Đũa thần” phát hiện virus truyền bệnh cho người và vật
Thiết bị có khả năng nhanh chóng phát hiện virus gây bệnh cho người và động vật đang được phát triển bởi Sở Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Thiết bị này được gọi là tán xạ bề mặt tăng cường Raman (surface-enhanced Raman scattering – SERS). Thiết bị sẽ phát hiện ra virus gây bệnh khi tia laser chiếu vào.
Nhà vi sinh vật học William Wilson, Trung tâm nghiên cứu dịch vụ Nông nghiệp và Sức khỏe động vật tại Manhattan đã sử dụng công nghệ này để nhận diện virus West Nile fever (virus gây viêm não Nhật Bản) và virus Rift Valley fever (loại virus có thể gây sốt cho động vật và truyền sang người). Cả hai loại virus này đều được truyền qua muỗi.
Thiết bị này đã được sử dụng để phát hiện virus
gây sốt cho cừu, người ở châu Phi, Trung Đông
Các bác sĩ thú y có thể lấy mẫu máu của con vật bị bệnh, thực hiện xét nghiệm và có kết quả ngay tại chỗ với thiết bị cầm tay này.
Các nhà khoa học hi vọng rằng công cụ có hình dạng như chiếc đũa có thể nhanh chóng phát hiện ra nơi bùng phát dịch. Ngoài ra, thiết bị này còn nhanh chóng phát hiện các phản ứng kháng thể của virus. Nếu thiết bị này được làm bằng vàng hay bạc thì khả năng phát hiện virus sẽ tốt hơn.
Nho có chứa melatonin là loại hormon giúp ngủ ngon
Các nhà khoa học thuộc Viện Siêu vi khuẩn của thực vật ở Italy công bố nghiên cứu cho biết trong trái nho có chưa melatonin - một loại hormon giúp ngủ ngon.
Ở người, tuyến yên của não tạo ra melatonin để giúp điều hòa các chu kỳ ngủ và thức sinh học. Mức melatonin luôn tăng vào các buổi tối như là một tín hiệu thông báo đã đến giờ đi ngủ.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm các chiết xuất từ 8 loại nho và nhận thấy trong loại trái cây mọng nước này có hàm lượng melatonin đáng kể. Qua đó, họ rút ra kết luận rằng khi bạn uống một cốc nước nho 200ml/ hoặc ăn 1 chùm nho 300gr trước giờ đi ngủ nửa tiếng, bạn sẽ có cảm giác buồn ngủ và giấc ngủ sẽ đến dễ dàng hơn. Rượu nho cũng cho kết quả tương tự.
Hàm lượng melatonin trong nho sẽ được chuyển đến não bộ và tại đây, não bộ sẽ chỉ đạo cho các bộ phận trong cơ thể bước vào giai đoạn nghỉ ngơi.
Phát hiện loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh
Phát hiện này được công bố bởi các nhà nghiên cứu thuộc hai trường đại học McMaster và Arkon. Họ đã phát hiện ra các chủng vi khuẩn tồn tại trong hang động Lechuguilla chưa từng tiếp xúc với con người này đều có khả năng đề kháng tự nhiên với những loại thuốc kháng sinh đang được sử dụng.
Theo nghiên cứu thì tất cả các loài vi khuẩn ở đây đều có khả năng đề kháng ít nhất là một loại kháng sinh, mặt khác một số được tìm thấy có khả năng đề kháng tới 14 loại kháng sinh. Nghiên cứu về sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ khám phá này bởi vì các dạng vi khuẩn này có thể được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng không thể chữa trị hiện nay.
Hang động Lechuguilaa nằm ở Vườn quốc gia Carlsbad Cavern là một khu vực giới hạn từ khi các nhà nghiên cứu khoa học phát hiện ra nó vào năm 1986. Với độ sâu 1604 feet (489m) và bao quanh bởi đá không thấm nước - điều đó có nghĩa là nó có thể mất đến 10.000 năm để có thể đạt được độ sâu nhất hiện tại. Trong một môi trường như vậy mà các loài vi khuẩn lại có thể kháng được thuốc thực sự là vô cùng kì lạ.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các loài vi khuẩn này có thể vài triệu năm tuổi, dù vậy chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu trong vòng 70 năm trở lại đây” - giám đốc Gerry Wright, Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Michael G. DeGroote cho biết. “Điều quan trọng là phát hiện này sẽ giúp chúng ta tìm ra cách để ngăn ngừa sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng và tìm được phương pháp chữa trị”.
Kết quả từ một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy có thể sử dụng “tấm lá chắn tế bào gốc” để bảo vệ cơ thể khỏi các tác hại của quá trình hóa trị liệu
Trong Y học, các loại thuốc dùng trong hóa trị liệu được biết đến với tác dụng ngăn chặn sự phân chia nhanh chóng của tế bào ung thư, nhưng chúng cũng chính là thủ phạm gây hại cho các mô khỏe mạnh mà đặc biệt là tủy xương, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khó thở và mệt mỏi. Thậm chí, một số loại còn có thể kích hoạt các phản ứng dị ứng gây chết người.
“Tấm lá chắn tế bào gốc” đang được thử
nghiệm trên một bệnh nhân ung thư não.
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle đã sử dụng tế bào gốc biến đổi gene tạo ra lá chắn bảo vệ tủy xương trong khi các tế bào khối u thì không được che chở, Tiến sĩ Jennifer Adair cho biết.
Tế bào gốc lấy từ tủy xương của chính người bệnh và được cô lập. Tiếp theo họ đưa vào một loại virus có gene bảo vệ chống lại thuốc hóa trị. Các tế bào sau đó được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân.
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Hans-Peter Kiem, chia sẻ: “Liệu pháp này không hề có tác dụng phụ, giúp người bệnh thích nghi với quá trình hóa trị tốt hơn đáng kể”.
Thử nghiệm trên 3 người mắc ung thư não, các chuyên gia nhận thấy họ đều sống lâu hơn thời gian trung bình là 12 tháng đối với bệnh ung thư. Thậm chí một bệnh nhân vẫn còn sống sau 34 tháng điều trị.
“Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới về vấn đề bảo vệ các tế bào bình thường trong quá trình điều trị ung thư”, Giáo sư Susan Short nói. “Chúng tôi hiện vẫn đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu nhằm phát triển liệu pháp này”.
Nghiên cứu mới cho thấy gene người có thể có tiếng nói quyết định về việc vi khuẩn nào có thể “nhập hộ khẩu” vào cơ thể chúng ta.
Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy tập hợp vi khuẩn sinh sống trong và trên cơ thể người có liên quan đến một số chứng bệnh. Nhưng điều gì quyết định vi khuẩn nào khu trú ở một vật chủ người vẫn là một bí ẩn. Chế độ ăn uống và địa lý có tác động một phần, ngoài ra việc “nhập hộ khẩu” của vi khuẩn vào cơ thể còn do sự quyết định của gene, theo Ran Blekhman - chuyên gia di truyền học tại Đại học Cornell (Mỹ) - nhận định trên trang tin Science.
Gene chi phối sự khu trú của vi khuẩn trong cơ thể
Blekhman và các cộng sự đã sử dụng những dữ liệu được thu thập trong khuôn khổ một dự án của Viện Nghiên cứu quốc gia về bộ gene người (Mỹ), nhằm thống kê về mặt di truyền những vi khuẩn sống trong và trên cơ thể người. Qua so sánh dữ liệu ADN của người và vi khuẩn, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 51 biến thể gene người có liên quan đến sự “dồi dào” của các loại vi khuẩn nhất định sống trong hoặc trên 15 khu vực của cơ thể. Những người có một biến thể gene gần gene PCSK2, vốn can dự vào việc sản sinh insulin, có nhiều vi khuẩn Bacteroides trong ruột. Cũng biến thể gene này có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2, vì thế sự thừa mứa Bacteroides cũng có liên quan đến bệnh này. Trường hợp khác, những người có một biến thể gene CXCL12 liên quan đến các bệnh viêm cũng có nhiều vi khuẩn Granulicatella trên da hơn. Vi khuẩn này có liên quan đến bệnh viêm da.
Theo chuyên gia Blekhman, chưa thể xác định liệu các vi khuẩn có gây bệnh ở những người mang các biến thể gene nhất định hay không hay ngược lại, bệnh do các biến thể gene gây ra có dẫn đến sự tăng trưởng mạnh hơn của một số loại vi khuẩn?
Ông Benjamin Voight, chuyên gia di truyền học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng, các bác sĩ có thể sử dụng những tập hợp vi khuẩn này như những dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân có nguy cơ mắc một số chứng bệnh nhất định. Tuy nhiên, trước hết các nhà nghiên cứu sẽ cần phải thiết lập một luận cứ thống kê thuyết phục rằng các gene, bệnh và vi khuẩn có liên quan mật thiết với nhau.
Các nhà khoa học đã tạo ra được một loài cây biến tính di truyền có khả năng thay đổi màu sắc khi trong không khí có dấu vết các chất nổ, trong tương lai có thể dùng để phát hiện và ngăn ngừa mối nguy hiểm do bom mìn ở những vùng đất sau chiến tranh.
Theo các tác giả của công trình được công bố là June Medford và đồng nghiệp tại Trường ĐH Colorado (Mỹ), các loại cây biến tính có thể xác định hơi của Trotyl (tức TNT) trong không khí với nồng độ dưới 25 phần tỷ tính theo thể tích, nghĩa là nhạy hơn khả năng đánh hơi của chó đến 100 lần.
Các loài cây biến tính có thể đổi màu sắc lá từ xanh sang vàng khi phát hiện có thuốc nổ.
Từ nồng độ này trở lên, màu của lá cây sẽ chuyển từ lục sang vàng trong khoảng vài giờ. Để sử dụng được trong thực tế, chỉ cần đặt chậu cây trong bầu không khí chứa Trotyl từ vài giây đến vài phút.
Cây được chọn để làm thí nghiệm là cây thuốc lá. Sau khi làm thay đổi cấu tạo của thụ quan trên bề mặt tế bào, gọi là chất bao (periplasma), các nhà khoa học đã làm cho nó nhận biết được sự có mặt của Trotyl trong không khí và đổi màu.
Việc thay đổi cấu trúc của thụ quan được các nhà khoa học thực hiện nhờ mô hình đặc biệt trên máy vi tính. Vì vậy họ đã dễ dàng tạo ra được các loài cây thay đổi màu trước sự có mặt của từng loại hóa chất nhất định, cụ thể là những chất gây ô nhiễm nước và không khí.
Bà Medford, người đứng đầu công trình nghiên cứu nói với phóng viên báo New Scientist: "Một trong những hướng có thể áp dụng phát minh của chúng tôi là lĩnh vực kiểm soát môi trường, sau đó mới đến việc bảo vệ an ninh xã hội”.
Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí PloS ONE.
Các nhà khoa học Israel tuyên bố đã biến đổi tế bào da của người bệnh thành tế bào cơ tim khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm.
Đây là công trình có thể cứu sống vô số bệnh nhân suy tim, do sử dụng chính tế bào của người bệnh có thể tránh được tình trạng đào thải trong trường hợp ghép từ người khác.
Báo cáo trên chuyên san European Heart Journal cho thấy kết quả thí nghiệm ban đầu ở chuột hết sức hứa hẹn, dù ứng dụng điều trị trên thực tế có thể cần nhiều thời gian hơn.
Suy tim có nghĩa là tim không bơm đủ máu cho cơ thể như trường hợp tim khỏe mạnh, do các tế bào cơ tim bị hủy hoại.
Trong một nghiên cứu mới nhất, nhóm chuyên gia của Israel đã lấy tế bào da của hai bệnh nhân nam bị suy tim, sau đó trộn lẫn những tế bào này với hỗn hợp hóa chất và gene trong phòng thí nghiệm để tạo ra tế bào gốc.
Sản phẩm của quá trình trên được biến thành tế bào tương đồng như tế bào cơ tim. Khi cấy vào chuột thí nghiệm, chúng bắt đầu kết nối với các tế bào cơ tim xung quanh.
BBC dẫn lời trưởng nhóm Lior Gepstein cho biết, công trình nghiên cứu của ông và đồng sự đã chứng tỏ được rằng có thể dùng tế bào da từ một bệnh nhân già yếu và biến thành tế bào cơ tim "trẻ và khỏe mạnh" giống như thời điểm người này mới chào đời.
Aspirin và một số loại thuốc giảm đau tương tự như ibuprofen và naproxen có thể làm giảm nguy cơ mắc ba dạng chính của bệnh ung thư da, một nghiên cứu mới cho biết.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tài liệu y khoa của người dân phía bắc Đan Mạch từ năm 1991 đến 2009. Họ phát hiện 3.242 chuẩn đoán khối u ác tính, dạng nguy hiểm nhất của bệnh ung thư da, cùng với 1.974 chuẩn đoán ung thư tế bào vảy và 13.316 chuẩn đoán ung thư tế bào cơ sở. Họ cũng phân tích các dữ liệu theo đơn thuốc từ các bệnh nhân và thông tin từ 178.655 cá nhân không mắc căn bệnh này.
Những người dùng nhiều hơn hai đơn thuốc kháng viêm không chứa sterroid (NSAIDs) giảm 15% nguy cơ phát triển ung thư tế bào vảy và giảm 13% nguy cơ phát triển khối u ác tính so với những đối tượng khác. Tác động rõ hơn ở những người uống NSAID trên 7 năm hoặc uống với mật độ cao.
Ông Sigrun Alba của đại học y Aarhus, Đan Mạch cho biết: “Chúng tôi hy vọng hiệu quả tiềm năng của loại thuốc này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho nghiên cứu ngăn chăn bệnh ung thư da. Điều này cần được đưa vào chương trình thảo luận về lợi ích và tác hại của việc sử dụng thuốc NSAID".
Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Cancer của Hiệp hội Ung thư Mỹ
Phương pháp điều trị bệnh Huntington, một loại bệnh thần kinh di truyền, bằng công nghệ tế bào gốc đã được phát triển tại Hàn Quốc.
Giáo sư Song Ji-hwan của bệnh viện Cha vừa cho biết bệnh viện đã tạo lập thành công tế bào gốc từ tế bào da của một phụ nữ mắc bệnh Huntington để làm ra tế bào thần kinh.
Bệnh Huntington là bệnh di truyền và chưa chữa trị được vì không có thuốc điều trị hiệu quả và phù hợp với cơ chế phát triển của bệnh.
Bệnh Huntington thường được biết là sự suy giảm trầm trọng chức năng điều khiển của não, gây rối loạn chức năng và làm chết tế bào não dẫn tới tử vong. Đây là một loại bệnh hiếm, cứ 100.000 người thì có 10 người mắc bệnh này.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Song cho biết phương pháp điều trị này sử dụng tế bào gốc lấy từ tế bào của chính bệnh nhân sẽ giúp giảm nguy cơ đào thải. Kết quả nghiên cứu này được giới thiệu trên tạp chí khoa học danh tiếng thế giới “Stem cells”.
Các nhà khoa học giải mã được trình tự gene quả lê
Hơn 60 chuyên gia trong nhóm nghiên cứu hỗn hợp đến từ Trung Quốc và Mỹ đã hoàn tất quá trình giải mã trình tự gene đầu tiên trên thế giới đối với quả lê.
Trong một thông cáo báo chí hôm 6/6, Viện Gene Bắc Kinh cho biết thành tựu nghiên cứu nói trên đã đặt nền móng cho việc phát triển những giống lê năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn với chi phí rẻ hơn cũng như cung cấp dữ liệu cho việc so sánh các gene giữa những loại quả khác trong họ hoa hồng (rosaceae) và nghiên cứu quá trình tiến hóa của chúng.
Zhang Shaoling, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên và là giáo sư tại Đại học nông nghiệp Nam Kinh, Trung Quốc, cho biết việc giải mã trình tự gene quả lê sẽ giúp nghiên cứu khả năng chống trọi với côn trùng và những điều kiện môi trường khắc nghiệt cũng như mô hình phát triển thông thường của cây lê.
Chương trình giải mã trình tự gene của quả lê được khởi động tháng 4/2010.
Trung Quốc là nước sản xuất lê lớn nhất thế giới, chiếm trên 60% sản lượng lê toàn cầu. Lê cũng là loại quả được trồng phổ biến thứ ba ở nước này sau táo và cam.
Các nhà khoa học Cuba ngày 16/7 đã công bố một loại cây có thể dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Bấy lâu nay, cây Jatropha (hay còn gọi là cây cọc rào hay cây bã đậu) cho ra quả có hạt và được dùng để sản xuất dầu.
Nhưng nay, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ ứng dụng và Phát triển bền vững Cuba đã thành công trong việc tạo ra nhiên liệu sinh học từ hạt Jatropha.
“Cây Jatropha có thể sống trong môi trường khắc nghiệt nhất, lại vừa có thể được dùng để tạo ra nhiêu liệu sinh học”, AFP dẫn lời ông Jose Sotolongo, giám đốc trung tâm nói trên.
Hiện có một nhà máy nhỏ ở tỉnh Guantanamo (Cuba), có khả năng sản xuất trên 100 tấn nhiêu liệu sinh học/năm.
Ông Sotolongo cho biết tỉnh Guantanamo có khoảng 52 ha đất trồng cây Jatropha để cung cấp hạt cho nhà máy này.
Và số nhiêu liệu sinh học từ nhà máy này đang được sử dụng để chạy các thiết bị nông nghiệp tại tỉnh Guantanamo.
Tuy nhiên, hạt Jatropha rất độc bởi nếu ăn phải dù chỉ là một lượng nhỏ vẫn có thể dẫn đến tử vong.
Hydrogel mới có thể thay thế tủy sống và làm sụn
Các nhà khoa học Australia đã phát triển một loại hydrogel mới hứa hẹn sẽ thay thế tủy sống và làm sụn tổng hợp ở người, đồng thời ứng dụng trong kỹ thuật sản xuất robot mềm.
Các nhà khoa học đã kết hợp hai loại polymer sẵn có là gellan gum và polyacrylamide để sản xuất loại nguyên liệu mới mang tên keo liên kết ion cộng hóa trị.
Mặc dù tính chất vật lý của loại keo này có thể tăng lên nhờ sự kết hợp hai nguyên liệu polymer, song các nguyên liệu này chỉ có thể biến dạng một lần bởi các liên kết cộng hóa trị gắn kết các phân tử đã bị phá vỡ khi nguyên liệu bị biến dạng.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học Australia đã phát triển một loại hydrogel chứa các phân tử gắn kết với nhau nhờ liên kết ion. Loại vật liệu hydrogel dai mới này có thể phục hồi từ các vết căng rộng hay biến dạng nhiều lần, ở mức nhiệt độ cơ thể người.
Hydrogel là loại vật liệu mềm và ẩm ướt, có tới 95% thành phần nước và các phân tử nằm trong khung polymer.
Hiện các chuyên gia Australia đang thử nghiệm độ bền và độc tính của loại hydrogel mới trên để sớm ứng dụng thay thế sụn, biến nguyên liệu này thành chất dẫn điện để có thể thay thế tủy sống và sử dụng trong công nghệ robot mềm.
Theo giới chuyên môn, hydrogel ngày càng giữ vai trò quan trọng trong kỹ thuật cấy mô ở người. Nguyên liệu này được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ tã dùng một lần, kính áp tròng tới sữa tắm và thuốc xịt điều trị bỏng.
Tuy nhiên, vật liệu này dễ mất tính bền nên chỉ hạn chế sử dụng cho những đồ vật không chịu áp lực cơ học.
Qua việc đọc gene người có thể tìm ra các gene tốt để cải tạo giống nòi, đồng thời giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh dễ mắc phải của người được đọc gene.
Qua việc đọc gene người có thể tìm ra các gene tốt để cải tạo giống nòi, đồng thời giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh dễ mắc phải của người được đọc gene.
Điều trị bệnh, phát hiện tài năng Bộ KH&CN vừa làm việc với Viện KH&CN về Dự án khả thi giải mã trình tự và phân tích bộ gene người Việt Nam.
PGS.TS Nông Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho biết: Đến nay, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về gene thuộc Viện Công nghệ Sinh học đã giải mã được 16.000 gene ty thể của 9 cá thể thuộc 3 dân tộc Kinh, Tày, Mường và tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về hệ trình tự gene người Việt Nam.
Giải mã hệ gene không chỉ giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh mà còn tìm kiếm được các gene tốt nhằm cải tạo giống nòi.
PGS.TS Nông Văn Hải cũng cho biết, kết quả nghiên cứu từ các dự án, chương trình cho thấy, các chủng tộc, các cá thể người giống nhau đến 99,9% và chỉ khác nhau về một tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) về cấu trúc hệ gene.
Tuy nhiên, phần khác biệt rất nhỏ này lại có ý nghĩa quyết định đối với đặc điểm nhân chủng học, sức khoẻ giống nòi của cả một dân tộc; là yếu tố di truyền liên quan đến sức khoẻ của mỗi cá thể.
"Việc giải mã, so sánh toàn bộ hệ gene biểu hiện (exome) của một số người mắc các bệnh như bệnh di truyền, bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch... ở Việt Nam giúp phát hiện các chỉ thị phân tử cho chẩn đoán và điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, giải mã hệ gene của các cá thể có thể trạng tốt, tuổi thọ cao (trên 100 tuổi), các tài năng đặc biệt về thể thao, toán học, âm nhạc, khoa học, quản lý... sẽ tìm kiếm được các gene có liên quan nhằm cải tạo giống nòi", PGS.TS Nông Văn Hải cho biết.
Giải mã gene giúp tìm kiếm chọn lọc các gene tốt nhằm cải tạo giống nòi.
Chưa thể kết luận đặc điểm chung của gene người Việt PGS.TS Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho hay, trong nghiên cứu sinh học, nhiều khi bộ gene không khác nhau nhiều nhưng sự thể hiện mạnh, yếu ở mặt nào thì lại do môi trường sống.
Ví dụ, với 1.000 gene thì cả 1.000 gene không phải lúc nào cũng biểu hiện hết ra mà có lúc chỉ có 150 gene, có lúc chỉ thể hiện 100 gene... Số lượng gene thể hiện lại phụ thuộc vào môi trường và việc các gene đó phối hợp với nhau như thế nào.
Việc chỉ thể hiện ở một trạng thái nhất định trong gene, biểu hiện sẽ khác với trạng thái mà có 150 gene thể hiện. Cái khác đó lại do điều kiện quyết định. Điều kiện sẽ quyết định gene gì biểu hiện tại thời điểm đó.
Ví dụ, một người ở Việt Nam làm một công việc nào đó ổn định trong nước nhưng khi ra nước ngoài trong một điều kiện sống khác, luật khác... thì người đó sẽ có thể hiện mới phù hợp với điều kiện bên ngoài. Môi trường bên ngoài như thế nào để các gene bên trong thể hiện, là hai quan hệ mật thiết.
Vì thế, đặc điểm của người phương Đông hay phương Tây chỉ là sự biểu hiện các gene khác nhau chứ không phải là sự khác nhau về gene.
Hiện Viện Công nghệ Sinh học đã nghiên cứu xong bộ gene ty thể của 54 chủng tộc người Việt Nam. Đó là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về bộ gene người Việt.
Tuy nhiên, PGS.TS Trương Nam Hải cũng cho biết, nghiên cứu trong nước về gene người Việt chưa nhiều và chưa có hệ thống nên thời điểm này chưa thể nói được đặc điểm chung của gene người Việt Nam.
Trên thế giới, họ phải nghiên cứu tổng thể trước về bộ gene rồi mới đưa ra được những đặc điểm chung. Sau khi nghiên cứu giải mã gene người xong thì người ta phát hiện có một số thay đổi về mặt di truyền, nó cũng phụ thuộc vào từng chủng tộc người. Những sự khác nhau đó liên quan đến một số bệnh, mà ở chủng tộc người này bị mắc nhiều hơn ở chủng tộc người khác.
"Để hiểu được đặc điểm di truyền bộ gene người Việt thì mục tiêu đưa ra có tính định hướng đến 2020, nếu được đầu tư thoả đáng và làm gấp rút thì khoảng 4,5 năm nữa sẽ có câu trả lời. Tổng số tiền cho trang thiết bị là khoảng 20 - 30 triệu USD; sau đó là đầu tư cho trang thiết bị hoá chất, vật tư, con người", PGS.TS Trương Nam Hải cho biết.