Sử Triệu Quang Phục: vị anh hùng trong lịch sử dân tộc

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

a. Triệu Quang Phục, nhân vật lịch sử hay huyền thoại?
Triệu Túc? và Triệu Quang Phục?
Là tù trưởng huyện Chu Diên (ở khoảng huyện lị Phả Lại, tỉnh Hải Hưng (20)), chắc chắn Triệu Túc là người thuần Việt.
Sử học không cho phép chúng ta suy diễn. Tuy nhiên, vẫn có thể chấp nhận những giả thuyết có một vài luận cứ khả dĩ (mặc dù chưa hội đủ luận cứ khoa học để kết luận khoa học). Nếu chi tiết Trần Trọng Kim đưa ra trong Việt Nam sử lược sẽ được kiểm chứng lại là đúng, chúng ta có thêm dữ liệu để làm luận cứ. Chi tiết ấy là: “Về sau, vua Nam đế nhà Tiền Lý khen [Triệu Thị Trinh] là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là: ‘Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân’ ” (20). Như vậy, Lý Bôn đã thể hiện lòng yêu nước (Giao Châu) trong việc sắc phong Triệu Thị Trinh cũng như việc dùng tù trưởng Triệu Túc làm thái phó, tướng võ của triều đình nước Vạn Xuân. Một luận cứ nữa, về nguồn gốc dân tộc Triệu Quốc Đạt (anh ruột của Triệu Thị Trinh), theo ghi nhận của Cương mục: “Đến khi giặc Man Di quận Cửu Chân đánh và hạ được các thành ấp, Giao Châu náo động” (21). Rõ ràng bọn Tàu thực dân ghi nhận anh em Triệu Quốc Đạt – Triệu Thị Trinh là Man Di (cách gọi ngạo mạn của chúng).
Khẳng định như vậy, để đi đến ý tưởng sau đây: Tôi không có ý suy diễn điên rồ rằng, Triệu Quang Phục chính là hậu duệ của tên giặc Triệu Đà (kẻ giương cờ Tần Thuỷ hoàng xâm lược nước ta), nay muốn quang phục (khôi phục sự vẻ vang) cơ nghiệp cũ của tổ tiên. Tôi bình tâm tin tưởng, chính tù trưởng Triệu Túc muốn khôi phục lại sự vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Triệu Thị Trinh, một nữ anh hùng đã vì nước, vì dân tộc mà tổ chức, lãnh đạo, chiến đấu chống bọn phong kiến Trung Hoa xâm lược, chiếm đóng.
Vả lại, thật sự trong tâm thức dân gian, ở di tích tín ngưỡng, quần chúng nhân dân lại đồng nhất Triệu Quang Phục với truyền thuyết lịch sử An Dương vương: không phải đồng nhất hoá Triệu Đà với Triệu Quang Phục, mà lạ thay, ngược lại, nhân dân đã đồng nhất An Dương vương với Triệu Quang Phục! Không những thế, truyền thuyết từ thời vua Hùng (trước công nguyên Tây lịch) là truyện Tiên Dung (công chúa) – Chử Đồng Tử (ngư dân nghèo khổ) lại được phục hiện ở nhân vật lịch sử Triệu Quang Phục (ở ngôi: 548 – 570), thế kỉ thứ VI, với sự phù hộ của Chử Đồng Tử đối với Triệu Quang Phục.
Có điều gì lạ lùng ở lớp sương mù huyền thoại bao phủ lên nhân vật lịch sử này? Cũng chính vì sự oái oăm, trái ngược nào đó trong lớp sương mù huyền thoại ấy, nên một số nghi ngại về tính xác thực nẩy sinh:
◘ Toàn thư ghi chú ngay dưới đầu đề kỉ Triệu Việt vương: “(Xét Sử cũ không chép Triệu Việt vương và Đào Lang vương, nay nhặt trong dã sử [sử do dân dã lưu giữ trong kí ức, ở thần tích – ct.] và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của vương và phụ chép Đào Lang vương để bổ sung)” (22).
◘ Cương mục lại ghi lời chua dẫn “theo sách Thanh nhất thống chí, Dạ Trạch thuộc huyện Đông Kết, phủ Kiến Xương. Thời Lương Vũ đế, Trần Bá Tiên đánh Lý Bôn, Lý Bôn trốn vào trong chằm [trằm – ct.] này, đêm đến đem quân ra đánh; nhân thế gọi là Dạ Trạch. Huyện Đông An trước gọi là Đông Kết” (23). Chẳng lẽ Lý Bôn chính là Triệu Quang Phục? Hay Lý Bôn còn có một cái tên khác, đó là Triệu Quang Phục?
◘ Cương mục lại ghi lời cẩn án: “Sử cũ chép việc Triệu Việt vương được cái móng rồng của Chử Đồng Tử cho; việc Nhã Lang sang gửi rể rồi lấy trộm móng rồng; việc Triệu Việt vương vì mất cái móng rồng mà bị thua. Đem những chuyện ấy mà kháp với truyện Thục An Dương vương và Triệu Trọng Thuỷ trước kia, giống nhau như hệt, kì quái tưởng không cần biện bạch cho lắm. Nhưng Sử cũ chép phần nhiều trùng điệp nhau, sai hẳn sự thực, đại loại như thế đấy. Nay muốn tìm ở Sử cũ lấy chuyện có thể tin ở đời này và truyền lại đời sau, thật cũng khó lắm” (24).
◘ Theo Đào Duy Anh, nhà nghiên cứu sử học người Pháp H. Maspéro cũng đã từng nêu vấn đề nghi hoặc về Triệu Quang Phục: Triệu Quang Phục là nhân vật lịch sử có thật hay chỉ đơn thuần là huyền thoại, là sản phẩm của tưởng tượng, của tín ngưỡng. Nhưng Đào Duy Anh phản bác lại: “Maspéro lại nói rằng sử sách Trung Quốc không hề biết đến tên Triệu Quang Phục. Đó cũng không phải là lí do xác tạc, vì thời gian hoạt động của Triệu Quang Phục chính là thời mà nội tình Trung Quốc rất rối loạn, rất có khả năng rằng sử sách Trung Quốc bấy giờ không biết hết những sự việc xảy ra ở Giao Châu […]. Vậy thì, trong khi vấn đề chưa giải quyết dứt khoát được, chúng ta hãy tạm thời cứ bằng vào sử cũ mà chép chuyện Triệu Quang Phục ở giữa chuyện Lý Bôn và chuyện Lý Phật Tử” (25). Đào Duy Anh còn xác định trước: chuyện Lý Bôn và Lý Phật Tử sử ta và sử Trung Quốc đều có chép cả, duy trừ chuyện Triệu Quang Phục là sử Trung Quốc không chép mà thôi (25).
Rốt lại, có ba khía cạnh quan trọng của vấn đề đặt ra:
▪ Nguồn gốc dân tộc của Triệu Quang Phục?
▪ Tại sao nhân gian lại đồng nhất Triệu Quang Phục với An Dương vương?
▪ Triệu Quang Phục là nhân vật lịch sử hay sản phẩm của tưởng tượng?
Thử trả lời:
▪ Triệu Quang Phục là người bản xứ, cha ruột là tù trưởng bộ lạc (trưởng tộc của một họ tộc trong làng thôn Việt Nam cổ [Giao Châu]); không thể là người Hán – Hoa được. Toàn thư và Cương mục đã xác quyết điều đó bằng hai chữ “tù trưởng”. Triệu Quang Phục cùng cha ruột muốn khôi phục sự vẻ vang của nữ tướng Man Di Triệu Thị Trinh.
▪ Triệu Quang Phục chính là hình ảnh An Dương vương bị mất vương triều vào tay Lý Phật Tử (họ hàng của Lý Bôn). Nhân dân xác quyết như thế để đánh tan sự nghi ngờ do cái tên gợi ra. Người ta rất dễ suy diễn Triệu Quang Phục là hậu duệ Triệu Đà và mưu toan quang phục cơ nghiệp của Triệu Đà. Vì vậy, nhân dân phải xác quyết ngay rằng Triệu Quang Phục chính là An Dương vương, chứ không phải Triệu Đà, mặc dù ông có trùng họ với Triệu Đà. Lý Phật Tử (gốc Hán tộc) mới chính là Triệu Đà (người Hán chính cống).
▪ Như chúng ta đã trích dẫn và đã biết, “theo sách Thanh nhất thống chí, […] Trần Bá Tiên đánh Lý Bôn, Lý Bôn trốn vào trong chằm [trằm – ct.] này, đêm đến đem quân ra đánh; nhân thế gọi là Dạ Trạch” (23). Như vậy, sử Trung Hoa cũng có ghi nhận về hành trạng kháng chiến của Dạ Trạch vương, nhưng ngỡ rằng Lý Bôn chưa bị cảm mạo mà chết. Chính nhân vật Lý Bôn trong Thanh nhất thống chí là Triệu Quang Phục, còn Lý Bôn thật đã chết vì bệnh trước đó, và trước khi chết, Lý Bôn đã trao binh quyền cho Triệu Quang Phục.
Kết luận: Triệu Quang Phục là nhân vật lịch sử có thật. Lớp sương mù truyền thuyết thời vua Hùng – An Dương vương (trước c. ng.) đã được nhân dân phục hiện quanh Triệu Quang Phục (thế kỉ thứ VI) với ý nghĩa và mục đích như đã trình bày. Hãy cởi bỏ lớp áo khoác (truyền thuyết phục hiện) bên ngoài ấy, sẽ thấy hiện ra con người lịch sử Triệu Quang Phục thuần Việt, có thật.
Phải nói thêm rằng: Thế kỉ thứ VI không còn là thời đại huyền sử nữa. Thời kì huyền sử đã chấm dứt từ sau bi kịch An Dương vương (năm Giáp ngọ, 207 tr. c. ng.). Tuy nhiên yếu tố thần thoại, truyền thuyết bao giờ cũng còn, ngay giữa thời vi tính điện tử (thế kỉ XXI này), như một chất thơ với những ẩn dụ, hoặc như một thủ pháp nghệ thuật (chủ nghĩa hiện thực huyền ảo lành mạnh). Do đó, Triệu Quang Phục không phải là hình tượng huyền thoại, truyền thuyết lịch sử mà chính là nhân vật lịch sử được điểm tô thêm bằng ẩn dụ lấy từ truyền thuyết lịch sử xa xưa.
b. Tư liệu gốc của ta về Triệu Quang Phục:
Toàn thư viết: Lý Bôn “uỷ cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên. Đinh mão [Thiên Đức] năm thứ 4 [547], (Lương, Thái Thanh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 1, nhật thực. Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc, không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Quang Phục thuộc đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày tuyệt không để lộ khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là Dạ Trạch vương” (29).
Toàn thư ghi chú: đó là nơi Tiên Dung và Chử Đồng Tử sống bên nhau: đầm Nhất Dạ (29).
Toàn thư viết tiếp: “… Kỉ tị, năm thứ 2 [549] […]. Từ đó quân thanh lừng lẫy, đến đâu không ai địch nổi (tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo cài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc)” (30).
“Canh ngọ, năm thứ 3 [550]. Mùa xuân, tháng giêng, nhà Lương cho Trần Bá Tiên làm Uy minh tướng quân Giao Châu thứ sử. Bá Tiên lại mưu tính cầm cự lâu ngày khiến cho ta lương hết quân mỏi thì có thể phá được. Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi [Bá Tiên] về, uỷ cho tì tướng là Dương Sàn đánh nhau với vua. Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở” (31).
Trong khi đó, Lý Thiên Bảo (anh của Lý Bôn) đã lập ra nước Dã Năng ở vùng đất của người Di Lạo. Một thời gian, ông qua đời, không có con nối ngôi, nên trao quyền chức lại cho người bà con cùng họ là Lý Phật Tử.
Lý Phật Tử kéo quân về đánh Triệu Quang Phục (Triệu Việt vương). Nội chiến nổ ra qua 5 trận đánh! Lý Phật Tử xin hoà. “Vua nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Lý Nam đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát ở huyện Từ Liêm) cho ở phía tây của nước, [Phật Tử] dời đến thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, xã ấy có đền thờ thần Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy)” (32).
Chuyện lại diễn ra y hệt như bi kịch An Dương vương. Trọng Thuỷ chính là Nhã Lang! Tuy nhiên, dẫu sao Trọng Thuỷ còn biết hối hận đến mức tự sát; còn Nhã Lang, sử sách không ghi một dòng nào như thế. Rõ ràng, Trọng Thuỷ còn được thờ để còn nhớ chút lòng hối hận của một tên giặc nội gián. Nhưng Nhã Lang? Nếu y không biết hối hận như Trọng Thuỷ, sao lại còn được thờ phụng? Chỉ có thể trả lời: Dân gian đâu phải việc gì cũng đúng! Vả lại, trong dân gian còn có sự phân hoá chính kiến! Phe nhân dân ủng hộ Lý Phật Tử thờ Nhã Lang chăng? Trong lời bình, Ngô Sĩ Liên cung cấp một chi tiết: “Nhã Lang thì chết trước, bản thân [Lý Phật Tử – ct.] cũng không khỏi làm tù” (33). Như vậy, phải chăng chính Lý Phật Tử ra lệnh lập đền thờ Nhã Lang, chứ không phải nhân dân? Dẫu sao, cũng lưu ý, không phải mọi thần tích (di tích tín ngưỡng), ca dao lịch sử đều chính xác tất thảy. Nhân dân cũng có phân số mù quáng.
Khía cạnh khác, Toàn thư và Cương mục đều ghi nhận một chi tiết rất thật: hai địa danh Thượng Cát, Hạ Cát nguyên tên cổ là Thượng Cát Giới, Hạ Cát Giới với chữ “cát” có nghĩa là “cắt” (ranh giới) (34).
Và như Triệu Đà thuở xa xưa, Lý Phật Tử lên ngôi, tự xưng là Hậu Nam đế, triều đại kéo dài đến ba mươi hai năm (571 – 602). Cuối cùng, “Năm Nhâm tuất (602), […], nhà Tuỳ sai Lưu Phương sang xâm lấn. Đế Phật Tử ra hàng” (35)! Cương mục còn viết: “Phật Tử sợ, xin hàng” (35). Nếu chưa chiến đấu mà đã xin hàng thì thật ô nhục!
Như đã trình bày, sự thật lịch sử về Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử đã được nhân gian phủ lên một lớp sương mù huyền sử. Nói chính xác hơn, Triệu Quang Phục là nhân vật không còn thuộc thời kì huyền sử, nhưng là nhân vật lịch sử được điểm tô thêm bằng ẩn dụ lấy từ truyền thuyết lịch sử xa xưa.
Gạt đi các ẩn dụ lấy từ truyền thuyết, sẽ còn lại sự thật lịch sử.
a. Các sử gia bình luận về Triệu Quang Phục:
Toàn thư đã viết: “Vua giữ đất hiểm, dùng kì binh để đánh giặc lớn, tiếc vì quá yêu con gái đến nỗi mắc hoạ vì con rể”; “Vua họ Triệu, tên huý là Quang Phục, là con Triệu Túc, người Chu Diên, uy tráng dũng liệt, theo Nam đế đi đánh dẹp có công, được trao chức tả tướng quân” (36).
Có thể nói, Triệu Quang Phục là vị tổ của chiến thuật du kích.
Về việc mắc mưu kế hôn nhân – nội gián, Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Đàn bà gọi việc lấy chồng là “quy” thì nhà chồng tức là nhà mình. Con gái vua đã gả cho Nhã Lang thì sao không cho về nhà chồng mà lại theo tục gửi rể của nhà Doanh Tàn để đến nỗi bại vong” (37)!
Mưu kế hôn nhân – nội gián ấy, thời nay, đa số vợ chồng trẻ đều ra riêng (sống ở nhà riêng), hẳn cũng khó lòng cho lực lượng thù địch, ngoại xâm trong việc “cài người”, nhưng vẫn là bài học kinh nghiệm lịch sử.
Kết luận
Trong tình thế bị kẹp giữa hai gọng kìm lịch sử (Trung Hoa, Lâm Ấp) và dưới ách đô hộ tàn bạo (Trung Hoa) như thế, dẫu sao, Lý Bí (Lý Bôn), Triệu Quang Phục vẫn bẻ gãy được gọng kìm nhỏ nhưng sắc nhọn là Lâm Ấp, đập tan cả gọng kìm lớn và ách đô hộ nghiệt ngã Trung Hoa, để xây dựng được một triều đại tự chủ, độc lập cho dân tộc, kéo dài đến gần 60 năm (544 – 602). Trong đó, có ba mươi hai năm (571 – 602) Lý Phật Tử nắm ngai vàng, thực ra cũng là nhờ công lao kháng chiến gian khổ và oai danh của Lý Bôn (5 năm) và của Triệu Quang Phục (22 năm). Toàn thư và Cương mục đã phê phán Lý Phật Tử thật đích đáng, tôi thấy không cần phải trích dẫn ở đây.
Tôi chỉ đề cao mỗi một Triệu Quang Phục.
Triệu Quang Phục mãi mãi là một nhân vật lịch sử cao đẹp, uy dũng và bi tráng.
Tôi muốn được một lần nữa lặp lại để nhấn mạnh điều này: Triệu Quang Phục là nhân vật không còn thuộc thời kì huyền sử, nhưng là nhân vật lịch sử được điểm tô thêm bằng ẩn dụ lấy từ truyền thuyết lịch sử xa xưa.
Triệu Quang Phục mãi mãi là một chiến tướng lớn, vị tổ của chiến thuật du kích, một vị vua kháng chiến thắng lợi của người Việt Nam chúng ta.
Tác giả: Trần Xuân An

inbound400388027235569291.jpg
Hình ảnh minh hoạ: Zing.
 
  • Like
Reactions: God of dragon
Top Bottom