Sinh [Sinh 10] Đề cương ôn tập

vuhoangnam2001

Cây bút được yêu thích nhất 2017
Thành viên
13 Tháng một 2014
739
991
264
23
Phú Thọ
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

  1. Tại sao virut kí sinh trên thực vật không có khả năng tự nhiễm vào tế bào thực vật mà phải nhờ côn trùng hoặc qua các vết xước?

  2. Lấy ví dụ về một số bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây ra trên cơ thể con người.

  3. Thuốc trừ sâu sinh học có chứa virut dựa trên cơ sở khoa học nào?

  4. Trình bày ứng dụng của virut trong thực tiễn.

  5. Trình bày phương thức xâm nhập của virut thực vật, triệu chứng của cây bị bệnh và cách phòng ngừa.

  6. Bệnh truyền nhiễm là gì? Kể tên các bệnh truyền nhiễm thường gặp do virut.

  7. Phân biệt miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào.

  8. Trình bày các con đường lây nhiễm bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây nên và cách phòng tránh.

  9. Miễn dịch là gì? Phân biệt miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.
 
  • Like
Reactions: Trần Hoàng

trunghieuak53

Cựu Mod Vật lí
Thành viên
Mod xuất sắc nhất 2017
27 Tháng hai 2017
2,098
5,061
804
Ninh Bình
1.Tại sao virut kí sinh trên thực vật không có khả năng tự nhiễm vào tế bào thực vật mà phải nhờ côn trùng hoặc qua các vết xước?

Virut kí sinh trên thực vật không có khả năng tự nhiễm vào tế bào thực vật mà phải nhờ côn trùng hoặc qua các vết xước, bởi vì: thành tế bào thực vật dày và không có thụ thể nên đa số virut xâm nhập vào tế bào thực vật nhờ côn trùng (chúng ăn lá, hút nhựa cây bị bệnh rồi truyền sang cây lành); một số virut khác xâm nhập qua các vết xước.
2.Lấy ví dụ về một số bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây ra trên cơ thể con người.
– Bệnh cúm do virut cúm gây ra, lây truyền qua đường hô hấp.
– Bệnh AIDS do virut HIV gây nên, lây truyền qua đường máu, đường tình dục hoặc truyền từ mẹ sang con.
– Bệnh tả, lị do vi khuẩn gây ra, lây truyền qua đường tiêu hóa.
– Bệnh quai bị là bệnh do virus quai bị gây ra, lây truyền chủ yếu do các chất tiết của đường hô hấp.
– Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra, lây truyền qua đường hô hấp.
3.Thuốc trừ sâu sinh học có chứa virut dựa trên cơ sở khoa học nào?
Một số loại virut kí sinh và gây bệnh cho côn trùng cũng như một số vi sinh vật gây hại cho cây trồng. Do có tính đặc hiệu cao nên một số loại virut chỉ gây hại cho một số sâu bệnh nhất định mà không gây độc cho người, động vật và côn trùng có ích. Nhờ tính chất này mà một số loại virut được sử dụng để sản xuất các chế phẩm sinh học có tác dụng như những thuốc trừ sâu để tiêu diệt sâu bệnh, bảo vệ mùa màng.
4.Trình bày ứng dụng của virut trong thực tiễn.
– Trong nghiên cứu, bằng việc loại bỏ những đoạn gen không quan trọng của virut, thay vào đó các gen mong muốn và biến chúng thành vật chuyển gen lý tưởng. Bằng kĩ thuật này đã tạo ra những chế phẩm sinh học quý nhưng có giá thành rẻ, như interfêron, insulin... Cũng có thể dùng virut để nghiên cứu cách thức của tế bào vật chủ thải loại virut hay cách xâm nhập của virus vào trong tế bào vật chủ, từ đó tìm ra biện pháp để phòng ngừa virut.
– Nhiều loại virut gây bệnh cho người và động vật đã được nghiên cứu để sản xuất vacxin phòng chống có hiệu quả của bệnh này. Nhờ đó đã hạn chế và ngăn chặn được hầu hết các đại dịch đã từng là mối đe doạ trong lịch sử loài người như: đậu mùa, dịch cúm, dịch sốt… và điều trị một cách hiệu quả một số bệnh được coi là nan y như: bệnh dại, viêm gan B, viêm gan C… Một số virut ở động vật được nghiên cứu để giảm thiểu sự phát triển của một số loại động vật hoang dã như virut pox để hạn chế sự phát triển quá mức những đàn thỏ tự nhiên.
– Trong nông nghiệp, virus được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu sinh học nhằm khống chế số lượng của một số loài sâu bệnh gây hại. Chế phẩm này có ưu điểm là: có tính đặc hiệu cao nên chỉ gây hại cho một số sâu bệnh nhất định, không gây độc cho người, động vật và côn trùng có ích; dễ sản xuất, hiệu quả diệt sâu bệnh cao, giá thành hạ...
– Trong nghiên cứu sinh học phân tử, virut cung cấp một hệ thống đơn giản để thao tác và phát hiện chức năng của nhiều loại tế bào.

5.Trình bày phương thức xâm nhập của virut thực vật, triệu chứng của cây bị bệnh và cách phòng ngừa.
– Virut tự nó không có khả năng xâm nhập vào tế bào thực vật. Phần lớn virut gây nhiễm do côn trùng, cây bị bệnh có thể truyền cho thế hệ sau qua hạt, số khác truyền qua các vết xây xát do nông cụ bị nhiễm gây ra.
– Sau khi nhân lên trong tế bào, virut di chuyển sang tế bào khác qua cầu sinh chất nối giữa các tế bào và cứ thế lan rộng ra.
– Cây bị nhiễm virut thường có hình thái thay đổi: lá bị đốm vàng, đốm nâu, bị sọc hay vằn, lá bị xoăn hay héo, bị vàng rồi rụng, thân bị lùn hay còi cọc.
– Hiện nay không có thuốc chống virut thực vật, biện pháp tốt nhất là chọn giống cây sạch bệnh, vệ sinh đồng ruộng và tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh.
 

trunghieuak53

Cựu Mod Vật lí
Thành viên
Mod xuất sắc nhất 2017
27 Tháng hai 2017
2,098
5,061
804
Ninh Bình
Bệnh truyền nhiễm là gì? Kể tên các bệnh truyền nhiễm thường gặp do virut.
– Khái niệm bệnh truyền nhiễm: Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền từ cá thể này sang cá thể khác. Tác nhân gây bệnh rất đa dạng: có thể là vi khuẩn, vi nấm, động vật nguyên sinh hoặc virut... Không phải cứ có tác nhân gây bệnh vào cơ thể là có thể gây bệnh. Muốn gây bệnh phải hội tụ đủ 3 điều kiện: độc lực (mầm bệnh và độc tố), số lượng nhiễm đủ lớn và con đường xâm nhiễm thích hợp.
– Các bệnh truyền nhiễm thường gặp do virut:
+ Bệnh đường hô hấp: virut từ sol khí đi qua niêm mạc vào mạch máu rồi tới các nơi khác nhau của đường hô hấp. Các bệnh thường gặp như: viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, viêm đường hô hấp cấp (bệnh SARS)...
+ Bệnh đường tiêu hoá: virut xâm nhập qua miệng, lúc đầu nhân lên trong mô bạch huyết, sau đó một mặt vào máu rồi tới các cơ quan khác nhau của hệ tiêu hóa, một mặt vào xoang ruột rồi ra ngoài theo phân. Các bệnh thường gặp như: viêm gan, quai bị, tiêu chảy, viêm dạ dày - ruột...
+ Bệnh hệ thần kinh: virut vào cơ thể theo nhiều con đường: hô hấp, tiêu hóa, niệu, sau đó vào máu rồi tới hệ thần kinh trung ương (như viêm não, viêm màng não, bại liệt). Một số virut (bệnh dại) tới thần kinh trung ương theo dây thần kinh ngoại vi.
+ Bệnh lây qua đường sinh dục: lây trực tiếp qua quan hệ tình dục như HIV, hecpet (bóng nước sinh dục, mụn cơm sinh dục, ung thư cổ tử cung), viêm gan B.
+ Bệnh da: virut vào cơ thể qua đường hô hấp, sau đó vào máu rồi mới đi đến da. Tuy nhiên cũng thường lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đồ dùng hàng ngày. Các bệnh trên da như đậu mùa, mụn cơm, sởi...
Phân biệt miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào.
– Miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào đều là những loại miễn dịch đặc hiệu:
+ Miễn dịch thể dịch: là miễn dịch đặc hiệu có sự tham gia của các kháng thể nằm trong thể dịch của cơ thể do tế bào limphô B tiết ra, kháng thể nằm trong tất cả các chất lỏng (thể dịch) của cơ thể như: sữa, máu, dịch bạch huyết, dịch tuỷ sống, màng phổi... vì vậy nên có tên gọi là “miễn dịch thể dịch”. Chúng có nhiệm vụ ngưng kết, bao bọc các loại virut, vi sinh vật gây bệnh, lắng kết các loại độc tố do chúng sinh ra.
+ Miễn dịch tế bào: là miễn dịch đặc hiệu có sự tham gia của tế bào limphô T độc. Các tế bào mang kháng thể này có nhiệm vụ tiêu diệt các loại virut, vi sinh vật gây bệnh, thu gom các mảnh vụn trong cơ thể, bằng cách tiết ra loại prôtêin làm tan các tế bào bị nhiễm độc, ngăn cản sự nhân lên của virut. Trong những bệnh do virut gây ra, miễn dịch tế bào đóng vai trò chủ lực vì virut nằm trong tế bào nên thoát khỏi sự tấn công của kháng thể.


Trình bày các con đường lây nhiễm bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây nên và cách phòng tránh.
– Các con đường lây nhiễm bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây nên:
+ Lây truyền theo đường hô hấp: qua sol khí (các giọt keo nhỏ nhiễm vi sinh vật bay trong không khí) bắn ra khi ho hoặc hắt hơi.
+ Lây truyền theo đường tiêu hoá: vi sinh vật từ phân vào cơ thể qua thức ăn, nước uống bị nhiễm.
+ Lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp (qua da và niêm mạc bị tổn thương, qua vết cắn của động vật và côn trùng, qua đường tình dục).
+ Truyền từ mẹ sang thai nhi (khi sinh nở hoặc qua sữa mẹ).
– Muốn phòng tránh các bệnh do vi sinh vật gây nên cần tiêm phòng vacxin, kiểm soát vật trung gian (muỗi, ve, bét...), giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống, vệ sinh ăn uống và thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn trong truyền máu và quan hệ tình dục...

Miễn dịch là gì? Phân biệt miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.
+ Miễn dịch không đặc hiệu là miễn dịch tự nhiên mang tính chất bẩm sinh, bao gồm các yếu tố bảo vệ tự nhiên của cơ thể: da, niêm mạc, các dịch do cơ thể tiết ra (dịch tiêu hoá, dịch mật, nước mắt, nước bọt…), dịch nhầy và lông rung ở hệ hô hấp, các đại thực bào, các bạch cầu trung tính đều có tác dụng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Miễn dịch không đặc hiệu không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với kháng nguyên. Miễn dịch không đặc hiệu có vai trò quan trọng khi miễn dịch đặc hiệu chưa kịp phát huy.
+ Miễn dịch đặc hiệu xảy ra khi có kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể, bao gồm 2 loại: miễn dịch tế bào (là miễn dịch đặc hiệu có sự tham gia của tế bào limphô T độc) và miễn dịch thể dịch (là miễn dịch đặc hiệu có sự tham gia của các kháng thể nằm trong thể dịch của cơ thể do tế bào limphô B tiết ra).
 
Top Bottom