có lẽ chúng ta nên đổi chủ đề thành :"thưởng thức cà phê". Vâng mọi người ở đây đều có khái niệm về ly cà phê ngon cho chính mình, nào là: phê sữa. phê đen, phê không đường...nhưng em vẫn thích cái loại mà người ta bây giờ gọi là "bạc xỉu",gọi tắt của cụm chữ "bạc tẩy xỉu phé". Mấy chữ đó là âm từ tiếng Quan Thọai, thứ tiếng Tàu khá phổ thông trong số những người Tàu sống ở Sài Gòn. Bạc là màu trắng, Tẩy là cái ly không, Xỉu là một chút, và Phé là cà phê. Rõ nghĩa hơn, đó là một thức uống theo ý khách hàng : Sữa nóng thêm một chút cà phê. Sữa đặc pha với nước sôi thường có mùi hơi khó uống, nên chút cà phê thêm vào sẽ làm cái mùi ấy mất đi. Hương vị ngọt ngào, béo béo, đặc biệt là có thêm vị đắng của cà phê.
Thưởng thức cà phê nên thưởng thức theo cách của mình, không cần học theo ai vì mỗi người một khẩu vị. Mình xin trích một đoạn nhỏ trong văn hóa cà phê để mọi người biết thêm một triết lý.
Trong ly cà phê có hương vị của cuộc sống. Vì cà phê vốn đắng, nên người ta phải cho thêm đường. Bỏ bao nhiêu đường, thì lại tùy khẩu vị mỗi người. Giới sành điệu bảo rằng, chớ nên hâm lại cà phê nguội, vì sẽ làm vị cà phê đắng thêm. Cũng như hãy để những gì thuộc về quá khứ lãng quên trong quá khứ, đừng khơi lại, chỉ chuốc lấy thêm nhiều dư vị không lấy gì làm ngọt ngào.
Văn hóa cà phê còn nhắc nhở người ta rằng, hãy uống cà phê khi ly cà phê còn nóng, tức là hãy sống hết mình cho hiện tại. Đừng bận tâm ngỏanh mặt nhìn ngày hôm qua, đừng cố kiễng chân nhìn về ngày sắp tới, vì làm thế chỉ khiến ly cà phê trước mặt nguội dần, mất ngon.
Triết lý cà phê cũng ngụ ý rằng, cuộc đời đôi khi đắng chát như một ly cà phê đen thiếu đường. Nhưng cà phê đắng còn có hộp đường bên cạnh. Còn cuộc đời chẳng may chát đắng, thì phải làm sao ?
Lại nhớ câu thơ được nghe từ những ngày còn lưu đầy đất Bắc. Nói lên cảnh ngộ của vợ những người tù cải tạo năm xưa.
Cà phê đắng cho thêm đường thì ngọt.
Đời đắng cay em biết bỏ thêm gì ?
Văn hóa cà phê thật đa dạng. Triết lý cà phê cũng đủ sâu để luận bàn. Vậy, xin mời bạn, chúng ta hãy "rót cả tâm hồn vào đáy cốc... cà phê". Hay, nếu ly cà phê đời của bạn đã có quá đủ chất đắng, thì chúng ta vẫn có thể thưởng thức vị ngọt của ly bạc xỉu, với một chút cà phê đen trong ly sữa trắng, như một chút mặt trời trong ly nước lạnh của Francoise Sagan**.
** Francoise Sagan (1935-2004), nhà văn nữ người Pháp, mới 18 tuổi đã nổi tiếng trên thế giới với tác phẩm "Buồn ơi chào mi" (Bonjour Tritesse). "Một chút mặt trời trong nước lạnh" (Un Peu de Soleil Dans l’eau Froide) là tên một tác phẩm khác, xuất bản năm 1969 của bà.