Bộ não người là một cấu trúc sinh học cực kỳ phức tạp, tinh vi và vô cùng bí ẩn. Về chức năng, nó được phân chia thành bán cầu não phải và bán cầu não trái. Sự đa dạng trong cuộc sống mỗi cá nhân nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung được quyết định phần lớn bởi vai trò trái ngược nhau của các bán cầu não người.
Thực tế chỉ ra rằng, các bán cầu não người điều khiển chéo hai cánh tay của thân thể: bán cầu não phải điều khiển tay trái, còn bán cầu não trái - tay phải. Bán cầu não phải có quan hệ với trực giác, phi logic, phi lý, nghệ thuật, lãng mạn, nữ tính, siêu hình, tưởng tượng, huyền bí, tâm linh; trong khi đó bán cầu não trái thể hiện đặc trưng suy nghĩ, logic, hợp lý, kỹ thuật, thực dụng, nam tính, hữu hình, cụ thể, phi huyền bí, vật chất... Bởi vì tâm trí con người thể hiện qua bộ não, nên nó dường như được cấu thành từ hai phần mâu thuẫn nhau và luôn tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Khi nhận biết được điều đó thì mỗi người có thể trung hòa ngay chính hai phần tâm trí của mình để làm cho cuộc sống hằng ngày bớt căng thẳng nội tại và ứng xử bên ngoài dễ dàng hơn.
Người ta cho biết là hai bán cầu não hay hai phần của tâm trí có một cầu nối rất mảnh giữa chúng. Nếu chiếc cầu nối bị hỏng vì tai nạn, sai sót sinh lý hay một lý do nào khác thì một cá nhân sẽ trở nên bất thường, người đó sẽ có hai tính cách hầu như độc lập nhau - hiện tượng ảo giác hoặc nhân cách mâu thuẫn sẽ xảy ra. Một người như vậy có thể sống ở phần này hoặc phần khác của tâm trí mà không nhớ được những gì đã xảy ra ở phần bên kia cầu nối. Nếu cầu nối được “gia cố” vững chắc đến một mức xác định thì sẽ xảy ra sự hợp nhất hai phần tâm trí, trong trường hợp đó con người có thể dễ dàng đạt đến trạng thái an bình bền vững.
Một trong những dấu hiệu nổi bật mà dựa vào đó có thể xem xét mức độ thể hiện trong thực tế của các bán cầu não người là thói quen thuận tay trái hay thuận tay phải. Tồn tại giả thuyết cho rằng vào thời nguyên thuỷ, hai bán cầu não người đã có sự hoạt động cân bằng nên một cá nhân có thể đã sử dụng hai tay của mình ngang nhau. Rõ ràng, xã hội càng phát triển thì nhu cầu hoạt động của bán cầu não trái càng tăng lên, dẫn đến sự nổi trội của những người thuận tay phải. Trung bình có 10 phần trăm trẻ em được sinh ra là thuận tay trái. Tỷ lệ thực tế phụ thuộc nhiều vào nền tảng văn hóa và mức độ phát triển vật chất của mỗi cộng đồng dân số.
Thuyết huyền bí khẳng định rằng, biểu hiện thuận tay trái hay thuận tay phải của một đứa bé hầu như không phụ thuộc vào phần thể xác của nó, tức là không phải do di truyền sinh học tạo ra. Thuộc tính đó được quyết định chủ yếu bởi hệ thống các cơ thể năng lượng của mỗi cá nhân hay bởi di truyền tâm linh. Mặt khác, một người có bán cầu não phải phát triển không nhất thiết dẫn đến thói quen thuận tay trái. Nhưng bán cầu não phải ở một cá nhân thuận tay trái thường là rất nhạy cảm và có thể phát huy tác dụng hơn bán cầu não trái.
Như trên đã đề cập đến, khả năng trực giác của con người được thể hiện qua bán cầu não phải, còn khả năng suy nghĩ - qua bán cầu não trái. Người ta tin là các phản ứng trí tuệ và hành động ở con người bằng con đường trực giác là tối ưu và diễn ra một cách tức thời, còn bằng con đường suy nghĩ - cục bộ và đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định. Do vậy, các vận động viên ở những bộ môn như đấu kiếm, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá... cần phải có một mức độ nhạy cảm vượt trội của bán cầu não phải. Chỉ khi đó họ mới có khả năng trực giác đủ để hành động một cách đúng đắn và mau lẹ trong mọi tình huống bất thần.
Khả năng trực giác của con người đã được tận dụng tối đa trong các cuộc huyết chiến tay đôi bằng kiếm (kiếm thuật). Đối với tình huống đó, mỗi sơ suất trong hành động tự vệ của các phía có thể dẫn đến mất mạng. Bởi vậy, họ phải dày công rèn luyện cách hành động tức thời mà vẫn không mắc sai lầm. Các đối thủ kiếm thuật có thể không phân thắng bại nếu cả hai đều hành động hoàn toàn bằng trực giác.
Phương pháp hiệu quả để nâng cao khả năng trực giác hay phát triển bán cầu não phải là thiền. Trong tư thế ngồi hoặc nằm, mỗi cá nhân có thể thực hiện thiền theo cách đơn giản nhất là không làm gì cả với sự nhận biết, chứng kiến, quan sát chính cơ thể và tâm trí của mình. Nhờ quá trình tập luyện lâu dài như vậy, phẩm chất tỉnh táo đó có thể được mở rộng và duy trì ngay cả khi con người có những hoạt động phức tạp tùy ý.
Áp dụng quá trình thiền còn có thể cho phép mỗi cá nhân nhanh chóng tự dập tắt mọi cơn nóng giận, buồn chán, lo sợ, bồn chồn bất an... Việc hành thiền với tiêu chí nâng cao phẩm chất tỉnh táo được coi là một phương sách thần diệu và đại chúng để lành mạnh hóa tâm trí, tình cảm và các hành vi nói chung của con người.