RẮN CẠP NONG
Bungarus fasciatus Schneider, 1801
Psedoboa fasciatus Schneider, 1801
Bungarus annularis Daudin, 1863
Họ: Rắn hổ Elapidae
Bộ: Có vảy Squamata
Mô tả:
Rắn cạp nong cỡ lớn. Đầu hơi phân biệt với cổ, không có vảy má. Mắt nhỏ, giữa sống lưng có một gờ dọc rất rõ. Vảy thân 15 hàng, hàng vảy sống lưng hình 6 cạnh, lớn hơn vảy bên. Thân có khoanh đen và khoanh vàng xen kẽ, khoanh đen, khoanh vàng xấp xỉ nhau. Chiều dài cơ thể khoảng 1m trở lên.
Sinh học:
Rắn cạp nong ăn chủ yếu các loài rắn. Ngoài ra còn ăn ếch nhái, cóc, thằn lằn, trứng rắn, chuột và cả cá nữa. Chúng đẻ trứng vào cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 hàng năm, khoảng 2 - 15 trứng, cỡ khoảng 6, 25 x 3, 75cm.
Nơi sống và sinh thái:
Thường sống trong rừng hoặc những nơi gần chỗ ở của người, trong các hang chuột hay hang mối đã bỏ ở bờ ruộng, gò đống, bờ sông, bờ đê, vườn tược, bụi tre, bờ ao. Chúng kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Ban ngày Rắn cạp nong thường chậm chạp. ít cắn người song người bị rắn cạp nong cắn có thể bị tử vong.
Phân bố:
Việt Nam: Phổ biến khắp nơi ở đồng bằng, trung du và vùng núi.
Thế giới: Nêpan, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônnêxia.
Giá trị:
Cùng với hổ mang, rắn ráo làm thành bộ 3 nhâm rượu để điều chế thành rượu tam xà chữa tê thấp và viêm đau khớp. Ngoài ra rắn sống còn là mặt hàng xuất khẩu.
Tình trạng:
Số lượng còn rất ít do bị săn bắt triệt để. Mức độ đe dọa: bậc T.
Đề nghị biện pháp bảo vệ:
Cấm săn bắt rắn non trong mùa sinh sản, cần tổ chức nuôi.
Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam trang 209.
...................................Rắn hổ mang chì.........................