Chào quangkut3
Câu hỏi của em có thể xem là một đề mở vừa đòi hỏi người viết phải có kiến thức tổng hợp về những bài thơ đã học đồng thời phải có kiến thức về lí luận (chất nhạc, chất họa của ngôn ngữ thi ca) và khả năng cảm thụ văn học.
Trước hết, để làm tốt đề này, em cần nắm rõ đặc trưng về chất nhạc, chất họa và tính tạo hình ("khắc chạm") của thơ ca.
- Chất nhạc của bài thơ được tạo nên từ nhịp điệu của ngôn từ. Nhịp điệu của câu thơ, đoạn thơ chủ yếu lại được quy định bởi độ dài ngắn, thanh điệu và cách ngăt nhịp của câu thơ. Sự phối hợp hài hòa các yếu tố ấy tạo ra sự nhịp nhàng, đăng đối - chính là chất nhạc của bài/đoạn thơ.
- Chất họa của thơ ca được hiểu là khả năng biểu cảm của ngôn ngữ thơ trong việc tái hiện lại bức tranh hiện thực vô cùng sống động. Chất họa của bài thơ được thể hiện chủ yếu qua các hình ảnh sống động, các từ láy gợi hình, gợi cảm (nhất là các từ láy gợi màu sắc).
- Chất tạo hình (chạm khắc) của thơ ca được hiểu là khả năng tái hiện các hình tượng với đầy đủ góc cạnh, hình khối sống động và chân thực. Chất tạo hình thể hiện chủ yếu ở đặc điểm của các hình tượng nghệ thuật đầy đặn, chân thực, đa chiều.
Có hiểu những kiến thức cơ bản như vậy, em mới có cơ sở để đi sâu phân tích chất nhạc, chất họa và chất tạo hình của thơ ca.
Bây giờ, các em chỉ cần chọn một vài đoạn thơ tiêu biểu cho các tính chất trên (các đoạn thơ lấy từ những bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn 12: Việt Bắc, Đất Nước, Sóng, Đàn ghi ta của lorca, Tây Tiến). Dưới đây có thể là một vài ví dụ:
- Chất nhạc: một số đoạn trong bài Tây Tiến (miêu tả cảnh tượng trên đường hành quân, những mất mát hi sinh của người lính), trong bài Sóng (thể thơ 5 chữ, nhịp thơ khi dồn dập, lúc khoan thai diễn tả nhịp điệu của con sóng, của trái tim thổn thức người phụ nữ khi yêu) ...
- Chất họa: một số đoạn trong Tây Tiến (đêm liên hoan lửa trại, cảnh sông nước miền Tây), Việt Bắc (bộ tranh tứ bình về cảnh và người Việt Bắc, bức tranh cả nước ra trận)
- Chất tạo hình: một số đoạn trong Đất Nước (hình tượng đất nước, nhân dân), Đàn ghi ta của Lorca (hình tượng Lorca), Sóng (hình tượng Sóng và Em) ...
Một đôi ý gợi mở để em suy nghĩ làm bài. Mong giúp ích được cho em.
Thân.