...Xưa, dân cấy thường đi cấy tập thể do đầu công tập hợp và điều hành. Đêm khuya, tiếng tù và của đầu công thổi từng hồi, báo hiệu các công cấy thức giấc, nấu cơm tập trung ở điểm hẹn cùng đi ra đồng. Đến đồng ruộng, nếu thiếu công cấy, lại thổi tù và “còn thiếu...” để mời gọi thêm công hoặc nhờ điều phối công từ vạn cấy khác. Không khí cấy tập thể đông vui, nảy sinh nhu cầu hò hát. Giọng hò cấy tự do, âm điệu na ná hò mái ố của miền Tây nhưng có nét riêng của đồng ruộng Đông Nam bộ. Lời hò là lục bát, song thất lục bát hoặc lục bát biến thể được mở đầu bằng giọng hò dài “Hò... hơ... hớ... ơ… ơ’’;giữa câu ngắt đoạn bằng đoạn hò ngắn ‘’hò.. ơ... hò “, kết thúc bằng giọng xuống hơi kéo dài, giọng xô tập thể nối theo ‘’hò khoan... hò”. Dứt giọng xô của câu đối, giọng hò đắp cất lên. Lời hò sau phải tiếp vần câu hò trước. Nếu bí vần là bi đứt, coi như thua cuộc. Lời đáp câu đối nối nhau, bên nam bên nữ, tốp này tốp kia cùng vào cuộc chơi, có người hò cái, có người nhắc câu, tập thể hò phụ họa. Cứ thế cuộc hò kéo dài, có khi liên tục mấy ngày liền. Nhiều người mê hò mà đến mê nhau. Các vùng Cù Lao phố (Biên Hòa), Cù lao Thạnh Hội (Tân Uyên), Bình Lục (Vĩnh Cửu), Phước Hòa (Long Thành), Hiệp Phước (Nhơn Trạch)…đều có những giọng hò nổi tiếng, thường giao lưu đối đáp với nhau, hiện nhiều nghệ nhân ở lứa tuổi 50, 60 trở lên còn ấp ủ nhiều kỷ niệm đẹp về một thời hò cấy. Ví dụ, một đoạn đối đáp hò cấy ghi được ở Cù lao Thạnh Hội:
Nam: (Hò… hơ… ơ… ớ… ơ)
Tay cầm bó mạ rẻ hai (hò…hơ…)
Miệng hò tay cấy/ chân tui thài lai ngoẹo… nàng.
Giọng xô nam: (Hò …. Khoan… hò…)
Nữ: (Hò… hơ… hớ… hơ…)
Mạ non khéo cấy thẳng hàng (hò… hơ… hớ…)
Hỏi người quân tử / đá vàng hay… chơi
Giọng xô nữ: (Hò… khoan… hò…)
Nam: (Hò… hơ… ơ….ớ… ơ…)
Ngó lên Bình Điện thấy miệng em cười (hò… hơ…)
Tơ duyên muốn kết/ sợ người đã có… đôi.
Giọng xô nam: (Hò… khoan… hò…)
Nữ : (Hò… hơ… hớ…. Hơ…)
Ván kia lỡ đóng thuyền rồi (hò… hơ…. Hơ…)
Hỡi người quân tử buông lời nữa… không ?
Giọng xô nữ: (Hò… khoan… hò…)
Sau những lời hò dạo, thưa chào, kết nối, ướm hỏi; cuộc hát đi vào nội dung đố đáp. Sự dí dỏm, thông minh, tài ứng đối bộc lộ cả ở giai đoạn này. Ví dụ:
Nữ: Đồn anh hay chữ lắm tài
Cho em hỏi thử một vài câu ca
Anh người xứ ở Biên Hòa
Đó anh biết bưởi thanh trà đâu ngon
Thuốc đâu đằm khói mê hồn
Đá đâu nước chảy vẫn còn trơ trơ ?
Nam: Hỏi thơ thì đáp bằng thơ
Đá Hàn nước chảy trơ trơ vẫn còn
Tân Huệ thuốc lá thơm ngon
Bưởi thanh thì chẳng đâu hơn Tân Triều
Nữ:Tiếng anh ăn học đã nhiều
Cho em hỏi thử cây điều mấy bông ?
Nam:Bậu về bắt hết cá sông
Qua đây biết được mấy bông cây điều.
Cùng với hò cấy còn có hò chèo xuống (còn gọi hò chèo ghe), hò giã gạo. Theo các nghệ nhân cao tuổi, thực chất, hò chèo xuồng, hò giã gạo là biến thể của hò cấy trong môi trường lao động chèo xuồng hoặc giã gạo; có khác hò cấy chút ít ở giọng hò ngân dài hơn, ít giọng xô và một số lời hát theo văn cảnh.
Cũng theo hình thức lao động mà ngoài hò chèo ghe còn có hò đò dọc của giới thương hò buôn bán đường dài và hò rỗi của nậu ghe chuyên chở cá. Còn có bao nhiều điệu hò nữa ở Biên Hòa – Đồng Nai xưa ? Hiện chưa có đủ điều kiện để trả lời câu hỏi ấy.
Lý là hình thức diễn xướng những câu hát ngắn, ngẫu hứng thành làn điệu, một loại hình diễn xướng phổ biến của Nam bộ “Nam lý, Huế hò, Bắc thơ”. Theo ký ức của người cao tuổi, ngoài các bài lý phổ biến ở Nam bộ, xứ Biên Hòa – Đồng Nai từng có nhiều người hát lý rất hay, nhưng không hiểu do đâu đã mất hẳn, hiện chưa tìm ra dấu vết. Bài Lý Đồng Nai âm điệu thế nào không rõ, chỉ còn lại phần lời không đầy đủ:
Gạo Đàng Ngoài: Bảy tiền một bát
Gạo Đàng Trong: Bảy bát một tiền
Anh không tin thì anh vô Đồng Nai mà coi
Có quân tập trận có chòi bắn bia
Có con ngựa hồng mao tiền mao hậu
Quan võ thầy đầu đội mão đai.
Bà Ba Dẹt ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch còn hát được điệu lý lu la, lý trèo lên với các câu hát nửa quen, nửa lạ, ví dụ:
Lý lu là: Ai đem con sáo sang sông
Cho nên con sáo ăn buồng chuối tiêu.
Lý trèo lên: Trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng không biết khế ai
Khế này là khế chị Hai
Khế chưa có trái, chị Hai có chồng
Xem ra, lý lu là và lý trèo lên có thể là biến thể của các điệu lý đồng dạng phổ biến của Nam bộ.
Kể vè, nói thơ, nói tuồng là hình thức diễn xướng tự sự bằng lối “nói vãn” có gõ nhịp hoặc không gõ nhịp, nhằm thể hiện các bài vè, truyện thơ, tích tuồng thuộc nằm lòng. Ở Biên Hòa
– Đồng Nai xưa lưu truyền nhiều bài vè. Phổ biến là các bài vè quen thuộc (nguyên bản hoặc dị bản) lưu truyền cả nước như: Vè Chàng Lía, vè Thông Chánh, vè Con cút, vè Bài tới, vè Con gái lấy thợ câu cua, vè Nói ngược, vè Nói dóc, vè Trăm thứ bánh… còn có những bài vè ứng tác tại địa phương kể về các sự việc đáng chú ý trong đời thường, có thể nêu: Vè Xã Những mất vợ (Ông Võ Văn Đạc ở xã Long Phước, huyện Long Thành kể), vè Hương thân Cẫn (bà Sáu Nhâm ở xã Phú Hội huyện Nhơn Trạch kể), vè Rượu (ông Chín Lát ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch kể)…
Qua nội dung của bài vè được kể, có thể tái hiện một phần của đời thực thủa xưa; ví dụ như bài vè Các đường lục tỉnh được ghi chép trong Di chỉ của Trương Vĩnh Ký
… Đến đây buôn bán một khi
Khúc đà chợ Búng, sang đồng Lái Thiêu
Rạch Tra nhà ở treo leo
Hóc Môn là xứ vườn trần nghinh ngang.
Dầu Một, Chợ Thủ, Ba Càng
Quanh co Đồng Phú, nhộn nhàng Võ Sa
Bến Cá xóm ở đông nhà
Xưa kia Đồng Ván trời đà cao xây.
Chợ Đồn đá dợn nước trào,
Hoặc khi ngó thấy Cù Lao An Mày
Hòn núi Châu Thới cao thay
Kiểng Dương qua khỏi xuống ngay Nhà Bè.
Tiếng đồn các lái Đồng Nai
Tháng giêng đóng ván, tháng hai đóng thuyền
Tháng ba trở gạo mà chuyên
Tháng tư hành thuyền rải rác mọi nơi.
Kể từ Rách Cát, Rạch Dơi
Sài Gòn, Bến Nghé tựa nơi Nhà Bè
Rủ nhau lãnh thẻ chiêu đề
Ghe nào bạn nấy ta hèo kéo theo.
Thơ được kể ở Biên Hòa xưa thường là truyện thơ Nôm: Lục Vân Tiên, Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Chàng Nhái Kiểng Tiên, Trần Minh khố chuối… hoặc các truyện cổ tích Tàu diễn ca, như: Tống tửu Đơn Hùng Tín, Tiết Cương phục nghiệp… Đầu thể kỷ XX, có thêm truyện thơ lịch sử các hội thâm nhập từ miền Tây: Thơ Sáu Trọng Hai Đẩu, Thơ thầy Thông Chánh, Năm Tỵ, Sáu Nhỏ… Nói tuồng thường là độc diễn các trích đoạn tuồng tích Tàu hoặc tuồng tích dân gian, như: Văn Doan Chàng Lía, ông Trượng – Tiên Bửu…. Hình thức kể vè, nói thơ, nói tuồng thường diễn ra dưới trăng, trong đêm vắng, lúc thư thả hay những buổi hội, giỗ… Đó là món ăn tinh thần của người cao tuổi đồng thời là thế giới kỳ ảo trong trí tưởng tượng của tuổi thơ.
Đồng Dao là một dạng hát – kể vè gắn với trò chơi tập thể của trẻ em. Nhiều bài hát đã mất nghĩa ngôn từ nhưng còn ý nghĩa văn hóa trong cách chơi, cách diễn đạt thể hiện tính hồn nhiên của tuổi thơ. Qua khảo sát thực tế, nhận thấy nhiều bài (hoặc dị bản) đồng dao quen thuộc ở Trung bộ, Bắc bộ có mặt tự lâu đời ở Biên Hòa – Đồng Nai, phổ biến là các bài: Tập tầm vông, chơi với quấc, vè Nói ngược, Cu cu chằn chằn, Con cò Xanh, Xích đu tiên, Bắt con kỳ nhông… Đồng dao tập cho trẻ em hòa mình vào tập thể, quen với luật chơi bình đẳng, tự giác.
Đờn ca tài tử là dạng sinh hoạt của các nhóm theo nghiệp đờn ca bài bản tài tử có nguồn gốc từ nhạc sư Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) phổ biến ở Nam bộ từ đầu thế kỷ XX. Ở Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu xưa có người theo học các thấy đờn ca tài tử tại Sài Gòn, Cần Đước…
về lập nhóm, sắm nhạc, họp thành ban nhạc, đờn ca các bài bản cổ điển như là sinh hoạt âm nhạc thính phòng của dân gian. Từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, sau này phát triển thành ca cổ, cải lương.
Hát tuồng (còn gọi là hát bội) là hình thức diễn xướng nghệ thuật tuồng truyền thống vốn phát triển đặc sắc ở Trung bộ; có lẽ nó đã phổ biến ở Trấn Biên khá sớm, và có điều gì đó đặc sắc khiến vào khoảng năm 1761 Chúa Nguyễn sai người vào Trấn Biên tìm bắt ca nhi đem về phụng sự phủ Chúa. Tuồng hát ở Nam bộ thường dựa theo tích Tàu, sau có soạn thêm một số tuồng Việt lấy tích trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; xoay quanh các chủ đề ca ngợi trung, hiếu, tiết, nghĩa. Đoàn hát do dân tự lập, lưu diễn ở các thôn làng, có diễn trích đoạn ở đám tang theo yêu cầu của gia chủ. Như gánh hát bội của Bầu Làm ở xã An Hòa (huyện Long Thành) chẳng hạn. Họ hàng, bạn bè trong làng hợp lại mua sắm, tự soạn kịch bản, tự diễn tập, mùa hát đi diễn khắp miền Đông, mùa ruộng phân tán làm ăn, diễn được hơn 20 vở tuồng tự soạn cả tích Tàu tích Việt, biết thực hiện nghi xây chầu, đại bội theo tục cổ truyền, đã trụ vững nhiều chục năm qua. Từ khi kịch nghệ cải lương phát triển, hát bội dần dần vắng bóng ở sinh hoạt giải trí thông thường, chỉ còn phổ biến trong các lễ cúng Kỳ Yên gắn với nghi lễ xây cầu, đại bội.
Nguồn: google
Mod thông cảm.Bài dài quá nên mình phải chia ra