MU lạc quan trước mùa giải mới: Ai cũng có thể... bay
(VTC News) - Ở Old Trafford lúc này, ai cũng có thể “bay”, dù đó là một ngôi sao sáng hay một ngôi sao “non” mới chỉ le lói trên bầu trời...
Ai cũng có thể “bay”
Những ai từng đọc cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” ắt hẳn đều biết đến truyện ngắn “Ai cũng có thể bay” của Roger Dean Kiser. Câu chuyện xoay quanh 2 cậu bé. Cậu bé thứ nhất sống trong trại mồ côi, không có bạn bè và luôn mơ ước có thể bay được. Cậu bé thứ 2 bị liệt từ nhỏ và ước mơ duy nhất là có thể đi lại được như các cô cậu bé khác. Rồi hai cậu bé tình cờ gặp nhau và cùng trò chuyện. Cậu bé thứ nhất cõng ngay người bạn bị liệt của mình lên lưng và bắt đầu chạy. Cả 2 đều hạnh phúc.
Những người như Rooney, Valencia cho thấy ở Old Trafford lúc này ai cũng có thể “bay” (Ảnh: Reuters)
Thông điệp mà Dean Kiser truyền tải qua mẩu chuyện nhỏ là: Nếu bạn không thể bay, bạn vẫn có thể giúp người khác “bay”, nếu bạn không thực hiện được ước mơ của mình thì bạn vẫn có thể giúp người khác thực hiện được ước mơ của họ.
Có điều gì đó rất giống giữa 2 nhân vật trong truyện ngắn của Dean Kiser với các cầu thủ MU trong những mùa giải trước đây. Trong những mùa giải trước, khi Ronaldo còn là ngôi sao sáng nhất ở Old Trafford, thậm chí là sáng nhất thế giới, anh luôn là số một ở mọi lúc, mọi nơi. Mọi đường chuyền, mọi pha tạt bóng đều chọn đích đến là anh. Mọi đội hình ra sân, tư duy chiến thuật đều được dựng lên xung quanh cầu thủ có nickname CR7 ấy.
Trong 3 mùa giải trở lại, cầu thủ người Bồ thực sự đã trở thành một biểu tượng cả về sức mạnh trên sân cỏ lẫn trong makerting của Quỷ Đỏ (thế mới có chuyện sau khi bán Ronaldo, BLĐ MU lập tức tính chuyện đưa Becks trở lại làm đại sứ toàn cầu để tô đẹp lại sắc đỏ đã phai nhạt trên thị trường). Cá tính của anh lấn át những cá tính khác. Gương mặt anh che lấp những gương mặt đồng đội. Nụ cười của anh rạng rỡ hơn mọi nụ cười khác. Nói gọn lại thì CR7 là số một và duy nhất.
Không thể phủ nhận mức độ hiệu quả của Ronaldo. Tiền vệ người Bồ đã cháy sáng suốt những năm qua và luôn xứng đáng với danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”. Ghi 42 bàn thắng mùa 2007-08, 26 bàn thắng mùa 2008-09, hoàn thiện về tất cả các tiêu chí: sút, chuyền, đá phạt, đánh đầu… và cả… ngã trong vòng cấm, chẳng cầu thủ đương đại nào làm được nhiều thứ với trái bóng như Ronaldo. Đã rất nhiều lần Ronaldo bất ngờ bừng sáng và thế là Quỷ Đỏ thắng, như trong trận đấu các trận đấu với Porto và Arsenal (tứ kết và bán kết Champions League). Nói như Sir Alex thì những Kaka, Messi… còn ở cách CR7 cả dặm.
Vậy nhưng vấn đề nào cũng có tính hai mặt mà mặt xấu thì không phải ai cũng dễ dàng trông thấy. Ronaldo với cái tôi to đùng đã che lấp hết những cái tôi khác, che lấp cả ”cái ta” chung. Đã bao nhiêu lần các đồng đội phải hi sinh vì ngôi sao người Bồ? Rooney hết bị dồn sang trái rồi bị đẩy lùi sâu. Tevez bị đẩy lên ghế dự bị rồi tức tưởi nói chia tay. Trong khi đó, các cầu thủ khác luôn phải cố gắng tìm cách nhồi bóng cho Ronaldo.
Nói một cách hình ảnh thì Ronaldo giống như cậu bé thứ 2 trong truyện của Dean Kiser, có thể tựa vào lưng đồng đội để bay lên và cháy sáng, có thể di chuyển được mà đôi chân không cần chạm mặt đất. Trong khi những đồng đội của anh thay nhau đóng vai cậu bé thứ nhất để cõng Ronaldo, và chạy.
Tất nhiên, chẳng ai thích thú với công việc cõng người khác trên lưng, chẳng diễn viên nào muốn mãi làm cascadeur, góp công vào thành công của một bộ phim để rồi khán giả chỉ toàn tung hô diễn viên chính.
Bởi vậy, “giải phóng” Ronaldo là giải phóng sức nặng, là một cuộc cách mạng dân chủ âm thầm của Ferguson. Chưa nói đến tiền bạc, cái lợi trước tiên mà HLV người Scotland đem lại cho học trò sau quyết định ấy là khiến bản thân họ cảm thấy tự tin và thoải mái thi đấu. Rooney nói: “Yên tâm đi, không có Ronaldo thì đã có Rooney”. Nani cũng nói như vậy và rất nhiều Mancunian tin điều đó. Bởi họ biết, ở Old Trafford, không ai là không thể “bay”.
Ai cần Ronaldo?
“Ai cần Ronaldo?” là câu hỏi tu từ mà tờ Daily Mail đặt ra sau khi tân binh Antonio Valencia tỏa sáng với 2 đường chuyền thành bàn, giúp MU hạ Valencia 2-1 hôm thứ Tư vừa qua.
Nhưng đó chắc chắn không phải lần đầu tiên người ta đặt ra câu hỏi kiểu như vậy khi dõi theo chuyến du đấu hè của Quỷ Đỏ, khi Owen tỏa sáng với 4 bàn thắng ở Viễn Đông, khi Berbatov bị chỉ trích cũng đóng góp 2 bàn thắng, khi Macheda càng chơi càng chững chạc, khi Anderson đã chịu ghi bàn, khi những tân binh Tosic, Valencia hòa nhập nhanh chóng, khi những tài năng trẻ Gibson, Cleverley gây bất ngờ, còn Rooney thì vẫn là linh hồn trong các chiến thắng trước Malaysia, FC Seoul và Valencia.
7 trận đấu với chỉ một trận hòa và 6 chiến thắng, MU ghi tổng cộng 20 bàn. Ngoại trừ trận gặp Bayern, chưa lần nào Quỷ Đỏ ghi ít hơn 2 bàn mỗi trận. MU lúc này giống như một dàn hợp xướng của rất nhiều những giai điệu trầm bổng mà người chỉ huy là Sir Alex luôn có cách để bản nhạc tấu lên không bị lạc nhịp.
Người ta không thấy dấu ấn của Ronaldo trong những chiến tích ấy, hình ảnh của anh đang bị lu mờ và chẳng mấy chốc nữa, sẽ không còn Mancunian nào nhắc tên anh.
Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, Ferguson vẫn khẳng định Ronaldo là người xuất sắc nhất, Fergie còn khẳng định không ai thay thế được CR7 ở MU. Vậy nhưng, Ferguson vẫn tự tin hướng về phía trước và đón chờ những thử thách. Ông hiểu rằng ở Old Trafford lúc này, ai cũng có thể… là Ronaldo!
Đó là cách Valencia chơi trong trận ra mắt, gặp Boca Juniors. Anh đi bóng bên cánh phải, tiếp cận khung thành rồi đột nhiên tung cú sút trái phá, bóng đi vào lưới. Đó là cách tài năng trẻ Cleverley dứt điểm quyết đoán tung lưới Valencia. Đó là Anderson sút phạt tung lưới Bayern, pha lập công đầu tiên của tiền vệ người Brazil sau 3 năm khoác áo Quỷ Đỏ… Tất cả đều toát lên một sự tự tin, đó là sự tự tin của một người vừa được gỡ bỏ một gánh nặng trên vai của mình, sự tự tin khi không phải chơi bên cạnh một ngôi sao quá nổi bật, cũng là sự tự tin khi cái tôi cá nhân không bị phủ mờ bởi một cái tôi khác lớn hơn.
Valencia phải mất 89 trận mới ghi được 7 bàn cho Wigan nhưng đã nổ súng ngay trong trận đấu đầu tiên với Quỷ Đỏ. Rooney đã chơi với tất cả sự ngẫu hứng và niềm say mê. Berba và Owen cũng thế. Đó là một dấu hiệu tích cực của Quỷ Đỏ, sự tự tin luôn làm nên hưng phấn và khát vọng chiến thắng.
MU đã đẩy Ronaldo tới Real, cũng giống như Barca đẩy Eto’o tới Inter khi mà Eto’o mới 28 tuổi và còn cống hiến được nhiều. Mùa giải năm ngoái, Barca và MU là đối thủ ở chung kết Champions League và là những CLB mạnh nhất thế giới. Họ cùng chia tay những cây săn bàn số một và đó là cách để tìm lại khát vọng và niềm tin.
Và để chứng minh rằng ai cũng có thể “bay”, dù là một ông sao sáng hay một ngôi sao non mới chỉ tỏa ánh sáng le lói trên bầu trời.
Ngày mai, MU sẽ chính thức bắt đầu mùa giải mới, gặp Chelsea ở Community Shield, một tuần nữa Premier League sẽ khai màn. Tất cả đã sẵn sàng cho một mùa giải khuyết mất Ronaldo nhưng lại được bù đắp rất nhiều!