Sử Những sự kiện trong lịch sử thế giới có tác động đến Việt Nam (giữa thế kỷ XIX - 1945)

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

1. Chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc
- Các cuộc cách mạng tư sản thắng lợi ở một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Hoa Kỳ thì chủ nghĩa tư bản từng bước phát triển và trở thành một hệ thống của thế giới. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho nhiều triều đại phong kiến bị suy sụp và dẫn sụp đổ. Hơn nữa, sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản còn được củng cố bởi các cuộc cách mạng công nghiệp vào nửa cuối thế kỷ XVIII và giữa thế kỷ XIX, đã chứng minh rằng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thắng thế trước quan hệ sản xuất phong kiến.
Chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống thế giới, đã đặt ra nhu cầu về vốn, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Nhu cầu về "vốn" - tiền vốn; về "nhân công" - phục vụ cho phát triển kinh tế tư bản; về "thị trường" - trao đổi, vì các nước có muốn phát triển mạnh thì phải có vốn. Muốn có vốn, các nước tư bản phải: rào đất cướp ruộng, buôn bán nô lệ qua các châu lục. Các nước tư bản lập công xưởng nên phải cần nhân công; muốn có "nhân công" thì phải tìm nơi có nguồn nhân công rẻ mạt. Sản xuất được rồi, các nước tư bản mang ra thị trường để xuất khẩu.
Nhưng ở các nước châu Âu, nguồn vốn, nhân công và thị trường là không đủ cho họ nên các nước này nhắm đến các nước phương Đông - và họ mở đầu cho công cuộc xâm lược thuộc địa vì họ thấy những nước phương Đông này mặc dù dân trí thấp, lạc hậu nhưng lực lượng nhân công rất dồi dào, tài nguyên nhiều, nhiều vốn, nhiều thị trường tiêu thụ.
- Để thực hiện được công cuộc xâm chiếm thuộc địa, các nước đế quốc dùng phương thức: giáo sĩ truyền đạo kết hợp thương nhân buôn bán để theo dõi, thăm dò tình hình các nước. Khi bị các nước phương Đông cản trở thì họ dùng vũ lực để xâm lược.
Thực dân Pháp trước khi xâm lược Việt Nam thì chúng có sự chuẩn bị lâu dài. Từ thế kỷ XVIII, các thương nhân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Pháp đến buôn bán và nhòm ngó nước ta. Không phải ngẫu nhiên đến 1858, Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tại hải cảng Đà Nẵng vì nơi đây có hải cảng sâu thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, nơi đây cách kinh đô Huế đúng 100km vì nếu Pháp đánh Đà Nẵng thì sẽ tiến thẳng ra Huế buộc triều đình Huế đầu hàng. Sau thất bại ở Đà Nẵng thì Pháp chuyển hướng vào Gia Định, vì nơi đây nhiều kênh rạch thuận lơi cho tàu thuyền qua lại, từ đây Pháp xâm chiếm cả Nam Kỳ và đánh sang Campuchia.
2. Mâu thuẫn của thời đại đế quốc chủ nghĩa
* Trong thời kỳ cách mạng tư sản diễn ra, có các mâu thuẫn sau:
- Mâu thuẫn giữa tư sản, quý tộc mới với chế độ phong kiến: tư sản và quý tộc mới đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mới hình thành. Họ có kinh tế, địa vị kinh tế nhưng không có tiếng nói về chinh trị; do đó họ mâu thuẫn với chế độ phong kiến
- Mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản: giai cấp tư sản xuất hiên và bóc lột về nhân công, trả những đồng lương rẻ mạt nên dẫn đến mâu thuẫn tư sản >< vô sản
- Mâu thuẫn giữa đế quốc với thuộc địa: trong thời đại tư bản phát triển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với đế quốc => nguyên nhân sâu xa, căn nguyên của các phong trào giải phóng dân tộc chính là xuất phát từ mâu thuẫn này, đó là mâu thuẫn dân tộc.
- Mâu thuẫn đế quốc già với đế quốc trẻ: trong cuộc xâm chiếm thuộc địa, các nước đế quốc tăng cường phát triển mạnh. Các nước làm cách mạng tư sản sớm như Hà Lan, Anh, Pháp đã nhanh chóng phát triển đất nước nhanh theo hướng TBCN, đẩy mạnh cuộc xâm chiếm thị trường thuộc địa. Những nước phát triển muộn, ra đời sau như Nhật, Mỹ, Đức thì được coi là những đế quốc "sinh sau đẻ muộn" nên khi kinh tế TBCN phát triển thì thuộc đại đã bị các đế quốc già phân chia xong. Do đó, họ mâu thuẫn với các "đế quốc già". Để giải quyết mâu thuẫn này, các đế quốc trẻ buộc phải gây chiến tranh với đế quốc già. Trước khi Thế chiến I bùng nổ, các đế quốc già và đế quốc trẻ đã lập các khối Liên minh, Hiệp ước với nhau để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới - vì cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa của các đế quốc cơ bản đã hoàn thành vào đầu thế kỷ XX nhưng không đồng đều. Để giải quyết mâu thuẫn này, con đường duy nhất của họ chính là tiến hành chiến tranh thế giới để phân chia lại thị trường, thuộc địa
3. Tư tưởng dân chủ tư sản du nhập vào Việt Nam
Trong thời gian Pháp xâm lược Việt Nam, có rất nhiều người đã đề nghị vua Tự Đức cải cách, canh tân, mở cửa để đưa đất nước phát triển theo con đường TBCN, thoát khỏi sự xâm chiếm của thực dân Pháp. Nhưng tất cả các đề nghị cải cách đều bị khước từ, hoặc thực hiện nửa vời bởi vì (1) người cải cách là giáo dân (Nguyễn Trường Tộ) mà giáo dân có quan hệ với giáo sĩ nên không thực hiện; (2) xã hội Việt Nam lúc này chưa có cơ sở để tiến hành cuộc cải cách mở cửa
Cuối thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất thì luông tư tưởng dân chủ tư sản bắt đầu du nhập vào Việt Nam qua các sự kiện dưới đây:
- Tấm gương tự cường của Nhật Bản (1868 - 1895) làm cho các nước phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc phải khâm phục, ước gì nước mình cũng "giống như một nước Nhật như thế" vì trước năm 1868, Nhật cũng trì trệ nhưng nhờ Thiên hoàng Minh Trị tiến hành cuộc "Duy tân Minh Trị" => đưa Nhật từ một nước có nguy cơ xâm lược trở thành một đế quốc hùng mạnh duy nhất ở phương Đông, đánh thắng cả Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905). Đối với nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ, nhất là Phan Bội Chậu có nhận định: "Nhật Bản là nước đồng văn, đồng chủng, đồng châu" nên ông nghĩ Nhật sẽ giúp đỡ mình. Tấm gương Nhật Bản đã trở thành điểm tựa cho nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam muốn trở thành nước Nhật, muốn đi theo con đường TBCN, thoát khỏi sự cai trị của phương Tây
- Tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc được vua Quang Tự ủng hộ, dẫn đến cuộc chính biến Mậu Tuất năm 1898 đã có ảnh hưởng to lớn đến Việt Nam. Mô hình mà hai ông đưa ra là phát triển nhà nước theo hướng tư bản chủ nghĩa đã có ảnh hưởng rất mạnh đến Việt Nam, nổi bật là Phan Bội Châu.
- Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911) do Tôn Trung Sơn lãnh đạo theo chủ nghĩa "Tam dân". Trong cụm từ "Độc lập tự do hạnh phúc" của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được lấy từ chủ nghĩa "Tam dân" này. Cách mạng này tác động to lớn đến Việt Nam: Phan Bội Châu sau khi bị Nhật trục xuất vào năm 1909 và phải sang Xiêm, khi biết tin cách mạng Tân Hơi thắng lợi (cách mạng 1911 làm việc phi thường: lật đổ chế độ phong kiến, lập nước Trung Hoa Dân quốc và phát triển theo TBCN) đã sang Trung Quốc, giải tán Duy Tân hội và thành lập Việt Nam Quang phục hội vào tháng 2/1912 với tôn chỉ: Đánh đuổi Pháp, lập nền Dân quốc Việt Nam.
- Sách báo mới, tân văn tân thư: đây là những sách báo mới liên quan đến các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây và Nhật, Trung Quốc; những mô hình nhà nước như quân chủ lập hiến của Nhật và Anh, dân chủ cộng hòa của Mĩ và Pháp... được du nhập vào Việt Nam. Sự du nhập sách báo này là do cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp (1897 - 1914) đem lại, nên một hệ tư tưởng mới đã nhanh chóng được đón nhận
=> Bốn sự kiện trên chính là những điều kiện khách quan cho sự xuất hiện của khuynh hướng cứu nước mới ở Việt Nam - khuynh hướng dân chủ tư sản
+ Nguyên nhân, điều kiện chủ quan: (1) sự bế tắt của con đường cứu nước phong kiến cuối thế kỷ XIX; (2) sự xuất hiện của mầm mống kinh tế TBCN ở Việt Nam (đó là sự xuất hiện của nền kinh tế TBCN, dù nó chưa hình thành hẳn); (3) sự xuất hiện của các giai tầng xã hội mới đã bổ sung lực lượng cho phong trào cách mạng Việt Nam (sự ra đời của một bộ phận được gọi là tầng lớp tư sản, tầng lớp tiểu tư sản, giai cấp công nhân; trí thức trước đây bị chuyển hóa thành trí thức thức thời) (4) Những sĩ phu yêu nước có những chuyển biến thức thời: Các nhà trí thức như Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền, Huỳnh Thúc Kháng... đã tự chuyển hóa mình, đã tiếp nhận tư tưởng mới để trở thành trí thức thức thời
4. Những yếu tố của thời đại mới xuất hiện (1917 - 1929)
- Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công đã chọc thủng khâu yếu nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trước Thế chiến I, cả thế giới được biết đến chỉ duy nhất chủ nghĩa tư bản đang tồn tại và bao trùm khắp các lục địa, khắp các châu lục, có hệ thộng thuộc địa rộng lớn; nhưng với cách mạng tháng Mười đã làm sụp đổ khâu yếu nhất là nước Nga. Ở nước Nga có tới 4 mâu thuẫn đang tồn tại: mâu thuẫn giữa đế quốc Nga với đế quốc khác, mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản, mâu thuẫn giữa nông dân với chế độ phong kiến Nga, mâu thuẫn giữa nhân dân thuộc địa Nga với đế quốc Nga cai trị.
Thắng lợi của cuộc cách mạng 1917 có ý nghĩa quan trọng, vì: (1) nó đã phá vỡ trận tuyến của CNTB, khiến CNTB không còn là hệ thống hoàn chỉnh bao trùm thế giới nữa (vì cách mạng 1917 thành công dẫn tới hình thành một nước XHCN hiện thực đầu tiên trên thế giới, chiếm 1/6 diện tích lãnh thổ trên thế giới); (2) cách mạng 1917 không chỉ là cuộc cách mạng giải phóng giai cấp, mà còn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vì nó giải phóng các dân tộc Nga khỏi bị đế quốc Nga áp bức. Các dân tộc này đã đứng lên đấu tranh giải phóng, cổ vũ cho phong trào cách mạng thế giới và các dân tộc này vể sau đã đoàn kết để hình thành một Liên bang Xô viết hùng mạnh trong nhiều thập niên tiếp theo; (3) tư tưởng của cách mạng Nga làm chỗ dựa, điểm tựa vững chắc cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Với cách mạng tháng Mười, một hệ tư tưởng mới là chủ nghĩa Mác - Lenin, khuynh hướng vô sản được hình thành. Ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của Lenin đã quyết định lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam - con đường cách mạng vô sản (7/1920); và sự kiện này chấm dứt cuộc khủng hoảng về con đường cứu nước cho cách mạng của dân tộc Việt Nam, đánh dấu kết thúc cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Chủ nghĩa Mác - Lenin không chỉ là vũ khí giải phóng giai cấp, mà còn là vũ khí để giải phóng các dân tộc bị áp bức. (4) cách mạng 1917 chỉ ra cho cách mạng Việt Nam con đường cách mạng: giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
- Cao trào cách mạng 1918 - 1923 ở các nước Âu và Mĩ: gọi là "cao trào đấu tranh" vì nó bùng lên ở nhiều nước tư bản châu Âu và một số nước tư bản khác. Chủ nghĩa tư bản suy yếu, cộng thêm hậu quả của Thế chiến I và tác động của cách mạng tháng Mười Nga nên ở nhiều nước tư bản châu Âu đã thành lập các Đảng Cộng sản ở Đức, Pháp, Ba Lan... lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân. Điều này cho thấy ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, khuynh hướng cách mạng vô sản đã lan khỏi nước Nga sang các nước khác
- Cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa: các phong trào đấu tranh ở Trung Quốc (phong trào Ngũ tứ 1919), ở Indonesia và Ấn Độ chống thực dân phương Tây bùng nổ mạnh mẽ, nhiều Đảng Cộng sản ra đời ở Indonesia, Trung Quốc (1921), Ấn Độ (1925) lãnh đạo nhân dân đấu tranh mạnh. Sự ra đời của các Đảng Cộng sản cho thấy chủ nghĩa Mác - Lenin được truyền bá sâu rộng vào các nước thuộc địa, khuynh hướng vô sản vượt khỏi nước Nga lan nhanh sang các nước phương Đông
- Những hoạt động tích cực của Quốc tế Cộng sản; Quốc tế Cộng sản ra đời năm 1919 với 7 đại hội, trong đó ở Đại hội II thì Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin (1920); Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, có những đóng góp tích cực trong việc xác định mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc, của giai cấp vô sản ở thuộc địa với giai cấp vô sản ở chính quốc
=> Bốn sự kiện này là nguyên nhân, điều kiện khách quan cho khuynh hướng vô sản ở Việt Nam trong thế kỷ XX
* Những nguyên nhân, điều kiện chủ quan:
- Sự bế tắc và khủng hoảng của các con đường cứu nước trước đó: con đường phong kiến không đáp ứng được yêu cầu lịch sử vì nó chỉ giải phóng dân tộc mà không giải phóng giai cấp; con đường dân chủ cũng không đáp ứng được yêu cầu lịch sử vì nó chỉ đáp ứng được một trong hai nhiệm vụ: Phan Bội Chậu đánh đuổi Pháp để giải phóng dân tộc (xu hướng bạo động), Phan Châu Trinh chỉ nhờ Pháp cải cách đất nước và xóa bỏ phong kiến => Hai xu hướng này gộp lại là chỉ đánh đuổi Pháp và phong kiến. Sự bế tắc của hai con đường cứu nước đặt ra cho lịch sử Việt Nam tìm ra con đường cứu nước mới
- Sự xuất hiện của những yếu tố mới trong nước: khai thác thuộc địa lần 2 của Pháp làm cho kinh tế, xã hội và tư tưởng Việt Nam có sự chuyển biến to lớn. Khai thác thuộc địa lần 2 được Pháp tiến hành nhằm mục đích: bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra. Cuộc khai thác này làm trên quy mô lớn và kéo dài khiến Việt Nam có những biến chuyển to lớn - phương thức sản xuất TBCN được du nhập vào mạnh hơn và rõ hơn, nhân dân bị bóc lột nhiều hơn; sự xuất hiện của các giai tầng xã hội mới (tầng lớp tư sản xuất hiện là một bộ phận của xã hội, sự xuất hiện mạnh của tầng lớp tư sản dân tộc; giai cấp công nhân ra đời từ trước đã phát triển nhanh về số lượng, tiểu tư sản phát triển mạnh. Họ có mâu thuẫn sâu sắc với đế quốc và phong kiến). Cuộc khai thác thuộc địa của Pháp đặt ra hai nhiệm vụ cần giải quyết: nhiệm vụ giải phóng dân tộc, nhiệm vụ giải phóng giai cấp (dân chủ) giải quyết trực tiếp vấn đề ruộng đất cho nông dân.
- Sự hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc: chính Người đã lựa chọn con đường cứu nước mới cho dân tộc, tích cực truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam qua việc chuẩn bị hệ tư tưởng, chuẩn bị về tổ chức, đào tạo các cán bộ nòng cốt. Sự hoạt động tích cực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã tạo những chuyển biến tích cực, chuyển phong trào cách mạng từ yêu nước sang yêu nước theo khuynh hướng vô sản. Sự thành lập Đảng Cộng sản, sự thất bại của khuynh hướng dân chủ tư sản và thất bại của khởi nghĩa Yên Bái đã chứng minh cuộc giành thắng lợi "Ai thắng ai" và câu trả lời cuối cùng chính là khuynh hướng vô sản
5. Khủng hoảng kinh tế thế giới và khuynh hướng tả khuynh của Quốc tế III
a. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ 1929 - 1933 là cuộc khủng hoảng thừa - cung vượt quá cầu. Sau Thế chiến I, các nước tư bản nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, nhưng không có sự kiểm soát của bộ máy nhà nước cho nên sản xuất ồ ạt và Khủng hoảng đã diễn ra. Mở đầu khủng hoảng là Mỹ, rồi lan nhanh sang các nước khác; những thuộc địa của họ cũng bị tác động to lớn của cuộc khủng hoảng này - rõ nhất là Đông Dương. Tại Đông Dương, Pháp bóc lột kiệt quệ để phục vụ cho xuất khẩu tư bản; mà ngay cả bản thân Pháp cũng bị thiệt hại nên Đông Dương thiệt hại nặng nhất: công nhân thất nghiệp hàng loạt, nông dân mất ruộng đất, tiểu tư sản và trí thức bấp bênh, tư sản dân tộc bị phá sản... song đại địa chủ và tư sản mại bản gắn chặt với Pháp nên cuộc sống của chúng yên ổn. Đại bộ phận các giai tầng xã hội Việt Nam đều có chung mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp => hai mâu thuẫn cơ bản, nhưng mâu thuẫn dân tộc được đặt lên hàng đầu vì phải đánh đuổi đế quốc Pháp.
Khủng hoảng kinh tế thế giới vừa là nguyên nhân sâu xa, vừa là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cao trào cách mạng 1930 - 1931 do Đảng lãnh đạo. Gọi là "nguyên nhân sâu xa" vì cuộc khủng hoảng này tác động đến Việt Nam, chính sách của Pháp; hơn nữa Việt Nam mất độc lập và bị Pháp cai trị, cho nên nguyên nhân dẫn đến cuộc đấu tranh chính là mâu thuẫn dân tộc; mâu thuẫn này chỉ được giải quyết khi nào nước ta giành được độc lập. Pháp cai trị và bóc lột nhân dân Việt Nam chính là nguyên nhân sâu xa. Pháp cai trị nước ta mà cuộc khủng hoảng kinh tế cũng tác động đến bối cảnh (là Pháp đang cai trị Việt Nam) nên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa là nguyên nhân sâu xa, vừa là nguyên nhân trực tiếp bùng nổ phong trào
- Các nước tư bản buộc phải chọn một trong hai con đường: những nước giàu tài nguyên, thị trường và thuộc địa thì chọn con đường cải cách dân chủ như Mĩ, Anh, Pháp và họ đã vượt qua; những nước nghèo tài nguyên, ít thuộc địa và thị trường như Nhật, Đức và Italia thì chọn con đường phát xít hóa bộ máy chính quyền. Sự xuất hiện của lò lửa chiến tranh ở phát xít Đức, Italia và Nhật đe dọa nền hòa bình, an ninh của nhân loại
b. Khuynh hướng tả khuynh của Quốc tế Cộng sản:
Quốc tế Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Lenin đã định hướng cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào cách mạng thế giới nói chung. Nhưng sau khi Lenin vừa mất, Quốc tế Cộng sản đã có những bất đồng lớn, xuất hiện khuynh hướng tả khuynh với nội dung đề cao đấu tranh giai cấp mà coi nhẹ giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông => vì phần lớn các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đều ở châu Âu, mà châu Âu không bị mất độc lập mà còn đi xâm chiếm, cai trị nước khác, nên đấu tranh ở châu Âu thiên về đấu tranh đòi quyền lợi giai cấp. Ở các nước phương Đông, yêu cầu số một của họ là phải đánh đuổi đế quốc, giành độc lập dân tộc; đồng thời đánh đổ phong kiến. Ở các nước phương Đông lúc bấy giờ, các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản không nhìn thấy và đề cao đấu tranh giai cấp, cách mạng ruộng đất; nên khi Nguyễn Ái Quốc viết ra Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đề cao giải phóng dân tộc (Việt Nam là giải phóng dân tộc trước hết rồi mới đến giải phóng giai cấp, trước hết là nông dân vì 90% làm nghề nông => khẩu hiệu: độc lập dân tộc, người cày có ruộng được đưa ra vì lý do đó). Rất tiếc, Quốc tế Cộng sản đề cao đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất; lúc bấy giờ thì một học trò của Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ trở về thành lập lại Đảng và viết Luận cương mới. Luận cương của Trần Phú chịu ảnh hưởng của khuynh hướng tả khuynh, khác với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng
Do vậy giữa Luận cương Trần Phú và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng có điểm khác lớn nhất:
+ Luận cương đề cao đấu tranh giai cấp, trong khi Cương lĩnh của Nguyễn Ái Quốc đề cao giải phóng dân tộc
+ Về lực lượng tham gia cách mạng: Cương lĩnh xác định là toàn thể dân tộc Việt Nam, vì ai cũng muốn đươc giải phóng, không riêng gì công nhân hay nông dân là gốc rễ của cách mạng Việt Nam, tất cả các giai tầng xã hội Việt Nam đều có nhu cầu được giải phóng; Luận cương của Trần Phú chịu ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản nên xác định chỉ có công nhân và nông dân tham gia cách mạng
* Nguyên nhân quyết định làm bùng nổ cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng ra đời đầu năm 1930 và đến tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương đã hiểu được nguyện vọng của nhân dân, đã nhằm vào hai kẻ thù chính là kẻ thù dân tộc (thực dân Pháp) và kẻ thù giai cấp (giai cấp nông dân, công nhân). Như vậy Đảng đã lãnh đạo cách mạng, trực tiếp là liên minh công nông chống đế quốc để giành độc lập dân tộc, chống phong kiến giành ruộng đất cho dân cày. Khẩu hiệu "độc lập dân tộc, người cày có ruộng"
* Nguyên nhân sâu xa làm bùng nổ cao trào 1930 - 1931: chính sách cai trị của Pháp và phong kiến (xem phần phân tích phía trên)
* Vừa là nguyên nhân sâu xa vừa là nguyên nhân trực tiếp: khủng hoảng kinh tế thế giới
* Nguyên nhân nữa là một tác động khiến cho phong trào ở các vùng miền có sự khác biệt là ở Nghệ - Tĩnh có nhiều chi bộ Cộng sản ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước, phong trào chống thực dân chống xâm lược được biết đến qua nhiều thời kỳ lịch sử; đây cũng là nơi có chi bộ của Đảng hoạt động mạnh mẽ, chặt chẽ vì thế nó thúc đẩy phong trào đi lên. Ở Nghệ - Tĩnh là nơi sôi nổi nhất, thành lập được các Xô viết; và thành quả to lớn nhất mà các Xô viết đạt được là thành lập được chính quyền của dân, do dân và vì dân
 
  • Like
Reactions: Hưng Dragon Ball
Top Bottom