• Bệnh còi xương là tình trạng loạn dưỡng xương có thể gây mềm, yếu, biến dạng thậm chí gãy xương.
Có 2 nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể:
• Vitamin D3 được tổng hợp ở da, gọi là đường nội sinh
- Dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời (tia cực tím –UV-B), vitamin D được tổng hợp từ cholesterol ở da. Đây là nguồn cung cấp chính, chiếm 80% nhu cầu vitamin D của cơ thể. Vì thế, trẻ da đen, nâu (tối màu), điều kiện sống ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có nguy cơ thiếu vitamin D3.
- Tối thiểu, trẻ cần được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời 3 lần trong một tuần, mỗi lần khoảng 15 phút. Trẻ da nâu, đen cần thời gian gấp 5-10 lần.
• Cung cấp qua đường tiêu hóa:
- Vitamin D2 có ở thực vật
- Vitamin D có trong sữa, thức ăn, các chế phẩm có chứa vitamin D.
- Chế độ ăn thiếu vitamin D hoặc trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa làm giảm khả năng hấp thu vitamin D đều có thể dẫn đến còi xương.
Vai trò của vitamin D
• Vitamin D có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu canxi và phospho ở ruột, cần thiết cho quá trình phát triển của xương. Giảm hấp thu canxi và phospho sẽ gây bệnh còi xương.
• Khi thiếu vitamin D, lượng canxi và phospho được hấp thu ở ruột bị giảm từ 30-40% xuống còn 10-15%. Như vậy, nếu trong thức ăn, sữa có nhiều canxi và phospho nhưng cơ thể trẻ thiếu vitamin D thì trẻ vẫn có thể bị còi xương vì các chất này ít được hấp thu và phần lớn bị thải ra ngoài theo phân.
• Ngoài vai trò đối với phát triển xương của trẻ, vitamin D còn có vai trò quan trọng trong miễn dịch của cơ thể trẻ. Khi thiếu, sẽ làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Một số nghiên cứu còn cho thấy thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh ung thư nhiều hơn.
Nguyên nhân thiếu Vitamin D ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D trong khẩu phần dinh dưỡng và/hoặc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.