Xem có sai sót gì ko chị
Đọc “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông, người đọc dường như đứng trước không gian mênh mông, vô tận của đại dương. Ngỡ như nghe được tiếng sóng biển rì rào từ nơi xa thẳm. Ngỡ như nhìn thấy trong buổi bình minh rực rỡ một cánh buồm đỏ thắm thấp thoáng ngoài khơi. Ngỡ như nghe đâu đó trong tâm khảm của mình vọng về những khát khao của tuổi thơ trong sáng… Nghĩa là thi phẩm đã mở ra trước mắt người đọc những cái tưởng chừng như vô hình mà hữu hình, tưởng như vô thanh mà lại xôn xao rung động hồi ức. Từng câu, từng chữ như ngân nga, vang vọng,thấm dần vào tâm khảm người đọc. Tôi nghĩ, thành công của thi phẩm có lẽ bắt nguồn sâu xa từ việc xây dựng không gian nghệ thuật.Không gian bao trùm toàn bộ thi phẩm là không gian của biển khơi, của đại dương bao la vô tận. Không gian được tái hiện từ gần đến xa. Hai cha con dắt nhau đi trên cát mịn. Sau trận mưa đêm, biển trong xanh mênh mông, ánh mặt trời rực rỡ trải dài trên mặt nước. Và không gian mở rộng ra biển khơi xa thẳm theo lời con trẻ :“Cha ơiSao xa kia chỉ thấy nước, thấy trờiKhông thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”Nước, trời hòa một sắc hiện ra mênh mông, bát ngát. Cái vô tận của trùng khơi như được nhân lên bởi cách lặp mang tính phủ định “không thấy”, “không thấy”, “không thấy”. Dường như những gì đại diện cho sự sống của con người đều không hiện hữu. Chỉ ‘thấy nước”, ‘thấy trời”, “không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người”. Lần đầu tiên tầm mắt non trẻ thấy một không gian khác lạ ngoài không gian quen thuộc của làng mạc, vườn tược. Cái không gian đó vừa rợn ngợp vừa cuốn hút. Nhưng nếu không gian trong tầm mắt của con trẻ chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định thì không gian trong cái nhìn của người cha lại càng mênh mông, vô tận :“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xaSẽ có cây, có cửa, có nhàVẫn là đất nước của taNhững nơi đó cha chưa hề đi đến”Không gian con thấy chỉ là trời, biển. Không gian trong lời cha mở ra cho con là chiều dài, chiều rộng của cả một đất nước tươi đẹp : “Vẫn là đất nước của ta. Những nơi đó cha chưa hề đi đến”. Tôi lại nhớ đến trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Từ không gian “Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc/ Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi”, ông mở rộng “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”. Quan điểm của Nguyễn Khoa Điềm rất giống với cách lí giải về không gian Đất nước của Hoàng Trung Thông “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa … Vẫn là đất nước của ta”. Không gian trời biển vẫn là không gian hữu hạn, có thể nhìn thấy, có thể lí giải được. Không gian Đất nước là không gian vô hạn. Đó không phải là không gian có thể đo đếm mà là không gian rất đỗi linh thiêng trong tâm linh người Việt. Đó còn là niềm tự hào vô bờ bến về một đất nước tươi đẹp, hào hùng. Không gian linh thiêng ấy dẫu hết một đời cha vẫn “chưa hề đi đến”. Và hôm nay, cha mở ra cho con thấy không gian ấy, như một lời tâm tình, gửi gắm của thế hệ đã qua, để từ đấy thắp lên trong con một khát vọng cháy bỏng : “Cha mượn cho con buồm trắng nhéĐể con đi…”Cánh buồm chở bao mơ ước của tuổi thơ về một chân trời mới, một cuộc sống mới, một khát vọng mới. Mỗi chúng ta, ai trong đời chẳng có một lần khát khao được như thế. “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa ….”. Niềm khát khao của con trẻ đã đánh thức trong cha những hồi ức tuổi thơ :“Lời của con hay tiếng sóng thầm thìHay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm…”Như tiếng vọng về của một thời đã qua, lời của con thắp lên trong cha niềm mơ ước cháy bỏng một thời. Vô hình chung, không gian đã có sự dịch chuyển. Từ không gian mơ ước của con đến không gian hồi ức của cha. Khoảng cách giữa hai không gian ấy được đo bằng cả một thế hệ. Có bao điều khác biệt. Nhưng hai thế hệ lại gặp nhau ở một điểm chung :Lần đầu tiên trước biển khơi vô tậnCha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”Từ không gian khát vọng của con, cha đã vẽ cho con một khung cảnh tươi đẹp và không gian bao la của Đất nước. Nhưng cũng chính từ không gian khát vọng của con, cha đã tìm thấy bóng hình của mình trong đó. Không gian của con và của cha đã hòa quyện làm một. Ranh giới thế hệ đã bị xóa nhòa, chỉ còn lại một không gian đồng nhất : không gian mơ ước và khát vọng của con người. Không gian nghệ thuật trong bài thơ “Những cánh buồm” là không gian được chuyển đổi một cách linh hoạt. Nhờ sự thay đổi, sự chuyển cảnh về mặt không gian mà bài thơ trở nên uyển chuyển, nhịp thơ cân xứng, ý thơ sâu sắc. Có cảm giác như đó còn là không gian của cả một đời người.
__Sưu tầm__