Sử 9 [NGUYỄN TRIỀU ĐỆ NHẤT SỦNG PHI | NHẤT GIAI HIỀN PHI NGÔ THỊ CHÍNH]

Phạm Hà Mi

Học sinh
Thành viên
12 Tháng chín 2018
70
64
21
27
Hà Nội
sư phạm hà nội
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

[NGUYỄN TRIỀU ĐỆ NHẤT SỦNG PHI | NHẤT GIAI HIỀN PHI NGÔ THỊ CHÍNH]
.
Trong số các Hoàng đế nhà Nguyễn, Minh Mạng đế nổi tiếng là người phong lưu, đào hoa bậc nhất với 44 hậu phi được ghi lại chính thức và có đến 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 hoàng nữ, một con số kỷ lục trong lịch sử Việt Nam.
Trong muôn vàn giai lệ từng lướt qua đời ông, có một nữ nhân đặc biệt, được ông dành một tình cảm tha thiết tột bậc, vượt xa những người phụ nữ khác trong hậu cung – Nhất giai Hiền phi Ngô Thị Chính.
.
.
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Hiền phi húy là Chính (政), còn có húy khác là Kiều (嬌). Bà sinh năm 1792, là người huyện Đăng Xương (Quảng Trị), con gái của chưởng cơ Ngô Văn Sở, mẹ họ Nguyễn. Khi Gia Long đăng cơ, Ngô Văn Sở làm Chưởng cơ Quản đạo ở trấn Thanh Hoa ngoại, nhưng bị phạm tội rồi cách chức. Xuất thân của bà, thoạt nhìn có vẻ hiển hách, nhưng thực ra lại có chút xấu hổ vì là con của tội thần, luận gia thế khi ấy bà đã kém nhiều so với bà Hồ Thị Hoa (tức Tá Thiên Nhân hoàng hậu, con gái khai quốc công thần Hồ Văn Bôi), cung tần Lê Thị Tường (con gái đại thần Lê Chất), tiệp dư Nguyễn Thị Viên (con gái quận công Nguyễn Văn Khiêm)…, bà cũng không phải là người sinh nhiều con nhất cho Minh Mạng, nhưng cuối cùng lại hưởng thánh quyến tối thâm, ân sủng hơn ba mươi năm không suy, nhiều năm đứng đầu hậu cung, là châu ngọc trong tay vị hoàng đế đa tình bậc nhất triều Nguyễn. Đến tột cùng, vì cái gì mà một người phụ nữ mang xuất thân nhạy cảm như vậy có thể đến bên người đàn ông tôn quý nhất thiên hạ, cùng thiên tử Đại Nam ở cạnh nhau đi qua một đoạn nhân sinh chìm nổi, độc hưởng mọi ân vinh khiến bao người khao khát, chúng ta hôm nay vẫn không thể biết được, chỉ có thể lật giở sứ sách, chậm rãi nhìn lại một đời đệ nhất giai phi đầu tiên của Nguyễn triều, tựa như bức tranh dần dần, dần dần hiện lên một cách rực rỡ như ánh mặt trời.
.
Thế phả chép, Hiền phi Ngô thị theo hầu Minh Mạng từ thời còn ở tiềm để, thời gian nhập hầu không được ghi nhưng có lẽ là vào khoảng năm Gia Long thứ 6, khi bà được 14-15 tuổi. Năm đó, Minh Mạng đã có chính thất là Hồ thị. Từ khi nhập phủ, bà liên tục sinh hạ cho ông 3 con trai và 3 con gái, là người phụ nữ sinh nhiều con nhất thời điểm ấy. Khi Minh Mạng đăng cơ, theo lệ nhà Nguyễn, bà được tạm phong làm cung tần, dựa theo ghi chép thuộc Nội vụ phủ trong hội điển, Ngô thị là người đứng đầu hậu cung của Minh Mạng, vượt trên cả Lê thị, con gái của quyền thần Lê Chất.
.
Sau khi đăng cơ, bên cạnh Minh Mạng xuất hiện thêm muôn hồng nghìn tía, bọn họ liên tục sinh cho Minh Mạng hết đứa con này đến đứa con khác, còn Hiền phi chỉ sinh thêm được 3 người con, nhưng điều bất ngờ ở đây là đến năm 43 tuổi bà vẫn có thể sinh hạ hoàng tử cho Minh Mạng, chứng tỏ Minh Mạng đối với bà đặc biệt ân ái, không vì tuổi tác mà giảm đi ân sủng. Hơn thế nữa, vị phân Minh Mạng ban cho bà luôn cách xa những người phụ nữ khác vạn dặm. Ân theo ghi chép, trước khi được phong Hiền phi thì tước vị của bà là Hiền tần, ở dưới Tam phi và Tam tu (theo quy chế hậu cung trước năm Minh Mạng thứ 17, hậu cung gồm Tam phi, Tam tu, Cửu tần, Tam chiêu, Tam sung, và Lục chức), đứng thứ 2 trong Cửu tần (dưới Quý tần) nhưng những vị trí ở trên bà luôn bỏ trống, trừ Tu nghi Phạm thị đã qua đời, bà đứng trên tất cả những người phụ nữ khác của Minh Mạng, kể cả nguyên phối Hồ thị vốn chỉ được truy phong làm Chiêu nghi (thuộc Tam chiêu). Hơn nữa, theo thực lục, năm Minh Mạng thứ 14, nhà vua định lương bổng cho nội cung, đứng đầu là Hiền tần với 350 quan tiền và 160 phương gạo mỗi năm, kế tiếp là Tiệp dư, Mỹ nhân, Tài nhân…. cho thấy hoàng đế đã cho bà vị trí vô cùng đặc biệt, không chỉ đứng đầu hậu cung mà còn cách xa những người khác rất nhiều khi vị trí cao nhất sau bà chỉ là Tiệp dư nhỏ nhoi, bỏ trống hoàn toàn các tước vị từ Trang tần đến Sung viên.
.
.
Địa vị của bà lại cao thêm một bậc vào năm Minh Mạng thứ 17, khi bà được tấn phong làm nhất giai Hiền phi, chính thức đứng đầu hậu cung, trên cả 2 phi tần quá cố trước đó của Minh Mạng là Hồ thị (nguyên phối, được truy phong làm Thần phi, đứng thứ 3 trong hàng nhất giai) và Phạm thị (được truy phong Gia phi thuộc nhị giai), là người phụ nữ đầu tiên của triều Nguyễn chân chính hưởng ngôi phi. Hậu duệ họ Ngô còn lưu giữ sách phong của bà, trong đó có câu:
"Đoái tưởng Hiền tần họ Ngô, con dòng của giống, xứng trang nghi phạm trong sáu cung. Nàng theo trẫm từ lúc tiềm để đến bây giờ, hơn ba mươi năm, khi phòng tiêu, khi viện quế, khi gối phụng, khi màn loan, đỡ trắp nâng khăn, đoan trang nét ngọc, thức khuya dậy sớm, chầu chực vén màn. Càng sủng quyến chừng nào, lại càng khiêm thuận chừng nấy. Vậy nên, lệ ban giai mới định, liền chiếu luật gia phong. Nay tấn phong làm Hiền phi, nàng đã chước lấy quốc ân, phải hết sức lo toan nội chính. Trau dồi nết tốt, chữ trinh ghi lấy làm lòng, nhuần thấm ơn sâu, cội phúc giữ cho phỉ dạ".
.
Sự sủng ái của Minh Mạng dành cho bà còn thể hiện qua đãi ngộ dành cho gia đình bà. Ngay khi vừa mới lên ngôi, Minh Mạng đã cho truy phục chức của cha bà thành Chưởng cơ, sau này còn cho em trai bà là Ngô Văn Thắng làm Cai đội.
Đáng kể nhất phải nói đến sự thiên vị rõ rệt của Minh Mạng dành cho các con của bà. Đứa con đầu tiên của hai người được sinh ra vào tháng 8 năm Gia Long thứ 6 (1807), khi ấy Hiền phi mới 16 tuổi. Hoàng tử được ban tên là "Trinh" (晸), đây là một chữ hiếm, sách “Ngọc Thiên” (玉篇) chú giải chữ này có nghĩa là “sự xuất hiện của mặt trời”, mặt trời tượng trưng cho đế vương, cho thấy cái tên này tôn quý cỡ nào, chưa nói đến việc hoàng tử Trinh là đứa con đầu tiên được Minh Mạng ban bộ Nhật trong tên. Chính Minh Mạng trong hội điển cũng khẳng định “Nhật tượng trưng cho cái nghĩa làm vua”, cho thấy ông đối với đứa con này có bao nhiêu yêu quý, bao nhiêu kỳ vọng. Đáng tiếc hoàng tử phúc mỏng, mới một tuổi đã ly thế, rời đi vòng tay của cha mẹ. Sau này Minh Mạng đặt ra đế hệ thi cùng 20 chữ bộ Nhật làm chữ húy cho các vua sau này, tên hoàng tử Trinh vẫn không đổi, cảm giác người cha Minh Mạng vẫn luyến tiếc đứa nhỏ này, muốn mãi mãi ôm ấp vầng mặt trời nhỏ năm ấy ở trong lòng mình. Có thể tưởng tượng được khi cậu mất đi, trong lòng hoàng đế có xiết bao thảm đạm, có lẽ vì vậy mà suốt 3 năm sau đó, tiềm để vẫn luôn không có tiếng khóc trẻ thơ chào đời. Mà Hiền phi, mất đi ánh mặt trời đầu tiên trong cuộc đời, cũng phải 4 năm sau mới tiếp tục hoài thai, sinh ra Vĩnh Tường quận vương Miên Hoành, một sự bù đắp rất lớn cho mất mát trước đây.
Miên Hoành thuở nhỏ được đặt tên là "Thự" (曙), có nghĩa là rạng đông, tựa như cậu đến với thế gian này đã mang đến ánh bình minh cho cuộc đời phụ mẫu, xua tan bong đêm đằng đẵng sau khi mặt trời nhỏ của bọn họ mất đi. Thiên gia vô tình, ánh sáng ấm áp ấy cũng chỉ sưởi ấm cha mẹ một đoạn đường ngắn, 25 năm sau cậu trai ấy cũng buông tay nhân thế đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng 25 năm này quả thực đã trải qua rất hạnh phúc, Miên Hoành chịu sự yêu thương tha thiết của phụ hoàng, tình cảm ấy in đậm qua từng trang sử sách. Thực lục chép lại hoàng đế đối với đứa con trai này “rất yêu”, “rất đau xót”. Hội điển ghi lại vua đối với cậu “yêu thương nồng hậu”, “đau xót chưa nguôi”. Bài tựa tập thơ Ninh Tĩnh của Trương Đăng Quế cũng cảm thán cậu là người “Hoàng thượng tố sở chung ái yên”. Miên Hoành năm Minh Mạng thứ 11 được phong tước công, lấy Vĩnh Tường làm tên tước, cùng với em trai cùng mẹ Miên An là 2 người trẻ tuổi nhất trong những hoàng tử được phong tước năm ấy. Sau khi được phong tước, cậu càng được Minh Mạng coi trọng, giao cho những việc trọng đại mà không hoàng tử nào có được: cùng vua đi hành cung Quảng Trị và thay vua hỏi tuổi các cụ già, sau đó lại thay vua cày ruộng tịch điền, tế lễ ở Thái miếu nhân lễ Thu hưởng… có lẽ vì những đặc ân thâm hậu ấy mà có lời đồn đoán Hoàng đế muốn lập Miên Hoành làm Thái tử, đến nỗi cung Từ Thọ phải can thiệp. Tuy nhiên đó cũng chỉ là lời đồn xuất hiện trong các bài báo gần đây, còn sử liệu xưa vẫn chưa thấy chỗ nào nói đến. Ngôi vị chí tôn là thứ biết bao kẻ thèm muốn, nên Minh Mạng sủng ái Miên Hoành như vậy, đối với cậu chưa chắc là phúc phận, chỉ một năm sau khi cậu nhận trọng trách tế Thái miếu, chàng trai rất đỗi tài hoa, phong nhã ấy đã đột ngột lâm bệnh nặng mà ra đi trong vòng tay phụ thân, chỉ vừa 26 tuổi. Thực lục chép lại Hoàng đế Minh Mạng vẫn luôn đến thăm nom, chăm sóc, trò chuyện cùng đứa con trai yêu dấu cho đến tận khi cậu qua đời, nhưng thương thay dẫu có làm bao nhiêu chuyện vẫn không thể đem ánh sáng ấy lưu lại trên thế gian này, vừng dương ấm áp lại một lần nữa mãi mãi tắt đi. Người cha đầu bạc bi thống tiễn đưa đứa con mệnh khổ, đặc biệt truy phong cậu làm quận vương, nghỉ triều 5 ngày, đối với con cái của cậu vô cùng hậu đãi, phá lệ cho cháu nội Hồng Hi tập tước quận công (trong khi đó, con trai của hoàng trưởng tử Miên Tông chỉ được phong đình hầu, cách biệt rất lớn). Tuy chỉ bầu bạn một đoạn thời gian ngắn ngủi, nhưng những ký ức đẹp đẽ mà Miên Hoành đã đem lại cho cuộc đời cha mẹ cậu sẽ luôn còn mãi, có lẽ nhờ có cậu đến với thế gian này mà Hiền phi mới có thể đạt đến niềm vui sau sự ra đi của hoàng tử Trinh, mới có thể liên tục sinh ra con trai con gái, một nhà mấy người cùng nhau trải qua một quãng nhân sinh hạnh phúc.

Một năm sau khi Miên Hoành sinh ra, hoàng nữ đầu tiên của Minh Mạng – Nguyễn Phúc Ngọc Tông cũng oa oa chào đời. Dù chỉ là con gái, nhìn cái tên cũng biết người cha đã coi bé như châu ngọc trên tay, không chỉ tên và chữ lót đều có bộ ngọc, mà chữ "Tông" (琮) còn mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Chữ "Tông" tra trong sách Chu lễ, có nghĩa là vật tế đất thời xưa, là vật quý của đế vương, ái tử của Càn Long hoàng đế và Hiếu Hiền hoàng hậu cũng tên là Tông, cho thấy Minh Mạng đã tâm tư như thế nào, vui sướng như thế nào khi đặt tên cho cô con gái nhỏ. Hoàng nữ bé mệnh bạc, năm 13 tuổi cũng theo anh trai sang bên kia thế giới, nhưng đến cuối cùng vẫn là viên ngọc quý trong lòng phụ thân, chưa từng thay đổi. Minh Mạng phá lệ ban thụy là An Tĩnh (安静), điều trước giờ chưa từng có với những hoàng nữ mất sớm, hơn nữa còn đặc biệt cho cô bé một gian thờ trong Thân Huân từ, không hề kém cạnh các công chúa đã được sắc phong, trong khi các hoàng muội phúc mỏng khác của cô chỉ được thờ chung với nhau ở gian thứ gian thờ này. Sinh Ngọc Tông chưa lâu, Hiền phi lại tiếp tục hoài thai, sinh hạ hoàng nhị nữ.
.
Ngày xưa trọng nam khinh nữ, con gái chào đời, dẫu là trong chốn cung vi cũng sẽ bi lạnh nhạt nhiều so với con trai, dẫu sao có nhiều con trai vẫn tốt hơn. Nhưng Minh Mạng cũng không để ý, vui sướng đón nhận hài nhi chào đời, như muốn khích lệ ái phi, ông đã đặt cho con gái cái tên "Chương Gia" (璋珈). Chương, Kinh Thi có câu “Nãi sinh nam tử, (...) Tái lộng chi chương” (đẻ ra con trai, cho chơi ngọc chương), nên mới có câu “lộng chương chi hỉ” để chỉ việc sinh con trai. Từ chữ Chương này cho thấy, Minh Mạng rất vui mừng khi con gái chào đời, xem việc cô bé sinh ra không khác gì có con trai. Còn chữ Gia lại hàm chứa tình cảm ấm áp sâu kín Minh Mạng dành cho người phụ nữ trong lòng mình, gợi nhớ đến câu thơ trong Kinh Thi “Quân tử giai lão, phổ kê lục gia, uy uy đà đà, như sơn như hà”, một câu “Quân tử giai lão” này có biết bao sâu nặng, vợ chồng dân gian cũng chỉ mong đến như thế, một lời hứa mãi mãi bên nhau. Cổ thư còn nói, Gia vốn là tên gọi một loại trang sức của vương hậu, điều này cũng thể hiện được phần nào vị trí của Hiền phi trong lòng Minh Mạng. Mà chẳng cần phân tích sâu xa, chỉ riêng việc các con gái của Hiền phi được đặt tên là các loại ngọc đẹp trong khi các Hoàng nữ khác đều là các đức tính thông thường cũng đủ thấy sự coi trọng đặc biệt của hoàng đế dành cho mẹ con bà.

Sinh Chương Gia xong, hai năm một, Hiền phi lại lần lượt sinh hạ hoàng tam nữ và hoàng lục tử, những năm này có lẽ là những tháng năm hạnh phúc nhất của bà. Tam nữ Uyển Diễm tên cũng là ngọc quý, vẫn luôn giống như cái tên, cùng các chị em của mình làm bảo vật trong tay cha. Nhưng vì ánh sáng của ngọc quý thường quá mờ nhạt, quá yếu ớt chăng, nên chung quy vẫn không thể bảo hộ bọn họ một đời, công chúa lấy chồng chưa lâu, mới 22 tuổi cũng đã buông tay thế nhân, nắm tay anh trai Miên Hoành, chị gái Ngọc Tông, còn có em gái phúc bạc cũng vừa mất trước đó là Thụy Thục bé nhỏ. Đáng thương Thụy Thục, thời điểm được sinh ra, Hiền phi đã gần 40 tuổi, trước đó lại mất đi Ngọc Tông, rồi sinh hạ Miên Phong, cô con gái út này của Hiền phi có lẽ vẫn luôn yếu ớt tồn tại, phảng phất bầu bạn với mẹ, thay thế chỗ trống của Ngọc Tông, rồi đến một năm kia cũng tựa như pháo hoa rực rỡ mà tắt đi sinh mệnh, bé con 7 tuổi theo anh trai chị gái về thế giới bên kia lặng lẽ, không biết đến tột cùng ba chữ “vua rất thương” kia trong sách sử khi nói đến việc truy phong Uyển Diễm làm công chúa, là tình thương của riêng Minh Mạng với Uyển Diễm, hay vẫn có một phần bi thương của Hoàng đế đối với một đứa con gái nhỏ khác cũng không may qua đời? Hiền phi 2 năm mất đi 3 đứa con, dám nghĩ trong cung lúc đó, không có người mẹ nào đau thương hơn bà ấy.
Sinh thật nhiều thật nhiều, cuối cùng lại vô lực bảo vệ, quá nửa đã lần lượt rời xa vòng tay mình. Bọn nhỏ được hoàng đế yêu thương thật nhiều, cũng vô pháp có được một đời bình an phúc thọ. Nếu không phải còn có 3 trai 1 gái, sợ rằng Hiền phi tim nát thành ngàn mảnh có lẽ đã sớm không chống đỡ nổi.

Giống như muôn bù đắp thật tốt cho Hiền phi, Minh Mạng đối với những đứa trẻ còn lại do bà sinh ra thì sự yêu thương càng nhiều hơn. Hoàng tử Miên An mới 14 tuổi đã được phong Phú Bình công, là một trong những hoàng tử trẻ nhất được phong tước công của triều Nguyễn, lớn hơn một chút thì được nhậm chức Tôn nhân phủ Hữu tôn nhân. Những việc thân cận như cúng giỗ, tặng quà cho hoàng thúc, bưng rượu trong yến tiệc…. Minh Mạng đều ưu ái cho cậu làm. So với các anh trai tước Công khác, Miên An rất trẻ, vẫn chưa có nhà vườn riêng như họ. Vua sợ cậu tủi thân, gọi riêng vào cung dỗ dành, nói rằng nhất định sẽ cho cậu như các anh. Thân là thần tử, những chuyện ban thưởng như vậy, nếu Hoàng đế không cho thì cũng thực sự rất bình thường, nhưng Minh Mạng lại để tâm đến vậy, có lẽ với ông, khoảng cách quân thần thực sự đã bị xóa nhòa, ông chỉ còn là một người cha thương xót con đẻ, một người chồng muốn an ủi trái tim vỡ nát của người mình luôn yêu thương. Miên Phong và Miên Uyển còn rất nhỏ đã được phong tước, cảm giác Minh Mạng không chờ bọn nhóc lớn lên nổi, một đứa 13 tuổi đã là Quốc công, cậu út Miên Uyển phong Quận công mới 7 tuổi, là trường hợp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhà Nguyễn. Không chỉ có vậy, Minh Mạng ban thưởng cho bọn họ cũng rất thiên vị, nhất là Miên Uyển, có lần vua ban thưởng các hình thú bằng vàng cho các hoàng tử, số vàng thưởng của Miên Uyển lên đến 19 lạng, chỉ thua 2 người anh lớn là Trường Khánh công và Thọ Xuân công một chút.

.
Nếu những năm tháng ấy có thể kéo dài thì thật tốt. Đáng tiếc, lịch sử không có nếu như. Chút bù đắp nho nhỏ đó vẫn chưa kịp làm lành được những vết thương cũ thì vết thương mới lại xuất hiện, lần này đến Minh Mạng phải nói lời tạm biệt, buông tay đi xuống địa ngục tái tục luân hồi, thành trì cuối cùng trong tim Hiền phi cũng sụp đổ tan tành, 2 năm sau bà cuối cùng cũng, thoát khỏi Tử Cấm Thành, bay đi đoàn tụ với con trai con gái, cuộc đời huy hoàng của một sủng phi cuối cùng cũng khép lại, để lại biết bao truyền kỳ.
Nhiều giai thoại nói về mối tình rực rỡ của bà và vị Hoàng đế phong lưu nhất triều Nguyễn, nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện thoi vàng, kể rằng vua sợ bà sang thế giới bên kia không có gì chơi nên đã đặt vào tay bà 2 thỏi vàng khi bà qua đời, nhưng nếu sự thật được như vậy đã tốt, rốt cuộc là Hiền phi phải trải qua tang con, tang chồng, chống đỡ hơi tàn mấy năm, bi thương thêm mấy năm, ở thời điểm Tân đế đăng cơ thì bà qua đời, đó là năm Thiệu Trị thứ 2 (1843), đã 2 năm sau khi Minh Mạng băng hà.
Bất quá, vị sủng phi này tựa hồ vẫn luôn là một người vô khuyết, không những dạy dỗ con cái chu toàn, đối với tân đế - con riêng của chồng mình có lẽ vẫn luôn không tệ, khi bà mất Thiệu Trị đế đã nghỉ triều 3 ngày, ban thụy là Tuệ Khiết, dựng cho bà một đền thờ. Hơn 30 năm mệt mỏi kết thúc bằng một tẩm mộ hoang phế trong một khu rừng xa xôi chốn đế lăng, trên bia đề “Tiền triều Hiền phi Ngô thị chi tẩm”, một thần bài “Sinh mẫu tiền triều Hiền phi Ngô thị” nơi khám thờ của Vĩnh Tường quận vương, cùng đôi dòng thoáng qua trong sử sách, vậy mà cuộc đời giai nhân ấy lại có thể hiện lên rõ ràng như thế, rực rỡ như thế….
Nguồn: Thiên Nam Lịch đại hậu phi
95553b9e3e013e389b8084fe4b8611c1.jpg
 

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
Ngô Văn Sở làm Chưởng cơ Quản đạo ở trấn Thanh Hoa

ok. Nếu e đọc các tài liệu khác nhau sẽ có hai Ngô Văn Sở (một làm quan lại cho Tây Sơn, bị sát hại; một thì làm quan cho nhà Nguyễn). Theo gia phả họ Ngô, ông làm quan cho nhà Tây Sơn và về sau thì bỏ trốn theo chúa Nguyễn Ánh (năm 1795), làm quan cho Gia Long đế

Trong bài “Có một hay hai NGô Văn Sở” đăng trên Nội san Họ Ngô Việt Nam năm 2009, tác giả NGô Vui cho biết:
Ông Ngô Văn Sở theo Gia Long quê huyện Đăng Xương, phủ Thừa Thiên, sau vào ngụ ở Gia Định. Ông có vợ là bà Nguyễn Thị Đích, người Thăng Long, có 3 con, 1 gái 2 trai là: Ngô Thị Chánh, Ngô Văn Thắng và Ngô Văn Thọ. Bà Chánh là sủng phi của vua Minh Mạng, Ngô Văn Thắng làm quan đến chức Cai đội cùng thời.
Còn Đại Tư mã Ngô Văn Sơ danh tướng của Tây Sơn người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), ông vốn gốc Trảo Nha, huyện Thạch Hà (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), thuộc Chi thứ V họ Ngô – Trảo Nha, Hà Tĩnh. Ông có 6 bà vợ và 2 con trai (không có con gái) là Ngô Văn Đắc và Ngô Văn Nhật. Người con cả Ngô Văn Đắc có 2 con là Ngô Văn Chương và Ngô Văn Kỳ. Năm 1802, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, cả 2 con trai và 2 cháu nội của Ngô Văn Sở chạy trốn khỏi quê, đến nay chưa rõ.
 
Last edited by a moderator:

Phạm Hà Mi

Học sinh
Thành viên
12 Tháng chín 2018
70
64
21
27
Hà Nội
sư phạm hà nội
Trong bài “Có một hay hai NGô Văn Sở” đăng trên Nội san Họ Ngô Việt Nam năm 2009, tác giả NGô Vui cho biết:
Ông Ngô Văn Sở theo Gia Long quê huyện Đăng Xương, phủ Thừa Thiên, sau vào ngụ ở Gia Định. Ông có vợ là bà Nguyễn Thị Đích, người Thăng Long, có 3 con, 1 gái 2 trai là: Ngô Thị Chánh, Ngô Văn Thắng và Ngô Văn Thọ. Bà Chánh là sủng phi của vua Minh Mạng, Ngô Văn Thắng làm quan đến chức Cai đội cùng thời.
Còn Đại Tư mã Ngô Văn Sơ danh tướng của Tây Sơn người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), ông vốn gốc Trảo Nha, huyện Thạch Hà (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), thuộc Chi thứ V họ Ngô – Trảo Nha, Hà Tĩnh. Ông có 6 bà vợ và 2 con trai (không có con gái) là Ngô Văn Đắc và Ngô Văn Nhật. Người con cả Ngô Văn Đắc có 2 con là Ngô Văn Chương và Ngô Văn Kỳ. Năm 1802, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, cả 2 con trai và 2 cháu nội của Ngô Văn Sở chạy trốn khỏi quê, đến nay chưa rõ.
em vẫn đinh ninh ông này là Ngô Văn Sở nhà Tây Sơn, sau bỏ theo nhà Nguyễn đấy ạ
 
  • Like
Reactions: Thái Minh Quân

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
anh cũng chưa rõ nữa em ơi, nên anh mới đặt trường hợp như thế, nhỡ có hs có thắc mắc thì mình biết và tìm đường để nói với nó
 

Ruka93

Banned
Banned
Thành viên
16 Tháng chín 2018
460
437
76
30
Hà Nội
THPT Thạch Thất
Một giả thuyết đưa ra là: Ngô văn sở trốn thoát khỏi thành Thăng Long trong cuộc binh biến của Võ Văn Dũng rồi tuồn về Quy Nhơn ẩn dật sau đó đầu nhập làm giám quân cho Võ Tánh, rồi về với Nguyễn Vương trong số những tướng lĩnh được Trần Quang Diệu tha cho về sau khi thành Quy Nhơn thất thủ
 
Top Bottom