Phóng sự: Quảng bá vùng quê Hưng Yên

D

dooanh_0309

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Quảng bá vùng đất Hưng Yên ^^
7440381242379549.jpg


" Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến"​

(Sắp sang hè, nhớ lại cái entry đã mốc meo. Tái bản (có sửa đổi) để quảng bá về vùng quê nơi tôi sinh... ")

Phố Hiến xưa là một đô thị sầm uất nổi tiếng nhất miền Bắc. Thương cảng Phố Hiến đã đón các thuyền buôn từ khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam.

Ngày nay, Phố Hiến nằm trong thị xã Hưng Yên thuộc vùng quê Hưng Yên thanh bình. Đến với Phố Hiến nói riêng và Hưng Yên nói chung bạn sẽ được thăm những thắng cảnh nổi tiếng nhất, ăn những món ăn đặc sắc nhất dậm nét văn hoá đặc trưng của "đất học".

Trước hết phải kể đến chùa Chuông, đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Hưng Yên có từ thế kỷ thứ 12. Hai bên chùa là 36 vị La Hán (Các bạn có thể bói La Hán ở đây). Ở chính điện còn có thầy trò Đường Tăng, Hồng Hài Nhi. Đặc biệt trong dịp tết đến xuân về, nhà chùa sẽ phát thẻ cho các thí chủ đến viếng cảnh chùa (Ai có tài lộc thì phát huy, ai có vận hạn thì phòng tránh). “Chùa Chuông có kết cấu kiểu "Nội công ngoại quốc", bao gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và 2 dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của "Bát Nhã" và "Trí Tuệ". Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao (mắt rồng), cây cầu được xây dựng năm 1702. Tiếp đến là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến nhà tiền đường, theo quan niệm nhà Phật, đường này gọi là "Nhất chính đạo", con đường chân chính duy nhất dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ” . Khuôn viên chùa cũng rất đẹp, trong sân Chùa có trồng một cây chuối có đến vài nghìn nải chuối dài từ ngọn đến sát đất (người ta phải đào đất xuống để cho chuối ra tiếp).

Tiếp đến là đền Thiên Hậu, một di sản văn hoá quốc gia do người Trung Quốc xây dựng vào thế kỷ thứ 15. Đây là một trong 4 ngôi đền được người Hoa xây dựng ở Việt Nam. Lễ hội do người Hoa tổ chức sẽ luân phiên ở 4 ngôi đền này và chỉ diễn ra 25 năm 1 lần. Kiến trúc của ngôi đền khác biệt với tất cả các ngôi đền khác ở Việt Nam, nó mang đậm kiến trúc của người Hoa thế kỷ thứ 15. Ý nghĩa của ngôi đền là thờ thuỷ thần vì những người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn sinh sống chủ yếu bằng đường biển. Trong đền Thiên Hậu có nhiều bức đại tự liên quan tới việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của vị nữ thần, nào là Phong điều vũ thuận - Quốc thái dân an (Mưa gió điều hòa - Đất nước yên vui), nào là Hải bất dương ba (Biển không nổi sóng) Quá hải tề thiên (Vượt biển trời êm )

Đền mẫu cũng là một nơi tập trung được nhiều khách tham quan du lịch vào dịp xuân ở Hưng Yên. Đây là nơi thờ các Hoàng Thái Hậu của Nhà Trần.

Văn Miếu Hưng Yên còn có tên là "Văn Miều Xích Đằng", xây dựng năm Minh Mạng thứ 20 (1839), tọa trên một khu đất cao rộng gần 4.000m2, thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên. là biểu tượng của Đài truyền hình Hưng Yên. Đây là một trong 2 Văn Miếu lâu đời nhất ( Sau Văn Miếu Quốc Tử Giám).Nơi đây quy tụ các anh tài của vùng Sơn Nam Hạ tức các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam Ninh, Sơn Tây cũ. Hiện vật quý nhất của Văn Miếu là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên. Có 138 vị đỗ đại khoa được ghi khắc vào bia từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng khoa cử nho học, trong đó có 21 vị nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình (Phủ Tiên Hưng của Hưng Yên ngày đó sau thuộc Thái Bình). Học vị cao nhất là Trạng nguyên Tống Trân, người thôn An Cầu, huyện Phù Cừ, đời Trần, Trạng nguyên Nguyễn Kỳ người xã Bình Dân huyện Khoái Châu, triều Mạc. Chức vụ cao nhất là Lê Như Hổ, quận công triều Mạc. Trước đây, hằng năm vào 2 mùa xuân thu nhị kỳ, các ngày 10 tháng giêng và 14 tháng 8 tại Văn Miếu đều tổ chức tế lễ Khổng Tử, các quan lại đương triều về dự lễ rất đông. Nếu muốn tiến theo con đường học hành khoa cử thì bạn có thể đến đây và cầu chúc.

Hồ Bán Nguyệt hình nửa mặt trăng được coi là rốn biển còn sót lại. Đây là minh chứng của biển còn lại đến ngày nay. Hồ Bán Nguyệt chưa bao giờ cạn cho dù thời tiết nắng nóng kéo dài cả tháng.Tuy rằng chưa có khẳng định nào chắc chắn nhưng người ta cho răng Hồ Bán Nguyệt vẫn còn thông ra tận biển.

Nếu có thời gian các bạn có thể đến thăm đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung với sự tích từ ngàn xưa. Đây cũng là quê nội và quê ngoại của tôi. Đền Chử Đồng - Tiên Dung nằm ven sông Hồng ghi dấu bao sự tích. Khi đến đây thì bạn sẽ thấy có hai đền đều được gọi là đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một là đền Chánh ở Đa Hoà và một là đền Hoá ở Dạ Trạch. Đền Chánh là đền chính nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung sống, còn đền Hoá là nơi hai vị về trời. Trước kia, đền Hoá đặt ở cạnh sông Hồng nhưng vì hàng năm nước dâng lên nên được di vào sâu trong đất liền. Tuy nhiên, tại vị trí đền cũ vẫn còn miếu thờ. Cạnh miếu thờ đó có một cây Duối lâu đời chấn. Nghe nói, tại cây Duối ấy còn có một con rắn lớn canh. Có người đã nhìn thấy nó còn tôi thì chưa ^^. Vào 10-2 ÂL hằng năm có lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung rất nhộn nhịp với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian. Đặc sắc là đám rước lấy nước giữa dòng sông Hồng.Đi đầu là thuyền chở hai đám rồng. Rồng - đầu bằng giấy màu đắp theo khuôn, thân làm tấm vải vàng có trang trí hình vẩy, được khoảng mười người nâng cao bằng những cái gậy gắn vào thân rồng và uốn lượn nhịp nhàng theo nhịp trống phách dồn dập. Sau đó là cỗ kiệu, bên trên đặt một chiếc chóe sứ để đựng nước. Cùng lúc các thuyền khác bẻ lái cho quây tụ thành một vòng tròn quanh chiếc thuyền mang chóe. Trên thuyền, các cụ già dùng gáo múc nước sông đổ vào chóe, dùng cho việc cúng lễ trong cả năm. Có thể đây là vết của tín ngưỡng cầu nước của những cư dân nông nghiệp xưa. Các bạn có thể nhín chút thời gian tham dự.

Các bạn cũng có thể được chơi đùa trên những bãi cát trải dài mịn màng của dòng sông Hồng hay thăm bãi Tự Nhiên nơi ghi dấu mối tình của Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Song tôi muốn nhắc các bạn cẩn thận tránh những chỗ cát gần nước vì những khu vực đó rất nguy hiểm, dễ sụt, lở.

Hưng Yên còn hấp dẫn du khách bởi các món ăn đặc sản. Với nhãn lồng, hạt sen nổi tiếng khắp cả nước.

"Này cô cắt cỏ bên sông, Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây"​

Cái tên " Nhãn Lồng" xuất phát từ đâu? Có những bô lão già nhất trong các bô lão kể lại rằng: Thời còn bé bô lão đó được các nghe kể lại, nhãn của Hưng Yên rất ngon do vậy các loài chim và dơi hay đến ăn. Có khi đứng ở dưới nhìn thì trên cây còn rất nhiều nhãn nhưng khi lên hái thì chỉ còn vỏ không vì đã bị dơi ăn hết. Vì thế người ta đã dung những tấm lưới quay thành lồng để bảo vệ nhãn khỏi bị dơi và chim ăn nên gọi là “nhãn lồng”

Về mùa đông và mùa xuân không có nhãn tươi thì người ta lại chế biến các món ăn từ long nhãn. Một món ăn phổ biến là chè sen long nhãn. Hạt sen được ninh nhừ rồi vớt ra cho nguội. Sau đó mỗi hạt sen được lồng vào với một cái long nhãn. Cho hạt sen long nhãn này nấu với bột sắn. Bột sắn phải là bột sắn dây chính hiệu không được pha tạp. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị ngọt của long nhãn, vị bùi của hạt sen và vị thơm của quê hương.

Chè sen long nhãn còn là một vị thuốc bắc có nhiều công hiệu. Nếu chỉ ăn nhãn hoặc long nhãn không thì chỉ là một vị thuốc nóng. Nhưng khi được nấu với sen và bột sắn thì nó sẽ trở thành một vị thuốc mát. Khi ăn chè sen long nhãn ta sẽ thấy tinh thần sảng khoái hơn, người cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Người ăn nhiều chè sen sẽ cảm thấy dễ ngủ hơn rất nhiều, nếu ai cảm thấy người mệt mỏi mất ngủ nên ăn thứ thực phẩm này. Tết đến ở Hưng Yên có nghề làm mứt sen trần. Pha một ấm trà mạn ngồi ăn mứt sen thì thật tuyệt. Khi ăn mứt sen không sẽ cảm thấy quá ngọt và không ăn được nhiều. Khi uống trà vào vị đắng của trà trở thành ngọt và vị ngọt của mứt sen sẽ hoà lẫn vào trà khiến ta ăn được nhiều hơn.

Mật ong ở Hưng Yên cũng rất nổi tiếng. Khi mùa xuân đến từng đàn ong sẽ đi hút mật ở trên những bông hoa nhãn màu trắng nhỏ li ti. Nhìn từ xa hoa nhãn trên cây giống như những chiếc khăn màu trắng vậy. Mật ong nhãn có mùi hương cũng đặc biệt hơn các loại mật ong khác. Người Hưng Yên coi đây là một đặc sản quý.

Với bấy bao nhiêu những thắng cảnh, những món ăn đặc sản mời các bạn một lần đến với Hưng Yên ngày nay để thấy được Phố Hiến xưa. Có thể bạn sẽ có những cảm nhận riêng về Hưng Yên quê tôi.
 
Top Bottom