Rồi cô quen anh - một chàng trai Hà Nội hào hoa phong nhã, thông minh, điển trai và hát hay đàn giỏi. Cô còn nhớ, hôm ấy thầy chỉ định cô đàn cho anh hát bài "Chiều buồn Pari". Vẫn như mọi hôm, Thi Liên đàn bằng tất cả những gì mà cô có thể. Rất tự nhiên, anh sôi nổi hát hòa theo tiếng đàn. Giọng ca của anh hay đến nỗi cô phải sững sờ, run rẩy. Trong chốc lát, mắt cô đẫm nước, cô khóc, cô chưa từng tưởng tượng trong đời này lại có một người có giọng hát tuyệt vời đến vậy. Nhưng khi khúc ca kết thúc, thay vì một cái bắt tay, một nụ cười hay một câu ca ngợi như người ta vẫn thường làm, cô chỉ khẽ ngước lên nhìn anh, đôi mắt mở to trong suốt, buồn lặng... Rồi cô về chỗ ngồi, từ từ ngồi xuống, lặng lẽ bình thản, cô biết rõ những thiệt thòi, mất mát của mình, làm sao cô có thể vui vẻ, vô tư, sôi nổi như các bạn được. Một nỗi xót xa cứ dâng lên... Thầy giáo và các bạn đã lần lượt ra khỏi phòng mà cô cứ một mình thẫn thờ ngồi lại. Bỗng có một giọng nói êm ái vang lên ngay cạnh:
- Em chưa về àh?
Cô giật mình ngẩng lên. Một khuôn mặt tuấn tú, cương nghị, một cái nhìn dịu dàng, thông cảm, tin cậy... Cô luống cuống lắc đầu rồi chẳng hiểu sao cô lại gật gật. Vẫn im lặng. Và anh đã hiểu tất cả qua cái nhìn buồn bã nhức nhối của cô. Anh lại hỏi tiếp:
- Nhà em có xa day lắm không? Để tôi lái xe đưa em về...
Cô như sực tỉnh, vội vã lắc đầu và xua xua hai tay. Và ánh mắt cô, sâu thẳm day dứt như một lời cầu khẩn... Anh hiểu cô muốn ngồi lại một mình... Nhưng kỳ lạ sao, anh đi chưa đầy một phút, cô cũng vội chạy ra đường vẫy xích lô. Cô muốn về nhà sớm. Có một cái gì đó mới mẻ, lạ lẫm đến với cô, làm cô đột nhiên xôn xao, hy vọng. Một cái gì đó cô chưa lý giải nổi song ngó thân thương lắm hạnh phúc lắm! Một cái gì như thể tình yêu bất chợt đến. Trong chốc lát, cô muốn chơi đàn, cô muón hát, muốn làm thơ, phải rồi, đêm nay cô sẽ lên lan can của tầng ba, lên sân thượng để ngắm trăng thanh và đón gió mùa hạ đêm thênh thang và để tâm hồn chìm ngập trong cảm xúc suy tư sâu lắng của riêng mình.
Và cô đã yêu. Một tình yêu đầu đời. Cô yêu anh bằng cả con tim đa cảm yếu mềm, trinh bạch và cao khiết. Anh thật đẹp đẽ, nhân hậu và cao thượng. Anh nói: "Anh muốn bên em những lúc em khổ đau, run rẩy giữa cuộc đời". Thế có nghĩa là gì nhỉ, cô cũng không cắt nghĩa hết, chỉ biết như vậy là anh đã quan tâm đên cô, cô cần anh và cô cảm thấy hạnh phúc. Anh thường ngồi bên cô tâm sự, hát cho cô nghe những bài ca cô yêu thích và thường dẫn cô đi chơi ở những nơi cảnh đạp đến nao lòng: Hồ Tây, Hồ Gươm, công viên Lê Nin... Anh không bao giờ đụng chạm đến nỗi đau của cô mà chỉ muốn xoa dịu và bù đắp cho nó. Anh an ủi động viên cô bằng cách chép tặng cô hai câu thơ của một nhà thơ nào đó: "Dẫu là chúa cũng sinh từ giọt máu, ta đẻ ra đời sao khỏi những cơn đau". Cô hiểu và cảm kích tấm lòng cao đẹp của anh vô cùng. Không bao giờ anh hỏi cô tại sao em luôn phải buộc khăn che miệng suốt tuần suốt tháng, ngày mưa cũng như ngày nắng, buồn cũng như vui. Tại sao khi anh hỏi đến gia đình, em không trả lời mà lại cứ lắc đầu buồn bã... Tại sao khi bạn bè vui cười thì em thường hay khóc thế... Vâng, anh không hỏi. Và em cảm thấy yên tâm, thấy mình được che chở bằng một tình cảm bao dung thánh thiện. Đối với em anh là con người tuyệt vời hoàn hảo nhất trên đời. Anh là thần tượng của em. Anh là niềm tin yêu hy vọng, anh là tình yêu, niềm đam mê của em, anh là vị cứu tinh của đời em. Thế đấy. Em yêu anh. Mãi mãi yêu anh. không bao giờ thay đổi. Được anh yêu mà phải chịu nhiều đắng cay,đau khổ em cũng cam lòng.
Anh dắt cô đi mua đàn... Khi nhìn bảng giá, cô chẳng ngần ngại gì chọn ngay cây ghi ta. Anh ngạc nhiên, bật cười, giật lại rồi anh chọn cho cô chiếc đàn oóc gan với những phím mềm óng ả. Cô mỉm cười vẻ ngu ngơ, lại như có lỗi. Cô thấy lòng hạnh phúc chứa chan... Rồi cô và anh trở ra. Cô đi trước, đầu hơi cúi, má ửng đỏ, vui thầm. Anh đi sau, tay ôm đàn vừa nhấn vừa hát, như tài tử xi-nê, như một minh tinh màn bạc. Cô quay lại nhìn anh, môi mỉm cười, mấp máy sau tấm khăn hồng. Ôi đây là sự thực hay chỉ là một giấc mơ thôi?
Đêm đó cô cẩn thận ép tấm hình anh và nụ hoa hồng Đà Lạt đỏ tươi anh tặng vào cuốn sổ nhỏ của mỉnh. Cô nâng niu. Gìn giữ như một báu vật... Sau đó cô đem cây đàn anh tặng ra, chơi một bản nhạc êm ái và lặng lẽ hát bài hát của riêng cô tặng cho riêng anh. Cô hát bằng im lặng và có lẽ chỉ một mình anh nghe thấy mà thôi. Cô tin tiếng đàn và câu hát của cô sẽ âm thamvaf kiên nhẫn xuyên qua màn đêm lạnh lẽo gió sương để đến bên anh, ru anh đi vào giấc ngủ. Chỉ có trái tim anh mới hiểu được những âm thanh ấy từ em, vì đó là một thông điệp, thông điệp của tình yêu.
Vài ngày sau, khi Thi Liên đi học về ngạc nhiên thấy Linh Nga cười vui vồn vã, vỗ vai cô kêu lên mừng rỡ:
- Chà, bà chị kín thế! Làm nhiều thơ hay quá đi thôi, lãng mạn quá đi thôi! Mà có anh người yêu khôi ngô hiền hậu, dịu dàng quá đi thôi. Bà chị hạnh phúc quá đi thôi. Còn đòi gì nữa! Em ao ước... được như bà chị!
Thi Liên mỉm cười. Cô không cảm thấy tự ái hay chạnh lòng gì cả. Cô đang hạnh phúc. Và cô thấy cần san sẻ với ai đó. Cô rất vui vì không phải giấu giếm em mình. Cô thấy Linh Nga xinh đẹp và sôi nổi, dễ thương và đáng yêu biết mấy. Cô ôm hôn em và cũng không hề lắc đầu phủ nhận những lời nói vui vẻ của em.
- Anh ấy ở đâu vậy? – Đột ngột Linh Nga hỏi.
- Anh ấy đang học năm thứ ba khoa thanh nhạc trường Văn hóa nghệ thuật Hà Nội. – Thi Liên sốt sắng viết ra mảnh giấy mà lòng náo nức, tự hào.
Những ngày sau đó, Thi Liên luôn sống trong tâm trạng dạt dào vui sướng và hạnh phúc. Cô luôn nghĩ đến một cái gì bất diệt vĩnh cửu chung thủy sắt son giữa anh và cô... Và cô càng ra sức học đàn. Học để không phụ lòng tin yêu và sự giúp đỡ của anh. Anh đã từng vuốt tóc Thi Liên mà bảo: “Em không được nản. Em phải học, phải có nghề nghiệp. Sau này chắc chắn anh sẽ xin cho em một chỗ làm để em đỡ buồn và cảm thấy cuộc sống của mình còn có ý nghĩa biết bao. Mà nhất định chỗ làm đó sẽ gần anh”.
Tất nhiên là cô ngoan ngoãn nghe theo lời anh. Cô tin tưởng lắm ở tương lai mà anh vừa gợi mở. Mà có lí do gì để cô không tin cơ chứ! Khi anh đã cảm thông và muốn bù đắp cho cô tất cả, thì có lí do gì để cô hoài nghi hạnh phúc của ngày mai...?
Mấy ngày rồi lớp nhạc vắng anh. Vì anh bận học ở trường chưa chuyển buổi được. Cô buồn nhớ anh nôn nao, mong ước được gặp anh, được thấy nanh cười, được nghe anh nói, dù chỉ trong giây phút thôi. Nhưng anh đang rất bận... Cô phải hiểu và động viên anh trên bước đường học tập chứ! Cô tự bảo mình như vậy. Anh vẫn viết thư cho cô từng ngày: “Em cố gắng giữ gìn sức khỏe, cấm buồn! Vài hôm nữa thu xếp xong anh lại tới lớp học cùng em... à, mà nhà chú em ở đâu ấy nhỉ? Tại sao em không nói với anh?... Để lúc nào rỗi buổi trưa hay buổi tối chẳng hạn, anh có thể đến thẳng đấy thăm em...?”
Không, không cần thế đâu anh. Em không muốn anh bận rộn quá vì em. Anh còn phải lo học hành thi cử, lo nghề nghiệp công danh... Thời gian cho chúng ta còn dài... Em luôn kỳ vọng ở anh, tình yêu của em!
Hôm nay là vừa một tuần anh không tới lớp. Mai là chủ nhật rồi, làm sao Thi Liên có thể gặp anh đây. Lòng cô buồn bã và lo lắng. Tan học. Lúc này là 11 giờ trưa. Cô lại lững thững ra vẫy xích lô. Bước xuống xe, cô ngạc nhiên thấy cổng ngoaid không khóa như mọi khi mà lại mở ra một cách khác thường. Chắc là trong nhà có khách. Nhưng chú thím cô còn đi công tác tận trong Đồng Nai nửa tháng sau mới về cơ mà. Ai vậy... cô băn khoăn bước vào. Cô càng ngạc nhiên hơn khi thấy chiếc Bonus to lớn kềnh càng mà Vũ Cương của cô thường đi, dựng hiên ngang trước sân nhà. Cô run lên vui sướng ngỡ ngàng: Lẽ nào anh đến thăm cô ư? Nhưng sao anh biết cô ở đây mà tìm đến? Ôi, có gì khó hiểu đâu đó là phép nhiệm màu của tình yêu đấy mà! Thi Liên tự nhủ... và cô xôn xao nao nức trong lòng, muốn dành cho anh một sự bất ngờ, thú vị. Nghĩ vậy cô nhóm chân khe khẽ bước lên bậc tam cấp. Đột nhiên, như có gì xui khiến cô, cô quay sang cửa kính phong Linh Nga. Đập vào mắt cô là Linh Nga mềm mai, mỹ miều như một con công vừa thay bộ cánh mới, đang ôm hôn đắm đuối một chàng trai. Khôi ngô, dịu dàng, cương nghị. Trời ơi! Cô suýt kêu lên (!) và khụy ngã. Nhưng không, cô lại đứng im lặng, chôn chân như đá giữa bậc thềm. Sự thật cuộc đời bẽ bàng, tàn nhẫn đã đổ ập xuống cô trong chốc lát, lòng cô bỗng trở nên chai sạn gai đã đến vô cùng... Trái tim vô cảm dường như ngừng đập, cô lặng câm đứng ngó trân trân. Không ai nhận ra sự hiện diện của cô ngoài ô cửa. Trong khoảnh khắc, cô ý thức rõ ràng tất cả, thì cũng là lúc vang lên tiếng Ling Nga:
- Vũ Cương! Mình chỉ có thể là của nhau thôi anh nhé!
Thi Liên như bừng tỉnh, chạy ào lên gác ghi mảnh giấy chào Linh Nga, rồi xách túi đồ cá nhân, lao thẳng ra cổng, suýt làm đổ ầm chiếc xe Bonus. Giây phút này, ở trong kia người ta chắc còn lãng mạn hơn...
Qua hai ngày đi tàu liên tục, Thi Liên đã về đến quê nhà. Vừa xuống xe là Thi Liên đi thẳng đến nghĩa địa của làng cô ngoài cánh đồng. Mệt mỏi, bơ phờ, cô ngồi phục xuống bên mộ bà nội. Ngôi mộ mới đáp hôm nào nay đã lấm tấm cỏ xanh... Lúc này Thi Liên mới khóc. Mắt mờ đi, sưng húp, nhức nhối, cô ngủ thiếp đi bên mộ bà tự lúc nào không rõ. Sáng hôm sau, giật mình tỉnh dậy vẫn thấy xung quang im ắng đến vô cùng. Cô thẫn thờ bật lửa châm hương cắm lên bốn ngôi mộ của cả ông bà nội ngoại rồi lững thững đi về căn nhà cũ của nội ngày xưa.
Nhà liêu xiêu, vắng vẻ, hoang tàn. Lòng đau như cắt. Thi Liên đẩy cửa, tần ngần một lúc nhìn ngắm các vật dụng ngày xưa nay đã cữ kỹ, han gỉ, mục nát. Thi Liên từ từ đi về phía góc nhà. Cô kéo nhẹ mảnh áo mưa và nhấc cây đàn cũ kỹ lên. Nước mắt rơi, ngực cô thổn thức, nghẹn ngào, tim cô đau thắt, buồn tê... Cô ôm cây đàn lùi dần ra cửa, quay lưng bước đi mà nghe quặn thắt trong lòng.
Thi Liên từ giã làng quê thân thuộc của mình từ đấy, cô đi xa mãi, dấn thân vào cuộc đời đánh đàn rong để mua vui cho thiên hạ, để cầu xin chút tình yêu thương thân ái thẳm sâu... Cô có mặt khắp nơi: bến xe, bến tàu, sân ga, chợ búa, phố phường... Vẫn câm lặng âm thầm, vẫn một chiếc khăn tím che bờ môi tật nguyền, vẫn ngón đàn tha thiết nhói đau... Nhiều người thương cô. Họ không nỡ thu tiền cước xe cộ của cô và hơn nữa, ngày ngày lại cho cô thêm chút tiền vào nón để cô sống tiếp cuộc đời tha phương cầu thực.
Một hôm, có một người đàn bà quý phái trông thấy, thương tình cho cô một cặp kính đen che mắt để phòng cát bụi mỗi khi sương gió nắng mưa. Cô ngập ngừng một lúc rồi nhận lấy kính, đeo vào. “Mình trở thành một nữ tướng giang hồ, bụi bặm rồi” – cô nhoẻn nụ cười buồn bã âm thầm sau vành khăn. Từ đó, có lẽ không ai nhận ra cô bé Thi Liên ngày xưa nữa.
Một ngày kia, Thi Liên đang đàn cho đám đông cùng nghe, thì có một người đàn ông quắc thước và đôn hậu đến trước mặt, bỏ vào nón cho cô một nắm tiền còn mới, toàn tờ bạc năm ngàn. Cô ngước mắt cảm ơn, ông cúi đầu khẽ nói:
- Có gì đâu, cô đàn hay quá! Chẳng hay cô có đồng ý vào ra mắt trưởng đoàn của chúng tôi không, để nếu có thể được thì xin gia nhập đoàn văn công biểu diễn chuyên nghiệp. Nếu được thế thì sẽ đỡ vất vả cho cô nhiều. Tôi là người giới thiệu cô, đảm bảo sẽ không có gì ảnh hưởng đến cô đâu...
Thi Liên gật đầu và bước theo người đàn ông như cái máy. Hai người đến trụ sở đoàn văn công. Thi Liên ôm đàn đứng chờ ngoài cửa. Một lát sau cô được mời vào trong ngôi nhà lớn biểu diễn để ban giám khảo “thẩm định tài năng” rồi mới ra quyết định tiếp nhận làm thành viên mới của đoàn. Thi Liên lo lắng và hồi hộp thật sự, tay run run ôm đàn, khép nép ngồi xuống cái ghế được mời, không dám ngẩng lên nhìn ai...
... Cô bé đàn rong đeo kính đen, chít mảnh khăn tím che miệng, ngồi cắm cúi chơi một bài đàn. Thiết tha, ai oán, xót thương, ù ù như tiếng gió reo. Róc rách như suối chảy trên đá. Loảng xoảng như thủy tinh vỡ. Gầm gào như sóng cả lúc thủy triều lên... Nước mắt rơi, nước mắt rơi thành tiếng đàn nhức buốt... Đàn dứt, im lặng đến sững sờ. Rồi tiếng vỗ tay vang lên rầm rầm. Thi Liên từ tốn đặt cây đàn sang một bên, rụt rè gỡ kính ngước lên nhìn mọi người như đáp lễ. Bỗng “độp” cái kính rơi xuống vỡ vụn, mảnh thủy tinh tứ tung... Trước mắt Thi Liên là Linh Nga và ngài trưởng đoàn: Vũ Cương của cô! Vũ Cương và Linh Nga không thể nào nhận ra cô. Thi Liên thoáng thấy ánh mắt anh ấy vừa như ngạc nhiên, lại vừa như thẫn thờ ngây dại... Thật thế không? Hay chỉ là ảo giác? Thi Liên định lao đến ôm chầm lấy đứa em gái của mình, song chẳng hiểu sao cô lại chỉ đứng chôn chân mà nhìn, trân trối, lặng câm... Còn Linh Nga, ánh mắt cô thoáng vẻ thảng thốt ngỡ ngàng một giây nhưng sau đó lại tỏ ra vô tư, bình thản, như không hề nhận ra người chị của mình. Linh Nga giơ tay lên cười tươi, vui vẻ vỗ thêm một tràng tán thưởng. Cô nhẹ nhàng tiến lại, nhìn Thi Liên vừa như âu yếm vừa như xa lạ:
- Trời sắp ban cho chị một vận may rồi đấy!
Thi Liên khựng lại. Cô đã cảm nhận trong ánh mắt kia, trong lời nói kia, có gì bất ổn. Trong lồng ngực cô, dường như vừa có một dòng nước lạnh buốt chua xót chà qua. Nhưng vì yêu thương em bấy lâu xa cách nay mừng vì gặp lại hay từ sâu thẳm tâm linh, cô vẫn hy vọng mình sẽ thoát được số kiếp long đong mà nước mắt Thi Liên lại trào ra. Cô đứng im, mắt long lanh chờ đợi... Linh Nga choàng hai tay lên vai Thi Liên như thân thiện. Có cái gì cựa quậy sau lưng. Thi Liên chưa kịp phản ứng thì đứa em cô đã giật phắt chiếc khăn ra và kêu lên lanh lảnh:
- Ô! Chị ta bị sứt môi và thụt lưỡi!...
Tất cả tối sầm. Run rẩy. Chông chênh. Vỡ tan tành. Chiếc khăn mùi xoa tím ngắt, mỏng manh đang quay cuồng uốn éo giữa không trung. Đám người nhòe đi nhập nhằng nhảy múa. Tim nhức nhối muốn vỡ tung. Thi Liên quay lưng lao thẳng ra ngoài.
Thi Liên thập thững đi giữa phố ồn ào. Mọi người đều bận rộn đi lại, mua bán đông đúc nào nhiệt, không một ai chú ý đến cô. Và vì thế, cô chẳng cần che giấu đôi môi tật nguyền của mình nữa. Như một kẻ vô thức, cô bước chậm rãi dọc con đường. Vô cảm, vô tâm, vô hồn... Chiều dần buông. Cô cứ đi. Nắng tắt. Đêm xuống. Lạnh. Cô trèo lên đường ray. Nằm thẳng xuống, ngửa mặt nhìn sao. Có tiếng đoàn tàu âm ỉ từ rất xa và sầm sập lao tới... mắt Thi Liên mở to, bình thản nhìn vào vũ trụ thăm thẳm mênh mông. Ngôi sao hôm kia rồi, ngôi saoto sáng, lấp lánh nhất bầu trời. Nó mỏng manh như chiếc lá giữa rừng hoang, run rẩy như con thuyền nan giữa bieenrn cả mênh mang sóng gió. Đột nhiên, nó tròn lại như một giọt máu, to dần, thẫm dần và loang lổ trắng đen. Bỗng nó lại bập bềnh như một cây đàn... Thi Liên mơ hồ nghe thấy tiếng đàn reo hòa lẫn những câu hát từ cõi thẳm sâu vọng về, bài ca sôi nổi mà đã có lần anh hát cô nghe:
“... Khi em cất tiếng hát lên, ta nghe trái tim ta rực nóng. Lòng chợt đau những nỗi hoài mong, chuyện buồn vui chia ly trùng phùng...
Khi em cất tiếng hát lên, em sẽ biết sao chim lại hót. Đời cỏ cây hạnh phúc là hoa, và nụ hôn cho ta mặn mòi... Khi em cất tiếng hát lên, nhà trong thôn vang tiếng mẹ ru. Tình bao la trong chiếc nôi ấu thơ, là niềm vui từ cõi mong chờ.
Khi em cất tiếng hát lên, ta nghe giữa miên man cuộc sống, đời sầu héo tiếp nối đời vui, dù quê ta hay nơi quê người.
Khi em cất tiếng hát lên. Lời dân ca lai láng tình quê. Đời phiêu du đôi lúc ta lắng nghe, bàn chân đi lòng vẫn mang về.
Em vẫn hát cùng ta, tiếp nối giọng ca, hát lên giùm ta, tình yêu thiết tha...”
Vâng, em sẽ hát, em hát đây! Cô muốn gào thét, sôi nổi, khẩn thiết. Tiếng còi tàu rú lên điên cuồng, khủng khiếp, tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray nghe khô khốc, man dại... cô thấy thân mình cùng với tiếng hát cô tan chảy thành thành một dòng sông lúc đầu mềm mại êm ả sau đó trở thành ào ạt dữ dội xô bọt trắng xóa đôi bờ...
[Trần Thị Ngọc Lan _ Tết trung thu 16 . 9 . 1997]