Sử Trung Quốc thời cổ đại (từ nguồn gốc đến năm 221 TCN)

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

1. Điều kiện tự nhiên, dân cư và sự hình thành các nhà nước Trung Hoa cổ đại
Nước Trung Quốc ngày nay rất rộng lớn và dân cư đông đảo (trên 1,3 tỷ người), vào thời thượng cổ chỉ là một vùng đất nhỏ nằm ở hạ lưu hai con sông lớn là Hoàng Hà và Trường Giang. Mặc dù mưa lũ thất thường, nhưng hai con sông này bồi đắp phù sa rất lớn, tạo nên các đồng bằng phì nhiêu
Người tối cổ xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc cổ đại vào khoảng 60 vạn năm về trước, có nơi cú trú chủ yếu ở Chu Khẩu Điếm (tây nam Bắc Kinh ngày nay) và một số nơi khác như Cát Lâm, Sơn Tây, Tứ Xuyên. Họ lúc này biết dùng đồ đá làm công cụ, biết tạo ra lửa, sống theo bầy đàn. Tương truyền, một thủ lĩnh của bầy người nguyên thủy là Toại Nhân đã tìm tòi lửa và dạy dân cách tạo ra lửa
Người tinh khôn xuất hiện ở Trung Hoa cổ đại vào khoảng 30 vạn năm trước đây. Họ sống thành các nhóm gọi là thị tộc và biết đến trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá và thậm chí là biết làm đồ gốm. Theo ghi chép của sử cũ, nhiều đời thủ lĩnh các thị tộc đã có các phát mình giúp người dân tiện sinh sống hơn: thủ lĩnh Phục Hy (thiên niên kỷ V TCN) dạy người dân cách đánh cá; thủ lĩnh Nữ Oa (em Phục Hy) dạy dân cách hôn nhân; Thần Nông (thiên niên kỷ IV TCN) dạy dân cách trồng trọt... Cư dân đã hình thành hai nền văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn và đạt nhiều thành tựu rực rỡ.
Vào thế kỷ XXV TCN, thủ lĩnh tộc Hữu Hùng là Hoàng đế đã đánh bại hai bộ lạc Viêm Đế và Xi Vưu và khống chế được cả lưu vực Hoàng Hà. Nhiều phát minh xuất hiện vào thời Hoàng Đế như chữ viết, làm nhà xe, đóng xe, dệt vải...
Yellow_Emperor.jpg

vua Hoàng Đế
Sau khi Hoàng đế mất, thiên hạ lại bị chia làm 5 do năm thủ lĩnh cùng cai trị và Thiếu Hạo được cử làm thủ lĩnh kế tiếp. Cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát Hoàng Hà diễn ra liên tục trong nhiều năm, chính quyền của các thủ lĩnh như Chuyên Húc, Khốc, Chí suy yếu. Về sau, con của Khốc là Nghiêu lên ngôi thủ lĩnh liên minh bộ lạc (thế kỷ XXIV - XXIII TCN). Bắt đầu từ thời Nghiêu, chế độ xã hội nguyên thủy bắt đầu tan rã và phụ hệ dẫn thay thế mẫu hệ. Đến khi Thuấn cai trị (2255 - 2205 TCN), chế độ tư hữu xuất hiện. Thuấn được Nghiêu truyền ngôi, phát triển nhanh trồng trọt và cho Vũ trị thủy ở sông Hoàng Hà trong 13 năm
2. Triều Hạ
Năm 2205 TCN, Thuấn truyền ngôi cho Đại Vũ. Thời Đại Vũ cai trị, nhà vua định đô ở An Ấp (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, TQ), chia nước thành 9 châu và tiếp tục chiến tranh chống các bộ lạc xung quanh. Đại Vũ từng đánh tan quân của bộ lạc Miêu Lê ở nam Trường Giang, bắt nhiều tù binh làm nô lệ. Phân hóa giàu nghèo ở Trung Hoa cổ đại đã rõ nét hơn
320px-King_Yu_of_Xia.jpg
vua Đại Vũ nhà Hạ
%E5%A4%A7%E7%A6%B9%E6%B2%BB%E6%B0%B4%E5%9C%96.png

vua Đại Vũ đang trị thủy (tranh tường thời Hán)

Sau khi Vũ băng hà năm 2198 TCN, con trai là Khải lên thay. Thời Khải cai trị, chính quyền An Ấp còn yếu mà Khải lo chinh phục các bộ lạc phương xa. Thời Khải cầm quyền, quân nhà Hạ đánh bại tộc Hữu Hồ và buộc các bộ lạc khác quy phục. Cuối thời Khải, các con tranh ngôi với Thái Khang nhưng tất cả bị dẹp tan. Năm 2188 TCN, Thái Khang lên ngôi, nhưng ông này lo ham săn bắn nên bị một viên tướng là Hậu Nghệ của tộc Hữu Cùng cướp ngôi (2159 - 2120 TCN). Năm 2080 TCN, vua Thiếu Khang nhà Hạ tập hợp lực lượng đánh bại được Hàn Trác, khôi phục ngôi vua Hạ.
Từ thời Thiếu Khang về sau, nhà Hạ được phục hưng và phát triển. Đế đối phó với tài thiện xạ của quân Đông Di, Hạ Trữ (2057 - 2041 TCN) phát minh ra áo giáp. Khi chiến tranh tạm yên, 9 bộ lạc đã đến chầu Hạ Hòe (2040 - 2015 TCN). Nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục, Hạ Tiết (1996 - 1981 TCN) mang quân đi đánh các dân tộc ngoại bang xung quanh như Quyến Di (畎夷), Bạch (白), Xích (夷), Huyền (玄), Phong (风), Dương (阳), đều giành thắng lợi
Thời cường thịnh nhất, vua Hạ Cần (1900 - 1880 TCN) dời đô về Tây Hà; vua Côn Ngô dời sang đất Hứa. Nhưng sau khi Hạ Cần mất, nhà Hạ suy yếu. Vua Khổng Giáp lên ngôi (1879 - 1849 TCN) bắt đầu sống xa hoa tửu sắc, mê tín và thích nuôi rồng. Đầu thời Hạ Phát (1837 - 1819 TCN), Trung Hoa có động đất, chư hầu đến chầu và nhà vua tổ chức vũ hội ăn mừng.
Vua cuối cùng là Hạ Kiệt (1818 - 1767 TCN) đóng đô ở Lạc Dương. Kiệt áp bức nhân dân thậm tệ, bắt nhân dân xây nhiều cung điện và liên tục tổ chức chiến tranh tốn kém. Trong cung, ông ta sủng ái nàng Muội Hỉ, tăng cường bóc lột nhân dân để hưởng lạc. Nhân khi nội bộ nước Hạ mâu thuẫn gay gắt, Thương Thang đem quân đánh bại quân Hạ, chính quyền Hạ sụp đổ
3. Triều Thương
320px-King_Tang_of_Shang.jpg
Vua Thang của nhà Thương

Thang chính thức lên ngôi vua và đóng đô ở đất Bạc (nay thuộc Hà Nam, TQ). Sau khi ông mất, chính quyền Thương lục đục cung đình do các vua ở ngôi quá ngắn như Ngoại Bính, Trọng Nhâm, chơi bời như Thái Giáp. Theo sử cũ, các vua Thương dời đô nhiều lần để tránh lụt và làm suy yếu quý tộc nhà Thương. Vua thứ bảy là Thái Mậu (1637 - 1563 TCN) trọng dụng Vu Hàm và Y Trắc, khiến các chu hầu đến chầu rất đông. Người kế vị là Trọng Đinh (1562 - 1550 TCN) đã dời đô sang đất Ngao, đánh tan tộc Lam Xích.
Ngoại Nhâm (1549 - 1535 TCN) đã phải đối phó với tranh chấp ngôi vua của các hoàng tử, nổi loạn của nước Phi và Tân; khiến thế nước bắt đầu suy yếu. Hà Đản Giáp (1534 - 1526 TCN) dời đô sang đất Tướng và luôn phải chống lại khủng hoảng cung đình và xâm nhập của các bộ lạc bên ngoài. Vua Tổ Ất (1525 - 1507 TCN) khôi phục lại cường thịnh và hai lần dời đô: sang đất Cảnh và đất Tí. Nhưng khi Tổ Tân lên cầm quyền, thế nước Thương lại suy yếu lần nữa. Biến loạn cung đình kéo dài đến thời Dương Giáp (1408 - 1402 TCN) thì chấm dứt
psngrgn.jpg
vua Bàn Canh

135.jpg

kinh đô An Dương (Ân Khư) thời Bàn Canh

Năm 1401 TCN, em trai của Dương Giáp là Bàn Canh lên ngôi. Ông dời đô từ đất Yểm (tỉnh Sơn Đông) sang đất Ân (tỉnh Hà Nam). Từ khi chuyển đến nơi đây, tình hình dân cư dần dần ổn định, nhà Ân lại cường thịnh, được các chư hầu thần phục như đời Thành Thang. Do việc dời đô này mà nhà Thương còn được gọi là nhà Ân. Bàn Canh vừa qua đời, nhà Thương lại suy yếu. Đến năm 1325 TCN, Vũ Đinh (em trai của Tiểu Tân) lên ngôi và cai trị đất nước đến mức thịnh vượng nhất với sự phò giúp của Phó Duyệt. Thời Vũ Đinh, quân đội nhà Thương liên tiếp tấn công các tộc Quỷ Phương, Thổ Phương, Di, Khương... Trong một lần tấn công tộc Khương, Vũ Đinh huy động từ 13.000 đến 30.000 quân. Do đó, cương giới thời Thương được mở rộng. Kinh tế và văn hóa Trung Hoa thời kỳ này phát triển mạnh nhất. Về thủ công nghiệp, Vũ Đinh cho đúc đỉnh Tư mẫu Mậu (nặng 875kg, cao 1,33m, dài 1,1m và rộng 0,78m; cùng loạt các đồ đồng xa xỉ cho triều đình nhà vua
Vũ Đinh mất, con trai là Tổ Canh lên ngôi và cũng duy trì được sự cường thịnh một thời gian. Khi Tổ Canh vừa băng hà, nhà Thương lại suy yếu. Vũ Ất (1198 - 1195 TCN) rất tàn bạo và báng bổ trời đất, nên ông ta bị sét đánh chết. Thái Đinh (1194 - 1192 TCN) lo ngại sợ lớn mạnh của tộc Chu nên ngầm sai giết chết thủ lĩnh tộc Chu là Quý Lịch.
%E7%B5%B5%E6%9C%AC%E4%B8%89%E5%9B%BD%E5%A6%96%E5%A9%A6%E4%BC%9D_%E6%AE%B7%E7%B4%82%E7%8E%8B.jpg

Trụ vương của nhà Thương
Năm 1155 TCN, Đế Ất chết, con trai là Thụ lên ngôi hiệu Đế Tân - tức Trụ vương, bạo chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Dù thế ông rất trọng nông nghiệp, thời kỳ trị vì của ông đánh dấu một xã hội triều Thương cực kỳ phát triển. Nhân đó, ông đã đem quân đi chinh phạt các nơi, đặc biệt là những người Đông Di. Do nhiều năm chinh phạt, tình hình nội trị gặp nhiều mâu thuẫn, đã tạo cơ hội cho Chu Vũ vương Cơ Phát dấy cờ, nhà Thương diệt vong
4. Triều Chu
a. Tây Chu:
Năm 1046 TCN, Cơ Phát chính thức lên ngôi với hiệu Chu Vũ vương. Ông ngay lập tức phong đất cho con của Trụ vương là Vũ Canh rồi cử ba người em là Quản, Thái và Hoắc giám sát; sau đó đóng đô ở Cảo Kinh (Thiểm Tây ngày nay), sử gọi là thời Tây Chu. Thời Vũ Vương, vua đúc đỉnh Đại Vu để ghi công của cha mình là Văn vương. Lúc này, số chư hầu là hơn 1.000 nước
Năm 1042 TCN, Vũ vương qua đời, con trai còn nhỏ là Tụng lên ngôi, hiệu là Thành vương; chú là Chu công làm Tể tướng nhiếp chính. Sau khi Thành vương lên ngôi không lâu, Chu công lập tức dẹp yên cuộc nổi loạn của ba em trai mình là Quản, Sái, Hoắc do Vũ Canh cầm đầu. Để tiện việc khống chế sự chống đối của quý tộc Ân trước đây, Chu công lập kinh đô Lạc Ấp (Lạc Dương, Hà Nam) rồi dời dân Ân đến đó. Đến khi Thành vương trưởng thành, Chu công giao lại chính quyền. Thành vương tiếp tục chiến tranh, khiến bản đồ Trung Hoa cổ đại mở rộng đến hết lưu vực Hoàng Hà. Ít lâu sau, Thành vương phân phong chư hầu cho 71 nước (họ Cơ của nhà vua là 53 nước). Khang Vương (1020 - 996 TCN) lên cầm quyền thay cha. Khang Vương dời đô từ đất Hạo Kinh đến Phong Kinh; tổ chức đại hội chư hầu. Tây Chu cường thịnh.
Nhưng khi Chiêu vương vừa lên ngôi (995 - 977 TCN), thế nước bắt đầu suy yếu. Chiêu vương trị vì khá tàn bạo, nên khi ông ta chết đuối trên sông Trường Giang, triều đình Cảo Kinh giấu kín việc ấy. Con trai là Mục vương lên thay cũng khiến đất nước không hưng thịnh lên bao nhiêu. Cung vương ham mê tửu sắc, từng cho giết vua chư hầu vì ông này không chịu cống người đẹp cho nhà vua. Thời Hiếu vương (891 - 886 TCN), nhà vua phong cho Phi Tử ấp Tần. Vua kế tiếp là Di vương (885 - 878 TCN) nghe dèm pha của vua Kỷ mà giết hại vua Tề Ai Công bằng cách ném vào vạc dầu đến chết
Giữa thế kỷ IX, Lệ vương lên ngôi vua Tây Chu (877 - 841 TCN). Lệ vương sống xa xỉ, làm nhiều điều bạo ngược khiến lòng dân oán hận. Ông ta độc quyền rừng núi, ao hồ; sai bọn đồng cốt theo dõi các quan lại trong triều xem ai dám bàn tán về việc triều chính thì sẽ bắt và giết chết. Năm 845 TCN, sự cai trị của Lệ vương càng hà khắc khiến người dân trong nước không ai dám nói điều gì, đi ngoài đường chỉ đưa mắt nhìn nhau. Năm 841 TCN, nhân dân khởi nghĩa lật đổ Lệ vương; thành lập chính quyền Cộng Hòa (841 - 828 TCN)
Năm 828 TCN, thái tử Tĩnh lên ngôi hiệu Tuyên vương. Thời gian đầu, Tuyên vương trọng dụng người có tài và củng cố chính quyền, cương giới được mở rộng. Nhưng sau khi Tuyên vương chết, Tây Chu lại suy yếu. Kẻ nối ngôi là U vương (781 - 771 TCN) ăn chơi xa xỉ và ham mê nàng Bao Tự, khiến thế nước lại càng suy sụp hơn. Năm 771 TCN, Thân hầu họp với quân Khuyển Nhung tấn công và giết chết U vương. Tây Chu diệt vong

b. Đông Chu
+ Xuân Thu (770 - 475 TCN):
- Năm 770 TCN, Chu Bình vương họp với quân các chư hầu nhanh chóng đánh bại Khuyển Nhung, giành được chính quyền. Để tránh họa Khuyển Nhung, ông phong đất cho Tấn hầu và Tần bá ở phía tây rồi dời đô về Lạc Ấp
Sau khi Bình vương cai trị không lâu, quân chủ các chư hầu đánh nhau liên tục nhằm lấn quyền vua Chu và xa hơn là tranh giành quyền bá chủ các chư hầu. Năm 707 TCN, vua Trịnh Trang Công vì muốn "không chế thiên tử nhà Chu" nên tiến đánh liên quân của vua Chu. Quân Chu bị thua, bản thân vua Chu Hoàn vương (719 - 697 TCN) bị thương. Cuối thời Hoàn vương, vua Sở là Hùng Thông tự ý xưng vương
- Năm 679 TCN, vua Tề Hoàn công xưng bá với chư hầu. Cùng năm này, nước Tấn có chiến tranh với nước Khúc Ốc. Ở nước Tề, vua Tề được sự giúp sức của Tể tướng Quản Trọng nên ra khẩu hiệu "tôn vua đánh Di", ngăn chặn hiệu quả quân Nhung Địch xâm lấn. Tề được công nhận là bá chủ đầu tiên
20170215015645Te-hoan-cong-va-quan-trong.jpg

Tề Hoàn công (685 - 643 TCN), bá chủ đầu tiên
- Năm 656 TCN, Tề Hoàn công chỉ huy quân đội 8 nước chư hầu tiến đánh liên tiếp nước Thái (ở Hà Nam) và nước Sở, buộc vua Sở lúc này là Thành vương phải ký hòa ước Thiệu Lăng. Tề đã 9 lần triệu tập đại hội chư hầu; có đại hội thì vua Chu Huệ vương cử thái tử Trịnh đến dự. Tề được công nhận là bá chủ đầu tiên
0023ae9bcf230d2fbe8e56.jpg
Tấn Văn công
BattleOfChengPu.jpg

liên quân do Tấn chỉ huy đánh tan liên quân của vua Sở tại Thành Bộc
- Năm 638 TCN, vua Tống tranh quyền bá chủ: sau khi Tề Hoàn công vừa chết, Tống Tương công (650 - 637 TCN) muốn hội họp các chư hầu, nhưng bất ngờ bị vua Sở Thành vương lừa bắt; phải nhờ vua Lỗ Hi công xin tha về. Để báo thù, Tống Tương công bất ngờ đánh vào nước tay sai của Sở là Trịnh, nhưng quân Sở cũng không vừa - vua Sở cho đánh vào Tống luôn. Chiến tranh Tống - Sở diễn ra ở Hoằng Thủy (Hà Nam), kết quả quân Tống thất bại và vua Tống bị thương, rồi qua đời vào năm sau. Con trai là Thành công lên thay. Dù sao, Tống cũng được liệt vào Ngũ bá.
- Năm 632 TCN, vua Tấn là Văn công (636 - 628 TCN) chỉ huy liên quân Tấn, Tần, Tề, Tống đánh tan liên quân Sở, Trần, Thái ở Thành Bộc (Sơn Đông). Sau đó, Tấn Văn công họp chư hầu (có vua Chu tham dự), được các nước công nhận là bá chủ
- Cuối thế kỷ VII TCN, vua Tần trở thành bá chủ: nước Tần ở phía tây được thành lập muộn, vua đầu tiên là Tần Phi Tử (900 - 858 TCN). Nhờ có công hộ giá vua Chu Bình vương dời đô, vua Tần Tương công (777 - 766 TCN) được phong làm chư hầu. Đời Tần Mục công (659 - 621 TCN), quân Tần hai lần đánh bại quân Tấn, mở rộng thế lực sang phía tây nên cũng trở thành bá chủ
- Năm 597 TCN, vua Sở trở thành bá chủ: nước Sở ở Trường Giang là một nước lớn, xuất hiện từ cuối thời Thương. Đầu thời Xuân thu, vua Sở là Hùng Thông xưng là Vũ vương (741 - 690 TCN) và thế lực vua Sơ càng mạnh. Sở Trang vương (613 - 591 TCN) đánh bại quân Trịnh và viện binh Tấn. Do đó, nước Sở cũng trở thành bá chủ
- Năm 579 TCN, trước tình hình hai nước Sở và Tấn đang lăm le chuẩn bị chiến tranh với nhau, Hoa Nguyên (nước Tống) đề nghị vua Tấn Cảnh công (599 - 581 TCN) và Sở Cung vương (591 - 561 TCN) ký hòa ước ngưng chiến. Chỉ mấy năm sau, Sở Cung vương lại gây chiến với Tấn. Tuy vậy, Sở bị quân Tấn đánh cho hai lần đại bại
- Năm 546 TCN, Hướng Tuất (người nước Tống) lại đề nghị Tấn và Sở ngưng chiến. Vua Tống Bình công (575 - 532 TCN) hội họp 17 chư hầu, công nhận Tấn và Sở làm bá chủ
- Đầu thế kỷ V TCN, nước Ngô tranh xưng làm bá chủ: để tranh quyền bá chủ với nước Việt đang lên, vua Ngô nhiều lần đánh nhau với quân Sở. Năm 506 TCN, quân Ngô đánh chiếm kinh đô của Sở, buộc vua Sở Chiêu vương (515 - 489 TCN) bỏ chạy. Đại phu nước Ngô là Thân Bao Tư sang Tần cầu cứu (khóc 7 ngày 7 đêm), cuối cùng vua Tần Ai công đem quân giải vây và đánh tan quân Ngô.
Goujian.jpg
Việt vương Câu Tiễn (496 - 465 TCN)
Năm 496 TCN, vua Ngô là Hạp Lư chết trận khi giao tranh với quân Việt. Con trai của Hạp Lư là Phù Sai lên ngôi và nhanh chóng đánh bại quân Việt, buộc vua Việt là Câu Tiễn làm vua phụ thuộc. Ít lâu sau, Câu Tiễn cống cho vua Ngô nàng Tây Thi để Phù Sai xao lãng việc nước. Năm 482 TCN, quân Ngô đánh tan quân Tề và Phù Sai họp chư hầu để tranh bá chủ với nước Tấn. Nhân cơ hội đó, Câu Tiễn đem quân đánh bại nước Ngô; vua Ngô phải xin hòa và lệ thuộc vào nước Việt. Năm 473 TCN, Ngô bị nước Việt tiêu diệt. Sau đó, Câu Tiễn ra bắc họp chư hầu và trở thành bá chủ một thời gian.
* Kinh tế và xã hội Trung Hoa thời Xuân Thu:
# Kinh tế: theo các sách cổ Trung Hoa, vào thế kỷ VII TCN, cư dân Trung Quốc cổ đại vào thời kỳ này đã biết dùng đồ sắt. Nông dân dùng công cụ sắt để cày ruộng và nộp một phần sản phẩm cho làng xã; nộp 1/10 thuế cho chính quyền Đông Chu. Trong thời gian này, làng xã bắt đầu chia ruộng đất cho nông dân theo chế độ "tỉnh điền" ("tỉnh điền" có từ thời nhà Thương, kéo dài đến thế kỷ VII TCN thì tan rã). Cuối thời Xuân Thu, nước Ngô là nước đầu tiên đào một hệ thống thủy lợi đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc
Thủ công nghiệp thời Xuân Thu không phát triển lắm; nhưng thương nghiệp phát triển khá mạnh - mạnh nhất là ở nước Tề. Tiền tệ đã xuất hiện cùng với tầng lớp thương nhân có thế lực lớn, như Huyền Cao của nước Trịnh đi buôn; giữa đường gặp quân Tần nên giả danh vua Trịnh để khao quân, khiến quân Tần không đám đánh Trịnh. Học trò của Khổng Tử là Tử Cống nhờ đi buôn mà làm giàu
# Xã hội: các nước lớn nhỏ không ngừng gây chiến để tranh đoạt lãnh thổ của nhau. Các nước lớn sau khi đánh bại nước nhỏ, thường buộc vua nước nhỏ phải cống nạp nặng nề. Nước lớn đánh trận thì nước nhỏ phải đem quân hỗ trợ; trong hơn 80 năm Tấn và Sở tranh bá thì nước Trịnh tham gia chiến tranh đến 70 lần. Chiến tranh làm nhân dân càng cực khổ, "chết đói, chết rét" (lời của Án Anh - nước Tề), "thây chết đói đầy đường" (lời của Thúc Hướng - nước Tấn)
Ấy thế mà bọn thống trị không ngừng áp thuế, pháp luật đề nặng nhân dân. Năm 536 TCN, nước Trịnh ban bố "Hình thư". Năm 513 TCN, vua Tấn cho khắc "hình đỉnh" của Phạm Tuyên Tử. Nhân dân một số nước khởi nghĩa giết bọn đốc công xây thành; nhân dân nước Trịnh khởi nghĩa ở đầm lầy Giai Bộ. Binh sĩ nước Sở khởi nghĩa ở biên giới, đuổi vua Sở là Chiêu vương vào trong rừng
# Văn hóa:
- Văn học: có bộ Kinh Thi. Kinh Thi gồm 305 bài thơ, nội dung phản ánh cuộc sống của nhân dân từ thời Tây Chu đến hết thời Xuân Thu
- Tư tưởng: Nho giáo của Khổng Tử, xuất hiện vào cuối thế kỷ VI TCN. Nội dung chính của Nho giáo:
khong-tu-5.jpg

* Triết học: Ông cho rằng trời sẽ chi phối số mệnh con người.
* Đạo đức: ông chủ trương "lễ trị" với hai chữ "nhân" và "lễ". "Nhân" là lòng yêu thương con người; "lễ" là con người phải biết kiềm chế dục vọng cá nhân. Thuyết "chính danh định phận" của Khổng Tử khuyên mọi người phải biết xử trí đúng danh phận của mình, nghĩa là "vua phải ra vua, tôi phải ra tôi".
* Giáo dục: Khổng Tử là người mở ra trường tư thục đầu tiên. Nội dung học sẽ nhấn mạnh rèn tài và đức (chú trọng nhất là đức) và học đi đôi với hành

+ Chiến Quốc (475 - 221 TCN)
* Sự thay đổi bản đồ các nước thời Chiến Quốc
Sau năm 475 TCN, ở một số nước diễn ra cuộc đấu tranh nội bộ các quý tộc nhằm thao túng chính quyền. Ở nước Tề, quý tộc họ Điền làm đảo chính lật đổ vua họ Khương là Khang công rồi chính thức lên ngôi. Tại nước Tấn, ba họ quý tộc là Triệu, Ngụy và Hàn ra sức thao túng chính quyền vua Tấn. Nhờ cải cách của Triệu Ưởng năm 493 TCN, người dân theo về càng đông. Đến năm 453 TCN, ba họ quý tộc là Triệu, Ngụy và Hàn chia nước Tấn làm ba phần; vua Tấn chính thức mất hết quyền hành và bị tiêu diệt năm 367 TCN
Ở nước Lỗ cũng tương tự. Vua Lỗ mất nhiều quyền, quyền lực thực tế rơi vào tay ba họ quý tộc là Quý, Thúc và Mạnh và quý tộc của ba họ này cùng nhau chia đất Lỗ thành bốn phần. Sau cuộc chống đối thất bại của Lỗ Chiêu công (541 - 510 TCN), vua Lỗ mất hết quyền, kéo dài đến tận cuối thời Chiến quốc thì bị Sở tiêu diệt.
Đến nửa sau thế kỷ V TCN, các nước vẫn không ngừng đánh nhau và tiêu diệt lẫn nhau; kết quả nhiều nước nhỏ như Thái, Đằng, Trịnh, Tống... bị các nước lớn tiêu diệt. Tinh cảnh vua Chu càng bi đát hơn: Chu Khảo vương (440 - 426 TCN) phải cắt đất cho em để lập nước chư hầu Tây Chu. Sau khi vua Uy công của Tây Chu mất, em trai là Yết giành ngôi vua nên chư hầu phải can thiệp; chia nước Chu thành hai quốc gia nhỏ là Tây Chu và Đông Chu.
Trước tình hình các nước đánh nhau liên miên, các vua của các nước cố gắng cải cách để đưa đất nước hùng mạnh:
+ Cải cách Lý Khôi (455 - 395 TCN) ở Ngụy: ông ban hành bộ Pháp kinh với các điều luật xét xử nghiêm minh người có tội (kẻ giết người thì bị xử tử và cả nhà đều bị bắt làm nô lệ; nhặt của rơi trên đường thì bị chặt ngón chân), khuyến khích tăng gia sản xuất
+ Cải cách quân sự của Ngô Khởi ( ? - 381 TCN) nước Ngụy: ông cho binh sĩ mặt nhiều lớp giáp, đeo nõ nặng, mang ba ngày lương khô. Hơn nữa, ông đồng cam cộng khổ với binh sĩ
+ Cải cách Ngô Khởi ở nước Sở: thời Sở Điệu vương (401 - 381 TCN) thì Ngô Khởi cải cách với các ý chính: cấm nhờ vả và gièm pha; cho nhà giàu đưa dân đi khai hoang; tước lộc của quý tộc
+ Cải cách Thương Ưởng ở nước Tần: thời Tần Hiếu công (361 - 338 TCN), quý tộc nước Vệ là Thương Ưởng lưu vong sang Tần và tiến hành cải cách (359 TCN, 350 TCN) với các nội dung:
- Xóa bỏ chế độ "tỉnh điền", xác lập tư hữu ruộng đất ở nước Tần
- Lập hộ tịch để quản lý nhân dân. Tố cáo và giết địch thì được thưởng, đầu hàng và giấu đều bị xử như nhau. Nhà dân có hai tráng đinh đã có gia đình thì phải ở riêng, không chấp hành thì nộp thuế gấp đôi
- Khuyến khích nông dân sản xuất. Nhà nào làm nhiều thì miễn sưu dịch, còn mà lười thì cả nhà bị phạt làm nô tì
- Xóa bỏ đặc quyền của quý tộc. Trong nhân dân ai lập nhiều chiến công thì được thưởng to và phong tước vị; quý tộc không có chiến công thì không được phong tước vị

Sau các cuộc cải cách, nước Tần hùng mạnh lên và đe dọa các nước láng giềng. Cùng với cường quốc lớn là Tề, Tần đem quân đánh tan 45 vạn quân Triệu trong trận Trường Bình nổi tiếng. Ngoài ra, Tần cùng nhiều lần giúp các nước khác đánh tan quân Sở, quân Tề nhiều trận.
- Trước tình hình đó, vào cuối thế kỷ IV TCN sáu nước phía đông tiến hành liên hiệp lại gọi là phong trào "Hợp tung" (từ bắc xuống nam) do Tô Tần (người Đông Chu) đề xuất. Ông đi chu du khắp sáu nước, thuyết phục thành công vua của sáu nước này "hợp tung" chống quân Tần nên được vua Triệu Túc hầu (349 - 326 TCN) phong làm Tể tướng trong 15 năm. Trong thời gian làm Tể tướng, Tô Tần tiến hành hoạt động phản gián ở nước Tề theo lệnh của vua Yên Chiêu vương (311 - 279 TCN), sau đó thuyết phục vua Tề Mẫn vương (300 - 284 TCN) bỏ xưng Đế với vua Tần Chiêu vương. Năm 284 TCN, quân Yên của Nhạc Nghị lôi kéo được Hàn, Triệu và Ngụy đánh tan quân Tề
Đến năm 322 TCN, Công tôn Diễn kế thừa Tô Tần đã quyết tâm duy trì "hợp tung". Năm 319 TCN, Công tôn Diễn được vua Ngụy Tương vương phong làm Tướng quốc; ông vận động ba nước Ngụy, Triệu và Hàn đánh Tần, nhưng thất bại.
- Cuối thế kỷ IV, Trương Nghi (nước Tần) được vua Tần Huệ Văn vương trọng dụng; ông ta đề xuất chủ trương "liên hoành". Năm 313 TCN, Trương Nghi xúi vua Sở phá liên minh Sở với Tề. Sở Hoài vương bị lừa nên đánh quân Tần, nhưng thất bại. Vua Tần Huệ Văn vương muốn chia đất, nhưng vua Sở lại muốn Trương Nghi nên ông ta (tức Trương Nghi) lại phải dùng mưu mẹo để thoát thân. Sau đó, Trương Nghi thuyết phục các nước Hàn, Tề, Triệu và Yên "liên hoành" với Tần. Năm 311 TCN, Huệ Văn vương chết; Tần Vũ vương lên ngôi thì rất ghét Trương Nghi nên đuổi ông ta về nước Ngụy

* Nước Tần thống nhất Trung Quốc:
800px-Qin_Unification.png

Bản đồ Tần thống nhất Trung Quốc

Sau cải cách của Thương Ưởng, nước Tần ngày càng hùng mạnh. Năm 293 TCN, tướng Tần là Bạch Khởi đánh tan liên quân Ngụy và Hàn ở Y Khuyết, chém hơn 24 vạn quân. Đến năm 260 TCN, quân Tần đánh tan tành quân Triệu ở Trường Bình, cho chôn sống hơn 40 vạn hàng binh của Triệu
Sau khi đánh tan quân Hàn và Ngụy, quân Tần quay sang đe dọa nước Sở. Vua Sở Hoài vương (328 - 299 TCN) u tối, nghe lời nịnh thần nên bị vua Tần Chiêu vương dùng mưu bắt giữ khi ông ta sang nước Tần (299 TCN). Tần ba lần phát binh đánh bại quân Sở nhiều trận, khiến vua Sở là Khoảnh Tương vương phải dời dô dần dần (đến 241 TCN thì dời về Thọ Xuân, nay thuộc tỉnh An Huy). Năm 256 TCN, Tần tấn công vào đất Chu; sau khi vua Đông Chu qua đời năm 249 TCN thì toàn bộ đất đai đều bị Tần chiếm nốt
Năm 246 TCN, Tần vương Chính lên kế vị Tần Trang Tương vương. Năm 241 TCN, quân Tần đánh tan tành liên minh "hợp tung" của 6 nước phía đông.
+ Năm 230 TCN, quân Tần đánh bại quân Hàn và bắt sống vua Hàn vương An; Hàn diệt vong.
+ Năm 228 TCN, quân Tần đánh tan quân và bắt luôn vua Triệu cuối cùng là U Mục vương; Triệu diệt vong.
+ Năm 226 TCN, quân Tần đánh bại nước Yên, bắt sống Yên vương Hỉ.
+ Năm 225 TCN, quân Tần tháo nước sông Hoàng Hà làm ngập kinh đô, buộc vua Ngụy vương Giả phải đầu hàng
+ Năm 223 TCN, quân Tần tiến đánh nước Sở, nhưng bị quân của Hạng Yên chống cự quyết liệt. Tướng Tần là Vương Tiễn mang 60 vạn quân ra đánh, quân Sở thua to và vua Sở cuối cùng là Xương Bình quân bị bắt, Hạng Yên tự sát. Nước Sở mất
+ Năm 222 TCN, quân Tần tấn công nước Yên và bắt giữ Yên vương Hỉ. Nước Yên kết thúc
+ Năm 221 TCN, quân Tần tấn công nước Tề. Tề vương Kiến không chống cự, quyết định ra hàng.

* Kinh tế thời Chiến quốc:
Nghề luyện sắt phát triển ở mức cao nhất. Ở kinh đô của một số nước như Triệu, Sở, Hàn, Tề đều có trung tâm luyện sắt. Các trung tâm luyện sắt lớn có mấy trăm nhân công làm việc. Nhiều chủ lò sắt giàu lên nhờ bóc lột nhân công, thường giao du với quý tộc như Quách Tung, Trác Thị ở Trịnh. Nhờ có đồ sắt, nghề thủ công phát triển mạnh nhất là dệt vải, chạm khắc và đồ sơn.
Nhiều kinh đô của các nước đã trở thành các trung tâm buôn bán như Lâm Truy của Tề, Hàm Đan của Triệu, Hàm Dương của Tần, Lạc Dương.... Tô Tần từng viết: "Lâm Truy có 7 vạn hộ... Đường Lâm Truy dập dìu xe cộ, người đi sát cánh, tà áo nối nhau như một bức mành, mồ hôi như mưa, nhà nhiều, người đông, khí sắc bừng bừng thịnh vượng". Để đáp ứng buôn bán, các nước đúc ra tiền; hình thành tầng lớp thương nhân có thế lực lớn như Mạnh Thường quân, Lã Bất Vi
Nông nghiệp phát triển phồn thịnh do các nước đào đắp hệ thống kênh đào dày đặc như đê sông Hoàng Hà, kênh Trịnh Quốc, đập Đô Giang của nước Tần... Nhưng do chiến tranh nên chính quyền các nước không thống nhất được việc quản lý kênh mương; thậm chí có vài nước dùng biện pháp ngăn sông, phá đê để triệt hạ đối phương
* Xã hội: phân hóa rõ rệt. Do các nước thừa nhận quyền tư hữu ruộng đất vào các thế kỷ VII - VI TCN mà thế lực một số quý tộc địa phương (gọi là đại phu) mạnh lên, nhiều lần lấn át chính quyền của các nước Tề, Lỗ, Tấn vào cuối thời Xuân Thu. Nhìn chung có các giai tầng sau:
+ Quý tộc, địa chủ và thương nhân giàu có ra sức chiếm đoạt ruộng đất của nhân dân
+ Tầng lớp đại phu suy yếu, nhường chỗ cho tầng lớp "kẻ sĩ". Kẻ sĩ có tri thức và mưu lược, nên nhiều người được vua vời ra làm quan. Một số quan lại lớn, vua chư hầu vời họ ở lại làm "thực khách" (họ thích thì ở, không hợp thì ra đi) như vua Tề Uy vương, Ngụy Huệ vương, Yên Chiêu vương; "tứ công tử" là Mạnh Thường quân của Tề, Tín Lăng quân của Ngụy, Bình Nguyên quân của Triệu và Xuân Thân quân của Sở; mỗi người nuôi hàng nghìn "thực khách" trong nhà. Kẻ sĩ lập công thì được thưởng lớn - giống như kẻ ăn bám, tiền thân của tầng lớp quan liêu sau này.
+ Nông dân sống bi đát hơn do chiến tranh liên miên, chết chóc quá nhiều và còn bị chính quyền thống trị bóc lột thậm tệ

* Văn hóa thời Chiến quốc
- Văn hóa: xuất hiện bộ Sở Từ của Khuất Nguyên (nước Sở) ca ngợi cuộc sống yên vui của nhân dân Sở. Bộ sử Tả truyện là một bộ sách có giá trị nhất vào thời Chiến quốc; kế đó là các bộ sách sử có giá trị là Xuân Thu, Quốc ngữ (chép sử của từng nước) và Chiến quốc sách
- Tư tưởng:
+ Mạnh Tử (thế kỷ IV TCN): cho rằng con người phải tuân theo mệnh trời. Giữ nguyên ý kiến của thầy mình về việc "tiểu nhân" (quần chúng) phải phục vụ cho "quân tử" (quý tộc), Mạnh Tử cho rằng con người có "tính thiện" từ khi sinh ra. Về trị nước, Mạnh Tử đề xuất tư tưởng "quý dân" (dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh), cho rằng nêu vua mà quý dân thì sẽ thống nhất được thiên hạ.
+ Tuân Tử (thế kỷ III TCN): ông theo quan điểm duy vật (trái với duy tâm của Khổng Tử và Mạnh Tử) cho rằng con người nên vâng mệnh Trời và có trách nhiệm khai thác tự nhiên một cách hiệu quả. Tuân Tử lại đề xuất người dân được giải phóng, được học hành
+ Mặc Tử (nước Lỗ, thế kỷ V TCN). Về nội dung, Mặc Tử đề xuất thuyết "kiêm ái" (yêu thương tất cả mọi người) và ưu tiên chọn nhân tài cho đất nước. Ngoài ra, ông chủ trương phải sống tiết kiệm, không lãng phí cho nhân dân yên vui
+ Lão Tử (thế kỷ VII - VI TCN), người sáng lập Đạo giáo. Ông chủ trương rằng con người không cần đấu tranh chống tự nhiên (an phận), công nhận sự vật phải đứng yên và không chuyển động. Về mặt xã hội, ông chủ trương "vô vi" khi hướng con người trở về thời kỳ nguyên thủy
+ Trang Tử (thế kỷ IV TCN) ngả về chủ nghĩa thần bí và hoài nghi. Xa hơn Lão Tử, Trang Tử đề ra học thuyết "phải trái như nhau", không cần phân biệt đúng hay sai => nhấn mạnh đấu tranh lý luận và thủ tiêu đấu tranh thực tiễn
+ Hàn Phi Tử (giữa thế kỷ III TCN) cho rằng sự vật luôn thay đổi và chuyển động. Về cách trị nước, ông cho rằng vua phải có "pháp" (mệnh lệnh, hình phạt), "thế" (uy quyền của vua) và "thuật" (cách cai trị quốc gia). Ông ta cho rằng giáo dục là không cần thiết, chú trọng phát triển kinh tế và chiến tranh. Như vậy Hàn Phi Tử nhận thấy dân số và của cải xã hội quyết định sự thay đổi của quốc gia; khẳng định người nghèo do lười biếng và người giàu do tiết kiệm và chịu lao động mà ra => được vua Tần rất ủng hộ, trở thành cơ sở lý luận của Đế chế Tần sau này

Hình ảnh minh họa thời Xuân Thu - Chiến quốc:

800px-Chienquocthathung260TCN.jpg



Iron_sword_and_two_bronze_swords%2C_Warring_States_Period.JPG

Thanh kiếm của binh sĩ thời Chiến quốc

220px-SuQin.jpg
Tô Tần - người đề xuất chủ trương "Hợp tung" của 6 nước phía đông
zhangyi.jpg
Trương Nghi - người đề xuất chủ trương "liên hoành" của vua Tần

maxresdefault.jpg

Thương Ưởng và vua Tần Hiếu công

Half_Portraits_of_the_Great_Sage_and_Virtuous_Men_of_Old_-_Meng_Ke_%28%E5%AD%9F%E8%BB%BB%29.jpg

Mạnh Tử _ học trò của Khổng Tử

2616_tren-doi-nay-co-3-dieu-khong-nen-noi-3-viec-khong-lam-va-3-nguoi-khong-ket-giao-e1514795337472.jpg

bbv7.jpg
Trang Tử


han-phi.jpg
Hàn Phi Tử

m%E1%BA%B7c+t%E1%BB%AD.jpg
Mặc Tử
 
Last edited:
Top Bottom