàn Tín. Khi tìm gặp được, Tiê Hà cầm tay Hàn Tín ân cần:

- Cổ nhân có câu: Sĩ vị tri kỷ giả tử (kẻ sĩ có thể chết theo người tri kỷ). Tại hạ hiểu huyng là người tài, đã quyết tâm tiến cử, nhu8ng Chúc công vần chưa tin dùng. Nay nếu một lần tiến cử nữa, mà Chúa công vẫn không nhận, thì Tiêu Hà này cũng từ chức mà lui về vườn.

Hàn Tín cảm kích lòng thành của Tiêu Hà, nên lại lên ngựa quay trở về Hán Trung. Nghĩ đến số phận mình còn long đong, Hàn Tín đề thơ:

Mây gió phôi pha bóng nguyệt tà
Vận thời chưa gặp khó bôn ba
Nghèo hèn phận bạc đơì dang dở
Con tạo trêu ngươi mãi thế à!

Chợt, Hàn Tín nhớ mấy câu thơ của "anh lái buôn " Trương Lương đã đề tặng mình. Lúc đó, Trương Lương vẫn còn chu du chiêu hiền chưa về đến. Hàn Tín đưa thơ cho Tiêu Hà xem. Tiêu Hà mừng rỡ:

- Trời đất, thư giới thiệu của Tử Phòng, sao tướng công đã không trình cho Chúa công.

Khi xem thơ của Trương Lương, Hán Vương giật mình:

- Ôi chao, thì ra người của Trương Tử Phòng tiến cử. Ta thật không biết nhìn người.

Theo đề cử của Tiêu Hà, Hán vương phong Hàn Tín làm Đại Nguyên Soáị Hàn Tín đã đem tài năng mình phò Lưu Bang, tóm thâu thiên hạ, dựng nên nhà Hán.

Trong khi danh vọng ngất trời, Hàn Tín vẫn hãnh diện vì cái quá khứ bát cơm Phiếu Mẫu của mình và cũng từ đó, lưu truyền trong dân gian điển tích này.

Chỉ tiếc khi tài - danh lên tột đỉnh, Hàn Tín vẫn không hượm chân, nên đã chết thảm dưới tay Lữ Hậu.
 
T

trifolium

Lòng còn gởi áng mây vàng

Ðoạn miêu tả Thúc Sinh nhìn Kiều tắm trong bức trướng hồng, tò mò để nhìn thân hình tuyệt mỹ của Kiều "rõ ràng trong ngọc trắng ngà; dày dày sẵn đúc...", nên Thúc làm một bài thơ luật Ðường vịnh Kiều tắm, ngụ ý khen ngợi thân hình đẹp đẽ lộng lẫy toàn vẹn của Kiều. Kiều cũng muốn hoạ lại nhưng từ chối vì nỗi lòng nhớ quê hương, gia đình mà không có ý tình nào làm được nữa, nên:

"Nàng rằng: "Vâng biết ý chàng,
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gởi áng mây vàng,
Hoạ vần xin hãy chịu chàng hôm nay."
(Câu 1315 đến 1320)


Và, đoạn nói về Từ Hải từ giã Kiều đi dựng nghiệp, để Kiều nương mình trong gian nhà lạnh lẽo ở Châu Thai, Kiều thui thủi trông chờ ngày tái hợp và nhớ đến gia đình, quê hương, có câu:

"Nàng từ chiếc bóng song mai,
Ðêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây.
Sân rêu chẳng vẽ dấu giày.
Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân.
Ðoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa."

(Câu 2231 đến 2236)

"Mây vàng" nguyên có câu thơ cổ "Thiên thượng hoàng vân ảnh, du tử hà thời quy", nghĩa là: "Trên trời có bóng mây vàng, con đi xa nhà bao giờ về". "Mây vàng" có bản chép "Mây Hàng" là mây trên núi Thái Hàng. "Mây Tần" do câu "Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại", nghĩa là: "Mây phủ ngang núi Tần lĩnh, biết nhà ta ở đâu?"

Ðịch Nhơn Kiệt, người đời nhà Ðường, được bổ làm Pháp tào Tham quan ở Tĩnh Châu. Cha mẹ thì ở đất Hà Dương, xa Tĩnh Châu có mấy ngày đường. Một hôm, Ðịch lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bay một mình (bạch vân cô nhi) bèn nói với kẻ tả hữu: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó" (ngô thân xá ư kỳ hạ). Ðịch ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất mới về.

Ðịch Nhơn Kiệt dùng tiếng "Mây trắng", nhưng vì đứng trên núi Thái Hàng nên người sau cũng gọi là "Mây Hàng".

"Truyện Kiều", đoạn Kiều bị Hoạn Thư bắt về làm nô tỳ, có câu:

"Lâm tri chút nghĩa đèo bòng,
Nước non để chữ tương phùng về sau.
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà."
(Câu 1785 đến 1788)

"Mây trắng" cũng gọi là "Mây bạc". Trong bài "Tôn phu nhân quy Thục" của Tôn Thọ Tường cũng có câu:

"Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Thục trau tria mảnh má hồng".

Hàn Dũ làm quan đến chức Hình bộ thị lang về triều Ðường Hiến Tông (806-820). Theo "Liệt tiên truyện", một hôm Hàn Dũ mở tiệc hạ thọ, có người cháu gọi Hàn là chú, tên Hàn Tương tu tiên trong núi về lạy mừng. Hàn Dũ thấy cháu không chịu học hành lập chí bèn ngỏ lời khuyên, Tương thưa:

- Cháu có học nhưng học theo lối xuất thế.

Hàn Dũ không bằng lòng cho là hoang đường. Tương lại thưa:

- Ðó là túc căn của cháu. Cháu phải theo.

Nhân đó, Tương tặng chú hai câu thơ:

"Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền."

Nghĩa:

"Mây ngang Tần lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua."

Xem qua, Hàn bảo:

- Hai câu thơ rất hay, nhưng không có ý nghĩa gì cả!

Tương thưa:

- Xin chú cứ nghiệm, về sau sẽ biết.

Hàn Dũ vốn tôn trọng Nho học, không ưa Phật giáo. Nhân ngày lễ rước xá lợi (di tích cốt Phật), Ðường Hiến Tông tổ chức trọng thể cho rước vào cung để thờ, Hàn dâng biểu can gián, lời lẽ cứng rắn đến gay gắt nặng nề. Vua Hiến Tông cả giận, ra lệnh đem Hàn xử tử. May nhờ Tể tướng Bùi Ðộ và các quan đồng liêu hết sức kêu xin, Hàn mới thoát khỏi tội chết. Nhà vua liền giáng chức Hàn làm Thứ sử Triều Châu (thuộc tỉnh Quảng Ðông); và hẹn trong 8 ngày phải có mặt tại sở nhậm. Nếu chậm sẽ bị chết chém.

Ðường từ Trường An (kinh đô nhà Ðường) ra đến Triều Châu có hàng 8 ngàn dặm, đường sá gập ghềnh hiểm trở, đèo núi cheo leo. Mặc dầu đi ngựa cả tháng chưa chắc đến nơi, thế mà lệnh vua chỉ có 8 ngày. Tuy vậy, Hàn không dám trái lệnh, lập tức cùng hai gia nhân lủi thủi lên đường. Bằng hữu sợ vạ lây, không ai dám đưa tiễn.

Ba thầy trò đi suốt ngày đêm, ngồi trên ngựa ăn cơm khô, uống nước bầu, không dám nghỉ ngơi quán dịch mà đã 8 ngày rồi chỉ mới đến Lam Quan. Lúc bấy giờ đương tiết đông, nơi cửa ải Lam Quan mưa dầm gió bấc, tuyết xuống phủ đường. Những tảng tuyết cao và trơn như mỡ, ngựa không thể nào đi được. Hàn và hai gia nhân phải xuống ngựa đi bộ. Chẳng may cả ba đi lạc vào rừng, bốn bề vắng ngắt, tìm mãi không thấy lối ra và cũng không gặp ai để hỏi.

Suốt bao nhiêu ngày gian khổ như thế làm cho người Hàn sút ốm quá nửa, tóc cơ hồ bạc. Lòng Hàn bàng hoàng chán nản, tự nghĩ vì công danh mà chịu nỗi lao đao. Hàn bây giờ có ý bỏ quan, vào rừng ẩn náu, thoát vòng cương toả.

ý đã quyết, Hàn định trở lại nhưng không biết đường nào ra. Bốn phía tuyết phủ mịt mù. Gió rít từng cơn. Trên đỉnh núi Tần Lĩnh, mây trắng cuồn cuộn bay, cố hương biết nơi đâu mà về.

Lúc ấy, Hàn mới sực nhớ hai câu thơ năm trước mà cháu là Hàn Tương đã nhắc Hàn suy nghiệm về sau sẽ biết. Thật là đúng với tình cảnh của Hàn lúc này. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, trời mịt mù sắp tối, tuyết đổ xuống càng đầy, gió thổi càng mạnh, mưa bay càng nặng, bỗng nghe như có tiếng người gọi văng vẳng sau lưng. Hàn quay lại nhìn thì ra là Hàn Tương.

Hàn mừng rỡ, đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại cho Hàn Tương nghe. Tương liền bảo Hàn bỏ ngựa đi thuyền, đoạn đưa cả ba người ra khỏi rừng. Ðến bờ sông Chương thấy có sẵn một chiếc thuyền cắm sào trên băng tuyết. Nước sông Chương đóng thành băng một dãy liền như tấm lụa trắng. Tương bảo ba thầy trò Hàn lên thuyền ngồi rồi nhắm mắt lại, để Tương đưa đi.

Ba thầy trò nghe theo lời, bấy giờ bên tai chỉ nghe gió thổi vù vù, tiếng thuyền rẽ sóng nước ào ào. Ðộ một giờ sau, thuyền ngừnglại, tiếng gió tiếng nước vắng lặng. Thầy trò mở mắt ra. Bến Triều Châu ở ngay trước mặt.

Nhớ đến chuyện long đong lận đận, nhất là hai câu thơ ngày nọ đã tả đúng cảnh lạc loài, cô đơn và nỗi nhớ quê nhà ở rừng thẳm bên ải Lam Quan và núi Tần Lĩnh, Hàn Dũ liền làm một bài thơ nhan đề "Chí Lam Quan thị điệt Hàn Tương" (Ðến Lam Quan bảo cháu Hàn Tương). Lời thơ bi thiết:

"Nhất phong triêu tấu cửu hoàng thiên,
Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên.
Bản vị thánh triều trừ tệ sự,
Cảm tương suy hủ tích tàn niên.
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Tri nhữ viên lai ưng hữu ý,
Hảo thu ngô cốt Chương giang biên".

Bùi Khánh Ðản dịch:

"Sớm dâng biểu tấu vào cung khuyết,
Chiều đất Triều Châu bị biến ra.
Muốn bỏ dị đoan cho đất nước,
Quản chi suy hủ tiếc thân già.
Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua.
Hẳn cháu đến đây lòng đã định,
Chương giang rồi nhặt nắm xương ta."

Như vậy, Mây vàng, Mây Hàng, Mây trắng, Mây bạc, Mây Tần đều dùng để nói đến tình nhớ gia đình, nhớ cố hương.

"Ðoái trông muôn dặm tử phần".

"Tử phần" do hai từ "tử" và "phần" ghép lại, chỉ quê hương. Nguyên từ "tử" trong Kinh Thi có câu: "Duy tang dữ tử tất cung kính chỉ", nghĩa là: cây dâu và cây tử (cây thị) do cha mẹ trồng tất phải cung kính, nên sau hai từ "tang tử" để chỉ quê hương. "Tự tình khúc" của Cao Bá Nhạ có câu: "Cành mai chếch mác càng thương; câu thơ tang tử giữa đường càng đau".

"Phần" là do từ "phần du" là quê hương của Lưu Bang khi lên làm vua, lập nên nhà Hán tức Hán Cao Tổ hằng năm đều về quê cúng lễ. Người sau nhân đó dùng từ "phần" để chỉ quê hương.

Mỗi từ vốn một gốc, tự tác giả "Truyện Kiều" rất khéo chắp nhặt lại làm một nghe rất liền nhau, được coi như cái tài của tác giả khéo sắp xếp để bắt vần, nhất là đạt được ý thêm sâu.

Ðối cảnh sinh tình, tình phối hợp cảnh, Kiều càng nghĩ nhớ đến quê hương, và trông về phía quê hương thì xa cách muôn trùng. Thật là một tình cảnh bi thảm. Người đã xa quê hương, tấm thân cô độc chìm đắm trong cảnh đoạ đày, vậy chỉ còn lòng nhớ quê, nhìn đám mây bạc lững lờ trôi trên đỉnh núi xa như người xưa xa quê hương tưởng nhớ quê hương, ngậm ngùi than thở: "nhà ta ở đâu?" hay "nhà ta ở dưới đám mây trắng đó".

"Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà."

Và:

"Ðoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa."

Lòng người chua xót.

Lời thơ, âm điệu não nuột biết bao!
 
T

trifolium

Nào hồn Tinh vệ biết theo chốn nào

Kim Trọng và Vương Quan đã thi đỗ làm quan. Khi Kim và Vương được cải nhậm người ở Nam Bình, kẻ ở Phú Dương; nên cả hai cùng đem gia đình theo. Nhân tiện đường sang Hàng Châu mong dò la tin tức tìm Kiều, thì cả gia đình được tin đích xác là Kiều đã trầm mình tại sông Tiền Ðường. Ðinh ninh Kiều đã chết, nên gia đình lập đàn tràng bên sông làm lễ chiêu hồn:

Chiêu hồn thiết vị lễ thường
Giải oan lập một đàn tràng bên sông
Ngọn triều non bạc trùng trùng
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
Tình thâm bể thẳm lạ điều
Nào hồn Tinh vệ biết theo chốn nào?
(câu 2967 đến 2972)

Kiều chết oan.

Từ Hải cũng chết oan.

Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa dối, uất ức, căm hờn chết đứng "khí thiêng khi đã về thần". Kiều bị Hồ cưỡng bách, uất ức, căm hờn gieo mình "sông Tiền Ðường đó ấy mồ hồng nhan". Công luận kết án Hồ Tôn Hiến đê tiện, lừa dối giết Từ Hải xong lại bức tử Kiều. Vợ chồng Kiều bị chết oan. Kẻ anh hùng giang hồ mã thượng quật khởi "thắng làm vua thua làm giặc", cô thân, vô gia đình, oan hồn vẫn còn bất hạnh; riêng Kiều dầu sao cũng còn gia đình lập đàn tràng bên sông để giải nỗi oan tình!

"Chiêu hồn" là gọi hồn. Ðối với người chết trên đất có mồ mả thì người ta làm lễ phục hồn, nghĩa là làm cho hồn trở lại nhà để thờ. Ðối với người chết đuối hay trầm mình dưới sông tự tử thì làm lễ chiêu hồn tức gọi hồn trở về, vì hồn bị lạc lõng trên sông.

Ðây khác với cầu hồn. Càng đi sâu vào dị đoan mê tín, cầu hồn là để hồn nhập vào xác một người ngồi đồng nào đó, để kể chuyện gia đình thân nhân cầu về.

Chết oan là bị bức chết, có nghĩa là chưa tới số chết, nên hồn không có chỗ ở, không lên thiên đường được mà cũng không vào địa ngục được hay đi đầu thai được, hồn còn phảng phất, lảng vảng ở không không.

Theo đạo Lão cũng như đạo Phật, đối với những người chết oan như thế, cần lập một đàn lễ để giải nỗi oan cho người chết oan, cho linh hồn được tiêu thăng tịnh độ, tức là cõi thanh tĩnh hư vô của Phật.

Nhìn trên sông, sóng bạc đầu của thuỷ triều trùng trùng xô nhau đuổi bắt hết lớp nọ đến lớp kia, dõi trông xa xa như có bóng hồng (Kiều) gieo mình xuống nước. Rồi vì mối tình thâm ruột thịt, vì nhìn thấy sông nước sâu thẳm mênh mông mà cảm thấy có hồn oan chim Tinh vệ, lẩn quất bảng lảng đâu đây cũng như không biết từ đâu đến, từ đâu về...

Theo cổ tích Trung Hoa, con gái vua Viêm đế đi thuyền trên biển Ðông. Chẳng may gặp cơn bão dữ dội, thuyền bị chìm. Nàng chết đuối. Vì lòng căm thù, uất ức hoá thành chimTinh vệ bay tới bay lui, miệng ngậm đá núi Tây đến biển Ðông, để nhả dá như muốn lấp biển Ðông cho thoả nỗi căm hờn bất tận. Tên chữ gọi là "Tinh Vệ hàm thạch".

Tuồng "Kim Thạch kỳ duyên" của cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đoạn Giải thị tuẫn tiết theo chồng có câu:

Oan kết theo hồn Tinh Vệ- luỵ rơi hoá huyết Ðỗ quyên.
Minh mông sóng thảm bủa đầu thuyền (còn) lai láng gió sầu xao mặt nước"

Cụ Phan Chu Trinh chết, cụ Phan Bội Châu có câu đối ai điếu:

Thương hải vi điền, Tinh vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyên

Nghĩa:

Biển thẳm chưa bằng, Tinh vệ còn ngậm đá
Chung Kỳ đã mất, Bá Nha đứt dây đàn.

Căm hờn chế độ thực dân, nước mất nhà tan, chưa san bằng được chế độ thuộc địa, chưa giải phóng được đất nước, nhà cách mạng vẫn kiên trì tranh đấu như chim Tinh vệ ngậm đá quyết lấp cạn biển Ðông để thoả mối căm hờn.

"Chiêu hồn", giải oan đều mượn điển tích "hồn Tinh vệ" chẳng những để chỉ nỗi oan ức. Vì chết oan mà còn chất chứa nỗi căm thù sâu sắc và mãi mãi với kẻ đã gây nên tội ác làm chết oan người.

Có thể tác giả dùng "hư bút" để kết án tên Tổng đốc đểu giả Hồ Tôn Hiến cũng nên.
 
T

trifolium

Tựa cử hôm mai - Quạt nồng ấp lạnh - Sân Lai - Gốc tử

Kiều toan tự tử, Tú Bà vừa sợ mất tiền mua vừa mất người đẹp đối với khách hàng, lại sợ tội gây nên án mạng, nên chăm sóc Kiều, cho ở riêng lầu Ngưng Bích, dối gạt chờ gặp ng` xứng đáng sẽ gả. Ở đây, Kiều cô độc, buồn bã, ngậm ngùi nhớ tình nhân, nhớ cha mẹ, cố hương:

"Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm"

(câu 1043 đến 1046)

"Tựa cửa hôm mai"

Nhạc Nghị là tướng nước Yên đời Chiến quốc, đem quân đánh nước Tề, hạ được 70 thành. Tề chỉ còn 2 thành là Cử châu và Tức mặc. Tề Mẫn vương thua chạy, bỏ kinh đô ra Cử Châu, có quan đại phu Vương Tôn Giả hộ giá. Ðến nước Vệ thì cả hai lạc nhau. Vương không biết Mẫn Vương ở đâu, lẻn trở về nhà. Nhà chỉ còn một mẹ già, hỏi vua Tề ở đâu?. Vương thưa:
- Con theo vua đến nước Vệ, giặc đuổi theo, nửa đêm vua tôi cùng bỏ trốn, rồi không biết vua đi ngã nào.
Bà mẹ giận, nói:
- Mày sớm đi chiều về, ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về, ta đứng tựa cổng mà mong. Vua mong bề tôi có khác gì mẹ mong con. Mày làm tôi vua Tề, vua ban đêm chạy trốn, mày không biết đi đâu sao lại bỏ về.
Vương Tôn Giả thẹn quá, từ biệt mẹ già đi tìm vua Tề. Nghe vua ở Cử Châu, Vương tìm đến. Nhưng khi đến nơi mới biết Tề Mẫn Vương bị Tướng quốc Tề là Trác Xỉ mưu phản, tư thông với Nhạc Nghị giết chết, vương bèn trần tay áo bên tả, kêu gọi dân ngoài chợ:
- Trác Xỉ làm tướng nước Tề mà mưu phản giết vua, thế là làm tôi bất trung. Nếu ai bằng lòng cùng tôi giết kẻ có tội ấy thì theo tôi cùng trần tay áo bên tả.
Người trong chợ cùng bảo nhau:
- Người ấy còn trẻ tuổi mà còn có lòng trung nghĩa, chúng ta ai là người hiếu nghĩa tưởng đều nên theo.
Thế là chỉ trong một lúc có đến hơn 400 người cùng trần tay áo bên tả.

Ở thành Cử Châu, sau khi giết vua, Trác Xỉ vào cung vua, rượu say sưa, truyền mỹ nữ tấu nhạc mua vui, chỉ có vài trăm quân dàn hầu ở cửa. Vương Tôn Giả đem 400 người xông vào đoạt khí giới của quân lính, tiến vào quân bắt được Trác Xỉ. Xỉ bị xả thây, bầm nát thành nước thịt.

Lời nói của bà mẹ Vương Tôn Giả: "Mày sớm đi chiều về, ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về, ta đứng tựa cổng mà mong...", nguyên Hán văn là "Nhữ triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng; mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng". Do đó, nên sau trong văn chương, người ta thường dùng chữ "ỷ môn, ỷ lư" (tựa cửa, tựa cổng) để chỉ sự cha mẹ mong con. Ðiển tích thì nói riêng về người mẹ, nhưng dùng rộng ra người "ỷ môn, ỷ lư" (tức người tựa cửa, tựa cổng mong buổi sớm buổi chiều) chỉ gồm cả cha mẹ. Sở dĩ có chữ "hôm mai" đi theo chữ "tựa cửa" là vì mẹ Vương Tôn Giả có nói đến việc con đi buổi mai và buổi chiều (triêu xuất, mộ xuất).

Trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch Nôm của bà Ðoàn thị Ðiểm có câu:

Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm

Nguyên Hán văn của Ðặng Trần Côn:

Lão thân hề ỷ môn
Anh nhi hề đãi bộ

"Xót người tựa cửa hôm mai" tức là Kiều tỏ lòng thương nhớ cha mẹ.

"Quạt nồng ấp lạnh"

Nguyên dịch ý câu trong kinh Lễ nói về bổn phận người con: "Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ thanh", có nghĩa là: "Kẻ làm con theo lễ mùa đông phải làm cho cha mẹ ấm, mùa hạ phải làm cho cha mẹ mát". Truyện Nhị thập tứ hiếu có chép: Hoàng Hương mới lên 7 tuổi mà biết phụng dưỡng cha mẹ. Cậu còn bé, không làm công việc nặng nề để giúp cha mẹ được thì vào mùa hạ nóng nực, cậu quạt cho cha mẹ mát; đến mùa đông lạnh lẽo thì ấp chỗ ngủ cho cha mẹ được ấm.

"Sân Lai"

Tức sân nhà ông Lão Lai tử, người đời nhà Châu, có tiếng là con chí hiếu. Ông tuổi gần 70 mà cha mẹ vẫn còn. Nhà nghèo, ông vất vả cày cấy để nuôi cha mẹ. Ðể cha mẹ giải buồn, vào những buổi chiều, ông mặc áo năm sắc múa hát ở trước sân; có lúc giả vờ té để cha mẹ cười vui. "Sân Lai" nghĩa bóng chỉ sân nhà cha mẹ tức là nhà mình như nhà cha mẹ của Kiều nay đã xa cách lâu ngày, trải qua bao thời gian năm tháng (cách mấy nắng mưa)

"Gốc tử"
Là gốc cây tử (cây thị). Nông thôn Trung Hoa xưa thường trồng cây dâu (tang hay phần) và cây thị (tử) nên có từ "tử phần" hay "phần tử" hoặc "tang tử" hoặc "tử hương", "tử lý"... cũng như nước ta thường dùng chữ "luỹ tre" hay "luỹ tre xanh" làm tiêu biểu cho quê hương:

Ðoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
(câu 2235 và 2236)

Kiều nhớ tình nhân tức Kim Trọng:

Nhớ người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày mong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
(câu 1039 đến 1042)

Kế nhớ đến cha mẹ, quê hương nhưng sao không thấy nói nhớ tới hai em Vương Quan và Thuý Vân?

Văn chương không thể nói hết, và có nhiều điều bỏ lửng, không nói. Nhưng xét kỹ có ngụ ý về chí tình. Vì cái sân, gốc sân mà còn nhớ thì tại sao lại không nhớ đến em. Ðây mới chính là cái tuyệt diệu của văn chương. Ðào Tiềm đời nhà Tấn có bài hỏi thăm nhà:

Nhĩ tòng sơn trung lai
Tảo vãng phát Thiên mục
Ngã ốc Nam sơn hạ
Kim sinh kỷ trùng cúc?

Lược dịch:

Bác ở trong núi đến
Sớm chiều đi Thiên mục
Nhà tôi dưới Nam Sơn
Nay mọc mấy khóm cúc?

Vương Duy, thi hào đời nhà Ðường cũng hỏi:

Khách tòng có hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai hựt ỷ song tiền
Hàn mai trứ hoa vị?

Lược dịch:

Khách ở quê nhà đến
Hẳn biết chuyện quê nhà
Ngày đi trước cửa sổ
Hàn mai nở hoa chưa?

Lê Cảnh Tuân làm quan triều Hồ nước Việt Nam, bị giặc Minh bắt giải về Trung Hoa, nhân Tết Nguyên đán, làm thơ nhớ nhà:

Lữ quán khách nhung tại
Khứ niên xuân phục lai
Quy kỳ hà nhựt thị
Lão tận cố hương mai

Lược dịch:

Lưu liên nơi quán khách
Xuân trước lại tới nơi
Ngày nào về quê cũ
Mai già cỗi hết rồi...

Tuy chỉ nói đến khóm cúc gốc mai... nhưng hàm súc tình quyến luyến gia hương đậm đà tha thiết, ý tuy không nói ra nhưng ng` đọc vẫn cảm thấy. Ðó là "ý tại ngôn ngoại".
 
T

trifolium

Tiểu tinh - Tam bành

Kiều đã bán mình và đã thất thân với Mã Giám Sinh, Mã đưa Kiều về lầu xanh, giao cho mụ Tú Bà... Mụ buộc Kiều lạy mụ và Mã Giám Sinh để nhận Kiều làm con nuôi. Kiều bấy giờ mới biết Tú Bà là vợ của gã họ Mã nên nàng trần tình có ý bác bẻ lại và tự nhận là vợ lẽ:

Nàng rằng: Phải bước lưu ly
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh
Ðiều đâu lấy yến làm oanh
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì
Ðủ điều nạp thái vu quy
Ðã khi chung chạ lại khi đứng ngồi
Giờ ra thay bậc đổi ngôi
Dám xin gởi lại một lời cho minh
Mụ nghe nàng nói hay tình
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên

(câu 953 đến 962)

"Tiểu tinh" nghĩa đen là sao nhỏ, nghĩa bóng chỉ phận lẽ mọn tức người vợ lẽ. "Tiểu tinh" nguyên lấy chữ "thơ Tiểu tinh" trong Kinh thi. Thơ "Tiểu tinh" gồm có hai chương. Bài thơ mượn lời người vợ lẽ mọn để diễn đạt tư tưởng an phận thủ thường, cam chịu định mạng. Ban ngày, người vợ lẽ không dám đến gần tiếp xúc đấng phu quân, sợ vợ cả bắt gặp. Phải đợi đến đêm sao mọc, nàng mới dám đến lén lút với chồng, để rồi lại vội vàng lén lút trở về phòng mình, khi đằng đông sao sắp lặn, tức là trước khi trời sáng.

Lời lẽ trong thơ "Tiểu tinh" tuy có so sánh thân phận khổ đau, buồn tủi của người vợ lẽ với thân phận hạnh phúc, ấm áp của người vợ cả, nhưng không tỏ ý ghen tuông, chỉ có cam chịu với số kiếp. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã chẳng cực tả cái thảm cảnh này có vẻ hằn học:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười hoạ hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công
Thân này ví biết dường nầy nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong!

"Chém cha", thực đanh thép biểu lộ vừa tủi thân, vừa căm hờn.

Ở ĐÂY, KIỀU ĐÀNH CHẤP NHẬN NHƯ THẾ MỘT CÁCH DỄ DÀNG. Ở chế độ phong kiến, lấy lẽ làm lẽ là một lẽ thường. Vả lại, trước hoàn cảnh này, Kiều không còn cách phản ứng mạnh mẽ nào hơn. An phận tuỳ duyên, giả thử Kiều có "biết dường nầy nhỉ" tất cũng phải chịu. Vậy mà, khi nghe Kiều tỏ bày sự việc và cam phận "tiểu tinh" thì mụ Tú Bà còn nổi tam bành.

"Tam bành" là gì?

Ðạo gia cho rằng: cái Thần (tinh thần) của con người ở vào ba nơi. Một ở óc, hai ở tim, ba ở dạ dày. Theo sách "Chủ nhân huyền ảo" thì cái Thần ấy có thể làm hại người. Ba nơi chư thần đó, Ðạo gia gọi là Tam Thi. Theo sách "Thái Thượng Tam Thi trung kinh", thì thượng thi tên Bành Cứ vốn ở đầu con người, trung thi tên Bành Chất ở bụng; hạ thi tên Bành Kiêu ở chân. Ba thần này gọi là thần Tam Bành hay xúi giục người làm bậy. Người thường tin rằng những sự nóng nảy, giận dữ đều do thần Tam Bành xúi giục, gây ra để cho con người dễ làm bậy.

Mụ nghe nàng nói hay tình
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên

"Tam bành" từ riêng biến thành từ chung để trở nên một thành ngữ, chỉ sự nổi giận đùng đùng, làm ác, hành hung của mụ Tú Bà, mặc dầu Kiều bằng lòng xin làm vợ lẽ. Nhưng thực tế, không phải mụ ghen tuông mà là tức giận vì Kiều đã mất trinh do tên họ Mã đã "nước trước bẻ hoa", như vậy mụ phải mất một số tiền lớn đối với khách hàng "vương tôn công tử" vốn thích tìm hoa chưa bị ai đi "nước trước". Cho nên mụ rống lên:

Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!

Rồi mụ dùng những lời xỉa xói, đanh đá dồn dập đổ trút tội lỗi lên đầu Kiều:

Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mầy lại nghe
Cớ sao chịu tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!

(câu 973 đến 976)
 
T

trifolium

Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh, trước khi theo về Lâm Tri, Kiều ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya, nhớ đến mối tình đầu giữa nàng và Kim Trọng vì gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên đau lòng than thở:

Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

(câu 705 đến 708)

Và, khi dặn Thuý Vân thay mình để kết duyên với Kim Trọng có câu:

Mai sau, dù có bao giờ
Ðốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai
(câu 741 đến 764)

Ðoạn diễn tả Thúc Sinh vào lầu xanh ở Lâm Tri gặp Kiều, mưu đem giấu Kiều rồi đem vàng chuộc Kiều, để Kiều thoát cảnh lầu xanh:

Công tư hai lẽ đều xong
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dày tình sông
(câu 1379 đến 1382)

"Trúc mai" là cây trúc và cây bương

Trúc thuộc loại tre nhỏ. Bương là một giống tre to ở rừng. Lá bương to có thể dùng gói bánh, thân to có thể dùng làm cột nhà. Cây bương già có hoa, gần giống bông lau nhưng dài hơn, thường gọi là bông mai dùng bó làm chổi gọi là chổi bông mai. Mai này không phải là loại mai vàng, mai trắng hay cây mơ nở hoa trắng vào mùa Xuân.

Măng bương to mập, người gọi là măng mai. Cũng như tre, trúc có măng. Ca dao ta có bài "Lính thú đời xưa", có câu:

.... Ðốn tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng"....

"Trúc mai" ở đây chỉ người bạn tình chung thuỷ. Vì trúc và mai (bương) là giống cây có đốt thẳng lóng ngay, và suốt đời không thay đổi đốt và lóng ấy. Người ta mượn "trúc mai" để chỉ người bạn suốt đời giữ được trọn tiết (tiết nghĩa đen là đốt như đốt tre, đốt trúc) không thay lòng đổi dạ, không nghĩ quanh co (tre trúc bao giờ cũng thẳng) tức là người giữ trọn lời thề.

Hai người thề bồi cùng nhau, người này không giữ được lời thề tức là mang nợ (lời thề) với người kia. Và, theo thuyết luân hồi của đạo Phật, người mắc nợ ở kiếp này thì kiếp sau phải làm thân trâu ngựa để trả nợ cho người chủ nợ.

Hình dung bằng cây trúc và cây mai là những người trọn đời giữ vững lòng ngay dạ thẳng, vẹn thuỷ toàn chung. Trúc mai lại có ý chỉ vợ chồng. Vì đạo vợ chồng cốt ở tình nghĩa có tính chất như cây trúc, cây mai

Nhưng "trúc mai" còn có một ý nghĩa khác là khi đảo ngược lại ra "mai trúc"

Ðây không phải là cây tre và cây mơ, và cũng không phải cây trúc và cây bương mà là trúc làm mai mối (mai trúc). Ðiển tích này được chép trong "Lưỡng ban thu vũ am tuỳ bút"

Nguyên ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Ðông có một cái đầm tên là Ðỗ Phụ (Ðỗ phụ đàm), nghĩa là đầm đánh đố được vợ. Tương truyền xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau thường ngồi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân thiết, một hôm bảo nhau:
- Chúng ta bây giờ chơi thân, gần gũi nhau, nhưng biết có được như vầy mãi không? Lớn lên chắc phải xa nhau, người một nơi kẻ một ngã
Cả hai đều lấy làm buồn. Nhưng rồi chúng nghĩ ra một cách đánh đố (bói), chẻ một lóng trúc làm đôi, mỗi đứa cầm một mảnh liệng xuống dòng nước, nguyện với nhau rằng: nếu hai thanh trúc ghép lại tất là hai đứa được gần nhau. Hai mảnh trúc trôi xuôi nhưng rồi từ từ ghép lại làm một như lóng trúc chưa chẻ.
Về sau, lớn lên cả hai kết thành vợ chồng. Do đó, đầm ấy có tên là "Ðỗ phụ đàm". Giống trúc mọc trên bờ đầm gọi là "mai trúc"

Ðời Thanh (1644- 1909) thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh Mai Trúc:

Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần
Sinh trúc năng thành phu phụ ân
Ðàm thượng chí kim lại trúc mỹ
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn

Nghĩa:

Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bá niên
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền
(bản dịch của Văn Hạc)

"Ðền nghì trúc mai" tức là đền đáp tình nghĩa vợ chồng

Vì gia biến, Kiều đành lỗi hẹn quên thề với Kim Trọng ở kiếp này, vậy thôi thì dầu tấm thân này có tan nát đi nữa (nát thân bồ liễu), xin kiếp khác nguyện (làm thân trâu ngựa) để đền đáp lại vì cái tội không làm tròn tình nghĩa vợ chồng đã thề nguyền.
 
T

trifolium

Cầm đường ngày tháng thanh nhàn

Thể theo lời căn dặn của Kiều, Kim Trọng lấy Thuý Vân làm vợ. Nhân hội chế khoa, Kim Trọng và Vương Quan đều thi đỗ "cùng chiếm bảng xuân một ngày". Kim Trọng được bổ làm tri huyện:

Vâng ra ngoại nhậm Lâm tri
Quan sơn nghìn dặm thê nhi một đoàn
Cầm đường ngày tháng thanh nhàn
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao
(câu 2873 đến 2876)

"Cầm đường" nghĩa đen là đánh đàn; nghĩa bóng là nha quan huyện. Nguyên sách "Lữ thị xuân thu" có câu: "Bật Tử Tiện trị đơn phủ đàn minh cầm, thân bất hạ đường nhi Ðơn phủ trị". Nghĩa là Bật Tử Tiện cai trị huyện Ðơn phủ, gảy đàn cầm.

Bật Tử Tiện là học trò của đức Khổng Tử, làm quan nước Tấn đời Xuân Thu, giữ chức Tri huyện. Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử cùng làm quan một thời với Bật Tử Tiện. Một hôm Khổng Tử đến viếng Khổng Miệt, hỏi:
- Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?
Khổng Miệt thưa:
- Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì mà mất ba điều: việc quan bận, không còn thì giờ học tập, vì thế mà học vấn không tiến; bổng lộc ít không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không trọn vẹn.

Nghe nói, Khổng Tử không bằng lòng.

Khi đến viếng Bật Tử Tiện, Khổng Tử cũng hỏi như thế. Bật Tử Tiện thưa:
- Từ khi tôi ra làm quan chưa có điều gì mất mà có ba điều được. Những điều trước học nay đem ra thực hành, vì thế mà sự học càng rõ; bổng lộc dầu bạc cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần; việc quan tuy bận nhưng cũng bớt được ít nhiều thì giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân.

Khổng Tử nghe, khen cho là bực quân tử.

Bật Tử Tiện giữ chức tri huyện, hằng ngày thường gẩy đàn rất thanh nhã mà công việc cai trị vẫn chạy đều, dân trong huyện được yên ổn làm ăn, đời sống vẫn no ấm. Về sau, ông được thăng bổ đi nơi khác, có Vu Mã Tử Kỳ đến thay. Tử Kỳ lại tất bật công việc ngày đêm, không lúc nào được thanh thản nghỉ ngơi, trong huyện mới được yên ổn. Tử Kỳ lấy làm lạ, thân đến hỏi Tử Tiện:
- Tôi làm việc không nghỉ, đầu tắt mặt tối, công việc được thanh thản đã đành. Còn ông chỉ ngồi gảy đàn, uống trà, chẳng phải bận rộn gì mà công việc vẫn được chu tất là nghĩa làm sao?
Bật Tử Tiện đáp:
- Tôi chia việc và điều khiển những kẻ khác làm, còn ông tự làm lấy nên việc khó nhọc. Vả, việc cai trị là việc lớn cần phải có nhiều người làm. Ta cần biết dùng người tuỳ tài sức, tuỳ công việc mà giao trách nhiệm. Ðối với việc công có ích lợi cho nước, ích lợi cho mình, ai lại chẳng muốn gánh vác, riêng mình bao biện là tranh lấy việc người, tạo lòng căm ghét cho người thì mình cá nhân làm sao nên được việc. Ðó là tự mình gây mối loạn và gây khổ lấy mình.
Tử Kỳ chắp tay bái phục:
- Như thế quả tôi không bằng được ông

"Cầm đường ngày tháng thanh nhàn" là thế.

Triệu Biện, người đời nhà Tống khi được bổ làm quan Huyện chỉ đem theo một con hạc, một cây đàn mà không đem vợ con theo. Hằng ngày thường ngồi gảy đàn cho hạc múa xem rất thong dong, nhưng công việc trong huyện vẫn điều hoà, đời sống của dân được yên ổn, sung túc. Vì Triệu Biện biết dùng người để phân bố công việc.

"Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao" là thế.

Cả hai câu chứng tỏ Kim Trọng có tài cai trị như Bật Tử Tiện và Triệu Biện danh tiếng ngày xưa. Gảy đàn uống trà, gảy đàn cho hạc múa mà trị an đất nước, tạo được ấm no hạnh phúc cho dân.

Gảy đàn ở đây có tính cách quan trọng. Nho gia vốn chú trọng về Nhạc và Lễ. Và đây cũng là cách lập giáo của Khổng Tử ở phần Hình nhi hạ học. Vì theo đạo Nho, nhạc cũng như lễ rất có ảnh hưởng về phương diện chính trị. Khổng Tử cho rằng: "Ðạo thanh âm thông với chính trị vậy" (Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hĩ- Nhạc Ký, XIX); và "Xét cho kỹ âm nhạc để biết chính trị hay dở" (Thẩm nhạc dĩ tri chính- Nhạc Ký, XIX). Nhạc để khiến người ta đồng vui, đồng thương. Nhưng vui hay thương vẫn phải lấy sự điều hoà làm chủ. Do đó, Khổng Tử nói: "Vui mà không dâm, thương mà không hại" (Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương- Luận ngữ: Bát dật, III)

Như vậy, gảy đàn tức âm nhạc vốn có tính cách chính trị an nước an dân.
 
T

trifolium

Thần Bạch mi

Ðoạn diễn tả cảnh thanh lâu của Tú Bà, "Truyện Kiều" có câu:

Giữa thì hương án hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày
Lầu xanh quen thói xưa nay
Nghề này thì lấy ông này tiên sư
Hương hoa hôm sớm phụng thờ
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng
Cởi xiêm trút áo chán chường
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương rầm rầm
Ðổi hoa lót xuống chiếu nằm
Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi

(Câu 929 đến 938)

Và, khi Kiều bị Bạc bà cưỡng bức lấy cháu của mụ là Bạc Hạnh làm chồng, để tên này đưa về Châu Thai, bán vào lầu xanh:

Mượn người thuê kiệu rước nàng
Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa
Kiệu hoa đặt trước thềm hoa
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng
Ðưa nàng vào lạy gia đường
Cũng thần Mày Trắng cũng phường lầu xanh"
(câu 2143 đến 2148)

"Lầu xanh" tên chữ là "thanh lâu"

"Truyện Kiều" có dùng nhiều từ này ở nhiều câu:

Lầu xanh có mụ Tú Bà
Làng chơi đã trở già hết duyên
(câu 809 và 810)

Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung
(câu 1159 và 1160)

Lầu xanh mới rũ trướng đào
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người
(câu 1227 và 1228)

Sá chi liễu ngỏ hoa tường
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh
(câu 1355 và 1356)

Quyết ngay biện bạch một bề
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh
(câu 1391 và 1392)

Một là cứ phép gia hình
Hai là lại cứ lầu xanh phó về
(câu 1419 và 1420)

Hết nạn ấy đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần
(câu 2667 và 2668)

Tào Thực, con của vua Nguỵ Tào Tháo, một nhà thơ nổi tiếng đời Tam quốc (220- 280), có câu:

Thanh lâu lâm đại lộ
Cao môn kết trùng quan

Nghĩa:

Lầu xanh bên đường lớn
Cửa cao mấy lần then

Ngày xưa, lầu xanh là nơi các nhà quyền quý, những thiếu nữ khuê các ở. "Ðại lộ khởi thanh lâu" tức đường lớn dựng lầu xanh

Nhà Tề, vua Võ Ðế bắt dân phu và Bộ công kiến trúc những lầu cao thực đẹp. Cửa đều sơn màu xanh. Nơi này vốn để nhà vua ở cùng với mỹ nữ cung tần. Dần dần lâu đài của hàng công khanh cũng sơn cửa màu xanh. Do đó, dân chúng bấy giờ gọi chỗ vua chúa, công khanh ở là "lầu xanh"

Về sau, những nhà quyền quý có con gái đẹp, ước mong con nhà mình được vào hầu vua trong cung nên cũng sơn nhà màu xanh cho con gái ở. Nhà nào cửa sổ hoặc lầu đài sơn xanh là nhà có gái đẹp, coi như một cách ... quảng cáo để hàng vương tôn, công tử chú ý. Thế rồi, bọn buôn son bán phấn đem gái đẹp mở nhà rước khách thưởng hoa, muốn quyến rũ khách chơi hoa hay các bậc vương tôn, công tử tìm thú tiêu khiển nên cũng sơn nhà màu xanh đón khách lấy tiền.

Ý NGHĨA "LẦU XANH" BIẾN ĐỔI, DẦN DẦN TRỞ THÀNH một nhà chứa gái, nuôi gái mãi dâm. Vì thế, đời nhà Lương, nhà thơ Lưu Diễn có câu:

Xướng nữ bất thăng sầu
Kết phát hạ thanh lâu

Nghĩa:

Gái hát chẳng xiết buồn
Vén tóc xuống lầu xanh

Ðỗ Mục, thi hào đời nhà Ðường có bài:

Sở yêu tiên tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh

Nghĩa:

Quảy rượu lang thang khắp đó đây
Lưng thon gái Sở nhẹ trên tay
Mười năm tỉnh giấc Dương châu mộng
Ðể lại lầu xanh tiếng mặt dầy
(Bản dịch của Bùi Khánh Ðản)

Có lẽ vì bị bọn "lầu xanh" này lấn chiếm màu xanh, nên các nhà cao sang quyền quý có gái đẹp đổi sang màu hồng, nên có tiếng gọi là "lầu hồng" (hồng lâu), chỉ chỗ ở của gái đẹp.

ở các lầu xanh ngày xưa, các mụ Tú Bà thường dựng một bàn hương án giữa nhà, có treo một tượng đồ. Tượng này vẽ một vị tướng có đôi mày trắng, gọi là thần Bạch Mi (thần Mày Trắng).

Sách "Dã hoạch biên" có chép: các thanh lâu thường thờ thần Bạch Mi. Thần này mặt đỏ, râu dài, cỡi ngựa, cầm đao, xem na ná như hình Quan Công đời Tam Quốc mặt đỏ nhưng lông mày trắng. Sách không ghi lai lịch thần Mày Trắng ra sao?

Nguyên đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tức Quản Trọng được Tề Hoàn công vời đến, bàn về quốc sách trước khi được phong làm Tể tướng, có hỏi: làm sao có của đủ dùng trong nước? Quản Trọng hiến kế thưa: khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối cho lợi chung cả thiên hạ, buôn để một chỗ, đợi dịp cao mà bán ra lấy lãi; lập 300 nhà nữ lư cho khách buôn bán đi lại tụ họp mua vui để lấy thuế...

Lập "nữ lư" tức là lập nhà chứa gái để khách mua vui. Ðể họ làm lén hay khi khách mua hoa- nhất là hạng thương buôn thì không biết có chỗ. Thế là bọn gái nầy vừa có tiền, lợi cho cá nhân vừa nộp thuế làm lợi cho nhà nước. Thì ra Quản Trọng quả có sáng kiến... kinh doanh cho nhà nước!

"Nữ lư" có thể được coi như một tổ chức lầu xanh đầu tiên. Cho nên, nghề làm ăn này "thì lấy ông nầy tiên sư", suy tôn là một vị tổ để cầu cho được phát đạt, cửa hàng đông khách cũng như nhiều nghề khác... đều có tổ!

Quản Trọng có đôi mày trắng như trong tranh vẽ, được Hoàn công nước Tề phong làm Tể tướng, lại còn được các lầu xanh tôn là thần Bạch Mi làm tổ của nghề.

Ðời nhà Minh (1368- 1648), các lầu xanh có tục lạ là đuổi vía, khi cô nào vắng khách, bị ế hàng thì đến trước thần Mày Trắng, trút bỏ cả quần áo, đốt hương van vái, cầu nguyện. Ðoạn lấy hoa mới cúng trên bàn thờ đem lót ở chiếu mình nằm, tất sẽ đắt khách hàng. Họ mê tín như thế.

"Truyện Kiều", hai tiếng "đoạn trường" được tác giả nói rất nhiều, thì tiếng "lầu xanh" cũng được nhắc đến khá lắm. Phải chăng, tác giả cảm thông nỗi đau lòng của một người có tài sắc vì hoàn cảnh xã hội mà sa chân vào lầu xanh. Mà vào lầu xanh tức là vào cảnh đoạn trường, thuộc hàng đệ tử của thần Bạch Mi.
 
Top Bottom